Thursday, 31 January 2013

HAI CUỘC CHIẾN : MỘT NỘI DUNG, HAI KẾT CUỘC & NỖI TỦI NHỤC THÀNH ĐÔ (Lê Quế Lâm)




Lê Quế Lâm
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 30 Tháng 1 2013 23:27

Sách Bên Thắng Cuộc cuốn I Giải Phóng ghi lại các hành động trả thù và đối xử tàn tệ của CS Hà Nội đối với miền Nam sau ngày 30/4/1975. Sau đó áp đặt kinh tế xã hội chủ nghĩa khiến người dân miền Nam, đặc biệt là ông Võ Văn Kiệt vì sinh lộ của dân tộc phải phản ứng. Ông Kiệt đã “xé rào” làm sụp đổ các cơ chế xã hội chủ nghĩa đã cản trở bước tiến của đất nước, buộc giới lãnh đạo chóp bu cực kỳ bảo thủ của Đảng CSVN phải chấp nhận “đổi mới”. Tác giả Huy Đức kết thúc bằng chương XI đề cập đến cuộc chiến Campuchia.

Đại hội đồng LHQ trong 10 khóa liên tiếp đã lên án CSVN xâm lược Cam Bốt. Sau cùng Hà Nội chịu rút quân khỏi Campuchia đưa đến Hiệp Định Paris 1991, giúp các phe phái người Cam Bốt giải quyết công việc nội bộ của họ.

Trước đây Hoa Kỳ cũng lên án CSVN xâm lược Miền Nam Việt Nam, đòi Hà Nội phải rút quân ra khỏi miền Nam. Nhưng ông Lê Đức Thọ chối không có quân BV ở MN. Kissinger trưng ra tài liệu chứng minh có quân BV ở MN, ông Thọ trả lời: nơi nào trên đất nước Việt Nam là có quân đội nhân dân Việt Nam. Những người CS cho rằng vì nghĩa vụ dân tộc, họ giải phóng MN để thống nhất nước nhà, nhưng những hành động của họ sau 30/4/1975 qua sách Bên Thắng Cuộc cho thấy không phải họ “giải phóng” mà là xâm lược Miền Nam.

Đọc chương này tôi liên tưởng đến cuộc chiến Giải phóng miền Nam của CSVN trước đó vì hai cuộc chiến có những điểm trùng hợp cả nội dung lẫn hình thức. Chiến tranh giải phóng Miền Nam kéo dài 13 năm từ 1960 kết thúc bằng HĐ Paris 1973. Chiến tranh Campuchia cũng kéo dài 13 năm từ 1978 kết thúc bằng HĐ Paris 1991. Nội dung hiệp định này gần như rập khuôn HĐ Paris 1973.

Cuộc chiến ở Campuchia khởi đầu từ cuối năm 1978 khi Hà Nội “xuất khẩu Cách mạng” dựng lên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đưa quân sang Miên lấy cớ giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot được Trung Cộng hậu thuẫn. Tổ chức này ra đời 5 năm sau ngày chiến tranh VN chấm dứt bằng Hiệp định Paris 1973, kết thúc cuộc chiến Đông Dương lần hai giữa CS/BV và HK. Còn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20/12/1960 nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, bị lên án là tay sai của đế quốc Mỹ.

MTGPMN ra đời, 6 năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc với HĐ Genève 1954.

Cả hai mặt trận đều do Hà Nội dựng lên. Cương lĩnh cũng do Hà Nội soạn thảo và đều được CSVN tổ chức lễ ra mắt.

Trung ương cục Miền Nam (Cục R) là một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam tức Đảng CSVN được thành lập ngày 23/1/1961 để trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, chủ yếu là Nam Bộ. Tương tự như vậy, ở Miên năm 1978, Hà Nội thành lập “Ban chỉ đạo giải quyết chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn” với mật danh là Ban B68. Bên cạnh có Đoàn chuyên gia giúp xây dựng hệ thống chính quyền dân sự. Ở miền Nam có Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ở Cam Bốt có Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Ở miền Nam có Bộ Tư lịnh R thì ở Miên có Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện VN tại Campuchia phụ trách về quân sự với phiên hiệu là “Bộ Tư lệnh 719”.

