Sunday, 11 October 2020

CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA NẾU DONALD TRUMP THẤT CỬ? (Paul Wells - MacLean's)

 


Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump thất cử?

Paul Wells  -  MacLean’s  

Trà Mi biên dịch

Posted on October 11, 2020   

http://dcvonline.net/2020/10/11/chuyen-gi-se-xay-ra-neu-donald-trump-that-cu/

 

Công việc của một tổng thống Joe Biden sẽ là chỉ huy toán dọn dẹp sau một vụ phá hoại. Đang bị đe dọa là toàn bộ dự án Hoa Kỳ.

 

https://www.macleans.ca/wp-content/uploads/2020/10/TRUMP-LOSES-WELLS-SEPT30-01-766x431.jpg

77 tuổi, khả năng lãnh đạo của Biden có thể sẽ bị nghi ngờ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông nếu ông đắc cử. Ảnh: Andrew Harnik/AP/CP

 

Ngày 5 tháng 11 năm 2008 là một buổi sáng nhiều mây ở Washington. Một nhóm phóng viên đang theo dõi ở bên ngoài tòa Bạch ốc khi Tổng thống George W. Bush bước lên bục đối diện với họ. Ông nói :

 

“Đêm qua tôi đã có một cuộc trò chuyện thân mật với tổng thống đắc cử Barack Obama. Tôi chúc mừng ông ấy và Thượng nghị sĩ Biden về chiến thắng ấn tượng của họ. Tôi đã nói với tổng thống đắc cử rằng ông ấy có thể tin tưởng vào sự hợp tác toàn bộ từ chính quyền của tôi khi ông ấy chuyển vào làm việc ở tòa Bạch ốc.”

 

Bush cho biết ông cũng đã gọi điện cho John McCain ứng cử viên đảng Cộng hòa đã thất cử để chúc mừng ông đã có một cuộc vận động “quyết tâm”. Nhưng tổng thống thứ 43 của Mỹ không có nỗ lực cụ thể nào để có vẻ công bằng khi ông suy ngẫm về cuộc bầu cử tổng thống thứ 44. Bush nói, đối với một thế hệ đã sống qua phong trào dân quyền vào những năm 1960, việc bầu chọn một tổng thống Da đen là “một giấc mơ đã thành sự thật.” Khi gia đình Obama bước vào tòa Bạch ốc, ông nói : “Tôi biết hàng triệu người Mỹ sẽ cảm thấy tự hào vào khoảnh khắc đầy cảm hứng này.”

 

Tám năm sau, khi đến lượt Obama nhận xét về sự đắc cử của Donald Trump, những nhận xét của chính ông ấy gần như là khoan dung. Obama nói:

 

“Chúng ta thực sự phải nhớ rằng tất cả chúng ta là đồng đội. Trước hết chúng ta không phải là đảng viên Đảng Dân chủ, trước hết chúng ta không phải là đảng viên Đảng Cộng hòa, trước hết chúng ta là người Mỹ.”

 

Vì vậy, có thể một Donald Trump thất cử sẽ chấp nhận số phận của mình một cách tử tế, hát bài ca ngợi tiến trình dân chủ và ra lệnh cho nhân viên của mình bảo đảm nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden bắt đầu thuận lợi.

 

Nó cũng ngày càng có thể cuộc bầu cử sẽ không được quyết định vào đêm bầu cử — rằng sự thù địch xám xịt và các vụ kiện tay đôi đã đưa ban vận động tranh cử của Bush và Gore đến Tối cao Pháp viện một tháng sau cuộc bầu cử năm 2000, nhìn lại, giống như một buổi đi dạo trên đồng cỏ.

 

Một tổng thống đã bị luận tội vì đã dùng quyền lực nhà nước để theo đuổi mục đích bè phái có thể làm được nhiều chuyện hơn thế. Tối cao pháp viện với ba thẩm phán do Trump đề cử có thể được yêu cầu để phân xử kết quả bầu cử.

 

Và, tất nhiên, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều. Có thể ai đó sẽ xét lại những lời của Michael Caputo một cách cẩn thận hơn; Caputo là người trong ban vận dộng tranh cử của Trump, bằng cách nào đó đã trở thành thứ trưởng phụ trách các vấn đề công tại bộ Dịch vụ Y tế và Nhân sinh trong một đại dịch gây chết người. Vào tháng 9, Caputo nói trong một cuộc trò chuyện trực tiếp trên Facebook rằng để ngăn chặn nhiệm kỳ thứ hai của Trump :

 

“Có những toán ám sát đang được huấn luyện trên khắp nước. Quý vị hiểu rằng họ sẽ phải giết tôi. Thật không may, tôi nghĩ đó là chuyện sẽ đến.”

 

Caputo xin tạm ngưng công tác vài ngày sau đó, nhưng thật đáng ngạc nhiên, ông ấy vẫn giữ việc của mình. Chính trị đã đi đến đổ máu nhiều lần trong những năm gần đây. Không có lý do gì điều đó sẽ kết thúc, chỉ vì một tổng thống nhiều lần khuyến khích bạo lực đạt được số phiếu bầu thậm chí ít hơn vào năm 2020 so với năm 2016. Bản thân Trump chẳng giúp ích gì được về điểm số này: ông đã dành những ngày cuối cùng của tháng 9 một thất bại một cách ngoạn mục khi không trả lời câu hỏi lặp đi lặp lại về việc liệu ông ấy có tôn trọng kết quả bầu cử nếu Biden được nhiều phiếu hơn hay không.

 

Về căn bản sẽ trở nên khó đoán nếu Trump thực sự khiếu nại kết quả bầu cử thì tiếp theo chuyện gì xảy ra. Nó có thể kéo theo bạo lực tràn lan và tôi sẽ không dành nhiều thời gian để nói về nó. Không phải vì tôi với tư cách là người đọc tiểu thuyết thảm họa muốn lấy đi niềm vui của bạn đọc, mà vì tôi đang viết ở đây để nhận công tác và nhiệm vụ của tôi là xét đến một nhiệm kỳ tổng thống của Biden. Vì vậy, tôi sẽ phải giả định rằng vào một thời điểm nào đó, bằng cách nào đó, nhiệm kỳ tổng thống của Biden bắt đầu. Và tôi bắt đầu ở đó.

 

Hoàn toàn theo tinh thần của bài tập này, hãy giả định Biden sẽ đắc cử một cách không thể tranh cãi trong một vài ngày sau ngày 3 tháng 11. Hãy bắt đầu sau bài phát biểu nhận đã thua của Trump. Kịch bản này coi những thứ không thể được coi là đương nhiên là đương nhiên, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. Và xét cho cùng, việc loại bỏ Trump khỏi Phòng Bầu dục hầu như không giúp loại bỏ những thách thức mà tân tổng thống phải đối phó.

 

Một nhiệm kỳ tổng thống của Biden là chuyện thật hấp dẫn để tưởng tượng, bất kể bằng cách nào chúng ta có thể đi từ đây đến đó, vì nó sẽ xét lại khả năng của một người đàn ông, quyền lực của văn phòng tổng thống và khả năng phục hồi của đất nước ông ta.

Người đó thực sự đã già và không dễ thấy là xuất sắc. Joe Biden sẽ là tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ, 78 tuổi vào Ngày nhậm chức, hơn Trump hay Ronald Reagan 8 tuổi khi nhậm chức. Theo Văn phòng Chánh văn phòng  quản lý văn khế Hoa Kỳ, một người đàn ông ở độ tuổi Biden có khoảng 5% có thể qua đời trong vòng một năm, hơn 6% vào năm thứ tư của nhiệm kỳ tổng thống. Vì vậy, theo thống kê tử số, xác suất khoảng 1/5 là ông ta sẽ chết và để phó tổng thống của mình, Kamala Harris, lên kế vị.

 

Khả năng thể lực của ông ấy để điều hành sẽ bị nghi ngờ, kể cả một số người đã bỏ phiếu cho ông ấy, cao hơn, gần như chắc chắn, mỗi ngày trong bốn năm tới. Vài tổng thống cuối cùng của đảng Dân chủ là những những người có trình độ học vấn cao nhất: Bill Clinton là Học giả Rhodes, Obama là Chủ tịch Da đen đầu tiên của Tạp chí Luật Harvard. Biden tốt nghiệp trường luật của Đại học Delaware và Đại học Syracuse.

 

Nhà báo Nicholas Lemann đã từng xác định ba nhóm phụ của tầng lớp lãnh đạo Mỹ: những công chức cao cấp có học thức xuất sắc, những người đã mang lại những khả năng linh hoạt trong nhiều vấn đề; Những tài năng không thể đoán trước, từ bên ngoài đi vào một hệ thống để phá vỡ nó và gây bất ngờ cho mọi người; và những đảng viên kỳ cựu, những người suốt đời phục vụ trong đảng bắt đầu từ bậc thấp nhất làm việc theo cách của họ. Clinton và Obama ít nhất là một phần của giới quan chức trong đảng. Trump, lạy Chúa, là một Nhân tài. Biden là một đảng viên kỳ cựu hoàn hảo. Ông đã nhiều lần tranh cử tổng thống, cùng một lý do như Jean Chrétien muốn trở thành thủ tướng Canada: bởi vì đó là việc tiếp theo phải làm. Không đúng khi nói Biden không có bản năng đổi mới: ông ấy đã đi trước Obama về hôn nhân đồng tính. Kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu trị giá 2 nghìn tỷ đô la của ông, mặc dù phần lớn là một kế hoạch cho các công việc xây dựng cho nghiệp đoàn, có thể sẽ làm được nhiều chuyện để giảm lượng khí thải carbon hơn bất cứ điều gì mà tòa Bạch ốc đã thực hiện khi Al Gore còn ở đó. Nhưng sẽ thật là điên rồ nếu cho rằng Biden muốn bao vây cách kinh doanh của người Mỹ theo kiểu của Bernie Sanders hoặc thế hệ cấp tiến mới do Alexandria Ocasio-Cortez lãnh đạo trong Hạ viện. Như Peggy Noonan, người đã viết diễn văn cho Reagan, đã nói trong một cuộc phỏng vấn khá tử tế về Biden cho loạt phim tài liệu Frontline của PBS, ông ấy là “một người tôn trọng những gì hiện có.”

 

Tất nhiên, ngoại trừ năm nay, ông ấy là người tôn trọng hàng đầu của nước Mỹ về những gì đã có, cho đến ngay trước khi Trump xuất hiện. Tham vọng của ông ấy trong năm nay là dẫn đầu một cuộc cải cách chống lại cuộc cách mạng Trump, hoặc, nếu bạn muốn, là người đứng đầu một toán dọn dẹp sau cuộc phá hoại. Tất nhiên, việc này khiến ông ta trở thành kẻ thù của những người ngưỡng mộ Trump. Nó cũng thường xuyên làm thất vọng các đảng viên Dân chủ có tham vọng cao hơn là  quay lại kim đồng hồ vào giữa năm 2016.

 

https://www.macleans.ca/wp-content/uploads/2020/10/TRUMP-LOSES-WELLS-SEPT30-02.jpg

Những người ủng hộ tại một cuộc lái xe đến xem Biden chấp nhận lời đề cử Tổng thống của đảng Dân chủ Ảnh: Drew Angerer/Getty Images.

 

Nếu không có gì khác, cố gắng xóa bỏ chủ nghĩa Trump sẽ khiến Biden rất bận. Washington Post đã liệt kê tất cả những gì ông ấy hứa sẽ làm vào Ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đó là một danh sách dài. Ông ấy sẽ đưa Mỹ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới. Ông ấy sẽ gọi cho các đồng minh NATO, “nói rằng chúng tôi đã trở lại”. Ông ấy sẽ “chấm dứt lệnh cấm người Hồi giáo” [vào Mỹ] và “làm việc với Quốc hội để thông qua luật chống tội phạm gây hận thù.” Ông ấy sẽ thắt chặt luật về súng, mở con đường trở thành công dân cho 11 triệu người di cư không có giấy tờ, đặt mục tiêu xóa bỏ việc cắt giảm thuế năm 2017 của Trump và cho bộ trưởng Gia cư của ông ấy 100 ngày để chấm dứt tình trạng vô gia cư. Ông sẽ khôi phục quyền sử dụng phòng tắm và phòng thay đồ của học sinh chuyển giới.

 

Có một số mục khác trong danh sách của tờ Washington Post đã đăng. Tất cả đều được xếp vào danh sách làm ngay trong Ngày 1; Ngày thứ hai đã cảm thấy như một sự thất vọng. Ted Kaufman, người đã thay Biden trong nhiệm kỳ Thượng viện khi ông khi trở thành phó tổng thống và đang lãnh đạo nhóm chuyển tiếp chính phủ của Biden, nói với Post rằng: “Chúng tôi sẽ phải cùng lúc hành quân trên rất nhiều mặt trận.”

 

Ông ấy sẽ phải tạo được động lượng trước khi nhậm chức, như tất cả các tổng thống đắc cử đều làm. Các cuộc chuyển đổi quyền lực tổng thống có một cách thể hiện sức mạnh băng ghế dự bị của tầng lớp công chức và trí thức Hoa Kỳ. Hầu hết các chính quyền mới đều choáng ngợp với hàng loạt nhân tài mới được đưa vào các vị trí trong nội các, các vị trí công chức cao cấp và các tầng cao nhất của bộ máy hành chính.

 

Người quanh Thủ đô và các phương tiện truyền thông suy đoán cho thấy nội các Biden có thể có Elizabeth Warren — thượng nghị sĩ Massachusetts, người có kế hoạch chi tiết để hạ các ngân hàng lớn xuống một bậc đã là một động lực chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của bà — làm bộ trưởng tài chính. Với vai trò ngoại trưởng, có thể là Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia nhiệm kỳ đầu tiên của Obama. Hoặc thậm chí có thể là Mitt Romney, đối thủ năm 2012 của Obama thuộc Đảng Cộng hòa. Lựa chọn thứ hai sẽ khiến Rice rảnh tay trở thành chánh văn phòng tòa Bạch ốc.

 

Biden có thể cử Pete Buttigieg làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc và đưa thống đốc tiểu bang Washington Jay Inslee, người có chiến dịch tranh cử tổng thống về chính sách biến đổi khí hậu mà mọi người đều phớt lờ, chịu trách nhiệm về Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Khi danh sách các đề cử tăng dần qua tháng 12 và tháng 1, sẽ khiến người ta có cảm giác rằng một lần nữa nhân tài được chào đón vào Phòng Bầu dục.

 

Biden luôn nói mình là một người đoàn kết, quyết tâm vượt lên trên phe phái trong một đất nước phân cực kinh niên. Chọn Kamala Harris, người đã cố gắng hết sức để đánh gục ông ta trong các cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ, làm người đứng cùng liên danh tranh cử trong vai phó tổng thống của ông là hành động phù hợp với nhãn hiệu đó. Vì vậy, Biden sẽ xây dựng một nội các phản ảnh những thành phần khác nhau của một Đảng Dân chủ đang ngày càng ghẻ lạnh với chính nó. Và ông ấy chắc chắn sẽ tìm được chỗ cho những người Đảng Cộng hòa và người do Trump bổ nhiệm, cho dù đó có thể là nâng cấp Romney hay giữ Jerome Powell, người được Barack Obama bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Fed và trở thành người Trump đã chọn làm chủ tịch ngân hàng trung ương.

