Tuesday, 6 October 2020

BỘ TỨ MỸ, NHẬT, ẤN, ÚC HỘI ĐÀM TÌM CHIẾN LƯỢC ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC (RFI)

 


NỘI DUNG :

Mỹ, Nhật, Ấn và Úc hội đàm tìm chiến lược đối phó với Trung Quốc

Trọng Thành  -  RFI

.

'Bộ Tứ' họp tại Nhật để đối phó Trung Quốc

BBC Tiếng Việt

 

Mỹ, Nhật, Ấn và Úc hội đàm tìm chiến lược đối phó với Trung Quốc

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 06/10/2020 - 12:11

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%ADt-%E1%BA%A5n-v%C3%A0-%C3%BAc-h%E1%BB%99i-%C4%91%C3%A0m-t%C3%ACm-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

 

Hôm nay, 06/10/2020, ngoại trưởng Mỹ cùng đồng nhiệm ba quốc gia đồng minh trong nhóm Bộ Tứ (Quad) có cuộc hội đàm tại Nhật Bản, nhằm thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và các chiến lược đối phó. Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai của các ngoại trưởng Bộ Tứ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/efda5af4-07ba-11eb-ab2d-005056bf87d6/w:980/p:16x9/000_8RH42Y.webp

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (G) chụp ảnh chung với ngoại trưởng bốn nước Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ, tại Tokyo, ngày 06/10/2020. AFP - NICOLAS DATICHE

 

Theo AFP, sáng hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cuộc hội kiến với đồng nhiệm Úc Marise Payne. Theo một thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ngoại trưởng hai nước đã « chia sẻ lo ngại về các hoạt động mờ ám » của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trước chuyến công du Tokyo, ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ có « một số thông báo quan trọng » sau cuộc hội đàm bốn bên, tuy nhiên ông Pompeo cũng nói thêm là các thông báo sẽ chỉ được đưa ra sau khi các ngoại trưởng trở về, và sau khi tham vấn ý kiến của lãnh đạo. 

 

Theo một nhà ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc hội đàm, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng thảo luận về hợp tác phòng chống đại dịch  Covid-19, an ninh trên biển và an ninh mạng. Trước chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua, 05/10/2020, có phát biểu nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của quan hệ Mỹ - Nhật và vai trò quan trọng của Bộ Tứ, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến tầm quan trọng của việc xây dựng « các quan hệ ổn định với các láng giềng, bao gồm Nga và Trung Quốc ».

 

Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ đến Tokyo vẫn được duy trì, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm rung chuyển Nhà Trắng, với việc tổng thống Donald Trump và một loạt cộng sự bị nhiễm virus. Đây là lần thứ hai các ngoại trưởng Bộ Tứ nhóm họp. Nhóm Bộ Tứ tổ chức cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng lần đầu tiên vào tháng 9/2019 tại New York.

 

Cơ chế Bộ Tứ (tên gọi đầy đủ là Đối thoại An ninh Bốn bên - Quadrilateral Security Dialogue), với chủ trương xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương « mở và tự do », cũng mở rộng cho sự tham gia của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Mới đây, một số quốc gia như Pháp và Đức khẳng định ủng hộ quan điểm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên luật pháp quốc tế.

 

                                                 ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Nhật Bản phản đối Trung Quốc lập trang web về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

 

Ấn Độ - Mỹ thắt chặt hợp tác quân sự

 

Pháp - Đức - Nhật ủng hộ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do và mở"

 

================================

 

'Bộ Tứ' họp tại Nhật để đối phó Trung Quốc

BBC Tiếng Việt

6 tháng 10 năm 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54435753

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Ba đã gặp người tương nhiệm của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại Tokyo để thảo luận về cách đối phó với Trung Quốc.

 

"Cuộc họp Bộ Tứ" diễn ra trong bối cảnh cả bốn nước đang tìm cách tạo lập một mặt trận chống lại một Trung Quốc ngày càng lấn lướt.

 

Trước khi rời Hoa Kỳ, ông Pompeo nói rằng cuộc gặp là "điều mà chúng tôi đã lên lịch để thực hiện bấy lâu nay".

 

Quan hệ song phương Mỹ - Trung trong những tháng gần đây đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

 

Điều này khiến Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

 

Nhóm Bộ tứ - đại diện bởi các ngoại trưởng Motegi Toshimitsu của Nhật Bản, Marise Payne của Úc và Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ - dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề bao gồm đại dịch Covid-19 và an ninh mạng.

 

"Hy vọng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một Thái Bình Dương -Ấn Độ Dương tự do và mở, bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh và thịnh vượng," ông Pompeo viết trên Twitter khi rời Hoa Kỳ.

 

Trước cuộc họp, Trung Quốc đã cảnh báo chống lại "thói bè phái" để nhắm vào các bên thứ ba.

 

"Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể hướng tới lợi ích chung của các nước trong khu vực và làm nhiều việc có lợi hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, chứ không phải ngược lại," AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/0396/production/_114781900_54435753.jpg

Thủ tướng Suga Yoshihide (Giữa) cũng xuất hiện.

 

Bộ Tứ là gì?

Sáng kiến Tứ giác - được gọi theo không chính thức là "Bộ Tứ" - khởi đầu vào tháng 5 năm 2007 với cuộc họp giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tại thủ đô Manila của Philippines.

 

Nhóm không chính thức, do Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Abe Shinzo khởi xướng, được giới phân tích xem là một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng.

 

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh đã phản đối chính thức về Bộ Tứ, các thành viên cho biết "quan hệ đối tác chiến lược" của họ chỉ nhằm duy trì an ninh khu vực và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

 

Bộ Tứ sau đó mất đà và chỉ được tái nhóm trở lại cách đây vài năm.

 

Tại sao Bộ Tứ gặp nhau bây giờ?

 

Cuộc gặp mới nhất này diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ của họ với Trung Quốc.

 

Kể từ năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, họ đã xung đột về nhiều vấn đề bao gồm bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và bác thị thực du học sinh Trung Quốc.

 

Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc cũng đang xấu đi.

 

Vào tháng 9, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại Trung Quốc cho truyền thông Australia đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao.

 

Và ngày càng có nhiều căng thẳng giữa Bắc Kinh và Delhi dọc theo biên giới tranh chấp của họ ở khu vực Himalaya. Giao tranh vào tháng 6 đã chứng kiến cuộc đối đầu chết người đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1975.

 

Alexander Neill, một phân tích gia an ninh châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore, cho rằng "mấu chốt thực sự" cho động lực mới của Bộ Tứ chính là "việc Ấn Độ đồng ý tham gia vào".

 

"Trong những năm gần đây, đã có nhiều suy đoán về việc Bộ Tứ trở thành một khuôn khổ được chính thức hóa. Nhưng nó đã bị hạn chế bởi Ấn Độ, vốn là quốc gia có truyền thống mạnh của phong trào không liên kết," ông nói.

 

Mặt khác, Hoa Kỳ đã "rất nhất quán" với thông điệp của mình dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông nói thêm.

 

Washington nói "các hành động lấn lướt của Trung Quốc sẽ không chỉ dẫn đến việc nước này tự cô lập mà còn thúc đẩy những người bạn và đồng minh có cùng chí hướng đoàn kết lại với nhau. Bộ Tứ là một biểu hiện của điều này."

 

Ông Neill trông đợi Bắc Kinh "sẽ cáo buộc Hoa Kỳ có tâm lý khống chế và Chiến tranh Lạnh" và xây dựng các liên minh "để ngăn chặn sự trỗi dậy chính đáng của Trung Quốc".

 

Thủ tướng mới của Nhật Bản Suga Yoshihide được cho là sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng tinh vi hơn. Tokyo đã thấy mối quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện ổn định trong khi Nhật Bản cũng duy trì mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia.

 

Ông Suga nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng ông sẽ tìm cách "thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" và cũng "xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và Nga".

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats