Sunday, 11 October 2020

CẢI CÁCH và CÁCH CÃI (Đỗ Thành Nhân)

 


Cải cách và cách cãi

Đỗ Thành Nhân

11/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/11/cai-cach-va-cach-cai/

 

I. “Bốn cái làn, hai con ngựa”

 

Từ chuyện “bốn cái làn, hai con ngựa” (hình 1) … trong sách giáo khoa chương trình cải cách Tiếng Việt lớp 1 – tập 1 thuộc Bộ sách Cánh Diều, do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, như giọt nước làm tràn ly để cộng đồng mạng, đủ thành phần cãi nhau sôi nổi, báo chí cũng lên tiếng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-25-1024x455.png

Hình 1: “Bốn cái làn, hai con ngựa” trong SGK Tiếng Việt tập 1

 

Nạn nhân, người đứng mũi chịu sào cho búa rìu dư luận trong vụ này là ông Nguyễn Minh Thuyết. Ông Thuyết là Giáo sư, Tiến sĩ, cựu Giảng viên cao cấp, thuộc Khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Đơn giản là GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đứng tên Tổng chủ biên, kiêm Chủ biên chương trình sách. Chính vì vậy mà ông phải nhận những lời miệt thị cay nghiệt, như thực tế (hình 2).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-26-1024x472.png

Hình 2: Ông Nguyễn Minh Thuyết và những người biên soạn bộ sách (trái); những lời miệt thị dành cho ông.

 

Đi sâu vào tìm hiểu nội dung quyển sách đầu đời dạy làm người của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên: Sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương miền Bắc, không mang tính phổ thông; hiếm hoi thông điệp giáo dục, giá trị nhân bản; cổ xúy cho lối sống phô trương, hình thức, lười nhác; nhiều thủ đoạn, mưu mẹo, lừa đảo để đạt được mục đích; đề cao những nhân vật là con vật chuyên sử dụng bạo lực để tranh quyền, đoạt lợi v.v…

 

Có người còn cho rằng, đây là quyển sách độc hại và yêu cầu Bộ Giáo dục thu hồi. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận dưới góc độ khác, rộng hơn.

 

II.- Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng là nạn nhân

 

1) Cải cách

 

Những năm gần đây, cùng với đổi mới, mở cửa về kinh tế thì Việt Nam cũng luôn cải cách về giáo dục. Những người hôm nay là cha mẹ, ông bà đang dạy cho con cháu hãy xem lại chương trình học của mình trước kia thì mức độ “phi nhân tính” cũng đã giảm khá nhiều:

 

– Không còn những bài toán cộng trừ xác người, đại loại như, có dũng sĩ diệt 3 tên Mỹ, 4 tên ngụy và 2 tên chư hầu, hỏi dũng sĩ diệt bao nhiêu Mỹ ngụy và chư hầu.

 

– Giảm đi nhiều bài văn, sử, tiếng Việt phủ đầy những tấm gương thiếu niên hy sinh của Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, … một cách rùng rợn và phản khoa học.

 

Rõ ràng, xét về yếu tố nhân tính trong giáo dục, thì đã có cải cách đáng kể.

 

2) Và cách cãi

 

Dư luận sẽ tiếp tục đánh giá “công, tội” của ông Nguyễn Minh Thuyết với tư cách “tổng chủ biên” (xem: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và những “sự cố” liên quan đến việc biên soạn sách); tuy nhiên, trên một góc nhìn rộng hơn, thử đặt một số câu hỏi và trả lời để có sự đồng cảm với những người biên soạn sách giáo khoa.

 

Câu hỏi 1: Xem lại tất cả các lần cải cách giáo dục từ năm 1975 đến nay, có lần cải cách nào dư luận đồng tình ủng hộ không? Lần này cũng không ngoại lệ, nhưng có điều, nhờ mạng xã hội, nên nhiều người được quyền chỉ trích hơn và nhiều người biết hơn.

 

Câu hỏi 2: Trong khi thực tế phải ghi: liệt sĩ biên giới, văn bia bị đục bỏ chữ (hình 3); ngư dân bị “tàu lạ, tàu nước ngoài” đâm chìm trên Biển Đông; những người mang khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” bị công an mời làm việc, …; thì ai dám viết rõ “Hai Bà Trưng đánh giặc nào?” vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh. Huống hồ chi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với gần 30 năm tuổi Đảng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/1-27.png

Hình 3: Văn bia bị đục bỏ chữ (trái) và liệt sĩ biên giới

 

                                                  ***

Câu hỏi cuối cùng:

 

– Nếu có vị nào được giải thưởng danh giá quốc tế (như Nobel, Fields… ) muốn làm “tổng chủ biên” sách giáo khoa ở Việt Nam được không? Chưa chắc!

 

Điều kiện cần đầu tiên phải là “đảng viên”; “đảng tính” phải đặt trước “lý tính”, “nhân tính”; từ Trưởng phòng của Sở Giáo dục, đến Hiệu trưởng trường công lập – không có ngoại lệ, để bảo đảm Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội theo Điều 4 Hiến pháp. “Đảng tính” phải xuyên suốt toàn hệ thống của cả chương trình đào tạo, được cụ thể hóa trong chương trình sách giáo khoa.

 

– Còn nếu như ở vị trí ông Nguyễn Minh Thuyết là “tổng chủ biên” chương trình sách giáo khoa quốc gia, bạn phải xây dựng chương trình đúng với Luật Giáo dục (cũ 2005, mới 2019), đặc biệt là Điều 3.1:

 

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng“.

 

Xin hỏi:

 

i) Với tư cách là các nhà biên soạn sách, bạn hiểu được: xã hội chủ nghĩa là gì? từ đó mới hiểu được nguyên lý “nền giáo dục xã hội chủ nghĩa” như thế nào? Để có được triết lý giáo dục chuẩn mực cho quá trình biên soạn chương trình, bảo đảm được “tính nhân dân, dân tộc” (PS. không rõ: “tính nhân dân” khác “dân tộc” chỗ nào!)

 

ii) Làm sao để chương trình vừa “khoa học, hiện đại” đồng hành trên nền tảng “chủ nghĩa Mác – Lê nin” được? Trong khi, một đằng “khoa học, hiện đại” cần tự do, khai phóng, còn một đằng “chủ nghĩa Mác – Lê nin” thì độc tài, toàn trị. Ngay cả “khoa học, hiện đại” nhất thế giới như Liên Xô, Đông Đức cũng phải tự sụp đổ bởi “chủ nghĩa Mác – Lê nin” trên chính quê hương sinh ra “chủ nghĩa” này.

 

iii) Còn “tư tưởng Hồ Chí Minh”, từ nhiều năm nay đã đưa vào trường học rồi. Các cháu mầm non, mẫu giáo học “5 điều Bác Hồ dạy”, vào tiểu học bài đầu tiên “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, tiếp đến là đọc nhiều khẩu hiệu như: “Đời đời nhớ ơn …”, “Học đi đôi với hành”, “Cần kiệm liêm chính, …” v.v…

 

Nhưng các cháu còn quá nhỏ để hiểu và “làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh“.

 

Chỉ cần đảng viên, đặc biệt là đảng viên đương chức “làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh” được, là thành quả hiện thực, trực quan lớn nhất cho nền giáo dục trên “nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh“.

 

3) Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng là … nạn nhân!

 

Nếu GS.TS Nguyễn Minh Thuyết không làm “tổng chủ biên” thì cũng có hàng chục GS.TS khác sẵn sàng cho nhiệm vụ “tổng chủ biên” sách giáo khoa cải cách giáo dục.

 

Tuy nhiên, khi mà “tổng chủ biên” phải đáp ứng các điều kiện cần là đảng viên và phải thực hiện cải cách với “tính chất, nguyên lý giáo dục” theo Điều 3 Luật Giáo dục, thì không chắc chắn sẽ có người làm tốt hơn ông Nguyễn Minh Thuyết.

 

Cơ sở để khẳng định điều này là 2 nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, ông Nguyễn Minh Thuyết trong số ít người hiếm hoi đã đăng đàn phát biểu những vấn đề gai góc, như phản đối dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, các dự án cho nước ngoài thuê rừng, dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam; hoặc đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm trong vụ Vinashin.

 

Tây Du Ký là phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc thường phát trên VTV. Dù biết là yêu tinh đi nữa, Tôn Ngộ Không cũng không được diệt, mà phải nghe theo lời Tam Tạng, nếu muốn tiếp tục thỉnh kinh.

 

Các “tổng chủ biên” sách giáo khoa là con người chứ không phải thần thánh!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/0-77.jpg

Hình 4: Nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng – vai Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký – trao quà lưu niệm cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: NVCC.

 

PS: Người viết được thụ hưởng một giai đoạn nền giáo dục nhân bản, khai phóng, nên nhìn nhận nội dung sách dưới một góc độ khác: Cảm thông, vị tha, tôn trọng sự khác biệt và cố gắng giả định để tìm hiểu bản chất thực.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats