Wednesday, 14 October 2020

SỰ TRỖI DẬY CỦA “CHÍNH TRỊ PHẨM GIÁ” (Francis Fukuyama)

 


Sự trỗi dậy của “chính trị phẩm giá”

Tác giả: Francis Fukuyama

Người dịch: Khắc Giang, Quang Thái, Bảo Linh

15/10/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/10/15/su-troi-day-cua-chinh-tri-pham-gia/

 

Tại một thời điểm ở khoảng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21, chính trị thế giới thay đổi đột ngột.

 

Thời kỳ từ đầu những năm 1970 cho đến giữa những năm 2000 chứng kiến hiện tượng mà Samuel Huntington gọi là “Làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa, khi số lượng quốc gia xếp vào nhóm dân chủ bầu cử tăng từ khoảng 35 lên đến 110. Trong thời kỳ này, dân chủ tự do đã trở thành hình thức chính quyền mặc định cho phần lớn thế giới, ít nhất là về khát vọng nếu không phải là trên thực tế.

 

Song song với sự chuyển đổi về thể chế chính trị là mức tăng trưởng tương ứng về phụ thuộc kinh tế giữa các quốc gia, hiện tượng chúng ta gọi là toàn cầu hóa. Hiện tượng này được bảo đảm bởi các thể chế kinh tế tự do như Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại và thể chế kế nhiệm nó, Tổ chức Thương mại Thế giới. Những thể chế này được bổ sung bởi các hiệp định thương mại khu vực như Liên minh châu Âu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Trong suốt giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng trong thương mại và đầu tư quốc tế vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu và được coi là động lực chính cho thịnh vượng. Từ năm 1970 đến 2008, sản lượng hàng hóa và dịch vụ của thế giới tăng gấp bốn lần và hầu như tất cả các khu vực trên thế giới đều có tăng trưởng, trong khi số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở các nước đang phát triển giảm từ 42% tổng dân số (1993), xuống còn 17% trong năm 2011. Tỉ lệ trẻ em tử vong trước 5 tuổi giảm từ 22% năm 1960 xuống dưới 5% năm 2016.

 

Tuy nhiên, trật tự thế giới tự do này không mang lại lợi ích cho tất cả. Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nền dân chủ phát triển, bất bình đẳng gia tăng đáng kể, qua đó nhiều ích lợi của tăng trưởng chủ yếu rơi vào tầng lớp tinh hoa, vốn được xác định chủ yếu qua nền tảng giáo dục. Vì tăng trưởng tương quan với khối lượng hàng hóa, tiền tệ, và mức độ chuyển dịch ngày càng tăng, nhiều thay đổi xã hội mang tính đột phá xuất hiện. Ởcác nước đang phát triển, những dân quê trước đây không có điện bỗng dưng thấy mình sống ở các thành phố lớn, được xem TV hoặc kết nối với Internet bằng điện thoại di động nhan nhản khắp nơi. Thị trường lao động tự điều chỉnh với các điều kiện mới bằng cách đưa hàng chục triệu người qua các đường biên quốc tế để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bản thân và gia đình, hoặc tìm cách thoát khỏi cuộc sống không thể chịu đựng được ở quê nhà. Tầng lớp trung lưu mới, đông đảo, trỗi dậy ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng công việc họ làm thay thế công việc vốn thuộc về tầng lớp trung lưu cũ trong thế giới phát triển. Sản xuấtchuyển dần từ châu Âu và Hoa Kỳ sang Đông Á cũng như các khu vực có chi phí lao động thấp khác. Đồng thời, phụ nữ dần thay thế đàn ông trong nền kinh tế mới mà dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế, và những lao động có tay nghề thấp đang bị thay thế bằng máy móc thông minh.

 

Bắt đầu từ giữa những năm 2000, động lực hướng tới một trật tự thế giới cởi mở và tự do hơn bắt đầu chững lại, rồiđảo ngược. Sự thay đổi này diễn ra đồng thời với hai cuộc khủng hoảng tài chính, lần đầu bắt nguồn từ thị trường cho vay dưới chuẩn của Hoa Kỳ vào năm 2008 vốn dẫn đến cuộc Đại Suy thoái sau đó, và lần thứ hai với mối đe dọa đối với đồng Euro và Liên minh châu Âu do Hy Lạp vỡ nợ. Trong cả hai trường hợp, các chính sách của giới tinh hoa dẫn đến những cuộc suy thoái lớn, tỉ lệ thất nghiệp cao và thu nhập giảm đối với hàng triệu lao động bình thường trên toànthế giới. Vì Hoa Kỳ và EU là mô hình kiểu mẫu, những cuộc khủng hoảng này hủy hoại danh tiếng của dân chủ tự do nói chung.

 

Học giả dân chủ Larry Diamond mô tả những năm sau các cuộc khủng hoảng trên là “suy thoái dân chủ”,theo đó tổng số các nền dân chủ đã giảm từ mức đỉnh ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Một số quốc gia chuyên chính, đứng đầu là Trung Quốc và Nga, trở nên tự tin và quyết đoán hơn trước nhiều: Bắc Kinh bắt đầu quảng bá “mô hình Trung Hoa” là con đường đi tới phát triển, trong khi Moscow tấn công vào sự suy thoái tự do ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Một số quốc gia tưởng như đã trở thành các nền dân chủ tự do thành công trong những năm 1990 lại đảo ngược, hướng về phía chuyên quyền, bao gồm Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Ba Lan. Mùa xuân Ả Rập năm 2011 phá vỡ các chế độ độc tài trên khắp Trung Đông, nhưng sau đó gây thất vọng sâu sắc về kỳ vọng mở rộng dân chủ trong khu vực khi Libya, Yemen, Iraq và Syria rơi vào nội chiến. Sự trỗi dậy của khủng bố tạo ra các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín đã không thể bị triệt tiêu sau khi Hoa Kỳ tiến quân vào Afghanistan và Iraq. Thay vào đó, nó chuyển hóa thành Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS, nổi lên như ngọn hải đăng của phong trào Hồi giáo phi tự do và bạo lực trên khắp thế giới. Điều đáng chú ý tương tự với khả năng chống chịu của ISIS là rất nhiều người Hồi giáo trẻ từ bỏ cuộc sống tương đối an toàn ở những nơi khác tại Trung Đông và châu Âu để tới Syria chiến đấu vì lý tưởng.

 

Đáng ngạc nhiên hơn, và có lẽ còn quan trọng hơn, là hai bất ngờ lớn vào năm 2016 liên quan tới bầu cử, khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu và Donald J. Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Trong cả hai trường hợp, cử tri đều bận tâm đến các vấn đề kinh tế, đặc biệt là tầng lớp lao động, những người đối diện với nguy cơ mất việc làm và giải trừ công nghiệp. Nhưng điều quan trọng không kém là sự phản đối nhập cư liên tục trên quy mô lớn, vốn được coi là nguyên nhân khiến người bản xứ mất việc và làm xói mòn bản sắc văn hóa lâu đời. Các đảng chống nhập cư và chống EU mạnh lên ở nhiều nước phát triển, nổi bật là Mặt trận Quốc gia ở Pháp, Đảng Tự do ở Hà Lan, Lối đi khác cho nước Đức (AfD) và Đảng Tự do Áo. Trên khắp lục địa, tồn tại cả nỗi sợ khủng bố Hồi giáo và những tranh cãi về lệnh cấm thể hiện bản sắc Hồi giáo như burka, niqab và burkini.

 

Chính trị thế kỷ 20 được tổ chức dọc theo phổ chính trị tả – hữu, được xác định bởi các vấn đề kinh tế. Phe cánh tả nhấn mạnh hơn đến bình đẳng trong khi cánh hữu ưu tiên tự do. Chính trị cấp tiến tập trung vào người lao động, công đoàn và các đảng dân chủ xã hội tìm kiếm phương thức bảo trợ xã hội và phân phối lợi ích kinh tế hiệu quả hơn. Ngược lại, cánh hữu chủ yếu quan tâm đến việc giảm quy mô của chính phủ và thúc đẩy khu vực tư nhân. Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, ở một số khu vực phổ sóng này dường như đang nhường chỗ cho bản sắc. Cánh tả quan tâm ít hơn đến bình đẳng kinh tế nói chung, và tập trung nhiều hơn vàoviệc đẩy mạnh quyền lợi của nhiều nhóm yếu thế, bị xem là “bên lề”: người da đen, dân nhập cư, phụ nữ, người gốc Latin, cộng đồng LGBT, người tị nạn và các nhóm tương tự. Trong khi đó, phe cánh hữu tái định hình bản thân là những người yêu nước, tìm cách bảo vệ bản sắc dân tộc truyền thống, vốn thường được liên hệ chặt chẽ với chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo.