 

Chỉ cần với một kế hoạch chuyển tiếp chính phủ, Biden sẽ đánh dấu một bước đột phá hoàn toàn so với người tiền nhiệm. Cuốn sách Rủi ro thứ Năm (The Fifth Risk) của Michael Lewis phần chính nói về cách Trump trở thành tổng thống hiện đại đầu tiên mà không có một nhóm tiếp nhận quyền lực xứng đáng được nêu tên. Bộ máy hành chính của Hoa Kỳ gồm những người được bổ nhiệm vào những trách nhiệm chính trị, ở mức độ lớn hơn nhiều so với Canada. Toàn bộ công chức cao cấp tại các cơ quan chính phủ có tính kỹ thuật cao như Nông nghiệp và Năng lượng do sự bổ nhiệm của tổng thống. Mỗi chính quyền có tới 6.000 công chức cao cấp, rất ít người có nhiệm vụ đặc biệt lo cho đảng phái. Bắt đầu từ một ngày sau cuộc bầu cử, các bãi đậu xe được dọn trống và sạch sẽ trong hàng chục tòa nhà chính phủ, chờ toán công chức mới đến họp buổi ban đầu. Nhưng sau khi Trump đắc cử, họ không bao giờ đến.

 

Lewis viết, sau lễ nhậm chức, giới công chức lãnh đạo cấp cao nhất bắt đầu đến làm việc một cách nhỏ giọt và buồn tẻ, nhưng

“Những người đã đến không biết tại sao họ lại ở đó hoặc họ phải làm gì. Trump đã gởi đến, trong số những việc khác, một tài xế xe tải đường dài, một nhân viên công ty điện thoại, một người đọc đồng hồ công ty gas, một tiếp viên câu lạc bộ đánh gôn, một thực tập sinh của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa và chủ nhân của một công ty nến thơm. Một trong những CV đã liệt kê khả năng duy nhất của người được bổ nhiệm mới là ‘có một phong thái dễ chịu’.”

 

.

Michael Lewis

 

Nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa lại bộ máy chính phủ Mỹ. Những người biết về an toàn của sản phẩm sẽ phụ trách an toàn của sản phẩm. Chuyên gia ngoại giao sẽ là đại sứ. Giới khoa học vật lý hạch tâm sẽ giám sát các nhà máy điện hạch tâm. Đôi khi những thay đổi quan trọng nhất lại ít được chú ý nhất.

 

Nhưng nếu việc ưu tiên lấy khả năng làm một tiêu chuẩn tuyển dụng nhân tài đã đủ để khắc phục tất cả những vấn đề tệ hại của nước Mỹ, thì nhiệm kỳ tổng thống Obama đã hẳn đã khiến cho không thể nào có một nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Nước Mỹ đã gặp nhiều thách đố sâu sắc trước khi Trump giành được Florida, và rất ít mối đe dọa mà đất nước phải đối phó  sẽ biến mất ngay cả khi Trump biến mất.

 

Việc biết bắt đầu liệt kê các mối đe dọa đó ở đâu dễ hơn là biết nơi nào chúng kết thúc. Một đại dịch coronavirus vẫn còn độc lực sẽ giết chết hàng trăm người Mỹ mỗi ngày vào tháng Giêng 2021. Người Mỹ đã biến các công cụ chống lại đại dịch, từ mặt nạ cho đến một loại thuốc chủng ngừa cuối cùng, thành vật tổ của cuộc tranh chấp đảng phái, bảo đảm rằng hàng chục triệu người sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và những người khác để ghi điểm chính trị. Tầng lớp trung lưu kỹ nghệ của quốc gia đang tan rã. Một Trung Hoa hiếu chiến và trỗi dậy sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng lợi thế của họ cho dù Mỹ có chống cự hay không. Sự suy giảm tự do dân chủ trên toàn cầu đã tiếp diễn trong mười lăm năm. Hệ thống liên minh thời hậu chiến, do NATO dẫn đầu, đã tự hỏi về sự kiên định và khả năng lãnh đạo của Mỹ trước khi Trump đắc cử. Mùa hè vừa qua mang lại điều mới nhất trong một chuỗi dài những tính toán với di sản của bạo lực phân biệt chủng tộc có từ nhiều thế kỷ trước. Chết chóc vô tận vì những vụ xả súng hàng loạt sẽ tiếp tục ngay khi người Mỹ tập trung đủ đông để tạo thành những mục tiêu dễ dàng. Cuộc khủng hoảng biến đổi  khí hậu ngày càng sâu sắc. Cơ sở hạ tầng công cộng đang mục nát.

 

Con đường dẫn đến cuộc khủng hoảng niềm tin của người Mỹ này được lót bằng những ý định tốt nhất của các tổng thống tiền nhiệm. Cải cách phúc lợi giữa những năm 1990 của Bill Clinton có lẽ đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói cùng cực. Quyết định ủng hộ việc Trung Hoa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của ông đã dẫn đến việc Trung Hoa xuất cảng chủ nghĩa chuyên chế thay vì nhập cảng chế độ dân chủ.

 

Bài diễn văn nhậm chức thứ hai của George W. Bush vào năm 2005 kêu gọi tự do lan rộng khắp thế giới. Tổ chức tư vấn Freedom House tại Washington đánh dấu năm 2005 là năm bắt đầu của sự suy giảm tự do toàn cầu có thể đo lường được và liên tục. Báo cáo thường niên mới nhất của Thnk tank này cho biết: “Dân chủ và đa nguyên đang bị tấn công.” Có vẻ như cuộc xâm lược Iraq và các phòng tra tấn bí mật đã tạo ra một sự chế nhạo các giá trị mà Bush hy vọng ông đang cổ súy.

 

Một phần di sản của Barack Obama là phản ứng dữ dội về phân biệt chủng tộc bắt đầu khi ông còn đương nhiệm và tăng tốc dưới sự lãnh đạo hớn hở của Trump, một con nước ngược dòng dữ dội lặp lại những giai đoạn đáng xấu hổ trong suốt lịch sử nước Mỹ. Đó không phải là lỗi của ông Obama. Có nhiều chỗ dành cho cuộc tranh luận về vai trò của Obama trong việc châm ngòi cho các phong trào dân túy bùng lên ở cánh tả và hữu — Chiếm phố Wall, Đảng Trà và những người kế vị họ — sau gói cứu trợ cho ngân hàng vào đầu năm 2009. Các gia đình người Mỹ đã tin tưởng vào những ngân hàng đó đã mất đi số tiền tiết kiệm cả đời. Ngân hàng giàu sụ được chính phủ cứu trợ. Các gia đình dân chúng đã nghèo lại thêm tan nát.

 

Cho đến ngày nay, Obama và bộ trưởng tài chính của ông, Tim Geithner, sẽ phát động cuộc chiến mãnh liệt bảo vệ những gì họ đã làm. Nhưng các cử tri hãy nhớ rằng, và bất cứ điều gì ông ấy làm, miễn là ông ấy còn là tổng thống, Biden sẽ phải đối diện với những cơn thất vọng và sự khinh bỉ đã khuấy động trong lần cuối cùng ông ấy làm việc trong tòa Bạch ốc.

 

Khi ông ta chọn con đường của mình đi về phía trước giữa những đống đổ nát,  di sản của các tổng thống trước đó, Biden sẽ bị người tiền nhiệm sau cùng phá hoại — và không phải lúc nào ông cũng được đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ.

 

https://www.macleans.ca/wp-content/uploads/2020/10/COV_NOV-2020.jpg

Bìa tạp chí MacLean’s tahsng 11, 2020

 

Donald Trump chỉ là một người dẫn chương trình truyền hình  thực tế khi ông tự chỉ định mình là người quảng bá chính của đất nước về các cuộc tấn công phi lý và giả mạo nhằm vào tính hợp pháp trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Ông ấy sẽ là một cựu tổng thống, chắc chắn là cay đắng, chắc chắn với quá nhiều thời gian trong tay, và ông ấy tiếp tục chiến dịch Twitter đánh phá Biden. Điều đó sẽ gây thiệt hại, một phần vì sẽ có nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa coi Trump như một hình mẫu để noi theo khi họ vạch ra con đường sự nghiệp cho riêng mình.

 

VIDEO :

Bay Area Artists Sing the Little-Known Fifth Verse of 'The Star-Spangled Banner' | KQED Arts

Các nghệ sĩ Bay Area hát lời thứ năm ít được biết đến của ‘The Star-Spangled Banner’ | KQED Arts

https://www.youtube.com/watch?v=W2GParQuTOs&feature=emb_logo

 

Chính trị phân cực thường khuyến khích các phong trào chính trị tập hợp lại, nhưng không có gì bảo đảm các đảng viên Dân chủ sẽ tập hợp sau lưng Biden. Phần lớn những người theo chủ nghĩa tiến bộ của nước Mỹ coi ông ta như một con khủng long (quá cũ), một người khai hỏa, thỏa hiệp, một người ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq, một người khơi dậy bản năng yếu nhất của Obama trong cuộc chiến vì sự tiến bộ. Việc Biden vươn lên được đảng Dân chủ đề cử đã khiến nhiều đảng viên Dân chủ trẻ tuổi hơn rất xấu hổ. Tốt nhất, họ sẽ là những người bạn thời bình, ngay cả chuyên đó cũng đã khó.

 

Liệu ông ấy có một nhiệm kỳ  tổng thống thành công hay không? Chúa ơi, tôi không biết ai đó có thể giả vờ trả lời được. Sẽ rất khó khăn để đó là điều chắc chắn. Nó diễn ra như thế nào sẽ phụ thuộc vào tổng thống, đảng của ông ấy, quốc gia của ông ấy và bạn bè của Mỹ. Mỗi vai trong bộ phim đó sẽ có cả núi việc phải làm.

 

Một trong những bản nhạc nổi bật nhất mà tôi đã nghe trong năm nay là giai điệu mới cho bài thơ The Star-Spangled Banner của Francis Scott Key, do nhà soạn nhạc Kile Smith viết cho dàn hợp xướng thính phòng ở Texas tên là Conspirare. Smith đã viết tác phẩm này để vinh danh Sarah Winnemucca Hopkins, một tác giả người Paiute ở Nevada ngày nay, người mà cha của bà đã biết bài thơ của Key và dạy cho bà ấy. Smith viết,

 

VIDEO :

Kile Smith on The Star Spangled Banner from The Dawn's Early Light

https://www.facebook.com/watch/?ref=external&v=2526741567402681

 

“Trong số tất cả các bài quốc ca, The Star-Spangled Banner là câu hỏi duy nhất. Lá cờ còn đó không? Lá cờ mà chúng ta nhìn thấy hôm qua, trước đêm và bom rơi trên mảnh đất của những người tự do và anh dũng này, nó có còn không?”

Kile Smith

 

Dự án Hoa Kỳ luôn mang tính lâm thời, không bao giờ vĩnh viễn. Được hình thành trong sự tự do, quốc gia rạng rỡ và khô cằn đó thường bị thử thách, thường được thấy là mong muốn. Những con đường mà nó tìm thấy qua mỗi cuộc thí nghiệm nảy lửa mới vượt quá khả năng phá hủy hoặc chuộc lỗi của bất kỳ phụ nữ hoặc đàn ông nào. Nhưng cuộc chinh phục đó có còn giá trị không? Lá cờ còn đó không? Có lẽ. Đó là hy vọng sẽ hướng dẫn Joe Biden, nếu ông ấy có cơ hội.

 

 

https://www.macleans.ca/wp-content/uploads/2017/09/wells-2.jpg

Tác giả | Paul Wells là một nhà báo và bỉnh bút người Canada, hiện đang viết cho tạp chí  Maclean’s. Ông đã từng là người phụ trách chuyên mục các vấn đề quốc gia cho nhật báo Toronto Star trong năm 2016-17.

 

Bài báo này đăng trên ấn bản tạp chí Maclean’s số ra tháng 11 năm 2020 với tựa đề, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trump thua?”

 

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


 

Nguồn: 

 

What if Donald Trump loses?   

By Paul Wells

October 7, 2020

MacLean’s  

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats