Monday, 12 October 2020

DÒNG TIỀN QUẢNG CÁO ĐẾN TAY CÁC YOUTUBER VIỆT NHƯ THẾ NÀO (Quang Thắng)

 


Dòng tiền quảng cáo đến tay các YouTuber Việt như thế nào  

Quang Thắng

Thứ sáu, 9/10/2020 16:16 (GMT+7)

https://zingnews.vn/dong-tien-quang-cao-den-tay-cac-youtuber-viet-nhu-the-nao-post1139967.html

 

Sở hữu lượng thống kê doanh thu/lượt xem lớn nhưng số tiền thực tế các YouTuber Việt nhận được không quá cao.

 

Theo số liệu của Social Blade, chuyên trang thống kê về các nền tảng mạng xã hội, trung bình một kênh YouTube với trên dưới 1 triệu người theo dõi (subscribers) và số lượt xem (view) khoảng 12,5 triệu/tháng, số tiền chủ kênh kiếm được từ quảng cáo có thể dao động 3.200-50.700 USD/tháng, tương đương mức doanh thu từ 74,5 triệu đồng cho tới 1,18 tỷ đồng/tháng.

 

Trong khi đó, nếu kênh sở hữu khoảng 4 triệu lượt theo dõi và lượt xem trung bình 64,5 triệu lượt/tháng, doanh số từ quảng cáo có thể dao động từ 16.100-257.700 USD/tháng (thấp nhất 375 triệu đồng và cao nhất là gần 6 tỷ đồng).

 

.

YouTube trả bao nhiêu tiền cho mỗi lượt xem tại Việt Nam?

 

Tuy nhiên, theo số liệu mà mạng chia sẻ video này công bố, đơn giá Google trả cho mỗi 1.000 lượt xem quảng cáo tại thị trường Việt Nam thấp hơn nhiều so với các khu vực phát triển trên thế giới, chỉ dao động vào khoảng 1,57 USD/1.000 lượt xem.

 

Trong khi đơn giá cho lượt xem quảng cáo tại các khu vực như Maldives là 15,47 USD/1.000 lượt; Đan Mạch là 10,61 USD; Phần Lan là 9,23 USD; Mỹ là 5,33 USD. Thậm chí CPM (giá trên mỗi nghìn lượt xem) tại Lào cũng cao hơn Việt Nam, hiện ở mức 1,6 USD/1.000 lượt xem.

 

Như vậy, với những kênh sở hữu lượt xem khoảng 12,5 triệu/tháng, thu nhập từ quảng cáo có thể đạt 19.625 USD/tháng. Những kênh có lượt xem trung bình tháng 64,5 triệu lượt sở hữu mức doanh thu 101.265 USD.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là số tạm tính mà mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất thế giới trả cho các nhà phát triển nội dung của mình. Trên thực tế, số tiền mà các YouTuber nhận được từ YouTube thấp hơn nhiều con số nói trên.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w1024/Uploaded/aohunkx/2020_10_09/cpm_viet_nam.jpg

Số CPM - giá trên mỗi nghìn lượt xem tại Việt Nam còn thấp hơn cả Lào trong 1 năm gần đây. Nguồn: YouTube.

 

Trong bản cáo bạch niêm yết năm 2018 của Tập đoàn Yeah1 (khi đó là chủ sở hữu mạng đa kênh (MCN) lớn thứ sáu trên thế giới, chiếm 25% tổng lượt xem YouTube tại thị trường Việt Nam), doanh nghiệp này đã thuyết minh chi tiết dòng tiền chảy từ túi các nhãn hàng (nhà quảng cáo) tới những YouTuber.

 

Cụ thể, hầu hết kênh YouTube cá nhân hiện nay muốn bật chức năng kiếm tiền cũng như tạo sự ảnh hưởng đều phải tham gia các MCN do một doanh nghiệp đứng sau. Và người cấp phép cho các MCN này chính là YouTube.

 

Tính đến năm 2018, YouTube mới cấp giấy phép MCN cho khoảng 250 công ty trên toàn thế giới. Giấy phép MCN cho phép các công ty quản lý hệ thống nhiều kênh YouTube khác nhau, xuất bản các kênh và nhận doanh thu quảng cáo trên YouTube thay mặt cho các YouTuber. Nếu không thông qua các MCN, chủ sở hữu các kênh trên YouTube phải làm việc trực tiếp với YouTube để kiếm tiền từ nội dung video của mình.

 

Tuy nhiên, nhiều chủ kênh chọn hợp tác với các MCN để thu hút số lượt xem nhiều hơn và tăng doanh thu thông qua việc được phổ biến định kỳ các xu hướng mới trên YouTube, phát triển khách hàng mục tiêu và được quảng cáo chéo qua các kênh khác của hệ thống, đặc biệt là tận dụng các nội dung có bản quyền của các MCN.

 

.

Dòng tiền từ nhãn hàng đến tay YouTuber Việt

 

Trường hợp phát triển kênh thông qua MCN, dòng tiền quảng cáo sẽ chảy từ các nhãn hàng có nhu cầu quảng cáo tới YouTube, đổi lại mạng xã hội này có nhiệm vụ phân phối quảng cáo tới người xem.

 

Sau đó, YouTube sẽ trả tiền quảng cáo cho các MCN thông qua Google với tỷ lệ 45/55. Trong đó, YouTube giữ 45% doanh thu từ nhãn hàng và trả 55% cho MCN. MCN tiếp tục giữ lại 5-30% trên phần doanh thu nhận được từ YouTube (tương đương 2,75-16,5% tổng doanh thu từ nhãn hàng) và thanh toán 70-95% còn lại cho các YouTuber.

 

Như vậy, số tiền các YouTuber nhận được từ nhà quảng cáo sẽ dao động trong khoảng 38,5-52,25% tổng số tiền mà các nhãn hàng chi cho quảng cáo trên YouTube. Ngoài ra, các chủ kênh còn một nguồn thu khác đến từ việc kinh doanh, tiếp thị quảng cáo, để các thương hiệu và nhà quảng cáo xuất hiện trong nội dung video.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w1024/Uploaded/aohunkx/2020_10_09/dong_tien_quang_cao_youtube.jpg

Dòng tiền từ các nhãn hàng tới tay YouTuber thông qua MCN của Yeah1. Nguồn: YEG.

 

Bằng cách này, các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu sẽ được quảng cáo ở trong clip các YouTuber chia sẻ thay vì các biểu ngữ và video quảng cáo bên ngoài được YouTube nhúng.

 

Trường hợp làm việc qua một MCN, phía công ty này sẽ hỗ trợ cho các nhãn hàng dịch vụ video kỹ thuật số trọn gói bao gồm lập kế hoạch chi tiết, xác định đối tượng mục tiêu, tạo sản phẩm tiếp thị, thiết kế nội dung (viết kịch bản, tạo video) và thực thi (tải lên, phát trực tiếp và theo dõi lượt người xem).

 

Trong trường hợp này, tiền doanh thu sẽ chảy trực tiếp từ các nhãn hàng tới các MCN hoặc chủ kênh và không phải chia cho phía YouTube. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam hiện nay, đa số nguồn thu nhập của các YouTuber vẫn đến từ doanh thu chia sẻ của YouTube với tỷ lệ mạng xã hội này đưa ra và các MCN ăn chiết khấu.

 

                                                ***

 

Hôm 6/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

 

Trước đó, cơ quan báo chí liên tục phản ánh mạng xã hội tràn ngập video nhảm nhí, có nội dung giật gân để lôi kéo người xem với mục đích kiếm tiền.

 

Văn bản chỉ đạo nêu rõ những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống. Song, các nội dung này vẫn rất khó kiểm soát.

 

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.

 

--------------

 

BÀI LIÊN QUAN


Gia đình Bà Tân Vlog kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng từ kênh YouTube

Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video, phần lớn là nội dung nhảm, các kênh của gia đình bà Tân Vlog như: Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll... có thể thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats