Monday, 23 July 2018

MÓN QUÀ TẶNG CỦA PHAN TẤT THÀNH (James Michener - Readers Digest, 1956)




Tác giả: James Michener
Dịch giả: Nguyễn Khắc Mai
23/07/2018

Phan Tất Thành sinh ra trong một gia đình nông dân kỳ cựu, sống cách phía bắc Hà Nội chừng năm mươi cây số. Ông có bảy người con đều vạm vỡ. Ông là một lão nông tri điền và làm ăn khá thịnh vượng.

Rồi đến ngày những người Cộng sản về chiếm quê hương. Trong con mắt họ, Thành là kẻ có liền hai tội: ông ta chiếm hữu quá nhiều đất, và giữ gìn quá nghiêm túc niềm tin tôn giáo của tổ tiên. Chả phải thế sao, khi thấy trong nhà ông pho tượng nhỏ, một vị thần Phật giáo.

Việc đầu tiên là họ xuống tay đối với hầu hết tài sản của ông. Đến điều thứ hai là họ tuyên bố lố bịch, rằng ông quá gắn bó với Phật giáo, phải huỷ hoại ngay lập tức pho tượng thần xấu xí kia đi. Thế là Thành quyết định trốn vào Nam, ở đó ít ra trong sự khốn quẩn, may ra còn được sống tự do.

Một đêm, ông đưa vợ và cả bảy đứa con, men theo con đường cạnh Hà Nội, rồi hai ngày sau ông cũng xuống được một chiếc tàu Mỹ. Khi ông đưa ra cái đồ gốm, người lính thuỷ kiểm tra hỏi cái gì ông đang bế trên tay.

– Thưa đó là Ngài Lã Đồng Tân.

– Lã Đồng Tân là ai?

– Thưa là một vị Thần Tiên.

– Người lính thuỷ săm soi pho tượng bụng phệ, ngực đầy lông lá, râu ria xồm xoàm bằng sứ và ngẫm nghĩ, thật là một tín ngưỡng bạc nhược nhất đời.

– Người lính thuỷ hỏi: anh giữ thứ đó để làm gì.

– Thưa, từ sáu đời nay Lã Đồng Tân đã ở với gia đình chúng tôi. Ngài luôn luôn phù hộ cho chúng tôi.

– Tốt. Lên tàu đi.

Suốt cuộc hành trình đến tự do, cả những người di cư, cả những lính thuỷ đều đã được làm quen với Lã Đồng Tân, vị Thần phúc hậu và mũm mĩm.

– Đã rất lâu đời, một vị thúc tổ của chúng tôi đã mang Ngài từ Trung Quốc về. Tôi cũng không biết Ngài đã làm những gì để được phong thần. Nhưng chúng tôi đã thờ phượng Ngài còn hơn cả đức Phật. Nhờ Ngài mà gia đình chúng tôi luôn được sum vầy.

Các hành khách thay nhau sờ lên cái ông bụng phệ mang hạnh phúc là Lã Đồng Tân. Cả suốt chặng đường, khi Thành và cả nhà cập bến Gài gòn, họ luôn nghĩ rằng mình được vị thần tươi cười nhỏ nhắn này phù hộ.

Dẫu sao, ban đầu Thành cũng gặp những khó khăn. Sau khi mòn mõi trong một trại tị nạn thê thảm, nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, anh đã được cấp một bộ đồ nghề làm bánh. Cả đời anh chưa bao giờ làm bánh mỳ, nên bước đầu cũng chưa có kết quả lắm. Lần hồi anh hoàn thiện tay nghề, công việc trở nên khấm khá. Với tiền dành dụm được, anh đã thuê được một căn nhà, ở đó Ngài Lã Đồng Tân đã chễm chệ ở vị trí của mình.

Một hôm bỗng Thành có một ý nghĩ trong trẻo. Anh cẩn thận gói pho tượng, rồi đem trao tận tay cho một quan chức đại diện Hoa Kỳ.

– Đây là vị thần đã cho tôi hạnh phúc cả đời. Nay tôi xin tặng lại cho Người đã mang lại cho tôi công ăn việc làm. Ngài Lã Đồng Tân cũng sẽ đem đến cho người ấy hạnh phúc.

Vị quan chức ban đầu tỏ ra sửng sốt trước ý nghĩ kỳ cục đó.

– Ngươi ta không gửi những vị thần Phật sang tận bên kia quả địa cầu. Vả lại cũng chưa ai nghe nói đến Lã Đồng Tân.

– Nhưng Ngài ấy mang lại hạnh phúc!

Rốt cuộc người ta cũng chuyển Lã Đồng Tân sang tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Rồi một thời gian sau, Thành nhận được lá thư cảm ơn, mà anh đã giữ gìn trân trọng nơi lò bánh mỳ ở ngoại thành Sài gòn:

Ông Thành thân mến,

Người ta vừa trao cho tôi pho tượng Lã Đồng Tân, là món quà rất dễ thương của bạn. Tôi hiểu rằng khi người ta buộc phải trốn chạy khỏi quê hương để được sống tự do, thì của cải mang theo đều là vật quý và ít ỏi. Vậy mà bạn đã gởi đến bằng cả tấm lòng tri ân, một báu vật rất quý giá trong gia tài của mình, điều đó làm cho tôi xúc động sâu sắc. Với tôi, đó là sự tượng trưng cho ý chí chân thành của dân tộc bạn trong cuộc đấu tranh để bảo vệ tự do.

Gởi bạn lời chào thắm thiết,

Dwight Eisenhower

______                                               

Bài báo tiếng Pháp đăng trên Selection du Readers Digest số tháng 11 năm 1956.

*Bài báo viết tên không dấu, tôi đoán không biết chính xác không.









No comments:

Post a Comment

View My Stats