Ngô Thế Vinh
10/07/2018
Tôi
mơ về một nước Việt Nam hòa bình, tân tiến trên nền tảng của những giá trị tinh
thần mà lịch sử đã nhồi vào nền văn hiến của nước ta. Cả cuộc đời xã hội của
tôi là để đóng góp vào sự ước mong ấy.
Trần
Ngọc Ninh, Ước Vọng Duy Tân, 2012
*
Thăm nhà văn Võ Phiến
trên Los Angeles, từ trái, Gs Trần Ngọc Ninh, nhà văn Võ Phiến, Ngô Thế Vinh;
hình dưới: Trần Ngọc Ninh cầm trên tay ấm trà nhỏ của Nguyễn Tuân mà Võ Phiến
đem khoe. [photo by Viễn Phố]
Trần
Ngọc Ninh, Ước Vọng Duy Tân, 2012
Ngô
Thế Vinh
Đến
thăm Gs Trần Ngọc Ninh, Huntington Beach ngày 21 & 29 tháng 06.2018, ở tuổi
95 mà Thầy vẫn còn rất minh mẫn và sắc bén; trên bàn là những số báo Tình
Thương (1963-1967) có các bài viết của Thầy. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
TIỂU SỬ
Trần
Ngọc Ninh, tên thật, còn có bút hiệu Kỳ Ngọc, Trần Ngọc, Trần Lê
sinh
ngày 6 tháng 11 năm 1923 tại Hà Nội, nguyên quán Ninh Bình Bắc Việt, thân phụ
là giáo viên nghèo, đôi khi nhà không đủ ăn; vừa đi học vừa viết báo phổ thông
y học như với tờ Vui Sống để kiếm sống với bút hiệu Kỳ Ngọc;
một số bài báo còn sưu tập được đã đăng lại trong Tuyết Xưa. (2)
1939:
Học sinh trường Bưởi, sinh viên Khoa học ban Toán cùng với Triều Sơn, rồi
chuyển sang học Y khoa.
1946-1948:
Cựu nội trú các bệnh viện Hà Nội.
1948:
Luận án Tiến sĩ Y khoa: "Contribution à la Physiopathologie des
Traumatismes Thoraciques".
1948-1952:
Bác sĩ thường trú bệnh viện Yersin / Phủ Doãn Hà Nội
1952-1954:
Sang Pháp du học với Gs Robert Merle d'Aubigné ở bệnh viện Cochin về ngành giải
phẫu chỉnh trực và với Gs Pierre Petit về ngành giải phẫu tiểu nhi ở bệnh viện
St Vincent de Paul; qua Anh tu nghiệp về giải phẫu thần kinh ngoại vi và xương
sống với Gs Herbert Seddon.
1954:
Di cư vào Nam sau Hiệp định Geneve, cùng với các giáo sư Phạm Biểu Tâm, Nguyễn
Hữu, Đào Đức Hoành, Ngô Gia Hy, Nguyễn Đình Cát... và trở thành ban giảng huấn
cốt cán của Đại học Y Khoa Sài Gòn sau khi người Pháp rút đi.
1961:
Thạc Sĩ Y khoa Pháp / Agrégation des Facultés Françaises de Médecine, Section
Chirurgie Orthopédique.
1961-1967:
Giáo sư phẫu khoa chỉnh trực và phẫu nhi khoa, Đại học Y khoa Sài Gòn, Việt Nam
1966-1967:
Tổng trưởng Văn hóa Xã hội đặc trách Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, chủ trương
phát triển phong trào thanh niên, đưa Hướng đạo vào sinh hoạt học đường.
1956-1977:
Trưởng khoa phẫu thuật chỉnh trực, bệnh viện Bình Dân Sài Gòn.
1966-1975:
Giáo sư Văn minh Đại cương và Văn Hóa Việt Nam, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, Việt
Nam.
1967:
Thành viên sáng lập Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO /
South East Asian Ministers Education Organization) Bangkok & Singapore.
1968-1975:
Hội viên Hội đồng Soạn thảo Danh từ Chuyên môn, Sài Gòn, Việt Nam.
1969-1975:
Hội viên Hội đồng Văn hóa Giáo dục, Sài Gòn Việt Nam.
1977:
Ngày 6 tháng 6, cùng gia đình vượt biển tới đảo Pulau Besar Mã Lai, chọn định
cư tại Hoa Kỳ.
1978-1980:
Thi ECFMG & FLEX như một bác sĩ ngoại quốc, vẫn phải qua thời gian thực tập
tại các bệnh viện ở Denver, Colorado; rồi Pittsburg với các Gs James S. Miles
và Gs William B. Kiesewetter cùng là giáo sư y khoa bạn cũ trong ngành phẫu nhi
khoa / Pediatric Surgery với ông trước kia.
Giữa
thời gian đèn sách, ông vẫn hoàn tất một tập luận đề chính trị "Làm
Gì"trên 300 trang, với ghi chú nơi cuối sách: "Viết xong
lúc giữa trưa ngày 24 tháng 3 năm 1979 tại Trường Sơn của Mỹ Châu".
(Rocky Mountains Ranges Denver, Colorado / ghi chú của người viết)
1980:
Trở lại hành nghề Y khoa tại Nam California, nhưng chủ yếu vẫn là các hoạt động
văn hóa giáo dục; viết bài cho các báo Tập San Y Sĩ, Thế Kỷ 21, Khởi Hành...
2000:
Tham gia Ban Cố vấn Viện Việt Học (Westminster, California) do Gs Nguyễn Đình
Hòa sáng lập.
2003-2008:
Viện trưởng Viện Việt Học, giáo sư giảng dạy lớp Ngữ pháp Việt ngữ tại Viện
Việt Học.
2018:
Vẫn minh mẫn ở tuổi 95, hiện cư ngụ tại thành phố Huntington Beach, miền Nam
California.
TÁC PHẨM
Văn Hóa
_ Những Vấn đề Văn hóa Giáo dục
và Xã hội [Sưu tập Diễn Văn của Gs Trần Ngọc Ninh, Tổng trưởng Văn hóa
Xã hội đặc trách Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa] Sài Gòn Việt Nam 1966.
_ Văn
hóa Dân tộc trước những Nhu cầu của Đất nước; Nxb Vovinam,
Sài Gòn Việt Nam 1969.
_ Đức
Phật Giữa Chúng Ta. Nxb Lá Bối, Sài Gòn Việt Nam 1972.
_ Làm
Gì? Tập Luận đề Tháng Chín. Với bút hiệu Trần Lê. Nxb Việt Nam Hải
Ngoại, California 1979.
_
Tuyết Xưa; Tuyển
tập các Vấn đề Văn hóa Việt Nam, Nxb Khởi Hành California Hoa Kỳ 2000.
_ Tố
Như và Đoạn Trường Tân Thanh. với những giả thuyết mới về Nguyễn Du và
Đoạn Trường Tân Thanh, cũng như mối liên hệ giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Nxb Khởi Hành & Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2004.
_ Cơ
Cấu Việt Ngữ, Nxb Lửa Thiêng Sài Gòn Việt Nam 1973; Viện Việt Học California
Hoa Kỳ tái bản 2009.
_
Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt. Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2010
_
Ước Vọng Duy Tân. Văn Hóa, Huyền Thoại, Văn Học Sử. Tuyển tập Trần Ngọc
Ninh. Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2012.
_
Ngữ Pháp Việt Nam [Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2017].
_
Ngữ Pháp Tiếng Việt Đầu Tiên, Cho Tuổi 5 Năm - 15 Năm [Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2017].
Một số tác phẩm của
Gs Trần Ngọc Ninh. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Y Học
_
Nhà Thương,
Phóng sự, Nxb Văn Hóa Hà Nội, Việt Nam 1946.
_
Thượng Kinh Ký Sự /
Éthique Médicale de la Médecine Traditionnelle du Vietnam, d' après les Mémoires
d'un Voyage à la Capitale de Hải Thượng Lãn Ông (18e siècle), Isis, Bruxelles,
Belgique 1950.
_ Những
Bệnh Cần Cấp Cứu, Gió Việt, Sài Gòn Việt Nam 1956.
_
Một Chút Lịch sử Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Tập San Y Sĩ,
Montréal Canada 2000.
_
Lịch sử hình thành hai Chuyên khoa Y Học: Phẫu khoa Chỉnh trực và Phẫu Nhi khoa
ở Việt Nam. Tập
San Y Sĩ, Montréal Canada 2000.
_
Hơn 200 bài khảo cứu chuyên khoa được in trong các Tạp chí Y khoa xuất bản tại
Việt Nam, Pháp và Mỹ.
GIÁO SƯ Y KHOA LỖI LẠC
Từ phải: Gs May, Gs
Trần Ngọc Ninh, Gs Nguyễn Hữu, Gs Phạm Biểu Tâm, Gs Trịnh Văn Tuất. [Album gia đình
Gs Phạm Biểu Tâm]
Một buổi họp Hội Đồng
Khoa Đại học Y Khoa Sài Gòn, từ trái, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Trịnh Văn Tuất, Gs
Trần Vỹ, Gs Caubet, Gs Phạm Biểu Tâm, Gs Huard, Gs Trần Đình Đệ, Gs Nguyễn Đình
Cát, Gs Nguyễn Hữu, Gs Ngô Gia Hy. [Album gia đình Gs Phạm Biểu Tâm]
Sự
nghiệp Y khoa của Thầy Ninh đã được đồng nghiệp và các môn sinh viết khá đầy
đủ. Bài này chủ yếu viết về một chân dung văn hóa của Gs Trần Ngọc Ninh.
VỚI BÁO SINH VIÊN Y KHOA TÌNH THƯƠNG
Học Y khoa, tôi không phải là học trò theo cái nghĩa là đệ tử ruột của Gs Trần Ngọc Ninh: học trò của Thầy Ninh ở trường Y có thể đếm trên mười đầu ngón tay: rất sớm có Bùi Duy Tâm, Phạm Văn Biểu, cả hai đều dở dang, rồi Vũ Văn Nguyên mất sớm khi du học Mỹ, và sau này là Trần Xuân Ninh (Ninh Con, để phân biệt với Ninh Bố là Thầy Ninh), Võ Thành Phụng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Lương Tuyền... Khác với Gs Phạm Biểu Tâm được sinh viên Y khoa yêu mến; với Gs Trần Ngọc Ninh, sinh viên có thể nể phục tài năng kiến thức và cả cái uy của ông nhưng một số không thích ông vì quá nghiêm khắc.
Tôi
gần gũi với Gs Trần Ngọc Ninh không phải bên giường bệnh hay trong phòng mổ nơi
các bệnh viện, mà chủ yếu qua những hoạt động sinh viên với tờ báo Tình Thương
trong khoảng thời gian 1963-1967. Các bài viết của Thầy Ninh trên báo Sinh Viên
Y Khoa Tình Thương đều với một tầm nhìn chiến lược đặt ra những vấn đề lớn của
nền Y tế, Giáo dục và Văn hóa Việt Nam, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời
sự:
TT
1: Y tế và Chính Trị
TT
3-4: Những Vấn đề Hiện tại của nền Giáo dục Việt Nam
TT
5: Tinh Thần Đại Học
TT
12: Phỏng vấn Giới Gs Đại học về Vấn đề Sinh viên
TT
14: Nền Đại học Y khoa Việt Nam
TT
20: Các Vấn đề Thanh niên và Sinh viên trong Thời đại
TRẦN NGỌC NINH VÀ NUÔI SẸO
Ngay từ số Tình Thương ra mắt, qua Gs Trần Ngọc Ninh, tòa soạn đã nhận được bản thảo truyện dài Nuôi Sẹo của Triều Sơn và bắt đầu cho đăng từng kỳ trên báo với lời giới thiệu trang trọng: "Nuôi Sẹo là một tác phẩm mà nhiều nhà văn tìm đọc từ hơn 10 năm nay [thời điểm 1964, ghi chú của người viết]. Cuốn truyện đã không thể xuất bản được ở miền Bắc, cộng sản. Nó cũng không thể ra đời được ở miền Nam, dưới chế độ cũ. Tác giả là Triều Sơn, một sinh viên đã rời mái trường để đi làm cách mạng, đã làm đủ nghề, đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới. Và Triều Sơn đã chết ở Paris khi Nuôi Sẹo sửa được gần xong tập đầu, mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu ở đây. Nhưng vài dòng ngắn ngủi này không thể đủ để các bạn, nhất là các bạn trẻ biết rõ Triều Sơn và Nuôi Sẹo. Bởi vậy chúng tôi xin nhường chỗ cho Trần Ngọc [bút hiệu của Gs Trần Ngọc Ninh], một người bạn thiết của Triều Sơn viết "Kỷ niệm về Triều Sơn." Trần Ngọc đã gặp lại Triều Sơn sau 15 năm xa cách và đã làm quen với Nuôi Sẹo ở đó. Triều Sơn đã sống những ngày sau cùng với Trần Ngọc. Cuộc tao ngộ đó là cái nhân cho sự ra mắt của Nuôi Sẹo ở đây. Và chúng tôi xin ghi đậm một nét chân thành cám ơn Trần Ngọc, người đã cho chúng tôi cái hân hạnh đón chào Nuôi Sẹo." [Trích dẫn Tình Thương Số 1, 01/1964]
Bài
viết giới thiệu Nuôi Sẹo của Gs Trần Ngọc Ninh, một tài liệu hiếm quý tưởng đã
bị thất lạc mà nay tìm lại được. Tuy là viết về Triều Sơn nhưng cũng
là tấm gương phản chiếu một chân dung khác thời trai trẻ của Trần Ngọc
Ninh nên chúng tôi chủ ý cho trích đăng trong bài viết này.
"Mười Lăm Năm Ấy, Kỷ Niệm về Triều Sơn" của Trần Ngọc
Tôi
không biết làm thế nào để nhìn thấy trong một người trẻ tuổi cái mầm của tài
năng. Tôi bắt đầu quen Triều Sơn khi vào lớp Toán Chuyên khoa năm 1939. Tôi còn
nhớ Triều Sơn nói với tôi, khi hai người vào ngồi cùng một ghế:
_
Có anh em cũ thì học cả Toán cho vui, nhưng tôi học Triết cũng thích.
"Anh
em cũ" là
hai anh bạn khác, cùng học với Triều Sơn những năm về trước ở trường Bưởi;
nhưng ngay từ buổi đầu ấy, tôi cũng đã là "anh em cũ" của Triều Sơn.
Năm ấy Triều Sơn 18 tuổi, người to lớn, má đầy, mặt trắng nổi lốm đốm những mụn
nhỏ của thiếu niên, tóc thưa và chải lật về đằng sau, mình đóng một cái áo the
đen. Cả lớp chỉ có hai chúng tôi mặc ta, nhưng có lẽ đấy là hai điểm độc nhất
giống nhau.
Chân dung Triều Sơn
Bùi Văn Sinh 1921-1954 [nguồn: báo Văn 15.05.1965, số Đặc biệt Truy Niệm Triều
Sơn]
Triều
Sơn thích đọc Triết hơn Toán, và tôi thích học Toán hơn Triết.
Thực
ra Triều Sơn đã tiến sâu vào Triết học từ khá lâu rồi; khi mới học năm thứ ba
Trung học phổ thông, anh đã đọc hết Kant, Fichte và Hegel; ảnh hưởng của Triết
học Đức sau này còn sâu xa hơn nữa vào anh, qua Marx, qua Husserl, nhưng Triều
Sơn không phải là người của một dòng tư tưởng, và anh đã học cả Triết lý cận
đại của Âu châu lẫn triết lý cổ Phật-Lão của Á đông. Hơn nữa, Triều Sơn ngay từ
lúc ấy đã có một cái công phu suy nghĩ sau này sẽ đưa tư tưởng của anh vượt lên
trên những lý thuyết vụn vặt của các môn phái. Tuy vậy mà trong lớp, không có
dấu hiệu gì tỏ ra rằng Triều Sơn đã hiểu biết nhiều như thế; số điểm của anh
chỉ vào hạng trung bình, kể cả về triết học; có lẽ cái mầm vẫn còn thu hình
trong hạt, hoặc giả những ý nghĩ đã có chút đặc sắc của Triều Sơn không hợp với
cách học trọng hư văn trong các trường chăng?
Sau
khi đậu Trung học, mỗi người chúng tôi theo một ngả đường. Triều Sơn, người
không thích Toán, lại vào lớp Toán học đại cương. Nhưng Triều Sơn không học
Toán vì Toán; suốt ngày tôi gặp anh ở thư viện đọc về triết lý của toán học;
những sách của Whitehead, của Bertrand Russell, của Hamilton được giũ bụi thời
gian và ăn sâu vào óc người sinh viên trẻ tuổi. Hồi ấy anh chỉ nói chuyện
về "vô cùng", về "số giả", về cách lý luận
trong toán học, về căn bản của sự hiểu biết... Kết quả là cuối năm, sau khi thi
hỏng, Triều Sơn bỏ học nhưng hài lòng vì đã lấp được một lỗ hổng trong tư
tưởng.
Trong
ít lâu, tôi không gặp Triều Sơn nữa. Thời kỳ này mới chính là thời kỳ nảy nở
của tài năng. Cái gì đã làm cho cái mầm nảy lá, đục đất và vươn lên trời xanh?
Sau này khi Triều Sơn viết Con đường văn nghệ mới, anh sẽ nhấn
mạnh về điểm phải gần dân chúng; văn nghệ sĩ nào xa dân chúng sẽ cằn cỗi, hoặc
truỵ lạc tinh thần; đi vào quần chúng, sống với đại chúng, hòa nhịp sống của
mình vào đời sống chung, phải là phương châm của văn nghệ sĩ tiền phong. Đấy là
một lời khuyên sống: quần chúng đã rèn luyện tài năng của Triều Sơn, đã nuôi
tinh thần Triều Sơn, đã nung đúc tư tưởng của Triều Sơn. Anh lăn mình vào cách
mạng, làm thợ ở mỏ than Hòn Gay, làm hành chính ở Hải Dương, dạy học ở Phú Thọ,
làm phu ở dưới tàu, lưu lạc qua Quảng đông để chung đụng với người dân Trung
Hoa mới, ở Hồng Kông, Tích Lan, đi Phi châu làm thợ nguội, rồi về Pháp, sống
với anh em lính thợ ở Marseille, Bordeaux và Ba Lê.
Và
tôi gặp lại Triều Sơn ở Ba Lê.
Thực
ra giữa quãng, tôi còn gặp Triều Sơn vài ba lần khác, thời gian vội vàng của
một cuộc lên bộ, nhưng cũng không có gì đáng kể. Một bữa thì anh mới ở ngoài
Khu vào, và nói chuyện về những thắc mắc tinh thần mà duy vật lịch sử không
giải quyết nổi; một bữa khác anh bàn luận về quan niệm của Trang Tử về tự do;
một bữa nữa, phê bình văn nghệ, và nói chuyện về sự truỵ lạc của người trí thức
bị khoa cử đưa đến một con đường danh lợi dễ dàng xa cách hẳn với đời sống của
người dân cần lao. Rồi Triều Sơn vào Sài Gòn làm báo, giũa ngòi bút trong những
truyện ngắn, trong những bài thơ tự do (dưới tên là Ninh Huy), hay thơ trào
lộng (dưới tên Thang Thang), hoặc tranh luận về Nghệ thuật, về Triết lý hay về
những vấn đề xã hội. Trong khoảng này, anh viết bản kịch thơ Triều Sơn đã khéo
phù hợp cách dệt những bi kịch Hy Lạp kể sự thức tỉnh của một tâm hồn thấm
nhuần Phật học trước sự đau khổ hiện tại của cả dân tộc. Giặc Cờ đen có
một cấu tạo rất cổ điển; Triều Sơn đã khéo phù hợp cách dệt những bi kịch Hy
Lạp vào xã hội của Việt Nam và dùng lời thơ cổ phong, khi âm u, khi thâm trầm,
khi dồn dập, để tả tâm tình của các nhân vật. Tuy thế sau này, Triều Sơn có nói
rằng về phương diện thơ thì Giặc Cờ đen chỉ được có vài câu là
anh vừa ý; về phương diện kịch thì sự thành công chắc chắn hơn, nếu anh có thì
giờ để thực hiện sự ra mắt của vở kịch trên sân khấu.
Nhưng
lúc ấy Triều Sơn còn ôm trong người cái mộng lớn về Nuôi Sẹo.
Nuôi
Sẹo là
gì? Tôi gặp lại Triều Sơn trong một căn phòng nhỏ hẹp, méo mó, chật sách, than
và giấy ở phố Bièvre, quận Năm Ba Lê, và cũng làm quen với Nuôi
Sẹo ở đó.
Nuôi
Sẹo là nhân vật chính của một tiểu thuyết dài về xã hội Việt Nam trong buổi
cuối cùng của thời thuộc Pháp. Làm mõ làng, chuyên nghề đòi nợ thuê và chôn
người. Nuôi Sẹo là một con sâu bọ trong cái xã hội có tôn ti
trật tự của một làng Bắc Việt. Triều Sơn đã muốn nhờ con mắt của Nuôi Sẹo để tả
cái xã hội phong kiến ấy, rồi lại nhờ con người của Nuôi Sẹo để mở hé một cái
quan niệm về cuộc đời.
Đây
không phải là một chuyện dễ. Một bức hoạ đồ sộ đòi hỏi công phu và thì giờ rất
nhiều: Triều Sơn để vào đó năm, sáu năm của anh, lúc nào cũng cặp chặt tập bản
thảo trong người, từ Khu ra Hà Nội, và trong tất cả những chặng đường luân lạc
của anh; xúc than nuôi lò cả ngày, buổi chiều tối lại trút bộ áo xanh của người
phu tàu ra để chữa một hai câu văn; hoặc là nằm ở Yễm Yễm thư trang, sửa lại
vài đoạn chưa được vừa ý. Lúc nào trong đầu óc anh cũng có Nuôi Sẹo; Nuôi
Sẹo chưa ra đời mà làng văn Việt Nam đã biết cả hình dáng của gã, các
nhà xuất bản đã tranh nhau đỡ đầu cho gã, đã có nhà văn Pháp hẹn với tác giả để
dịch chuyện gã sang tiếng Pháp, đã có hoạ sĩ đi tìm tài liệu để vẽ lại vài cảnh
trong cuộc đời gã. Triều Sơn cứ đắn đo, sửa chữa, xóa bỏ, thêm thắt, và để vào
đây tất cả sức khoẻ của anh, cho đến ngày không cầm được bút nữa.
Nhưng
bức hoạ xã hội không phải là cái khổ tâm chính của Triều Sơn. Cái khổ tâm chính
của Triều Sơn là Nuôi Sẹo, là con người Nuôi Sẹo, là tâm lý Nuôi Sẹo...
Thỉnh
thoảng tôi đi uống nước với Triều Sơn. Ở khu Saint-Germain-des-Prés, khu văn
nghệ của Ba lê, có một quán café, cửa sơn màu đỏ hung, nhỏ nhắn và ấm áp, lúc
nào cũng đông khách; khi nào vào đấy thì Triều Sơn ngồi hàng giờ không đứng
dậy, với một chén suc-cu-la bốn mươi lăm quan. Tại sao Triều Sơn thích cái quán
ấy, tôi không biết. Ở Ba Lê, anh có giao thiệp với các văn sĩ Pháp Vercors,
Marcel Aymé, Jean-Paul Sartre; có lẽ vì sự gặp gỡ của anh với những nhà văn ấy
thường dùng cái khung cảnh của quán này. Cũng có lẽ rằng Triều Sơn hay tới họp
ở hội Triết học cũng ở khu ấy, đã có lần anh tới diễn giảng ở hội và khi ra về
quen rẽ vào quán đó. Ngồi đấy với Triều Sơn, tôi đã được anh nói cho nghe về
những vấn đề trong Nuôi Sẹo...
Một trang Nuôi Sẹo,
đăng từng kỳ trên báo Sinh viên Y khoa Tình Thương số 14 với mẫu bìa Nghiêu Đề,
tháng 2 Xuân Ất Tỵ 1965. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Tôi
biết Triều Sơn đã xét lại tất cả văn phạm Việt Nam và có những ý nghĩ rất đặc
sắc về văn phạm. Anh không lùi khi thấy những điểm cần phải bổ khuyết cho nghề
được tinh vi. Khi dùng một chữ không chắc chắn về chính tả, Triều Sơn lại xem
lại các tự điển, và tuy đã cẩn thận, nhưng vẫn lo là bỏ sót nhiều chữ viết sai.
Thích triết học như anh, mà phải nhịn không giở một cuốn triết lý trong hằng
tháng, để khỏi tiêm nhiễm cách viết trừu tượng của các triết gia...
Triều
Sơn sửa đi chữa lại Nuôi Sẹo năm sáu lần, vẫn chưa chịu cho
in. Tập đầu, lúc mới viết xong dài 900 trang, đúc lại còn 400 trang. Triều Sơn
vẫn chưa cho là đủ, "Còn dài quá, 300 trang thôi", anh nói. Các bạn
thì sợ rằng rút quá sẽ thành khô. Nhưng Triều Sơn chỉ hứa lần này chữa nữa là
"lần cuối cùng", rồi sẽ đưa cho tất cả các bạn xem lại và phê bình,
và rồi chữa theo những lời phê bình ấy thôi, trước khi in. Anh nói: "Xong
đây, tôi sẽ ghi lại những kinh nghiệm học nghề của tôi thành một quyển Tôi
tập viết văn". Nhưng Nuôi Sẹo cũng chưa xong hẳn,
công việc còn dở dang thì bệnh nặng phát ra và anh phải bỏ dở mãi mãi.
Triều
Sơn còn để lại một tập truyện dài bằng thơ lục bát, vài truyện ngắn, mấy bài
thơ, một cuốn triết học nhập môn viết nửa chừng, và bản thảo của những thư từ
bàn luận về triết học và xã hội học với mấy giáo sư ở Collège de France và
Sorbonne (Jean Wahl, Gurwich). Nuôi Sẹo đã sửa gần xong tập
đầu, tập thứ hai còn là một đống bản thảo hỗn độn. Còn tất cả những hẹn hò
khác, anh mang đi, chôn sâu dưới mảnh đất của Ba Lê... [Hết trích dẫn, Tình
Thương Số 1, 1-1964] (4)
Truyện dài Nuôi Sẹo
của Triều Sơn. Một Nuôi Sẹo Phục Sinh, do Trần Hoài Thư thực hiện. Thư Quán Bản
Thảo, Tạp chí VHNT Số 77 Tháng 11.2017. [Tư liệu Ngô Thế Vinh]
Và
để rồi, chẳng thể ngờ được hơn nửa thế kỷ sau [1963-2018], tôi có dịp gặp lại
Thầy Ninh, trao lại Thầy những trang sách của truyện dài Nuôi Sẹo ngày
nào, một Nuôi Sẹo Phục Sinh, tuy không toàn vẹn nhưng với rất
nhiều công lao của nhà văn Trần Hoài Thư và anh em Thư Quán Bản Thảo. (5)
Và
cũng trong dịp này, tôi được biết thêm Triều Sơn có một người con trai còn sống
ở Việt Nam. Cô Minh Chân con gái của anh ấy gọi Triều Sơn Bùi Văn Sinh là
"Ông Nội", thì hiện sống ở Nam California, cách đây bốn năm có lần
tìm tới thăm Thầy Ninh. Qua giới thiệu của Thầy Ninh, tôi được nói chuyện với
Minh Chân, được biết thêm tên bố cô là Nguyễn Vân Sơn sinh ngày 7 tháng 10 năm
1951 [bố cô mang họ mẹ, là nữ sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, sinh năm 1921, nay cũng
đã mất].
Rất
mong rồi ra, khi liên lạc được với người con trai của Triều Sơn, sẽ có một ấn
bản đặc biệt truyện dài Nuôi Sẹo từ Thư Quán Bản Thảo gửi tới
anh, như người thừa kế phần gia tài tinh thần của thân phụ mà có lẽ chính anh
cũng chưa được biết mặt và chỉ được nghe Mẹ kể lại những năm về sau này. Triều
Sơn Bùi Văn Sinh mất ở Paris năm 1954, do bệnh xơ gan / cirrhosis, lúc đó Triều
Sơn chỉ mới 34 tuổi.
VỚI BÁO BÁCH KHOA MỘT CHÂN DUNG VĂN HÓA
Không
chỉ qua báo SV Tình Thương, tôi gần gũi với Gs Trần Ngọc Ninh hơn qua tờ Bách
Khoa của anh Lê Ngộ Châu, địa chỉ 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn. Đó là một chân
dung Trần Ngọc Ninh khác, trong lãnh vực văn hóa.
Được
đọc những bài viết của Gs Trần Ngọc Ninh trên báo Bách Khoa, tiếp cận với con
người văn hóa rất đa dạng của Thầy Ninh qua những bài viết với nhiều thể loại
như: tôn giáo Đức Phật giữa chúng ta, Đức Phật và sự Cải tạo Xã hội, nhân chủng
học với Claude Lévi-Strauss, dân tộc học qua những huyền thoại và huyền thoại
lí học và cả về ngữ học, như bàn luận về cơ cấu và ngôn ngữ, ông đã rất sớm
giới thiệu Noam Chomsky với những phát kiến về Ngữ học Cơ Cấu / Structural
Linguistics, với lý thuyết về một Ngữ pháp Hoàn vũ / Universal Grammar và để
rồi ông không ngừng theo đuổi và tìm cách ứng dụng để soạn bộ Ngữ Pháp Việt Nam
sau này. (7)
Tại nhà Võ Phiến
30.07.1994, từ phải: Gs Trần Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu, anh
chị Võ Phiến, vợ chồng Lê Tất Điều. [tư liệu Viễn Phố]
Tại nhà Gs Trần Ngọc
Ninh 1994, từ trái: nhà văn Võ Phiến, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Nguyễn Văn Trung từ
Montréal Canada, Ngô Thế Vinh. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Gs
Trần Ngọc Ninh không chỉ là một giáo sư Y khoa lỗi lạc, ông còn là một nhà văn
hóa kiến thức rộng trải rộng trên nhiều lãnh vực, một mẫu mực đào tạo trí thức
theo quan niệm giáo dục cổ điển Âu châu. Là giáo sư Y khoa, ông còn được mời
đảm trách giảng dạy môn Văn minh Đại cương và Văn Hóa Việt Nam cho Đại học Vạn
Hạnh của Thích Minh Châu, và có bài viết trên Tập san Tư Tưởng.
Bìa tác phẩm Ước Vọng
Duy Tân. Văn Hoá, Huyền Thoại, Văn Học Sử. Tuyển tập Trần Ngọc Ninh; chủ biên
Trần Uyên Thi; Viện Việt Học, California Hoa Kỳ 2012 [tư liệu Ngô Thế Vinh]
MỘT
TRÍ THỨC THUYỀN NHÂN
Biến cố 1975, một cuộc đổi đời lần thứ hai kể từ sau ngày phân chia đất nước với Hiệp định Geneve 1954.
Sau
1975, vẫn các giáo sư gốc di cư từ miền Bắc vào Nam còn ở lại như Gs Phạm Biểu
Tâm, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Hoàng Tiến Bảo, Gs Đào Đức Hoành, Gs Nguyễn Đình
Cát... các Thầy nay tuổi đã cao, mỗi ngày phải đi làm bằng xe đạp tới bệnh viện
hay xa hơn tới trường Y khoa trên đường Hồng Bàng, Chợ Lớn. Cũng vẫn các Thầy
ngoài việc chăm sóc bệnh nhân và giảng dạy cho sinh viên, từ nay còn phải làm
thêm việc của y công như lau quét các phòng vệ sinh và cả đổ rác. Không làm sao
mà quên được cảnh tượng một Gs Phạm Biểu Tâm phải lau chùi cầu tiêu bị té ngã
bầm dập ở bệnh viện Bình Dân, Thầy Tâm rất sợ Cô lo, nên dặn dò không báo tin
cho Cô biết.
Như
từ bao giờ, trong mọi hoàn cảnh các Thầy vẫn luôn giữ được nhân cách cao trọng
của người trí thức, không phát biểu những lời xưng tụng chế độ mới. Các Thầy
cũng không thể không não lòng khi hàng ngày phải chứng kiến trình độ dốt nát
của nền y tế nhân dân qua những buổi hội chẩn hay giao ban cùng với các ông y
sĩ cách mạng phần đông chưa qua hết bậc trung học "chỉ có hồng mà
không chuyên" nhưng rất huênh hoang từ ngoài Bắc vào hay từ trong
rừng ra.
Điển
hình là trong một buổi sáng giao ban tại bệnh viện Bình Dân sau 1975, bác sĩ Lê
Quang Dũng một cựu nội trú bệnh viện lâu năm kể lại, là khi anh Dũng báo cáo về
một trường hợp mổ áp xe vú, thì bị một bác sĩ quân quản Việt cộng vặn hỏi:
"Tại sao anh lại cho mổ áp xe vú?" Bs Dũng đáp: "Tại vì áp xe vú
có mủ nên phải mổ dẫn lưu." Dũng đã bị họ mắng: "Anh dốt quá, ở chiến
khu tôi nhai lá sống đời xong rồi đắp lên vú thì 5 phút sau áp
xe biến mất, không phải mổ gì cả." Các Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc
Ninh, Hoàng Tiến Bảo cùng có mặt trong buổi giao ban, chỉ biết ngao ngán lắc
đầu. (3)
Phải
sống trong nghịch cảnh và chứng kiến những ngày ảm đạm như thế, Gs Trần Ngọc
Ninh đã có lần phát biểu với các sinh viên giọng chua chát và khinh mạn: "Hội
chẩn với mười con số không cộng lại thì vẫn là zéro."
Giáo
sư Vũ Quí Đài, vị khoa trưởng cuối cùng của Y khoa Sài Gòn, còn nhớ là khi ban
Quân quản Việt cộng đến tiếp thu trường Y khoa, họ triệu tập một buổi họp gồm
sinh viên và cả ban Giảng huấn nơi đại giảng đường gọi là để trấn an nhưng với
giọng điệu đầy huênh hoang và cả hăm doạ, Gs Vũ Quí Đài kể: "Lúc
ấy Gs Trần Ngọc Ninh ghé tai tôi nói nhỏ một câu lẩy Kiều: Hàng thần lơ láo
phận mình ra đâu". (3)
Hãy
nghe giáo sư Trần Ngọc Ninh tâm sự:
"Trên
bình diện khoa học, sau khi Bắc Việt đã chiến thắng được miền Nam rồi, cuộc đấu
tranh mới bắt đầu giữa Y khoa khoa học của miền Nam và Y khoa nhân dân của miền
Bắc. Trong cuộc đấu tranh này, nhân dân là nạn nhân, nhưng cũng là tòa án, tòa
án nhân dân. Giải thưởng là tương lai sức khoẻ của Việt Nam. Sức khoẻ cùng
nghĩa với sức lao động. Chủ nghĩa không che lấp được sự thật...
Bìa Một chút lịch sử
Y khoa Đại học đường Sài Gòn 1954-1975. Trần Ngọc Ninh, Hội Y Sĩ Việt Nam tại
Canada xuất bản 2002. (tr. 38-39, đề cập tới hai nền Y Khoa từ sau 1975: Y Khoa
Khoa Học của miền Nam & Y Khoa Nhân Dân của miền Bắc). [tư liệu Ngô Thế
Vinh] (6)
Năm
1977, sau khi nghe được lệnh của các vị lãnh đạo y học miền Bắc rằng từ nay
không được dạy y lý nào "cao" không thể áp dụng ở Việt Nam như biến
hóa của nước và các chất điện giải hoặc pháp dùng thuốc kháng sinh với những
kháng sinh sau đời penicillin, hoặc những phẫu thuật quá cầu kỳ khó khăn, tôi
mạn phép nói ra ở đầu lớp bệnh lý phẫu khoa của tôi: "Đây là
lần cuối cùng và các anh chị em là những sinh viên cuối cùng mà tôi giảng Y
khoa khoa học. Từ sang năm tôi sẽ chỉ giảng Y khoa nhân dân. Và anh chị em cố
gắng mà theo. Đừng quên rằng mình là những người thừa tự chót của Y khoa khoa
học."
Sinh
viên Nguyễn Chí Công [trước 1975 là sinh viên cộng sản nằm vùng, bị bắt
giam ở Chí Hòa, đã được chính Gs Ninh vào thăm can thiệp và được trả tự do, năm
1976 Công trở lại trường Y phụ trách cai quản sinh viên], khi nghe được
những lời nói ấy, Công đã dự định lập "Tòa án Nhân dân" để hạch tội
tôi. Không phải vì thế mà tôi rời Việt Nam".
Gs Ninh nhận định tiếp: "Do nhận thức được toàn bộ chính
sách của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là sự mạo danh xã hội chủ nghĩa, đưa nhân
dân Việt Nam vào một kiếp đau khổ ngàn đời. Và điều tệ hại hơn nữa là "Đảng
và Nhà Nước muốn cưỡng chiếm Y khoa khoa học để dành riêng cho cán bộ, còn Y
khoa nhân dân là để cho nhân dân." (6)
Và
rồi rất sớm, chỉ 2 năm sau ngày 30 tháng Tư, 1975 vào ngày 6 tháng 6 năm 1977,
Gs Trần Ngọc Ninh đã cùng gia đình xuống thuyền vượt biển tìm tự do, giữa lúc
ông được chúc mừng là một trong số 4 người được Hội Đồng Chính Phủ giữ lại ở
chức vụ Giáo sư với lương bổng cao nhất.
Cuối
cùng ông và gia đình tới được đảo Pulau Besar Mã Lai, và ông chọn đi định cư tại
Hoa Kỳ để phải bắt đầu lại từ đầu, thay vì đi Pháp là nơi mà ông đã được đào
tạo và thành danh.
Sự
bỏ đất nước ra đi rất sớm của một khuôn mặt trí thức lớn như ông lúc đó đã gây
ra một chấn động nơi giới lãnh đạo Hà Nội và trên toàn trí thức miền Nam thời
bấy giờ.
DẬT SỰ BÌNH TRÀ NGUYỄN TUÂN
Tôi tới Mỹ sau Thầy Ninh hơn 6 năm, nhưng rồi cả hai thầy trò sau một thời gian đèn sách trước sau cũng trở lại nghề cũ. Từ New York, tôi về làm việc trong một bệnh viện VA ở vùng nam California, tuy bận rộn nhưng thỉnh thoảng vào mấy ngày cuối tuần tôi vẫn có dịp được gặp Thầy.
Trong
một buổi gặp ở nhà anh Võ Phiến, cây tùy bút nổi tiếng của miền Nam từ trước
1975; lúc ấy anh Võ Phiến còn ở trên Los Angeles; anh thú vị đem ra khoe chiếc
bình trà của Nguyễn Tuân. Võ Phiến rất quý Nguyễn Tuân. Đặng Tiến đã được
Nguyễn Tuân tặng chiếc bình trà sau bao năm quen dùng. Sau đó cũng Đặng Tiến
tặng lại Võ Phiến trong một chuyến anh chị sang Pháp năm 1987, cùng năm Nguyễn
Tuân mất ở Hà Nội.
Chiếc
bình trà nhỏ giản dị bằng sứ tráng men xanh, nơi mặt đáy có in chữ Tonkin như
vậy đã khá lâu năm, trông rất tầm thường nhưng là của Nguyễn Tuân. Một Nguyễn
Tuân với những trang tùy bút mượt mà của Vang Bóng Một Thời: của Chén
trà trong sương sớm với nhân vật cụ Ấm, có phong cách uống trà gần như
một thứ trà đạo.
Giữa
hai chén trà nước đầu, cụ Ấm nói với người con trưởng:
"Cả
ạ, thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trên lá sen.
Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ một ấm. Hồi thầy còn ít
tuổi, mỗi lúc được quan Đốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thuỷ ngân
ấy ở lá sen mặt đầm, thầy cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được
thầy học yêu như con...
Rồi
cụ Ấm liền than tiếc đến cái mùa thu đã đi qua mất rồi, để sen hồ rách hết tàn
rũ hết lá." [hết trích dẫn, Vang Bóng Một Thời]
Đó
là văn phong Nguyễn Tuân thời tiền chiến, của một thời vang bóng.
Để
rồi tới kháng chiến, là một Nguyễn Tuân hóa thân; rất biết sợ bạo quyền để tồn
tại, mau chóng xu thời để được vào đảng, rồi leo lên tới chức Tổng thư ký hội
Văn nghệ Việt Nam. Chưa dừng ở đó, trong đợt chỉnh huấn cải cách ruộng đất,
Nguyễn Tuân còn hăng hái viết bài tự kiểm thảo "Nhìn rõ sai
lầm" quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ lãng mạn tiểu tư sản, dứt
khoát chối bỏ đứa con tinh thần Vang Bóng Một Thời, đã làm nên
tên tuổi Nguyễn Tuân. Sau đó là một Nguyễn Tuân đã biết vận dụng
văn tài để hết lời ca ngợi thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Nếu
với Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân được ca ngợi như một bậc
thầy của thể văn tuỳ bút trong văn học Việt Nam, thì sau này với những bút ký hết
lòng phục vụ Đảng và chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Tuân cũng chỉ đáng được xếp là
một cây bút tuyên huấn hạng hai. Nguyễn Tuân còn được nhớ và nhắc tới với câu
nói: "Tôi còn sống được đến hôm nay là nhờ biết sợ..."
Người
bạn tấm cám Nghiêu Đề kể lại, sau 1975 khi Nguyễn Tuân vào Sài Gòn, tới Hội Văn
Nghệ Thành Phố, khi thấy Vang Bóng Một Thời được Nxb Cảo Thơm
1962 in tuyệt đẹp với những tranh minh hoạ của Nghiêu Đề, thì đó là một Nguyễn
Tuân hả hê về cuộc hội ngộ với đứa con tinh thần mà ông ta đã hơn một lần dứt
khoát chối từ.
Bình
trà nhỏ mà Gs Trần Ngọc Ninh đang cầm trên tay ngắm nghía kia, không phải của
cụ Ấm với Chén trà trong sương sớm, mà là của một Nguyễn Tuân
theo kháng chiến, mỗi ngày đã rót ra những chén đắng trong suốt hành trình bi
kịch của hơn nửa đời người.
Thăm nhà văn Võ Phiến
trên Los Angeles, từ trái, Gs Trần Ngọc Ninh, nhà văn Võ Phiến, Ngô Thế Vinh;
hình dưới: Trần Ngọc Ninh cầm trên tay ấm trà nhỏ của Nguyễn Tuân mà Võ Phiến
đem khoe. [photo by Viễn Phố]
Làm Gì ? một cuốn
sách viết về chính trị (1979) mà Gs Trần Ngọc Ninh, không muốn được nhắc tới.
Là một giáo y khoa với tiếng tăm quốc tế nhưng khi tới Mỹ như một bác sĩ ngoại
quốc, ông vẫn phải khởi nghiệp từ đầu. Giữa thời gian đèn sách, ông vẫn có hùng
tâm hoàn tất một tập luận đề chính trị trên 300 trang, với ghi chú nơi cuối
sách: "Viết xong lúc giữa trưa ngày 24 tháng 3 năm 1979 tại Trường Sơn của
Mỹ Châu" (Rocky Mountains Ranges Denver, Colorado). [tư liệu Ngô Thế Vinh]
MỘT CHÚT RIÊNG TƯ
Năm 2004, khi bản tiếng Anh The Green Belt của cuốn Vòng Đai Xanh do Nxb Ivy House xuất bản, Gs Trần Ngọc Ninh đã viết:
"Ngô
Thế Vinh bắt đầu viết văn khi đang còn là một sinh viên. Từ 1963, cùng với các
bạn trong đại học Y khoa làm báo Tình Thương như một diễn đàn cho những ý tưởng
nhân bản, hướng tới một xã hội lý tưởng và không mang nặng tính “chủ nghĩa”.
Ngay khi còn là một nhà báo sinh viên, từ rất sớm, Ngô Thế Vinh đã quan tâm tới
vấn đề người Thượng.
Sau
khi tốt nghiệp Y khoa, là bác sĩ Mũ Xanh của một đơn vị Biệt Cách Dù chủ yếu
hoạt động trong vùng núi rừng Cao nguyên Trung phần. Vòng Đai Xanh là bối cảnh
về cuộc chiến tranh Việt Nam trên vùng cao nguyên với cảnh thật, người thật, và
“thật hơn nữa” là nỗi thống khổ của các sắc dân Thượng giữa cuộc chiến tranh và
ngay sau cuộc chiến. Và chúng ta không thể nào quên là hòa bình bi thảm ra sao
đối với phe bại trận tiếp theo sau một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Vòng Đai
Xanh là một công trình của lương tâm và dấn thân can đảm. Ngay khi xuất bản lần
đầu tiên, cuốn sách đã được giới trí thức miền Nam đón nhận rộng rãi và tán
thưởng nhưng đồng thời cũng bị chính quyền miền Nam lên án là phá hoại.
Bây
giờ đã 30 năm sau cuộc chiến tranh chấm dứt, một ấn bản tiếng Anh rất tuyệt của
Nha Trang và Pensinger chắc chắn sẽ lại được đón nhận rộng rãi, bởi vì vấn đề
sống còn của các sắc dân Thượng trên Cao nguyên Trung phần được đề cập tới
trong Vòng Đai Xanh vẫn còn nguyên tính thời sự của hôm nay.
Đối
với người Việt, thì thảm kịch của thời đại chúng ta là mọi cuộc chiến tranh hôm
nay và cả trong tương lai đều mang mầm mống hủy hoại mà Vòng Đai Xanh như một
điển hình đa diện và ở nhiều mức độ khác nhau. Những sắc dân Thượng ấy đã không
có tiếng nói. Đến bao giờ thì “tiếng nói thầm lặng” của họ mới thực sự được
lắng nghe?” Trần
Ngọc Ninh, Viện Việt Học, tác giả Tuyết Xưa.
Bìa The Green Belt,
bản tiếng Anh cuốn Vòng Đai Xanh do Ivy House, USA xuất bản 2004. [tư liệu Ngô
Thế Vinh]
Sau
này, khi có một tác phẩm mới sắp ra mắt, tôi đều có gửi biếu Thầy Ninh và xin
một nhận xét, Thầy đã thẳng thắn từ chối với một câu trả lời: "Vinh
bây giờ đã thành danh và không cần thêm lời giới thiệu của tôi nữa." Tôi
lãnh hội ý Thầy với tất cả sự khiêm cung và biết ơn.
MỘT ĐỊNH MỆNH SINH HỌC
Khác với thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, dấn thân vào chính trị và cả đảng phái, nay sắp bước vào tuổi bách niên, tôi ngỏ ý viết về Gs Trần Ngọc Ninh và có cảm tưởng với Thầy Ninh, chính trị nay như một giai đoạn đã vượt qua và Thầy chỉ muốn được nhắc tới như một "chân dung văn hóa".
Nói
về văn hóa, Gs Trần Ngọc Ninh đã chọn một trích đoạn trong Tuyết Xưa
[tr.100]: "Đối với các cộng đồng người, văn hóa vừa là một
dấu hiệu để nhận nhau và phân biệt 'kẻ-kia' vừa là một dụng cụ để giảng giải và
hướng dẫn sự sống của đoàn thể trong cái phong cảnh thiên nhiên mà họ đã làm
chủ..." (2)
Viết
về Gs Trần Ngọc Ninh chắc phải cần tới hơn một cuốn sách. Cũng nhân đây gợi ý
với các bạn trẻ trong và ngoài nước, đang chuẩn bị luận án tiến sĩ, thì chân
dung văn hóa của Gs Trần Ngọc Ninh là một đề tài rất phong phú và hấp dẫn để
các bạn khám phá dấn thân vào.
Như
một tâm sự cuối đời, khi trả lời Trần Uyên Thi, một môn sinh rất trẻ sau này ở
Viện Việt Học, Gs Trần Ngọc Ninh phát biểu:
"Đến
nay tuổi đã lớn rồi [89 tuổi, ở thời điểm 2012], lại càng thấy rằng sự hiểu
biết, sự biết, và cả sự thấy của mình chỉ ở bề mặt nông cạn của các hiện tượng
(trong đó có lịch sử, khoa học), và đó là cái thân phận sinh học của con người
trên mặt đất này." (1)
NGÔ THẾ VINH
Hà
Nội 1954 - Sài Gòn 1975
California
07.07.2018
------------------------
Tham
Khảo:
1/
Ước Vọng Duy Tân / A Dream for Vietnam. Tuyển Tập Trần Ngọc Ninh. [chủ biên
Trần Uyên Thi]; Viện Việt Học xuấn bản 2012
2/
Tuyết Xưa; Tuyển tập các Vấn đề Văn hóa Việt Nam, Nxb Khởi Hành California Hoa
Kỳ 2000
3/
Giáo sư Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Biểu tượng của Y đạo Y học Y thuật. Tập San Y Sĩ
Canada 201, tháng 05.2014
4/
Mười lăm năm ấy, Kỷ niệm về Triều Sơn [Trần Ngọc Ninh, với bút hiệu Trần Ngọc],
Nguyệt san Tình Thương, số 1, Tháng 1, 1964
5/
Nhà Văn Triều Sơn (1921-1954). Trần Hoài Thư, Thư Quán Bản Thảo, Số 77 Tháng
11.2017
6/
Một Chút Lịch sử Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Trần Ngọc Ninh, et al. Hội Y Sĩ Việt Nam tại
Canada 2002
7/
Tạp chí Bách Khoa: Thư Viện Người Việt Online https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/thuvien-NV.php
No comments:
Post a Comment