https://danlambaovn.blogspot.com/2020/10/song-chung-voi-lu.html
Sinh ra, lớn lên và sống ở
Việt Nam là bất hạnh lớn vì ta phải sống chung với lũ.
Ta thấy cha mẹ chạy trường
cho ta ngay từ mẫu giáo trở lên, thấy họ quà cáp và hạ mình trước các thầy cô
giáo ở mỗi cấp để đường học ta thông suốt, thấy họ vật vã đi cày để đóng học
phí, mua tập sách, và lo tiền học thêm cho con. Tuổi thơ ta một hôm chợt nghe
cha mẹ buồn rầu an ủi lẫn nhau: “Chúng ta phải sống chung với lũ thôi.”
Từ đấy lũ hiện ra muôn
màu muôn vẻ dọc theo đường đời. Ta thấy họ trao tiền cho những “con sâu gặm tiền”
dưới gốc cây, đưa phong bì cho các viên chức thuộc các cấp chính quyền mỗi khi
có việc, thấy mắt cha lo âu nhìn con lâm bệnh còn tay mẹ khúm núm đưa vội phong
bì cho y bác sĩ, và thấy biết bao người phải vất vả trên đường về nhà vào những
buổi chiều khi những con sông không chảy ra biển mà chảy xiết trên đường phố.
Ta biết tất cả chúng chính là lũ khi nghe cha mẹ hay người lớn cam phận nói với
nhau: “Phải sống chung với lũ thôi.”
Nhờ đấy lớn lên ta học
bài học thiết thực đầu tiên để vào đời được truyền qua nhiều thế hệ- để sống là
phải chấp nhận và thích nghi với vô vàn biết bao các cơn lũ về kinh tế, chính
trị, môi trường, đạo đức, văn hóa…Chẳng bao lâu để tồn tại ta phó mặc lương tâm
và đạo đức của chính ta trôi lúc nào không hay theo cơn lũ vô cảm trong lòng
mình và quanh mình.
Phận người qua theo nhiều
thế hệ cứ thế buông xuôi vô định theo dòng nước của mọi cơn lũ con theo nghĩa
bóng ấy mà hiển nhiên sinh ra từ cơn lũ mẹ-chế độ độc tài toàn trị. Lũ càng đa
dạng và càng dâng cao ta càng sống vô cảm và càng thích nghi hơn để rồi ta chẳng
còn ngạc nhiên khi nghe về chúng. Ngay cả việc họ xả lũ giết người vừa qua đối
với ta chỉ là chuyện bình thường như trong nhiều năm qua.
Vì thế cơn lũ mất nước
chung cuộc tất yếu sẽ dìm tổ quốc, và chúng ta và các thế hệ sau trong biển nô
lệ và đau khổ bất tận nếu chúng ta cứ mặc nhiên tiếp tục cam phận gánh lũ chồng
lũ trên vai mình như các thế hệ trước từng làm. Ai đấy nói rằng cọng rơm cuối
cùng không làm gãy lưng con lạc đà mà con lạc đà tự ngã sụp vì phẫn nộ khi nhìn
thấy trong gương hình ảnh gánh nặng chất cao ngất một cách bất công trên lưng
nó.
Chúng ta biết bao giờ mới
nhìn thấy trong tấm gương lòng của mình hàng hàng cơn lũ chất đống bất công
ngày càng cao lên vai mình. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có tỉnh thức
và tự trọng như lạc đà hay vẫn tiếp tục kéo dài cuộc sinh tồn bấp bênh và vô vị
và tủi nhục cho đến lúc nào không chịu đựng nổi mà ngã quỵ xuống dòng lũ ngày
càng dâng cao như trong suốt hơn nửa thế kỷ qua dưới bóng bao trùm của chế độ
toàn trị.
Trần Quốc Việt
danlambaovn.blogspot.com
No comments:
Post a Comment