18/10/2020
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19212-c-d-ng-trong-bao-giong
Dưới những cơn mưa xám xịt
không ngớt ở miền Trung, trên từng chiếc cột đèn cách nhau chừng chục mét, cờ Đảng,
phướn vẫn ngợp trời. Đảng cộng sản Việt Nam đang tiến hành đại hội đảng bộ lần
thứ XIII các cấp. Ngọn cờ, biểu tượng cho sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức
vẫn được Đảng giương lên trong mưa bão. Một biểu tượng vô nghĩa với dân tộc Việt
lúc này nhưng lại rất có ý nghĩa về tư tưởng chính trị với Đảng. Đảng rất coi
thường người dân nhưng vô cùng coi trọng chính mình. Họ hiểu, tư tưởng và tổ chức
quyết định sự sinh tồn của Đảng.
Khẩu hiệu muôn năm
Không ai dừng dưới cơn
mưa như trút nước để đọc các dòng chữ trên cờ mà Đảng treo lên. Bạn hãy thành
thực với lòng mình khi đọc : "Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến
tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII" hay "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ
đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta"… Chắc chẳng ai quan tâm và nhiệt
liệt, tất cả đều hối hả trước dòng đời. Không ai còn bận tâm ông Hồ sống mãi ở
đâu. Tất cả, kể cả đảng viên, còn phải lo sinh nhai thời Covid-19 hoặc sinh mạng
chính trị của mình.
https://live.staticflickr.com/65535/50501779802_77a56b255c.jpg
Dù Miền Trung đang
mưa bão dữ dội nhưng cờ đảng và khẩu hiệu vẫn giăng khắp nơi.
Có thể không ai xem, đọc
nhưng biểu tượng cờ Đảng và khẩu hiệu đã đi vào tiềm thức người Việt nhiều thế
hệ, cho dù họ không có một vai trò nào trong bầu cử, như khẩu hiệu tuyên truyền.
Nỗi ám ảnh về vai trò độc nhất của Đảng vẫn cứ đi vào sâu thẳm mỗi người. Tư tưởng
dẫn lối cho mọi suy nghĩ và hành động. Dù một cá nhân có phản đối Đảng cộng sản
tới đâu và là ai chăng nữa mà không được trang bị tư tưởng đúng đắn thì cũng chỉ
là một cánh én lẻ loi và bị chế độ này lợi dụng như một van xả áp cho xã hội hoặc
(vô tình) trở thành công cụ tuyên truyền cho chính Đảng, thông qua... mạng xã hội.
Đây là một cách điều tiết về tự do ngôn luận ‘ảo’, nhưng không mảy may suy chuyển
quyền lực của Đảng. Nếu ai vượt làn ranh đỏ và có thể gây ra "rủi ro"
thì Đảng sẽ ra tay trừng phạt qua luật an ninh mạng.
Hẳn nhiên, Đảng phải
tuyên truyền cho Đảng. Đảng coi thường người dân ở phương diện thản nhiên độc
quyền ngân sách để phục vụ cho hoạt động Đảng. Chúng ta phải thừa nhận với nhau
rằng, bộ máy truyền thông của Đảng hoạt động rất thoải mái vì có ngân sách dồi
dào (có thể tham khảo Quy định Về chế độ chi tổ chức đại hội Đảng các cấp cơ
sở và Luật ngân sách). Thực sự không ai kiểm soát và biết được số tiền chi
cho các đại hội Đảng khắp nơi là bao nhiêu và chi như thế nào… trong cơ chế mà
Đảng tự định đoạt mọi thứ. Đằng sau những câu từ tưởng chừng sáo rỗng và rất lí
thuyết ấy là những hành động quyết liệt, cứng rắn trên thực tế. Trong chính trị,
chiếm ưu thế về tư tưởng sẽ quyết định sự thành công trên thực tế. Yếu tố còn lại
là năng lực tổ chức. Đảng cộng sản nắm rõ điều đó và từng phút một, bộ máy của
họ hành động cho mục tiêu và đường lối đó.
Chế độ cộng sản không thiếu
bạo lực, không thiếu tinh thần "giữ chế độ bằng mọi giá", họ không từ
mọi thủ đoạn để ngăn chặn đối lập. Họ rất hiểu tầm quan trọng của tổ chức và tư
tưởng. Các tổ chức đối lập không thiếu tinh thần tranh đấu, đôi khi sẵn sàng cả
sử dụng cả bạo lực, không thiếu lòng yêu nước, lại còn có cả sức mạnh của lẽ phải,
nhưng lẽ phải chưa tới đích vì thiếu tổ chức và tư tưởng. Tổ chức vững vàng phải
được chuẩn bị từ nền tảng tư tưởng đúng đắn.
Tổ chức Đảng và sự
chia rẽ của người Việt
Đảng cộng sản Việt Nam có
Ban Tuyên giáo trung ương và Hội đồng lí luận trung ương. Đây là những cơ quan
chỉ có chức năng "lí thuyết" nếu nhìn qua. Nhưng thực ra đây mới là
nơi đưa ra những quyết định để điều khiển "thanh kiếm và lá chắn" của
Đảng. Đừng quên người có quyền lực tối cao hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng xuất
thân từ Hội đồng lý luận trung ương. Yếu tố quyết định để thắng lợi về chính trị
bao giờ cũng là thắng lợi về lí luận và tư tưởng. Các cơ quan chức năng lý luận
của Đảng chỉ nói, viết và tuyên truyền. Nhưng đó là hành động. Nói tức là làm,
vì sự tồn vong của Đảng. Họ không lí thuyết, mà ngược lại rất thực tế. Hàng
ngày hàng giờ, khẳng định tính chính danh của mình. Đảng luôn đề cao tư tưởng
và tổ chức, một mối quan hệ hữu cơ với nhau.
https://live.staticflickr.com/65535/50500911333_ccb4a46ba4.jpg
Ban Tuyên giáo
trung ương và Hội đồng lí luận trung ương mới là nơi đưa ra những quyết định để
điều khiển "thanh kiếm và lá chắn" của Đảng - Ảnh minh họa
Khi Tổng bí thư kiêm chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát ngôn Đảng sẽ kiên định với chủ nghĩa Mác-Lê
trong xây dựng Đảng lúc bế mạc hội nghị Trung ương XIII thì chúng ta hiểu, Đảng
chỉ bám lấy lí thuyết chuyên chính vô sản của Mác để giữ Đảng và tuyên truyền để
hù dọa nhiều đảng viên cộng sản với khẩu hiệu "còn Đảng, còn mình".
Ngay cả khi tư tưởng đã trở nên phi thực tế và bất chính lẫn bất lương thì Đảng
cộng sản vẫn tồn tại nhờ biết và có tổ chức. Thực tế, họ là tổ chức chính trị nắm
vững cả về tổ chức và tư tưởng của Việt Nam ở đầu thế kỉ 20. Họ chỉ thiếu lương
thiện, trí tuệ và lẽ phải ! Ông Trọng vẫn tự tin đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Có lẽ ông Trọng tin rằng chiếc
phao cứu sinh cho Đảng đã được tìm thấy qua cuộc gặp với Obama khi đến Hà Nội
và Joe Biden khi đến Washington. Nhưng vận mệnh của đất nước, không giống vận mệnh
Đảng.
Chúng ta có thể tự hào về
quá khứ trong việc giữ nước, nhưng dựng nước thì không hẳn. Không phải vì người
Việt không có khả năng làm được gì có ý nghĩa mà vì ta tự tàn phá nhau qua nội
chiến. Đời nọ lên thì diệt đời kia. Nhà Trần diệt nhà Lý, nhà Hồ diệt nhà Trần,
Tây Sơn thì diệt nhà Nguyễn và ngược lại. Cộng sản thì diệt phong kiến. Về cả
văn hóa, tiềm thức và di truyền, chúng ta là một dân tộc chia rẽ. Như một hệ quả,
chúng ta không có văn hóa khoan dung và cũng thiếu văn hóa tổ chức, càng không
có sự liên đới. Di sản của văn hóa Khổng giáo đè nặng lên tâm hồn chúng ta, văn
hóa đó xem kẻ sĩ chỉ là những người sinh ra để làm tôi tớ cho thiên tử. Đảng cộng
sản là hiện thân hoàn hảo của văn hóa đó và vượt trội ở văn hóa tổ chức (dù chỉ
là phương pháp khủng bố). Với các cuộc nội chiến trong quá khứ, sự hòa giải và
hòa hợp dân tộc là điều cần thiết cho một tương lai Việt Nam chứ không phải chỉ
thay đổi chế độ này. Đó cũng là điều cần, ngay bây giờ. Để hòa giải và hòa hợp
dân tộc thì một cá nhân không thể làm nổi.
Sự thật cần được nhắc lại
vì đến hiện tại vẫn chưa có nhiều người đấu tranh chịu hiểu : Đảng cũng tiến
hóa để tồn tại, họ không đếm xỉa nhiều đến các cá nhân nổi loạn nhưng luôn cảnh
giác tối đa với mọi liên kết. Tử huyệt của chế độ nằm ở việc hình thành tổ chức
đối lập. Hình thành các tổ chức và tư tưởng của tổ chức là điều cấm kỵ ở mọi chế
độ chuyên chế. Chúng ta cần các tổ chức có ước mơ, có tính đại diện, có giải
pháp, có sự khẳng định bản thân nhưng không phủ định các hệ giá trị khác, miễn
là nó hướng tới tương lai đất nước.
Sự thật khác cần được
nhìn nhận. Trong đấu tranh, ai cũng muốn có đồng minh, bằng hữu. Không ai muốn
một mình. Nhưng văn hóa nhân sĩ của Khổng Giáo để lại một di chứng xấu là họ muốn
kết hợp, nhưng họ phải là người làm chủ cuộc chơi thay vì thiết lập ra các tiêu
chuẩn để cùng làm chủ cuộc chơi chung. Chúng ta không thể đấu tranh chống chế độ
chuyên chế nếu vẫn mang trong mình tư tưởng chuyên chế thay vì đóng góp tạo ra
văn hóa đa nguyên. Lẽ tất yếu là văn hóa tranh luận sẽ không tồn tại nếu những
người tham gia chỉ cố gắng để thắng bằng cách bắt bẻ từng câu, từng ý. Cái tôi
vẫn ở trên cái chúng ta. Cuộc tranh luận tử tế thì không có thắng thua mà chỉ
có thêm những ý kiến mới để tất cả mọi người nâng cao kiến thức của mình. Khi bạn
chưa thực sự hiểu và nỗ lực đóng góp cho tổ chức bằng cách trở thành một phần của
tổ chức thì chẳng bao giờ bạn biết nó có phù hợp hay không. Hệ quả là chẳng ai
thấy "phù hợp" với một tổ chức nào cả, dù rằng ai cũng có thể nói rằng
mình sẵn sàng xây dựng, gia nhập tổ chức. Đơn giản vì tiềm thức của họ muốn duy
trì một cái tôi lớn, nhưng thực sự nhỏ bé. Một cái tôi nhỏ bé sẽ làm cho họ thấy
mình to hơn tất cả.
https://live.staticflickr.com/65535/50501779772_62aa2081db.jpg
Dự án chính trị của Tập
Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) không phải là tổ chức duy nhất đấu tranh
cho dân chủ. Nhưng chúng tôi nhất quán và kiên trì với phương thức đấu tranh của
tổ chức cho dân chủ ở Việt Nam. Mục tiêu sau cùng của chúng tôi không chỉ đánh
bại cộng sản mà còn phải xây dựng Việt Nam thành một nước dân chủ và thịnh vượng.
Chúng tôi chấp nhận dù phải lội dòng nước ngược, trước cả sức cản về văn hóa lẫn
tâm lý của người Việt. Chúng tôi muốn những người đã và đang đấu tranh hiểu rằng
đó là một quá trình khó khăn như việc khoan mũi dùi xuống những tầng đất cứng,
rất vất vả và phải đi từng bước. Hết lớp đất này đến lớp đất khác, hết lớp người
này đến lớp người khác. Nhưng chắc chắn, kết quả sẽ không thể khác được : Đảng
cộng sản sẽ thất bại và dân chủ sẽ tới. Cần chuẩn bị cho thời điểm ấy vì dân chủ
chỉ là điều kiện cần cho một nước Việt Nam mới.
Nhắc lại một điều
mà Tập Hợp vẫn nói : Tư tưởng của Đảng cộng sản và chính Đảng
cộng sản đã chết, nhưng vẫn cần một tổ chức đủ sức kéo cái xác đi. Đơn giản vì
Đảng cộng sản là một tổ chức. Người Việt Nam không thể kéo được một cái xác kềnh
càng đi chổ khác nếu không có tổ chức. Chúng ta vẫn chưa nhận thức được tầm
quan trọng của tư tưởng và sự cần thiết phải thay đổi văn hóa và tư duy ! Hãy
nhìn cờ Đảng trong mưa, trật tự và ngăn nắp. Ý nghĩa của lá cờ đã mất nhưng lá
cờ vẫn còn. Đảng cộng sản chỉ còn gắn kết với nhau bằng quyền lực và quyền lợi
nhưng họ vẫn hiểu và sử dụng tối đa việc tuyên truyền cho một tư tưởng chính trị,
dù tư tưởng đó đã chết từ lâu.
Quốc Bảo
(18/10/2020)
No comments:
Post a Comment