Hoàng Lan /Thomas Việt - VRNs
Đăng bởi lúc 2:48 Sáng 31/01/13
VRNs (31.01.2013) – Sài Gòn - Chào quý vị, nhà cầm
quyền Việt Nam đang kêu gọi toàn dân góp ý trong bản sửa đổi Hiến pháp năm
2013. Nhân sự kiện này chúng tôi có mời các chính đảng và trí thức tham gia các
cuộc phỏng vấn về vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Hôm nay mời quý vị theo dõi cuộc
trả lời phỏng vấn của cô Hoàng Lan, đại diện Ban nghiên cứu pháp luật đảng Dân
Chủ Việt Nam về vấn sửa đổi Hiến pháp này.
Thomas Việt: Chào cô Hoàng Lan, đại diện Ban nghiên cứu pháp luật đảng Dân Chủ Việt Nam,
như cô đã biết Đảng Cộng sản Việt Nam vừa rồi có công bố bản ”Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013“ và đang mời gọi toàn dân đóng góp
ý kiến. Tôi cũng thấy Đảng Dân chủ Việt Nam đưa ra “Bản đề xuất khung soạn
thảo hiến pháp của toàn dân“
cách đây cũng không lâu. Cô có thể cho biết những điểm chưa khóp của hai văn
bản này là như thế nào?
Hoàng Lan, Đảng Dân Chủ Việt Nam: Bản dự thảo sửa đổi hiến pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù có vài thay
đổi nhỏ, vẫn giữ nguyên nền tảng chuyên chính theo mô hình Xô-viết: hiến định
hóa độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chuyên chính vô
sản, cơ chế dân chủ tập trung, hình thức sở hữu toàn dân và làm chủ tập thể.
Như nhiều trí thức trong và ngoài nước đã lên tiếng, bản dự thảo này có nhiều
dấu hiệu bóp nghẹt nhân quyền, với các quy định cấm “lợi dụng các quyền tự do
dân chủ” hay mập mờ “nhân dân có quyền… theo quy định của pháp luật”. Đặc biệt,
bản dự thảo này tiếp tục né tránh việc trả lại quyền làm chủ cho nhân dân, cụ
thể là qua việc giữ nguyên điều 4, không quy định trưng cầu dân ý để phúc quyết
hiến pháp, và duy trì hình thức sở hữu toàn dân. Hiến pháp là nền tảng tối quan
trọng để xây dựng quốc gia. Hiến pháp được coi là khế ước xã hội qua đó nhân
dân thoả thuận trao quyền cho nhà nước và định ra các thiết chế của nhà nước
đó. Vì là một khế ước giữa nhân dân và nhà nước, quá trình làm ra bản hiến pháp
cần có sự tham dự của nhiều thành phần trong xã hội, chứ không phải do một đảng
chính trị áp đặt và tự soạn thảo.
Khung hiến pháp mà Đảng Dân chủ Việt Nam đưa ra là các
nguyên tắc của một mô hình hiến pháp và nhà nước dân chủ: quy trình làm ra bản
hiến pháp với sự phúc quyết của toàn dân, bầu cử tự do công bằng, các điều
khoản nhân quyền tiến bộ, cơ chế phân quyền giữa các ngành quyền lực nhà nước ở
trung ương, cũng như cơ chế phân quyền giữa trung ương và địa phương, và một cơ
chế bảo hiến để thực thi hiến pháp và bảo vệ nhân quyền.
Quý vị có thêm xem thêm các chi tiết tại đây:
Thomas Việt: Giải pháp đề xuất để thỏa mãn cả đôi bên là ra sao, thưa cô Hoàng Lan?
Hoàng Lan: Vấn đề không phải thoả mãn các lực lượng chính trị, mà là được sự chấp
thuận của nhân dân. Trong lần sửa đổi hiến pháp này, Việt Nam nhất thiết cần có
phúc quyết hiến pháp để nhân dân lên tiếng phán quyết cuối cùng.
Gần đây các trí thức trong nước cũng đưa ra Bản kiến nghị về sửa
đổi hiến pháp
và một bản dự thảo hiến pháp. Qua bản dự thảo và kiến nghị này,
ta có thể thấy rõ nhu cầu hiến pháp dân chủ ở Việt Nam. Giới cầm quyền không
nên trì hoãn thêm nữa, mà cần tiến hành quy trình sửa đổi hiến pháp dân chủ với
sự tham gia của nhiều thành phần xã hội và có phúc quyết của toàn dân, để thỏa
mãn nguyện vọng của nhân dân.
Thomas Việt: Tại sao Đảng Dân Chủ Việt Nam thời gian qua thúc đẩy vấn đề Hiến pháp dân
chủ rất nhiều? Mối liên hệ giữa Hiến pháp dân chủ và những vấn đề chính trị xã
hội ở Việt Nam là như thế nào, thưa Cô?
Hoàng Lan: Nói chuyện hiến pháp không có nghĩa là nói chuyện lý thuyết hay chuyện lý
tưởng nói chung. Trước tiên, nhiều người đã thấy là Việt Nam hiện nay cần một
cơ chế pháp luật chuẩn mực để bảo vệ người dân trong cuộc sống thường nhật.
Những sự việc đau lòng trong xã hội đều là hệ quả của việc thiếu vắng thượng
tôn pháp luật trong xã hội – tức là không đặt pháp luật và Hiến pháp làm nền
tảng trong các quan hệ xã hội và trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Những
sự việc gây bức xúc trong dư luận xã hội như việc các quy định hành chính gây
khó khăn cho người dân, hạn chế đăng kí xe máy, hạn chế nhập cư bằng chế độ hộ
khẩu, thu hồi đất đai mà không được đồng thuận của người dân hay bồi thường thỏa
đáng, nhiều sự việc người dân chết trong đồn công an mà không có ai chịu trách
nhiệm, đều là những biểu hiệu của giới cầm quyền và hệ thống công quyền coi
thường luật pháp, ỷ thế chèn ép nhân dân mà không phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật.
Nói như vậy có nghĩa là Hiến pháp dân chủ đang là điều mà
xã hội Việt Nam đang cần để giải quyết các khó khăn còn tồn tại dai dẳng lâu
nay. Thứ nhất, bởi vì hiến pháp chuẩn mực tạo khung pháp lý nền tảng cho việc
thông qua chính sách và pháp luật để thực hiện các cải cách cần thiết. Ví dụ,
các chính sách, các bộ luật hợp lòng dân sẽ không thể được thông qua, nếu như
Quốc hội không được nhân dân bầu ra qua bầu cử tự do công bằng. Mà chỉ có Hiến
pháp dân chủ mới xiển dương quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử tự do công
bằng và các quyền chính trị dân sự cơ bản khác như quyền tự do ngôn luận, tự do
thông tin, v.v. để nhân dân thực thi quyền làm chủ, từ đó bầu ra những đại diện
thay mặt mình làm ra chính sách và pháp luật.
Thứ hai, Hiến pháp dân chủ không thể thiếu sự hòa hợp dân
tộc, bởi việc này không thể có nếu một nhóm người có quyền áp đặt những nguyên
tắc và giá trị cơ bản cho toàn xã hội mà không được nhân dân đồng lòng. Chẳng
hạn, một bản hiến pháp chỉ ca ngợi một ý thức hệ chính trị hay một nhân sinh
quan nhất định nào đó vô hình trung không thừa nhận những cá nhân và lực lượng
chính trị cổ võ cho những giá trị khác. Thế nhưng, tôn trọng và bảo đảm sự khác
biệt lại là một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp dân chủ.
Đảng Dân chủ Việt Nam cho rằng hòa hợp dân tộc không thể
tiếp tục trì hoãn cũng như một hệ thống chính trị thượng tôn pháp luật, một hệ
thống pháp luật chuẩn mực bắt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ là điều cần phải
được thiết lập và thực thi, để bắt đầu hóa giải những bất công dai dẳng trong
xã hội. Đó không chỉ là trách nhiệm của mỗi công dân đối với vấn đề cấp bách
hiện nay mà còn là trách nhiệm xây dựng nền tảng pháp lý cho các thế hệ mai sau
và tương lại của cả dân tộc.
Thomas Việt: Theo cô thì tại sao phải thay đổi bản Hiến pháp hiện hành, bản Hiến pháp
1992?
Hoàng Lan: Đảng Dân chủ Việt Nam đã phân tích điều này rất rõ ràng trong văn bản “Tại sao cần sửa đổi
căn bản và toàn diện Hiến pháp.” Tựu trung lại, mô hình hiến pháp và cơ
chế nhà nước hiện nay đã lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội
trong thời đại kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và ý thức về quyền làm chủ của
nhân dân ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Việt Nam cần có hiến pháp dân chủ
thay vì hiến pháp do một đảng áp đặt, cần có cơ chế nhà nước với phân quyền
thay vì tập trung quyền lực, cần có cơ chế bảo vệ hiến pháp độc lập, cần có hệ
thống tòa án độc lập và chuyên nghiệp thay vì hệ thống tòa án phụ thuộc vào các
cơ quan chính trị trung ương và địa phương… Đó chỉ là vài ví dụ trong các nhu
cầu hiến pháp hiện tại mà cơ chế Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo Hiến pháp
hiện nay không đáp ứng được.
Thomas Việt: “Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013″ đã thay đổi so với bản Hiến pháp
năm 1992 chưa? Những điểm nào là chưa và cần phải thay đổi hay thậm chí xóa bỏ hay
thêm những điều khoản nào, thưa Cô?
Hoàng Lan: Về cụ thể, các trí thức trong và ngoài nước đã có các bài phân tích rất kỹ
và thuyết phục mà dư luận quan tâm có thể tham khảo.
Về mặt nguyên tắc, Đảng Dân chủ Việt Nam cho rằng nhãn
quan chính trị trong bản dự thảo hiến pháp không có thay đổi đáng kể. Như văn
bản mà Đảng Dân chủ đưa ra “Vấn đề xã hội và sửa
đổi hiến pháp tại Việt Nam”
cách đây vài ngày, nếu những nguyên tắc quan trọng mà dư luận đang đòi hỏi
không được đáp ứng, thì những thay đổi nhỏ nhặt khác đâu có ý nghĩa gì. Các
nguyên tắc quan trọng đó là quyền phúc quyết hiến pháp, trả lại quyền làm chủ
đất nước của nhân dân qua việc bỏ điều 4 Hiến pháp 1992 và công nhận sở hữu đất
đai tư nhân.
Thomas Việt: Theo Đảng Dân Chủ thì nhân dân Việt nên làm gì để có một bản hiến pháp dân
chủ, tiến bộ và công bằng cho mọi dân Việt, kể cả các anh em thuộc dân tộc ít
người?
Hoàng Lan: Trí thức, thanh niên, các lực lượng chính trị nói riêng và nhân dân nói
chung cần thống nhất về quan điểm, bày tỏ quan điểm này một cách công khai và
kiên trì, đồng thời chú ý đến nguyện vọng của các nhóm thiểu số trong xã hội,
như các dân tộc ít người.
Dân chủ là đồng hành chứ không chỉ ủng hộ. Quyền làm chủ
của nhân dân sẽ không có ý nghĩa gì nếu nhân dân không lên tiếng, hành động và
phối hợp vận động cho quyền lợi và nguyện vọng của họ và sự công bằng cho xã
hội.
Thomas Việt: Cảm ơn cô Hoàng Lan.
Thomas Việt, VRNs
No comments:
Post a Comment