Saturday, July 7, 2018
Trong khi người dân nước ta bị mắc
kẹt trong vòng xoáy tranh cãi chữ nghĩa không dứt, hết “thu giá” đến “tụ nước”,
hết “nằm nghỉ mệt” đến “bay chưa đúng giờ” thì ở bên ngoài người ta đang cố
gắng sắp xếp cuộc sống theo những quy luật mới để bước chân vào một thế giới
tưởng đâu chỉ có trong truyện viễn tưởng.
Quá trình sắp xếp đó cũng đầy tranh
cãi, cũng đầy góc nhìn khác biệt nhau nhưng quan trọng là họ tranh cãi để hiểu
thế giới của họ hơn và tìm ra giải pháp ổn thỏa cho mọi bên. Vì chúng ta đã kết
nối nhiều với thế giới bên ngoài nên sự sắp xếp đó thỉnh thoảng dội vào trong
nước, đôi lúc gây nên những hiểu nhầm tai hại.
Châu Âu bảo vệ người dân hay tự cô lập
Nếu đến châu Âu những ngày này, khi
truy cập các website báo chí lớn như tờ Los Angeles Times, Chicago Tribune hay New York
Daily News, rất có thể bạn sẽ nhìn thấy thông báo trang web của chúng tôi
không dành cho khu vực các bạn – rất tiếc nhưng đành chịu. Số là luật bảo vệ
thông tin người dùng của châu Âu (GDPR) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng
chi phí cho các trang web phải bỏ ra để tuân thủ các quy định ngặt nghèo này
quá cao, quá phức tạp nên nhiều nơi thà khóa không cho 500 triệu người châu Âu
truy cập trang web của họ còn hơn bị phạt nặng. Bình quân mỗi trang web phải
tốn chừng 1 triệu đô-la để tổ chức bộ máy chuyên lo tuân thủ quy định mới; vi
phạm họ sẽ bị phạt đến 24,8 triệu đô-la hay 4% doanh thu toàn cầu, một con số
khổng lồ đối với các nơi như Amazon, Facebook hay Google.
Luật GDPR bắt chủ các trang web phải
có sự đồng ý rõ ràng của người dùng mới được thu thập dữ liệu người dùng, người
dùng có quyền từ chối không cho ai dùng dữ liệu của họ để làm tiếp thị, quảng
cáo, nếu thông tin người dùng bị lộ, phải báo ngay cho cơ quan thẩm quyền và
khách hàng chứ không được che giấu như trước. Người dùng ở châu Âu từ nay được
quyền truy cập để biết những thông tin gì về họ đã được thu thập, rồi được sử
dụng như thế nào, vào chuyện gì... Họ có toàn quyền yêu cầu xóa thông tin cá
nhân của họ theo nguyên tắc quyền được quên lãng, ví dụ ngày xưa họ bị kết án
ăn trộm bị báo chí đưa rùm ben nay mãn hạn tù thì họ có quyền yêu cầu các báo
xóa tin bài cũ.
Trong dòng thông tin tràn ngập về
GDPR ít thấy đề cập chuyện châu Âu có bắt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
xuyên biên giới đặt máy chủ hay lưu thông tin người dùng tại chỗ không. Có lẽ
điều đó không quan trọng vì cách tiếp cận của họ là trao quyền kiểm soát thông
tin cho người dùng và bắt các nơi tuân thủ. Một khi người dùng Facebook có
quyền trên thông tin cá nhân của chính họ chứ không phải Facebook và đương
nhiên không phải chính quyền các nước EU thì dữ liệu nằn ở đâu cũng như nhau.
Nếu EU muốn nắm quyền kiểm soát thông tin người dân thì chuyện đặt máy chủ ở
đâu mới trở thành vấn đề quan trọng.
Diễn biến mới nhất khi thực thi GDPR
cho thấy có nguy cơ người dân châu Âu bị gạt ra rìa dòng chảy thông tin một khi
các website thấy chi phí tuân thủ cao hơn lợi nhuận đem lại. Thực tế này sẽ là
điểm cân nhắc và chưa biết châu Âu sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào
nhưng quá trình này cho thấy bất kỳ ai cũng phải đo lường sự thiệt hơn với lợi
ích của người dân được đặt lên hàng đầu.
Trung Quốc chấm điểm công dân
Trong một diễn biến khác, báo chí
vừa đưa tin hàng triệu người dân Trung Quốc bị cấm bay vì “hạnh kiểm xấu”, gây
tò mò và ngạc nhiên cho nhiều người. Hóa ra Trung Quốc đã thử nghiệm hệ thống
cho điểm tín nhiệm xã hội, hễ người dân có hành vi gì xấu thì bị trừ điểm. Hành
vi xấu có thể là lái xe mà không nhường cho người đi bộ, hút thuốc nơi bị cấm,
mua quá nhiều game điện tử hay đăng tải tin giả trên mạng...
Mới nghe qua tưởng đâu là chuyện
khoa học viễn tưởng ở một xã hội tương lai khi mọi hành vi của người dân bị
kiểm soát để ai nấy đều như người máy, sống như những công dân gương mẫu, vô
hồn, vô cảm. Thế mà hệ thống này đã được thử nghiệm từ năm 2014 và được hứa hẹn
sẽ triển khai đại trà trước năm 2020.
Câu chuyện này trở thành thời sự khi
lần đầu tiên con số người có điểm xấu bị cấm bay hay đi tàu hỏa cao tốc được
công bố vào tuần trước. Tờ Global Times
của Trung Quốc đưa tin có tổng cộng 11 triệu người bị cấm bay và 4,25 triệu
người bị cấm đáp tàu hỏa cao tốc kể từ khi có hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã
hội. Ngoài ra người bị điểm xấu còn không được truy cập Internet tốc độ cao,
con cái không được vào trường tốt, không được làm quản lý ở các doanh nghiệp
nhà nước hay ngân hàng... Ngược lại người có điểm cao sẽ được miễn giảm tiền
điện, được thuê xe không cần đặt cọc, được hưởng lãi suất cho vay thấp...
Cho dù người dân Trung Quốc khi được
hỏi đều nói hệ thống chấm điểm giúp họ sống tốt hơn, cho dù các hành vi bị trừ
điểm thật sự đáng bị lên án, thiết nghĩ không ai đứng trên ai để cho điểm người
khác được. Mọi quan hệ xã hội đã có luật pháp chi phối, ở mức độ thấp hơn có xử
phạt hành chính hay sự lên án của dư luận – nói chung là giềng mối đạo đức
truyền từ đời này sang đời khác, nhất là nhờ kênh giáo dục. Vai trò của nhà
nước không thể là đi chấm điểm, trừ điểm công dân.
Khi Mỹ và các nước phải học cách làm ngân hàng
Ở chiều hướng ngược lại, có một lãnh
vực rõ ràng Mỹ và các nước đang phải học hỏi Trung Quốc, thể hiện qua hàng loạt
bài viết của giới chuyên môn, giới chủ nhà băng Mỹ: đó là lãnh vực thanh toán
di động. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn của Mỹ khi đến Thượng Hải dạo phố đã
hết sức ngạc nhiên khi thấy giới trẻ Trung Quốc đi trước ông cứ mua sắm đủ thứ
nhưng không dùng tiền mặt cũng chẳng dùng thẻ tín dụng. Họ chỉ cần bật máy điện
thoại di động lên, bấm bấm, lắc lắc là xong.
Hiện nay Alipay và WeChat Pay, con
đẻ của hai tập đoàn lớn là Alibaba và Tencent hầu như thống lĩnh thị trường
thanh toán qua điện thoại di động bởi sự tiện dụng. Quý 4/2017 các ứng dụng
thanh toán trên điện thoại đã xử lý đến 5,9 ngàn tỷ đô-la giao dịch mua bán
hàng hóa và dịch vụ, trong đó Alipay chiếm 54% và WeChat Pay chiếm 38%.
Cứ hình dung bên mua không cần thẻ
trong túi, bên bán không cần máy quẹt thẻ hai bên cứ dùng điện thoại di động
trao đổi thông tin mua bán thì còn gì thuận tiện hơn. Điện thoại di động có màn
hình dễ hàng hiển thị mã QR cho riêng mỗi người, lại có camera để quét mã rồi
gởi thông tin đi thì Alipay và WeChat Pay đã có thể loại khỏi cuộc chơi các
trung gian thanh toán như mạng Visa hay Mastercard. Các ngân hàng giờ đây không
còn đóng vai trò phát hành thẻ hay xử lý thẻ nữa – họ chỉ còn là thủ quỹ giữ
tiền cho các bên, khi nào được lệnh chi trả thì gởi tiền đi.
Thế là các ngân hàng ở các nước
hoảng sợ, vừa mất doanh thu vừa mất vai trò. Họ đang tìm cách xây dựng các hệ
thống tương tự ở thị trường nước họ nhưng chuyện đó không dễ chút nào. Apple
cũng đang cố xây dựng Apple Pay hay Samsung có Samsung Pay nhưng không ăn thua.
Phải cỡ như Facebook nhảy vào xây dựng hệ thống thanh toán ngay bên trong ứng
dụng Facebook mới có khả năng bành trướng nhanh như Alipay và WeChat Pay.
Trước mắt các nước Đông Nam Á áp
dụng chiêu thức, không chống họ được thì hợp tác với họ. Du khách Trung Quốc,
đã quen với cách tiêu tiền bằng điện thoại di động, khi đến nước nào đều ngắm
ngía xem có bảng hiệu “chấp nhận thanh toán bằng Alipay (hay WeChat Pay)” hay
không. Trước hai cửa hàng một bên có một bên không, ắt hẳn ai hơn ai cũng đã
rõ. Thông thường ở các nước hai hệ thống này sẽ ký kết liên doanh, liên kết với
một đối tác địa phương để đối tác địa phương này làm đầu mối thương thảo với
các ngân hàng. Mục đích trước mắt là nhắm đến du khách Trung Quốc nhưng về lâu
về dài họ sẽ bung ra cung cấp dịch vụ cho người dân sở tại.
Tecent được Malaysia cấp phép cho
triển khai ứng dụng thanh toán di động WeChat Pay bằng đồng ringgit. Alipay thì
không đi theo con đường chính thức này mà làm việc trực tiếp với các điểm bán
hàng và liên kết với các doanh nghiệp bản địa để cung ứng dịch vụ thanh toán
như ở Malaysia họ liên kết với Touch’n Go, ở Thái Lan là với Kasikornbank, rồi
đầu tư vào Ascend Money để tận dụng hệ thống cửa hàng 7-Eleven. Ở Philippines
Ant Financial (thuộc tập đoàn Alibaba) liên kết với Mynt để tận dụng ví điện tử
GCash của doanh nghiệp này. Alipay còn nhảy vào Singapore qua CC Financial
Services, Campuchia qua Anco Group để triển khai Pi Pay...
Xu thế du khách Trung Quốc vào Việt
Nam, xài ứng dụng Alipay và WeChat Pay để mua sắm hàng hóa dịch vụ là không thể
tránh khỏi. Cho nên hãy thôi, đừng nói kẽ hở tiếp tay rồi báo động chuyển ngân
lậu hay thanh toán chui nữa. Hãy tìm hiểu đối thủ, các phương thức hoạt động,
kinh nghiệm của các nơi khác và có biện
pháp thích ứng, có chính sách phù hợp, tùy góc nhìn của từng địa chỉ. Người bán
thì lúc nào cũng ưu tiên bán được càng nhiều càng tốt còn nhà nước sẽ ưu tiên
chuyện thu đủ thuế trong khi giới ngân hàng lo bị bỏ lại đằng sau. Nhưng xu thế
thời đại không cho phép các ngân hàng phát hành thẻ cứ chăm chăm ăn chênh lệch
tỷ giá “dày” như hiện nay được lâu nữa.
Nguyễn
Vạn Phú
No comments:
Post a Comment