Tuesday, 20 October 2020

NHỮNG PHỤ NỮ BỊ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM COI LÀ "GAI"! (RFA)

 


Những phụ nữ bị Chính quyền Việt Nam coi là “gai”!

RFA

19/10/2020

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-women-not-be-honored-by-government-on-the-vietnamese-women-day-10192020223700.html

 

Theo bước người thân!

 

“Đợt đấy em cũng buồn lắm. Nói chung, vừa mới sinh em bé xong nên cảm giác mình cũng bị trầm cảm. Nhưng mọi người động viên nhiều nên em cũng mạnh mẽ hơn.”

 

Chia sẻ trên đây là của cô Đỗ Thị Thu. Một người vợ, một người mẹ trẻ ở Dương Nội.

Đỗ Thị Thu là một trong số hàng triệu phụ nữ ở nông thôn Việt Nam chỉ biết quanh quẩn nơi cửa nhà và xó bếp để chăm sóc gia đình và không biết gì đến các khái niệm như “chính trị” và “xã hội”.

 

Thế nhưng, cô buộc phải trở thành một facebooker, kể từ ngày chồng cô, anh Trịnh Bá Phương và mẹ chồng, bà Cấn Thị Thêu cùng em chồng, anh Trịnh Bá Tư bị bắt giam cùng một ngày vào hôm 24/6, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

 

Ba thành viên trụ cột trong gia đình chồng bị bắt giữ trong một ngày chỉ vì lên tiếng và cập nhật tin tức vụ án Đồng Tâm, mà vốn đã từng xảy ra tương tự như ở Dương Nội những năm về trước, khiến cho cả ba và mẹ chồng của cô bị tuyên án tù.

 

Vào tối ngày 30/8/2020, công an khu vực đến nhà chị Đỗ Thị Thu, để gửi giấy triệu tập của An ninh Hà Nội liên quan đến vụ án Trịnh Bá Phương. Tuy nhiên, cô Thu đã không đồng ý ký tên và cũng từ chối đi làm việc vào ngày 3/9 theo giấy triệu tập.

 

Vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, vào sáng ngày 19/10 nói với RFA rằng cô không lo sợ bất cứ điều gì sẽ có thể tiếp tục xảy ra với mình và gia đình bởi vì cô có niềm tin vào những điều mà gia đình cô đang làm vì người dân Dương Nội cũng như vì quyền lợi giữ lại những mảnh đất của cha ông của người nông dân Việt Nam.

 

Tương tự, một phụ nữ khác là cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm trẻ tuổi-Trần Hoàng Phúc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-women-not-be-honored-by-government-on-the-vietnamese-women-day-10192020223700.html/91140589_10158044191114520_7519380286568660992_n.jpg/@@images/e63d877a-871c-42a2-8937-34974c349be6.jpeg

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc (bìa phải) và mẹ, cô giáo Huỳnh Thị Út. Courtesy: netizen

 

Sinh viên Trần Hoàng Phúc, một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng Thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, với một tương lai đầy hứa hẹn và sáng lạng lại bị Chính quyền Việt Nam tuyên án 6 năm tù giam, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

 

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10/2020, cô giáo Huỳnh Thị Út nhớ lại đứa con trai của cô thường vẽ tranh tặng mẹ những dịp người phụ nữ được vinh danh và trân trọng.

 

“Từ ngày Phúc bị đi tù đến giờ thì nói chung tôi rất là trống vắng, thiếu đi tiếng cười, thiếu đi những lúc nói chuyện thật vui vẻ bên con, hiểu được con nhiều hơn. Bây giờ, Phúc đi tù rồi thì những giây phút hạnh phúc đó không còn nữa.”

 

Thân mẫu của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc chia sẻ với RFA rằng những việc Phúc làm là xuất phát từ sự hiểu biết và dấn thân cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Cho nên, hai mẹ con không cảm thấy có điều gì phải hối tiếc. Cô Huỳnh Thị Út nhấn mạnh con trai đang phải bị ở tù, thì một người mẹ chỉ có thể tiếp sức cho con ở ngoài xã hội mà công việc của con trai bà đang làm dang dở và đó là điều hạnh phúc mà cả hai mẹ con được cống hiến một phần nào đó cho cộng đồng và xã hội.

 

Không chỉ mỗi mẹ của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc mà còn đó không ít những phụ nữ như bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân chính trị-ký giả Trương Minh Đức; bà Lê Thị Thập, vợ của tù nhân chính trị Lưu Văn Vịnh; bà Nguyễn Thị Châu, vợ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh…Tất cả họ trở thành những người tiếp tục thay chồng thực hiện những quyền căn bản của một công dân Việt Nam là quyền được tự do bày tỏ và tự do ngôn luận. Không những vậy, họ còn cố gắng đưa tin, kết nối cũng như giúp đỡ cho hoàn cảnh thân nhân của các tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam.

 

Vợ của ký giả Trương Minh Đức, bà Nguyễn Thị Kim Thanh xác quyết với RFA:

“Là một người vợ thì nói thật là dù có phải vất vả nhưng tôi cũng rất tự hào về chồng tôi, về những công việc mà anh ấy làm như vậy thì rất đúng và chính đáng.”

 

.

Tinh thần được lan tỏa

 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người phụ trách quản lý quỹ từ thiện 50K giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm tại Việt Nam, lên tiếng với RFA rằng bà nhận thấy sự hy sinh của chính những phụ nữ dấn thân đấu tranh vì dân chủ và xã hội Việt Nam quả là bị thiệt thòi khi họ phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt. Nhưng, những người phụ nữ trong gia đình của các tù nhân lương tâm ở bên ngoài cũng hy sinh lớn lao không kém.

 

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, hồi đầu năm 2018 khởi xướng lời kêu gọi quyên góp tài chính giúp cho Hội Anh Em Dân Chủ lệ phí thuê luật sư. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó được cộng đồng hưởng ứng rất nhiều và lắm lúc bà Nguyễn Thúy Hạnh cảm thấy mình bị quá sức trong công việc quản lý Quỹ từ thiện 50K.

 

“Nhiều lúc cũng muốn đóng lại, nhưng càng tiếp xúc với những gia đình đó thì mình càng lại thấy bản thân mình phải cố lên. Ví dụ như gia đình mục sư Đinh Diêm, mà ông bị tuyên án tù 16 năm. Nhà ông ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Quỹ 50K đã trở thành chỗ bấu víu duy nhất của người phụ nữ. Bởi vì vợ của mục sư Đinh Diêm đã nghèo và nuôi chồng trong tù, lại còn có người con gái bị bệnh nặng. Hay, vợ của tù nhân lương tâm Lê Thanh Tùng thì hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn. Bà vừa nuôi chồng ở tù, vừa nuôi mẹ già và đứa con gái vừa mới lớn, 16 tuổi bị tâm thần phân liệt. Những gia đình này tâm sự là họ không biết kêu gọi ở đâu, không biết nhờ vả ở đâu, mà chỉ có thể nghĩ đến Quỹ 50K là nơi duy nhất mà họ có thể dựa vào.”

 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh khẳng định rằng với tinh thần vững vàng của các nữ tù nhân lương tâm và những người vợ, người mẹ tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam lan tỏa tinh thần kiên cường cường của họ và chính cá nhân bà cũng cố gắng sức mọn để tiếp sức cho họ trong khả năng nhỏ nhoi của mình.

 

Nữ nhà báo tự do Sương Quỳnh, vào sáng ngày 19/10 khẳng khái bày tỏ với RFA rằng đối với bà ngày Phụ nữ Việt Nam hay ngày Quốc tế Phụ nữ là những ngày lễ sáo rỗng. Bởi vì trong thực tế, bao nhiêu người phụ nữ và trẻ em không được bảo vệ bởi luật pháp và thậm chí Hội Phụ nữ Việt Nam càng không thực hiện chức năng và trách nhiệm của họ cho các chị em nữ giới ở Việt Nam.

 

“Một hiệp hội chỉ báo hại tiền thuế của dân không làm được gì hết. Thế thì vinh danh cái gì? Trong khi những con người đáng được vinh danh thì lại không được vinh danh mà bị bắt đi tù. Vậy thì có đáng ăn mừng không? Còn xã hội, người ta nườm nượp đấy, họ chỉ dùng ngày đấy để mua vui cho nhau thôi. Vì đấy cũng là lý do mà tôi không bao giờ quan tâm đến cái ngày chỉ làm những việc sáo rỗng trong khi những việc thật sự cần làm thì họ lại không làm.”

 

Bà Sương Quỳnh tiếp lời rằng những tấm gương như Phạm Minh Mẫn, Phạm Thanh Nghiên, Cấn Thị Thêu, v.v và mới nhất nữ nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ không đơn độc trong hành trình của họ mà ngày càng có nhiều hơn nữa những phụ nữ chân yếu tay mềm như cô Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương hay cô Nguyễn Xoan, con dâu tù nhân chính trị Trần Đình Lương và ngay cả bản thân nhà báo Sương Quỳnh cũng dấn thân vì một xã hội mà phụ nữ có được nữ quyền đúng nghĩa và được xã hội thật sự trân quý họ.

 

Cựu tù nhân chính trị-nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình tâm tình rằng ông không kể đến những ngày lễ phù phiếm mà Chính quyền Hà Nội đặt ra để vinh danh cho nữ giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình dành mỗi một ngày để vinh dạnh họ và các nữ tù nhân lương tâm cùng thân nhân là nữ giới của những tù nhân chính trị xứng đáng được tôn vinh.

 

“Người đàn ông đi ngang ngưỡng cửa tù thì còn đỡ hơn người phụ nữ. Người phụ nữ rất là khổ ải. Thời gian trước, chúng ta cũng từng nghe một nữ tù nhân lương tâm không được nhận tiếp tế cái băng vệ sinh. Phụ nữ trong thời gian như thế rất là khó khăn mà lại bị rơi vào hoàn cảnh tù thì họ gặp khó khăn gấp bội phần. Hiện nay không có đủ phòng giam tù đủ cho tù nhân chính trị nữ, cho nên họ bị ở tù xen kẽ với tù thường phạm. Chính vì vậy mà họ đối diện với những khó khăn rất nhiều so với tù nhân chính trị nam. Do đó, mình có thể khẳng định rằng người đàn ông Việt Nam nợ người phụ nữ Việt Nam rất nhiều.”

 

Những người phụ nữ Đài RFA được dịp trao đổi nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2020 cùng quan điểm rằng họ chỉ là những viên gạch lót đường cho xã hội dân chủ và văn minh ở Việt Nam. Dù rằng con đường còn xa xôi lắm, nhưng họ có niềm tin công việc của họ chắc chắn không phải là “dã tràng xe cát Biển Đông”.

 

Chúng tôi xin kết lại bài ghi nhận này với lời nhắn nhủ của nữ nhà báo Phạm Đoan Trang gửi đến cộng đồng, sau khi cô bị bắt vào ngày 6/10 vừa qua rằng “Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn”.

 

                                                    ***

 

Tin, bài liên quan

·         Đại hội 13: Cần chuyển đổi dân chủ để tăng trưởng bền vững!

·         Bắt người ngay sau đối thoại nhân quyền. Vì sao?

·         Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giữ ngay sau đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ

·         Dân biểu Châu Âu phản đối bản án đối với người dân Đồng Tâm

·         64 dân biểu Châu Âu gửi kiến nghị thư yêu cầu EU gây sức ép lên Việt Nam về nhân quyền

·         Các nhà hoạt động Israel gửi kiến nghị thư yêu cầu chính phủ ngừng xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam

·         Cam kết của Việt Nam với LHQ về bảo vệ nhân quyền và thực tế!

·         Dân có thực sự tin vào thành quả kinh tế như tuyên bố của Thủ tướng Phúc?

·         Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được trao giải Stefanus

·         Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng 3% trong năm 2020

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats