Tuesday, 6 October 2020

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA TRUMP : NHẬP CƯ (Hoang Nguyen – Luật Khoa)

 


 

Chính sách đối ngoại của Trump: Nhập cư

Hoang Nguyen  -  Luật Khoa

05/10/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/10/chinh-sach-doi-ngoai-cua-trump-nhap-cu/

 

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020 và chưa bổ sung thông tin TT Trump bị nhiễm coronavirus vào ngày 1/10.

 

Kỳ 1: Trung Quốc


Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế


Kỳ 3: Thương mại và kinh tế


Kỳ 4: COVID-19

 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2019/08/trump-tuong-1024x683.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi trưng bày các mẫu tường biên giới ở California vào tháng 3 năm ngoái. Ảnh: TNS

 

 

                                                 ***

 

NHẬP CƯ

 

 

Nhập cư là một vấn đề trọng yếu đối với Donald Trump, và là điểm nóng trong sự cạnh tranh giữa chính quyền của ông với những đối thủ của Đảng Dân chủ. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump đặt nền tảng cho việc giảm số người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, cũng như ban hành sắc lệnh hành pháp để định hình lại các chính sách liên quan đến tị nạn, trục xuất và visa.

 

·         Donald Trump từ lâu đã hứa xây phần tường mở rộng ở biên giới Mỹ-Mexico mà ông tuyên bố sẽ ngăn chặn tình trạng buôn người và các băng đảng ma túy xâm nhập vào đất nước. Vào năm 2019, ông đã đóng cửa chính phủ liên bang trong một nỗ lực không thành công để đảm bảo nguồn ngân sách của Quốc hội cho bức tường. Sau đó, Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới, điều này cho phép ông bố trí lại ngân sách để xây dựng hàng rào. Trước đó, Donald Trump nói rằng Mexico sẽ trả tiền cho việc xây bức tường.

 

·         Đe dọa đóng cửa biên giới hoàn toàn, và sử dụng mối đe dọa về thuế quan để thúc đẩy Mexico đẩy mạnh việc kiểm soát người di cư trên biên giới của mình.

 

·         Đưa ra một sáng kiến được gọi là chương trình Hãy Ở lại Mexico (Remain in Mexico program), nhằm giữ những người xin tị nạn phải chờ ở Mexico. Chính quyền [Trump] cũng đã tìm kiếm thỏa thuận “quốc gia thứ ba an toàn” với Guatemala, Mexico, Panama và một số nước khác, cho phép chính quyền Hoa Kỳ gửi những người xin tị nạn trở lại các quốc gia trên.

 

·         Vào năm 2017, ông đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm việc nhập cư hoặc đi lại đối với công dân từ một số quốc gia đa số theo đạo Hồi. Lệnh cấm ban đầu đã bị một số tòa án bác bỏ, nhưng Tòa án Tối cao đã thông qua một phiên bản mới hạn chế hơn.

 

·         Giảm giới hạn về số lượng người tị nạn mà Hoa Kỳ tiếp nhận mỗi năm xuống dưới 18.000 người, giảm xuống từ khoảng 80.000 người trước khi ông nhậm chức. Bộ Tư pháp của chính quyền Trump cũng đã thu hẹp phạm vi các trường hợp xin tị nạn cần được bảo vệ, bao gồm nạn nhân của bạo lực gia đình. Sau khi các biện pháp khẩn cấp liên quan đến coronavirus có hiệu lực vào tháng Ba năm 2020, việc tiếp nhận người tị nạn và người xin tị nạn gần như hoàn toàn ngừng lại.

 

·         Đề xuất một chương trình cải cách nhập cư toàn diện, giúp tạo ra một hệ thống nhập cư dựa trên thành tích, thay vì ưu tiên việc đoàn tụ gia đình. Kế hoạch của ông, dù vẫn chưa được Quốc hội xem xét, cũng sẽ tăng cường an ninh và bảo vệ biên giới thông qua việc xây dựng bức tường biên giới, và một hệ thống xác minh nghề nghiệp gọi là E-Verify.

 

·         Kế hoạch này không đề cập đến khoảng 11 triệu người không có giấy tờ tùy thân ở Hoa Kỳ được đưa đến đây khi còn nhỏ – hay còn gọi là Dreamers.

 

·         Tìm cách chấm dứt chương trình Hoãn Trục xuất người vào Mỹ bất hợp pháp (Deferred Action for Childhood Arrivals), một chương trình từ thời Obama nhằm mục đích bảo vệ những “Dreamers” khỏi việc bị trục xuất. Động thái này đã làm dấy lên nhiều thách thức pháp lý; và vào tháng Sáu năm 2020, Tòa án Tối cao đã ngăn chặn bước đi này. Ông cũng đã hủy bỏ những chương trình bảo vệ tương tự đối với cha mẹ của công dân Hoa Kỳ mà không có giấy tờ tùy thân.

 

·         Vào năm 2018, ông đã ban hành chính sách không khoan nhượng đối với những vụ vượt biên trái phép, dẫn đến việc bắt giữ hàng loạt và chia cắt trẻ em khỏi cha mẹ của chúng. Chính quyền cam kết sẽ chấm dứt tình trạng chia cắt gia đình sau sự phản đối kịch liệt của công chúng.

 

·         Donald Trump nhiều lần đe dọa trục xuất hàng triệu cư dân không có giấy tờ và mở rộng các biện pháp cưỡng chế trong nước, bao gồm những chiến dịch đột kích vào nơi làm việc lớn nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính rằng con số các vụ bắt giữ và trục xuất đều thấp hơn nhiều so với những cao điểm dưới thời chính quyền George W. Bush và Barack Obama.

 

·         Trừng phạt các thành phố cưu mang người tị nạn hoặc các khu vực có quyền hạn từ chối thực thi những chỉ thị nhập cư của liên bang, bao gồm việc thông qua một sắc lệnh hành pháp năm 2017 nhằm từ chối nguồn cung quỹ liên bang. Những nỗ lực trên đã bị các tòa án ngăn chặn, nhưng không phải tất cả.

 

·         Chấm dứt chương trình bảo vệ tạm thời (TPS) đối với một số quốc gia—là chương trình cho phép người di cư từ một số quốc gia gặp khủng hoảng đến sống ở Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian giới hạn.

 

·         Vào tháng Bảy năm 2020, chính quyền [Trump] đã quyết định thu hồi visa của các sinh viên quốc tế nếu có khóa học diễn ra hoàn toàn trực tuyến, một động thái mà Trump đã hủy bỏ ngay sau đó trong bối cảnh bị phản đối mạnh mẽ. Các trường đại học bao gồm Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cũng như 17 tiểu bang khác đã nộp đơn kiện chống lại quyết định này.

 


 

Kỳ tới: Biến đổi khí hậu

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats