Monday, 16 July 2018

NHÂN TÍNH & NHÂN CÁCH (Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận)





Có thể cho rằng trong đường lối độc tài toàn trị -nghĩa là một mình nắm hết mọi thực thể trong xã hội, từ cá nhân đến tập thể, từ vật chất đến tinh thần- đảng cộng sản luôn tìm mọi phương cách làm mất nhân tính của công cụ thống trị (tức bộ máy cầm quyền) và làm mất nhân cách của đối tượng thống trị (tức là toàn bộ thần dân).

1- Làm mất nhân tính của công cụ thống trị:

Công cụ thống trị rõ nhất và gần nhất chính là lực lượng công an, gồm những thành phần nổi và chìm, sắc phục và thường phục, biên chế và hợp đồng, điều động và thuê mướn. Lực lượng này ngay từ đầu của chế độ CSVN, đã là hung thần của nhân dân, với những tên tuổi mà lịch sử không bao giờ quên như Trần Quốc Hoàn, kẻ đã đánh vỡ đầu Nguyễn Thị Xuân theo lệnh Hồ Chí Minh sau khi bà này đã có con với vị Chủ tịch. Nếu muốn nói rộng ra thì có thể kể thêm Felix Dzerzhinsky, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an Liên Xô, một quái thú của nhân loại, người từng có câu nói khét tiếng: "Cán bộ Công an phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sắt", kẻ mà hôm 20-01-2017, Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội đã dựng tượng để lấy làm mẫu mực cho chính ngành mình.

Trước sự phản kháng ngày càng mãnh liệt của nhân dân về bao thất bại, sai lầm và tội ác của đảng CS -một sự phản kháng bày tỏ qua các cuộc lên tiếng trên mạng và biểu tình xuống đường- công cụ thống trị của đảng (được Tổng Trọng tôn vinh là “thanh gươm”) ngày càng tỏ ra mất hết nhân tính, nghĩa là mù quáng và tàn bạo. Điển hình nhất là cuộc đàn áp những người dân bị nghi là “sắp biểu tình” tại trại giam dã chiến ở công viên Tao Đàn, Sài Gòn, ngày 17-6-2018.

Tác giả Vũ Thạch, trong bài viết mới đây (Công an mở cửa mời cả nước bạo động) cho biết: “Đúng là hôm ấy, công an không còn giấu diếm gì nữa. Các "biện pháp nghiệp vụ", tức những việc mà pháp luật cấm nhưng đảng cho phép, trước đây chỉ làm trong lén lút nay đã được buông xích cho xông ra công khai giữa ban ngày. Tại vườn Tao Đàn, CA mặc luôn sắc phục chứ không chỉ thường phục, dựng lều gom dân lại đánh tập thể. Người bị chấn thương sọ não, người ho ra máu, người xỉu tại chỗ, người phải vào thẳng nhà thương... kể cả những thiếu nữ ở độ tuổi 20. Không chỉ các nam CA, cả nữ CA cũng tham gia gào hét tục tĩu và đánh đập dân một cách man rợ bằng nắm đấm, đế giày, dùi cui, mũ sắt, còng sắt, và bằng bất cứ vật gì cứng trong tầm tay. Họ thật sự trở thành một bầy thú hoang điên dại và biết chắc chắn họ đang phạm pháp 100%.... Không chỉ tại Sài Gòn, CA địa phương khắp nơi cũng được xả cổng bạo hành dân chúng. Hiện có khá nhiều trường hợp dân bị đánh thừa chết thiếu sống mà công luận không biết tới vì không đủ người hô hoán lên các mạng xã hội như trường hợp của Chánh Trị sự Hứa Phi thuộc đạo Cao Đài, hay trường hợp của anh Đặng Văn Hải, một nhà hoạt động khuyết tật can đảm được hàng ngàn người mến mộ. Ông Hứa Phi đã cao tuổi ngã quị khi bị trùm bao đánh lén và đè ra "cắt râu". Anh Đặng Văn Hải bị đánh gẫy xương nhiều chỗ trên thân thể và bị vết cắt sâu dài trên bàn tay và ngón tay. Khi tiến hành các "biện pháp nghiệp vụ" này, từng tên CA biết chắc chắn họ đang phạm pháp 100%... Nghiêm trọng hơn nữa, khi bạo hành các nhà hoạt động không còn tạo đủ sợ hãi, CA nay tiến lên nấc mới - giữa đêm ném đá lớn, ném củi đang cháy, ném pháo đại cột thành chùm, ném đá gói trong vải tẩm xăng... (chứ không chỉ sơn, nhớt, mắm tôm như trước đây) vào nơi ở của gia đình những người hoạt động, những người chống thuế chợ, những người phản đối cưỡng chế đất... Trường hợp gần đây nhất được nhiều người biết đến là gia đình nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh. CA còn phối hợp nhịp nhàng việc ném đá với cách cắt điện để tránh bị chụp hình. Rõ ràng họ biết đó là việc không chỉ phạm pháp 100% mà còn rất đáng xấu hổ.”

Cũng phải nói đến một công cụ thống trị mất nhân tính khác, đó là công tố và thẩm phán trong các phiên tòa chính trị ở VN hiện nay. Những kẻ này, với dáng vẻ uy nghi và đạo mạo, không giáng thẳng vào mặt vào mình các nạn nhân (những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ) những cú đấm tóe máu hay những đòn chấn thương nội tạng, vốn gây xúc động tức thời cho quần chúng. Không, họ đánh bằng những bản án 5 năm (như Nguyễn Văn Hóa, Trần Hoàng Phúc), 10 năm (như Nguyễn Trung Tôn, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), 15 năm (như Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Đài, Đinh Diêm), tử hình (như Đặng Văn Hiến)… Những cú đánh nguội, lạnh lùng, nhưng gây khốn khổ vô vàn cho chính các tù nhân lương tâm (thường xuyên bị hành hạ tâm lý và thể lý trong chốn địa ngục trần gian, thậm chí bị đầu độc dần cho chết như Huỳnh Anh Trí, Đinh Đăng Định); gây bất hạnh triền miên cho cha mẹ, vợ chồng, con cái của họ; làm vỡ nát quả tim, tiêu diệt đường sống và chặn lối tương lai cho thân thuộc những con người yêu nước. Biết rằng mình đang chà đạp lên công lý, ngồi xổm trên luật pháp, nhưng chỉ vì miếng cơm manh áo, do sợ hãi nhát đảm, dù có chút kiến thức và ít trọng vọng, những viên công tố và thẩm phán ấy đã hoàn toàn mất hết nhân tính, lương tâm và khả năng xấu hổ.

2- Làm mất nhân cách của đối tượng thống trị

Đối tượng thống trị này dĩ nhiên là toàn thể dân chúng, mà đảng CS coi như thần dân chứ chẳng hề là công dân, và muốn tất cả phải cúi mình, nhẫn nhục, im lặng để đảng muôn năm đè đầu cưỡi cổ. Nhưng trong toàn thể này, đảng chú trọng đặc biệt đến những giới có ảnh hưởng trong xã hội, uy tín trước quần chúng. Đó là hạng trí thức dân sự và tôn giáo, mà ngày xưa gọi là sĩ phu, đối lại với thất phu (dân thường).

Qua mấy chục năm trường, nhờ phương cách dụ dỗ và dọa dẫm, o bế và răn đe, hoán não và nhồi sọ, đảng đã phần nào thành công khi khiến phần lớn giới trí thức im lặng trước những vấn đề đất nước và xã hội, thậm chí cung cúc phục vụ một chủ nghĩa họ biết là sai lầm, một chế độ họ biết là khốn nạn, một chính đảng họ biết là tàn bạo, những lãnh đạo họ biết là ngu dốt.

Đài Á Châu Tự do, trong bài “Trí thức xã hội chủ nghĩa” ngày 27-06-2018, có nói về họ như sau: “Dù là một tổ chức dân sự mang tính chất phi chính trị, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề tự do sáng tác, nhưng Hội Nhà Văn lại luôn né tránh những vấn đề như nỗi đau của người dân hay không quan tâm đến việc các thành viên Hội bị xúc phạm, bị oan ức, thậm chí những tiếng nói phản biện của các thành viên luôn bị tìm cách triệt hạ… Một số biến cố đau thương đã từng xảy ra cho người dân Việt như cuộc Cải cách Ruộng đất năm 1953, Thảm sát Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979… không hề được nhắc đến hay đánh giá bởi một số nhân vật được ngợi ca là nhà trí thức lớn có ‘tâm’, có ‘tầm’ của Việt Nam như ông GS. Vũ Khiêu, hay cả một nhân vật mới qua đời vào ngày 23 tháng 6 là nhà sử học Phan Huy Lê…”

Nhân cuộc tranh luận xã hội quanh Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng (Luật Bán nước và Luật Bịt miệng dân), người ta đọc thấy một Thông báo từ Viện Đại học Mở Hà Nội, Khoa Tiếng Anh, của Phó trưởng khoa PGS-TS Hồ Ngọc Trung ngày 15-06 về việc đảm bảo an ninh trật tự tại các trường liên quan đến dự thảo hai Luật ấy như sau: “Thực hiện Thông báo của Công an Quận Thanh Xuân về việc đảm bảo ANTT tại các trường liên quan dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, Khoa tiếng Anh thông báo và yêu cầu sinh viên thuộc tất cả các hệ đào tạo của Khoa nghiêm túc thực hiện các nội dung sau đây: 1. Không vào đọc các bài viết không chính thống, đăng tải các thông tin không được kiểm soát trên các trang mạng xã hội; 2. Không like, không bình luận, chia sẻ thông tin không được kiểm soát trên các trang mạng xã hội; 3. Cảnh giác trước các thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, cấp tiến; 4. Không tham gia các hoạt động tụ tập, in, phát áo, mũ có các biểu tượng logo, biểu ngữ kêu gọi biểu tình. Các trường hợp sinh viên vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của Nhà trường và pháp luật của Nhà nước”.

Gần đây lại có bức thư chấn động công luận của sinh viên Trương Thị Hà, Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành Hồ, gởi Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng của trường. Bức thư nói về chuyện ngày 17-06, cô đã bị công an lăng nhục (gọi là “đĩ điếm”, “phản động”), tát tai vì tội “kêu gọi biểu tình” trước mặt ông thầy bị công an triệu đến để làm chứng. Vui mừng vì thấy tôn sư xuất hiện, hy vọng vì nghĩ tôn sư bênh vực, cô sinh viên đã bật ngửa, bàng hoàng khi chứng kiến vị giáo sư khả kính hoàn toàn im lặng trước hành vi của đám côn đồ, biện bạch “không biết về luật” lúc trò xin thầy gọi Luật sư, thậm chí còn thò tay ký vào biên bản vu khống đứa học trò vô tội. Đến nay, dù đã có nhiều bài viết và hàng ngàn bình luận, vị phó hiệu trưởng một trường dạy nhân văn, nhân bản lớn nhất nhì đất nước vẫn im lặng hoàn toàn.

Cũng im lặng không kém trước những khốn khổ của đồng bào, tệ nạn của xã hội, nguy cơ của đất nước; dửng dưng không kém trước sự tung hoành của bạo lực, sự lan tràn của gian dối, sự đe dọa của các luật lệ bất công, đó là phần lớn giới trí thức tôn giáo, thường gọi là các lãnh đạo tinh thần. Đấy là những con người đã được đào tạo kỹ lưỡng, được xã hội trọng kính, được tín đồ và quần chúng tin tưởng và hy vọng. Họ có kiến thức rộng, uy tín lớn, khả năng cao, phương tiện nhiều và cả một lực lượng đông đảo đằng sau lưng. Họ lại không vướng bận gia đình, lo toan kinh tế, chẳng bị hăm dọa về vợ con, chẳng bị đuổi việc phải thất nghiệp. Dù không được phép làm chính trị nghị trường, chính trị đảng phái vì là kẻ tu hành (ngoại trừ một vài tôn phái), họ vẫn có nghĩa vụ chính trị công dân trên ai hết và trước ai hết, xét vì bản chất tôn giáo là cứu đời, xét vì chức năng lãnh đạo là hướng dẫn. Nhưng thay vì lên tiếng công bố sự thật, bênh vực lẽ phải, bảo vệ kẻ bị áp bức, giúp đỡ kẻ bị bách hại; thay vì vận dụng sức hùng của đức tin, uy thế của tôn giáo, mãnh lực của tập thể tín đồ, đặc biệt qua những cuộc biểu tình ôn hòa là hoạt động chính trị công dân cần thiết và đúng đắn lúc này, họ vẫn rút vào tháp ngà, với đủ kiểu biện bạch, để mong an toàn bản thân, yên ổn công việc, để được cái nhà nước vô thần và phá đạo này tiếp tục cho xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, đi ra nước ngoài. Thử hỏi nhân cách của họ còn bao nhiêu??? 

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 295 (15-07-2018)

Ban biên tập









No comments:

Post a Comment

View My Stats