Thursday, 31 January 2013

NHÀ VĂN HOÀNG TIẾN : "IM LẶNG LÀ ĐỒNG LÕA VỚI CÁI ÁC" (Đinh Quang Anh Thái - Người Việt)





Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Wednesday, January 30, 2013 5:31:30 PM

Nhà văn và cũng là nhà đấu tranh dân chủ Hoàng Tiến vừa qua đời hôm 28 Tháng Giêng ở Hà Nội, thọ 80 tuổi.

Nhớ một ngày cuối năm 1997, từ Washington, tôi gọi điện thoại về Hà Nội thăm ông, giọng ông ấm, thân thiện xưng hô chú-cháu; ông bảo, tuổi cũng già rồi, khỏe thì cũng không được khỏe nhưng may mắn là cũng không bị ốm đau vì nhờ Giời-Phật phù hộ; còn để làm được việc gì có ích lợi chung, thì đó cũng là Giời-Phật sai làm. Ông cho biết, đang phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, mọi liên lạc ngay với người trong nước còn bị ngăn cấm, huống hồ gì với người nước ngoài, xa xôi cách trở đại dương.

Hỏi ông về đất nước, ông nói, Việt Nam bây giờ đang chuyển mình một cách vật vã, “trước sau gì cũng phải tiến lên nhưng vất vả lắm.” Và ông nhấn mạnh, ông phải tham gia đấu tranh cho những việc mà ông cho là đúng. “Nhà nước vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền công dân, chú phải có ý kiến, và chú chấp nhận bị đe dọa, bị bắt bớ. Nhiều người cùng lên tiếng thì đất nước mới tiến lên được,” ông nói.

Hồi tưởng bối cảnh ông bắt đầu dấn thân đấu tranh cho lý tưởng tự do-dân chủ của dân tộc, ông tâm sự, “Cháu ạ, chú lớn lên khi đất nước có những biến động to lớn. Trước hết là cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Từ một đất nước nô lệ, thuộc địa của Pháp, trở thành một nước độc lập. Không khí của cuộc đấu tranh giành độc lập lúc bấy giờ nô nức lắm, hồ hởi lắm. Chú đã tham gia đấu tranh, dù lúc đó chỉ là một thiếu niên. Nhiều bạn bè thuộc lứa tuổi chú đã bỏ mình cho cuộc đấu tranh, cá nhân chú may mắn còn sống. Ðến khi hòa bình lập lại, bắt đầu xây dựng đất nước thì chú thấy đã có nhiều vấp váp sai lầm. Thí dụ sai lầm trong vụ Cải Cách Ruộng Ðất. Lúc bấy giờ nhiều người nhận ra nhưng không khí căng thẳng lắm, không ai dám lên tiếng. Thành ra sai lầm càng lúc càng lớn. Tiếp sau sai lầm 'Cải Cách Ruộng Ðất' là vụ chống 'Nhân Văn Giai Phẩm'. Lúc đó chú đã viết báo rồi. Những nghệ sĩ bị quy chụp trong vụ 'Nhân Văn Giai Phẩm' đều là những người tài năng. Những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ cần có tự do thì mới sáng tạo được. Họ đòi hỏi tự do sáng tác là đúng, nhưng bị quy kết gay gắt lắm, vậy mà không ai dám bênh vực họ. Những anh em đó, một số bị tù, một số bị đẩy đi lao động và tất cả bị cấm viết trong thời gian hơn 30 năm. Mãi tới Ðại hội Ðảng Cộng sản lần thứ 6, với khẩu hiệu 'cởi trói cho văn nghệ sĩ', một số người trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới được cho phép cầm bút trở lại. Rồi lại xẩy ra bị quy chụp là 'Xét Lại Chống Ðảng'. Các ông lãnh đạo vu cho là có một tổ chức phản đảng để rồi bắt giam rất nhiều đảng viên trung-cao cấp, trong đó có vài trung ương ủy viên và sĩ quan cấp tướng của quân đội. Trước những vấn đề như thế, chú thấy mình cần phải lên tiếng, nếu không thì đất nước cứ bị chìm đắm trong những sai lầm nghiêm trọng của giới lãnh đạo. Nhiều người khác cũng đã lên tiếng, vì nếu im lặng thì sai lầm sẽ triền miên.”

Nhà văn Hoàng Tiến sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông lớn lên trong bối cảnh toàn dân Việt Nam tham gia công cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, nên cũng như những thanh niên khác, ông đã có mặt trong các cuộc biểu tình chống Pháp ở Hà Nội. Rồi ông tham gia Việt Minh, làm liên lạc viên cho đơn vị Tiền Phương Chỉ Huy Sở Khu 11-Ðặc Khu Hà Nội. Ông tốt nghiệp ban Ngữ văn, khóa 3 trường Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội và từng được sang Trung Quốc học về ngành sư phạm, sau đó về dạy học ngay tại Hà Nội, sau khi Việt Minh chiếm được chính quyền. Trong thời gian đi dạy học, Hoàng Tiến viết báo và viết văn. Ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam và đã trước tác được trên 10 cuốn sách. Những tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Tiến gồm: Bóng Ðêm và Ánh Sáng (tập truyện in năm 1958); Sương Tan (tập truyện in năm 1963, cuốn này bị Tố Hữu phê phán là “ăn phải bã của tư sản” và Hoàng Tiến bị quy chụp tội “xét lại.” Lúc đó đang diễn ra phong trào lên án khuynh hướng xét lại trong nội bộ Cộng sản Việt Nam); Hà Nội Của Tôi (viết năm 1983); Con Rồng Thần Thoại (viết năm 1987); Khoảng Trời Tháng Chạp (viết năm 1987); Mùa Hoa Rừng (viết năm 1990); Người Ðàn Bà Có Khuôn Mặt Trăng Rằm (tiểu thuyết lịch sử, viết năm 1991); Có Một Hồ Xuân Hương Khác (tiểu luận văn học, viết năm 1992); Chữ Quốc Ngữ và Cuộc Cách Mạng Chữ Việt Ðầu Thế Kỷ 20 (khỏa cứu, viết năm 1994).

Mỗi lần nói chuyện với ông Hoàng Tiến bằng điện thoại viễn liên, tôi lại nhớ những dặn dò hết sức chân tình của ông trong việc liên lạc với những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam:
“Tướng Trần Ðộ còn nhiều uy tín trong quân đội lắm đấy cháu nhé, các sư trưởng bây giờ đều là thuộc cấp cũ của ông, nên đảng ngại ông Ðộ lắm; cháu hỏi anh Hà Sĩ Phu ấy à, anh ấy uy dũng và phải nói là cái đầu anh ấy bén lắm, phê phán câu nào là đảng không chối vào đâu được, nên nó thù anh ấy lắm; còn Dương Thu Hương thì cô ấy chả sợ ai cả....”

Năm năm sau ngày 30 Tháng Tư 75, nhà văn Hoàng Tiến quy y đạo Phật. Ông ăn chay và sống rất thanh đạm. Nhưng không vì thế mà ông xoay lưng với những phận người bị chế độ đàn áp. Ông viết nhiều bài nói lên những trăn trở của ông trước tình trạng tụt hậu về mọi mặt của con người Việt Nam buộc phải sống trong một “xã hội trại lính.” Những dòng chữ của ông người đọc cảm nhận như “những giọt máu nhỏ trên trang giấy.”

Nói về hành động dấn thân vì dân chủ của đất nước, Nhà văn Hoàng Tiến tâm sự, “Ðất nước đã hết chiến tranh thì phải có dân chủ chứ. Dân chúng, trí thức, văn nghệ sĩ phải được tự do ngôn luận chứ sao lại o ép người ta. Nhiều người đòi dân chủ, chú đòi dân chủ, vì dân chủ được ghi trong Hiến Pháp cơ mà. Ðiều 69 của Hiến Pháp ghi rằng, 'công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí'. Nhưng khi chú lên tiếng đòi tự do thì công an đến dọa nạt, gọi lên làm việc, thư từ báo chí người ta gởi đến cho chú thì bị công an lấy mất, điện thoại lúc thì bị cắt, nhà bị theo dõi. Những hành động trấn áp như thế là quá đáng, không chấp nhận được. Cho nên, thôi thì việc mình làm thì mình cứ làm, cứ phải nói.”

Nhà văn Hoàng Tiến còn dẫn một câu thành ngữ Tây phương là “đứng trước tội ác, im lặng là đồng lõa” để nhấn mạnh là phải hành xử cho đúng với lương tâm của mình. Ông nói qua điện thoại, lâu nay ông theo đạo Phật, mà đạo Phật không tách rời với đời, mà Phật vì chúng sinh, vì đời. “Chú là Phật tử, nên thôi thì bỏ cá nhân mình đi, không chấp lợi, không chấp danh, làm gì là vì mọi người thôi, không vì mình mà vì lợi ích chung của đất nước. Làm được thế thì mình thoải mái, tâm mình an hòa, mặc dù đời sống vật chất thì có khó khăn, còn tinh thần thì bị nhiều o ép của công an. Tóm lại, tâm của chú thanh thản lắm. Mình cố sức mình để lúc nhắm mắt mình không ân hận là đã im lặng trước việc xấu.”

Nhà văn Hoàng Tiến đã nhắm mắt. Hẳn rằng ông đã hài lòng vì lúc sống, ông sống rất THIỆN và không im lặng trước cái ÁC, cái XẤU.







1 comment:

View My Stats