GS Lê Xuân Khoa
Posted by basamnews
on 01/02/2013
“Cuộc chiến hai mươi năm ở Việt Nam vừa là nội
chiến vừa là chiến tranh ủy nhiệm mà rốt cuộc là tất cả mọi phe đều thua:
Hoa Kỳ chi phí 200 tỉ đô-la và thiệt hại trên 58,000 binh sĩ nhưng vẫn phải
chịu thất bại và bỏ cuộc; Việt Nam Cộng Hòa chết hơn một trăm ngàn quân và gần
nửa triệu dân để rồi bị Hoa Kỳ bỏ rơi và sụp đổ thảm thương; Cộng Hoà Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam toàn thắng nhưng đã phải trả giá bằng hơn một triệu sinh
mạng bộ đội và cán bộ tại chiến trường miền Nam và khoảng hai triệu thường dân
ở miền Bắc,[3] nhất là sau đó còn phải chiến đấu với hai cựu đồng
minh và nhận lãnh những hậu quả tai hại khiến cho đất nước bị lâm vào tình
trạng tụt hậu và nghèo đói trong mười mấy năm liền do chính sách sai lầm về cả
hai mặt đối nội lẫn đối ngoại“.
*
*
Lịch sử Việt Nam trong hơn nửa sau thế kỷ
XX là lịch sử của chiến tranh, tị nạn và những biến đổi lớn về chính trị ở
trong nước. Bắt đầu là cuộc xâm nhập Đông Dương của đế quốc Nhật Bản vào tháng
Chín 1940 bắt buộc Pháp phải nhường Đông Dương cho Nhật làm căn cứ quân sự
nhưng Pháp vẫn được tiếp tục cai trị về hành chánh. Sau khi Nhật tuyên chiến
với Hoa Kỳ bằng cuộc tấn công Trân Châu Cảng tháng Mười Hai 1941, toàn cõi Việt
Nam bắt đầu phải chịu sự oanh tạc của không lực Hoa Kỳ nhắm vào các căn cứ quân
sự và các tuyến đường giao thông vận tải của Nhật. Không có số thống kê về các
nạn nhân Việt Nam của những vụ oanh tạc này nhưng con số thương vong của thường
dân vô tội trong hơn ba năm trời nhất định không phải là nhỏ. Trong khi đó,
nhân dân Việt Nam phải tiếp tục chịu ách thống trị “một cổ hai tròng” cho tới
tháng Ba 1945 khi Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp, trao trả “độc lập” cho
Việt Nam nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát về an ninh, quân sự và ngoại giao. Tháng
Tám 1945, sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Mặt trận Việt Minh giành được chính
quyền và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đất nước lại lâm vào hai
trận chiến thảm khốc trong thời gian ba mươi năm (1945-1975), trừ vài năm
chuyển tiếp sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954.
Trong những hậu
quả của chiến tranh, đặc biệt phải nói đến hai cuộc tị nạn lớn nhất trong lịch
sử dân tộc: lần thứ nhất, năm 1954-1955, với gần một triệu dân di cư từ Bắc vào
Nam; lần thứ hai, năm 1975 và những năm kế tiếp, với khoảng hai triệu người rời
bỏ quê hương đi lánh nạn ở nước ngoài.[1] Những
đợt tị nạn liên tiếp từ 1975 đến cuối thập kỷ 1980 đã gây nên nhiều cuộc khủng
hoảng quốc tế về vấn đề tạm dung và cưỡng bách hồi hương khiến cho Liên Hiệp
Quốc phải hai lần triệu tập hội nghị quốc tế tại Genève, năm 1979 và 1989, để
tìm giải pháp thích hợp. Kế hoạch Hành động Toàn điện (Comprehensive Plan of
Action – CPA) năm 1989 của Liên Hiệp Quốc dự liệu hoàn tất trong vòng ba năm
nhưng dai dẳng mãi đến 1995 mới chính thức chấm dứt. Ngoài ra, không thể không
nhắc đến hai trận chiến khác của Việt Nam sau khi đất nước thống nhất: chiến
tranh bốn năm với Khờ-me Đỏ (1975-1979) và tiếp tục trấn giữ Cam-pu-chia cho
tới 1989, và chiến tranh ngắn ngủi 16 ngày với Trung Quốc ở các tỉnh vùng biên
giới đầu năm 1979.
Giai đoạn hơn nửa thế kỷ này có rất nhiều
bài học chính trị, quân sự và ngoại giao cần phải được tìm hiểu và rút ra những
kinh nghiệm khôn ngoan để cho dân tộc có thể tồn tại và phát triển, tránh khỏi
trở thành nạn nhân của những chính sách cai trị sai lầm hoặc lại trở thành công
cụ của những thế lực quốc tế trong những hình thức tranh chấp nóng hay lạnh
trong tương lai. Ngạn ngữ Đông, Tây đều dạy rằng trong cái rủi có cái may.[2] Cuộc
chiến thảm khốc do mâu thuẫn ý thức hệ đã khiến cho hai triệu người phải bỏ
nước ra đi nhưng nay đã trở thành một nguồn tài chánh và trí tuệ quan trọng có
khả năng phục hồi sinh lực của dân tộc, giúp cho đất nước sớm trở nên giàu mạnh
và có một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới. Những người đang nắm giữ
vận mệnh của quốc gia đã thấy rõ khả năng và triển vọng ấy nhưng vẫn chưa vượt
ra khỏi những ràng buộc của quá khứ để thật sự thực hiện công cuộc hoà giải dân
tộc và nắm bắt được những cơ may trước mắt.
Cuối năm 1997, khi biết chắc rằng chương
trình định cư cuối cùng của chính phủ Mỹ cho tị nạn Việt Nam —“Cơ hội Định cư
cho Người Việt Hồi hương” (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees,
ROVR)— đang tiến hành với kết quả tốt hơn dự liệu, tôi quyết định rời bỏ công
việc hoạt động cho tị nạn mà tôi đã phụ trách hơn hai mươi năm để trở về cuộc
đời dạy học với dự định viết một cuốn sách về lịch sử tị nạn Việt Nam và cộng
đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì môn dạy của tôi ở Đại học không liên
quan đến Việt Nam, và công việc soạn bài lại chiếm mất khá nhiều thì giờ, cho
nên tới giữa năm 2001 tôi mới thực sự bắt đầu công việc viết sách.
Lúc đầu tôi có ý định viết bằng Anh văn cho
đối tượng độc giả chính là người ngoại quốc và thế hệ trẻ không đọc được tiếng
Việt, vì sách vở và tài liệu viết bằng tiếng Việt đã khá nhiều. Ngoài ra, sách
viết bằng tiếng Anh cũng sẽ giúp cho những độc giả ngoại quốc và thế hệ trẻ gốc
Việt hiểu biết lịch sử Việt Nam một cách chính xác, tránh lập lại những nhận
định sai lầm hay thiếu sót về văn hoá và chính trị mà nhiều tác giả ngoại quốc
đã phạm phải khi họ viết về chiến tranh và cộng đồng tị nạn Việt Nam. Sau khi
gửi bản tóm lược dự án và bản phác thảo các tiết mục của cuốn sách tới hai nhà
xuất bản Mỹ và được sự góp ý của các chủ biên, tôi nhận thấy nội dung phức tạp
của cuốn sách không nên bao gồm hết vào một tập mà cần phải được chia làm hai,
đề cập tới hai thời kỳ với những sự kiện có liên quan nhân quả với nhau nhưng
khác hẳn nhau: thời kỳ thứ nhất (1945-1979) gồm bốn cuộc chiến tranh trước và
sau đợt tị nạn 1954 với những bài học về chính sách sai lầm và cơ hội bỏ lỡ của
tất cả các phe lâm chiến; thời kỳ thứ hai (1975-1995) là lịch sử tị nạn 1975
với những kinh nghiệm đặc biệt về những cuộc vượt thoát, các biện pháp phát
sinh ra tị nạn và phản ứng của quốc tế, những nỗ lực cứu trợ, bảo vệ tị nạn và
tìm kiếm giải pháp công bằng và nhân đạo. Kết quả của tị nạn 1975 là sự hiện
diện của các cộng đồng người Việt Nam ở gần một trăm quốc gia trên thế giới mà
hầu hết đã trở thành công dân nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, có những quan hệ
phức tạp đối với chính quyền và các thành phần nhân dân ở trong nước.
