Monday, 19 October 2020

TẤM LÒNG GIÁO KHOA THƯ (Lê Học Lãnh Vân)

 


Tấm Lòng Giáo Khoa Thư    

Lê Học Lãnh Vân

19/20/2020

https://www.diendan.org/sang-tac/tam-long-giao-khoa-thu

 

 

Vương bước chân vào tiểu học đầu thập niên 1960. Học sinh thời đó không còn học Quốc Văn Giáo Khoa Thư, quyển sách được soạn cho học sinh tiểu học chương trình tiếng Việt thời Pháp thuộc.

 

Vậy mà hình thức, tên và nội dung quyển sách đó in đậm trong đầu óc.

 

Bởi vì quyển sách được đặt nơi trang trọng trong tủ sách gia đình. Bởi vì thỉnh thoảng, trong các bài tập đọc Vương được học, có bài được trích ra từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Bởi vì ông bà Trọng và chị Hai, chị Ba thường nhắc tới những bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, và thỉnh thoảng các chị dùng chúng để chỉ dạy cho đứa em nhỏ trước một sự việc nào đó trên chập chững đường đời…

 

Cho nên, dù còn trong bậc tiểu học, đọc chuyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, thằng nhỏ đồng cảm và rất thích thú!

 

Khi nước nhà hòa bình và thống nhất năm 1975, chú Ba của Vương trở lại Sài Gòn. Trong bữa cơm gia đình, nhắc tới bến đò quê hương nơi miền xa lục tỉnh, nơi những gia đình bạn thân thiết sống liền kề nhà nhau, ông Trọng nói với chú Ba rằng em bây giờ là người đi xa mai mốt trở về thăm quê hương, như chuyện kể trong bài học Quốc Văn Giáo Khoa Thư hồi xưa! Chú nói mấy bài học trong sách đó sao mà thấm vô lòng mình lâu quá, ngẫm lại hồi đó em bỏ học theo kháng chiến chống Pháp cũng bởi có mấy bài đó trong đầu…

 

Ôi chao, một quyển sách học đầu đời mà sao để trong lòng người nỗi niềm sâu đậm vậy suốt năm chục năm sau, cho tới gần cuối đời?

 

Có người giải thích bởi ngày trước thời cuộc biến chuyển chậm, năm mươi năm xưa và năm mươi năm sau nếp sống không khác nhau mấy. Không như bây giờ, thế hệ sau khác quá nhiều so với thế hệ trước.

 

Bản thân Vương lại nghiệm ra rằng chẳng những anh mang trong lòng những bài học thời mình học tiểu học như bài Nước Tôi của Nguyễn Văn Cổn dưới đây:

 

“...Nước tôi đã đúc thành một khối,
Tự Nam Quan cho tới Cà Mau
                   …
Đây là nơi mồ chôn kẻ trước,
Đây là nơi hẹn ước kẻ sau,
Nghìn thu sinh tử chung nhau,
Chung thương, chung nhớ, chung sầu, chung vui.
Nước non thế, ai người biết tới?
Biết hay không cũng tại lòng ta!
Hỏi rằng nước ấy bao xa?
Thưa rằng: Nước ấy tên là Việt Nam”

 

Mà cũng mang những bài học Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) thời lớp Đồng Ấu của cha anh.

 

Ấy là bởi những bài học sao mà dễ hiểu và du dương thế! Xin cùng nghe:

 

Năm nay tôi lên bảy tuổi. Tôi không còn chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé. Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa.

Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học, học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng” (QVGKT)

 

Hay

 

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
” 

(Ca dao, bài học thuộc lòng trong QVGKT).

 

Ấy là bởi những bài học ấy sao mà gần gũi thế! Bàn thờ gia tiên, căn nhà, đường làng, xóm giềng, trường học, cánh đồng… Các con vật, cây cối, con trâu, con gà, chim sơn ca, chim chèo bẻo, cây đa, cây tre, cùng vật dụng thân quen… Cảnh ăn cơm với gia đình, cảnh cúng ông bà, cảnh làm ruộng, cảnh học đường… Cảnh mẹ nấu cơm, bà ru cháu, ông đọc sách…

 

Ấy là bởi những bài học ấy sao mà thiết tha thế! Chúng động vào nỗi lòng của đứa con trong gia đình, của người học trò đối với Thầy Cô, của người bạn trong học đường, của đứa trẻ trong xóm và ra ngoài xã hội… Chúng dạy điều Hiền Lành, Thực Thà, Lễ Phép, Biết Tha Thứ, những điều sẽ đi với con người suốt cuộc đời, sẽ gắn kết con người với con người trong mọi mối quan hệ gia đình, nghề nghiệp, xã hội, những điều giúp con người hạnh phúc dài lâu.

 

Làm sao mà những đứa trẻ học những bài học đó lớn lên không trở thành công dân siêng năng, lương thiện, có trách nhiệm với gia đình, tổ quốc, những công chức liêm chính, những con người lấy phụng sự xã hội làm niềm vui, lẽ sống?

 

Những con người đó, cùng với kiến thức khổ luyện, tập hợp lại thành tầng lớp tinh hoa của quốc gia, tiên phong trong lãnh vực tri thức. Tầng lớp đó hiện nay ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này?

 

Lê Học Lãnh Vân

 

(ngày 16 tháng 10 năm 2020 – trong những ngày
xã hội phản ứng với sách Giáo Khoa Tiếng Việt
Lớp 1 của bộ sách Cánh Diều
)

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats