Thu, 12/20/2012 - 05:44 — tuongnangtien
Sau gần nửa thế kỷ mang họ Bác, và lầm
lũi đi theo con đường mà Bác kính yêu đã chọn thì ước mơ của những người dân
mang theo họ Hồ – ở huyện Trà Bồng – vẫn chỉ giới hạn ở những “bữa cơm no
bụng.” Nhưng chỉ sau ba năm đi xuất khẩu lao động thì cuộc sống được cải
thiện ngay: mua được “các vật dụng cần thiết trong gia đình.”
Trong các vật dụng cần thiết này, tôi
đoán chừng, có cái TV Và chính nó là thủ phạm đã khiến cho những người dân
miền núi (ở Quảng Ngãi) trở nên ... vọng ngoại.
Người Mỹ thích đi. Số đông đi du lịch. Số
ít đi thám hiểm. Số vừa vừa thì có cái tật hay đi làm việc từ thiện (nơi
này nơi nọ) khắp nơi trên thế giới. Chỉ có riêng chuyện đi bầu là dân chúng
Hoa Kỳ không có vẻ hào hứng, hay sốt sắn gì cho lắm – thường chỉ xấp xỉ
trên/dưới 50 phần trăm là quá cỡ thợ mộc rồi!
Người Việt mình thì khác. Chúng ta chả
mấy khi đi đâu ngoài việc đi làm, đi chợ, đi họp tổ dân phố, đi mít tinh
chào mừng chiến thắng 30 tháng 4, và ... nô nức đi bầu. Tỉ lệ con số số cử
tri tham dự bầu cử luôn luôn lên đến 99 hay 99.5 %.
Vài mạng lẻ tẻ không đến được phòng phiếu
chỉ vì bị chuyển bụng, bị tai nạn xe cộ, hay trúng gió (lăn quay) ở giữa
đường. Hiếm họa lắm mới có kẻ nhất định “từ chối tham gia và lăng mạ, chửi
bới xúc phạm khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu,” như ba cha con ông
Huỳnh Ngọc Tuấn – theo tường thuật (chắc có thêm hơi nhiều mắm muối) của
báo Người Lao Động:
“... năm 2005, Huỳnh Ngọc Tuấn không
chịu tham gia Bầu cử Quốc hội khóa XII, khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu
cử thì Tuấn và gia đình lăng mạ, chửi bới, xúc phạm.Mới đây, trong đợt bầu cử
của năm 2011, Tuấn cùng con gái là Huỳnh Thục Vy và con trai Huỳnh Trọng Hiếu
tiếp tục ‘không’ tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII và Bầu cử HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2011-2016. Ngoài ra, ba cha con Tuấn còn lấy thẻ cử tri ghi vào dòng
chữ “NO!”
Ảnh: Báo NLĐ
Nói thiệt: cha con cái ông Tuấn này gan
còn hơn Nhựt Bổn nữa chớ không phải giỡn đâu nha. Đối mặt với nhà nước chuyên
chính vô sản, ít ai dám nói “no” một cách rõ ràng (và đàng hoàng) như vậy
lắm. Thông thường, khi không bằng lòng với đường lối và chính sách của Chính
Quyền Cách Mạng thì thiên hạ chỉ lặng lẽ bỏ phiếu bằng tầu (hoặc bằng
thuyền) thôi.
Theo Operation Passage to Freedom, năm
1954, có tám trăm mười ngàn người người miền Bắc bỏ phiếu bằng tầu (tầu bay
hay tầu thủy) để vào Nam. Sau đó, từ 1975 đến 1995 – nếu không thính số
(cỡ 1/3) đã chết chìm, chết đuối, chết ngạt, chết ngộp, chết trôi ...–
lại có thêm chừng hai triệu người Việt nữa, ở cà hai miền, đã bỏ phiếu bằng
thuyền và đã đến được bến bờ tự do.
Tầu bay, tầu thủy hay những chuyến
thuyền vượt biên mà mỗi chỗ phải trả hàng chục lượng vàng là cái giá quá
tầm tay với đối với rất nhiều người – đặc biệt là những người thiểu số.
Họ thường ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ... – những nơi cách
rất xa sông , cách biển, nên thuyền đò (nếu có) cũng trở nên vô dụng.
Hình
: http://www.rfavietnam.com/files/người%20thượng.jpeg
Bỏ phiếu bằng chân của nhóm người Thượng ở Cao Nguyên
Trung Phần - Ảnh: RFA
Ai may mắn sống giáp ranh biên giới những
nước láng giềng thì có thể bỏ phiếu bằng chân. Còn không, và đây là số
đông, đành phải “chịu trận” với Chính Quyền Cách Mạng thôi! Ở một nơi
mà cái cột đèn còn (nhấp nhổm) muốn đi thì cuộc đời của những kẻ ở lại,
tất nhiên, nếu không te tua thì cũng rất là bầm dập.
Bởi vậy, người dân miền núi ở mọi nơi đã đôi ba lần nổi
dậy (vào những năm 2001, 2004, và 2011) đòi quyền sống. Lần
nào họ cũng bị đàn áp dã man. Gần đây, thay đổi chiến thuật, họ nẩy ra
sáng kiến bỏ phiếu bằng tên:
“Tại Việt Nam ngày nay có mốt lấy tên
ngoại. Những người làm chuyện tréo cẳng ngỗng này lại là người thuộc dân tộc thiểu
số từ ngày cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa ra khỏi bản làng. Theo ông Bh’riu Liếc,
Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thì vì trên truyền
hình người ta cho chiếu nhiều phim Đại Hàn quá nên dân chúng mê và đặt tên con
theo tên các diễn viên trong phim. Anh Pơloong Huân, người thiểu số Cơtu, có ba
đứa con, cả ba được đặt tên theo các diễn viên trong bộ phim ‘Mối Tình Đầu’ mà
anh rất mê. Đứa con gái đầu, 8 tuổi, được đặt tên là Pơloong San Ốc, đứa con
gái thứ hai là Pơloong San Ân, và bé trai tên Pơloong San U...
“Người thiểu số ở nước ta là những người
hồn nhiên. Thích là họ tỏ bày ý thích ngay một cách thẳng thừng. Cách hồn nhiên
nhất là cứ đè những đứa con ra mà thực hiện ý thích ...” (Song Thao. “Tên.” Thời Báo 16 Oct. 2012).
Sự hồn nhiên này, tiếc thay, không được
chia sẻ bởi những giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam. Trao đổi với phóng
viên Trí Tín (báo VnExpress.net)
ông Đặng Tấn Thủ, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định: "Việc
đồng bào đặt tên con theo tên nước ngoài là khó thể chấp nhận... Để hạn
chế tình trạng tùy tiện đặt tên con theo tên diễn viên nước ngoài, chúng tôi sẽ
họp bàn với già làng uy tín có hướng tuyên truyền phù hợp cho người dân.”
Ý kiến độc đáo này của ông Đặng Tấn Thủ
khiến tôi nhớ đến chuyện kể (hồi năm ngoái) của già làng Hồ Chí Khánh, qua
lời tường thuật của ký giả Nguyễn Đăng Lâm:
“ Sáng ngày 9/9/1969, hàng ngàn cán bộ,
chiến sĩ và đồng bào Kor vượt núi, băng sông về chiến khu Trà Lãnh (nay thuộc
huyện Tây Trà) dự lễ truy điệu Hồ Chủ tịch do Huyện ủy huyện Trà Bồng tổ chức,
lắng nghe Di chúc của Người và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bức
tượng Hồ Chủ tịch tạc từ thân cây quế được trang trọng đặt lên bàn thờ để mọi
tấm lòng hướng về Người trong niềm đau thương xúc động. Tại buổi lễ này, các
già làng người Kor đã đề đạt nguyện vọng của đồng bào ‘muốn mang họ Bác Hồ’ thể
hiện tấm lòng trung thành với Đảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy của Cụ
Hồ. Khi nhận được kiến nghị này, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung
ương Đảng đã điện trả lời, đại ý: Trung ương Đảng không chủ trương việc đồng
bào mang họ Bác, nhưng đây là nguyện vọng của dân, tấm lòng của dân, nên Trung
ương đồng ý. Từ đó đến nay, đã 42 năm người Kor vinh dự và tự hào được mang họ
Bác Hồ - Người cha của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.”
Gần năm mươi năm đã trôi qua. Hiện nay
đồng bào Kor – mang theo họ Bác, ở huyện Trà Bồng – đang sống ra sao? Qua
bài viết “Giảm Nghèo Ở Huyện Tây Trà: Còn Nhiều Thách Thức”
nhà báo T. Huyền cho biết:
“Những năm gần đây, huyện miền núi Tây
Trà đã tận dụng nhiều nguồn lực tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm
nghèo, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, do cơ sở thoát
nghèo chưa thực sự bền vững, nên tỷ lệ ‘tái nghèo’ cao. Công tác giảm nghèo ở
huyện nghèo Tây Trà đang thực sự phải đối mặt với nhiều thách thức…”
“Hiện nay, đa phần các hộ gia đình ở vùng
cao Tây Trà vẫn còn tập tục du canh du cư phát rừng làm rẫy, ảnh hưởng rất lớn
đến việc triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của chính quyền địa phương.
Việc di dân để nhường đất thực hiện dự án cũng gây ra hệ lụy không nhỏ đến chất
lượng giáo dục.”
“Trò chuyện với các em, em nào cũng chỉ có
một ước vọng: được ăn no bụng, có áo ấm đến trường. Em Hồ Thị Xoan, học sinh
lớp 4C điểm trường thôn Tre nói tiếng Kinh không rành, đã cầm phấn viết lên
bảng ước mơ của mình. Điều ước bình dị, nhưng xúc động đến nghẹn lòng: ‘Con mơ
ước có một ngôi trường đẹp, con đường nhựa và bữa cơm no bụng.”
Lớp học của những em bé người Kor, mang họ
bác Hồ, ở xã Tây Trà, huyện Trà Bồng. Em nào cũng chỉ có một ước vọng:”được
ăn no bụng.” Ảnh: T. Huyền,
chụp hôm 23 tháng 11 năm 2011.
Sang năm 2012, tình trạng xem ra có vẻ lạc quan
hơn nhiều – theo như tường trình phóng viên Mai Hạ, đọc được vào hôm 26 tháng 6
vừa qua:
“Như nhà anh Hồ Văn Sơn, trước khi con
đi xuất khẩu lao động ở Malaysia (vào năm 2008) là diện nghèo được hưởng chính
sách xây dựng nhà ở theo Chương trình 134. Sau 3 năm con anh Sơn đi xuất khẩu
lao động, anh đã trả nợ cho ngân hàng được 7 triệu đồng và cải tạo nhà ở, mua
các vật dụng cần thiết trong gia đình.”
Sau gần nửa thế kỷ mang họ Bác, và lầm
lũi đi theo con đường mà Bác kính yêu đã chọn thì ước mơ của những người dân
mang theo họ Hồ – ở huyện Trà Bồng – vẫn chỉ giới hạn ở những “bữa cơm no
bụng.” Nhưng chỉ sau ba năm đi xuất khẩu lao động thì cuộc sống được cải
thiện ngay: mua được “các vật dụng cần thiết trong gia đình.”
Trong các vật dụng cần thiết này, tôi
đoán chừng, có cái TV Và chính nó là thủ phạm đã khiến cho những người dân
miền núi (ở Quảng Ngãi) trở nên ... vọng ngoại. Họ có cơ hội
nhìn thấy cuộc sống của những người ở xứ sở khác, không mang tên Bác. Rồi
họ đặt tên con theo theo tên tài tử Đại Hàn. Và điều này, theo ông Phó chủ
tịch UBND huyện Sơn Tây, “khó thể chấp nhận” được.
Thôi chấp nhận (đại) đi, cha nội. Nghĩ
cho cùng thì đây cũng chỉ là một cách bỏ phiếu bằng tên thôi mà. Sao nghèo mà
khó dữ vậy? Chớ từ đời này qua đời khác, cứ tiếp tục đặt tên theo họ Bác mà
tiếng Kinh vẫn nói không rành – như em Hồ Thị Xoan, ở huyện Trà Bồng – thì
cuộc đời (rõ ràng) không khá!
Trước đây, Đảng và Nhà Nước cũng đâu chấp
nhận chuyện vượt biên, hay bỏ phiếu bằng thuyền. Vậy chớ đám thuyền nhân
(nay) đều đã được “tôn vinh là những sứ giả Lạc Hồng,”
và là “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc” – như bác Trương Tấn Sang mới vừa “khẳng định” vào
ngày 15 tháng 1 năm nay, đấy thôi.
No comments:
Post a Comment