Tuy nhiên, sau khi gửi bản tóm lược dự án
cho một số thân hữu và qua những buổi tiếp xúc với nhiều nhóm khác nhau trong
cộng đồng, kể cả ở Pháp và Canada, tác giả đã bị thuyết phục về ưu tiên viết
cuốn sách này bằng tiếng Việt. Lý do chính được nêu ra là nội dung cuốn sách,
với những sự kiện và nhận định khách quan về hai cuộc chiến tranh trong giai
đoạn vừa qua, có thể góp phần đáng kể cho những cuộc thảo luận về các quan hệ
giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền trong nước. Đây là một yêu
cầu khá bức xúc sau khi chiến tranh đã chấm dứt ba mươi năm và thực tế trước
mắt là các quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế càng
ngày càng phát triển, và những đóng góp không chính thức nhưng rất quan trọng
của cộng đồng người Việt hải ngoại cho đồng bào và xứ sở vẫn tiếp tục gia tăng.
Như vậy đối tượng độc giả trước hết là tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài
nước có những quan tâm chung, dù rằng trong những điều kiện hiện tại, do việc
trình bày trung thực các sự kiện và nhận xét thẳng thắn về những sai lầm của
mỗi bên trong quá khứ, cuốn sách khó có hi vọng được lưu hành ở trong nước. Bản
dịch Anh văn, vì không còn phải mất công tìm tòi và nghiên cứu tài liệu, sẽ
được thực hiện và xuất bản không bao lâu sau ấn bản tiếng Việt.
Mặc dù tập trung vào thời gian 50 năm giữa
hai mốc lớn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX là 1945 và 1995, cuốn sách sẽ phải
nhắc đến một số sự kiện từ nhiều năm trước đã đưa đến Cách mạng tháng Tám 1945
và sự thắng lợi của Mặt trận Việt Minh, cũng như những biến chuyển trong quan
hệ Việt-Mỹ và trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ sau khi hai nước chính thức
thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, chuẩn bị cho những quan hệ song phương
mới trong thế kỷ XXI. Vì những bài học chiến tranh cần được lần lượt thảo luận
trong cùng một phần, các nhận xét về những cuộc xung đột giữa Cộng Hoà Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam với Khơ-me Đỏ và với Trung Quốc sau 1975 cũng được trình bày
trong tập I này (xem Chương 9). Ngoài ra, vì chủ đích của cuốn sách là tìm hiểu
kinh nghiệm của quá khứ để giúp ích cho hiện tại và tương lai cho nên các trận
đánh, ngay cả những trận lớn, sẽ không được mô tả chi tiết mà chỉ được nhắc đến
để nhận định về những ưu khuyết điểm trong sách lược của mỗi phe lâm chiến và
hậu quả của những sách lược ấy.
Tập
Một, Tị Nạn 1954 và Bài học Bốn Cuộc Chiến (1945-1979), gồm mười chương
chia làm ba phần chính:
Phần thứ nhất tìm hiểu những nguyên nhân gốc rễ của tị
nạn. Cộng đồng người Việt định cư tại gần một
trăm quốc gia trên thế giới ngày nay trước hết là cộng đồng của những người tị
nạn từ 1975. Tuy nhiên, mọi sự mô tả và giải thích về lịch sử cộng đồng hải
ngoại này sẽ bị thiếu sót lớn nếu không nhắc đến những nguyên nhân phức tạp của
cuộc di cư tị nạn năm 1954, khi gần một triệu người từ miền Bắc ào ạt kéo nhau
vào miền Nam trong thời hạn ba trăm ngày ấn định bởi thỏa hiệp Genève. Việc tìm
hiểu những nguyên nhân gốc rễ của cuộc tị nạn đầu tiên này sẽ cho thấy rằng,
ngoài những yếu tố chính trị quốc nội như những cuộc tranh chấp quốc gia-cộng
sản, cải cách ruộng đất và chỉnh huấn trí thức, có những yếu tố bên ngoài
—Trung Hoa Quốc Gia, Pháp và Hoa Kỳ— đã ảnh hưởng sâu đậm tới số phận của dân
tộc Việt Nam, trước và sau Đệ nhị Thế chiến.
Phần thứ hai nói về hoạt động của tứ cường (Mỹ, Pháp,
Anh, Liên Xô) và Trung quốc trước và trong hội nghị Genève đưa đến việc chia
đôi nước Việt Nam với hai chính thể đối nghịch nhau. Tiếp theo là phân tích những sai lầm và cơ hội bỏ lỡ của
Pháp và Hoa Kỳ, nguyên nhân thất bại của phe quốc gia, và lòng ngưỡng mộ cùng
với món nợ quá lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đốì với Trung Quốc trong cuộc
chiến tranh chống Pháp khiến cho phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã phải
bàng hoàng trước sự trở mặt và áp lực trắng trợn của Trung Quốc tại hội nghị
Genève. Sau hết là lịch sử cuộc di cư tị nạn năm 1954-1955 với những nỗ lực
ngăn chặn người ra đi, những kinh nghiệm chuyển vận và định cư thành công gần
một triệu dân miền Bắc ở các tỉnh miền Nam trong một thời gian kỷ lục.
Phần thứ ba tập trung vào cuộc chiến tranh giữa hai miền
Nam, Bắc với sự hậu thuẫn của hai thế lực quốc tế tranh giành ảnh hưởng bằng
chiến tranh ủy nhiệm: Hoa Kỳ tham chiến ở miền Nam, Liên Xô và Trung Quốc trợ
lực cho miền Bắc. Những hiểu biết
thiếu sót về văn hoá và lịch sử của bạn và thù, những sai lầm trong chính sách
và những cơ hội hòa bình bỏ lỡ của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Sản và Việt Nam Quốc
Gia đều được phân tích và nhận định khá kỹ lưỡng trong phần này. Tất cả những
nhận định đó đưa đến kết luận tất yếu là cuộc chiến hai mươi năm ở Việt Nam vừa
là nội chiến vừa là chiến tranh ủy nhiệm mà rốt cuộc là tất cả mọi phe đều
thua : Hoa Kỳ chi phí 200 tỉ đô-la và thiệt hại trên 58,000 binh sĩ nhưng
vẫn phải chịu thất bại và bỏ cuộc; Việt Nam Cộng Hoà chết hơn một trăm ngàn
quân và gần nửa triệu dân để rồi bị Hoa Kỳ bỏ rơi và sụp đổ thảm thương; Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam toàn thắng nhưng đã phải trả giá bằng hơn một
triệu sinh mạng bộ đội và cán bộ tại chiến trường miền Nam và khoảng hai triệu
thường dân ở miền Bắc,[3] nhất là sau đó còn phải chiến đấu với hai cựu đồng minh
và nhận lãnh những hậu quả tai hại khiến cho đất nước bị lâm vào tình trạng tụt
hậu và nghèo đói trong mười mấy năm liền do chính sách sai lầm về cả hai mặt
đối nội lẫn đối ngoại.
Nội dung của tập II, chủ yếu là lịch sử tị nạn 1975 và
cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, sẽ được trình bày chi tiết sau. Đại cương, cuốn sách sẽ mô tả những đợt tị nạn kéo dài
từ 1975 cho đến những năm đầu của thập kỷ 1990 ghi dấu những biến cố bi thảm và
lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam khiến cho hơn bảy chục quốc gia trên thế
giới phải chia nhau trách nhiệm giải quyết. Công cuộc tranh đấu bảo vệ thuyền
nhân tị nạn, những giải pháp của quốc tế và Hoa Kỳ, chương trình định cư hơn
một triệu rưỡi người Việt Nam ở mấy chục tiểu bang của nước Mỹ là những nguồn
tài liệu và kinh nghiệm đặc biệt về di dân, thích ứng và hội nhập, có tác dụng
lâu dài vào xã hội Mỹ, vào cộng đồng người Mỹ gốc Việt và đất nước Việt Nam.
Trong quá trình tị nạn và định cư này, phải nói đến những tổ chức và sinh hoạt
chính trị phức tạp trong cộng đồng tị nạn, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam,
quan hệ giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt với chính quyền và các thành phần dân
chúng ở trong nước. Cuối cùng là vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng
đồng người Mỹ gốc Việt đối với quốc gia mà mình đã nhập tịch và đối với quê
hương nguồn cội của mình.
Khi nói đến những kinh nghiệm và bài học
của quá khứ tất nhiên phải kiểm điểm những ưu khuyết điểm, đặc biệt là những
quyết định sai lầm của mỗi phe liên hệ và hậu quả của những quyết định ấy đối
với dân tộc Việt Nam. Việc kiểm điểm này đòi hỏi một thái độ khách quan, trình
bày sự kiện một cách trung thực, tránh những lời lẽ ca ngợi hay chỉ trích do
thiên kiến hay cảm xúc. Thực tình mà nói, khó có thể thấy một thái độ tuyệt đối
khách quan ở một người vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc, nhưng ngay cả
những người ngoài cuộc như các tác giả và phóng viên ngoại quốc cũng không ít
người mang sẵn định kiến hay tình cảm thiên vị đối với phe bên này hay bên kia.
Dù sao, cuốn sách này vẫn là kết quả của những nỗ lực nghiên cứu khoa học và
khách quan đến tối đa. Nhờ đó, những nhận định trong sách sẽ đính chính được
nhiều sự ngộ nhận hay quan điểm sai lầm của nhiều quan sát viên ngoại quốc đối
với các phe liên hệ trong cả hai cuộc chiến ở Việt Nam. Không có gì đảm bảo tất
cả mọi sự kiện trình bày trong sách đều đúng một trăm phần trăm nhưng chúng đã
được gạn lọc kỹ càng, căn cứ vào những nguồn tài liệu đáng tin cậy. Điều chắc
chắn là thái độ vô tư khi phân tích và nhận định sự kiện sẽ khó tránh khỏi làm
phật lòng một số người liên hệ, hoặc không phù hợp với những khung ý thức hệ đã
có sẵn, do đó quan điểm của tác giả trong nhất thời vẫn có thể bị phía bên này
hay phía bên kia gán cho những nhãn hiệu chính trị đối lập nhau.
Ôn lại lịch sử là để “trả lại cho César cái
gì của César”, tức là phục hồi sự thật trong tinh thần bình thản vô tư của
những người đã vượt lên khỏi những xúc động và phản ứng chủ quan trong những
tình huống nhất định. Trong tinh thần đó, kiểm điểm những sự việc đã qua không
phải để khích động lại những mâu thuẫn và thù hận cũ, mà để nhận ra được những
kinh nghiệm đau thương, những sai lầm cần phải tránh. Đáng chú ý là những sai
lầm quan trọng thường được phát xuất từ phe có sức mạnh hoặc phe đã thắng trận
nhiều hơn là phe yếu thế và bại trận. Bởi vậy, nếu trong sách này công việc
phân tích và nhận định sai lầm có phần nặng hơn về phía các nhà làm chính sách
của Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thì cũng không nên bị chê trách
là thiên vị hay thiếu công bằng. Quan trọng hơn hết vẫn là “ôn cố tri tân”, học
kinh nghiệm quá khứ để làm được chuyện tốt hơn cho hiện tại và tương lai. Không
ai có thể thay đổi được quá khứ nhưng ai cũng có thể và cần phải vượt lên khỏi
những sai lầm của quá khứ. Đó chính là bài học tích cực của lịch sử. Đó cũng là
đức tính cần phải có ở những nhà lãnh đạo sáng suốt sẽ được đánh giá xứng đáng
bởi nhân dân và những nhà viết sử.
Nhiều nguồn tài liệu khác nhau đã được tham
khảo khi viết cuốn sách này. Tất cả những tác giả, tác phẩm và những nguồn cung
cấp tài liệu liên quan đến nội dung cuốn sách đều được liệt kê trong mục “Tài
Liệu Tham Khảo” ở phần cuối sách. Điều đó không có nghĩa là tác giả đã đọc và
khai thác trực tiếp tất cả những tài liệu liệt kê mà chỉ muốn giúp cho những
độc giả muốn tra cứu sâu hơn đỡ mất công tìm kiếm. Chỉ khi nào thấy có những
chỗ khác nhau trong các tài liệu đã tham khảo hoặc có điều gì còn ngờ vực cần
được kiểm chứng, tác giả mới phải tìm kiếm văn kiện gốc để đối chiếu và nhận
xét. Tất cả những lời dẫn chứng hay ý kiến không phải của tác giả đều được để
trong dấu ngoặc kép và được ghi rõ xuất xứ trong phần chú thích. Nhiều khi vì
cần giới hạn nội dung mỗi chương sách trong phạm vi cần thiết của nó, tác giả
đã đưa thêm vào phần chú thích một số thông tin hay những nhận định bổ túc của
mình. Chính vì sự giới hạn này mà tác giả rất tiếc đã phải lược bỏ nhiều sự
kiện liên hệ với ước mong là chúng sẽ được những nhà nghiên cứu khác khai thác
khi viết về những vấn đề nhất định trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.
Phần Phụ lục gồm một số ít văn bản đã được
nhắc đến hoặc trích dẫn ở trong sách, được chọn để in lại và sắp xếp theo thứ
tự thời gian vì chúng là những dấu tích lịch sử quan trọng hay vì tương đối
không dễ dàng kiếm được.
Mặc dù đã cố gắng làm việc trong tinh thần
vô tư và thiện chí xây dựng, tác giả chắc chắn vẫn không tránh khỏi những sai
lầm hay sơ suất trong việc trình bày các sự kiện và nhận định. Tác giả sẽ rất
cám ơn và tôn trọng mọi ý kiến thảo luận, những điều đính chính hay bổ túc của
qúi vị độc giả trong và ngoài nước.
Bethesda, Maryland, Mùa Xuân 2004
—–
[1] Tổng số người Việt
Nam định cư ở nước ngoài gồm tị nạn, di dân từ 1975 và thế hệ trẻ ra đời những
năm về sau, kể cả những người đi từ miền Bắc chọn ở lại Nga và các nước Đông
Âu, tính đến nay được ước lượng khoảng gần ba triệu người.
[2] Đồng phương: “Hoạ
trung hữu phúc”. Tây phương: “A quelque chose malheur est bon”.
[3] Xem xuất xứ các con
số ở chương 8.
Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản đánh máy © blog Ba Sàm 2013
---------------------------------------
VIỆT
NAM 1945-1995 : CHIẾN TRANH - TỊ NẠN & BÀI HỌC LỊCH SỬ / MỤC LỤC (GS Lê
Xuân Khoa - Blog Ba Sàm) Wednesday,
30 January 2013
tham my vien anh thu sai gon
ReplyDeletethẩm mỹ viện anh thư sài gòn
điêu khắc chân mày anh thư
dieu khac chan may anh thu
thẩm mỹ viện anh thư ở đâu
viện thẩm mỹ anh thư o dau
vien tham my anh thu
viện thẩm mỹ anh thư
tham my anh thu
thẩm mỹ anh thư