Ở miền Nam có Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam, thực chất là đảng bộ miền Nam của Đảng Lao động VN do Võ Chí Công, ủy viên Trung ương Đảng LĐVN làm chủ tịch. Ở Miên có Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Pen Soven, vốn là trưởng phòng tiếng Khmer ở Đài Tiếng nói VN ở Hà Nội được ông Lê Đức Thọ cử làm Tổng bí thư. Trên thực tế mọi quyết định lớn đều do Hà Nội làm rồi truyền đạt cho Pen Sovan, “cái đầu thực sự là Đảng CSVN, cụ thể là Lê Đức Thọ”. Trong giai đoạn 1979-1981, nhóm Khmer CS “tập kết” ở miền Bắc VN khoảng 40 người, trình độ rất giới hạn, được Lê Đức Thọ đưa về nắm giữ các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bộ trưởng Quốc phòng, 3 trong 8 ủy viên Bộ chính trị, 8 trong số 17 bộ trưởng, 7 trong số 29 chủ tịch hoặc bí thư các tỉnh thành ở Miên.

Tác giả Huy Đức không đề cập đến những nguyên nhân đưa đến chiến tranh ở Campuchia, ông cũng không nói đến cuộc chiến xảy ra trên quê hương trước ngày 30/4/1975. Trong lời tựa, tác giả đã viết: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần trách nhiệm”. Ông Huy Đức ghi lại lịch sử theo chiều sâu: phỏng vấn rất nhiều nhân chứng để tìm hiểu tâm tư cũng như nổi thống khổ của đồng bào, cùng nhận định của những trợ lý từng cận kề những nhân vật lãnh đạo CS có trách nhiệm. Cá nhân tôi ghi lại những biến cố theo chiều dài và rộng của lịch sử, từ 60 năm trước có sự can dự của 5 cường quốc thế giới, đã tác động như thế nào đối với dân tộc và đất nước?

Nguyên ủy cuộc chiến Việt Nam

Cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1949-1954) diễn ra giữa Pháp ủng hộ các chính quyền quốc gia vừa được Pháp trao trả độc lập, chống CS Việt Minh được Trung Cộng hậu thuẫn. Cuộc chiến có nguy cơ bùng nổ lớn khiến 3 cường quốc Anh, Nga, Mỹ họp với Pháp và Trung Cộng tại hội nghị Genève 1954 để tìm cách chấm dứt chiến tranh. Năm cường quốc đồng thỏa thuận chia cắt ảnh hưởng ba nước Đông Dương để chấm dứt cuộc xung đột ở đây: Miên và Lào trung lập, Việt Nam bị chia hai.

Từ cuối thập niên 1950, tình hình thế giới đi vào giai đoạn hòa hoãn. Ông HCM nêu ra nghĩa vụ dân tộc, phát động chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lãnh tụ Xô Viết Khruschev dù chủ trương chung sống hòa bình với Mỹ, nhưng ủng hộ Hà Nội kháng chiến chống Mỹ vì nghị quyết Đại hội III Đảng CSVN (1960) nêu ra nhiệm vụ chiến lược: giải phóng miền Nam để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa. Về phần TC, sau trận đọ sức với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chiến tranh Đông Dương, họ tách dần khỏi hệ thống XHCN do Liên Xô lãnh đạo. TC từng bước hình thành Thế giới thứ ba dưới lá cờ độc lập dân tộc, chống cả Mỹ lẫn LX để bảo vệ nền độc lập các nước theo dân tộc chủ nghĩa. Vì thế TC ủng hộ ông HCM thống nhất Việt Nam vì nghĩa vụ dân tộc.

Theo chiều hướng đó, năm 1972 TT Nixon đến Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để tìm hậu thuẫn của hai nước đàn anh của CSVN để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Chủ trương của HK là trung lập toàn vùng Đông Nam Á. Các nước ASEAN cũng ra tuyên bố ĐNÁ là khu vực hòa bình, tự do, trung lập. HĐ Paris 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam không làm thương tổn bất cứ cường quốc nào đã can dự vào cuộc chiến. Công việc miền Nam Việt Nam sẽ do nhân dân miền Nam Việt Nam quyết định thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do có quốc tế giám sát, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Chính phủ miền Nam do nhân dân bầu chọn sẽ hiệp thương với chính phủ miền Bắc để thống nhất đất nước theo tinh thần HĐ Genève 1954.

Căn nguyên chiến tranh Campuchia

Tại hội nghị Genève 1954, đại biểu Pháp và nhất là TT Chu Ân Lai đã nhiệt tình đấu tranh cho Lào và Cao Miên thoát khỏi ảnh hưởng của VN. Họ muốn hai nước này đứng ngoài cuộc tranh chấp Đông Tây với một hình hức trung lập như Ấn Độ và Nam Dương lúc bấy giờ. Từ đầu thập niên 1960, Hà Nội phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam, họ xây dựng đường mòn HCM để chuyển vận người và vũ khí vào MN. Quốc trưởng Sihanouk tin tưởng công cuộc giải phóng MN của ông HCM sẽ thành công vì VN chiến đấu chống đế quốc Mỹ để giành độc lập cho dân tộc. Những mục tiêu này là chủ trương của Phong trào liên kết, bao gồm các nước mới giành được độc lập như Cam Bốt. Cuộc chiến này còn được LX và TC ủng hộ. Từ năm 1965, Sihanouk cắt đứt ngoại giao với Mỹ và cho phép BV xây dựng căn cứ địa ở các khu vực phía Đông nước Miên tiếp giáp VN. Hải cảng Sihanoukville (Kompong Som) được Sihanouk cho phép khối CS sử dụng để chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho lực lượng CSBV và VC ở MNVN.

Tại các tỉnh Đông Bắc giáp giới ba nước ĐD, với sự hiện diện của nhiều đoàn cán bộ CSBV vừa hồi kết vừa xâm nhập, đã hỗ trợ đắc lực những trí thức trẻ thân cộng từng du học ở Pháp về như Khieu Samphan, Pol Pot, Ieng Sary, Penouth...từng bước phát triển Khmer Đỏ. Cần phân biệt thành phần CS Khmer có hai nhóm: một là Khmer Việt Minh hay Khmer Issarak hình thành trong giai đoạn chống thực dân Pháp. Hai là Khmer Đỏ chịu ảnh hưởng của TC.

Trước sự phát triển của cánh tả, các lãnh tụ có khuynh hướng quốc gia như Lon Nol, hoàng thân Sirak Matak, Cheng Heng, In Tam, Sơn ngọc Thành...hình thành cánh trung lập thân Tây phương. Tại VN sau biến cố Tết Mậu Thân quân CSVN bị đánh bật ra khỏi nội địa MN, phải chạy sang Miên ẩn náo. Từ tháng Giêng 1969 hai bên miền Nam đã cùng HK và BV tham dự hòa đàm chấm dứt chiến tranh. Sihanouk rất lo lắng đến chủ quyền của đất nước trước việc bị CSVN khống chế và hỗ trợ Khmer Đỏ lật đổ ông. Với chủ trương của TT Nixon, cuộc chiến VN sẽ chấm dứt trong khi tại Miên chẳng có dấu hiệu nào cho thấy CSBV rút quân mà còn tăng cường thêm. Tháng 9/1970 TT Lon Nol được TC mời sang Bắc Kinh dự lễ Quốc khánh. Ngày 27/9/1969 tờ Nhân dân Nhật báo đang nguyên văn bản tuyên bố của Thủ tướng Lon Nol “bày tỏ sự tin tưởng TQ vĩ đại sẽ tôn trọng và làm cho người khác tôn trọng chủ quyền của Cam Bốt”.

Tại Nam Vang cuối tháng Hai 1970 hai vạn thanh niên Miên đột nhập vào bên trong sứ quán Hà Nội và Chính phủ Cộng hòa MNVN đập phá và tiêu hủy các tài liệu của sứ quán. Trước phản ứng của dân chúng về sự hiện diện của bộ đội CSVN trên đất nước họ, hai viện Quốc hội Miên đã yêu cầu chính phủ tái xác nhận nền trung lập của quốc gia, thúc giục chính phủ tăng cường lực lượng để bảo vệ lãnh thổ. Ngày 13/3/1970 Bộ Ngoại giao Miên gởi công hàm yêu cầu BV và MTGPMN rút toàn bộ lực lượng vũ trang ra khỏi lãnh thổ Miên trong vòng hai ngày. Năm ngày sau Quốc hội biểu quyết với tỷ số 89/100 truất phế Sihanouk.

Trong khi Lon Nol làm cuộc đảo chính thì lực lượng Khmer Đỏ thừa cơ hội chính biến ở thủ đô, tiến chiếm nhiều vùng nông thôn. Hành động trước tiên của chính quyền mới ở Cam Bốt cả Lon Nol lẫn Khmer là xua đuổi người Việt. Đã đến giai đoạn người Cam Bốt thấy rõ con đường bị lệ thuộc Việt Nam hoặc bị Việt Nam đồng hóa không thể nào tránh khỏi vì lỗi lầm của Sihanouk đã cho phép CSBV hoạt động ở Miên, nên hạ bệ ông. Lúc bấy giờ VNCH đã thảo luận với Lon Nol hồi hương hàng trăm ngàn kiều bào Việt Nam về nước. Trong khi đó tại các vùng do Khmer Đỏ kiểm soát, bộ độ CSVN cũng được yêu cầu rút đi.

Để chống lại Việt Nam, tập đoàn Pol Pot gieo rắc tâm lý chống Việt Nam trong nhân dân Khmer, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”. Họ theo đuôi Bắc Kinh tố cáo Hà Nội theo chủ nghĩa xét lại, vừa đánh Mỹ vừa đàm phán với Mỹ để thoả hiệp với đế quốc và bọn xét lại quốc tế ám chỉ Liên Xô. Tháng 9/1970 trong nghị quyết của thường vụ TƯĐ Pol Pot kêu gọi đảng viên “đề cao lập trường độc lập tự chủ, chống tư tưởng lệ thuộc nước ngoài” với ý đồ rõ rệt chống CSVN trong nội bộ đảng. Pol Pot bắt đầu thủ tiêu hàng nghìn cán bộ đảng viên có cảm tình với bộ đội CSVN trong đó có hơn 1000 tên được đào tạo ở miền Bắc VN. Trước 1969 có khoảng 400 ngàn Việt kiều sinh sống bằng nghề đánh cá và chài lưới trên các sông rạch và khu vực Biển Hồ. Phân nửa số này đã bị chính quyền Lon Nol tàn sát hoặc bị đuổi về Việt Nam. Số còn lại bị Pol Pot thanh toán từ 1973 đến 1975. Hàng chục ngàn Việt kiều bị kết tội gián điệp hoặc thuộc đội quân thứ 5 của CSVN đã bị Khmer Đỏ thủ tiêu.

Ngay sau khi HĐ Paris 1973 được ký kết, Hoa Kỳ thuyết phục Lon Nol tuyên bố đơn phương đình chỉ các cuộc hành quân và kêu gọi ngưng bắn ở Cam Bốt. Đồng thời Kissinger nhờ Phạm Hùng chuyển đến Pol Pot lời đề nghị giải quyết vấn đề Cam Bốt bằng một giải pháp chính trị như HĐ Paris về VN. Nếu không, HK sẽ dùng đến sức mạnh để tái lập hòa bình. Khmer Đỏ bác bỏ đề nghị ngưng bắn mà còn mở các cuộc tấn công mới. Vì thái độ cứng rắn của Khmer Đỏ, HK bắt đầu dùng B52 phá hủy các cơ quan đơn vị của Khmer Đỏ trong 6 tháng liền từ khi HĐ Paris 1973 ra đời đến ngày 15/8/1973 là thời hạn cuối cùng mà chính quyền Nixon phải chấm dứt mọi hành động quân sự ở ĐD theo lịnh của Quốc hội. Vì những thù hận đó mà từ giữa năm 1973, Khmer Đỏ không những thanh lọc nội bộ, tiêu diệt tất cả cán bộ đảng viên kể cả thành phần Khmer Đỏ có khuynh hướng thân VN, mà còn xóa sạch người Việt ở những vùng do họ kiểm soát. Đồng thời họ còn yêu cầu lực lượng vũ trang của CSBV và VC phải rút khỏi Miên.

Ngày 30/12/1977 Pol Pot cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Hôm sau chính phủ Campuchia Dân chủ ra tuyên bố tố cáo CSVN trong nhiều thập nên qua đã tìm mọi cách thôn tính và sát phập Campuchia vào Liên Bang Đông Dương do VN lãnh đạo nhằm biến VN thành một thế lực mạnh ở ĐNÁ. Từ đó bộ máy tuyên truyền của Pol Pot Ieng Sary không ngừng sách động dân chúng Miên “coi VN là kẻ thủ tuyền kiếp” và “dứt khoát không có người Campuchia nào trong thế hệ hiện nay cũng như sau này rời vũ khí thôi đánh Việt Nam”. Chúng hô hào “nhân dân Campuchia phải sẳn sàng hy sinh 2 triệu sinh mạng và chiến đấu 700 năm nữa để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.

Bắc Kinh ủng hộ Cam Bốt thoát khỏi ảnh hưởng của CSVN là đường lối mà họ đã đeo đuổi từ sau 1954, nay càng quyết liệt vì sự phản bội của Hà Nội. Sau HĐ Paris 1973 đích thân TT Chu Ân Lai đến Việt Nam gặp Lê Duẩn, yêu cầu Hà Nội chấp nhận để MNVN, Lào và Campuchia được hòa bình, độc lập và trung lập một thời gian dài. Lê Duẩn cho rằng TC đã làm theo những gì mà họ đã thỏa thuận với Mỹ. Ông bác bỏ khuyến cáo của TC, xé bỏ HĐ Paris 1973 để thống nhất VN. Với hành động này, ông Duẩn đã thách thức TC lẫn HK. Sau khi thống nhất Việt Nam, Hà Nội bắt đầu bài xích người Hoa, tìm mọi cách xua đuổi họ rời khỏi VN vì ông Duẩn sợ người Hoa sẽ làm nội ứng một khi TC gây sự với Việt Nam. Tên nước cũng đổi thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo khuôn mẫu Liên Xô.

Ngày 3/9/1978 tại Mạc Tư Khoa, Lê Duẩn cùng Brezhnev ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt-Xô. Ông Duẩn tuyên bố: “Trước những thắng lợi và tương lai xán lạn của VN, thì các lực lượng phản động quốc tế tỏ ra căm tức. Chúng coi sự ra đời và lớn mạnh của một nước VN hòa bình, thống nhất và xã hội chủ nghĩa là trở ngại lớn cho mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của chúng, trước hết trong vùng Đông-Nam châu Á. Chúng điên cuồng thi hành chính sách thù địch chống VN, phá hoại tình đoàn kết truyền thống giữa nhân dân VN và nhân dân các nước láng giềng...Tôi nhiệt liệt cám ơn đồng chí Bơ-ê-giơ-nép, Đảng CS Liên Xô, Chính phủ và nhân dân LX đã khẳng định kiên quyết đứng bên cạnh nhân dân VN trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ nền độc lập của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Dựa vào Liên Xô, đúng ngày lễ Giáng sinh 1978, Hà Nội công khai đưa 18 vạn quân dưới sự điều động của Văn Tiến Dũng, người đã chỉ huy chiến dịch HCM thôn tính MNVN năm 1975, xâm lược Cam Bốt. CSVN xóa bỏ nhà nước Campuchia Dân chủ của Pol Pot và dựng lên nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia do số cán bộ CS Miên từ Hà Nội trở về lãnh đạo. TC tố cáo CSVN xâm lược Cam Bốt nhằm thực hiện mưu đồ thành lập Liên bang Đông Dương, mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở Châu Á. Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt, không gia hạn Hiệp ước hữu nghị, đồng minh tương trợ mà Mao đã ký với Stalin, khi hiệp ước hết hiệu lực trong năm 1980.

Ngày 15/11/1978 TC thiết lập bang giao với HK. Đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình viếng thăm Mỹ, ông hô hào “Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải thống nhất trong một liên minh chống bá quyền”. Ông tuyên bố “Bắc kinh sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Dù điều 6 của Hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô Việt qui định: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công thì hai bên đã ký hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước”. Song TC bất kể phản ứng của Liên Xô, ngày 17/2/1979 họ huy động mấy chục sư đoàn tấn công qui mô vào Việt Nam trên tuyến biên giới dài 1000 cây số. Lúc bấy giờ LX có 56 Sư đoàn ở vùng biên giới với TC, nhưng không phản ứng. Đến cuối năm 1979, LX xâm lăng Afghanistan, lật đổ tổng thống Hafizullah Amin, dựng lên chính quyền mới do Babrak Karmal làm thủ tưởng. TC tố cáo LX đã can thiệp quân sự trên qui mô lớn vào một nước thế giới thứ ba, đe dọa nền hòa bình và an ninh ở Châu Á.

Với chính sách mở cửa hợp tác với Tây phương, TC đã phát triển mạnh và mau lẹ việc giao thương với nước ngoài, đứng đầu là Nhật lên đến 10 tỉ đô la vào năm 1985, sau đó là Tây Âu 6,8 tỉ. HK đứng thứ ba chiếm 11% trong tổng số ngoại thương của TC với 4,4 tỉ đô la. Trong khi đó, sau khi HK rút lui khỏi VN, thì LX lấn tới tại nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài sự dính líu trực tiếp vào Afghanistan mà Gorbachev gọi vấn đề này là “vết thương rướm máu”, hàng năm LX còn phải chi viện 3,5 tỉ đôla cho VN, 4,9 cho Cuba, 1 tỉ cho Nicaragua và hơn 3 tỉ cho Mozambique, Angola và Ethiopia.

Để cứu vãn tình trạng kinh tế suy sụp, Gorbachev đề ra kế hoạch Glasnost (cải tổ) và Perestroika (tái thiết). LX sẳn sàng hòa giải với TC và cùng HK thương thảo vấn đề tài giảm binh bị. Đối với TT Reagan, điều kiện thương thảo là Gorbachev phải tôn trọng nhân quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước Đông Âu và giải quyết các cuộc xung đột địa phương do LX trực tiếp hay gián tiếp gây ra, như cuộc chiến ở Afghanistan và Campuchia. Về phần TC, tháng 12/1984 Phó TT Ivan Arkhipov đến thăm Bắc Kinh. Đây là nhân vật cao cấp nhất của LX chính thức đến thăm TC sau hơn 15 năm hai nước đặt trong tình trạng thù nghịch. Arkhipov đã ký hiệp ước thương mại và một số thỏa ước hợp tác với TC về kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tháng 4/1985, Phó TT Lý Bằng đến Mạc Tư Khoa, hai bên lại ký một thỏa ước thương mãi trong vòng 5 năm lên đến nhiều tỉ đô la.

Dù mối bang giao Nga Hoa đã được cải thiện đáng kể về kinh tế, giao thương... Nhưng vấn đề chính trị còn trong tình trạng bế tắc vì LX ủng hộ CSVN chiếm đóng Campuchia. Trong diễn văn đọc tại Hải Sâm Uy ngày 28/7/1986, Gorbachev tuyên bố “sẽ xích gần với TQ” bằng thiện chí rút 6 trung đoàn khỏi Afghanistan, giảm dần các đơn vị trú đóng ở biên giới TC và một lực lượng đáng kể ở Mông Cổ. LX đã đáp ứng 2 trong 3 điều kiện tiên quyết của Đặng Tiểu Bình. Về vấn đề Campuchia, Gorbachev nhận định “không thể giải quyết ở các thủ đô xa xôi kể cả LHQ mà phải giải quyết giữa VN và TQ là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng”. Ông mong muốn cuộc xung đột ở đây sẽ được giải quyết êm đẹp nếu TQ và VN tham gia vào một cuộc đối thoại trong tình đồng chí, gạt bỏ những tị hiềm và nghi kỵ không cần thiết.

Qua chi tiết trên cho thấy, vì quyền lợi ưu tiên của LX, Gorbachev đã lợi dụng việc giải quyết cuộc chiến Campuchia để đẩy CSVN trở về hợp tác toàn diện với TQ. Để giải tỏa những nghi kỵ không cần thiết, từ đầu năm 1987, Việt Nam bắt đầu giảm tuyên truyền chống TQ. Lời nói đầu trong Hiến pháp đã bỏ đoạn văn “TQ là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm nhất” như đã sửa Điều lệ Đảng.

Tháng 9/1986, tại Hoa Thạnh Đốn, Đặng Tiểu Bình tuyên bố trên đài truyền hình CBS: “Nếu Gorbachev thực sự muốn tiến tới để giải tỏa ba điều kiện tiên quyết, điều quan trọng nhất là bắt CSVN chấm dứt ngay cuộc xâm lược và rút quân từ Cam Bốt về. Chính tôi sẽ sẳn sàng gặp gỡ ông ta ở bất cứ nơi đâu”. Năm 1989, sau khi LX rút quân khỏi Afghanistan và áp lực CSVN rút quân khỏi Cam Bốt, đáp ứng trọn vẹn ba điều kiện tiên quyết của Đặng Tiểu Bình, giữa tháng 5/1989 Gorbachev đến Bắc Kinh để mở đầu giai đoạn mới mà ông ta gọi là “một kỷ nguyên to tát trong quan hệ hai nước”.

Dấu ấn Thành Đô năm 1990: Mối nhục muôn đời của CSVN

Thập niên trước, CSVN ký hiệp ước hữu nghị hợp tác với LX để đương đầu với “tập đoàn phản động Bắc Kinh đang hình thành một liên minh với chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai phát xít, chĩa mũi nhọn vào hệ thống xã hội chủ nghĩa” (Lê Duẩn tuyên bố trong lễ ký kết hiệp ước Xô Việt 3/9/1978).  Để bành trướng hệ thống XHCN, cuối năm 1978 CSVN xâm lăng Campuchia, đến cuối năm sau (1979) LX xâm lăng nước láng giềng trung lập Afghanistan. Cả hai cuộc chiến đều bị thế giới lên án nặng nề. Cuối cùng đoàn quân xâm lược phải rút về nước. LX hợp tác với HK và TC để chấm dứt cuộc chiến ở Campuchia (HĐ Paris 1991) Nhờ đó, Gorbachev trở thành người bạn đối tác chân thành của TT Reagan. Gorbachev cũng đến Bắc Kinh gặp Đặng Tiểu Bình để nối lại mối thân hữu Nga-Hoa.

Năm 1979 CSVN lên án TC đã ba lần phản bội họ, nên phải hợp tác toàn diện với LX. Thử hỏi, năm 1954 LX và Anh Quốc là đồng Chủ tịch Hội nghị Genève 1954 đưa đến chia cắt VN. Năm 1972 LX đã thỏa thuận với HK về HĐ Paris 1973, như vậy LX có phản bội không? Đến cuối thập niên 1980, LX hợp tác trở lại với TC, lần này, Gorbachev “phản bội” CSVN để tranh thủ Bắc Kinh. Trong khi ông ta cho phép các nước trong khối XHCN Đông Âu được tự do quyết định vận mạng riêng của họ, nhưng lại đẩy CSVN trở về TC, mà Hà Hội “coi là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm nhất”.

Nghe lời khuyến cáo của Gorbachev: “VN và TQ là hai nước XHCN láng giềng, nên gạt bỏ mọi tị hiềm, đối thoại trong tình đồng chí”, nên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Đỗ Mười cùng Cố vấn tối cao Phạm Văn Đồng hăm hở đến Thành Đô, chớ không phải Bắc Kinh mời như thường lệ. Phía TC, không có lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, có lẽ ông ta không muốn tiếp xúc với những người bị ông lên án là phường vong ân bội nghĩa. Lê Đức Anh lập luận:Mỹ đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là TQ”. Còn Nguyễn Văn LinhTQ muốn thông qua Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì TQ vẫn là một nước XHCN”.

Từ nhận định trên, giới lãnh đạo cao cấp nhất của VN đã tìm cách hòa giải với TC bằng đề nghị kết hợp hai lực lượng Khmer CS (Khmer Đỏ của Pol Pot và Campuchia CS của Hun Sen) lãnh đạo Cam Bốt để xây dựng XHCN. Từ nay, CSVN đoàn kết chặt chẽ với TC chống đế quốc Mỹ để bảo vệ XHCN thế giới. Hai điểm trên đều bị TC bác bỏ. Thế giới đã kinh sợ Khmer Đỏ, họ cũng phản đối Hà Nội dựng lên ở Cam Bốt một chế độ tay sai VN do Hun Sen lãnh đạo. Chủ trương của Bắc Kinh là Campuchia trở lại tình trạng trung lập cố hữu, dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Sihanouk.

Trung Quốc cũng không chống Mỹ để bảo vệ XHCN thế giới. Chiến lược của họ là thực hiện “bốn hiện đại” để TQ trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Vì lợi ích đó, TQ kiên trì tranh thủ Mỹ, Nhật và các nước phương Tây. Trong hồi ký, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ nhắc lời Phạm Văn Đồng:Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã lừa ta. Ta đã tự ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ XHCN, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng VN và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa “diễn tiến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “giải pháp đỏ”.

Chủ nghĩa xã hội là gì, mà Phạm Văn Đồng làm thủ tướng 30 năm còn bị “mắc lừa” hai đàn anh? Năm 1848, trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) Karl Marx khẳng định:” Lịch sử loài người từ khi có giai cấp đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Chế độ tư bản đã lỗi thời nhất định sẽ diệt vong và nhường chỗ cho xã hội chủ nghĩa văn minh”. Giai cấp công nhân được Marx tuyển chọn để lãnh đạo cuộc Cách mạng XHCN. Ông vạch ra sứ mạng lịch sử của họ là “lực lượng đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, tiến hành đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực thủ tiêu nhà nước tư sản và thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản”.

Trong 165 năm qua, chế độ tư bản ngày càng phát triển, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ diệt vong. Cũng chưa thấy một nước Xã hội chủ nghĩa văn minh nào xuất hiện trên hành tinh này. Đấu tranh giai cấp, xây dựng XHCH qua Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã phá nát nền tảng đạo đức dân tộc. Sau đó Hà Nội “giải phóng” miền Nam triệt hạ nền kinh tế phát triển ở đây, khiến người dân nghèo khổ phải xóa bỏ những định chế XHCN.

Trong khi đó, giới lãnh đạo CSVN luôn vọng ngoại, tìm đến “tổ quốc-xã hội chủ nghĩa” ở LX để hợp tác. Nhưng “tổ quốc XHCN” cũng đang hồi mạt vận, nên đẩy CSVN trở về với TC để họ tìm “thiên đường” XHCN ở Bắc Kinh. Phản ứng của TC ở Thành Đô như là cái tát vào mặt CSVN, cho thấy giới lãnh đạo Đảng chỉ sống trong ảo tưởng, làm khổ cả dân tộc.

Hai cuộc chiến: một nội dung, hai kết cuộc

Sau 1954, miền Nam Việt Nam trên danh nghĩa là một trong bốn nước Đông Dương. Hà Nội đã xâm lược miền Nam để tăng cường phe XHCN, nhưng che đậy dưới chiêu bài chiến đấu vì nghĩa vụ dân tộc để lừa dối người dân miền Nam và thế giới. HK can dự vào cuộc chiến, Kissinger đã mật đàm với Lê Đức Thọ để kết thúc chiến tranh. Mục tiêu của HK là một miền Nam Việt Nam hoặc một nước Việt Nam thống nhất không lệ thuộc LX, HK hoặc TC. Ba nước Đông Dương sống trong hòa bình, độc lập và trung lập như 5 nước ASEAN lúc bấy giờ.

Hội nghị Genève 1954 chia cắt Việt Nam chỉ để xoa dịu các cường quốc. HĐ Paris 1973 do HK chủ xướng sẽ giúp Việt Nam đẩy lùi ảnh hưởng các cường quốc, đưa đất nước thống nhất đi vào con đường độc lập tự chủ. Rất tiếc, CSVN đã xé bỏ hiệp định cưỡng chiếm MN, đưa cả nước vào hệ thống XHCN thế giới. Đến năm 1978, CSVN xâm lược Campuchia cũng vì mục tiêu xây dựng XHCN cả ba nước Đông Dương. Lần này, TC gây áp lực buộc Hà Nội phải rút quân về nước, để người dân Campuchia tự quyết định vận mạng của họ. Giới lãnh đạo CSVN đã gặp Giang Trạch Dân tại Thành Đô để giải quyết cuộc chiến Campuchia và thiết lập mối bang giao mới giữa CSVN và TC.

Tác giả Huy Đức viết:Năm tháng trước khi Việt Nam rút hết quân, ngày 30/4/1989, Phnom Penh quyết định đổi tên nước “Cộng hòa Nhân dân Campuchia” thành “Nhà nước Campuchia”. Ngày 18/10/1991 khi Việt Nam không còn can thiệp được vào các quyết định của Phnom Penh, Campuchia đã sửa đổi Hiến pháp theo chiều hướng từ bỏ xã hội chủ nghĩa: chấp nhận kinh tế thị trường tự do và hệ thống chính trị đa đảng. Tên nước, quốc kỳ, quốc ca, ngày quốc khánh thời Sihanouk được đưa ra dùng trở lại. Hai chữ “cách mạng” trong tên gọi Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đảng mà CSVN giúp dựng lên, đã được bỏ đi”. Từ giữa tháng 9/1991, Hun Sen bốn lần từ chối tiếp “người thầy vĩ đại của mình”. Sau 13 năm làm “thái thú” ở Campuchia, ông Ngô Điền phải rời Phnom Penh mà không được một viên chức Campuchia nào đưa tiễn”.

Đó là kết quả thảm hại của CSVN ở Campuchia sau 10 năm “xuất khẩu Cách mạng” với “con số bộ đội bị chết, bị tàn phá bởi mìn zip và mìn K58 trong 10 năm ở đây lên đến hàng trăm nghìn”. Vì XHCN mà dân tộc gánh chịu ba cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ (1946-1989), song lãnh thổ gần như toàn vẹn, chỉ mất hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa vì Công hàm năm 1958.

Đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, cũng vì bảo vệ xã hội chủ nghĩa mà CSVN phải đến Thành Đô. Nhưng sau khi thấy được hai đàn anh “phản bội” và “dạy cho bài học” về XHCN, đáng lẽ CSVN phải quay về với dân tộc. Chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở nơi sản sinh ra nó thì còn gì mà bảo vệ, nhưng giới lãnh đạo CSVN thà phản bội dân tộc chớ không thể bỏ XHCH. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Lình đã nói: “Dù TQ là bành trướng, nhưng họ là xã hội chủ nghĩa” Vì thế ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc và mấy chục ngàn cây số vuông ở vịnh Bắc Bộ trở thành của TQ, qua hai hiệp ước về biên giới năm 1999 và 2000. Rồi đây đất nước Việt Nam từng bước sẽ bị Hán hóa bằng chiêu bài xã hội chủ nghĩa.

Phải từ bỏ xã hội chủ nghĩa để đất nước tồn sinh. Mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa không còn thì vai trò của Đảng CSVN cũng chấm dứt. Nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris 1973, cầu mong mọi giới đồng bào kể cả những người lãnh đạo đất nước nhận thức được điểm cốt lõi của bản hiệp định này là HK và TC đều mong muốn Việt Nam hòa bình, độc lập và trung lập cùng với các nuớc ĐNÁ. Đó là chính sách ngoại giao mới của Việt Nam trong thời “hậu cộng sản”.

Lê Quế Lâm






1 comment:

View My Stats