Friday, 21 December 2012

THƯ của ông PHẠM VĂN ĐIỆP gửi ĐẠI SỨ VIỆT NAM TẠI NGA về vụ ĐẠI TÁ TRẦN ĐĂNG THANH (Phạm Văn Điệp)




Thứ năm, ngày 20 tháng mười hai năm 2012

Kính gửi Ngài Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam lại Liên Bang Nga

Sau khi tôi đọc được nội dung bài phổ biến chủ trương của nhà nước trong báo cáo của Đại tá Trần Đăng Thanh trước toàn thể lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học-Cao đẳng Hà Nội, tôi vô cùng lo ngại trước những chủ trương tuyên truyền không đúng, không đầy đủ về nước Nga và bất lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam khi tuyên bố “ chắc chắn chúng ta cũng sẽ không cho bất cứ nước ngoài thuê mướn, bất cứ một quốc gia nào bởi vì chúng ta cũng đã ký với một số quốc gia, không cho bất cứ một quốc gia nào thuê mượn hoặc đóng đồn trú trên địa bàn của chúng ta để uy hiếp an ninh quốc phòng đối với những quốc gia khác.”

Tôi xin nêu các bất đồng và ý kiến như sau:

1. Theo bài báo cáo cho khối các trường cao đẳng đại học của Đại tá Trần Đăng Thanh: Chủ trương bảo vệ Tổ Quốc thời XHCN để không mất cái sổ hưu của những đại biểu ngồi nghe không những hạ thấp tâm huyết, nhân phẩm của những người ngồi nghe mà tệ hại hơn nữa là bịa đặt, bôi nhọ thực tiễn phát triển của Liên bang Nga để cảnh cáo những người nghe đó là luận điệu khó chấp nhận. Tôi đã ở nước Nga đến hôm nay là chẵn 20 năm, tôi chứng kiến từng đổi thay của Liên Bang Nga. Quan điểm của tôi luôn cho rằng người Nga đã lựa chọn đúng đắn khi giải thể chế độ do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo, và như một hiện tượng tự nhiên khi thay đổi cơ chế, chế độ cũng như khi phải loại bỏ một căn bệnh trên một con người thì phải có thời điểm buộc người bệnh phải nghỉ việc, phải đoạn tuyệt với những môi trường tạo bệnh, thậm chí phải tiêm mê để giải phẫu thuật để chưa trị. Đó không phải là hiện tượng xấu mà đó là hiện tượng phải cần có để có được một con người, đất nước khỏe mạnh và phát triển sau này. Từ chỗ thiếu thốn, xếp hàng cả ngày mà ngày nay họ dư thừa nhiều thứ thì không thể gọi là tồi tệ.
Liên bang Nga giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô trong khoảng 1 thời gian ngắn, sau đó Đảng Cộng Sản vẫn được hoạt động bình thường và bình đẳng như các Đảng khác trong đất nước Liên Bang Nga. Những ai thiết tha và có nguyện vọng tham gia sinh hoạt Đảng Cộng sản Nga đều tự do, không bị hạn chế cấm đoán. Thực tế này không như tuyên truyền của phía nhà nước Việt Nam rằng Tổng Thống LB Nga Boris Yeltsin cấm ĐCS hoạt động, Đảng CS chỉ bị cấm hoạt động một thời gian theo sắc lệnh số 169 ngày 6.11.1991 nhằm ngăn chặn Đảng CS chống Hiến pháp,việc tẩu tán tài sản tiền của và sau đó Đảng CS vẫn hoạt động và phát triển bình đẳng cũng dưới thời Boris Yeltsin cho đến tận hôm nay. Cũng như không như tuyên truyền của nhà nước Việt Nam rằng Tổng Thống LB Nga Boris Yeltsin ra quyết định “không trả lương cho những người đã từng tham gia chính quyền Sô Viết.”. Trước sự thật của nước Nga mọi công chức vẫn tiếp tục làm các công việc theo chuyên môn của mình và khi đến tuổi về hưu vẫn nhận được lương hưu theo chế độ chung, thâm niên được tính những năm phục vụ trong thời Xô Viết vẫn đầy đủ. Ngày nay những người đã từng phục vụ thời Xô Viết ai cũng có lương hưu theo chính sách chung.

