Thursday, 12 July 2018

AN NINH CHÂU ÂU : MÓN HÀNG "MẶC CẢ" TRUMP DÀNH CHO PUTIN? (RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 12-07-2018

Quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị lung lay. Sau khẩu chiến giữa Mỹ và các đồng minh trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp ngày 11/07/2018, giới lãnh đạo châu Âu giờ phập phồng chờ xem thượng đỉnh Donald Trump – Vladimir Putin, sắp diễn ra trong 4 ngày tới. Liệu Donald Trump có « bán đứng » an ninh châu Âu để đạt lấy một thỏa thuận với tổng thống Nga hay không ?

« Trong chuyến đi năm rồi, tôi đã yêu cầu các nước thành viên NATO chi thêm nhiều tỉ đô la bổ sung nhưng hầu như không được đáp ứng. Mỹ đã chi tiêu quá nhiều. Biên giới của châu Âu là quá tồi tệ! Không thể chấp nhận chi đô la cho Nga qua đường ống dẫn dầu! ». Donald Trump sáng sớm nay đã có những phản ứng giận dữ như vậy trên mạng xã hội Twitter quen thuộc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng tấn công các đối tác châu Âu như bôi nhọ NATO qua việc chỉ trích nhiều nước thành viên không chia sẻ gánh nặng ngân sách, đe dọa rút binh lính Mỹ, mở cuộc chiến thương mại nhắm vào Liên Hiệp… Ngược lại, chủ nhân Nhà Trắng lại có cử chỉ hòa dịu với Nga, đề nghị cho Nga gia nhập trở lại với khối G8.

Thế nhưng theo quan sát của ông Gregory Feifer, giám đốc Institute of Current World Affairs, được Reuters trích dẫn, châu Âu tỏ ra khó hiểu thay vì tức giận, không hề ưa thích gì những chỉ trích khiêu khích của ông Donald Trump. Nhưng điều mà họ lo ngại nhất là nguyên thủ Mỹ « bán đứng an ninh của phương Tây » để mặc cả với Putin. Tổng thống Nga có thể thuyết phục đồng nhiệm Mỹ ngừng các cuộc diễn tập quân sự của NATO tại Ba Lan và các nước vùng Baltic, cũng như là giảm nhẹ các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga mà không đề cập đến vấn đề Crimée.

Về mặt nguyên tắc, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ cường quốc hạt nhân hàng đầu này sẽ là dịp để đôi bên trình bày trực tiếp về nhiều vấn đề như thỏa thuận hạt nhân và giới hạn vũ khí. Nhưng một số chuyên gia chính trị tại Washington tin rằng ông Trump sẽ đặt lá bài « an ninh phương Tây » để khuyến khích Putin giải quyết một số vấn đề thúc bách, bao gồm cả việc mở rộng hiệp ước New START về giảm trừ vũ khí được ký kết giữa hai nước sắp hết hạn trong vòng ba năm nữa hay như hồ sơ Ukraina, Syria và sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đương nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh lần này không những sẽ là cơ hội để tổng thống Nga đánh bóng hình ảnh của mình với người dân trong nước, mà còn là dịp để làm suy yếu hơn nữa trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu với sự trợ giúp của Donald Trump.

Một điều chắc chắn là cho dù có chuyện gì xảy ra, thượng đỉnh Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đào sâu thêm rạn nứt giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Điều trớ trêu là Trump không ngừng chỉ trích các nước đồng minh của mình không phải là vì những nước này thất bại trong việc hỗ trợ Mỹ dẫn đầu trong NATO, mà chính là vì họ cứ nài nỉ Mỹ duy trì vị thế này.

---------------------------------

Đăng ngày 12-07-2018

Không khí căng thẳng đè nặng thượng đỉnh NATO, với các chỉ trích gay gắt của tổng thống Mỹ nhắm vào nhiều nước châu Âu, trước hết là Đức, vì bất đồng về đóng góp tài chính. Ngày đầu tiên của thượng đỉnh, 11/07/2018, đã kết thúc với việc 29 quốc gia NATO ra một tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, như một cử chỉ nhượng bộ trước các đòi hỏi của tổng thống Mỹ.

Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

« Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, quyết định rõ ràng nhất của 29 quốc gia NATO là tiếp nhận thêm một thành viên mới, Macedonia, một khi quốc gia này sẵn sàng và người dân chấp nhận tên gọi chính thức mới ‘‘Cộng Hòa Macedonia phương Bắc’’, để thay cho tên hiện tại là Cộng Hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ (viết tắt là ARYM).

Có ý nghĩa chính trị hệ trọng hơn là tuyên bố của các quốc gia đồng minh cam kết tôn trọng mục tiêu tài chính, vốn đã được khẳng định hồi năm 2014 như một nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là nâng chi phí cho quân sự lên 2% GDP trong vòng 10 năm. Đây là một sự nhân nhượng đối với Washington, cho phép ông Donald Trump rời Bruxelles với hình ảnh của một vị tổng thống bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.

Tuy nhiên rõ ràng mục tiêu này ở dưới mức mong đợi của tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã đề nghị các đồng minh ngay lập tức phải đạt chỉ tiêu nói trên, đồng thời đòi hỏi phải tăng tiếp tục lên đến mức 4%. Đây cũng chính là nội dung của các tuyên bố ồn ào của tổng thống Trump, khi lên án nước Đức, bị cáo buộc phụ thuộc vào năng lượng Nga và chi phí quá ít cho quốc phòng ».

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng ghi nhận không khí căng thẳng mà tổng thống Mỹ phát động trước và trong những giờ đầu tiên của ngày làm việc hôm qua, đã phần nào lắng xuống, tiếp theo các cuộc gặp song phương giữa ông Trump với lãnh đạo nhiều nước châu Âu.

Điện Elysée cho biết tổng thống Emmanuel Macron đã có cuộc hội kiến với lãnh đạo Mỹ trong 40 phút tại tổng hành dinh NATO. Theo phủ tổng thống Pháp, cuộc trao đổi đã diễn ra « trong bầu không khí tin cậy, hữu nghị và thư giãn ». Ông Donald Trump « tái khẳng định sự gắn bó của ông với châu Âu » và nhấn mạnh là không có chuyện « đoạn tuyệt » giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, cho dù giữa đôi bên có nhiều căng thằng.

Trong buổi ăn tối chung hôm qua, nguyên thủ quốc gia và thủ tướng của 29 thành viên NATO cùng theo dõi trận tranh chiếc vé thứ hai vào chung kết Cúp bóng đá Thế giới 2018, giữa Anh và Croatia, đều là hai quốc gia thành viên của khối.

Riêng quan hệ giữa Hoa Kỳ với Đức được các nhà quan sát ghi nhận là "bằng mặt mà không bằng lòng". Cũng hôm qua, sau cuộc trao đổi với thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Donald Trump bảo đảm là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đức, và giữa cá nhân ông với bà Merkel, là tốt đẹp. Tuy nhiên, ngay sáng sớm nay, qua Twitter, ông Trump lại một lần nữa lên án gay gắt Berlin đã trả hàng tỉ đô la mua khí đốt của Nga, và hối thúc Đức nhanh chóng thực thi cam kết chi phí quân sự.

---------------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 11-07-2018

Thượng đỉnh NATO « khó hơn » là thượng đỉnh Mỹ-Nga. Nhận định trên đây của tổng thống Mỹ Donald Trump minh họa mối căng thẳng trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương do những lời kêu gọi thô bạo như là « đóng tiền để được bảo vệ ». Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù tranh cãi, NATO vẫn tiếp tục cải cách để bảo vệ an ninh cho Tây phương, trong đó có lợi ích của Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại tổng hành dinh ở Bruxelles trong hai ngày 11 và 12 /07/2018 được dự báo căng thẳng. Trung thành với bản tính doanh nhân, tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu 28 nước đồng minh của Mỹ dành 2% GDP đóng góp cho ngân sách từ nay đến 2024. Quyết định này đã được thông qua cách nay 4 năm nhưng chỉ có 7 thành viên tôn trọng cam kết.

Theo phân tích của chuyên gia Pháp Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc viện nghiên cứu German Marshall Fund, Paris, Donald Trump cũng như Barack Obama « có lý » khi nhắc nhở đồng minh chia sẻ gánh nặng và tôn trọng lời minh ước như tên gọi của NATO.

Có điều, Donald Trump ăn nói theo kiểu con buôn làm cho các đối tác như Đức, đóng góp ít so với sức mạnh kinh tế, bất bình. Đây là lần đầu tiên từ khi thành lập NATO cách nay 70 năm, sự ủng hộ của Mỹ được điều kiện hóa.

Câu hỏi đặt ra là thái độ của Donald Trump có làm cho NATO yếu hơn và vì sao tổng thống thứ 45 của Mỹ gây áp lực thô bạo với chiến hữu ?

Thực ra, cho dù giới lãnh đạo chính trị có khẩu chiến đến đâu, NATO vẫn từng bước đi tới. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, nguyên là thủ tướng Ba Lan, phản pháo tổng thống siêu cường như sau : "Ông Trump ơi, ông không tìm đâu ra những người bạn tốt như chúng tôi".

Thật vậy, Ba Lan, một trong những tiền đồn của NATO ở biên giới phía đông, không những tăng ngân sách cho Liên Minh, mà còn chi thêm 4 tỷ đô la mua vũ khí Mỹ.

NATO vẫn củng cố sức mạnh

Nhưng điều đáng chú ý hơn hết là về cơ cấu, NATO chuẩn bị « thích nghi » với một cuộc chiến giữa các siêu cường trong tương lai. Kế hoạch tái cấu trúc được xem là quan trọng nhất từ khi chiến tranh lạnh kết thúc : Tăng cường nhân sự cho các bộ tham mưu từ 6800 lên 8000 người.

Bộ chỉ huy hải quân Northwood tại Anh Quốc sẽ được cải tổ theo hướng bổ sung cho lực lượng NATO ở vùng bắc Đại Tây Dương, tiếp giáp với Nga. Một bộ chỉ huy điều phối được đặt tại Norfolk, Hoa Kỳ, để có thể nhanh chóng tăng viện khi cần thiết.

Các bộ chỉ huy lục quân và không quân cũng được cải cách và đặc biệt hơn hết là phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu cải thiện hệ thống tiếp liệu và vận chuyển quân đội nhanh hơn thay vì phải mất đến hai tháng mới có giấy phép « chuyên chở vũ khí » đi ngang nước Đức, hỗ trợ cho sườn đông.

Cuối cùng là lần đầu tiên NATO lập bộ tham mưu chiến tranh « phức hợp », kết hợp mọi hình thức chiến tranh từ quy ước cho đến phi quy ước.

Cụ thể, từ nay đến 2020, NATO đủ sức khai triển chậm lắm trong vòng 30 ngày một lực lượng hùng hậu gồm 30 tiểu đoàn cơ động, 30 phi đoàn chiến đấu, 30 chiến hạm theo công thức 4x30. Sườn phía nam, vành đai Irak, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lực lượng NATO hiện diện.

Cũng theo Alexandra de Hoop Scheffer, địa bàn hoạt động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Irak. Vấn đề hóc búa hiện nay là làn sóng di dân.

Lợi ích của Mỹ không dừng ở đây. NATO còn giúp cho Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố... là những lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Vậy thì vì sao Washington vừa tăng cường sức mạnh cho NATO, vừa bắt chẹt tài chính ?

Nếu phân tích của Alexandra de Hoop Scheffer chính xác thì mục đích của Donald Trump là gây hoang mang cho đồng minh. Châu Âu càng sợ quân đội Mỹ rút lui, thì càng dễ nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ trên vấn đề thương mại.

Có điều, dùng chiến thuật gây áp lực với chiến hữu làm cho đồng minh yếu đi sẽ có tác dụng ngược, làm hại cho chính nước Mỹ khi rơi vào kế của Putin.








No comments:

Post a Comment

View My Stats