 

Đây là truyền thống lâu đời, xuất hiện sớm nhất là từ lúc Karl Marx quan niệm đấu tranh chính trị phản ánh xung đột kinh tế, về cơ bản là nhằm phân chia lại khẩu phần của miếng bánh lợi ích. Thật vậy, đây là một phần thời đại những năm 2010, khi toàn cầu hóa tạo ra một nhóm đáng kể những người bị bỏ lại phía sau bởi tăng trưởng chung diễn ra trên khắp thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2016, một nửa số người Mỹ không có thu nhập thực tế tăng lên; tỉ lệ sản phẩm quốc nội thuộc về nhóm 1% đã tăng từ 9% GDP năm 1974 lên 24% năm 2008.

 

Nhưng ngoài lợi ích vật chất, con người cũng được thúc đẩy bởi những động cơ khác, vốn giải thích rõ hơn những sự kiện riêng biệt ở hiện tại. Động cơ này có thể gọi là chính trị phẫn nộ. Trong nhiều trường hợp khác nhau, nhà lãnh đạo chính trị quy tụ những người ủng hộ mình về với nhận thức rằng phẩm giá của họ đang bị thách thức, miệt thị, hay coi thường. Sự phẫn nộ này đòi hỏi sự công nhận của công chúng về phẩm giá của nhóm. Một nhóm bị coi rẻ tìm cách phục hồi phẩm giá sẽ mang sức nặng cảm xúc lớn hơn nhiều so với những người chỉ đơn thuần theo đuổi lợi thế kinh tế.

 

Do đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến thảm kịch khởi phát từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ, và châu Âu lẫn Hoa Kỳ đã lợi dụng sự suy yếu của nước Nga trong những năm 1990 để đưa NATO đến sát biên giới lãnh thổ. Ông khinh thường thái độ cao ngạo đạo đức của các chính trị gia phương Tây và không muốn nước Nga bị đối xử -như tổng thống Obama từng nói – như một chủ thể yếu đuối trong khu vực, mà là một cường quốc. Viktor Orbán, thủ tướng Hungary, tuyên bố vào năm 2017 rằng việc ông trở lại nắm quyền vào năm 2010 đánh dấu thời điểm khi “những người Hungary quyết định rằng chúng ta muốn lấy lại đất nước, chúng ta muốn lấy lại lòng tự trọng và chúng ta muốn lấy lại tương lai của chính mình”. Chính phủ Trung Quốc của Tập Cận Bình đã nói rất nhiều về “trăm năm quốc nhục”, và cách Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác đang cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh trở lại với vị thế cường quốc mà họ đã từng đạt được trong thiên niên kỷ vừa qua. Khi kẻ sáng lập al-Qaeda là Osama bin Laden mới 14 tuổi, mẹ ông ta thấy bin Laden có tình cảm mật thiết với Palestine, “nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khi bin Laden xem ti-vi ở nhà tại Ả Rập Xê Út”. Sự phẫn nộ của ông ta khi người Hồi giáo bị sỉ nhục sau đó xuất hiện ở những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi tình nguyện chiến đấu ở Syria, đại diện cho đức tin mà họ tin rằng đã bị công kích và chà đạp trên khắp thế giới. Họ hy vọng tái lập vinh quang của nền văn minh Hồi giáo trước đó bằng Nhà nước Hồi giáo.