Có thể nói chỉ vì sổ lương hưu mà bịa đặt và bôi nhọ sự phát triển của Liên Bang Nga là một lý luận sai trái và bất lương, tôi rất mong phía lãnh đạo Việt Nam phải chấm dứt kiểu tuyên truyền rẻ rúng như vậy và phải đính chính, khắc phục sự lan truyền không tốt về chính trị Liên Bang Nga. Chỉ có Đảng CS có lựa chọn sai trái chứ nhân dân Liên Bang Nga không lựa chọn sai khi xây dựng chế độ nước Nga như hiện nay. Nếu chủ trương của nhà nước Việt Nam không đứng đắn với Liên Bang Nga thì tôi và những người đang sống và làm việc ở Nga sẽ vô cùng có lỗi với nhân dân nước sở tại. Tôi không muốn bị họ cho rằng mình là kẻ vừa dựa vào họ vừa bôi nhọ họ.

2. Việc nhà nước Việt Nam theo quan điểm của Trung Quốc để cho rằng Hoa Kỳ hoặc Nga thuê quân cảng hoặc đồn trú ở cảng Cam Ranh là uy hiếp an ninh quốc phòng đối với những quốc gia khác ( nói thẳng ra thì đó là Trung Quốc ) không những không có cơ sở mà bỏ lỡ các cơ hội hợp tác với nhiều nước, cụ thể mà tôi quan tâm là Liên Bang Nga. Như vậy việc nhà nước Việt Nam có chủ trương phụ thuộc vào các giao kèo vì an ninh của Trung Quốc mà để cho an ninh nước nhà bị uy hiếp và đe dọa thường xuyên mà không có đối tác tin tưởng. Theo nhận định riêng của tôi, Liên Bang Nga hoặc Hoa Kỳ có khả năng tấn công hủy diệt đối phương của họ mà không cần dùng đến bất cứ căn cứ quân sự nào của họ ở các nước khác. Vũ khí của họ rất hiện đại và đủ tầm để thực thi các nhiệm vụ đe dọa bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vị trí cảng Cam Ranh nếu họ thuê thì cũng là chỗ lưu trú nghỉ ngơi, dịch vụ sửa chữa , tiếp tế nhu phẩm và chủ động bảo vệ các phương tiện của họ ghé qua chứ họ không cần dùng vị trí đó để đe dọa Trung Quốc. Nếu họ có xung đột với Trung Quốc thì họ chỉ cần sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của họ, vẫn tiêu diệt được toàn bộ lãnh đạo Trung Quốc hay triệt phá các điểm cần phá trên lãnh thổ Trung Quốc. Chính vì vậy cảng Cam Ranh chỉ là một cảng kinh tế không đe dọa Trung Quốc. Việc kiên quyết từ chối nếu Nga có ý định thuê cảng Cam Ranh là một quyết định cứng nhắc và có thể tạo ra một quan hệ bất lợi về chiến lược cho cả 2 nước Việt Nam và Liên Bang Nga. Trong thực tiễn trước đây, Liên Xô đã thuê cảng Cam Ranh và khi xảy ra chiến tranh Trung Việt thì Trung Quốc đã không coi căn cứ Cam Ranh có tác dụng uy hiếp Trung Quốc mà những căn cứ quân sự trên lãnh thổ Liên Xô lúc đó mới có giá trị uy hiếp Trung Quốc. Kết quả chiến tranh Trung Việt được chấm dứt sớm, không leo thang là do Việt Nam biết tạo điều kiện cho hợp tác Việt Nam Liên Xô khi họ muốn thuê cảng Cam Ranh. Như vậy, việc cho thuê Cam Ranh để có các quan hệ tạo ra kết quả không cho chiến tranh xảy ra hoặc nếu bất ngờ xảy ra chiến tranh nhưng có thể không cho leo thang sẽ có lợi cho tất cả các bên tham chiến.

Trong lịch sử Việt Nam, nước Nga chưa bao giờ có hành động và mưu đồ xâm lược Việt Nam, thậm chí cho hiến dâng Việt Nam thì họ cũng không có truyền thống quản chiếm, nhưng Trung Quốc thì ngược lại, họ thường xuyên có các hành động xâm lược và đồng hóa nước ta, nếu hiến dâng thì họ xơi ngay và Việt Nam luôn ở trạng thái hoàn cảnh bị đe dọa. Do đó không cởi mở các hợp đồng với Liên Bang Nga thì coi như đó là tự tạo ra quan hệ bị cô lập và vô cùng nguy hiểm cho an ninh quốc gia Việt Nam sau này.

3. Trong bài báo cáo chủ trương của nhà nước vô cùng chủ quan khi mọi người đều hiểu giữa Việt Nam với Trung Quốc đang có quan hệ “ Tay cứ bắt mà chân cứ đá “. Nếu ai đã từng xem ông Putin luyện tập Giudo thì sẽ thấy hình ảnh ông giữ tay và đá chân đối phương, mọi người được thưởng thức một pha quật ngã nhanh nhẹn đẹp mắt của ông. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy cảnh ông tập với một đối phương nặng ký hơn 10 lần, cho dù huấn luyện viên có tài kiểu gì đi nữa thì cũng không thể tạo ra được một pha quăng quật để cho rằng đối thủ nặng ký đó thua. Trên mọi sàn đấu cũng vậy, chưa có trận đấu nào mà phần thắng thuộc về đấu thủ nhẹ ký bằng 1/10 đối phương. Vậy làm sao có thể coi thường những cú đá của đối phương gấp hơn 15 lần như tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đá với sức của kẻ khổng lồ gấp hơn 15 lần Việt Nam thì chúng ta sẽ nguy hiểm vô cùng. Chính vì vậy mà tôi thấy quan điểm hời hợt khi đã biết Trung Quốc hay đá ( cụ thể là đánh chiếm, giết chóc và phá hoại ViệtNam) mà nhà nước Việt Nam vẫn không tìm cho mình một hệ thống phòng thủ tin cậy thì đó là một chủ trương mạo hiểm và vô trách nhiệm.

4. Sau ngày 21.12.2012 là hơn 20 năm tôi được sinh sống và làm việc ở Liên Bang Nga, sinh hoạt xã hội và chính trị của Nga có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, đặc biệt là sinh hoạt chính trị đa đảng. Tôi có nguyện vọng sẽ về Việt Nam trong thời gian tới phổ biến mô hình sinh hoạt chính trị này ở Việt Nam, bước đầu là vận động hành lang để Quốc hội ban hành “Luật về các tổ chức xã hội”, sau đó sẽ cổ vũ mọi người thành lập các tổ chức xã hội và các đảng cũng được thành lập theo luật đó. Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng phải đăng ký lại theo luật này để tránh sau này bị tố cáo và buộc đình chỉ, giải tán như đã từng xảy ra ở Nga.Tiếp theo đó là bầu cử tự do mà các ứng cử gồm những người tự ứng cử hoặc được các tổ chức Đảng cử ra. Theo quan điểm này của tôi thì chỉ có như vậy mới có thể tìm hoặc nhận biết được các xu hướng chính trị trong dân chúng một cách đa dạng và toàn diện. Từ đó mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước được nhìn nhận thông thoáng, không bị bế tắc hay mâu thuẫn, bất cập như hiện nay.

Tôi rất mong Ngài Đại sứ xem xét sự bất đồng của tôi, giúp chuyển góp ý đến lãnh đạo nhà nước Việt Nam và tôi yêu cầu không trù dập, ngăn cản những hành vi của tôi khi tôi thực hiện hóa những quan điểm bất đồng trên cũng như nên chấm dứt bôi nhọ, lấy mô hình phát triển của Liên Bang Nga để hù dọa tương lai rường cột của Việt Nam.

Liên Bang Nga 21.12.2012
Công dân Việt Nam Phạm văn Điệp
Tel : +79114039999 và +79095726789

Kiêm Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam và Hội hữu nghị Việt – Nga ở tỉnh Karelia








No comments:

Post a Comment

View My Stats