Tại
sao người Mông Cổ lo sợ bị Trung Quốc thôn tính?
Denny Roy (PacNet #57)
Biên dịch: Phan
Nguyên
19/10/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/10/19/tai-sao-nguoi-mong-co-lo-so-bi-trung-quoc-thon-tinh/
Nhiều người Mông Cổ lo sợ
Trung Quốc cuối cùng sẽ tiếp quản đất nước của họ. Và họ có lý do để lo lắng
như vậy.
Mông Cổ dễ bị tổn thương
về mặt địa lý. Đây là một vùng đất rộng lớn (gấp 4 lần diện tích của Đức) với
dân số thưa thớt chỉ 3 triệu người. Mông Cổ được bao quanh hoàn toàn bởi hai quốc
gia lớn hơn và đông dân hơn nhiều lần, những nước có thể dễ dàng chinh phục họ
nếu muốn. Mông Cổ cũng có giá trị kinh tế đáng kể. Nước này rất giàu khoáng sản,
bao gồm than đá, đồng và uranium. Trung Quốc là nước sử dụng rất nhiều than, nhập
khẩu ròng đồng và cần nguồn uranium từ bên ngoài để cung cấp nhiên liệu cho các
nhà máy điện hạt nhân ngày càng nhiều của họ.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ
năm 1911, Mông Cổ đã được độc lập trong một thời gian ngắn (đến năm 1919) trước
khi bị Trung Quốc chiếm đóng (1919-1921), rồi được giải phóng bởi Bạch Nga
(1921), sau đó là trở thành quốc gia vệ tinh của Liên Xô (1921-1990). Họ đã tự
giải phóng khỏi đế chế Xô-viết đang sụp đổ vào cuối Chiến tranh Lạnh và trở
thành một nền dân chủ không liên kết thông qua một cuộc cách mạng không đổ máu.
Kể từ đó, cả Bắc Kinh và Moskva đều chấp nhận một nước Mông Cổ độc lập vì quốc
gia này tạo thành một vùng đệm thuận tiện giữa hai nước và vì mỗi bên đều muốn
tránh gây bất an cho bên kia.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu
Bắc Kinh có bao giờ quyết định sáp nhập Mông Cổ hay không. Có một số lý do tại
sao điều đó có thể xảy ra. Chiếm hữu Mông Cổ sẽ giúp giải quyết được các vấn đề
mà một nước Mông Cổ độc lập đặt ra cho Trung Quốc.
Việc người Mông Cổ có một
đất nước riêng ở bên kia biên giới Trung Quốc là một trở ngại đối với kế hoạch
đồng hóa các dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Mông Cổ duy trì và truyền cảm hứng
cho chủ nghĩa dân tộc của người Mông Cổ ở Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2020, chính
phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch hạn chế việc sử dụng tiếng Mông Cổ, thay vào
đó dùng tiếng Quan Thoại trong các trường học của Khu tự trị Nội Mông. Người
dân Mông Cổ đã biểu tình tại thủ đô của họ nhằm thể hiện tình đoàn kết văn hóa
với đồng bào của họ ở Trung Quốc. Cựu tổng thống Mông Cổ đã gửi một lá thư tới
chính phủ Trung Quốc, gọi việc thay đổi chính sách ngôn ngữ là một “hành động
tàn bạo”.
Một Mông Cổ độc lập đã
thiết lập quan hệ song phương thân thiết với Hoa Kỳ theo chính sách “láng giềng
thứ ba”, nhằm tạo đối trọng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Mối liên hệ với
Hoa Kỳ đang đe dọa Trung Quốc theo hai cách. Đầu tiên, các mối quan hệ này bao
gồm hợp tác an ninh. Mông Cổ là một “quốc gia đối tác của NATO”, tham gia vào
các hoạt động huấn luyện và đào tạo chung với Hoa Kỳ và đã đóng góp binh sĩ cho
các cuộc chiến do Hoa Kỳ dẫn dắt ở Afghanistan và Iraq. Thứ hai, quan hệ Mỹ –
Mông Cổ nhấn mạnh mối quan tâm chung của hai nước đối với dân chủ. Do chính phủ
Trung Quốc coi việc thúc đẩy dân chủ là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm lật đổ sự
cai trị của ĐCSTQ, trong mắt Bắc Kinh, Mông Cổ đã trở thành một tiền đồn tiềm
năng của hoạt động lật đổ nằm ngay trên biên giới Trung Quốc. Tính minh bạch và
trách nhiệm giải trình mà một nền dân chủ tự do đòi hỏi cũng mâu thuẫn với
phương thức hoạt động ưa thích của Trung Quốc là mua chuộc giới tinh hoa của
các nước đối tác để mở đường cho các giao dịch kinh doanh song phương.
Một nước Mông Cổ độc lập
mang lại một không gian chiến lược mà các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc có
thể lấp đầy. Người Trung Quốc vẫn nhớ việc Liên Xô triển khai quân đội và vũ
khí tại Mông Cổ trong Chiến tranh Lạnh, và việc một đội quân Liên Xô – Mông Cổ
đã tiến vào Trung Quốc từ lãnh thổ Mông Cổ trong những ngày cuối Thế chiến II.
Biên giới Mông Cổ với Trung Quốc chỉ cách Bắc Kinh 350 dặm.
Chủ nghĩa “thu hồi lãnh
thổ” (irredentism) của Trung Quốc, hay sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc
nhân danh chủ nghĩa đó, được áp dụng ở Mông Cổ. Người Trung Quốc thường nghĩ rằng
Mông Cổ thuộc về Trung Quốc trong lịch sử. (Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc
trước đây, hiện vẫn còn được áp dụng ở Đài Loan, coi Mông Cổ là một phần lãnh
thổ Trung Quốc.) Nội Mông, vốn tiếp giáp với Mông Cổ về phía nam và phía đông,
đã là một tỉnh của CHND Trung Hoa, nơi sắc tộc Mông Cổ còn đông hơn so với ngay
dân số của chính Mông Cổ.
Trung Quốc đang muốn yêu
sách các vùng lãnh thổ ở ngoại vi Trung Quốc. Hơn nữa, các yêu sách của Trung
Quốc không phải bất biến về mặt lịch sử. Tại các khu vực khác giáp Trung Quốc,
các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đã gia tăng trong những năm gần đây. Vào cuối
những năm 1940, ban lãnh đạo ĐCSTQ vẫn nói rằng Đài Loan nên được độc lập;
nhưng ĐCSTQ ngày nay nói rằng Bắc Kinh nên cai trị Đài Loan. Sự quan tâm nghiêm
túc của Trung Quốc đối với Biển Đông cũng chỉ xuất hiện sau khi các kết quả khảo
sát vào đầu những năm 1970 cho thấy trữ lượng dầu khí đáng kể. Sau đó, Bắc Kinh
đã làm sống dậy bản đồ “đường chín đoạn” được vẽ ra lần đầu bởi chính phủ Trung
Hoa Dân quốc trước đây vốn bị ĐCSTQ coi là bất hợp pháp. Đầu thế kỷ này, một dự
án nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã khẳng định rằng trong thời kỳ
tiền hiện đại, miền Bắc bán đảo Triều Tiên là một phần của đế chế Trung Quốc,
ngầm đặt cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực ngày nay là lãnh thổ
Bắc Triều Tiên. Điều này đã gây ra sự phản đối kịch liệt trong giới truyền
thông và xã hội Hàn Quốc. Năm 2013, các phương tiện truyền thông chính thức
Trung Quốc đưa tin hai học giả và một vị tướng Trung Quốc đặt câu hỏi về chủ
quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu, một phần quan trọng của “chuỗi đảo
thứ nhất” vốn bao gồm các căn cứ của Mỹ trên đảo Okinawa. Năm nay, Trung Quốc mở
rộng yêu sách chủ quyền đối với một khu vực tranh chấp tại biên giới với Ấn Độ
để bao trùm toàn bộ Thung lũng Galwan.
Nếu Trung Quốc tiến vào,
người Mông Cổ không nên trông chờ vào sự giải cứu từ “người hàng xóm thứ ba”.
Hoa Kỳ đã không làm gì để ngăn cản Nga chiếm đóng Crimea hay miền đông Ukraine.
Mỹ đã từ bỏ các đồng minh người Kurd ở Syria vào năm 2019. Việc lực lượng Mỹ cố
gắng can thiệp quân sự vào một cuộc chiến trên bộ chống lại Trung Quốc ở một
khu vực sâu bên trong lục địa châu Á và được bao quanh bởi lãnh thổ và không phận
của Trung Quốc và Nga là một điều không tưởng.
Còn người hàng xóm thứ
hai? Cho đến nay, việc Trung Quốc muốn duy trì quan hệ tốt với Nga đã ngăn
Trung Quốc không thôn tính Mông Cổ. Tuy nhiên, cán cân quyền lực giữa Trung Quốc
và Nga đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nga, với một nền kinh tế
có quy mô tương đương với Ý và phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc, đang thất
thế trong mối quan hệ này. Nếu sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của
Trung Quốc so với Nga tiếp tục, Bắc Kinh có thể sớm có khả năng yêu cầu Moskva
chấp nhận việc Trung Quốc nuốt chửng Mông Cổ và Moskva sẽ phải miễn cưỡng tuân
theo.
Thật không may cho Mông Cổ,
lập luận mạnh mẽ nhất cho rằng khả năng họ bị Trung Quốc thôn tính là thấp lại
nằm ở thực tế Bắc Kinh đã kiểm soát đất nước này thông qua sự thống trị về kinh
tế. Trung Quốc chiếm 80% xuất khẩu của Mông Cổ, cung cấp các khoản đầu tư trực
tiếp quan trọng và giúp kết nối kinh tế Mông Cổ với thế giới bên ngoài thông
qua tuyến đường sắt nối với cảng Thiên Tân của Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung
Quốc đã từng không ngần ngại sử dụng các đòn bẩy kinh tế để trừng phạt Ulaan
Baatar về các vấn đề chính trị, chẳng hạn như khi Mông Cổ tổ chức đón tiếp Đạt
Lai Lạt Ma.
Trong thời kỳ tiền hiện đại,
Mông Cổ từng thống trị một đế chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trong đó
bao gồm cả lãnh thổ Trung Quốc. Địa vị an ninh quốc gia bấp bênh của họ ngày
nay có lẽ là ví dụ về sự đảo ngược số phận khắc nghiệt nhất trong lịch sử nhân
loại.
-----------------
Denny Roy là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm
Đông Tây, Honolulu. Ông chuyên về các vấn đề chiến lược và an ninh quốc tế tại
khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nguồn:
Denny Roy, “Mongolians are Paranoid about China,
and They Should Be”, PacNet #57, 16/10/2020.
No comments:
Post a Comment