Huy Đức
Đoạn trích
sau từ cuốn Bên Thắng Cuộc II: Quyền Bính nói về vai trò của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng trong việc thành lập hàng loạt các tập đoàn kinh tế quốc doanh - hay
còn gọi là Quả Đấm Thép. Ban Biên Tập Dân Luận xin giới thiệu trích đoạn này
tới độc giả, trong bối cảnh xã hội đang đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm về
những con số lỗ lã và thất thoát khổng lồ ở các tập đoàn kinh tế quốc doanh.
Tác giả Huy Đức có chú thích rõ các nguồn
tin sử dụng trong cuốn sách, nhưng do khuôn khổ hạn chế của bài báo này, chúng
tôi không đăng các chú thích này, mời độc giả tham khảo trong sách. Độc giả có
thể mua cả hai tập sách này trên Smashwords
hoặc Amazon.com theo hướng dẫn trên Facebook.
Thứ Ba, 29/01/2013
-------------------------------
Cho dù trong Bộ chính trị khóa X (2006-2011)
vẫn có những người trưởng thành qua chiến tranh, họ bắt đầu thuộc thế hệ “làm
cán bộ” chứ không còn là thế hệ của những “nhà cách mạng”. Nếu có khả năng nắm
bắt các giá trị của thời đại và có khát vọng làm cho người dân được ngẩng cao
đầu, họ hoàn toàn có cơ hội chính trị để đưa Việt Nam bước sang một trang sử
mới. Ngay cả khi duy trì phương thức nắm giữ quyền bính tuyệt đối hiện thời,
nếu lợi ích của nhân dân và sự phát triển quốc gia được đặt lên hàng đầu, họ có
thể trao cho người dân quyền sở hữu đất đai, lấy đa sở hữu thay cho sở hữu toàn
dân; họ có quyền chọn phương thức kinh tế hiệu quả nhất làm chủ đạo thay vì lấy
kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Vẫn còn quá sớm để nói về họ. Khi cuốn sách này
ra đời, họ vẫn đang nắm giữ trong tay mình vận hội của chính họ và đất nước.
Người kế nhiệm
Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến
chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn.
Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu
của thủ tướng. Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn
bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản
hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó Thủ
tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Khải thừa nhận, thâm tâm ông cảm tình
với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong
nước, phần vì ông đã lớn tuổi - Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các
ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An - nên việc giới thiệu ông là gần như không
thể. Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải: “Tương quan lực lượng không cho phép”.
Ngày 28-6-2006, Quốc hội bỏ phiếu bầu ông
Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Trước khi rời nhiệm sở, ông Phan Văn Khải tổ
chức một buổi gặp mặt toàn thể Ban Nghiên cứu với sự có mặt của thủ tướng mới
được bầu Nguyễn Tấn Dũng. Tiếp lời ông Phan Văn Khải, trong một diễn văn ngắn,
ông Dũng cũng đã dùng những từ ngữ tốt đẹp để nói về Ban Nghiên cứu và tương
lai cộng tác giữa ông và các thành viên. Cũng trong cuộc gặp này, ý tưởng hình
thành văn phòng thủ tướng trong Văn phòng Chính phủ đã được cả ông Khải và ông
Dũng cùng ủng hộ.
Trong đúng một tháng sau đó, công việc của
Ban vẫn tiến hành đều đặn. Chiều 27-7-2006, ông Trần Xuân Giá được mời lên
phòng thủ tướng. Ông Giá nhớ lại, đó là một cuộc làm việc vui vẻ, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đồng ý để Giáo sư Đào Xuân Sâm, lúc ấy đã lớn tuổi, nghỉ hưu và
ông cũng tỏ ra không bằng lòng với việc Tiến sỹ Lê Đăng Doanh vẫn hay phát biểu
với vai trò thành viên của Ban Nghiên cứu. Cuộc nói chuyện kéo dài tới 17 giờ
ngày 27, Thủ tướng thân tình đến mức ông Giá tạm thời gạt qua kế hoạch nghỉ hưu
và trở về ngồi vẽ sơ đồ tổ chức văn phòng thủ tướng và chuẩn bị kế hoạch củng
cố Ban Nghiên cứu.
Hôm sau, ngày 28-7-2006, khi ông Trần Xuân
Giá đến cơ quan ở đường Lê Hồng Phong thì thấy Văn phòng vắng vẻ, nhân viên
lúng túng tránh nhìn thẳng vào mắt ông. Ông Trần Xuân Giá làm tiếp một số việc
rồi về nhà. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, ông nhận được quyết định nghỉ hưu và
quyết định giải thể Ban Nghiên cứu do văn thư mang tới. Cả hai cùng được chính
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 28-7-2006, tức là chỉ ít giờ sau khi ngồi
“hàn huyên” với ông Trần Xuân Giá. Theo ông Giá thì ông là người cuối cùng
trong Ban Nghiên cứu nhận được quyết định này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh tại Cà Mau năm
1949. Mới mười hai tuổi đã theo cha vào “bưng” làm liên lạc, ông biết chữ chủ
yếu nhờ các lớp bổ túc ở trong rừng do địa phương quân tổ chức. Sau đó, ông
Dũng được đưa đi cứu thương rồi làm y tá cho Tỉnh đội.
Ngày 30-4-1975, Nguyễn Tấn Dũng là trung
úy, chính trị viên Đại đội Quân y thuộc Tỉnh đội Rạch Giá. Đầu thập niên 1980,
theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi ấy, tôi là Phó chính ủy Quân khu IX, trực tiếp gắn
quân hàm thiếu tá cho anh Nguyễn Tấn Dũng. Năm 1981, khi anh Dũng bị thương ở
chiến trường Campuchia, tôi cho anh về nước đi học”. Năm 1983, từ trường Nguyễn
Ái Quốc trở về, ông Dũng ra khỏi quân đội, bạn bè của cha ông, ông Nguyễn Tấn
Thử, đã bố trí ông Dũng giữ chức phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Nhưng vị trí giúp ông
có một bước nhảy vọt trong con đường chính trị là chức vụ mà ông nhận sau đó:
bí thư Huyện ủy Hà Tiên.
Sau Đại hội V, ông Lê Duẩn có ý tưởng cơ
cấu một số cán bộ trẻ và một số cán bộ đang là bí thư các ‘pháo đài huyện’ vào
Trung ương làm ủy viên dự khuyết như một động thái đào tạo cán bộ. Ông Nguyễn
Đình Hương580 nhớ lại: “Trước Đại hội VI, tôi được ông Lê Đức Thọ phân công
trực tiếp về địa phương gặp các ứng cử viên. Phía Nam có anh Nguyễn Tấn Dũng,
bí thư huyện Hà Tiên, cô Hai Liên, bí thư huyện ủy Thống Nhất, Đồng Nai, cô
Trương Mỹ Hoa, bí thư quận Tân Bình; phía Bắc có cô Nguyễn Thị Xuân Mỹ, bí thư
Quận ủy Lê Chân, Hải Phòng”. Sau Đại hội VI, ông Nguyễn Tấn Dũng rời “pháo đài”
Hà Tiên về Rạch Giá làm phó bí thư thường trực rồi chủ tịch Ủy ban Nhân dân
Tỉnh.
Trước Đại hội Đảng lần thứ VII, khi chuẩn
bị cho Đại hội Tỉnh Đảng bộ Kiên Giang, ông Lâm Kiên Trì, một cán bộ lãnh đạo
kỳ cựu của tỉnh từ chức, mở đường cho ông Nguyễn Tấn Dũng lên bí thư. Theo ông
Năm Loan, khi ấy là ủy viên thường vụ, trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang:
“Ông Đỗ Mười vào T78, triệu tập Thường vụ Tỉnh ủy lên họp, duyệt phương án nhân
sự và quyết định đưa Nguyễn Tấn Dũng lên làm bí thư”. Năm ấy ông Dũng bốn mươi
hai tuổi.
Trong một nền chính trị, mà công tác cán bộ
được giữ bí mật và phụ thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của một vài nhà lãnh đạo,
các giai thoại lại xuất hiện để giải thích sự thăng tiến mau lẹ của một số
người. Trong khi dư luận tiếp tục nghi vấn ông Nông Đức Mạnh là “con cháu Bác
Hồ”581, một “huyền thoại” khác nói rằng, cha của ông Nguyễn Tấn Dũng đã “chết
trên tay ông Lê Đức Anh” và trước khi chết có gửi gắm con trai cho Bí thư Khu
ủy Võ Văn Kiệt và Tư lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh. Trên thực tế, cha ông Nguyễn
Tấn Dũng là ông Nguyễn Tấn Thử, thường gọi là Mười Minh, đã mất trước khi hai
ông Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh đặt chân xuống Quân khu IX.
Ngày 16-4-1969, một trái bom Mỹ đã ném
trúng hầm trú ẩn của Tỉnh đội Rạch Giá làm chết bốn người trong đó có ông
Nguyễn Tấn Thử khi ấy là chính trị viên phó Tỉnh đội. Một trong ba người chết
còn lại là ông Chín Quý, chính trị viên Tỉnh đội. Trong khi, đầu năm 1970, ông
Lê Đức Anh mới được điều về làm tư lệnh Quân khu IX còn ông Kiệt thì mãi tới
tháng 10-1970 mới xuống miền Tây. Họ có nghe nói đến vụ ném bom làm chết ông
Chín Quý và ông Mười Minh nhưng theo ông Kiệt thì cả hai ông đều chưa từng gặp
ông Mười Minh Nguyễn Tấn Thử. Mãi tới năm 1991, trong đại hội đại biểu tỉnh
đảng bộ Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt mới thực sự biết rõ về ông Nguyễn Tấn Dũng
và cho tới lúc này ông Kiệt vẫn muốn ông Lâm Kiên Trì, một người mà ông biết
trong chiến tranh, tiếp tục làm bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được điều ra Hà Nội
tháng 1-1995, ông bắt đầu với chức vụ mà xét về thứ bậc là rất nhỏ: thứ trưởng
Bộ Nội vụ. Trước Đại hội VIII, theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi làm nhân sự Bộ Chính
trị, anh Nguyễn Tấn Dũng gặp tôi, nói: ‘Anh em miền Nam yêu cầu tôi phải tham
gia Bộ Chính trị’. Trong khi, thứ trưởng thường trực là anh Lê Minh Hương thì
băn khoăn: ‘Ngành công an không thể có hai anh ở trong Bộ Chính trị’. Tôi bàn,
anh Lê Minh Hương tiếp tục ở trong Bộ Công an, anh Nguyễn Tấn Dũng chuyển sang
Ban Kinh tế”.
Tháng 6-1996, ông Dũng được đưa vào Bộ
Chính trị phụ trách vấn đề tài chính của Đảng. Cho dù, theo ông Lê Khả Phiêu,
ông Dũng đắc cử Trung ương với số phiếu thấp và gần như “đội sổ” khi bầu Bộ Chính
trị nhưng vẫn được đưa vào Thường vụ Bộ Chính trị, một định chế mới lập ra sau
Đại hội VIII, vượt qua những nhân vật có thâm niên và đang giữ các chức vụ chủ
chốt như Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải. Ông Nguyễn Đình Hương giải thích:
“Nguyễn Tấn Dũng được ông Đỗ Mười đưa đột biến vào Thường vụ Bộ Chính trị chỉ
vì ông Đỗ Mười có quan điểm phải nâng đỡ, bồi dưỡng, con em gia đình cách mạng.
Tấn Dũng vừa là một người đã tham gia chiến đấu, vừa là con liệt sỹ, tướng mạo
cũng được, lại vào Trung ương năm mới ba mươi bảy tuổi”.
Ngay cả khi đã ở trong Thường vụ Bộ Chính
trị, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn là một con người hết sức nhã nhặn. Ông không chỉ
cùng lúc nhận được sự ủng hộ đặc biệt của các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn
Kiệt, mà những ai biết ông Dũng vào giai đoạn này đều tỏ ra rất có cảm tình với
ông. Theo ông Phan Văn Khải: “Nguyễn Tấn Dũng được cả ba ông ủng hộ, đặc biệt
là ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Tấn Dũng cũng biết cách vận động. Năm 1997, trước
khi lui về làm cố vấn, cả ba ông thậm chí còn muốn đưa Tấn Dũng lên thủ tướng,
tuy nhiên khi thăm dò phiếu ở Ban Chấp hành Trung ương cho cương vị này, ông
chỉ nhận được một lượng phiếu tín nhiệm thấp”.
Kinh tế tập đoàn
Trước Đại hội Đảng lần thứ X, tháng 4-2006,
ông Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Chính trị phân công làm tổ trưởng biên tập “Báo cáo
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển
kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010”. Khi chủ trì các buổi thảo luận, ông Nguyễn Tấn
Dũng yêu cầu đưa vào văn kiện chủ trương tổ chức doanh nghiệp nhà nước theo
hướng kinh doanh đa ngành.
Theo ông Trần Xuân Giá, tổ phó biên tập:
“Cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành là ngược lại với chủ trương lâu
nay của chính phủ nên chúng tôi không dự thảo văn kiện theo chỉ đạo của ông
Nguyễn Tấn Dũng. Đến gần đại hội, ông Dũng cáu, ông viết thẳng ra giấy ý kiến
của ông rồi buộc chúng tôi phải đưa nguyên văn vào Báo cáo, phần nói về doanh
nghiệp nhà nước: Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công
ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành
chính; có nhiều chủ sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”.
Lúc ấy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ phiếu
ở Ban Chấp hành Trung ương để tiến đến chiếc ghế thủ tướng. Ông khát khao tạo
dấu ấn và nôn nóng như những gì được viết trong Báo cáo Kinh tế mà ông chủ trì:
“Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về
nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi
tình trạng kém phát triển”.
Mặc dù từ năm 1994, Quyết định số 91/TTg
của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói đến việc “thí điểm thành lập tập đoàn kinh
doanh” nhưng cho đến năm 2005, Việt Nam chưa có một tập đoàn nào ra đời. Cuối
nhiệm kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải cho thành lập hai tập đoàn: Tập đoàn Công nghiệp
Than-Khoáng sản Việt Nam ngày 26-12-2005 và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt
Nam Vinashin ngày 15-5-2006.
Hai tháng sau khi nhận chức, ngày
29-8-2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ngành dầu khí được nâng lên quy mô tập
đoàn, PetroVietnam, ngày 30-10-2006 thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su, ngày
9-01-2006 thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Tốc độ thành lập tập đoàn
kinh tế nhà nước có chững lại sau khi cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một thư
ngỏ đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, yêu cầu thận trọng vì theo ông, trong
khi những yếu kém của mô hình tổng công ty 90, 91 chưa được khắc phục mà lại
làm phình to chúng ra bằng các quyết định hành chính là không hợp lý. Ông Võ
Văn Kiệt viết: “Các doanh nghiệp nhà nước của ta có truyền thống dựa vào bao
cấp nhiều mặt, không dễ từ bỏ thói quen cũ, nếu từ bỏ thói quen cũ cũng không
dễ đứng vững trong thế cạnh tranh… Không có gì đảm bảo khi các tập đoàn được
thành lập sẽ hoạt động tốt hơn các doanh nghiệp hiện nay”.
Trong khoảng thời gian từ khi ông Võ Văn
Kiệt mất, tháng 6-2008, cho đến năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kịp nâng
số tập đoàn kinh tế nhà nước lên con số mười hai. Nhưng chính sách cho tập đoàn
kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành chứ không phải số lượng tập đoàn kinh tế
nhà nước mới là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Phan Văn Khải: “Khi thành lập Tập
đoàn Vinashin, tôi nghĩ, đất nước mình có bờ biển dài hơn 3.000km, phát triển
ngành công nghiệp đóng tàu là cần thiết nhất là khi ngành công nghiệp này đang
được chuyển dịch từ các nước Bắc Âu về Trung Quốc, Hàn Quốc. Chính tôi quyết
định đầu tư cho Vinashin khoản tiền bán trái phiếu chính phủ hơn 700 triệu USD.
Nhưng, sau đó thì không chỉ Vinashin mà nhiều tập đoàn khác cũng phát triển ồ
ạt nhiều loại ngành nghề, ở đâu cũng thấy đất đai của Vinashin và của các tập
đoàn nhà nước”.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Ông Nguyễn Tấn
Dũng coi doanh nghiệp nhà nước như một động lực phát triển, nhưng phát triển
doanh nghiệp nhà nước theo cách của ông Dũng không hẳn chỉ để làm vừa lòng ông
Đỗ Mười”. Cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành cũng như
tháo khoán các kênh đầu tư mà nguồn vốn cho khu vực này lại thường bắt đầu từ
ngân sách. Ông Phan Văn Khải giải thích: “Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành
tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tấn Dũng muốn hoàn thành kế
hoạch 5 năm chỉ sau bốn năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra
từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ
ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Theo ông Trần Xuân Giá: “Thời Thủ tướng
Phan Văn Khải, mỗi khi tổng đầu tư lên tới trên 30% GDP là lập tức thủ tướng
được báo động. Trước năm 2006, năm có tổng đầu tư lớn nhất cũng chỉ đạt 36%.
Trong khi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức đã đưa tổng mức
đầu tư lên 42% và đạt tới 44% GDP trong năm 2007”. Cho tới lúc đó những ý kiến
can gián thủ tướng cũng chủ yếu xuất phát từ các thành viên cũ của Ban Nghiên
cứu như Trần Xuân Giá, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan. Nhưng tiếng nói của họ
không còn sức mạnh của một định chế sau khi Ban Nghiên cứu đã bị giải tán. Cả
ba sau đó còn nhận được các khuyến cáo một cách trực tiếp và nhiều cơ quan báo
chí trong nhiều tháng không phỏng vấn hoặc đăng bài của những chuyên gia này.
Năm 2006, tăng trưởng tín dụng ở mức 21,4%
nhưng con số này lên tới 51% trong năm 2007. Kết quả là lạm phát cả năm ở mức
12,6%. Các doanh nghiệp, các ngân hàng bắt đầu nhận ra những rủi ro, từng bước
kiểm soát vốn đầu tư vào chứng khoán và địa ốc. Nhưng đầu năm 2008, Chính phủ
của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như hoảng sợ khi lạm phát lên tới gần 3%
mỗi tháng và những “liệu pháp” được đưa ra sau đó đã khiến cho nền kinh tế dồn
dập chịu nhiều cú sốc.
Cuối tháng 1-2008, Ngân hàng Nhà nước yêu
cầu các ngân hàng thương mại phải tăng dự trữ bắt buộc từ 10 lên 11%. Để có
ngay một lượng tiền mặt lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dự
trữ, các ngân hàng thương mại cổ phần buộc lòng phải tăng lãi suất huy động.
Lãi suất qua đêm thị trường liên ngân hàng mấy ngày cuối tháng 1-2008 tăng vọt
lên tới 27%, trong khi đầu tháng, con số này chỉ là 6,52%. Ngày 13-2-2008, Ngân
hàng Nhà nước lại ra quyết định, buộc các ngân hàng thương mại phải mua một
lượng tín phiếu trị giá 20.300 tỷ đồng. Áp lực tiền bạc đã làm náo loạn các tổ
chức tín dụng.
Thoạt đầu, các tổng công ty nhà nước rút
các khoản tiền đang cho vay lãi suất thấp ở các ngân hàng quốc doanh, gửi sang
ngân hàng cổ phần. Chỉ trong ngày 18-2-2008, các tổng công ty nhà nước đã rút
ra hơn 4.000 tỷ đồng. Các ngân hàng quốc doanh, vốn vẫn dùng những nguồn tiền
lãi suất thấp từ Nhà nước đem cho các ngân hàng nhỏ vay lại, nay thiếu tiền đột
ngột, vội vàng ép các ngân hàng này. “Cơn khát” tiền toàn hệ thống đã đẩy lãi
suất thị trường liên ngân hàng có khi lên tới trên 40%.
Lãi suất huy động tăng, đã khiến cho các
ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng buộc khách hàng chấp nhận
lãi suất lên tới 24 - 25%, cao hơn nhiều mức mà Luật Dân sự cho phép. Các doanh
nghiệp cũng “khát” tiền mặt, tình trạng bán hàng dưới giá, hoặc vay với lãi suất
cao đang khiến cho chi phí sản xuất tăng đột biến. Không có gì ngạc nhiên khi
lạm phát ba tháng đầu năm 2008 lên tới 9,19%. Các biện pháp của Ngân hàng Nhà
nước nói là chống lạm phát, nhưng đã trực tiếp làm “mất giá” đồng tiền khi đặt
các ngân hàng trong tình thế phải nâng lãi suất.
Ngày 25-3-2008, Ngân hàng Nhà nước lại
khiến cho tình trạng khan hiếm tiền mặt thêm nghiêm trọng khi yêu cầu thu về
52.000 tỷ đồng của ngân sách đang được đem cho các ngân hàng quốc doanh vay với
lãi suất 3%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường tín dụng. Khoản
tiền này theo nguyên tắc phải được chuyển vào Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, từ
mười năm trước, theo “sáng kiến” của Bộ Tài chính, nó đã được đem cho các ngân
hàng quốc doanh vay. Một mặt, nó tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh
doanh, một mặt làm cho nền kinh tế lập tức rơi vào khủng hoảng do tín dụng bị
cắt đột ngột và những khoản vay còn lại thì phải chịu lãi suất cao.
Thị trường chứng khoán nhanh chóng hiển thị
“sức khỏe” của nền kinh tế. Từ mức trên 1000, ngày 6-3-2008, chỉ số VN-index
xuống còn 611. Cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cố dùng uy tín chính trị
của mình để cứu vãn bằng cách tuyên bố rằng đầu tư vào chứng khoán bây giờ là
thắng vì đã xuống đến đáy nhưng chỉ hai mươi ngày sau, 25-3-2008, chỉ số
VN-index chỉ còn 492 điểm. Ngày 5-12-2008, VN-index chỉ còn 299 điểm. Xuất khẩu
quý 1-2008 vẫn tăng 23,7%; nhập khẩu tăng 60,7%. Tại Sài Gòn, kinh tế vẫn tăng
trưởng khá, ngân sách quý I vẫn thu tăng 72,6%. Nhưng các biện pháp chống lạm phát
đã làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh hơn nửa năm trước
khi khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu.
Từ cuối năm 2008, khuynh hướng quay trở lại
nền kinh tế chỉ huy càng tăng lên cho dù điều này là vô vọng vì ở giai đoạn
này, đóng góp của khu vực tư nhân cho nền kinh tế đã vượt qua con số 50% GDP
của Việt Nam. Dù vậy, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn liên tục ban hành các mệnh
lệnh hành chánh hòng kiểm soát trần lãi xuất, kiểm soát thị trường ngoại tệ,
thị trường vàng.
Khi ông Đỗ Mười nhận chức Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng, để có ngoại tệ, Chính phủ phải cho một nhà đầu tư của Nhật thuê khu
nhà khách ven hồ Thiền Quang. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng, Việt
Nam có một khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đôla. Nhưng, di sản lớn hơn mà
Thủ tướng Phan Văn Khải trao lại cho ông Dũng là một Việt Nam đã hoàn thành thủ
tục để gia nhập WTO. Trong khoảng thời gian 1996-2000, cho dù chịu mấy năm
khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5% trong khi
lạm phát chỉ là 3,5%. Trong khoảng thời gian 2001-2005, lạm phát có cao hơn,
5,1%, nhưng tăng trưởng vẫn dương: 7%.
Chỉ sau mấy tháng nhận chức, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã đưa GDP tăng trưởng tới mức kỷ lục: 8,5% vào tháng 12-2007;
đồng thời cũng đã đưa lạm phát vào tháng 8-2008 lên tới 28,2%. Tháng 3-2009,
tăng trưởng GDP rơi xuống đáy: 3,1%. Trong sáu năm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chứ
Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế luôn thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát.
Năm 2007 GDP tăng trưởng ở mức 8,48% trong khi lạm phát lên tới 12,63%. Năm
2008 mức tăng trưởng giảm xuống 6,18% trong khi lạm phát là 19,89%. Năm 2009
GDP chỉ tăng 5,32% lạm phát xuống còn 6,52% do các nguồn đầu tư bị cắt đột
ngột. Năm 2010 GDP tăng đạt mức 6,78% nhưng lạm phát tăng lên 11,75%. Năm 2011
tăng trưởng GDP giảm còn 5,89% trong khi lạm phát lên tới 18,13%. Năm 2012, nền
kinh tế gần như ngưng trệ, lạm phát ở mức 6,81% nhưng GDP cũng xuống tới 5,03%
thấp kỷ lục kể từ năm 1999. Nền kinh tế rơi vào tình trạng gần như không lối
thoát.
[*] Tựa đề đoạn trích do Ban Biên Tập Dân
Luận đặt.
----------------------------
BÊN THẮNG CUỘC (TRỌN BỘ)
BÊN THẮNG CUỘC - TẬP I : GIẢI PHÓNG
Thursday,
13 December 2012
Thursday,
13 December 2012
Thursday,
13 December 2012
Thursday,
13 December 2012
Friday,
14 December 2012
Friday,
14 December 2012
Friday,
14 December 2012
Wednesday,
19 December 2012
Wednesday,
19 December 2012
Thursday,
20 December 2012
Thursday,
20 December 2012
Thursday,
20 December 2012
Thursday,
20 December 2012
BÊN THẮNG CUỘC – TẬP II : QUYỀN BÍNH
20-1-2013
20-1-2013
21-1-2013
21-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
22-1-2013
dieu khac chan may
ReplyDeletedieu khac chan may nam
dieu khac chan may nu
điêu khắc chân mày
điêu khắc chân mày nam
điêu khắc chân mày nữ
dieu khac long may
điêu khắc lông mày
dieu khac long may nam
dieu khac long may nu