BẦU
CỬ 2020: LỰA CHỌN NÀO CHO NGƯỜI DÂN MỸ
https://www.facebook.com/thanh.n.truong/posts/10220757310614919
Như đã hứa trong bài ‘Chuyện cái cầu tăm’, tôi viết bài này chia sẻ góc nhìn
cá nhân về bầu cử Tổng Thống Mỹ 2020. Mỗi người dân Mỹ dùng lá phiếu của mình
để nói lên tiếng nói của họ. Mỗi người Mỹ có một góc nhìn riêng về tình hình
của nước Mỹ tùy thuộc vào hoàn cảnh của cá nhân kể cả sắc tộc của người ấy. Do
đó không có góc nhìn nào đúng và cũng chẳng có góc nhìn nào sai. Bởi thế họ chỉ
có một lá phiếu mà thôi!
Theo Hiến pháp Mỹ, TT Mỹ có hai nhiệm kỳ. Thường sau nhiệm kỳ 1 như bầu
cử 2020, thì cuộc bầu cử hay nói đúng hơn tái cử của TT phần lớn được người dân
đánh giá dựa trên những gì mà TT đương nhiệm đã làm được trong nhiệm kỳ 1. Nếu
người dân cho rằng những chính sách mà TT đưa ra đã bảo vệ quyền lợi của họ và
họ cho rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng thì người TT đương nhiệm hầu như không
có vấn đề gì trong việc tái cử.
Lịch sử Mỹ cho thấy trong 50 năm gần đây TT Mỹ chỉ có 1 nhiệm kỳ như TT Carter,
Bush (Sr) đều bị người dân đánh giá là đang dẫn dắt nước Mỹ đi sai hướng trong
nhiệm ký 1, còn hầu như tất cả TT khác đều được hai nhiệm kỳ. Do đó lần bầu cử
này không phải là sự lựa chọn giữa Biden-Harris và Trump-Pence hay giữa đảng
Dân Chủ và Cộng Hòa, mà là phiếu tín nhiệm của người dân cho những chính sách
mà TT Trump đưa ra trong nhiệm kỳ 1 mà thôi.
Những chính sách của chính phủ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của
người dân theo thứ tự kém dần theo tầm quan trọng đó là nền kinh tế vì nó ảnh
hưởng đến quỹ đầu tư hưu của họ, thuế vì nó ảnh hưởng đến thu nhập, bảo hiểm
sức khỏe vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và cả thu nhập, và xã hội vì nó
ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của họ. Sau đó người dân mới nhìn đến
vị thế chính trị của nước Mỹ trên thế giới, v.v…
1. Kinh tế
Đây là thế mạnh của ông Trump vì ông là một nhà kinh doanh. Trước đại
dịch covid-19, ông Trump đã làm rất tốt trong việc duy trì nền kinh tế tiếp tục
phát triển theo hướng tích cực, tuy nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng chu kỳ
kinh tế sẽ sớm đưa nước Mỹ vào thời kỳ suy thoái. Để làm được điều này ông
Trump đã nới lỏng các cơ chế bảo vệ môi trường để việc khai thác năng lượng
cũng như khai thác mỏ được dễ dàng hơn. Cái giá phải trả là môi trường sống
trong dài hạn cũng như góp phần thúc đẩy quy trình biến đổi khí hậu.
Để đưa ra những chính sách này,
ông Trump chối bỏ hầu như tất cả các cảnh báo khoa học về tác động môi trường. Trong thời gian của dịch covid-19 thì kinh tế
Mỹ đi vào suy thoái nhưng đây là vấn nạn chung của tất cả các nước trên thế
giới, do đó không thể quy trách nhiệm cho ông Trump được. Tuy nhiên cách ông
Trump điều hành chính phủ ứng phó với covid-19, là vấn đề sẽ phân tích riêng ở
phần xã hội.
Chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) theo ông Trump là điều cần
thiết để cân bằng cán cân thâm hụt thương mại mà xưa nay nước Mỹ phải lãnh
chịu. Bằng cách nâng cao mức thuế nhập cảng cho một số mặt hàng từ TQ, ông
Trump nghĩ rằng sẽ làm áp lực ép TQ vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, TQ trả đũa
bằng cách nâng cao mức thuế cho một số mặt hàng trọng điểm như nông phẩm từ Mỹ.
Cuộc chiến này giống như anh bóp cổ tôi thì tôi cũng bóp cổ lại anh coi ai chết
trước. Tuy nhiên, đánh giá gần đây nhất cho thấy mức thâm hụt thương mại của Mỹ
với TQ hiện nay đang tăng ngất ngưởng [1].
Tuy nhiên có một ảnh hưởng khác trong cuộc chiến tranh này đó là một số
các công ty nước ngoài di dời nhà máy sản xuất ra khỏi TQ và làm ảnh hưởng đến
vị thế của TQ trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Số lượng công ty Mỹ dời nhà máy
sản xuất trở về Mỹ không đáng kể, mặc dù ông Trump cho rằng cuộc chiến kinh tế
này sẽ thúc đẩy điều này. Đánh
giá ở thời điểm hiện tại cho thấy, chiến lược của ông Trump cho chiến tranh
kinh tế với TQ không đi theo hướng như ông mong muốn, nếu không nói là thất
bại.
2. Thuế
Ông Trump ban hành chính sách thuế mới vào tháng 12 năm 2017. Trong chính
sách thuế này, ông cắt giảm đáng kể mức thuế cho giới siêu giàu (1% khối thu
nhập cao nhất). Chính sách thuế rất phức tạp, tôi không nói là hiểu hết nhưng
công ty kế toán khai thuế cho tôi hai mươi năm nay, cho tôi biết, là những mục
khấu trừ thuế mà tôi có thể khai trước đây đã bị hủy trong luật thuế mới và do
đó tôi đóng nhiều thuế hơn.
Theo bài khảo sát [2] thì để cân bằng ngân sách, luật thuế mới đã bỏ
nhiều điều khoản khấu trừ thuế trước đây và theo IRS, nó làm tăng thuế cho gần
hai triệu người nộp thuế. Nếu tăng thuế và dùng tiền đó xây trường học hay làm
cầu đường thì có thể chấp nhận được. Cá nhân tôi có cảm nhận luật thuế mới đã
lấy tiền của tôi đưa cho các đại gia siêu giàu và đó là điều không thể chấp
nhận được.
3. Sức khỏe
Ông Trump khi vận động bầu cử 2016 hứa sẽ phá bỏ luật bảo hiểm sức khỏe
có tên Obamacare. Trong chính sách của Obamacare có phần bảo vệ người có bệnh
nền. Trong nhiệm kỳ 1, ông Trump đã tìm cách để bác bỏ toàn bộ Obamacare qua
quốc hội nhưng đã không thành công, bởi lá phiếu chống quyết định của Cố thượng
nghị sĩ đảng Cộng Hòa ông John McCain. Sau đó ông Trump đã tìm cách cắt bỏ từng
phần một của luật Obamacare và ông đã cắt bỏ khá đáng kể.
Nếu bạn quan tâm thì có thể đọc bài [3] về những việc ông Trump làm trong
việc đập bỏ Obamacare. Một người có bệnh nền và có tuổi gần về hưu như tôi, thì
việc luật pháp bảo vệ quyền lợi có bảo hiểm sức khỏe ở mức giá hợp lý là điều
tối quan trọng. Mỗi khi đề cập đến vấn đề luật bảo hiểm sức khỏe mới, ông Trump
luôn nói là sẽ không ảnh hưởng đến người có bệnh nền, nhưng cho tới nay chưa
thấy một kế hoạch cụ thể nào. Với những gì ông Trump đã làm để bảo vệ quyền lợi
của người dân thì tôi không tin vào điều ông ta nói! Ông ta nói láo không nhắm mắt thì làm sao ai tin
được.
4. Xã hội
Nước Mỹ giàu mạnh nhờ vào đa dạng chủng tộc. Khoa học đã chứng minh sự đa
dạng này tạo nên môi trường thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, mặt trái của sự đa
dạng chủng tộc là kỳ thị chủng tộc mà tôi có đề cập trong bài viết trước về
trải nghiệm của mình. Vấn đề kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ đã có từ lâu và
người dân Mỹ lúc nào cũng tranh đấu cho sự bình đẳng. Tuy nhiên trong 40 năm
sống ở Mỹ, cá nhân tôi chứng kiến sự phân rẽ ngày càng tồi tệ trong 3-4 năm
qua, bắt đầu từ cuộc biểu tình đòi bình đẳng ở TP Charlottesville, Virginia.
Phản ứng của ông Trump ‘I think there is blame on both sides’ như đổ dầu
thêm vào lửa. Từ đó đến các cuộc biểu tình đòi bình đẳng gần đây của “Black
Lives Matter” trên toàn nước Mỹ, ứng xử của ông Trump đã không giúp xoa dịu vấn
đề mà càng làm xã hội ngày càng phân rẽ hơn. Đỉnh điểm gần nhất là trong cuộc
tranh luận với ông Biden, khi ông Trump đã dùng từ ‘stand back and standby’ để
nói với nhóm cực đoan da trắng thượng đẳng Proud Boys. Đó như giọt nước tràn ly
khi tôi quyết định chia sẻ trải nghiệm của mình về nạn kỳ thị chủng tộc.
Vấn đề xã hội cũng cần phải đề cập đến quyền quyết định của phụ nữ. Thẩm
phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, bà Rudy Ginsburg vừa qua đời, là người nổi tiếng
trong xã hội Mỹ vì bà đã bảo vệ quyền bình đẳng giới, trong đó có quyết định
của phụ nữ khi mang thai trong suốt cuộc đời của bà. Quyền quyết định của phụ
nữ và quyền được sống của thai nhi là một tranh luận chưa hồi kết ở Mỹ.
Tôi không muốn tranh cãi vấn đề này ở đây mà chỉ nêu lên người mà ông
Trump đề cử, bà Amy Barrett ủng hộ quyền được sống và có thể bác bỏ luật phá
thai hiện nay và làm cho khả năng phá thai cho phụ nữ ngày càng khó hơn trong
tương lai. Thêm vào đó, gần đây, thẩm phán TCPV ông Clarence Thomas còn tuyên
bố, khả năng lật đổ luật kết hôn đồng giới. Đây là những vấn đề mà phụ nữ cũng
như giới đồng tính cho là quan trọng và muốn dùng lá phiếu của mình để lên
tiếng.
Trong vấn đề xã hội, việc chính phủ ứng phó với đại dịch covid-19 là điều
tối quan trọng vì nó chẳng những ảnh hưởng đến mạng sống, sức khỏe và tâm lý
của người dân mà còn đến nguồn sống của họ. Trong khủng hoảng, tài năng cũng
như những điểm mù tư duy của người lãnh đạo được thể hiện rõ nét.
Thử so sánh về vấn đề này giữa nước Mỹ và Việt Nam. Việt Nam có 98 triệu
dân, và hiện có khoảng 1100 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Nước Mỹ có 331 triệu dân
nhưng hiện có 7.73 triệu ca nhiễm và 224 ngàn ca tử vong. Trong đại dịch, tuy
với mật độ dân số cao hơn, chính phủ Việt Nam có chính sách cách ly, cũng như
giãn cách xã hội cứng rắn và đặt ưu tiên cho mạng sống của người dân. Trong khủng hoảng, người dân
nghe theo hướng dẫn của người lãnh đạo.
Ông Trump tuy biết tầm nguy hiểm của bệnh dịch từ lâu, trước công chúng
ông bác bỏ mọi nguy cơ cảnh báo, cũng như đề xuất từ giới chuyên môn y tế, cho
rằng bệnh này chỉ là một bệnh cúm bình thường, không đáng lo và tự động sẽ biến
mất. Ông từ chối đưa ra chính sách giãn cách xã hội cho quốc gia và cá nhân từ
chối việc đeo khẩu trang.
Ông vừa hồi phục từ nhiễm covid-19 nhưng điều cần lưu ý là, ông ta là
người duy nhất trên thế giới được ưu tiên chữa trị với những phương pháp tối
tân và mới nhất mà người khác cho dù giàu cỡ nào cũng không có được. Hành xử
của ông Trump trong đại dịch lộ điểm mù tư duy lãnh đạo mà tôi có đề cập trong
một bài post trước đây ‘Trong tay cầm cái búa thì mọi vấn đề biến thành cây
đinh’. Ông Trump trong tay đang cầm cái búa kinh tế nên mọi vấn đề ông ta nhìn
thấy chỉ từ chỉ số kinh tế.
5. Vị thế chính trị trên thế giới
Vị thế chính trị của Mỹ trên
thế giới ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Mỹ. Mỹ quan tâm đến ba khu vực chính trên thế giới: Châu Âu kể cả Nga, châu
Á, và vùng Trung Đông. Châu Âu (khối NATO) để cân bằng địa chính trị với Nga.
Châu Á thì liên kết với Nhật, Úc và Ấn Độ để cân bằng địa chính trị với Trung
Quốc, nước có thị trường người tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Trung Đông vẫn là mỏ dầu cung cấp nguồn năng lượng rẻ cho toàn thế giới.
Với Trung Đông thì chính sách đối ngoại của ông Trump không có gì đột phá. Với
châu Âu thì chính sách ông Trump làm yếu NATO và như thế tạo lợi thế cho Nga. Điều làm cho các lãnh đạo thế
giới khó hiểu đó là ông Trump né tránh mọi đối chọi với ông Putin.
Trong kỳ họp báo cho cuộc đàm đạo đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Nga ở
Helsinki, Phần Lan vào hè 2018, thế ngồi như con mèo ướt của ông Trump bên cạnh
ông Putin dấy lên nghi vấn trong giới tình báo, đó là khả năng ông Putin đang nắm trong tay bí mật của
ông Trump. Do đó ông Trump đã làm mất vị thế chính trị của Mỹ trong khối
NATO ở châu Âu.
Cho khu vực châu Á, vào cuối nhiệm kỳ 2 của ông Obama thì hiệp ước liên
minh kinh tế Thái Bình Dương (TPP Trans-Pacific Partnership Trade Agreement)
giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, được ký vào tháng 2/2016. Đây là vành đai
kinh tế mà ông Obama đưa ra để cân bằng với chiến lược “một vành đai, một con
đường” của TQ.
Tuy nhiên, ông Trump sau khi nhậm chức đã bác bỏ hiệp ước này. Thế vào
đó, gần đây chính phủ ông Trump xây dựng vành đai quân sự ‘Tứ giác kim cương’
với đồng minh lâu năm Nhật, Úc, và Ấn để cân bằng các hoạt động quân sự của TQ
trên biển Đông. Đây là điểm sáng trong chính sách đối ngoại của ông Trump mà
nhiều bạn Việt Nam ủng hộ và hoan nghênh. Gần đây thì chính phủ Trump cũng gợi
ý khả năng xây dựng một liên minh kinh tế giống như TPP, nhưng chưa có gì rõ
ràng.
6. Nhân cách lãnh đạo
Đánh giá nhân cách của một người lệ thuộc vào những giá trị cốt lõi mà
người đánh giá tin tưởng và dùng nó làm chuẩn. Mỗi người có hệ giá trị cốt lõi
khác nhau nên sẽ đánh giá nhân cách lãnh đạo của ông Trump khác nhau. Tuy
nhiên, vấn đề nhân cách của ông Trump đã gây nhiều tranh cãi rồi, tôi không
muốn nói thêm ở đây. Điều
mà người dân Mỹ đang chứng kiến, đó là qua nhân cách và hành xử của vị TT đương
thời, ông Trump, nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ đánh mất những giá trị cốt lõi
mà người Mỹ xưa nay tin tưởng, trong đó có đa dạng, đoàn kết, bình đẳng, nhân
đạo, và thấu cảm. Người dân Mỹ có muốn văn hóa xã hội của mình thay đổi
không và đây là câu hỏi mà mỗi người dân Mỹ phải trả lời cho riêng mình.
Cuối cùng tôi cho rằng, đóng
góp lớn nhất của ông Trump trong 4 năm qua về mặt chính quyền là phá bỏ mọi
nguyên tắc, mọi quy luật bất thành văn đang vận hành ở thủ đô Washington, DC. Chính những nguyên tắc và quy luật này đã làm
cho hoạt động chính quyền Mỹ nhiều lúc bế tắc. Tính cách cứng rắn của ông Trump
đã giúp ông làm được điều này. Tuy nhiên với tính cách ấy không giúp ông Trump
xây dựng những quy trình mới trong đó có sự đoàn kết vì mục đích chung của
lưỡng đảng.
Nước Mỹ hiện đang cần người lãnh đạo có khả năng hàn gắn những vết thương
xã hội và đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng do đại dịch covid-19 đang tàn phá về
mặt mạng sống cũng như kinh tế. Tôi không cho rằng ông Trump có khả năng làm
điều này trong nhiệm kỳ 2. Về cá nhân, tôi cho rằng những chính sách trong
nhiệm kỳ 1 của ông Trump đã không bảo vệ quyền lợi của tôi. Và đó là những lý
do cho quyết định cá nhân cho lá phiếu của tôi.
Chúc các bạn có một cuối tuần vui vẻ.
Trương Nguyện
Thành
_____
[3] https://www.thebalance.com/how-could-trump-change-health-care-in-america-4111422
.
Tác giả
Nhiều bạn cho rằng ông Trump làm TT không nhận lương là vì người dân Mỹ.
Thật sự nếu đánh giá thu nhập cho gđ Trump (con, rể, dâu) kể cả công ty Trump
thì mức thu nhập cao hơn nhiều so với mức lương của TT. Thêm nữa ông Trump
trong thời gian làm TT đã dùng nhà Trắng như bình phong để mang lại lợi nhuận
cho công ty Trump. Bạn coi bài báo mới nhất về vấn đề này từ NYT. Luật pháp Mỹ
bảo vệ quyền cá nhân nên khi một bài báo đưa thông tin chi tiết như thế thì họ
đã làm nghiên cứu và kiểm tra thông tin rõ ràng chứ không bịa. Nếu bịa thì họ
sẽ bị tố vu khống và có khả năng mất trắng.
https://www.nytimes.com/.../us/trump-properties-swamp.html
NYTIMES.COM
The Swamp That Trump Built
.
Hình ảnh nước Mỹ và tin tưởng vào Trump trên thế giới xuống cấp thảm hại
theo điều tra của Pew Resarch. Nước Mỹ đang lạc hướng. Cần phải thay ngựa thôi.
https://www.pewresearch.org/global/2020/09/15/us-image-plummets-internationally-as-most-say-countr
…
Xem thêm
No comments:
Post a Comment