Việc
tuyên y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, người nông dân cầm súng để tự vệ
trước bước đường cùng ở Đăk Nông, thì rất dễ dàng, nhưng để xác lập được công
lý bằng sự thật thì nó đã vốn là thứ trở nên quá khó khăn đối với những người
nhân danh luật pháp để xét xử.
Trước
sự im lặng kéo dài nhiều năm ròng của chính quyền địa phương, những người dân
bị thu hồi đất từ doanh nghiệp đã phải chống trả lại sự đàn áp và tấn công có
đầy đủ vũ khí với lực lượng đông đảo là những kẻ cướp bóc. Và khi tình thế buộc
họ phải phản kháng, nếu biết rằng họ cũng sẽ lại bị buộc phải chết bởi một bản
án chờ sẵn phía trước, ắt hẳn, họ sẽ không lựa chọn việc ra đầu thú mà có thể
họ đã có một toan tính khác.
Tôi
vẫn chưa hiểu tại sao lại áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” trong vụ án
này đối với Hiến. Vì rằng, toà án tối cao đã có hướng dẫn thế nào là có tính
chất côn đồ khá rõ ràng, ở đó nói lên thái độ thách thức pháp luật, xem thường
luân lý, coi rẻ tính mạng và sức khoẻ của người khác mà chỉ vì những lý do hết
sức đơn giản, nhỏ nhặt. Hơn nữa, trong vụ án này, Hiến đã bị dồn nén suốt gần
chục năm trước sự bức áp, tấn công từ lực lượng hùng hậu được bảo kê của doanh
nghiệp nhằm cướp đất của người dân nơi đây. Họ đã không được nương dựa vào luật
pháp và trong sự thờ ơ của chính quyền sở tại, trước cuộc công ráp có vũ khí và
Hiến đã bắn chỉ thiên để cảnh báo, nhưng những tên này vẫn hung hãn đàn áp
những người quẫn cùng, nó là nguyên cớ để buộc Hiến phải nổ súng, nhất là khi
đứng trước cơn mưa đá ném vào nhà và trước sự áp sát ráo riết của những tên côn
đồ này.
Đó
là một sự phòng vệ, đó là hành động được khởi phát do tinh thần bị kích động
mạnh và dựa trên các hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của chính nạn nhân.
Vậy
tại sao không xem xét những tình tiết đó để ra phán quyết?
Với
án tử hình được tuyên, vòng ai oán vẫn sẽ cứ tiếp diễn và tiến sâu vào vòng
luẩn quẩn nhưng ngày càng khiến cho mọi thứ tệ hại hơn, khi những người khác
nhìn vào đó chỉ thấy sự bất công và họ trở thành nạn nhân hai lần liên tiếp mà
không lối thoát nào được mở ra.
Có
lẽ, mọi chuyện sẽ phải xảy ra như nó phải như vậy theo một cách tự nhiên mà nó
không thể khác được. Cũng như sau mỗi phiên toà chính trị mà tôi tham gia, nó
đưa tôi đến một suy nghĩ mặc nhiên rằng, dường như những sự đấu tranh theo luật
pháp và bằng lẽ phải sẽ không khiến họ nhận thức được vấn đề hay thay đổi được
sự bất công đang tồn tại ngày càng khốc liệt hơn. Họ không nhận ra được sự
nghiêm trọng và khẩn thiết của tình thế.
Những
tiếng súng vang lên như những tiếng chuông cảnh tỉnh tất cả chúng ta về những
gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hôm nay ở một trạng thái bế tắc và hỗn
loạn khi dần tới sự cùng cực cuối cùng.
Tử
hình một người nông dân cầm súng hôm nay, những người dân còn lại sẽ nghĩ gì
khi lâm vào bước đường cùng như thế?
*
TUOITRE.VN
TTO
- Sau khi tuyên án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, Hội đồng xét xử nhắc đi
nhắc lại rằng ông có 7 ngày xin chủ tịch nước ân xá, giảm án...
------------------------------------
Hôm
nay, em trai Đặng Văn Hiến gọi cho tôi. Anh ấy cảm ơn những nỗ lực của tôi đối
với Hiến và các nạn nhân của công ty Long Sơn trong vụ nổ súng Đak Nông và xin
tôi lời khuyên. Đại ý dân làng nơi Đặng Văn Hiến từng cư ngụ muốn ra Hà Nội để
nộp đơn đến văn phòng Chủ tịch nước xin ân xá miễn án tử cho Hiến.
Tôi
lặng đi một lúc. Họ nghèo xơ xác, tích cóp vài đồng tính đi xe khách ra Bắc tìm
một chút hy vọng nhỏ nhoi ở trung ương.
