Saturday 29 December 2012

LÝ THUYẾT SỔ HƯU của ĐẠI TÁ THANH (Trần Vinh Dự)




26.12.2012

Trong những ngày cuối năm 2012 này, một nhân vật bình thường của Việt Nam bỗng trở nên nổi tiếng/tai tiếng. Bài phát giảng được thu âm của ông Trần Đăng Thanh về chính trị và quốc phòng cho lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội không những trở thành một chủ đề nóng được đem ra bình luận ở khắp nơi trong số các nhóm người Việt trong và ngoài nước mà còn được Asia Times đưa tin với tựa đề giật gân “các bí mật quốc gia bị tiết lộ ở Việt Nam”.

Theo giới thiệu trong băng ghi âm, người giảng/báo cáo là Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Thanh thuộc Học viện Chính trị của Bộ Quốc phòng. Người nghe là các lãnh đạo đảng ủy khối, lãnh đạo đảng, tuyên giáo, công tác chính trị, quản lý sinh viên, đoàn, hội thanh niên các trường đại học - cao đẳng Hà Nội. Nội dung chính của bài giảng là về tình hình Biển Đông và chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông.

Ông Trần Đăng Thanh tỏ ra khá am hiểu về tình hình tranh chấp trên Biển Đông. Ông khẳng định Trung Quốc là nước có nhiều hành động xâm lấn “hơn”. Ông cho rằng “Nhiều hơn là Trung Quốc. Một là họ đẩy mạnh tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc tạo dựng hành lang pháp lý với quốc tế, đấy là việc làm đầu tiên của họ. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là Hoàng Sa […]. Thứ ba là ngăn cản phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của ta. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống. Thứ năm, thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của chúng ta. Thứ sáu, tìm mọi cách để hạ đặt giàn khoan trên biển của ta nếu ta không ngăn chặn kịp thời. Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường hợp ta không có người chốt giữ, nếu mà ta sơ xểnh cái là nó cướp luôn. Và đích cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.”

Tuy nhiên, lý thuyết mà Đại tá Thanh đưa ra liên quan đến cách đối phó với Trung Quốc, hay nói cách khác, là chính sách của nhà nước Việt Nam về Biển Đông, cái mà ông gọi “là cốt lõi nhất để định hướng cho các thầy và các thầy lại truyền lửa cho sinh viên đấy” thì lại rất hoang đường.

Không chỉ chĩa mũi dùi vào Trung Quốc

Đầu tiên, ông cho rằng về mặt nhận thức chung, thì Việt Nam không “được phép là chĩa mũi dùi vào một phía nào đó mà hiện nay thiên hướng là cứ tập trung vào mỗi ông Trung Quốc”. Ông cho rằng nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi một mình Trung Quốc là hoàn toàn chưa đúng, chưa chính xác mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam với các nước ASEAN.

Lý do theo ông Thanh là, mặc dù Trung Quốc trong suốt lịch sử thời phong kiến đã có tới “trên dưới hai chục lần các triều đại phong kiến Trung Quốc đã từng xâm lược Việt Nam”, thế nhưng “trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa.”

Ngược lại, Phó Giáo sư Thanh, người không biết nói tiếng Anh, cho rằng nước “Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.” Ông khuyến cáo “Để thay đổi Việt Nam, Mỹ cần phải dựa vào kinh tế và chất xám của thế hệ trẻ Việt Nam được học tập và đào tạo tại Mỹ và phương Tây […] Cho nên một trong 9 mũi tiến công là người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta.”

Ba không bốn tránh

Về mặt nguyên tắc để xử lý vấn đề Biển Đông, ông Thanh đưa ra 7 nguyên tắc mà ông gọi là “3 không, 4 tránh”.

Ba không, theo ông là thứ nhất không được mất là chủ quyền và quyền chủ quyền. Thứ hai không được mất là môi trường hòa bình, và thứ ba không được mất là mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Ông cho rằng nếu hai cái “không” đầu tiên mâu thuẫn với nhau, thì “phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình” - tức là ông đặt hoà bình lên trên việc mất chủ quyền. Lý do theo ông Thanh là nếu “để xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm”.

Biện minh cho cái “không” thứ ba, ông lập luận “lịch sử giao cho dân tộc chúng ta phải sống bên cạnh cái nước ta bảo họ tư tưởng nước lớn, không phải tư tưởng, họ là nước lớn thật sự. Nói tư tưởng thế nào được, họ là nước lớn thật sự. Dân số của họ là 1 tỷ 354 triệu người dân, ta có 87 triệu, họ là nước lớn thật sự”. Vì thế, ông cho rằng “cho nên ta phải học tập cha ông chúng ta”. Ông dẫn ra câu chuyện của nhà Lê sau khi chém Liễu Thăng vẫn phải “sang cống nạp để làm sao hòa hiếu giữ cho muôn đời không phải chiến tranh”.

Bốn cái tránh, theo Đại tá Thanh là (1) tránh đối đầu quân sự, (2) tránh đối đầu toàn diện, (3) tránh bị bao vây cô lập, và (4) tránh lệ thuộc nước ngoài. Ông không đưa ra giải thích nào về việc tại sao phải có 4 cái tránh này.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng phản đối chính thức

Theo Đại tá Thanh, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là phải “kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích và phải kiên định, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.” Đó là các nguyên tắc chung, nhưng các hành động cụ thể là gì?

Ông đưa ra hai ví dụ. Ví dụ đầu, theo ông, là “hành động đấu tranh kiên quyết, kiên quyết đỉnh cao”. Đó là việc “đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta sang tận bên kia nói rõ, và nói rõ với Hồ Cẩm Đào rằng: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý, các đồng chí không nhất trí, tôi với các đồng chí cùng ra tòa quốc tế. Tòa án quốc tế xử lý như thế nào thì tôi chấp nhận như thế. Tổng Bí thư ta đã khẳng định như vậy đấy.” Ông cho rằng “như vậy là rất kiên quyết rồi, không có úp mở gì cả, ta không có né không có tránh gì cả.”

Ví dụ thứ hai mà Đại tá Thanh đưa ra là “vừa rồi cuộc đấu tranh mới nhất là Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc đã trả lời rất rõ: vấn đề đó là của Việt Nam.”

Ông Thanh không đưa ra khuyến nghị nào hướng dẫn cho sinh viên, thanh niên tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

(còn tiếp)

28.12.2012

Không được cho sinh viên biểu tình

Cuối phần trình bày, ông Thanh xoáy vào việc quản lý sinh viên của lãnh đạo các trường đại học. Theo ông, “bất cứ một quốc gia nào cũng thế, lực lượng thanh niên, lực lượng sinh viên là đội ngũ trí thức, là rường cột của quốc gia.” Và vì thế, “các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề này để […] gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Theo ông Thanh, chỉ có một số bộ phận nhỏ sinh viên tham gia vào các hoạt động biểu tình “chứ đại bộ phận học sinh, sinh viên của chúng ta là tốt. Và số này rất ít thôi nhưng nó đang lợi dụng vấn đề này để mà gây rối, yêu nước nhưng mà phải đúng lúc.”

Ông còn mỉa mai những thanh niên tham gia biểu tình rằng “tôi bảo với các đồng chí, mấy vị biểu tình ấy viết đơn tình nguyện ra Hoàng Sa, Trường Sa đi xem có đi không hay lúc đó lại kêu em đau khớp, kêu em đau dạ dày.” Ông cũng ám chỉ các sinh viên này được ai đó cho tiền để tham gia biểu tình gây rối khi nói rằng “nhưng nó cho mấy chục nghìn để thế nọ thế kia.”

Đại tá Thanh cũng doạ lãnh đạo các trường rằng “nếu trường đại học nào còn để sinh viên tham gia biểu tình bất hợp pháp trước hết khuyết điểm thuộc về các đồng chí hiệu trưởng và ban giám hiệu trường đó, trước hết thuộc về bí thư đảng ủy - phòng quản lý sinh viên của trường đại học đó. Nếu để cho công an thành phố Hà Nội hoặc v..v… người ta giữ sinh viên của mình, người ta điện mời thầy nọ mời thầy kia, ở trường nọ ở trường kia đến nhận sinh viên của mình thì đấy là khuyết điểm của chúng ta”.

Lý thuyết sổ hưu của Đại tá

Xâu chuỗi các quan điểm của Đại tá Thanh qua phần trình bày của ông, có thể thấy một “lý thuyết” mà ông thực sự tin vào. Đó là:

Thứ nhất, tranh chấp ở Biển Đông không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có nhiều nước khác tham gia vào cuộc cờ này. Nếu không khéo, Việt Nam sẽ bị lợi dụng để trở thành quân bài của nước khác.

Thứ hai, trong số các nước tranh chấp, mặc dù Trung Quốc là bên có nhiều hành động xâm lấn, nhưng họ vẫn là bạn tốt. Họ đã từng giúp đỡ Việt Nam một cách thực lòng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (ông quên không nhắc tới việc Trung Quốc đánh Việt Nam hồi năm 1979). Khác với phương Tây (mà cụ thể là Mỹ), là những nước “chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta”, đã từng gây tội ác ở Việt Nam, và “tội ác của họ trời không dung, đất không tha”. Thế nên không bao giờ được ngộ nhận và ngả theo Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Thứ ba, có vẻ như ông tưởng rằng với tư cách là bạn tốt, nếu Việt Nam cứ mềm mỏng thì Trung Quốc sẽ không làm quá. Mặc dù họ vẫn có hành động xâm lấn nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tấn công quân sự để chiếm các đảo đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam. Đây cũng là đúc kết lịch sử của ông về việc các triều đại phong kiến của Việt Nam luôn nhũn nhặn với Trung Quốc, ngay cả khi chiến thắng vẫn nộp cống và xưng thần. Đó là cách để tránh chiến tranh.

Thứ tư, Trung Quốc là nước lớn. Trung Quốc quá mạnh và Việt Nam quá yếu. Vì thế cho dù Việt Nam không muốn nhẫn nhịn thì cũng không được. Khi Trung Quốc “đá” thì Việt Nam phải “né” chứ không được đá lại. Nếu đá lại, Việt Nam sẽ phải đối mặt với chiến tranh, mà nếu “để xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm”.

Thứ năm, kết hợp các yếu tố trên, cái tốt nhất mà Việt Nam có thể làm là đấu tranh với Trung Quốc trên danh nghĩa tình đồng chí, và tranh luận thẳng thắn với Trung Quốc trên danh nghĩa tình đồng chí. Ông đưa ra ví dụ về chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với ông Hồ Cẩm Đào để chứng minh sự quyết liệt của Việt Nam. Đương nhiên ai cũng hiểu Trung Quốc không bao giờ chịu ra toà án quốc tế. Vì vậy đưa ra toà án quốc tế không phải là cách có thể thực hiện được.

Thứ sáu, những kênh đấu tranh khác như biểu tình là không thể chấp nhận được. Ông không nói rằng biểu tình sẽ làm phật ý Trung Quốc nhưng ông cho rằng biểu tình sẽ gây nguy hiểm đến an ninh chính trị, để các thế lực chống phá lợi dụng lật đổ chế độ.

Theo ông, việc chống biểu tình vì thế là một việc rất thiết thực. Thiết thực vì nó ảnh hưởng đến chính miếng cơm manh áo của những người như ông và lãnh đạo các trường học, những người đang có hoặc sẽ có “sổ hưu”. Ông nói “Bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây.”

Lửa thiêng hay thuốc tê

Lý thuyết của Đại tá Thanh thể hiện sự lạc hậu về tư tưởng. Ông vẫn còn tư duy thời Chiến tranh lạnh khi nhận xét về chính trị thế giới, về diễn biến hoà bình, về tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung Quốc… Lý thuyết này ít nhiều mang tâm thế của một kẻ nô lệ trong quan hệ với Trung Quốc khi cho rằng Việt Nam không được xử sự theo kiểu “vong ân bội nghĩa”.

Nó cũng thể hiện sự bạc nhược của một người sắp đến tuổi lấy sổ hưu. Bạc nhược ở chỗ nó thừa nhận gần như bế tắc trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Nó không đưa ra được bất cứ cách phản ứng thông minh nào hơn là các phản đối chính thức theo kiểu tình đồng chí. Nó cũng bạc nhược ở chỗ lo sợ các hoạt động biểu tình của sinh viên, thanh niên, trí thức (dù ông có nói đó chỉ là một bộ phận nhỏ), vì lo các cuộc biểu tình này sẽ hướng mũi dùi vào nhà nước, và vì thế gây nguy hại tới “cái sổ hưu” của những người như ông.

Thế giới đã thay đổi và đang tiếp tục thay đổi mau chóng. Quan hệ chính trị giữa các nước hiện nay không còn dựa nhiều vào ý thức hệ và tình đồng chí như hồi thế giới bị phân làm hai cực. Các lợi ích chiến lược giữa các nước hiện nay đan xen chồng chéo vào nhau, và các bên đều hành động vì lợi ích cao nhất của đất nước mình. Câu chuyện phương Tây đang thực hiện “diễn biến hoà bình” để lật đổ chế độ cộng sản ở nước khác vì lý do ý thức hệ là câu chuyện tưởng tượng hoang đường.

Trong một môi trường chính trị như vậy, lối tư duy thời Chiến tranh lạnh trước đây không còn thích hợp nữa. Nếu cố tình sử dụng lối tư duy này thậm chí có thể gây ra những sai lầm và tổn thất tai hại cho đất nước.

Đại tá Thanh chỉ là một giáo viên giảng dạy chứ không phải là một nhà hoạch định chính sách. Phát ngôn của ông cũng không mang tính đại diện cho đường lối và chủ trương của nhà nước Việt Nam. Vì thế, bài giảng này không có cái gì là bí mật quốc gia giống như Asia Times giật tít.

Thế nhưng nói như thế không phải là nó không nguy hiểm. Vì nó là bài giảng mang tính định hướng tư tưởng cho nhóm người mà ông Thanh gọi là “nguyên khí quốc gia” - tức là các lãnh đạo của các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Những người mà, theo cách nói của ông Thanh, sẽ có vai trò truyền lại “lửa” cho học sinh sinh viên của nước nhà. Có vẻ như lý thuyết và tư tưởng của ông Thanh không phải là ngọn lửa thiêng giúp thanh niên, sinh viên, và trí thức phấn khởi đóng góp vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đổi lại, nó giống như một liều thuốc tê làm tê liệt mọi sự hứng khởi và tin tưởng, nó góp phần tạo ra một bầy cừu, một bầy cừu chỉ biết im lặng kể cả khi phải sắp hàng đi vào nhà máy giết mổ.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


-----------------------------------


VỀ ĐẠI TÁ TRẦN ĐĂNG THANH
Biết thì thưa thốt    -   Huỳnh Văn Úc  (Nguyễn Tường Thụy’s Blog)    23-12-2012
CÔNG VÀ TỘI CỦA ĐẠI TÁ TRẦN ĐĂNG THANH   -   Đào Tiến Thi  (BA SÀM)  23-12-2012
Quỹ hưu cho các cán bộ cộng sản cũ  -  Quang Tường  (DienDanCTM )  23-12-2012
Dốt nát như thế, giảng bài không xấu hổ sao? - Hà Văn Thịnh   (Bauxite VN  -  21/12/2012)
Sổ hưu      (Xuân Thọ  -  Dân Luận  -  21/12/2012)
ÔNG THANH ĐÁNG BỊ CHỬI TỤC   (Minh Diện  -  Blog Bùi Văn Bồng   -   20/12/2012)
Câu chuyện cái sổ hưu   -   Huỳnh Văn Úc   (Nguyễn Tường Thụy's Blog   -    20/12/2012)
Mang ơn Trung Quốc đến bao giờ?   Gia Minh – RFA  20-12-2012






1 comment:

View My Stats