BÊN
THẮNG CUỘC - HUY ĐỨC
TẬP I :
GIẢI PHÓNG
PHẦN
I : MIỀN NAM
Chương V :
Chiến tranh
Nguyên nhân dẫn đến
cuộc chiến tranh ở CPC và biên giới phía Bắc năm 1979 (Biên giới Tây Nam/
Pol Pot/ Đi dây/ Khmer Đỏ và Campuchia dân chủ/ “Kẻ Thù Lịch Sử”/ Thất bại
trong tấn công ngăn chặn [Pre-emptive War]/ “Nhất biên đảo”/ “Áo lính lại khoác
vào ngay”).
*
*
Mặc dù từ giữa năm 1977,
Pol Pot bắt đầu được nói tới như những bóng ma áo đen, đêm đêm cầm dao quắm lẻn
sang giết chóc dọc biên giới Tây Nam, nhưng người dân Việt Nam vẫn sững sờ khi
ngày 25-1-1978, tình trạng chiến tranh được Chính phủ công khai thừa nhận. Kể
từ khi Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, đất nước trải qua ba mươi năm chiến
tranh liên tiếp chiến tranh. Chưa kịp hưởng một ngày thực sự yên vui, trai
tráng lại phải khoác lên vai cây súng, lần này là đánh nhau với những “người
anh em” Cộng sản.
Biên
giới Tây Nam
Ngày
25-1-1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Ngô Điền, vụ trưởng Vụ Thông tin Báo
chí Bộ Ngoại Giao, chủ trì họp báo, cho biết nhà cầm quyền Campuchia đã huy
động phần lớn lực lượng quân đội của họ đến đóng dọc biên giới, mở những
cuộc tiến công quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, rồi sư đoàn vào sâu trong lãnh thổ
Việt Nam. Cuộc họp báo của ông Ngô Điền diễn ra bốn ngày sau khi Khmer Đỏ kết
thúc một cuộc tấn công kéo dài trên vùng biên giới Tây Nam. Từ ngày 11 đến
19-1-1978, ba trung đoàn Khmer Đỏ đã đánh vào vùng Tịnh Biên, Phú Cường ở bờ
đông kênh Vĩnh Tế, sâu hơn 3km trong lãnh thổ Việt Nam. Ngày 18-1-1978, hai
trung đoàn khác đã tiến công lấn chiếm khu vực Giang Thành, thuộc huyện Hà
Tiên, Kiên Giang. Trong ngày 21-1-1978, ba tiểu đoàn Khmer Đỏ chiếm Rộc Xây,
một khu vực ở sâu trong đất Việt Nam từ 10-12km.
Ông
Ngô Điền nói: “Nghiêm trọng là ngày 19-1-1978, lần đầu tiên họ (Pol Pot) dùng
pháo tầm xa cỡ lớn đặt trên đất Campuchia bắn hàng trăm quả đạn vào thị xã Châu
Đốc và vùng chung quanh thị xã Tây Ninh làm chết và bị thương nhiều người, phá
hoại nhà cửa và tài sản của nhân dân Việt Nam”219.
Ông
Điền đặc biệt lưu ý: “Lực lượng vũ trang Campuchia không chỉ tàn sát người Việt
Nam mà còn tàn sát một số người Campuchia dọc biên giới, mổ bụng, moi gan rồi
quay phim chụp ảnh nhằm mục đích vu cáo Việt Nam”. Hai tù binh Khmer Đỏ do ông
Ngô Điền đưa đến cuộc họp báo đã “thừa nhận những hành động của Pol Pot” và
tiết lộ: “Ban chỉ huy trung đoàn nói với chúng tôi rằng, Việt Nam muốn xâm lược
Campuchia, Việt Nam là kẻ thù số một”220.
Khmer
Đỏ đã khai chiến một ngày sau khi họ chiếm được Phnom Penh. Ngày 18-4-1975,
ngay sau khi Khmer Đỏ chiếm được thành phố Ta Keo, Soeun, chỉ huy trung đoàn
120, đã cho triển khai quân dọc biên giới Việt Nam. Seoun, con rể của Ta Mok,
tư lệnh quân đội Khmer Đỏ, tuyên bố: “Chúng ta phải đánh Việt Nam vì mười tám
tỉnh của chúng ta, kể cả Prey Nokor (Sài Gòn) đang ở đó”.
Ngày
19-4-1975, một người con rể khác của Ta Mok, Khe Muth, đã cho hải quân đổ bộ
lên đảo nhỏ thuộc vịnh Thái Lan và tấn công đảo Phú Quốc. Quân đội Sài Gòn đã
phải chiến đấu với quân của Khe Muth cho tới tận ngày 30- 4-1975. Ngày
1-5-1975, Khmer Đỏ quấy rối nhiều nơi dọc theo biên giới từ Tây Ninh đến Hà
Tiên. Ngày 4-5-1975, một lực lượng đổ bộ lên đảo Phú Quốc, nhưng đã bị Quân đội
Nhân dân Việt Nam, vừa thay thế Quân đội Sài Gòn, đánh đuổi. Ngày 10-5-1975,
Pol Pot cho quân đổ bộ lên quần đảo Thổ Chu, triệt phá làng mạc, bắn giết và
bắt đi 515 người.
Ông
Phạm Văn Trà, khi ấy là trung đoàn trưởng Trung đoàn U Minh, đơn vị trực tiếp
đánh chiếm đảo Phú Quốc và Poulo Vai từ tay Khmer Đỏ, kể: “Hàng trăm ngư dân
của ta sinh sống lâu nay ở trên đảo Phú Quốc, thấy tàu đổ quân Pol Pot lên bờ
lại nghĩ là quân Giải phóng, không đề phòng và không kịp chạy, liền bị chúng
bắt ngay lập tức. Chỉ những ai đi vắng mới thoát nạn. Lính Pol Pot tập trung
tất cả thường dân vô tội, xả súng bắn chết rồi hất xác xuống biển”221.
Ngày
2-6-1975, ông Nguyễn Văn Linh, đại diện cho Đảng Lao động Việt Nam tới
Phnom Penh gặp Bí thư Pol Pot. Trong chiến tranh, hai người đã từng biết nhau
và tại cuộc gặp này, Pol Pot nói: “Quân đội Campuchia do không nắm được địa lý
nên đã để xảy ra va chạm đổ máu rất đau xót”222. Pol Pot nói vậy, nhưng mãi cho
tới ngày 6-6-1975, khi Quân đội Việt Nam tiến đánh, bắt sống sáu trăm tù binh,
Khmer Đỏ mới bỏ chạy và bị truy đuổi tới một hòn đảo mà phía Việt Nam gọi là
Hòn Trọc, phía Campuchia gọi là Poulo Vai. Một tuần sau, Pol Pot, Nuon Chea và
Ieng Sary viếng thăm Hà Nội, đề nghị Việt Nam ký một “hiệp ước hữu nghị, tôn
trọng độc lập, chủ quyền của nhau”. Do Pol Pot lồng vào vấn đề ranh giới trên
vịnh Thái Lan nên lúc đó “hiệp ước” chưa được ký.
Từ trung tuần tháng 5-1975, Bộ Chỉ huy chiến
dịch giải phóng các đảo mà phía Việt Nam gọi là Hòn Ông, Hòn Bà, phía Campuchia
gọi là Poulo Wai, được thành lập. Poulo Wai nằm cách thị xã Rạch Giá 220km và
cách An Thới, Phú Quốc 113km về phía tây. Hòn Ông cao năm mươi mốt mét, Hòn Bà
cao sáu mươi mốt mét, nằm song song, cách nhau ba cây số, diện tích tương đương
nhau. Mỗi đảo có một bãi cát vàng; còn lại bốn bề của đảo đều là vách đá dựng
đứng. Quân đội Sài Gòn từng xây trên đảo Hòn Bà một cây đèn biển và một sân bay
dã chiến, chủ yếu cho trực thăng và máy bay trinh sát L.19 đậu. Trung đoàn U
Minh được giao đánh chiếm Poulo Wai trong vòng hai đến ba ngày. Mặc dù được
trang bị tàu há mồm và có sự hiệp đồng tác chiến của máy bay ném bom A.37, trực
thăng vũ trang và máy bay trinh sát L.19, nhưng do lực lượng Pol Pot chiếm đảo
sử dụng hỏa lực mạnh nên chiến sự kéo dài từ ngày 5-6-1975 cho đến sáng
14-6-1975, Trung đoàn U Minh mới làm chủ hoàn toàn hai đảo, bắt sống 782 lính
Khmer Đỏ223.
Ngày
2-8-1975, đích thân Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đến Phnom Penh, ký với Pol Pot một
bản thông cáo chung. Phía Việt Nam đồng ý trả lại Poulo Wai cho Campuchia. Ngày
4-8-1975, khi Nuon Chea, phó bí thư Trung ương Đảng Campuchia, tới Hà Nội, ông
ta được Nguyễn Văn Linh thông báo: “Lực lượng vũ trang Việt Nam không còn ở đảo
Trọc nữa”. Nuôn Chea nói: “Vấn đề đảo Wai, thay mặt Đảng, chúng tôi xin cảm ơn
sâu sắc”. Nhưng khi ông Linh thắc mắc về số phận của 515 người dân Thổ Chu bị
Khmer Đỏ bắt đi hôm 10-5-1975, Nuôn Chea chỉ hứa: “Sẽ giải quyết”224. Từ đây,
sẽ không ai còn được nghe nói tới số phận của 515 người dân Việt Nam này.
Tháng
4-1976, hai đảng Campuchia và Việt Nam thỏa thuận sẽ có cuộc gặp vào tháng 6
năm đó giữa lãnh đạo cấp cao để bàn bạc giải quyết vấn đề biên giới, tạo tiền
đề cho việc ký kết về mặt nhà nước một hiệp ước về biên giới225. Cuộc đám phán
gần như không đạt được kết quả nào, nhưng ngày 23-5-1976 trong thư gửi Bộ Chính
trị Đảng Lao động Việt Nam, Nuon Chea vẫn dùng những lời lẽ thắm thiết:
“Công việc của hai đoàn chúng ta trong thời gian qua đã đạt được thắng lợi lớn,
củng cố và phát triển hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu… Hai đoàn chúng ta đã
hiểu biết, thông cảm với nhau và hết sức chân thành trên tinh thần là bạn chiến
đấu là anh em cách mạng”226.
Khmer
Đỏ cho đến lúc bấy giờ vẫn được gọi là đồng chí, và Hà Nội đã không phân tích
đúng mức các báo cáo của bộ đội biên phòng lúc bấy giờ. Theo ông Ngô Điền: “Năm
1978, tôi đưa đoàn nhà báo nước ngoài đến vùng biên giới An Giang và Tây Ninh,
bản thân tôi sững sờ, ghê tởm trước hành động dã man của bọn diệt chủng. Về Hà
Nội, tôi gặp anh Phạm Văn Xô, ủy viên Trung ương Đảng. Khi ở Trung ương Cục
miền Nam anh thường được giao liên hệ với bọn Pol Pot – Ieng Sary. Tôi thuật
lại cho anh những điều mắt thấy tai nghe về tội ác của Pol Pot. Cho đến lúc đó,
anh Hai Xô vẫn còn cho rằng những tội ác đấy có thể do chủ trương của lãnh đạo
địa phương”227.
Chỉ
trong năm tháng đầu tiên sau ngày Pol Pot cầm quyền, đã có hơn 150 nghìn người
từ Campuchia chạy sang tị nạn tại các tỉnh biên giới Việt Nam; trừ những người
gốc Việt, hàng chục nghìn người Hoa và người Khmer đã bị buộc quay trở lại. Số
phận của họ, cũng như của hàng triệu người Campuchia khác, được tin là đã bị
các Angkars đặt dưới dao, dưới búa228. Hàng trăm người thân của những người
Khmer Issarak tập kết ra miền Bắc Việt Nam, trở về gia nhập Khmer Đỏ từ năm
1970, cũng đã bị giết khi đến Campuchia tìm chồng, cha, sau ngày “Phnom Penh
giải phóng”.
Pol
Pot
Cuối
tháng 7-1976, lần đầu tiên một đoàn nhà báo nước ngoài được phép đến Campuchia.
Đoàn do ông Trần Thanh Xuân, phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, dẫn đầu.
Tuy vẫn rất lịch lãm, thân thiện và tỏ rõ “tình hữu nghị giữa hai dân tộc”,
nhưng trong suốt quá trình làm việc, Pol Pot vẫn giữ tư thế nguyên thủ quốc gia
với ông Xuân. Không ai biết, trong thời gian học đại học ở Paris, cũng như
nhiều người Khmer cộng sản khác, Pol Pot thường xuyên đến nhà ông Xuân, có khi
chỉ là để lục cơm nguội. Ở Paris, nhà ông Xuân được những người Khmer coi như
một cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Cử chỉ riêng tư duy nhất mà ông ta thể
hiện là trước khi chia tay đoàn nhà báo, Pol Pot ghé tai ông Xuân hỏi nhỏ: “Chị
có khỏe không anh?”. Thời thơ ấu, Pol Pot được mô tả là một cậu bé nghiêm túc
học hành thay vì tham gia các trò chơi với bạn bè cùng lứa. Cha mẹ Pol Pot, một
phú nông ở vùng Kongpong Thom, “có sáu con trâu và chín hecta ruộng”. Pol Pot –
đứa con út của họ, sinh ngày 19-5-1925 với tên gọi là Saloth Sar – thay vì làm
ruộng ở quê nhà, đã được đưa đến Phnom Penh, nơi chị gái đang là một cung nữ và
anh trai đang làm việc trong ban nghi lễ Hoàng cung thời vua Monivong.
Sau
một năm sống trong môi trường khép kín của Hoàng gia, cậu bé Saloth Sar bắt đầu
sáu năm trong một trường dòng quý tộc. Năm mười sáu tuổi, Saloth Sar quay lại
Kongpong Thom học trung học. Lúc ấy, Phnom Penh đang náo động bởi các phong
trào đòi độc lập của giới thanh niên học sinh. Thành phố lớn nhất mà Saloth Sar
đặt chân tới là Sài Gòn, chặng nghỉ trước khi xuống tàu sang Pháp sau khi nhận
được học bổng học ngành vô tuyến điện. Năm 1949, tới Paris, Saloth Sar bắt đầu
hoạt động cho dù được người anh trai làm việc ở Hoàng cung khuyên là không nên
dính dáng tới chính trị. Tại đây, Saloth Sar gặp Yeng Sary, một sinh viên người
Khmer sinh ra ở Việt Nam.
Trong
đám cưới của Yeng Sary với Khieu Thirith – một sinh viên đang học về văn chương
Anh tại Sorbonne – Saloth Sar đã gặp và sau đó cưới Khieu Ponnary, chị gái
Thirith. Họ cùng tham gia phái bộ Campuchia trong Đảng Cộng sản Pháp. Trong
thời gian đó, chàng sinh viên Saloth Sar vẫn được coi là một con người lịch
lãm, khiêm tốn. Bạn bè có cảm giác cậu ta không giết nổi ngay cả một con gà.
Tháng 1-1953, Saloth Sar trở về Campuchia vì bị cắt học bổng sau ba năm liên
tiếp thi rớt. Những ngày đó, Sihanouk vừa ra lệnh thiết quân luật, trấn áp
phong trào đòi độc lập đã trở nên cực đoan ở Phnom Penh. Sar theo anh trai,
Saloth Chhay, bắt liên lạc với tổ chức cộng sản tại Campuchia. Sau khi xác minh
đúng Saloth Sar đang là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Phạm Văn Ba – một đảng
viên người Việt Nam – đồng ý cho anh ta sinh hoạt trong Đảng Nhân dân Cách mạng
Khmer. Sau Đại hội lần thứ II – tháng 2-1951, Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên
thành Đảng Lao động Việt Nam – những người cộng sản Lào, Khmer trong năm ấy đã
được giúp đỡ để lập ra đảng riêng.
Ngày
21-9-1951, Lê Đức Thọ và Nguyễn Thành Sơn triệu tập các đảng viên người Khmer
có mặt ở Việt Bắc tổ chức Đại hội thành lập Đảng Nhân Dân Cách mạng Khmer;
Anchar Mean, người được biết nhiều với cái tên Việt Nam là Sơn Ngọc Minh, được
cử làm chủ tịch. Sơn Ngọc Minh là người sáng lập Phong trào Isarak năm 1948,
một phong trào có ảnh hưởng trên địa bàn bốn tỉnh gần Việt Nam. Tuy nhiên, các
tổ chức cộng sản trên đất Khmer lúc ấy vẫn được lãnh đạo bởi những đảng viên
người Việt. Saloth Sar và một số đảng viên đã từng du học ở Pháp về được đưa
vào sinh hoạt trong một chi bộ phần lớn là đảng viên Việt Nam và do một người
Việt làm bí thư. Những người Khmer này thường chỉ được các đàn anh Việt Nam
giao những công việc tạp vụ; điều này đã để lại cho họ nhiều ấn tượng không
tốt.
Người
Pháp trao trả độc lập cho ông hoàng Sihanouk từ năm 1953. Chính phủ Hoàng gia
đã ngăn cản việc Hiệp định Geneva dành cho những người Khmer Cộng sản có
được một vùng “tập kết” như những người kháng chiến Issara của Lào. Hơn 1.000
đảng viên người Khmer được đưa ra miền Bắc Việt Nam vào năm 1954, trong đó có
Sơn Ngọc Minh. Những đảng viên ở lại hoạt động bí mật dưới quyền của Sieu Heng
và Tou Samouth, chịu sự truy lùng gắt gao của chính quyền Sihanouk. Năm 1959, Sieu
Heng đầu hàng, nhiều cơ sở Đảng bị đàn áp. Tháng 9-1960, Đảng Nhân dân Cách
mạng Khmer tổ chức đại hội bầu Tou Samouth, một người có quan hệ tốt với miền
Bắc Việt Nam, làm bí thư. Nhưng, năm 1962, Tou Samouth đã “mất tích” khi vừa từ
Hà Nội về; Pol Pot, khi ấy đang là phó bí thư, đương nhiên trở thành bí thư.
Thế hệ những người Khmer Cộng sản gốc nông dân và các Phật tử ủng hộ những
người cộng sản Việt Nam bắt đầu được thay thế bởi những người đã từng du học ở
Paris, nuôi tinh thần chống Việt Nam, cho dù khi ấy Khmer Đỏ phải dạt về vùng
rừng núi giáp Việt Nam và phải dựa vào những người Việt Nam Cộng sản.
Đi
dây
Norodom
Sihanouk được coi là một “ông hoàng đi dây”. Tuy nhiên, trong nửa cuối thế kỷ
20, không chỉ có ông – vị vua của một một quốc gia thờ thần bốn mặt – các bên
dính líu đến cuộc chiến tranh Việt Nam đều có những mối quan hệ phức tạp với
nhau. Trong khi trục lợi vai trò trung lập của Phnom Penh, tất cả đều để mặc
cho Pol Pot phát triển nhanh phong trào Khmer Đỏ.
Kể
từ khi người Việt mở mang bờ cõi xuống phía Nam, nhà Nguyễn bắt đầu nhìn thấy
vị trí chiến lược của Lào và Campuchia đối với an ninh quốc gia. Hoàng đế Minh
Mạng đã từng coi Campuchia là “phên dậu” trong thế chống lại quân Xiêm. Người
Pháp cũng đã không dừng tham vọng thuộc địa của họ ở Việt Nam mà đưa quân ngược
dòng Mekong, đến Lào, Campuchia, rồi gộp chung ba quốc gia khác biệt về văn hóa
thành một xứ gọi là Đông Dương. Trong chiến tranh chống Pháp, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp coi “Đông Dương là một đơn vị chiến lược, là một chiến trường”. Khi
miền Bắc xác định, “bạo lực” là “đường lối của cách mạng miền Nam”, một con
đường men theo lãnh thổ Lào, Campuchia – thường được gọi là đường mòn Hồ Chí
Minh – bắt đầu được thiết lập. Người Mỹ biết rất rõ miền Bắc Việt Nam sử dụng
các căn cứ ở Hạ Lào và ở Campuchia như một bàn đạp cho các cuộc tấn công vào
miền Nam Việt Nam. Khi chưa chính thức vào Nhà Trắng, Nixon đã yêu cầu “báo cáo
chính xác về những gì kẻ địch có ở Campuchia”, đồng thời đặt ra mục tiêu “phá
hủy các căn cứ được xây dựng ở đó”. Người Mỹ cũng biết khá chính xác việc miền
Bắc sử dụng cảng Sihanoukville để nhận vũ khí từ Liên Xô.
Trong
thập niên 1960, Sihanouk đã khá thẳng tay với Cộng sản, Chính phủ Hoàng gia
tuyên án tử hình vắng mặt Saloth Sar; năm 1967, ba bộ trưởng cánh tả – Khieu
Samphan, Hou Youn, Hu Nim – đã phải bỏ vào rừng với Khmer Đỏ. Nhưng
Sihanouk lại là “bạn thân” với Bắc Kinh và Hà Nội. Ông làm ngơ cho miền Bắc
Việt Nam lập căn cứ trên lãnh thổ của mình. Mối quan hệ khăng khít của Sihanouk
với Hà Nội, Bắc Kinh và các quốc gia trong Phong trào không liên kết đã gây lo
ngại cho Việt Nam Cộng hòa. Tổng thống Ngô Đình Diệm được nói là đã ủng hộ lãnh
tụ đối lập Sam Sary và giúp đỡ cuộc nổi loạn của Tướng Dap Chuon. Đại sứ Việt
Nam Cộng hòa Ngô Trọng Hiếu từng bị cáo buộc đứng sau lưng một vụ mưu sát
Sihanouk bằng bom. Tháng 8-1963, Sihanouk cắt quan hệ ngoại giao với miền Nam
Việt Nam và sau đó từ chối viện trợ kinh tế, quân sự của Mỹ. Tháng 5-1965,
Sihanouk cắt quan hệ với Mỹ và sang tháng 6-1965, ông công khai ủng hộ Mặt trận
Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Miền Bắc Việt Nam đánh giá cao vai trò
của Hoàng thân Sihanouk tới mức, cuối năm 1964, khi Pol Pot theo đường mòn Hồ
Chí Minh ra Hà Nội, ông ta đã được đề nghị ủng hộ chính sách “chống ngoại bang”
của ông Hoàng. Pol Pot đã ghi điều này vào “sổ đen” như một bằng chứng các đồng
chí Việt Nam đã không hết lòng với ông ta.
Mục
tiêu của Pol Pot không phải là chống Mỹ mà là cầm quyền, nhưng làm sao có thể
cầm quyền khi Chính phủ Hoàng gia vững mạnh. Từ Hà Nội, Pol Pot đến Bắc Kinh và
ở lại đây năm tháng. Thời gian đó, Cách mạng Văn hóa đang ngự trị đất nước
Trung Hoa. Pol Pot chia sẻ nhiều mục tiêu của cuộc cách mạng này và nhận ra sự
khác biệt trong con đường cách mạng của Pol Pot và Hà Nội. Từ đầu năm 1968, Khmer
Đỏ bắt đầu tiến hành những hoạt động du kích lẻ tẻ, bắt cóc, phục kích nhắm vào
các quan chức trong Chính quyền Sihanouk. Một số cuộc nổi dậy do Pol Pot tổ
chức ở nông thôn bị Sihanouk khủng bố tàn khốc. Du kích Khmer Đỏ xin Việt Nam
vũ khí để tự vệ, nhưng phía Việt Nam không thể đáp ứng vì khi ấy miền Bắc đang
cần Sihanouk. Sihanouk, tất nhiên, phức tạp hơn rất nhiều so với những gì mà
các bên đánh giá. Một mặt, ông làm ngơ cho miền Bắc lập các căn cứ trên đất
Campuchia; mặt khác, ngày 10-1-1968, khi gặp Chester Bowles, phái viên của Tổng
thống Mỹ Johnson, Sihanouk nói: “Chúng tôi không muốn có người Việt Nam nào ở
Campuchia. Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu các ngài có thể giải quyết được vấn đề
này. Chúng tôi không phản đối việc truy tìm ráo riết ở những vùng bỏ hoang. Các
ngài sẽ giải phóng chúng tôi khỏi Việt Cộng”229. Nhà Trắng đã “dịch” câu nói
này theo nghĩa “Sihanouk mời Mỹ tấn công” vào những căn cứ ấy. Hai tháng sau
đợt oanh kích bí mật của Mỹ, ngày 13-5-1969, trong một cuộc họp báo, Sihanouk
nói: “Không có ai bị mất nhà cửa hay thiệt mạng trong đợt ném bom này, không có
người Campuchia nào cả”230. Năm 1969, Sihanouk tìm cách nối lại quan hệ ngoại
giao với Washington, nhưng trước khi việc thành, năm 1970, ông bị Lonnol
đảo chính.
Ngày
7-1-1970, Sihanouk cùng bà hoàng Monique và tùy tùng gồm mười một người rời thủ
đô Phnom Penh. Trong khi ông đang nằm “chữa bệnh béo phì, bệnh máu, và chứng
tiểu tiện ra Anbumin” ở châu Âu, tại Phnom Penh, các tướng tá và chính trị gia
– những người năm 1963 đã phản đối việc ông từ chối viện trợ kinh tế của Mỹ và
sau đó, năm 1965, cắt đứt quan hệ ngoại giao – bắt đầu buộc tội ông bất lực khi
để quân đội Bắc Việt Nam “tràn ngập ở vùng biên giới”. Ngày 8-3-1970, tại Svay
Rieng, một cuộc biểu tình chống Việt Nam nổ ra. Ngày 11-3-1970, khoảng 20.000
thanh niên Campuchia đã cướp phá tòa đại sứ của Bắc Việt Nam tại Phnom Penh. Lẽ
ra, ngày 13-3-1970, Sihanouk phải về Phnom Penh để kiểm soát tình hình, nhưng
ông vẫn đến thủ đô Moscow (Liên Xô cũ) theo kế hoạch. Chủ tịch Xô-Viết Tối cao
Nikolai Podgorny đã khuyên ông về nước ngay, nhưng Sihanouk đã ở lại đó năm
ngày. Ngày 18-3-1970, Quốc hội Campuchia phế truất chức quốc trưởng của ông.
Sihanouk choáng váng khi Thủ tướng Liên Xô Kosygin cho hay tin trên đường tiễn
ông ra sân bay. Không ai trong đoàn tùy tùng dám cả gan báo tin này cho ông cả.
Tất nhiên, miền Bắc Việt Nam có bị tổn thất sau cuộc đảo chính. Ông Nguyễn Nhật
Hồng, người thanh toán các chi phí bí mật để vận chuyển vũ khí qua ngả
Campuchia, xác nhận điều Kissinger viết trong cuốn Ending the Vietnam War: kể
từ sau năm 1970, cảng Sihanoukville không còn được miền Bắc dùng để cung cấp vũ
khí cho miền Nam nữa. Ông Hồng kể: “Khi Trung Quố c và Liên Xô xung đột với
nhau, đó ng cử a biên giớ i, hàng hóa từ Liên Xô không thể chuyển bằng tàu
liên vận qua biên giới Trung Quốc, miền Bắc phải thuê tàu viễn dương chở vũ
khí viện trợ của Liên Xô về cảng Sihanoukville. Việc này được cả Sihanouk
và Lonnol đồng ý”. Đổi lại, một khoản “lót tay” bằng 20% trị giá hàng nhập
cảng sẽ được chi cho hai người. Phòng Thanh toán Đặc biệt B29 mở cho Sihanouk
và Lonnol mỗi người một tài khoản bí mật ở Thụy Sỹ231. Trong những năm
1966-1969, lượng hàng hóa mà miền Bắc Việt Nam chuyển qua cảng Sihanoukville
gồm: 20.478 tấn vũ khí, 1.284 tấ n quân trang, 731 tấ n thuố
c men, 65.810 tấ n gaọ , 5.000 tấ n muố i, và 4.115 tấ n thực phẩ
m hôp̣ và khô.
Theo
ông Nguyễn Nhật Hồng: “Từ năm 1969, Lonnol yêu cầu khoản 10% của ông phải được
trả bằng vũ khí. Tôi nghĩ, các nhà phân tích tình báo của ta có thể đoán biết
được ý đồ đảo chính của Lonnol khi ông ta lấy súng thay vì lấy tiền”. Theo ông
Hồng, “khoản thanh toán đặc biệt chi lót đường” này được bản “Báo cáo Tổng kết
công tác ngoại hối đặc biệt” do ông Mai Hữu Ích ký ngày 25-11-1979, ghi là “chi
phı́ vâṇ tải tuyệt mật”, với tổng số tiền lên tới 36.642.653
USD.
Lịch
sử dường như đã xếp đặt để ông Hoàng Sihanouk kết thúc một chặng đường chính
trị của mình tại Bắc Kinh, nơi vẫn tổ chức đón tiếp ông theo nghi thức
của một ông hoàng đang trị vì. Thủ tướng Chu Ân Lai đã ra tận cầu thang máy bay
ôm hôn, và phía sau ông, “gần như toàn bộ ngoại giao đoàn” ở Bắc Kinh có mặt.
Sau khi lên chiếc xe cắm cờ cả của Campuchia và Trung Hoa, Chu Ân Lai nói với
Sihanouk: “Đêm qua, tôi đã cho tất cả các trưởng đoàn ngoại giao biết rằng
Chính phủ Trung Quốc vẫn coi ngài là quốc trưởng hợp pháp duy nhất của
Campuchia. Tôi cũng cho họ biết là tôi rất mong muốn tất cả các đại sứ có mặt
để đón ngài tại sân bay”232. Sự tinh tế của người Trung Hoa không dừng ở đấy.
Chu Ân Lai đã tặng Sihanouk một dinh thự vào loại đẹp nhất Bắc Kinh. Đồng minh
thân cận nhất của Bắc Kinh là Bắc Triều Tiên, cũng chỉ trong vài tháng, xây cho
ông Hoàng lưu vong một dinh thự kiểu cung điện nhìn ra mặt hồ. Tại đây,
Sihanouk vẫn là một ông vua. Đích thân Kim Nhật Thành thường xuyên mời Sihanouk
và thân quyến thịt nướng, trứng cá và rượu vang Pháp. Những phim phương Tây mới
nhất mà cha con ông Kim nhập về sau khi xem xong đều chuyển cho Sihanouk mượn.
Năm 1991, Sihanouk đã đưa đội sỹ quan cận vệ người Bắc Triều Tiên do Kim Nhật
Thành “tặng” về Phnom Penh sử dụng. Trong cuộc “hội đàm” ngày 19-3-1970, Chu
chuyển lời của Mao Trạch Đông nhắn với Sihanouk: “Nếu Hoàng thân không chấp
nhận việc đã rồi và quyết định lãnh đạo một phong trào kháng chiến chống Mỹ
giải phóng Campuchia thì Trung Quốc sẽ ủng hộ và sẵn sàng trợ giúp những gì có
thể”233. Tuy nhiên, cả Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông khi ấy chưa ai nghĩ đến khả
năng bắt tay giữa Pol Pot và Sihanouk.
Ngày
21-3-1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng bí mật
tới Bắc Kinh, cả hai thuyết phục Chu Ân Lai và Pol Pot cùng hợp tác. Hai hôm
sau, ngày 23-3-1970, Sihanouk đưa ra “tuyên bố năm điểm”, bắt tay với Khmer Đỏ,
những người đã từng bị chính ông ta “xử tử hình vắng mặt”. Sihanouk cũng tuyên
bố sẽ thành lập “quân đội giải phóng” và “mặt trận thống nhất dân tộc”, ông
đồng thời ca ngợi cuộc đấu tranh chống Mỹ của những người Cộng sản Việt Nam,
Lào và Campuchia. Tại Bắc Kinh, “Chính phủ Sihanouk” được cung cấp vật chất và
cá nhân ông được chăm sóc như một nguyên thủ quốc gia234. Ngày 24-4-1970,
Sihanouk được đưa trở về vùng “ba biên giới” để tham gia Hội thảo Thượng đỉnh
về các Dân tộc Đông Dương cùng với Thái tử Souvanouvon của Pathet Lào, Chủ tịch
Nguyễn Hữu Thọ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, và Phạm Văn Đồng. Khi trở lại
Bắc Kinh vào ngày 27-4-1970, Sihanouk ra một tuyên bố chung cam kết “hỗ trợ có
đi có lại” trong “cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung: Đế quốc Mỹ”. Trước đó,
lực lượng miền Bắc Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức rải truyền đơn và phát lời
kêu gọi của Sihanouk, tổ chức tuyển dụng và huấn luyện giúp Sihanouk một
lực lượng gọi là Khmer Rumdo.
Kissinger
cáo buộc miền Bắc Việt Nam nuôi dưỡng Khmer Đỏ và giúp đỡ để Pol Pot chiếm được
chính quyền. Kissinger cho rằng: “Nếu có người nào đó gây ra cuộc chiến tranh ở
Campuchia và biến sự diệt chủng của Khmer Đỏ thành hiện thực thì đó chính là Hà
Nội”235. Tuy nhiên, bom đạn Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng236.
Bằng
những chiến dịch tuyên truyền, vừa hù dọa, vừa kích động lòng căm thù Mỹ và
chính quyền Lonnol, Khmer Đỏ đã tuyển được hàng trăm nghìn thanh niên tham gia
lực lượng của họ237. Năm 1974, mọi thanh niên từ mười sáu tuổi trở lên bị buộc
gia nhập lực lượng Khmer Đỏ, những người từ chối có thể bị Khmer Đỏ bắn chết.
Những đứa trẻ bị buộc phải cầm súng trong giai đoạn này đã trở nên vô cùng hung
hãn. Khi đàm phán Hiệp định Paris, Lê Đức Thọ đã đòi loại bỏ các cơ cấu phi
cộng sản ở Campuchia. Khi ấy, ông Thọ và các đồng chí của ông ở Hà Nội không
thể nào ngờ, chính “ông anh” Trung Cộng không hề mong muốn một chiến thắng về ý
thức hệ ở Campuchia. Tháng 6-1972, Chu Ân Lai nói với Kissinger: “Trung Quốc
muốn ở Lào và Campuchia có một kết cục trong đó ‘các nhân tố tư bản’ có thể
tham gia trong chính phủ và giới cầm quyền truyền thống có thể là người đứng
đầu quốc gia”238. Chu nói thẳng với Kissinger: “Chúng tôi có thể tin rằng Thái
tử Sihanouk là người đứng đầu nhà nước ở Campuchia và người đứng đầu nhà nước ở
Lào sẽ là nhà vua”239. Tháng 2-1973, khi Kissinger thăm Bắc Kinh sau chuyến đi
tới Hà Nội, ông nhận ra: “Các lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu hiểu rằng việc Hà Nội
chi phối Đông Dương có thể là một thắng lợi về ý thức hệ nhưng là một thất bại
về địa chính trị đối với Trung Quốc”240.
Campuchia
càng ngày càng trở thành một ván bài phức tạp, có quá nhiều người chơi mà không
ai tin tưởng ai. Trung Quốc biết Khmer Đỏ là lực lượng chính nhưng cũng sợ
Khmer Đỏ mạnh tới mức làm hỏng con bài Sihanouk. Thật khó để định lượng trong
chính sách thù địch với Việt Nam của Pol Pot có bao nhiêu lý do từ việc Hà Nội
sốt sắng ủng hộ Hoàng thân Sihanouk. Tháng 4- 1970, khi Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn
đề nghị thiết lập một lực lượng quân sự phối hợp giữa Khmer Đỏ và lực lượng ủng
hộ Hoàng gia, Pol Pot lúc ấy đang ghé qua Hà Nội, đã thẳng thừng từ chối. “Con
bài” Sihanouk không chỉ làm mất lòng Pol Pot mà còn khiến cho những người Khmer
tập kết chạnh lòng. Kể từ khi lưu vong, năm nào Sihanouk cũng sang Việt Nam ăn
Tết. Để làm đẹp lòng ông Hoàng, những khi Sihanouk đến Hà Nội, những người
Khmer Issarak, cựu thù của ông, sống ở Thủ đô đều được “mời” đi các tỉnh khác.
Theo ông Ngô Điền: “Cố Thủ tướng Chăn Si, một cán bộ tập kết gắn bó với Việt
Nam, khi tâm sự về điều này đã rơm rớm nước mắt, trách ta coi nhẹ những người
cộng sản Campuchia mà đề cao quá mức vua chúa”241.
Năm
1973, Việt Nam đã đưa Sihanouk trở về “vùng giải phóng”, nơi về danh
nghĩa ông là người đứng đầu nhưng trên thực tế đang do Khmer Đỏ nắm. Sihanouk
đã nhiều lần đề nghị Chu Ân Lai thu xếp chuyến đi này nhưng Chu Ân Lai từ chối.
Sau Hiệp định Paris, Sihanouk gặp trực tiếp Yeng Sary, đại diện của Khmer Đỏ
tại Bắc Kinh, nhưng cũng bị Yeng Sary lảng tránh. Sau đó, Sihanouk đã cầu cứu
Hà Nội và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng sốt sắng nhận lời, ông đã nhờ Bắc Kinh
tác động thêm để Pol Pot chấp nhận chuyến đi của Sihanouk242. Khmer Đỏ đã khai
thác được triệt để uy tín của Sihanouk trong chuyến đi này để gây thanh thế đối
ngoại, nhưng về đối nội, Pol Pot không cho phát bản tuyên bố của ông. Đặc biệt,
Khmer Đỏ đã tranh thủ chuyến đi để nói xấu Việt Nam với Sihanouk243.
Khmer
Đỏ và Campuchia dân chủ
Người
Mỹ tin rằng miền Bắc Việt Nam đã trang bị pháo binh hạng nặng và trợ giúp công
binh cho Khmer Đỏ trong chiến dịch cuối cùng tiến vào Phnom Penh. Tướng Giáp
xác nhận: “Lúc này, quân và dân Campuchia đã từng bước phá vỡ sức đề kháng của
quân đội Lonnol ở ngoại vi thủ đô Phnom Penh. Được ta trợ giúp đạn súng lớn,
bạn đã nã pháo vào trung tâm thành phố. Ngày 12-4, Mỹ tổ chức cuộc hành quân mang
tên Diều Hâu, di tản cố vấn và binh lính Mỹ ra khỏi thủ đô bằng đường không.
Ngày 17-4, Phnom Penh được giải phóng”244. Đêm trước khi được Khmer Đỏ “giải
phóng”, Phnom Penh gần như không ngủ, phần vì cả thành phố chìm trong tiếng
súng, phần vì người dân chờ đợi một biến cố mới cho dù không ai lúc ấy có thể
tưởng tượng được những điều mà Pol Pot sẽ làm.
Vào
lúc 7 giờ 30 sáng 17-4-1975, Chính quyền Lonnol ra lệnh cho quân đội đầu hàng.
Cờ trắng được nhìn thấy ở khắp nơi, trong khi hàng ngàn người dân, chủ yếu là
thanh niên, học sinh, đã xuống đường chào đón Khmer Đỏ với niềm tin đã tới ngày
hòa bình. Thoạt đầu, người dân tỏ ra yên tâm khi thấy những người lính Khmer Đỏ
chỉ bắn chỉ thiên nhằm ngăn chặn nạn hôi của và vãn hồi trật tự. Khoảng 1 giờ
trưa, khi lực lượng Khmer Đỏ từ Quân khu Bắc tiến về chiếm Đài Phát thanh Quốc
gia, ra lệnh cho tất cả các bộ trưởng, tướng lĩnh, các viên chức cao cấp của
Chính quyền Lonnol ra trình diện vào lúc 2 giờ chiều, sách báo “của bọn đế
quốc” bắt đầu bị ném ra đường và đốt. Hoàng thân Sirik Matak và Thủ tướng Long
Boret từ chối di tản theo đề nghị của Đại sứ Mỹ. Sirik Matak sau đó bị bắt khi
tị nạn trong tòa Đại sứ Pháp còn Long Boret thì gọi điện thoại chỉ đường cho
Khmer Đỏ tới tận nhà. Cả hai đều bị giết. Sáng sớm hôm sau, 18-4-1975, số phận
của những người ra trình diện được định đoạt: các tướng lĩnh của Lonnol bị đưa
đi hành quyết tại sân vận động Olympic, các quan chức dân sự bị giết ở Hội quán
Thể thao. Hai anh em nhà Lonnol, Chủ tịch Quốc hội Ung Bun Hor, nhà sư Saundech
Saugh, các tướng lĩnh và nhiều bộ trưởng cũng bị giết. Chính quyền ở các địa
phương cũng bị đối xử tương tự. Ngày 23-4- 1975, ở Battambang, các sỹ
quan được Khmer Đỏ đưa lên sáu chiếc xe nói là đi đón Sihanouk nhưng kết quả là
họ đã bị hành quyết ở một nơi hoang vắng.
Nhưng
phải đến khi Pol Pot trục xuất toàn bộ dân chúng ra khỏi tất cả các đô thị trên
cả nước thì người dân mới biết rõ trong số các nạn nhân của chế độ gồm có cả
mình. Nếu như trong ngày 18-4-1975, dân chúng ở Phnom Penh còn có thể hỏi han
khi nghe lệnh sơ tán thì ngày hôm sau, họ phải đối diện với những tên lính mười
bốn, mười lăm tuổi lăm lăm súng trong tay: hoặc ra khỏi nhà, hoặc ăn lựu đạn.
Không
chỉ có cảnh cáo, những người phản đối đã bị bắn chết trước mắt người thân.
Người dân chỉ kịp nhặt nhạnh vài thứ đồ đạc, nhà cửa bị buộc phải bỏ lại đằng
sau. Chỉ vài ngày sau, họ sẽ nhận ra tài sản không đáng giá so với những gì sẽ
mất. Nhiều gia đình phải li tán, vợ chồng, con cái bị xé, mỗi người bị đưa tới
một nơi. Họ đã phải đi bộ nhiều ngày, có người phải đi bộ năm, sáu tuần liên
tục, về các vùng mà Pol Pot dự định xây dựng các hợp tác xã bậc cao. Những
người ốm yếu bị vất lại. Người dân bắt đầu nhìn thấy tương lai của mình qua
những xác chết nằm la liệt trên đường. Khoảng 0,53% số dân Phnom Penh đã bị
chết trên đường đi245. Tính cả số các quan chức bị hành quyết và người dân bị
bắn do không chịu chấp hành, hơn hai mươi nghìn người đã bị giết trong những
ngày đầu “Phnom Penh giải phóng”. Pol Pot nhận được “tin chiến thắng” khi đang
ở Oudong với Khieu Samphan. Khieu Samphan nhớ lại: “Khi ấy, chúng tôi tránh thể
hiện cảm xúc. Không có tiếng súng chào mừng hay điều gì tương tự. Tôi không
chúc mừng ông ta (Pol Pot). Ông ta nói đơn giản đây là một chiến thắng vĩ đại
mà nhân dân Campuchia tự giành được”246. Pol Pot lặng lẽ về Phnom Penh vào ngày
24-4-1975, sau khi ra lệnh đưa toàn bộ người dân thành phố về các vùng nông
thôn. Ngày 17-4-1975, Yeng Sary đang ở Quảng Trị. Thay vì theo đường Hồ Chí
Minh đi Rattanakiri, Yeng Sary bay ngược trở lại Bắc Kinh để ngày 24-4-1975,
được đưa trở về Phnom Penh bằng một chiếc Boeing 707. Sau ba ngày đại hội đặc
biệt toàn quốc, khi được giao phát ngôn cho Chính quyền, Khieu Samphan cho rằng
chính “máu xương của nhân dân” đã viết nên “trang sử chói lòa của dân tộc”247.
Pol Pot, với một gương mặt được mô tả là tử tế, nụ cười luôn thường trực trên
môi và rất kiệm lời, bắt đầu ban hành chính sách tám điểm: di tản toàn bộ dân
chúng ra khỏi tất cả các thành phố; thủ tiêu tất cả chợ búa; ngưng lưu hành
tiền tệ; buộc các nhà sư phải lao động tại các nông trang; hành hình các nhà
lãnh đạo Lonnol; thành lập các hợp tác xã cao cấp trên toàn quốc, áp dụng chế
độ nhà ăn tập thể; trục xuất toàn bộ người Việt Nam; triển khai quân dọc biên
giới, đặc biệt là biên giới Việt Nam248. Trong số ra tháng 8-1975, Tung
Padevat, tờ báo nội bộ của Khmer Đỏ, giải thích việc đưa hết dân chúng ra khỏi
Phnom Penh là nhằm xóa sở hữu tư, bắt tư sản phải lao động chân tay như
những người nông dân. Bài báo viết: “Sự thật là, chúng ta mạnh hơn và có ảnh
hưởng hơn khu vực tư nhân khi chúng ta ở vùng nông thôn”. Việc bãi bỏ sử dụng
đồng tiền, theo bài báo này, không chỉ để đánh giai cấp tư sản, mà: “Tiền bạc
sẽ dẫn đến sở hữu tư… Nếu chúng ta sử dụng tiền, nó sẽ rời vào tay tư nhân… Nếu
đồng tiền rơi vào tay kẻ xấu hoặc kẻ thù, chúng sẽ dùng tiền để hối lộ, làm tha
hóa cán bộ… Rồi, trong một năm, mười năm, hai mươi năm nữa, cái xã hội trong
sáng của Campuchia sẽ trở thành Việt Nam”249. Khát vọng vượt các “đảng anh em”
trong xây dựng chủ nghĩa cộng sản, tái lập đế chế Angkor, đã biến Pol Pot từ
một kẻ trói gà không chặt trở thành một tên giết người điên rồ. Trong một tài
liệu mật của Trung ương phát hành ngày 19-9-1975, nghĩa là sau vừa đúng năm
tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội, Khmer Đỏ khẳng định: “So sánh với cách mạng ở
Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam, chúng ta đang đi trước họ ba mươi năm”250.