Tôi
nói không nên. Câu chuyện của những dân oan các ơi đổ về Hà Nội tôi nghe, tôi
gặp đủ nhiều. Có người đeo đuổi vụ việc hơn 40 năm oan khiên mới được một lần
tiếp chuyện. Án tử của Hiến sẽ không chỉ vì một vài băng rôn, vài chục người
kêu oan mà thay đổi. Lực lượng an ninh sẽ thêm việc, hình ảnh thủ đô sẽ bớt
đẹp, các báo cáo nhân quyền sẽ có điểm trừ. Nhưng đó vẫn không phải lý do chính
khiến tôi khuyên dân làng không ra trung ương.
Mà
từ chính thái độ của chúng ta!
Tôi
trao đổi với các luật sư về bức thỉnh nguyện thư gửi đến Chủ tịch nước để xin
ân xá cho Đặng Văn Hiến. Đó nên là một bức thỉnh nguyện thư mà bất kỳ ai cũng
có thể để tên mình vào đấy gửi đến Chủ tịch nước về một thân phận khốn cùng chỉ
còn vài ngày nữa sẽ thi hành án tử. Câu chuyện của Hiến tôi nhìn thấy ở nhiều
nhân vật khác của chính tôi, từ các bi kịch đất đai cố hữu. Tôi sẽ không viết
thỉnh nguyện thư của riêng mình vì tôi biết các yếu tố cảm tính cá nhân sẽ chi
phối con chữ.
Và
sẽ không có bất kỳ từ xin nào, chỉ có đề nghị!
Cuộc
sống có những sợi dây liên kết nối chúng ta theo cách này hay cách khác. Tôi
vận động Đặng Văn Hiến ra đầu thú vì chí ít trong lời khai, trong phần tự bào
chữa hay trong chính những lời kể ràn rụa nước mắt của hung thủ giết người có
một sự thật khác mọi người cần biết. Ngày tôi vào rừng cùng C45 và dân làng đưa
Hiến ra đầu thú, có một niềm tin mãnh liệt rằng kẻ khốn cùng ấy là một thân
phận đáng thương.
Cả
làng của Hiến khóc khi Hiến ôm con trai mà khóc hôm đầu thú. Tôi cũng khóc. Có
những chiến sĩ C45 mắt đỏ hoe. Đó là một cảm xúc mà nếu ta tự đặt mình vào hung
thủ- người cùng đường phải nổ súng- ta mới hiểu.
Tôi
sẽ lại lên tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông để thăm
những con người khốn khổ ấy. Tôi sẽ tiếp tục lo cho những đứa trẻ mất cha trên
đó. Và tôi vẫn sẽ viết về những sự thật khốc liệt, sẽ tiếp tục phối hợp đưa
những cảnh báo cho chính quyền về thực trạng của mâu thuẫn đất đai, nơi những
người dân yếu thế không biết bấu víu vào đâu để hy vọng.
Ngày
tôi thăm Đặng Văn Hiến, tôi nhìn anh ấy qua lớp kính, hỏi trong điện thoại: Anh
Hiến, anh có tin vào công lý không? Hiến đáp: "Tôi tin công lý còn tồn tại
nhà báo ạ!". Án tử phiên phúc thẩm không làm tôi mất niềm tin ấy hay thậm
chí nếu Chủ tịch nước không ân xá cho Hiến thì niềm tin ấy vẫn còn. Công lý tồn
tại trong từng người già đội đơn đi khiếu kiện mấy mươi năm, trong từng chồng
hồ sơ mà cá nhân tôi nhận từ khi làm báo đến giờ phải tính bằng tấn, trong cả
những lần thất bại mà các nhân vật của tôi khóc và ngất đi trong tay tôi. Công
lý không thất bại nếu nó còn trong khối óc và con tim mỗi người.
Ngày
mai tôi sẽ công bố thỉnh nguyện thư mà các luật sư soạn. Mẫu thỉnh nguyện thư
ngày mai sẽ có và tôi sẽ chỉ công bố mà không vận động bất kỳ ai ký tên. Lương
tri mỗi người sẽ tự lựa chọn nên điền tên, đặt bút ký và gửi chuyển phát nhanh
bảo đảm hay không. Cá nhân tôi sẽ ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình và gửi về văn
phòng Chủ tịch nước như một công dân đã tận lực trước luật pháp, trước tình
người và trước chính lương tâm của bản thân.
Tôi
sẽ đề nghị ân xá cho Hiến!
Những
điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết phấn đấu và chờ đợi. Và chắc chắn một
điều, nó phải là sự tự thân của mỗi chúng ta!
-----------------------------------
Xét
trên góc độ giết người phải đền tội, và duy trì trật tự xã hội, thì hành vi bắn
chết 3 người của ông Đặng Văn Hiến là đáng phải nhận mức án cao nhất. Không có
gì có thể bào chữa cho hành vi giết nhiều người như vậy.
Tôi
còn nhớ một bộ phim nói về việc xét xử vị bác sĩ người Mỹ, khi ông này quyết
định giúp cho những bệnh nhân có ý nguyện muốn chết, được chết theo ý muốn. Khi
công bố bản án, vị thẩm phán đã nói đại ý, rằng bản án không nói về sự đúng sai
của việc giúp, hỗ trợ cho bệnh nhân chết theo ý muốn, mà là hành vi thách thức
pháp luật của vị bác sĩ kia. Đúng là không thể chấp nhận một hành vi thách thức
pháp luật.
Trở
lại vụ ông Đặng văn Hiến, và trước đó là ông Đoàn Văn Vươn, những người đã cầm
súng bắn vào những kẻ đến đập phá nhà mình. Không thể nói họ không ý thức được
việc bắn người là phạm pháp. Cũng không thể bào chữa rằng đó là hành vi tự vệ,
vì họ đã chuẩn bị súng từ trước.
Còn
nhớ vụ những người dân Đồng Tâm đã bắt giam mấy chục cảnh sát, đã phải thay nhau
canh giữ làng, chống người ngoài đột nhập. Không phải họ không ý thức được việc
đó là phạm pháp.
Nhưng,
tại sao những người nông dân chất phác lại trở thành những kẻ phạm pháp, những
kẻ giết người? Đó là do họ bị dồn ép đến mức phẫn uất. Trong trạng thái bị dồn
ép như vậy, họ đã bất chấp tất cả.
Ai
đã dồn ép họ? Trong tất cả những vụ mà những người nông dân phẫn uất đến mức
phản kháng quá phạm vi pháp luật cho phép, đều có cùng một nguyên nhân, là họ
đã bị những kẻ nhân danh chính quyền, nhân danh nhà nước, cướp đất, phá nhà,
hủy hoại cuộc sống đang yên lành, kiên quyết đẩy họ vào sự khốn cùng.
Những
người dân phản ứng đúng pháp luật được gì? Họ phải chịu cảnh màn trời chiếu
đất. Họ phải hi sinh cả một quãng đời, đeo đuổi khiếu nại, kiện tụng hàng chục
năm trời. Hãy nhìn hàng đoàn người rách rưới ở Sài gòn, đội nón, mặc áo có viết
chữ, đại khái là đả đảo xã, huyện xyz cướp đất, hay đã đảo đích danh một quan
chức nào đó. Hãy nhìn những người hàng ngày ra đứng trước những trụ sở tiếp dân
ở Hà nội. Hãy nhìn những giọt nước mắt của người dân Thủ Thiêm. Câu trả lời nằm
ở đó.
Nếu
chính quyền này, đảng này thật lòng muốn đất nước bình yên, muốn xây dựng một
xã hội công bằng, văn minh, thì không thể chỉ thẳng tay với những người nông
dân bị dồn ép đến mức phạm pháp, mà không xét đến nguyên nhân tại sao họ lại
hành động như vậy. Nếu đảng này, chính quyền này vẫn chỉ đứng về phía những kẻ
cướp đất, phá nhà, hủy hoại cuộc sống yên bình của người dân, thì sẽ còn có
hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ông Đặng Văn Hiến xuất hiện.
Và
khi đó, hành vi bắt người, giết người... của những người nông dân không còn là
sự phản kháng đơn thuần, mà trở thành hành động cách mạng. Nếu đảng này, chính
quyền này để cho những kẻ cướp đất, phá nhà, hủy hoại cuộc sống yên bình của
người dân... tiếp tục lũng đoạn, thì việc một cuộc cách mạng xảy ra chỉ là vấn
đề thời gian.
---------------------------
Một
bản án thật sự là công lý, ngoài chuyện giữ gìn kỷ cương luật pháp, bắt kẻ phạm
tội phải chịu trừng phạt tương xứng với tội lỗi đã gây ra, nó còn mang nhiều ý
nghĩa khác.
Bản
án có thể là sự xoa dịu nỗi đau cho xã hội. Bản án cho kẻ này cũng là bài học
răn đe với kẻ khác, giảm thiểu nguy cơ lặp lại tội lỗi trong cộng đồng. Bản án
cho kẻ thủ ác là sự an ủi cho nạn nhân và gia đình của họ. Bản án còn là sự răn
đe, giáo dục đối với kẻ phạm tội, bắt họ tâm phục khẩu phục để sám hối về hành
vi của mình, giúp cuộc đời họ trở nên tốt hơn sau khi chịu hình phạt. Đó là
cách góp phần ngăn ngừa ý định, hành vi phạm tội của kẻ khác có thể nảy sinh
trong cộng đồng. Một bản án khi tuyên, nếu thỏa mãn được các ý nghĩa đó, hẳn đó
là khi công lý được thực thi hoặc trả lại.
Y
án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, bản án đã không đáp ứng được các ý nghĩa đó.
Đối với người nghèo, đối với anh Hiến, gia đình, người thân của anh và cả chính
người thân của những nạn nhân đã thiệt mạng, công lý vẫn xa vời.
Không
ai có thể bênh vực, biện hộ gì được cho hành vi mà anh Hiến đã gây ra. Hình
phạt cao nhất giành cho Hiến cũng không trả lại được sự sống cho 3 nạn nhân đã
thiệt mạng. Bản án tử hình cho Hiến không phải là một hình phạt nặng, nhưng đó
là hình phạt không hợp lý và cũng không giúp đem lại công lý hay đạo lý. Nó chỉ
khiến cuộc đời có thêm một nạn nhân, nhiều nạn nhân.
Hiến
phạm tội khi anh, gia đình anh, cộng đồng của anh bị tước đoạt quyền lợi, bị
chà đạp quyền sống, bị đẩy vào đường cùng. Chính Tòa án đã công nhận điều đó,
khi tuyên Công ty Long Sơn có tội. Gia đình các nạn nhân cũng đã có đơn xin
giảm án cho Hiến, không đòi hỏi sự trừng phạt nặng nhất để thỏa mãn sự trả thù.
Họ nhìn thấy rõ, kẻ gây tội đồng thời cũng chính là một nạn nhân cùng quẫn. Anh
Hiến được chính người thân nạn nhân của mình cảm thông và chia sẻ. Đáng tiếc,
Tòa án đã không giành cho anh sự cảm thông và chia sẻ đó. Đặng Văn Hiến phạm
tội nghiêm trọng, nhưng trong lương tâm xã hội, dư luận và công luận, anh luôn
được nhìn như một nạn nhân. Chưa từng có bất kỳ ai đòi phải tuyên cho Hiến bản
án là cái chết. Ngược lại, dư luận xã hội đồng thuận tuyệt đối, mong cho anh
bản án nhẹ nhất có thể, để cả lý lẫn tình vẫn còn hiện hữu. Không ai muốn có
thêm một nạn nhân phải chết. Y án tử hình Hiến, xã hội nhận thêm một vết
thương, một nỗi đau lương tâm. Y án tử hình Hiến, lương tri đang bị giễu nhại,
công lý đang trở nên méo mó.
Vụ
án đồng Nọc Nạn tháng 8 năm 1928, Tòa Đại hình Cần Thơ đã tuyên tha bổng cho
hầu hết các bị can. Toàn án thực dân đã thừa nhận vị thế nạn nhân của các thủ
phạm. Sau 90 năm, Tòa án XHCN của chúng ta đã không nhìn được điều đó. Ý nghĩa
nhân đạo không tồn tại trong bản án phúc thẩm vừa tuyên cho Hiến. Đó là một bước
thụt lùi về khía cạnh nhân văn của nền tư pháp.
Trước,
trong và sau phiên tòa, hàng trăm, hàng ngàn bài báo đã lên tiếng đòi, kiến
nghị, xin giảm án cho Hiến. Gia đình nạn nhân, các luật sư cũng đã làm đủ mọi
cách để án cho Hiến nhẹ hơn. Nhưng vô vọng. Luật pháp đã không hề nghe thấy
nhưng tiếng kêu từ lương tâm xã hội.
Pháp
đình không phải là nơi công lý được thực thi. Công lý đã không đứng về phía
người tận khổ.
Vẫn
còn một cơ hội cuối: Chủ tịch nước sẽ sẽ đồng ý với đơn xin ân xá cho Đặng Văn
Hiến. Chỉ có điều đó mới xoa dịu được nỗi đau từ vết thương mà gia đình nạn
nhân, thủ phạm và cả xã hội đang mang. Bằng ngược lại, án tử hình cho Đặng Văn
Hiến sẽ cứa vào lương tâm, công lý và xã hội thêm một vết thương, một nỗi đau
mới, dai dẳng và khốc liệt.