 

Sự phẫn nộ khi mất phẩm giá cũng là một lực đẩy mạnh mẽ ở các quốc gia dân chủ. Phong trào Bảo vệ Sinh mạng Người da đen (Black Lives Matter) khởi phát từ một loạt vụ cảnh sát giết hại người Mỹ gốc Phi được công bố rộng rãi ở Ferguson (Missouri), Baltimore, New York và các thành phố khác. Phong trào này tìm cách hướng thế giới bên ngoài chú ý đến thân phận các nạn nhân từ nạn bạo lực tùy tiện do cảnh sát gây ra. Trong các trường đại học và văn phòng trên khắp nước Mỹ, tấn công tình dục và quấy rối tình dục được xem là bằng chứng cho thấy đàn ông không nghiêm túc coi phụ nữ là bình đẳng với mình. Sự chú ý đột ngột hướng đến những người chuyển giới, nhómdân số trước đây chưa được coi là mục tiêu phân biệt đối xử. Và nhiều người trong số những cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump nhớ về thời kỳ tốt đẹp hơn trong quá khứ, khi họ có vị trí an toàn hơn trong xã hội của chính mình, và hy vọng thông qua hành động của mình có thể “biến nước Mỹ vĩ đại như xưa”. Mặc dù xa cách về thời gian và địa điểm, cảm xúc của những người ủng hộ Putin đối với sự kiêu ngạo và khinh miệt của giới tinh hoa phương Tây cũng giống với cảm xúc của các cử tri ở vùng nông thôn Hoa Kỳ, vốn cảm thấy giới tinh hoa ở đô thị hai bên bờ đại dương và đồng minh truyền thông phớt lờ họ và các vấn đề của họ.

 

Những kẻ thực hành chính trị phẫn nộ nhận ra nhau. Sự đồng cảm mà Vladimir Putin và Donald Trump dành cho nhau không chỉ mang tính cá nhân, mà bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc chung của hai người. Viktor Orbán giải thích, “một số lý thuyết mô tả những thay đổi đang diễn ra ở thế giới phương Tây và sự nổi bật của một tổng thống Mỹ là một cuộc đấu tranh trên chính trường thế giới giữa giới tinh hoa xuyên quốc gia – nhóm được gọi là ‘toàn cầu’ – và giới tinh hoa dân tộc yêu nước”,mà tổng thống Trump là một hình mẫu mới xuất hiện trong tầng lớp này.

 

Trong mọi trường hợp, dù là một cường quốc như Nga, Trung Quốc hay nhóm cử tri ở Hoa Kỳ và Anh, một cộng đồng sẽ tin rằng bản sắc của họ không được công nhận đầy đủ bởi thế giới bên ngoài (trong trường hợp của một quốc gia) hoặc bởi các thành viên khác trong cùng xã hội. Những bản sắc đó có thể rất đa dạng, dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, khuynh hướng tình dục hoặc giới tính. Chúng đều là những biểu hiện của một hiện tượng chung, đó là chính trị bản sắc.

 

Thuật ngữ bản sắc và chính trị bản sắc mới xuất hiện: bản sắc được nhà tâm lý học Erik Erikson phổ biến trong những năm 1950, và chính trị bản sắc xuất hiện trong nhóm chính trị văn hóa vào thập niên 1980 và 1990. Ngày nay, bản sắc có rất nhiều ý nghĩa, trong một số trường hợp chỉ liên quan đến các phạm trù hoặc vai trò xã hội, trong những trường hợp khác là thông tin cơ bản về bản thân (ví dụ như “danh tính [bản sắc] của tôi đã bị lấy cắp”). Khi sửdụng theo nghĩa này, bản sắc luôn tồn tại.

 

Trong cuốn sách này, tôi áp dụng khái niệm bản sắc theo một nghĩa cụ thể để giúp chúng ta hiểu tại sao nó lạiquan trọng đối với chính trị đương đại. Bản sắc phát triển trước tiên từ sự khác biệt giữa nội ngã đích thực (true inner self) của một cá nhân và một thế giới bên ngoài bao gồm các quy luật và quy tắc xã hội, những quy luật và quy tắc vốn không công nhận đầy đủ phẩm giá bên trong đó. Trong suốt lịch sử loài người, cá nhân thường bất hòa với xã hội. Nhưng chỉ thời hiện đại mới xuất hiện quan điểm cho rằng nội ngã đích thực mang giá trị nội tại, và xã hội bên ngoài đã sai lầm một cách có hệ thống và không công bằng khi đánh giá nó. Nội ngã không thể bị ép buộc tuân thủ các quy tắc của xã hội, mà chính xã hội cần phải thay đổi.

