Tuesday, 3 July 2018

FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN HỢP TÁC VỚI ĐỘC TÀI (FB Phạm Đoan Trang)





Vào nửa cuối tháng 6/2014, nghĩa là cách đây bốn năm, trên cộng đồng mạng xã hội facebook Việt Nam bắt đầu nổ ra một “chiến dịch”: report (báo cáo, tố cáo) các trang cá nhân để chúng bị Facebook deactivate (đóng cửa, cho ngừng hoạt động).

Thủ phạm chính của vụ này đương nhiên là các dư luận viên, và đối tượng chúng nhắm vào đầu tiên là những nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền. Chúng thậm chí lập ra những nhóm kín để bí mật ấn định với nhau giờ “nổi dậy”, đồng loạt nhấn nút báo cáo một trang nào đó.

Ví dụ nhóm có tên “Những câu nói ngu đẳng cấp lịch sử của liên minh chống cộng thế kỷ XXI”, vào 7:06 tối thứ bảy, 12/7/2014, có thông báo kín như sau:
“Toàn quân trong doanh trại và ngoài doanh trại tập hợp. Đọc kĩ điều lệnh trước khi xuất quân.
Không comment – không like – không chửi… chỉ report.
Giờ G đã đến.
Chỉ tiêu: – Tấn công mau lên ít nhất phải được 140 report nào.
– Các bạn báo cáo 1 người/ 3 lần đi nha. Hơn thì càng tốt.
(….)”

Trong nửa cuối tháng 6 và cả tháng 7, hàng trăm facebook của các cá nhân, tổ chức hoạt động dân chủ-nhân quyền, và của những người chỉ đơn giản là hay phát ngôn trái ý tuyên giáo, bị đánh sập theo cách đó. Một loạt trang nổi tiếng bị đóng: Nhật Ký Yêu Nước, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Cô Gái Đồ Long, Quê Choa, Nguyễn Lân Thắng…

Muốn mở lại trang, khổ chủ phải tự mình hoặc nhờ người khác liên hệ với Facebook, gửi hình chụp giấy tờ tuỳ thân để chứng minh này nọ, không khó nhưng rất mất thì giờ, đặc biệt nếu đang ở trong Việt Nam. (Người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ và Canada, xin mở lại Facebook nhanh hơn, chỉ mất 1-2 ngày, trong khi dân trong nước có thể mất tới ít nhất nửa tháng).

* * *
Vào thời gian đó, tôi đang ở bang California (Mỹ), và đã tìm đủ cách để liên hệ với Facebook, xin một cuộc gặp. Ngày 13/8/2014, tôi và một số bạn khác đã hẹn gặp được đại diện của Facebook tại một văn phòng của họ ở Washington D.C.

Toàn bộ hình ảnh, giấy tờ lưu lại về cuộc gặp, tôi đã đánh mất hết (một phần là do email cá nhân bị hack). Tuy nhiên, nội dung chính của cuộc nói chuyện thì tôi vẫn nhớ được, có vài ý nổi bật là:

– Facebook ghi nhận có sự gia tăng đột biến số lượng báo cáo vi phạm, mà đứng đầu bảng là ở Hong Kong và thứ nhì là Việt Nam. (Thời gian đó là những ngày trước khi xảy ra cuộc cách mạng dù vàng ở Hong Kong). Facebook sẽ xem xét cẩn thận các báo cáo vi phạm và mở lại những trang bị đóng oan, tuy nhiên việc này mất thời gian và người dùng buộc phải “xếp hàng” chờ.

– Chính quyền Việt Nam đã nhận thấy rõ mối nguy hiểm trong việc người dân sử dụng Facebook làm công cụ để học tập, kết nối, và phản biện…

– Facebook đã và đang phải cố gắng cân bằng (nguyên văn tiếng Anh: balance, ta có thể dịch nôm na là “đánh đu”) giữa chính quyền Việt Nam và giới hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam.

– Chính sách toàn cầu của Facebook là người dùng phải sử dụng danh tính thật, không dùng tên giả; chống các nội dung cổ vũ, kích động bạo lực, thù hằn.

– Cho dù thế nào thì chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn là một nhà nước chính danh, và Facebook là một công ty (tôi nghĩ họ có hàm ý rằng lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất đối với Facebook).

Tất nhiên, họ đề nghị không công bố nội dung cuộc gặp lên mạng, và chúng tôi chấp nhận.

* * *
Cho đến đầu tháng trước, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ, Facebook đã thừa nhận việc họ trao dữ liệu cá nhân của người dùng cho ít nhất 52 công ty trên toàn cầu. Trong danh sách này, có Alibaba, Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc, có Dell, LG, Microsoft, Mozilla, Nokia… và Việt Nam góp một “đại diện xuất sắc” là Zing Mobile.

Ngày 12/6, Quốc hội bù nhìn của Việt Nam thông qua luật An ninh Mạng, mà bản chất là phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook để “tìm và diệt” mọi tiếng nói phản biện, quyết tâm giữ vững chế độ.

Trong bối cảnh đó, hàng nghìn người dùng mạng xã hội ở Việt Nam bắt đầu lục tục “chuyển nhà” từ Facebook sang Minds. Cùng lúc, tranh cãi nổ ra xung quanh các công nghệ của Minds và khả năng Minds sẽ lại bắt tay với chính quyền trong tương lai để bán đứng người tiêu dùng. Nhiều người trách cư dân mạng Việt Nam sao không đặt vấn đề thẳng với Facebook, đấu tranh với Facebook hoặc đàm phán với họ để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Sự thực là không phải tôi không nghĩ đến điều đó, và tôi cho rằng việc tổ chức một cuộc đàm phán trực tiếp với Facebook cũng không đến nỗi bất khả thi. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một công ty tư nhân, và xin khẳng định là gặp Facebook dễ hơn nhiều so với gặp gỡ quan chức (kể cả đại biểu quốc hội) Việt Nam xã nghĩa.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao chúng ta cứ phải “xin gặp” và “cầu cạnh” những kẻ mà chúng ta biết rõ là đã và đang hợp tác với các chính thể độc tài?

Tại sao chúng ta không cho những kẻ ấy thấy rằng việc doanh nghiệp hợp tác với chính thể độc tài là đồng loã với cái xấu, là phản dân chủ, vô đạo đức, và chúng sẽ phải trả giá, ít nhất là chịu thiệt hại vì điều đó?

Quan trọng hơn, tại sao chúng ta không cho những kẻ ấy thấy được sức mạnh của chúng ta – quyền lực của người tiêu dùng?

Tại sao lại để các thế lực ác cấu kết với nhau để làm hại chúng ta?

Có lẽ nào người Việt Nam, ngoài việc run sợ trước nhà nước độc tài công an trị và mở miệng ra là “xin” nó, lại còn phải sợ, xin xỏ, và cầu cạnh thêm các ông lớn trong nước như Vincom, Sun, Mường Thanh… và rồi cả ông lớn ở nước ngoài như Facebook, tương lai rất gần là Hoa Vi cũng nên?

Kẻ nào hợp tác với độc tài, chúng ta hãy bất hợp tác với chúng.


-------------------------------------

XEM THÊM


Tôi thật sự không để ý đến yếu tố “con rể” Trung Quốc của CEO Facebook, Mark Zukerberg hoặc nguồn gốc “hạt giống đỏ” Lê Diệp Kiều Trang, người phụ trách FB Việt Nam.

Tôi chỉ để ý đến tư duy của họ, những người đang cầm trịch một sản phẩm được coi là cách mạng thời đại. Và tôi nghĩ chúng ta đã lầm lẫn trong việc mặc định họ một đỉnh cao huyễn hoặc, trong khi bản thân họ đang phản bội cộng đồng của mình.

Không thể chấp nhận lời giải thích của FB khi sử dụng tấm bản đồ mà Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ TQ. Cho dù không có động cơ chính trị đi nữa, thị sự tắc trách của FB đơn giản là không thể tha thứ.

Trên bản đồ dùng hỗ trợ các nhà quảng cáo, Facebook ghi 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ảnh trên mạng

Không phải TQ, nơi FB bị cấm cửa và doanh thu 0 đồng, Việt Nam với 65 triệu tài khoản xếp thứ 7 thế giới mới là nơi mang lại cho họ doanh thu khổng lồ. Điều này thể hiện rất rõ qua các dòng quảng cáo và bản tin tài trợ dày đặc trên News Feed.

Chủ quyền, cương thổ là phạm trù người Việt quan tâm nhất và đoàn kết hơn cả. Qua đó tạo sức sống cho FB và gián tiếp mang lại lợi nhuận cho FB. Thái độ của FB là coi thường người dùng.

Sự bạc bẽo của FB còn thể hiện ở sự im lặng khi dự luật ANM gây bức xúc trong một thờ gian dài mà ngoài user, chính họ cũng là bên bị ảnh hưởng.

Trước sau, chỉ một câu nói ráo hoảnh của Lê Diệp Kiều Trang: “Mình không phát biểu gì về ANM, mình ở đây là giúp doanh nghiệp”.

Trong bối cảnh sự thô bạo của nhà cầm quyền lên đến đỉnh điểm khi mang cả data người dùng đi bán. Một hành động tàn tệ được giải thích theo lối kiếm nguồn thu kiểu chị Dậu bán con.

FB, một tập đoàn toàn cầu đến từ tân thế giới hiểu rõ quyền con người, đã thể hiện sự bạc nhược, rúm ró với tư duy thô bạo đó. Một hành động cho thấy họ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.

Điều đó minh chứng rất rõ tư duy lợi ích và não trạng độc quyền của những người điều hành FB. Và với tư duy “con buôn” đó, FB xứng đáng nhận thái độ rắn rỏi của người dùng. Coi thường một thái độ quốc gia!

Một người bạn tôi đã quyết định kiện FB. Nhiều hot khác đã tỏ thái độ. Và tôi sẽ là người tiếp theo, nếu FB không thay đổi thái độ của mình.

Không mô hình độc quyền nào được phép tồn tại trong thời đại mở. Và không một sản phẩm phi nhân văn nào được phép phè phỡn trên quyền cơ bản của con người!


*
*

Nguyễn Huy Vũ
03/07/2018

Cho đến quý đầu năm 2018, Facebook có tổng cộng khoảng 2,19 tỉ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng (1). Trong khi đó, tổng số nhân viên của Facebook cho đến tháng 12/2017 chỉ vỏn vẹn là 25,105 người (2).

25,105 nhân viên phục vụ cho 2,19 tỉ người, tức trung bình một nhân viên Facebook phục vụ cho hơn 87 ngàn người dùng.

Đó là tính trung bình. Thực ra, trong tổng số nhân viên, một phần là chuyên viên công nghệ, chuyên viên marketing, nhân sự… và chỉ một phần nhỏ là bộ phận chăm sóc khách hàng.

Nói như vậy để thấy rằng số người phục vụ để trả lời những câu hỏi của bạn trên Facebook là rất rất ít.

Một nhân viên chăm sóc khách hàng Facebook do đó phải phục vụ hơn rất nhiều con số 87 ngàn người dùng Facebook.

Tính trung bình một ngày một nhân viên làm 8 giờ, hay 480 phút, mỗi phút nhân viên trả lời một câu hỏi thì cũng chỉ tối đa trả lời cho 480 vấn đề.

Chỉ cần một phần nhỏ trong con số hơn 87 ngàn người dùng kia nêu yêu cầu là tình trạng trở nên quá tải và nhân viên chỉ có nước ngồi khóc như cô Tấm nhặt thóc.

Vậy Facebook vẫn hoạt động được trôi chảy là nhờ gì? Đó là nhờ những thuật toán và máy tính tự xử lý.

THUẬT TOÁN BÁO CÁO

Để tránh tình trạng các bài đăng mang nội dung quá khích, bôi nhọ, tuyên truyền vũ lực hoặc khiêu dâm, Facebook có cơ chế báo cáo bài lên Facebook để họ xoá.

Như đã nói, Facebook hoạt động nhờ những thuật toán, chứ nhân viên không thể ngồi đó đọc từng bài được.

Ưu điểm của phương pháp này là hệ thống máy tính nó tự xử lý. Nhưng nhược điểm của nó đó là đôi khi bọn dư luận viên báo cáo bài đàng hoàng thì máy tính cũng tự động gỡ luôn.

Bạn muốn khiếu nại thì phải chờ rất lâu, vì mỗi nhân viên có tới hơn 87 ngàn khách hàng để phục vụ kia mà? Bạn chỉ có thể xếp hàng và họ xem xét từng trường hợp một.

Những ai làm nghiên cứu đều biết rằng các thuật toán khó mà tối ưu ngay lúc đầu, nó cần được hoàn thiện mỗi ngày, nhờ hàng trăm ngàn người nghiên cứu, và không chỉ ở Facebook mà còn từ các trường đại học khác nhau.

Công nghệ mọi người hướng đến đó là trí tuệ thông minh nhân tạo tức là dùng dữ liệu và thuật toán để lập trình làm sao cho hệ thống máy tính tự học và biết được rằng với một báo cáo thì bài nào là nên gỡ vì vi phạm nội quy cộng đồng của Facebook và bài nào thì không nên gỡ.

Nó cần có thời gian. Và trong khi chờ đợi như vậy thì nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu, nhất là những người bị báo cáo, xoá bài và cấm viết liên tục.

Cá nhân mình cũng đã từng bị báo cáo, xoá bài và cấm viết khi đăng bài cung cấp những con số đáng nghi ngờ và kêu gọi MC Phan Anh minh bạch thu chi trong hoạt động quyên góp từ thiện.

Gần đây hơn, một bài viết về đặc khu ngay lập tức biến mất sau khi đăng và Facebook gửi cho mình một tin báo (notification). Mình theo đó bấm vào nút báo cáo, xác nhận bài viết không vi phạm gì cả với Facebook, và bài viết ngay sau đó được phục hồi.

Vì vậy mà khi thấy bài của bạn biến mất hay tài khoản bị khoá thì hãy khoan vội trách Facebook chủ động xoá bài của bạn.

Một xác suất khác đó là bộ máy lọc của Facebook đã không nhận biết được các báo cáo từ dư luận viên.

Cách duy nhất đó là bạn nên nhanh chóng viết báo cáo lên Facebook theo hướng dẫn, và đợi.

Facebook hoạt động chủ yếu dùng tiếng Anh và vì vậy bạn nên viết bằng tiếng Anh gửi họ. Nếu bạn không rành tiếng Anh thì viết tiếng Việt những câu ngắn, đơn giản, rồi dùng Google Translate dịch ra tiếng Anh rồi gửi họ.

*
*


Mục đích chính của "luật" an ninh mạng là để bịt miệng, bóp cổ người dân VN. Chuyện VC bịt miệng bóp cổ người dân thì từ khi có VC trên đất nước VN, chúng đã làm như vậy rồi. Sở dĩ bây giờ chúng phải ra "luật" vì trang mạng xã hội Facebook đang có khả năng làm sụp đổ chế độ cộng sản tại VN. Chúng muốn các công ty ngoại quốc như Google, Facebook, youtube phải cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng của họ cho cơ quan điều tra của VC để chúng có thêm chứng cứ, phương tiện để khủng bố người dân.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra:

Một: Các công ty ngoại quốc sẽ rút ra khỏi VN để bảo vệ sự riêng tư của khách hàng. Nếu họ rút khỏi VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? VC sẽ sử dụng những công cụ của Tàu như Tàu đang sử dụng tại nước họ. Chừng đó thì gần như mọi thông tin sẽ bị bịt kín.

Hai: các công ty ngoại quốc sẽ hợp tác với bọn cầm quyền tại VN. Bọn cầm quyền sẽ có thêm chứng cứ, phương tiện, cơ hội để khủng bố người sử dụng các trang mạng xã hội để tranh đấu cho VN một cách mạnh bạo, tàn nhẫn hơn.

Vậy chúng ta chọn cách nào?

Có vẻ như người Việt đang chọn cách tẩy chay Facebook đã hợp tác với VC, và đang tìm đường "di tản" sang những trang mạng khác.

Nếu chúng ta có thể tìm được một trang mạng khác có ảnh hưởng mạnh mẽ như Facebook thì rất quý. Nhưng thực tế thì hình như không có. Vậy tốt nhất là chúng ta cứ cầu mong cho Google, facebook, youtube ở lại VN. Họ ở lại thì chúng ta còn có một phương tiện hữu hiệu để tranh đấu. Chỉ cần người Việt trong nước có quyết tâm mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn, chấp nhận hy sinh để tranh đấu thì VC sẽ sợ, chứ không phải người dân sợ. Nếu hàng triệu, triệu người cùng lên tiếng trên Facebook thì VC không thể nhốt hết, giết hết cả nước được.

VC khủng bố, tiêu diệt được các mầm tranh đấu là vì số người lên tiếng thì ít, còn số người đứng nhìn chờ kết quả thì đông gấp triệu lần. Vài trăm người thì VC diệt dễ dàng nhưng nếu vài triệu, vài chục triệu thì chúng chắc chắn không diệt được. Cho nên vấn đề không phải là vì không có ai dẫn đường, không có súng ống, đạn dược. Vấn đề là sợ. Một khi đã sợ thì dù có súng trong tay chưa chắc đã dám... bóp cò!

Có hay không có "luật" an ninh mạng thì những người Việt đang tranh đấu bằng các trang mạng xã hội vẫn bị trù dập, khủng bố, bắt bớ, tù đày; các thông tin cá nhân của họ vẫn bị VC cách này, cách khác thu thập được, hiểu rõ như trong lòng bàn tay... Có thêm "luật" an ninh mạng chỉ khác ở chỗ sẽ làm cho những người sợ ít thành sợ nhiều hơn, đã teo thì càng teo hơn, thế thôi.

Cho nên chấp nhận chuyện bị theo dõi trên các trang mạng xã hội để có thể tiếp tục dùng facebook tranh đấu tốt trăm lần hơn là để cho VC bịt kín mọi thông tin như Tàu đang làm hiện nay.

Vấn đề là toàn dân có quyết tâm thoát cộng hay không thôi!







No comments:

Post a Comment

View My Stats