Khánh
kiệt niềm tin, cái ác, tội lỗi khi đó sẽ khó loại trừ hay ngăn chặn. Xã hội
cũng giống như một con người. Sống với cơ thể mang một vết thương không bao giờ
khép miệng, cơn đau luôn hành hạ, làm sao biết khi nào con người sẽ bộc phát
lao vào những hành động rồ dại và điên loạn?
Ngày
12-7-2018
NGUYỄN HỒNG LAM
--------------------------------------------
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm
13/07/2018
Tòa
án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12-7-2018 đã quyết định
y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến trong vụ án xả súng để giữ đất tại tỉnh
Đắk Nông. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ở trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk
Nông, hội đồng xét xử tuyên bố giữ nguyên bản án tử hình dành bị cáo Đặng Văn
Hiến về “tội giết người”. Các bị cáo khác, tuy nhiên, được giảm hình phạt, như
Ninh Viết Bình từ 20 năm xuống 18 năm, Hà Văn Trường từ 12 năm còn 9 năm và
Đoàn Văn Diện từ 9 tháng tù giam thành hưởng án treo.
Vào
hai ngày đầu năm nay, 2-1-2018 và 3-1-2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã
xét xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày
23-10-2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông liên
quan đến Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Long Sơn. Sự kiện bi thảm đó xảy ra
do nông dân mất đất phản kháng lại hành động trái pháp luật của đoàn cưỡng chế
đất do Công ty Long Sơn phái đến san ủi khu đất đang tranh chấp nhiều năm trước
đó.
Trước bản án tử hình sai lầm dành
cho ông Đặng Văn Hiến, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây đồng tuyên
bố như sau:
Thứ nhất, hai bản án sơ thẩm
và phúc thẩm dành cho ông Đặng Văn Hiến là sự phỉ báng công lý, được sử dụng
nhằm phục vụ nhu cầu chính trị của nhà cầm quyền, vì tội danh “giết người” hoàn
toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo.
Thứ hai, hội đồng xét xử đã
không xem xét thấu đáo hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động
của các nông dân mất đất trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược và
bất chấp pháp luật của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến. Hành vi
vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây hậu quả nghiêm trọng của ông Đặng Văn
Hiến hoàn toàn không có tính chất “côn đồ” như Tòa án Nhân dân Cấp cao nhận
định nhằm biện minh cho quyết định y án tử hình; hơn nữa chính ông đã trở về
đầu thú, điều mà lẽ ra theo các quy định pháp lý hiện hành được xem là tình
tiết giảm nhẹ hình phạt; tuy nhiên hội đồng xét xử đã phớt lờ tất cả những yếu
tố quan trọng đó khi lượng hình.
Thứ ba, chúng tôi yêu cầu
nhà nước phải mở cuộc điều tra xem ai đã cho phép một doanh nghiệp tư nhân như
Công ty Long Sơn tự lập đoàn cưỡng chế đất với quyền sử dụng vũ khí tấn công
dân địa phương, một hành động xét trên phương diện pháp lý rõ ràng trái pháp
luật, nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý, thậm chí có dấu hiệu bao che.
Lập
vào ngày 13 tháng 7 năm 2018
Tổ
chức khởi xướng: Hội Cựu Tù nhân Lương
tâm.
____
Kính
thưa Quý vị
Nhà
cầm quyền cộng sản, trong phiên tòa phúc thẩm hôm qua 12-07-2018, vừa xử y án
tử hình ông Đặng Văn Hiến, bất chấp những phản ứng dữ dội của mọi giới đồng bào
ngay sau phiên tòa sơ thẩm đầu tháng giêng năm nay.
Rõ
ràng là một sự chà đạp luật pháp và thách thức công luận cách trắng trơn. Thiết
nghĩ việc Lên tiếng phản đối bản án bất công và tàn bạo này là điều cần thiết.
Kính
mời Quý Tổ chức và Quý công dân kí tên vào Tuyên bố dưới đây. Không thể im lặng
trước một nhà cầm quyền thản nhiên coi rẻ sinh mạng con người như vậy.
–
Tổ chức: tên tổ chức và tên người đại diện (nếu ở hải ngoại thì ghi thêm tên
nước)
–
Cá nhân: họ tên, nghề nghiệp, nơi ở (tỉnh, thành. Nếu là hải ngoại thì ghi tên
Quốc gia).
–
Xin gởi về địa chỉ email: phanvanloi@fvpoc.org
No comments:
Post a Comment