 

Nội ngã là nền tảng phẩm giá con người, nhưng bản chất của phẩm giá đó mang tính biến thiên và thay đổi theo thời gian. Trong nhiều nền văn hóa sơ khai, chỉ có một số ít cá nhân có phẩm giá, thường là những chiến binh sẵn sàng mạo hiểm mạng sống trên chiến trường. Trong các xã hội khác, phẩm giá là thuộc tính của tất cả loài người, dựa trên giá trị cố hữu của họ, đó là con người có nhận thức. Và trong các trường hợp khác, phẩm giá thuộc về thành viên củamột nhóm lớn hơn có chung trải nghiệm và nhận thức.

 

Cuối cùng, ý thức bên trong của phẩm giá tìm kiếm sự công nhận. Việc tôi có ý thức về giá trị của mình là không đủ nếu người khác không công khai thừa nhận nó, hoặc tệ hơn, nếu người khác coi thường hay không thừa nhận sự tồn tại của tôi. Lòng tự trọng nảy sinh từ sự kính trọng của người khác. Bởi loài người khao khát sự công nhận một cách tự nhiên, ý thức hiện đại về bản sắc phát triển nhanh chóng thành chính trị bản sắc, theo đó các cá nhân đòi hỏi sự công nhận của công chúng về giá trị của mình. Do đó, chính trị bản sắc bao trùm một phần lớn các cuộc đấu tranh chính trị của thế giới đương đại, từ các cuộc cách mạng dân chủ cho đến các phong trào xã hội mới, từ chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo đến chính trị tại các trường đại học ở Mỹ thời hiện đại. Thật vậy, triết gia Hegel cho rằng cuộc đấu tranh để được công nhận là động lực tối thượng của lịch sử loài người, và là chìa khóa để thấu hiểu sự ra đời của thế giới hiện đại.

 

Trong khi bất bình đẳng kinh tế, phát sinh từ toàn cầu hóa của khoảng 50 năm qua, là yếu tố chính giải thích cho chính trị đương đại, nỗi bất bình về kinh tế lại trở nên gay gắt hơn nhiều khi gắn liền với cảm giác phẫn nộ và bị coi thường. Trên thực tế, phần lớn những gì chúng ta cho là động cơ kinh tế thực ra không phản ánh trực diện khao khát về của cải và nguồn lực, mà là thực tế rằng tiền được coi là một biểu hiện của địa vị và để mua sự tôn trọng. Lý thuyết kinh tế hiện đại được xây dựng xung quanh giả định rằng con người là những cá nhân duy lý, muốn tối đa hóa “lợi ích” của bản thân – tức là giá trị vật chất – và chính trị đơn giản là một phần mở rộng của hành vi tối đa hóa ích lợi đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giải thích chính xác hành vi của con người đích thực trong thế giới đương đại, chúng ta phải mở rộng hiểu biết về động cơ của con người vượt ra ngoài mô hình kinh tế đơn giản này, [mô hình] vốn đã chi phối phần lớn diễn ngôn của nhân loại. Không ai tranh cãi về việc con người có khả năng hành xử duy lý, hay con người là những cá nhân tư lợi tìm kiếm của cải và nguồn lực to lớn hơn. Nhưng tâm lý con người phức tạp hơn nhiều so với mô hình kinh tế giản lược. Để hiểu được chính trị bản sắc đương đại, chúng tacần lùi lại và tìm kiếm hiểu biết sâu sắc và phong phú hơn về động cơ và hành vi của con người. Nói cách khác, chúng ta cần một lý thuyết hợp lý hơn về tâm hồn con người.

 

                                                      ***

 

Bài viết lấy từ chương 1 cuốn Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ (Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment) của tác giả Francis Fukuyama, do Omega+ ấn hành tại Việt Nam.

 

Francis Fukuyama là nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ, nổi tiếng với luận đề “Sự cáo chung của lịch sử“. Ông từng đạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.

 

Hình: Báo Thanh Niên.

http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2020/10/ban-sac.png

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats