Sunday, 11 October 2020

GIÁO SƯ TIẾN SĨ ƠI LÀ ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT... (Hoàng Hải Vân)

 


GIÁO SƯ TIẾN SĨ ƠI LÀ ÔNG NGUYỄN MINH THUYẾT...   

Hoàng Hải Vân

22:31  11/10/2020    

https://www.facebook.com/hksanh/posts/3526668880725480

 

Ba cái tút trước tôi chỉ cho mấy con chó nhà tôi đùa cợt với mấy cái chữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, trong khi đông đảo các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại chính đáng về nội dung phản giáo dục cùng sự cẩu thả ngớ ngẩn của những người soạn cuốn sách này. Tôi không có ý định công kích cá nhân và định không nói gì thêm, nhưng đọc những lời phản ứng của tổng chủ biên bộ sách – giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết trên báo chí, tôi thấy không đùa cợt được nữa.

 

1- Biện bạch về việc dùng một khẩu ngữ miền là từ “chả” thay cho những từ phổ biến toàn quốc là “không” hay “chẳng” để dạy cho trẻ con bắt đầu học chữ, ông Thuyết nhất mực cho rằng vì sách chưa dạy tới vần “ông” và “ăng” nên bắt buộc phải dùng “chả”. Sự giải thích này là ngụy biện. Cả một tập thể soạn sách sao không tìm được những câu chuyện bình thường không có vần “ông” hay “ăng” mà phải làm biến dạng tiếng mẹ đẻ để dạy cho trẻ con tập đọc tập viết? Ấy là chưa kể khẩu ngữ “chả” ngay cả các địa phương miền Bắc, trẻ con dùng trong một số ngữ cảnh còn mang tính hỗn láo.

 

2- Các tác giả sách còn xào nấu sống sượng một số chuyện của Lev Tolstoy và La Fontaine, biến những câu chuyện tử tế của các tác giả này thành những nội dung phản cảm, phản giáo dục khiến cho các phụ huynh phản ứng, ông Thuyết còn biện bạch nói rằng đó là chuyện của Tolstoy, mà Tolstoy thì không thể viết chuyện phản giáo dục. Chuyện hai con ngựa cụ Tolstoy có viết vậy đâu, giáo sư tiến sĩ ông không chỉ có thay ngựa đực ngựa cái thành ngựa ô ngựa tía thôi đâu, ông còn thay cả nội dung của cụ Lev rồi chẻ thành hai, phần sau chẳng liên quan gì đến phần trước. Những người không có khả năng đọc hiểu, có đủ tư cách làm sách giáo dục cho trẻ nhỏ không? Mà nước ta đâu có nghèo chữ nghèo ý nghèo câu chuyện đến mức không viết nổi một mẩu chuyện đơn giản cho trẻ con tập đọc mà phải đi xào nấu sống sượng những mẩu chuyện của nước khác!

https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/121007214_3526666767392358_3877596338567575277_n.jpg?_nc_cat=103&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=ENCYCHtJhvgAX-7lM4F&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&oh=a9051488cf8c950572321491f57649d8&oe=5FA9EE37

Nội dung câu chuyện được cho là trong SGK lớp 1. Ảnh: internet

 

3- Khi quy kết chụp mũ những người góp ý, ông Thuyết cho rằng họ cắt xén, xuyên tạc, thiếu tử tế, rằng do lợi ích nhóm này kia, ông Thuyết còn nhắc đến bộ sách lần đầu tiên “xã hội hóa” là sách của ông, sách của ông không dùng tiền nhà nước mà dùng tiền tư nhân. Theo ông thì “NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội) và NXB Đại học Sư phạm TP HCM, hai NXB này phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục VN – VEPIC để làm bộ sách này. Phải nói là vốn của các nhà xuất bản trên thì ít, cho nên kinh phí tổ chức làm sách chủ yếu của VEPIC. Hai NXB lo biên tập nội dung.

 

Thế thì mới gọi là bộ SGK xã hội hóa”. Ý của ông là do sách của ông “xã hội hóa” vốn của tư nhân nên đang bị người ta đánh để cạnh tranh. Xin thưa, nói bộ sách này là “xã hội hóa” cũng ngụy biện. Muốn biết, hãy truy tìm VEPIC do ai lập ra, nó là sân sau của những kẻ nào? Nó do người của NXB Giáo dục lập ra đó, để làm gì? NXB Giáo dục lâu nay độc quyền sách giáo khoa, khi nhà nước chủ trương tiến tới xã hội hóa, nó liền lập ra cái này để đón đầu “xã hội hóa”.

 

Dù người ta nói nó không phải là đơn vị của NXB Giáo dục, nhưng nó chính là của nhóm lợi ích lâu nay chi phối NXB Giáo dục. Đừng nghĩ dân chúng dốt không biết gì, nhưng cái gọi là “xã hội hóa” kia có thiện lành gì không dân chúng chưa phản ứng, họ chỉ mới phản ứng những nội dung phản giáo dục của sách tiếng Việt lớp 1 Cánh diều thôi.

 

Xin nhắc lại, họ chưa phản ứng chứ không phải họ dốt không biết gì.

 

HOÀNG HẢI VÂN

 

414 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats