Thursday, 20 December 2012

BÊN THẮNG CUỘC I : GIẢI PHÓNG / PHỤ LỤC (Huy Đức)




BỐN PHƯƠNG’S BLOG

BÊN THẮNG CUỘC  -  TẬP I - GIẢI PHÓNG

Thursday, 13 December 2012
Thursday, 13 December 2012
Thursday, 13 December 2012
Thursday, 13 December 2012
Friday, 14 December 2012
Friday, 14 December 2012
Friday, 14 December 2012
Wednesday, 19 December 2012
Wednesday, 19 December 2012
Thursday, 20 December 2012
Thursday, 20 December 2012
Thursday, 20 December 2012
Thursday, 20 December 2012








Bên Thắng Cuộc  -   Huy Đức

Cuốn I : Giải Phóng




Phụ lục 1 – Sự thật lịch sử về tăng 390 và tăng 384

Trong suốt hơn hai mươi năm kể từ ngày 30-4-1975, truyền thông trong nước đã mặc nhiên thừa nhận chiếc xe 843 của Bùi Quang Thận đã húc đổ cổng Dinh trong khi sự thật chính là xe 390. Theo Trung tá Bùi Văn Tùng: “Sau khi biết Thận là người cắm cờ, báo chí vây lấy cậu ấy. Chắc thằng Thận không nói, nhưng các nhà báo suy ra Thận cắm cờ thì 843 của Thận phải là xe vào trước. Khi về tới Long Bình, anh em đã báo cáo lên, xe 390 húc đổ cổng Dinh, nhưng khi nghe báo nói xe 843 anh em cũng cho qua. Về sau, do vụ “ai cắm cờ” đã khá bầm dập nên nhiều người nghĩ, cải chính làm chi cho phức tạp. Sau đó, Việt Nam lại xung đột với Trung Quốc mà chiếc 390 là T59, viện trợ của Trung Quốc, trong khi chiếc 843, T54, viện trợ của Liên Xô nên càng không ai nghĩ tới việc làm rõ sự kiện này”.

Lữ đoàn 203 có bốn chiếc tăng bị bắn cháy trước khi vào đến Dinh Độc Lập. Vào lúc 9 giờ sáng, những chiếc tăng của Lữ 203 đã bị chặn lại trong một trận đọ sức ác liệt giữa các chiến xa của hai bên. Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1, Ngô Quang Nhỡ, mở nắp tháp pháo nhô người ra chỉ huy đã bị bắn xuyên qua trán, chết khi chiến tranh kết thúc chỉ còn trong gang tấc. Chiếc tăng 866 khi chạy tới Thị Nghè cũng bị trúng đạn, một người chết ngay tại chỗ, một người bị thương nặng rớt xuống đường. Những người lính vào giờ phút ấy nhận ra sống sót là tấm huân chương quan trọng nhất. Trong suốt hai mươi năm, bốn người lính trên chiếc tăng 390 tiếp tục chiến đấu ở Campuchia, ở phía Bắc rồi lầm lũi mưu sinh chứ không hề tìm kiếm vinh quang. Khi coi phim tài liệu, thấy Bùi Quang Thận cầm một lá cờ rất to, loại cờ không chứa trong những chiếc xe tăng tiến vào Dinh trong ngày 30-4, Thiếu úy Lê Văn Phượng lại tặc lưỡi nghĩ rằng, “lịch sử đôi khi được làm bằng báo chí”.

Sáng 1-5-1975, khi rút về căn cứ Long Bình, Lê Văn Phượng đã viết tường trình đúng như những gì xảy ra. Anh không biết cấp trên báo cáo ra sao để “lịch sử thành văn” chỉ nhắc đến chiếc xe của Bùi Quang Thận. Những thước phim, những bức ảnh “húc đổ cổng Dinh Độc Lập” được phục dựng đã thế chỗ sự thật và số phận của những người được nói đến thật cách biệt với những người im lặng. Bùi Quang Thận sau ngày 30-4 được điều về Bộ chỉ huy, còn Thiếu úy Lê Văn Phượng và ê-kíp xe 390 được điều lên biên giới Tây Ninh, chuẩn bị cho cuộc chiến ở Campuchia, rồi tháng 3-1979 lại được điều ra tham gia cuộc chiến tranh phía Bắc. Ba người trên chiếc xe tăng 390 xuất ngũ năm 1981, một người, Lê Văn Phượng, xuất ngũ năm 1986. Kể từ đó, bốn anh em không có điều kiện gặp nhau.
Thượng úy Lê Văn Phượng ra quân, về quê; năm 1992 anh học hớt tóc, rồi dựng lều hành nghề ở bờ hào bên thành nhà Mạc, bị công an đuổi chạy lên, chạy xuống. Sau, người lính đã cho xe tăng nghiến lên cổng Dinh Độc lập ấy đã phải chạy về mở lán cắt tóc gần cổng Trường Sĩ quan Lục Quân ở Sơn Tây. Tuy không tranh dành quyền lợi ở chốn quan trường, nhưng trong thẳm sâu, người lính ấy cũng tự hào về những gì mà mình đã làm cho đất nước. Anh đem câu chuyện “húc đổ cổng Dinh Độc Lập” ra kể với các con. Nhưng, ở trường, lịch sử được dạy không giống như những gì đã xảy ra. Đứa con gái học tiểu học về khóc: “Bố nói bố chỉ huy xe 390 vào Dinh Độc lập trước tiên, con khoe với bạn học và cô, nhưng bài học dạy, bác Bùi Quang Thận lái xe vào trước và cắm cờ trên Dinh. Chúng bạn trêu con nói phét. Con xin nghỉ học”. Lê Văn Phượng chỉ biết phân trần với chính quyền địa phương nhưng nào ai biết là anh đúng hay sách đúng.

Mãi tới năm 1995, khi nữ ký giả Pháp có tên là Francoise De Mulder đến Việt Nam, những người lính tăng trên chiếc xe làm nên lịch sử ấy mới có dịp gặp nhau. Francoise De Mulder là người phụ nữ mà sau khi tăng 390 cán qua cổng Dinh đã chụp được tấm hình Lê Văn Phượng nhô đầu ra khỏi tháp xe và nhìn thấy bà trong một khoảng thời gian rất ngắn. Francoise De Mulder sinh năm 1944, sang Việt Nam làm phóng viên ảnh từ năm 1963, lúc mười chín tuổi. Năm 1976, bà có mặt ở Lebanon, nơi có hàng trăm người tị nạn Palestine bị hành quyết bởi lực lượng vũ trang cánh hữu Phalang. Tại trại tị nạn ở quận Quarantaine – Beirut, bà chụp được cảnh một phụ nữ đang van xin các binh lính tha chết cho chồng trên một đường phố đang bốc cháy, ngay giữa thủ đô Beirut. Tấm hình này đoạt giải nhất của Giải WPPA lần thứ 20, là ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm 1976. Bà cũng là nữ ký giả ảnh đầu tiên đoạt giải này. Năm 2003 De Mulder bị bệnh bạch cầu và liệt người. Năm 2005, bà mất tại Paris, thọ 61 tuổi.

Năm 1995, tại Paris, bà Francoise De Mulder tổ chức triển lãm những tấm ảnh bà chụp được trong ngày 30-4-1975. Những bức ảnh đã gây chú ý cho một sỹ quan khi ấy đang làm tùy viên quân sự tại Pháp, anh đã giúp đỡ để đầu tháng 3-1995, bà Francoise De Mulder về đến Việt Nam. Người đầu tiên mà bà gặp là anh Nguyễn Văn Tập, lái tăng 390, khi ấy đang lái xe ba gác ở Thái Bình. Rồi bà gặp anh Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội, khi ấy đang nuôi heo ở Hưng Yên. Bà không tìm ra anh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ I, vì khi ấy anh Nguyên không sống ở địa phương. Cuối cùng, bà đến Sơn Tây gặp Lê Văn Phượng đúng khi anh đang hành nghề cắt tóc. Sau cuộc gặp đó, ngày 22-6-1995, Thiếu úy Lê Văn Phượng được mời dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Lữ đoàn 203, bấy giờ đã phiên thành Trung đoàn xe tăng 203.

Ở đó, Lê Văn Phượng gặp lại Nguyễn Văn Tập và Vũ Đăng Toàn rồi cả ba được vào tham quan Dinh, bấy giờ đã có tên là Dinh Thống Nhất. Khi đó, họ mới biết chiếc tăng 843 “hiện vật” vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Tăng Thiết Giáp, Hà Nội, còn chiếc “843” sau này trưng bày trong Dinh chỉ là một chiếc tăng cùng loại được sơn và ghi số hiệu vào. Trong khi chiếc xe của Bùi Quang Thận được sơn phết, bảo dưỡng, lau chùi, nâng niu từ sau 30-4-1975 đến nay, tăng 390 vẫn rong ruổi trên chiến trường Campuchia, mãi đến sau 1995 mới được đem về Bảo tàng Tăng Thiết Giáp.

Chuyến đi của Bà Francoise De Mulder được phát trên VTV và sau đó được thể hiện lại trong một cuốn phim xúc động. Bốn chiến sĩ xe tăng 390 cũng trở nên nổi tiếng nhưng là dưới một biệt danh mới do người xem đặt ra: Ông gác đầm cá Vũ Đăng Toàn; Ông đánh giậm Nguyễn Văn Tập; Ông lái xe lam Ngô Sĩ Nguyên; Ông cắt tóc bị công an đuổi ở Bờ Hào Lê Văn Phượng. Các học viên Lục Quân sau khi biết Lê Văn Phượng qua bộ phim “Bốn chiến sĩ xe tăng 390” thường để dành tóc “đem đầu” đến tiệm cắt tóc của ông; bảo vệ trường sỹ quan cũng thương tình không đuổi. Sau một thời gian chạy xe lam, Ngô Sĩ Nguyên được một anh bạn thanh lý cho một chiếc xe Gát 69 làm phương tiện vận chuyển hàng hóa cho các chủ hàng trên tuyến Hà Nội-Thường Tín. Nhằm giúp Nguyễn Văn Tập giải quyết khó khăn, Bưu điện huyện Gia Lộc, Hải Dương, đã nhận anh vào làm bưu tá xã. Năm 2003, khi xem một chương trình giao lưu với bốn chiến sĩ xe tăng 390, một trí thức và là một nhà doanh nghiệp đã liên lạc với bốn chiến sĩ xe tăng 390, viết thư cho từng anh, tự giới thiệu mình là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty, mời các anh lên thăm. Từ tháng 11-2003, Vũ Đăng Toàn được công ty này mời về phó giám đốc một xí nghiệp sản xuất sơn giao thông và ông Nguyễn Văn Tập cũng được mời về đây vừa làm thủ kho, vừa điều khiển xe nâng hàng. Những “người hùng” kể về sự tiếp nhận của nhà doanh nghiệp này như một sự hàm ơn.


Phụ lục 2 – Tướng Big Minh sau 1975

Tướng Dương Văn Minh đã từng quyết định ở lại để “làm dân một quốc gia độc lập”, nhưng cho dù được ông Võ Văn Kiệt đối xử trân trọng, cuối thập niên 70 ông vẫn quyết định rời Việt Nam. Không chỉ do cuộc sống có những khó khăn mà có lẽ những gì xảy ra lúc ấy ở miền Nam cũng khiến lòng ông giằng xé. Tuy nhiên, ông tỏ ra hết sức cẩn trọng trong mọi ứng xử. Trước khi sang định cư ở Pháp, ông Minh hỏi bà Năm Mè (Bùi Thị Mè), “thứ trưởng” Bộ Y tế của “Cộng hòa Miền Nam” và là bạn từ thiếu thời của ông: “Tổng Lãnh sự Pháp mời cơm tôi, theo chị tôi có nên nhận lời không?”. Bà Mè đem chuyện hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông Kiệt nói: “chị kêu ảnh cứ gặp và chị nhớ đừng nói gì để anh ấy nghĩ là tôi dặn dò. Con người như thế mình nói gì thêm với họ là không cần thiết”. Trong bữa cơm với Lãnh sự Pháp, ông Tổng Lãnh sự hoan nghênh vợ chồng ông Minh đã chọn Pháp làm nơi cư trú, ông nói: “Ngài Đại sứ gửi lời thăm và muốn tôi nói với ông là Chính phủ Pháp sẽ lo hết chuyến đi của ông”. Ông Dương Văn Minh đã đáp lại: “Tôi xin cám ơn, Chính phủ của tôi đã lo hết”. Trước khi ông Minh đi Pháp, ông Kiệt kêu Thư ký Phạm Văn Hùng bố trí ở nhà bà Năm Mè một “bữa cháo gà”, theo lời ông Hùng thì hai người đã nói chuyện với nhau suốt nhiều giờ tâm đắc.

Năm 1984 khi dự Quốc khánh Cộng hòa Dân chủ Đức, sau đó đi thăm chính thức Algeria, trên đường về, ông Võ Văn Kiệt có ghé qua Pháp thăm ông Dương văn Minh, hai người đã trò chuyện khá lâu và theo ông Kiệt là rất cởi mở. Trong những ngày ở Pháp, Tướng Dương Văn Minh vẫn liên lạc với bà Năm Mè. Trong một bức thư viết tay đề ngày 28-8-1988, ông tâm sự: “Ở Montheny được cái yên tĩnh như ở làng bên mình nên tôi và “nhà tôi” rất khỏe. Cũng nhờ không khí ở đồng nên sức khỏe tốt. Đau ốm thì có bác sĩ và thuốc men đầy đủ, mỗi hai tháng đi khám sức khỏe một lần, về cả thử máu (thử đủ chuyện). Tất cả đều được miễn phí nên được yên tâm phần nào. Nhưng dẫu sao cũng nhớ nhà lắm chị Năm ơi! Nhớ bạn bè, nhớ bà con thân thuộc. Nhớ người nầy, nhớ người kia, nhất là nhớ mẹ tôi năm nay đã già mà tôi ở xa quá. Ở nhà còn hai đứa em trai và một đứa em gái nhưng tôi thấy tụi nó không biết lo cho mẹ già đúng mức…” Trong thập niên 90, khi tình hình trong nước đã khá dần lên, bản thân ông Võ Văn Kiệt cũng muốn ông Dương Văn Minh trở về Việt Nam như một minh chứng cho “Đổi mới”. Năm 1994, khi ông Hồ Ngọc Nhuận đi Pháp, có đến thăm ông Minh và tất nhiên là có chuyển lời mời của ông Võ Văn Kiệt.

Một bức thư của bà Năm Mè gửi cho ông Dương Văn Minh vào giữa thập niên 90 cho thấy việc xúc tiến đón ông trở lại Sài Gòn đã được làm khá tích cực. Bức thư viết: “Anh Hai kính mến! Năm mới chúng tôi xin chúc Anh: sức khỏe, hạnh phúc. Tôi có nhận 2 fax của cháu Đức. Chưa trả lời được cho cháu vì tôi bị cấp cứu về tim. Được fax anh, tôi vội trả lời để anh yên tâm. Tôi đã chuyển lời chúc tết của anh đến các anh em. Về chuyện nhà của anh Hai đừng bận tâm, anh em đã lo. Lài đã xây xong nhà, qua tết gia đình Lài sẽ dọn đi. Anh Hai cứ lo việc về, anh em dặn tôi viết thư cho anh để anh yên tâm… Không có gì trở ngại, anh Hai đừng lo. Anh cứ xúc tiến việc về. Mọi người đều kiểm tra nhà Lài. Bà Bảy cũng đã hứa. Sáng nay anh em cho biết sau tết là gia đình Lài sẽ dọn về nhà mới. Trong việc Anh sẽ không có gì khó khăn, mọi người đều mong Anh. Kính chúc anh sức khỏe và được đón anh một ngày rất gần đây. Các cháu rất mong cậu Hai. Nhà cửa sữa xong rồi. Kính mến”. Kèm theo bức thư của bà Năm Mè, Luật sư Trần Ngọc Liễng viết: “Kính anh Minh thân mến! Tôi hoàn toàn đồng ý với chị Năm Mè về việc yên ổn cho Anh khi trở về đây. Riêng tôi thấy có sự lưu ý giúp đỡ của các bạn của chị Năm thì trăm việc không có sơ sẩy điểm nào. Điều cần thiết là vấn đề sức khỏe của anh và sự bình yên về tâm trí thì đâu cũng là hạnh phúc cho cá nhân và cho mọi người xung quanh. Kinh chào thân mến. Liễng”.

Trong bức thư gửi bà Năm Mè đề ngày 10-4-1996, ông Dương Văn Minh đã rất nôn nóng. Ông viết: “Tôi có nhận được thơ của chị. Mỗi lần đọc thơ và tin tức ở quê hương là tôi muốn, phải chi có cánh bay về ngay thì vui biết mấy. Nếu bữa nay tôi viết chữ không được ngay ngắn, khó đọc xin chị thứ lỗi cho. Vì tôi vừa mổ xong mắt trái đến nay mỗi tuần phải đi bác sĩ khám. Có lẽ đến tháng septembre (tháng 9) họ mới mổ con mắt thứ nhì. Phải đợi lâu vì bên này họ quá kỹ và đông người mình phải đợi đến phiên mình. Tôi rất nóng lòng, lúc nào cũng mong đâu đó cho mổ để về sớm mà cứ bị kẹt chuyện này chuyện nọ hoài bực quá. Có điện nhờ chị thưa với anh Sáu để anh Sáu được rõ lòng tôi. Viết đến đây, cay mắt quá nghĩ chút sẽ viết tiếp nghe chị… Tội nghiệp Đức, lúc nào nó cũng cố gắng tìm đủ cách để giúp tôi về nước đến với quê hương. Lúc nào nó cũng đặt hết hy vọng nơi anh Sáu và chị. Nó tính là sẽ thành công. Theo những câu chuyện của nó, tôi thấy nó và Đạo (con trai bà Năm Mè- HĐ) rất hợp ý nhau. Thấy vậy tôi rất mừng. Tôi về được quê hương gặp lại mấy cháu chắc là vui lắm. Hy vọng sớm gặp nhau. Thương nhớ”.
Về sau, Bà Năm Mè có sang Pháp để gặp ông Dương Văn Minh, không rõ câu chuyện ra sao mà từ đó ông Minh bắt đầu suy nghĩ lại. Sau khi ông Minh mất tại Mỹ (6-8-2001), Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, người đã đọc Điếu văn trong Lễ tang Tổng thống Dương Văn Minh, có gửi email cho ông Hồ Ngọc Nhuận. Email, đề ngày 29-1-2004, viết: “Có mấy chuyện tôi muốn nói để anh rõ. Chuyện ông Tướng Dương Văn Minh: Sau khi bà Minh mất, ông Minh rất buồn, nhất là vì hai con dâu đối đãi với ông Minh không được đàng hoàng lắm. Trước tình trạng đó, ông Minh muốn về Việt Nam sinh sống, ông có hỏi ý tôi và tôi đã OK, chỉ cho ý kiến là về Việt Nam không nên ở “Hồng Thập Tự” (Dinh Hoa Lan) mà nên lên Thủ Đức ở vì Thủ Đức là nhà của ông trong khi nhà đường Hồng Thập Tự là nhà của Nhà nước. Ông cũng không nên có một hoạt động gì cả (Tôi cảnh giác ông Minh điều này vì thấy ở Việt Nam có nhiều phe quá, chưa chi đã có phe chửi bới ông, họ nói Nhà nước cho ông về vì xưa kia ông đã được Cách mạng móc nối…Công việc của ông Minh càng phức tạp hơn khi Đức (con trai của ông) đi về Việt Nam vận động cái gì đó và có gặp ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt có gửi cho ông Minh một cái thư mời ông Minh về, lời lẽ rất dễ thương (mà ông Minh có gửi cho tôi bản sao). Trong thời gian đó lại có bà Mè, chị vợ của anh Lý Chánh Trung hay tới lui thăm viếng, tạo một bầu không khí cách mạng náo nhiệt chung quanh ông Minh khiến nhiều người thân với ông (trong đó có mấy người bạn ông và chị Mai con gái lớn của ông) không bằng lòng. Tới một lúc nào đó, ông Minh thấy mình không chịu nổi cái ồn ào ở Paris nên ông đi Mỹ ở với chị Mai. Sau vài lần đi về như thế, ông thấy có thể ở yên bên Mỹ nên ông quyết định ở luôn”.

Cũng năm 2004, khi xem lá thư nói trên của Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, ông Võ Văn Kiệt cho biết là cá nhân ông Đỗ Mười cũng cho người tiếp xúc, với ý định mời ông Dương Văn Minh về tham gia Mặt trận Tổ quốc. Theo ông Hồ Ngọc Nhuận, vị sứ giả mà ông Đỗ Mười phái đi gặp ông Dương Văn Minh là cựu Chủ tịch Thượng viện, bà Lê Phước Đại. Ông Nguyễn Hữu Chung tâm sự tiếp với ông Hồ Ngọc Nhuận trong email đề ngày 29-1-2004: “Tôi có thể nói rằng nếu tôi khuyên ông Minh về Việt Nam thì ông đã về vì rất nhiều lần ông hỏi ý, và còn có ý rủ tôi cùng về. Nhưng tôi cảm thấy có một sự bất ổn nào đó nên đã không khuyên ông về. Tội nghiệp ông đã phải sống những năm chót trong sự cô đơn, về Việt Nam sống thì chắc vui hơn. Tôi hơi mệt nên xin phép anh tạm ngưng bút. Hẹn thư sau. Về bài Điếu văn hôm đám ma ông Minh, tôi có nhờ anh Trần Văn Sơn chuyển cho anh. Hy vọng anh đã nhận được. Chung”. Đây chính là bức thư cuối cùng của ông Nguyễn Hữu Chung gửi cho ông Hồ Ngọc Nhuận. Ông Chung sau đó đã mất ở Canada vì bệnh ung thư.

Theo ông Nguyễn Hữu Chung, ông Hồ Ngọc Nhuận và những người thân khác, Tướng Dương Văn Minh đã lặng lẽ ra đi mà không hề để lại một dòng hồi ký. Ông Minh có lẽ đã khôn ngoan quyết định cứ để cho người đời bàn cãi về việc ai đã ra lệnh giết hai anh em nhà Ngô Đình Diệm; về việc vì sao lại chọn cách đi vào lịch sử như một kẻ đầu hàng.

Huy Đức




Tác giả

Huy Đức – Trương Huy San
sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh
nhập ngũ tháng 3-1979
học viên trường Sỹ quan Hoá Học (1980-1983)
chuyên gia quân sự ở Campuchia (1984-1987)
phóng viên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, và Sài Gòn Tiếp Thị (1988-2009)
blogger của trang Osinblog (2006-2010)
Humphrey Fellow về phân tích chính sách tại Đại học Maryland (2005-2006)
Nieman Fellow về phân tích chính trị tại Đại học Harvard (2012-2013)
Liên hệ tác giả qua thư điện tử osinbook@gmail.com
Facebook:
https://www.facebook.com/BenThangCuocBook



Danh mục sách tham khảo

1.
Archimedes L. A. Patti, Why Vietnam, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007
2. Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ Cộng sản 1975 – 2005, Nguyệt san diễn đàn giáo dân và phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại cơ sở Đức quốc, 2005
3. Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2001, Nền Kinh tế trước ngã ba đường, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011
4. Ban Tuyên giáo Thành ủy – Cục Chính trị quân khu 7 Viện nghiên cứu xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2008
5. Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ yếu Thủ tướng Phan Văn Khải làm việc với Ban nghiên cứu và tổ kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ, Bản thảo ngày 13 tháng 2 năm 2004
6. Bản thảo Hồi ký Ngô Công Đức 1936 – 2007
7. Bộ Ngoại giao, Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2006
8. Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000
9. Carl Bernstein, Hillary Rodham Clinton người đàn bà quyền lực, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2008
10. Chính Đạo Việt Nam niên biểu 1939 – 1975, Văn hóa xuất bản và phát hành, 2000
11. Chương trình Khoa học Công nghệ cấp nhà nước KX.01, “Quá trình phát triển nhận thức của Đảng về con đường XHCN qua cuộc đổi mới”, Bản thảo năm 1994
12. Chuyện kể về chị Ba Thi nữ anh hùng lao động, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, 1992
13. Chuyện thời bao cấp tập 1, Nhà xuất bản Thông tấn, 2011
14. Christopher E. Goscha, Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Intergration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945-1950), “Vietnam Studies” Conference April 6, 2006, UC Berkeley.
15. Duyên Anh, Nhà tù hồi ký, Nhà xuất bản Xuân Thu, 1987
16. Dương Đức Dũng, Nhà doanh nghiệp cần biết Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1992
17. Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời chiến sĩ hồi ký, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2009
18. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1976
19. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Hành Dinh trong Mùa Xuân Toàn Thắng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000
20. Đại Việt Sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, 2003
21. Đào Xuân Sâm, Viết theo dòng đổi mới tư duy kinh tế, Nhà xuất bản Thanh niên, 2000
22. David G. Marr, Vietnam 1945, The Regents of the University of California, 1995
23. Đặng Phong, “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước đổi mới, Nhà xuất bản Tri thức, 2009
24. Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1997
25. Egon Krenz, Mùa thu Đức 1989, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2010
26. Ezra F. Vogel, Deng Xiaoping and the Transformation of China, the Belknap Press of Harvard University Press, 2011.
27. Giáo giới trong đấu tranh đô thị qua hai thời kỳ Nam Bộ kháng chiến (1945 – 1975), Bản thảo tháng 6 năm 2004
28. GS. Trần Nhâm, Trường Chinh – Một tư suy sáng tạo, một tài năng kiệt xuất, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009
29. Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, Tóm tắt Niên biểu Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, 1996
30. Henry Kissingger, Ending the Vietnam War, Simon & Schuster, 2003
31. Henry Kissinger, Những năm bão táp (Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng), Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2003
32. Hoàng Dũng, Chiến tranh Đông Dương III, Văn Nghệ xuất bản, 2000
33. Hoàng thân Norodom Shihanouk cùng Bernard Kriser, Hồi ký Shihanouk, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1999
34. Hoàng Minh Thắng, Nơi ấy tôi đã sống, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003
35. Hoàng Ngọc Thành và Trần Thị Nhân Đức, Tài liệu Sử: Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm
36. Hoàng Tùng, Những kỷ niệm về Bác Hồ
37. Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đồng chí Trường Chinh – Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, 2007
38. Hồ Ngọc Nhuận, Bản thảo Đời hay Chuyện về những người tù của tôi
39. Hồ Ngọc Nhuận, Bản thảo Tình bạn hay Những là thư tâm tình về tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam trước 1975
40. Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam 1945 – 1954, Xuân Giáp Thìn 1964
41. Hồi ký Trần Văn Giàu 1940 – 1945
42. Hồi ức Mai Chí Thọ, tập 2 Theo bước chân lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ, 2001
43. Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương
44. Hội thảo Khoa học Lịch sử phát triển Kinh vĩnh tế, Sở Khoa học Công nghệ môi trường An Giang, 1999
45. Huỳnh Bá Thành, Vụ án Hồ Con Rùa, Phụ bản báo Tuổi trẻ, 1983
46. Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự Thật, 1985
47. Lê Hoài Nguyên, Vụ Nhân văn – giai phẩm từ góc nhìn Một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc Cách mạng văn học không thành
48. Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945 – 1995, Tiên Rồng xuất bản, 2004
49. Lịch sử Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Gia Định và các thành thị Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1928 – 1975), Bản thảo tháng 9 năm 2004
50. Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, Phong trào đấu tranh của công nhân Nam Bộ 1945 – 1975, Bản thảo tháng 6 năm 2004
51. Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ – Kissinger tại Paris, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2002
52. Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Thông tấn xã Việt Nam, 2008
53. My life Bill Clinton, William Jefferson Clinton, 2004
54. Ngã ba Đồng Lộc – Ngã ba anh hùng, Bản thảo năm 1971
55. Nghiêm Xuân Hồng, Cách mạng và hành động (1789 – 1917 – 1933 – 1949), Quan điểm xuất bản
56. Ngô Điền, Campuchia nhìn lại và suy nghĩ, Bản thảo ngày 30 tháng 7 năm 1992
57. Ngô Thảo, Dĩ vãng phía trước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2011
58. Nhớ về anh Lê Đức Thọ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000
59. Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003
60. Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận Văn hóa – Tư tưởng, Nhà xuất bản Văn hóa, 1980
61. Những sự kiện lịch sử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh (1975 – 1995) tập 1
62. Những sự kiện lịch sử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh (1975 – 1995) tập 2
63. Những sự kiện lịch sử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh (1975 – 1995) tập 2
64. Nguyễn Đình Đầu, Tìm hiểu Thềm lục địa – biển Đông hải đảo Việt Nam, Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, 2009
65. Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan Thanh Giản, Tủ sách Sử học Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974
66. Nguyễn Khánh, Phong cách Võ Văn Kiệt, Bản thảo ngày 20 tháng 10 năm 2009
67. Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Lửa thiêng xuất bản, 1970
68. Nguyễn Thị Ngọc Hải, Chuyện đời Đại sứ, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2012
69. Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trở lại xứ Ka Đô, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2011
70. Nguyễn Nhật Lâm, Trở lại, Nhà xuất bản Văn học, 2012
71. Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Nhà xuất bản Nam Sơn, 1963
72. Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự Thật, 1991
73. Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nhà xuất bản Sự thật, 1985
74. Nguyễn Văn Linh, Hành trình cùng lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ, 1999
75. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và Quốc hội
76. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng thống Thiêu, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2010
77. Nguyễn Xuân Oánh, Đổi mới vài nét lớn của một chính sách kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 2001
78. Nguyễn Văn Xương, Lược dịch và chú giải Sắc lệnh điền thổ 21 tháng 7 năm 1925, in lần thứ nhì, 1971
79. Peter Braestrup, Big Story, Presidio, 1977
80. PGS Đào Công Tiến, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Giáo dục và đào tạo – mấy cảm nhận và đề xuất, Bản thảo tháng 6 năm 2009
81. PGS Đào Công Tiến, Với các Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI – Mấy trao đổi, đóng góp, Bản thảo năm 2005
82. Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2007
83. Phạm Sơn Khai, Hồi ký
84. Phan Lạc Phúc, Bè bạn gần xa, Nhà xuất bản Văn nghệ, 2000
85. Philip Short, Polpot, John Murray, 2004
86. Phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài gòn – Gia Định trong Nam Bộ kháng chiến (1945 -1975), Bản thảo tháng 5 năm 2004
87. Quốc triều Hình luật, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995
88. Stanley Karnow, Vietnam A History the first complete account of Vietnam at War, WGBH Educational Foundation and Stanley Karnow, 1983
89. Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941, University of California Press, 2002.
90. Tạ Chí Đại Trường, Sử Việt đọc vài quyển, Nhà xuất bản Văn Mới, 2004
91. Tạ Chí Đại Trường, Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861 – 1945), Nhà xuất bản Tri thức, 2011
92. Tạ Chí Đại Trường, Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài
93. TGM F. X Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Công đoàn Đức Mẹ La Vang ấn hành, 2000
94. Thành ủy – Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Viện lịch sử Quân sự Việt Nam, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1998
95. Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy, Biên Niên sự kiện (1986 – 1995), Bản thảo năm 2000
96. Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2002
97. Thượng tướng Trần Văn Trà, Những chặng đường của “B2 – Thành đồng” tập V Kết thúc chiến tranh 30 năm, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1982
98. Trần Công Tấn, Nguyễn Chí Thanh sáng trong như ngọc một con người, Nhà xuất bản Văn học, 2009
99. Trần Quang Cơ, Hồi ức và suy nghĩ, Bản thảo năm 2003
100.Trần Quốc Hương, Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh, Bản thảo tháng 5 năm 2002
101.Trần Quỳnh, Những kỷ niệm về Lê Duẩn (trích)
102.Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002
103.Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nhà xuất bản Vĩnh Sơn, 1969
104.Tuyển tập Đào Duy Tùng tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2008
105.Tuyển tập Đào Duy Tùng tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2008
106.Tướng Nguyễn Văn Vịnh – Như anh còn sống, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
107.Trần Huy Chương, Campuchia Hậu UNTAC, Hồi ký – bản thảo 2002.
108.Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Đề án Quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, khắc phục tình trang ùn tắc giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bản thảo tháng 11 năm 2007
109.Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Viện kinh tế, Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học “Kinh tế vỉa hè” tại thành phố Hồ Chí Minh: Hiện trạng và các giải pháp, Bản thảo tháng 1 năm 2005
110.Văn phòng Quốc hội, Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2006
111.Văn kiện Đảng toàn tập 1 (1924 – 1930), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1998
112.Văn kiện Đảng toàn tập tập 36 (1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004
113.Văn phòng Chính phủ, Hội thảo Khoa học Tuyển tập các báo cáo toàn văn, Hà Nội tháng 9 năm 2000
114.Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, Bản thảo tháng 4 năm 2005
115.Viện nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Đô thị hóa ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn Lịch sử – Văn hóa, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2008
116.Viện nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Những vấn đề nghiên cứu, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2009
117.Việt Nam cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới 1975 – 2004, Nhóm nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, 2004
118.Vĩnh Sính, Nhật Bản cận đại, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh Khoa Sử trường Đại học Sư Phạm, 1991
119.Võ Nhơn Trí, Việt Nam cần đổi mới thật sự, Đông Á xuất bản, 2003
120.Võ Văn Kiệt, Quyết thắng trên mặt trận Văn hóa và Tư tưởng, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1981
121.Vũ Đình Hòe, Hồi ký Thanh Nghị tập 1, Nhà xuất bản Văn học, 1997
122.Vũ Đình Hòe, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ, 2008
123.Vũ Mão, Ngọn cờ tiên phong, Bản thảo năm 2005
124.Vũ Quốc Thông, Pháp Chế Sử Việt Nam, Tủ sách Đại học Sài Gòn, 1971
125.Zhao Ziyang, Prisoner of the State, Simon & Schuster, 2009
126.Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885, Nhà xuất bản Tri thức, 2011
















No comments:

Post a Comment

View My Stats