Hàng triệu người bị buộc phải lao động nặng nhọc 12- 15 giờ mỗi ngày, trong khi
ăn không đủ no vì gạo phải để dành cho chỉ tiêu xuất khẩu hai triệu tấn trong năm
1977.
Trong
tuyên bố của Khieu Samphan đưa ra vào ngày 27-4-1975, ngay sau Đại hội Toàn
quốc Đặc biệt, Sihanouk vẫn được coi là “một nhà yêu nước vĩ đại” và vẫn được
giữ vị trí đứng đầu nhà nước. Trong thời gian ấy, Sihanouk đang ở Bình Nhưỡng,
nơi Kim Il Sung xây cho ông một tòa lâu đài nhìn ra mặt hồ Chhang Sou On. Tháng
9-1975, Pol Pot gửi Phó Thủ tướng Khieu Samphan và Bộ trưởng Thông tin Yeng
Thirith, vợ Yeng Sary, tới Bình Nhưỡng mời Sihanouk trở lại Phnom Penh. Khieu
Samphan nói với ông: “Chúng ta đã có điều kiện để trở thành 100% cộng sản.
Chúng ta có thể vượt qua thậm chí người anh Trung Hoa. Với bước đại nhảy vọt,
chúng ta có thể tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản bỏ qua giai đoạn chủ nghĩa
xã hội”251. Họ cùng đi tàu trở lại Bắc Kinh, ở đó, Khieu Samphan tháp tùng
Sihanouk và bà hoàng Monique đến thăm Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Mao lúc ấy
tám mươi hai tuổi “gần như trần truồng trên giường bệnh”252 nhưng có vẻ như ông
vẫn hình dung được những gì học trò ông đang làm ở Campuchia. Mao chỉ thị cho
đại diện Khmer Đỏ: “Đừng đưa Hoàng thân Sihanouk và bà Hoàng tới công xã”.
Những
lời của Mao đã có giá trị cứu mạng Sihanouk. Chu Ân Lai, khi ấy cũng đang ở
trên giường bệnh ung thư giai đoạn cuối, nói với Khieu Samphan và Yeng Thirith
với giọng mà Sihanouk mô tả là khẩn nài: “Xin hãy đi từng bước lên chủ nghĩa
cộng sản. Đừng đi theo mô hình đại nhảy vọt sai lầm của chúng tôi”. Sihanouk
nhớ lại là cả Khieu Samphan và Thirith đều “cười ranh mãnh”. Khmer Đỏ không cho
rằng họ có học tập ai đó, thậm chí cả Mao Trạch Đông; họ muốn xây dựng một xã
hội chưa từng có trong lịch sử.
Ngày
9-9-1975, Sihanouk rời Bắc Kinh trong cờ hoa, Đặng Tiểu Bình gọi đây là
“sự trở về trong vinh quang”. Sự thật là Pol Pot chỉ cần uy tín của Sihanouk để
lấy lại chiếc ghế của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc. Ở Phnom Penh, khi ông Hoàng
đề nghị Pol Pot cho gặp một người chú già và một người dì của ông bị đưa đi
công xã từ hồi tháng 4-1975, ông đã bị từ chối. Đại diện Pol Pot nói với
Sihanouk là ông sẽ được gặp họ sau chuyến đi đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong suốt chuyến đi New York, Yeng Sary luôn cập kè bên ông. Khi họ chuyển
tiếp tại Paris, không ai trong số những người bạn cũ của Sihanouk có thể lọt
vào nơi ở của ông để được gặp ông trực tiếp. Sihanouk thừa nhận là khi ấy ông
đã nhận ra không khí chết chóc ở Campuchia, nhưng vì “trách nhiệm và niềm kiêu
hãnh” cá nhân, tháng 12-1975, Sihanouk cùng bà hoàng Monique, mẹ vợ và hai mươi
hai người con, cháu của ông đã trở lại Phnom Penh. Kết cục là trong hơn ba năm
sống với Khmer Đỏ, Sihanouk đã trở thành một tù nhân; năm người con và mười ba
người cháu của ông đã bị Angkar đưa đến các công xã để rồi không bao giờ nghe
nhắc đến tên họ nữa. Sihanouk khi mới trở về vẫn là quốc trưởng của Chính phủ
Hoàng gia được lập ra ở Phnom Penh, nhưng ông và Thủ tướng Pen Nouth, người
trung thành của ông, chỉ có hư danh. Ngày 20-3-1976, Quốc hội Campuchia được
bầu với thành phần chủ yếu là các bí thư quân khu và chi khu của Khmer Đỏ. Theo
hiến pháp mới, Campuchia sẽ có một hội đồng chủ tịch nhà nước do Quốc hội bầu
lên. Sihanouk phải đệ đơn từ chức để cho Khieu Samphan làm chủ tịch. Hai phó
chủ tịch thứ nhất và thứ hai là hai vị tư lệnh quân khu: So Phim, Quân khu Đông
và Nhim Ros, Quân khu Tây Bắc. Ngày 12-4-1976, Pol Pot bắt đầu xuất hiện công khai
với vai trò thủ tướng, Yeng Sary làm bộ trưởng Ngoại giao, Son Sen làm bộ
trưởng Quốc phòng. Ngày 22-7-1975, trước 3000 đại biểu của các đơn vị quân đội,
Pol Pot nói: “Trên toàn thế giới, trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kể từ
khi nước Mỹ ra đời, không ai, không có quốc gia nào, lại có thể đánh đuổi đế
quốc đến tên cuối cùng và giành thắng lợi hoàn toàn”253 như Khmer Đỏ; còn Pol
Pot cho rằng: “Đây là một thắng lợi mẫu mực cho nhân dân thế giới”.
“Kẻ
Thù Lịch Sử”
Từ
ảo tưởng này, tại lớp chính trị tổ chức cho 700 cán bộ chủ chốt của Đảng trong
hai tháng cuối năm 1975, Nuon Chea cho rằng Campuchia bấy giờ vừa là công
trường lao động, vừa là chiến trường chống Việt Nam. Chính sách thù địch với
Việt Nam mà Khmer Đỏ tiến hành không chỉ bằng định kiến lịch sử được dồn nén
qua nhiều thế kỷ, mà còn bằng cả mối quan hệ ngắn ngủi giữa những người cộng
sản khi cùng sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1930, Đảng Cộng sản
Việt Nam được Trần Phú, theo lệnh Quốc tế Cộng sản, thay bằng một đảng của ba
nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tuy là Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng ngay cả
những phái bộ ở Lào hay Campuchia đều có lượng đảng viên người Việt Nam
chiếm số đông. Từ năm 1935, “Liên bang Đông Dương” bắt đầu được những người
theo đường lối Quốc tế Cộng sản cực đoan tính tới. Tháng 7-1946, Hồ Chí Minh
tới Fonteinebleau. Khi những người Việt Nam trong Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu
những đảng viên người Khmer với phái đoàn Việt Nam và đề nghị họ “đi gặp Bác
Hồ”, Thiounn, người về sau là một bộ trưởng của Pol Pot, nói: “Chúng tôi trả
lời, ông ta không phải là bác của chúng tôi. Họ lại bảo, chúng ta là anh em,
các bạn nên thể hiện sự tôn trọng, nhưng chúng tôi cũng từ chối” 254. Từ năm
1970, nhiều đơn vị Việt Nam đóng quân tại các căn cứ nằm dọc theo biên giới Campuchia
đã bị tấn công mà thủ phạm về sau được xác định là lực lượng của Khmer Đỏ.
Không chỉ hướng sự thù địch vào người Việt, từ năm 1973, Khmer Đỏ bắt đầu chống
lại cả Khmer Rumdo, lực lượng ôn hòa, ủng hộ Sihanouk và từng được Việt Nam
huấn luyện. Ngày 4-11-1973, sau khi bắt cóc ba nhóm Khmer Rumdo, lực lượng
Khmer Đỏ thuộc Khu 25 ở Kandal, gặp những người Khmer Rumdo ở Prey Veng, yêu
cầu Khmer Rumdo hủy bỏ chủ trương hợp tác với các lực lượng miền Bắc Việt Nam.
Những người Khmer Rumdo từ chối. Cuộc tranh cãi đã dẫn đến một cuộc đọ súng và
với sự tham gia của các đơn vị Việt Nam, Khmer Rumdo đã tiêu diệt bốn mươi hai
lính Khmer Đỏ, đẩy lui phần còn lại. Từ đó, các cuộc đụng độ giữa hai lực lượng
gần như thường xuyên xảy ra. Mấy tháng trước đó, khi di chuyển từ Khu IX lên
Trung ương Cục, ông Võ Hồng Thắm, thư ký riêng của ông Kiệt, đã bị Khmer Đỏ
giết khi vừa chạy xuồng qua biên giới Campuchia đoạn tiếp giáp với Hồng Ngự,
Đồng Tháp. Cái chết của ông Thắm không phải là cá biệt. Đầu thập niên 1970, các
đơn vị nhỏ lẻ của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn thường bị tập kích. Chỉ
sau khi các đơn vị miền Bắc Việt Nam tấn công trừng phạt, Khmer Đỏ mới tạm hạn
chế quấy rối. Năm 1970, hơn 800 cán bộ người Khmer tập kết ra miền Bắc Việt Nam
được đưa trở lại Campuchia đã bị Khmer Đỏ dần dần thủ tiêu vì coi họ là những
“người Khmer, đầu Việt”. Một số chạy thoát sang Việt Nam, nhưng theo ông Võ Văn
Kiệt: “Thoạt đầu, Trung ương Cục chủ trương trả lại cho Khmer Đỏ, kết quả là
tất cả họ khi về tới cứ của Pol Pot đều bị giết. Về sau, Trung ương Cục thống
nhất với Pol Pot, phía Việt Nam chỉ trao trả những cán bộ nào chấp nhận trở lại
hàng ngũ Khmer Đỏ”. Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam cũng đang say sưa với chiến
thắng, những chiến dịch gây hấn biên giới của Pol Pot đã không được đánh giá
đúng mức và các nhà lãnh đạo, trong các chuyến đi tới Campuchia, cũng đã không
đủ nhạy cảm để nhận ra Khmer Đỏ là ai, và đã không có ấn tượng đầy đủ trước
không khí chết chóc đang bao trùm quốc gia chùa tháp. Ngày 2-6-1975, Phó
Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh theo đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh
đến Phnom Penh gặp Pol Pot để giải quyết các vụ đụng độ ở các đảo Phú Quốc và
Poulo Wai. Đường dài gần 200km qua ba tỉnh trước khi tiến đến thủ đô, nhưng ông
đã không nhận thấy dấu hiệu khác thường gì. Đúng hai tháng sau, Bí thư Thứ nhất
Lê Duẩn lại dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến Campuchia trong
một chuyến thăm đáp trả chuyến đi ngày 12-6-1975 của Pol Pot, Nuon Chea và Yeng
Sary. Một thành phố Phnom Penh vắng tanh đã không trở thành mối băn khoăn của
ông và tùy tùng. Đúng một năm sau đó, Pol Pot cho phép một đoàn nhà báo Việt
Nam đi đến nhiều nơi ở Campuchia, các nhà báo có nhận ra sự “vắng vẻ lạ thường”
ở Phnom Penh nhưng rồi đã choáng ngợp khi Pol Pot trình diễn “tình anh em giữa
hai đảng và hai dân tộc”255. Theo một thành viên của đoàn, nhà báo Tô Quyên,
Chính phủ Pol Pot- Yeng Sary đã tái hiện “tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị
tươi đẹp ấy” bằng một đêm trình diễn văn nghệ tại nhà hát lớn thủ đô Phnom
Penh. Còn Thủ tướng Pol Pot thì tiếp đãi đoàn vô cùng nồng thắm256.
Chỉ
mấy tuần sau khi đoàn nhà báo Việt Nam rời Phnom Penh, cuộc thanh trừng những
nhân vật Khmer Đỏ có dính líu tới Việt Nam bắt đầu được Pol Pot tiến hành. Năm
ấy, một số nhà lãnh đạo Khmer Đỏ vốn là đảng viên từ thời Đảng Cộng sản Đông
Dương như Keo Meas đề nghị tổ chức kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Đảng
Campuchia, tính theo ngày 30-9-1951, ngày mà tại Việt Bắc, lãnh tụ Sơn Ngọc
Minh tuyên bố thành lập Đảng Campuchia. Tuy nhiên, đó là một quá khứ mà Pol Pot
không muốn dính líu. Mười ngày trước sinh nhật Đảng, Pol Pot ra lệnh đình chỉ
việc chuẩn bị lễ kỷ niệm, đồng thời ra lệnh bắt Keo Meas và Nay Sarang, một nhà
lãnh đạo cao cấp khác. Họ bị đưa đến nhà ngục nổi tiếng, Tuol Sleng, bị tra tấn
cho đến khi “nhận tội” rồi bị giết chết. Pol Pot đã viết lại lịch sử bằng cách
ra một văn bản, xác định thời điểm thành lập Đảng không phải là năm 1951 mà là
1960, năm Đảng Campuchia tổ chức đại hội và, sau đó, bầu ông ta làm phó bí thư.
Pol Pot giải thích: “Chúng ta cần đặt lịch sử Đảng vào trong những gì trong sạch
và hoàn hảo, vạch ra đường lối độc lập và tự chủ cho chúng ta”257. Sihanouk
nhận ra thái độ của Khmer Đỏ với Việt Nam từ trước khi ông trở về Phnom Penh.
Theo
Nayan Chanda: Nhân dịp Quốc khánh Việt nam, 2-9-1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng
đã mời Sihanouk và Khiêu Samphan, khi ấy đang là khách của Việt Nam, dự “tiệc
gia đình”. Thành phần tham gia gồm Hà Nội, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam
Việt Nam, các nhà lãnh đạo Lào, và Khmer Đỏ. Khieu Samphan đã làm Sihanouk “mất
tinh thần và ngạc nhiên” khi “lạnh lùng từ chối” và nói rằng Campuchia muốn một
bữa tiệc song phương. Sau đó, Khieu Samphan giải thích với Sihanouk: “Chúng ta
không bao giờ để rơi vào cái bẫy của người Việt Nam, kẻ đang muốn thống
trị và nuốt chửng Campuchia bằng cách lôi kéo vào liên bang Đông Dương của
họ”258. Tháng 12-1976, khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng lần thứ IV, đại hội
như một đại lễ mừng chiến thắng, Khmer Đỏ chỉ gửi điện mừng thay vì cử đại biểu
đến Hà Nội như hai mươi chín “đảng anh em” khác259. Nhưng đến tận lúc ấy, Việt Nam
vẫn coi biên giới Tây Nam là nơi tiếp giáp với một “người anh em”. Trên toàn
tuyến biên giới dài hơn 1.000km ấy, Việt Nam chỉ bố trí bốn mươi hai đồn biên
phòng; trong khi đó, bốn sư đoàn Khmer Đỏ gấp rút hoàn thành tuyến công sự dày
đặc kéo dài từ bờ Vịnh Thái Lan đến vùng Sông Bé.
Thất
bại trong tấn công ngăn chặn (Pre-emptive War)
Ngày
14-1-1977, gần một trung đoàn Pol Pot tấn công các đồn, chốt Việt Nam ở khu vực
Buprang, gây cho phía Việt Nam những thiệt hại nghiêm trọng. Dân tình lo lắng,
cán bộ các cấp cũng bắt đầu hết sức băn khoăn. Chiến tranh bắt đầu leo thang
trong năm 1977: 30-4-1977, Pol Pot cho quân tấn công trên tuyến biên giới thuộc
địa bàn Quân khu IX; tháng 8-1977, tấn công trên địa bàn Quân khu VII; tháng
10-1977, tấn công trên địa bàn Quân khu V. Ở Quân khu IX lúc ấy, chỉ một sư
đoàn bộ binh được giữ ở trạng thái thường trực, trong khi hai sư đoàn bộ binh
còn lại chuyển sang làm kinh tế – Sư 4 ở tứ giác Long Xuyên, Sư 8 ở Đồng Tháp
Mười, chủ yếu đào kinh260. Tinh thần của bộ đội, vì thế, cũng có những “diễn
biến khá phức tạp”. Theo Tướng Trà: “Sau bao nhiêu năm chiến đấu liên tục, gian
khổ, ác liệt, chính sách hậu phương quân đội chưa được giải quyết thỏa đáng;
yêu cầu được nghỉ phép, phục viên của anh em chưa được giải quyết, nhất là số
anh em quê miền Bắc, hàng năm, bảy năm, thậm chí cả chục năm biền biệt xa nhà;
rồi tư tưởng ‘xả hơi’, nghỉ ngơi, bộ đội đang từ thành phố, thị xã… nay lên
vùng biên khai hoang, làm kinh tế, trần mình suốt ngày với cỏ dại, cây hoang,
sình lầy, chua phèn; thiếu thốn cơ cực đủ bề”261.
Toàn
biên giới Tây Nam cũng hầu như không có bộ binh thường trực, nên khi Pol Pot
tấn công thì ở vào thế bị động, đối phó lúng túng và chịu tổn thất lớn. Tướng
Lê Đức Anh thừa nhận: “Các tỉnh, các quân khu phía Nam thiếu sẵn sàng chiến
đấu, biên giới bỏ ngỏ; chỉ huy tác chiến nặng về đánh theo lối chính quy hiệp
đồng binh chủng nên tiêu hao đạn dược thì lớn mà hiệu suất chiến đấu rất thấp.
Tháng 9- 1977, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp đề nghị Bộ Chính trị có chủ
trương giải quyết tình hình biên giới Tây Nam”. Đêm 30-4-1977, Khmer Đỏ đưa
quân đánh lấn suốt một dải biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên, Kiên Giang. Tang
tóc lại bao trùm không chỉ ở nơi xảy ra chiến sự. Trên tuyến biên giới do Quân
khu IX đảm trách, từ huyện Mộc Hóa, Long An đến Hà Tiên, Kiên Giang, Pol Pot
dùng bảy tiểu đoàn quân chính quy cùng với lực lượng địa phương thuộc
quân khu Tây Nam đánh thẳng vào khu vực Bảy Núi, Tịnh Biên-An Giang. Hàng trăm
dân thường dân bị tàn sát, hàng trăm ngôi nhà bị đốt. Các đơn vị đứng chân gần
biên giới của Quân khu IX tuy đã nỗ lực tác chiến, nhưng theo ông Phạm Văn Trà:
“Hầu hết đang làm nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế, chưa chuẩn bị đối phó với
địch, nên có phần bất ngờ, bị động, lúng túng, thậm chí bị tổn thất”. Ngay đêm 30-4-1977,
Tướng Lê Đức Anh ra lệnh cho Sư đoàn 330 chuyển sang trạng thái sẵn sàng cơ
động lên tuyến biên giới đánh địch, đồng thời, theo ông Trà, Quân khu cũng được
trên đồng ý cho thành lập thêm Sư đoàn 339 làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Bắt
đầu từ đây, chiến sự không còn xảy ra trên đường biên. Một tháng rưỡi sau, Tư
lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh quyết định đưa một lực lượng gồm hai trung đoàn bộ
binh có xe bọc thép M113, một trung đoàn tăng thiết giáp, hai phi đội máy bay
tiêm kích, đánh hiệp đồng binh chủng ở quy mô sư đoàn từ hướng Kiên Giang, thọc
sâu vào đất Campuchia, vòng về tiêu diệt phần lớn lực lượng Khmer Đỏ đang chiếm
giữ Đầm Chích, xã Vĩnh Điện. Nhưng, theo Tướng Phạm Văn Trà, khi Sư đoàn 4 đang
khôi phục tuyến biên giới Hà Tiên thì Khmer Đỏ tràn qua cửa khẩu Vịnh Bà, đánh
sâu vào lãnh thổ tỉnh Đồng Tháp, chiếm một số khu vực, trong đó có khu vực tăng
gia sản xuất tập trung của Sư đoàn 8. Tướng Lê Đức Anh lại phải lệnh: “Đưa ngay
một trung đoàn lên Đồng Tháp”262. Sau khi Trung đoàn 1, Sư 330, bị điều lên lên
Đồng Tháp theo lệnh của Tướng Anh, một hướng quan trọng là Tịnh Biên và Thất
Sơn bị bỏ trống. Vừa lấy lại phần địa bàn của Sư 8 bị Khmer Đỏ chiếm giữ thì Ba
Chúc, Tịnh Biên của An Giang lại bị Khmer Đỏ tập trung một lực lượng lớn đánh
vào. Sư đoàn 4 buộc phải lùi về phía sau, Khmer Đỏ mặc sức tàn sát người dân
vùng Ba Chúc. Tướng Lê Đức Anh lại phải điều Trung đoàn 1, sư 330, trở về giải
vây rồi đẩy quân Pol Pot lùi qua bên kia kênh Vĩnh Tế. Không lâu sau, khi Trung
đoàn 1 vừa rút đi, quân Pol Pot lại quay lại đánh Ba Chúc với quy mô cấp sư
đoàn, lực lượng của Tỉnh đội An Giang không giữ được. Trung tuần tháng 12-1977,
Quân khu IX đã thi hành phương thức phòng thủ mà Tướng Trà gọi là học
theo kế “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt thời chống Tống. Sư đoàn 330,
gồm ba trung đoàn bộ binh chính quy, cùng hai tiểu đoàn địa phương quân An
Giang, được trang bị một số xe M-113, đánh thẳng vào khu vực cố thủ của Khmer
Đỏ ở núi Tham Đưng và núi Som sâu trong đất Campuchia từ hai mươi đến ba mươi cây
số. Toàn tuyến phòng thủ của Pol Pot từ Ki Ri Vông đến quận lỵ Rề Minh thuộc
tỉnh Tà Keo bị chọc thủng không mấy khó khăn. Thật trớ trêu khi người dân
Campuchia đã vui mừng khi thấy quân đội nước ngoài đánh tới263. Các lực lượng
của Quân khu IX đã ở lại trên đất Campuchia tổng cộng hai mươi ngày. Chưa đầy
hai tuần sau khi quân Việt Nam rút về, giữa tháng 1-1978, quân Pol Pot tiến
đánh ồ ạt vào các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, thuộc huyện Châu Đốc, An
Giang. Đặc biệt, ngày 15-1-1978, bảy tiểu đoàn của Trung đoàn 14 cùng với Trung
đoàn 15 thuộc Sư đoàn 2 của Pol Pot đánh chiếm Ba Chúc và núi Phú Cường thuộc
huyện Tịnh Biên. Sư đoàn 4 và lực lượng địa phương của An Giang lại một lần nữa
không giữ được địa bàn, để quân Khmer Đỏ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên
năm cây số, phá sập hai cây cầu trên trục đường từ thị trấn Nhà Bàng đi Ba
Chúc, Chi Lăng. Đi tới đâu, lính Khmer Đỏ xả súng bắn giết tới đó, chúng bắt cả
trẻ em, người già và ngang nhiên đập phá chùa chiền, tượng Phật. Sở chỉ huy
tiền phương của Sư đoàn 330 đóng trên núi Trà Sư bị bao vây ba bề. Lính Khmer
Đỏ lại mặc sức sát hại người dân Ba Chúc. Lính Khmer Đỏ không chỉ ném lựu đạn,
xả súng bắn chết hàng nghìn thường dân ở hai ngôi chùa, nhiều thường dân khác
còn bị giải ra đồng, xả súng bắn chết264. Theo ông Trà: “Xác chết chất thành
đống trong xóm ấp và ngoài đồng. Không khí chết chóc bao trùm; quạ đen bay đầy
trời”. Theo Tướng Phạm Văn Trà, sau khi đánh tan lực lượng Khmer Đỏ ở Phú Cường
và Ba Chúc, bãi chiến trường được giữ lại gần một tuần lễ để các nhà báo trong
nước và quốc tế đến quay phim. Chiến tranh biên giới với Campuchia bắt đầu được
công bố265.
“Nhất
Biên Đảo”
Hơn
hai năm trước đó, trong lễ mừng chiến thắng, tổ chức vào ngày 15-5-1975 tại Hà
Nội, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã làm cho hàng triệu con tim “sởn gai ốc” khi,
với giọng Quảng Trị trầm ấm, ông tuyên bố: “Chào
mừng tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch
của nước ngoài, vĩnh viễn thoát khỏi họa chia cắt, chào mừng non sông gấm vóc
Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ nay hoàn toàn độc lập, tự
do và vĩnh viễn độc lập tự do”266. Bí thư Lê Duẩn nói tiếp: “Trong 4.000
năm lịch sử của dân tộc ta thì hơn 100 năm lại đây là chặng đường đấu tranh
chống ngoại xâm gay go nhất, quyết liệt nhất, nhưng cũng thắng lợi vẻ vang
nhất”. Tại buổi lễ long trọng này, ông Lê Duẩn bày tỏ niềm tin: “Một dân tộc đã làm nên những chiến công
hiển hách ấy xứng được hưởng hòa bình, tự do và hạnh phúc. Dân tộc ấy cũng nhất
định có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để vươn lên những đỉnh
cao của thời đại, biến đất nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng
nề và trên đó, đế quốc Mỹ đã gieo biết bao tội ác, thành một nước văn minh,
giàu mạnh, thành trì bất khả xâm phạm của độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa
xã hội ở Đông Dương và Đông Nam Á”267. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng cho giải
thể hàng loạt các đơn vị chiến đấu.
Tháng 10-1976, Bộ Chính trị ra nghị quyết “về
vấn đề quân đội làm kinh tế”, xác định: “Cách mạng nước ta đã chuyển sang giai
đoạn mới, giai đoạn làm cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Khẩu hiệu “Tất cả
cho tiền tuyến” từ lúc ấy cũng bắt đầu được thay bằng khẩu hiệu: “Tất cả cho
sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hà Nội gần như không có phản
ứng chính thức ngay cả khi Pol Pot đã cho đánh tới quy mô cấp sư đoàn268. Áp
lực từ các đơn vị quân đội và các địa phương tăng dần lên. Ông Nguyễn Thành Thơ
kể: Cuối năm 1977, trong một lần đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Cần Giờ bằng tàu
quân sự, đến Văn phòng Huyện ủy đã khoảng 12 giờ, anh Ba nói, “Mệt quá cho tôi
nghỉ một lát”. Anh nghỉ một lúc rồi nói: “Các anh có gì hỏi, tôi giải đáp”. Anh
em chúng tôi có khoảng ba mươi người, phấn khởi rộ lên: “Xin hỏi K nó quấy rối
biên giới ta, tàn sát cướp phá rất dã man, sao ta đối phó rất lôi thôi, chúng
tôi khó hiểu”. Anh Lê Duẩn trả lời: “Các đồng chí hỏi đúng vào một tình hình cả
nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm, ngủ không được. Không phải là vấn đề
Khmer Đỏ, vấn đề Pol Pot mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer Đỏ, đằng sau Pol Pot.
Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung
Quốc đánh ta thôi. Nếu ta không chiếm K, Trung Quốc cũng không chiếm ta”.
Cuối
năm 1977, khi đánh sâu vào đất Campuchia, theo ông Trần Phương, quân đội Việt
Nam phát hiện nhiều tài liệu cho thấy Trung Quốc đứng sau lưng Pol Pot. Tháng
1-1979, khi tiến vào Phnom Penh, Quân đội Việt Nam còn thu được văn bản hiệp
định viện trợ quân sự không hoàn lại mà Tướng Wang Shangrong, phó Tổng Tham mưu
trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ký với Son Sen tại Phnom Penh ngày
10-2-1976. Trong các năm 1977, 1978, Trung Quốc cung cấp cho Khmer Đỏ pháo
binh, pháo phòng không, thuyền tuần tiễu… Đặc biệt, 500 chuyên gia quân sự
Trung Quốc đã được gửi sang để huấn luyện Khmer Đỏ sử dụng những vũ khí, khí tài
quân sự ấy. Cố vấn Trung Quốc thậm chí còn gặp cả người của lực lượng Fulro
đang hoạt động chống Chính quyền Việt Nam ở vùng Tây Nguyên269. Làn sóng người
Khmer tị nạn, nhất là những người tị nạn qua ngả Thái Lan, đã giúp thế giới
biết được phần nào nội tình Campuchia. Trung Quốc sẽ không dám bất chấp dư luận
quốc tế để ủng hộ một chế độ diệt chủng, nhất là ủng hộ những hành vi chiến
tranh, nếu Việt Nam không để cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ rơi vào tay
Trung Quốc. Sau ngày “chiến thắng đế quốc Mỹ”, theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Cuba
nhiều lần thiết tha mời anh Ba Lê Duẩn sang thăm. Fidel cứ giục mãi, nhiều đồng
chí nhắc, anh Ba mắng: ‘Các chú muốn dân đói à?’. Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại
Giao: ‘Đúng là Fidel sang ta mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không
tuyên bố chống Mỹ thì Cuba không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy,
sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích
quốc gia, tôi chưa thể đi được’. Rồi anh Ba cử Lê Đức Thọ đi, anh dặn: ‘Nên nói
với đồng chí Fidel, tôi rất muốn sang, nhưng sức khoẻ có vấn đề, bác sĩ không
cho đi máy bay xa, đồng chí Fidel thông cảm”.
Theo
ông Đậu Ngọc Xuân, lúc ấy, nhiều người đã bất ngờ trước tư duy mềm dẻo này của
ông Lê Duẩn. Cũng thời điểm ấy, theo ông Xuân: “Khi Bộ Chính trị bàn về vấn đề
‘ta có thừa kế cổ phần IMF mà chính quyền Sài Gòn cũ có tham gia không?’, có
người nói: ‘Ta mà kế thừa Nguỵ à?’, có người lưu ý: ‘IMF là tư bản đấy!’, anh
Ba quát: tại sao không!”. Đặng Tiểu Bình đã đánh trúng mối lo của Lê Duẩn khi
về sau sẽ ví Việt Nam là Cuba ở phương Đông trong bối cảnh Việt Nam đang có
những nỗ lực bất thành nối lại bang giao với Mỹ. Ông Trần Quang Cơ, năm ấy là
vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, kể, chỉ hơn một tháng sau khi làm chủ Sài Gòn, Việt Nam có
nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp miệng270. Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Văn
Đồng nói trước Quốc hội: “Việt Nam mời gọi Hoa Kỳ bình thường hóa và yêu cầu
chính quyền Mỹ chi tiền tái thiết như đã hứa”. Các đại diện của hai ngân hàng
Mỹ, Bank of America và First National City Bank, được mời họp về khả năng có
thể giao thương, và các công ty Mỹ được thông báo rằng họ có thể ký kết tìm dầu
ở thềm lục địa Việt Nam. Đáp lại những tín hiệu này, ngày 7-5-1976, Tổng thống
Gerald R. Ford đề nghị Quốc hội Mỹ tạm ngưng cấm vận Việt Nam trong sáu tháng
để tạo điều kiện cho việc đối thoại giữa hai nước. Ngày 8-5-1976, Ngoại trưởng
Kissinger gửi công hàm cho Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, đề nghị
thảo luận vấn đề “bình thường hóa”. Ngày 6-1-1977, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lộ trình
ba bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và trước mắt có thể đặt quan hệ
ngoại giao ở cấp đại sứ. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Geral R. Ford có vẻ như vẫn
chưa sẵn sàng khi đưa ra điều kiện để nối lại bang giao: Việt Nam phải làm đầy
đủ hồ sơ về lính Mỹ mất tích (MIA), trong đó có việc trao trả hài cốt Mỹ. Phía Việt Nam cũng đòi bằng
được Mỹ phải bồi thường chiến tranh, trong khi Mỹ cho rằng Việt Nam đã vi phạm
Hiệp định Paris nên không thể bàn đến khoản tiền thỏa thuận trước khi ký Hiệp
định Paris được. Theo ông Đậu Ngọc Xuân, sau những diễn tiến này, ông Lê
Duẩn nói: “Bình thường hóa là thua trận lần thứ hai, họ không chịu đâu”.
Năm
1977, khi Jimmy Carter nhậm chức tổng thống, ông đã giảm điều kiện “làm đầy đủ
hồ sơ lính Mỹ mất tích” xuống còn “làm đầy đủ trong khả năng có thể”. Tháng
3-1977, Carter gửi một phái đoàn sang Hà nội để bàn về việc nối lại bang giao.
Ngày 17-3-1977, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã tiếp Đặc phái
viên của Tổng thống Mỹ Leonard Woodcock. Cùng ngày, Woodcock đến chào Thủ tướng
Phạm Văn Đồng. Những nỗ lực bình thường hoá dưới thời Carter là có thật. Chỉ ba
mươi phút sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Jimmy Carter rời lễ đài đi
vào bên trong tòa nhà Quốc hội, và trước khi sang Nhà Trắng, ông ký lệnh ân xá
cho những người Mỹ đã từng chạy sang Canada trốn lính nhằm tránh cuộc
chiến tranh Việt Nam. Ông Carter thừa nhận đó là “một quyết định khó khăn” và
ông đã phải nhận những lời chỉ trích. Nhưng Tổng thống Carter nói: “Tôi nghĩ đó
là một bước cần thiết để khởi đầu việc hàn gắn và đưa chúng ta ra khỏi nỗi ám
ảnh Việt Nam để đi tới một kỷ nguyên mới tốt đẹp hơn”271. Ngày 4-5-1977, chính
quyền của ông Carter đồng ý để Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Sau chuyến đi của
ông Leonard Woodcock, Mỹ chủ trương bình thường hóa vô điều kiện. Ngày
3-5-1977, phiên đàm phán đầu tiên giữa hai phái đoàn Việt-Mỹ đã diễn ra tại Đại
sứ quán Việt Nam ở Paris. Ông Trần Quang Cơ272, người tham gia cuộc đoàn đàm
phán này, nhớ lại: “Một trong những điều ngáng trở tiến trình đàm phán là do
chúng ta cứ khăng khăng đòi Mỹ phải chi 3,2 tỷ đô-la bồi thường chiến tranh”.
Số tiền viện trợ 3,2 tỷ đô-la được coi như là một “thành công kép” mà Cố vấn Lê
Đức Thọ mang về từ những cuộc hội đàm ở Paris273. Khoản tiền này đã từng được
những nhà hoạch định kế hoạch kinh tế hậu chiến của Việt Nam tính toán như một
nguồn quan trọng để thực thi kế hoạch.
Trước
khi đoàn lên đường sang Paris đàm phán bình thường quan hệ Việt-Mỹ, theo ông
Trần Quang Cơ, ông Lê Đức Thọ, theo cung cách xin viện trợ của Liên Xô, đã cung
cấp cho đoàn cả một danh sách dài bao nhiêu máy cày, bao nhiêu máy kéo để đòi
Washington phải trả. Ông Trần Quang Cơ nhớ lại: “Holbrook nói thẳng với ông
Phan Hiền: thôi thì cứ đặt ‘phòng quyền lợi’ đi, cứ bình thường hóa cái đã rồi
khoản tiền 3,2 tỷ chúng tôi sẽ tìm cách viện trợ sau. Trưởng đoàn lúc ấy là ông
Phan Hiền lập tức bay về Hà Nội báo với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch thuyết
phục Bộ Chính trị nhưng không được”. Khi Biên giới Tây Nam gần như được đặt
trong tình huống chiến tranh và Trung Quốc đã được Ban Chấp hành Trung ương coi
là “kẻ thù”, Việt Nam bắt đầu nhận thấy vai trò của việc quan hệ bình thường
với một siêu cường như Mỹ.
Đầu
năm 1978, ở Tokyo (Nhật), Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phan Hiền tuyên bố:
“Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Mỹ”. Lúc này, Jimmy Carter
gần như đã nghiêng về chủ trương “chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô”
theo đề nghị của Cố vấn An ninh Quốc gia Z. Brzezinski. Tổng thống Jimy Carter
thừa nhận: “Yêu cầu lúc đầu của phía Việt Nam là chúng ta phải bồi thường chiến
tranh theo một số cách thức. Nhưng cuối cùng, tôi nhớ là năm 1978, họ rút lại
đòi hỏi này. Điều phức tạp là cũng năm đó, tôi phải dồn tâm trí và đích thân
đàm phán bình thường hoá với Trung Quốc. Những cuộc hội đàm giữa Israel và Ai
Cập lúc ấy cũng đang diễn ra tại trại David. Tôi phải nói rằng, năm 1978, vấn
đề Việt Nam không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi nữa”274.
Cùng
thời gian này, FBI tung ra vụ “gián điệp” liên quan đến đại sứ Việt Nam tại
Liên Hiệp Quốc, ông Đinh Bá Thi. Ronald Humphrey, nhân viên của Cơ quan thông
tin Hoa Kỳ, cùng David Truong, người của Hội Việt-Mỹ, bị bắt vì lấy cắp
mấy bức điện tín được coi là không quan trọng lắm của Mỹ. Đại sứ Đinh Bá Thi bị
trục xuất. 19-5-1978, một ngày trước khi Brzezinski tới Bắc Kinh, Đặng Tiểu
Bình tuyên bố: Trung Quốc là NATO phương Đông; đồng thời Đặng ví Việt Nam với
Cuba, một “tiền đồn của Liên Xô” ở bên cạnh Mỹ. Ngày 23-8-78, Bộ trưởng Ngoại
giao Mỹ, Cyrus Vance đi thăm Bắc Kinh. Ngày 21-8-78, bảy hạ nghị sĩ thuộc cả hai
đảng Dân chủ và Cộng hòa do Hạ nghị sĩ Dân chủ G.V.Montgomery, chủ tịch Ủy ban
POW/MIA, dẫn đầu vẫn đến Hà Nội. Việt Nam đã cố bày tỏ thiện chí bằng cách trao
trả cho Mỹ một số bộ hài cốt và cử ông Trần Quang Cơ đích thân dẫn đoàn vào
miền Nam, thăm thánh thất Cao Đài và một trại người Campuchia tị nạn chiến
tranh ở biên giới Tây Ninh. Đoàn của Hạ nghị sỹ Montgomery là đoàn người Mỹ đầu
tiên được phép thăm Sài Gòn kể từ sau 30-4-1975. Nhưng, theo ông Trần Quang Cơ,
quyết định chấp nhận công thức do phía Mỹ đưa ra “bình thường hóa vô điều kiện”
vào lúc ấy đã là quá muộn.
Cuối
tháng 9-1978, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tới Mỹ sau một thời gian
ông nằm ở Đà Nẵng dự thảo Hiệp định Hợp tác Toàn diện với Liên Xô. Cuộc đàm
phán giữa ông Thạch và Holbrooke diễn ra lạnh nhạt. Theo ông Trần Quang Cơ,
người có mặt trong cuộc đàm phán này, Holbrooke nói: “Mỹ coi trọng châu Á, Mỹ
cần bình thường hóa quan hệ giữa hai nước nhưng lo ngại Liên Xô đặt căn cứ ở
Cam Ranh”. Lúc đó, theo dự đoán của người Mỹ, có khoảng từ 3.500-4000 cố vấn
Liên Xô đang có mặt ở Việt Nam275. Những ngày sau khi kết thúc chiến tranh, Lê
Duẩn đã khá thận trọng trong mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, nhưng độc
lập luôn bị thách thức trong mối quan hệ với những người “anh em cộng sản”. Cả
Liên Xô lẫn Trung Quốc đều đặt Việt Nam vào thế phải đứng hẳn về một bên. Ngày
31-8-1975, trên đường đi dự Quốc khánh Việt Nam, Tướng Trần Tích Liên, ủy viên
Bộ Chính trị, tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, đã không đi thẳng tới Hà Nội mà dừng
chân tại Khu Gang Thép Thái Nguyên. Tại Nhà máy đang được xây dựng bởi Trung
Quốc này, Tướng Liên đọc một diễn văn kêu gọi “chống bá quyền” mà ai cũng biết
là chống Liên Xô. Hà Nội đã khá mềm dẻo khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn “ôm hôn
thắm thiết” Trần Tích Liên, nhưng các báo xuất bản tại Việt Nam không nói gì
tới bài diễn văn “chống bá quyền” của Trung Quốc.
Cuối
tháng 9-1975, khi Lê Duẩn tới Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình, người mới được phục
chức phó thủ tướng sau khi bị “bè lũ bốn tên” đưa ra khỏi Trung Nam Hải, nêu
vấn đề “chống bá quyền” và ngầm khuyên nhủ Việt Nam liên kết với Bắc Kinh chống
lại Moscow. Khi đáp từ, Lê Duẩn đã tránh đề cập tới “bá quyền” đồng thời “cám
ơn sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em” tất nhiên là bao gồm
Liên Xô. Sự né tránh đứng hẳn về phía Trung Hoa và vấn đề Hoàng Sa đã khiến cho
chuyến đi của Lê Duẩn hoàn toàn thất bại: Trung Quốc từ chối viện trợ; Lê Duẩn
từ chối thảo luận thông cáo chung; tiệc liên hoan bị hủy bỏ. Trung Quốc càng
ngờ vực Việt Nam hơn khi một tháng sau đó, trong chuyến đi tới Moscow, Lê Duẩn
có một “Thông cáo chung”, theo đó, Việt Nam nhất trí với Liên Xô trong đường
lối đối ngoại. Đây là một thay đổi lớn.
Tháng
3-1976, khi tham dự Đại hội XXV của Đảng Cộng sản Liên Xô, Lê Duẩn nhấn mạnh:
Mỗi đảng cộng sản có thể theo đuổi một đường lối riêng, phù hợp với điều kiện
của mỗi nước276. Liên Xô đã từng bất ngờ khi Việt Nam từ chối gia nhập khối
Comecon277 trong khi xin gia nhập IMF. Tháng 12-1976, khi đến Hà Nội dự Đại hội
Đảng lần thứ IV, Suslov được mô tả là đã giận dữ khi lần thứ hai thất bại trong
việc thuyết phục Việt Nam vào Comecon278. Nhưng để “tiến nhanh lên xã hội chủ
nghĩa”, Việt Nam lại rất cần tiền bạc. Trong khi đó, Trung Quốc cắt viện trợ,
Liên Xô từ chối giúp đỡ, hy vọng vào 3,2 tỷ đô la “bồi thường chiến tranh” của
Washington tiêu tan. Phạm Văn Đồng bị các nước lớn như Anh, Đức cự tuyệt và người
Pháp thì lạnh nhạt.
Ở
trong nước, từ năm 1977, chính sách “sản xuất lớn” áp dụng vội vàng lại gây ra
đói kém, mất mùa. Ngày 2-6-1977, trên đường từ Đông Âu trở về, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp ghé qua Bắc Kinh, nhưng người đối đẳng với ông là Bộ trưởng Quốc
phòng Diệp Kiếm Anh đã không ra sân bay đón. Tướng Giáp gần như đã bị làm nhục
trong suốt chuyến đi này279. Một
tuần sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung
Quốc Lý Tiên Niệm chính thức cáo buộc Hà Nội “lật lọng đối với Công hàm 1958”.
Sau những sự cố ngoại giao đó, Việt Nam càng cảnh giác cao với Bắc Kinh.
Ngày
2-5-1978, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội ra Quyết định đổi một đồng tiền dùng chung
cho hai miền. Theo đó, một đồng ngân hàng miền Bắc được đổi bằng một đồng
tiền mới; 0,80 đồng tiền miền Nam “ăn” được một đồng. Không có biến động đáng
kể vì lần đổi tiền này không nhằm “cải tạo tư sản” dù được đưa ra ngay sau “cải
tạo tư sản”. Lý do công khai là “để thống nhất tiền tệ trong cả nước”. Nhưng,
theo ông Nguyễn Nhật Hồng, đồng tiền Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt
Nam phát hành tại miền Nam từ ngày 22-9-1975 là tiền thuộc lô “Hàng 65” được
Trung Quốc giúp in. Tuy nhiên, sau khi in, bản kẽm bị “bạn” giữ lại, Việt Nam
xin lại mấy lần không được. Năm 1978, nhằm tránh Trung Quốc sử dụng bản kẽm mà
họ đang giữ để in tiền tung ra phá hoại, Chính quyền cho đổi “Hàng 65” bằng một
loại tiền mới được in từ Tiệp Khắc.
Sự
căng thẳng giữa Trung Quốc-Việt Nam càng thêm kịch tính sau cái chết của nữ
nghệ sỹ Thanh Nga. Đêm 26-11-1978, vào lúc 23 giờ 30, xe của nghệ sỹ Thanh Nga
rời rạp hát về đến trước nhà riêng ở số 114 Ngô Tùng Châu, Quận 1, thì bị một
kẻ lạ mặt dùng súng khống chế người bảo vệ và chồng của nghệ sỹ Thanh
Nga, luật sư Phạm Duy Lân. Cùng lúc, kẻ lạ mặt thứ hai dựng xe honda, nhảy vào
bắt con của Nghệ sỹ Thanh Nga là bé Cúc Cu đang ngồi ghế sau với mẹ. Nghệ sỹ
Thanh Nga chống trả quyết liệt, Luật sư Lân từ ghế lái xe quay lại hỗ trợ vợ,
lập tức bị kẻ lạ mặt nổ súng bắn chết. Thanh Nga hét lên và đến lượt chị cũng
bị bắn. Hai kẻ lạ mặt tẩu thoát. Cái chết của vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga làm
rúng động cả nước vì khi bị bắn, chị chưa kịp thay bộ đồ “Thái hậu Dương Vân
Nga”, một vai diễn hừng hực lửa chống “kẻ thù phương Bắc”. Trước đó, Thanh Nga
cũng đã nhận được một số thư từ đe dọa khi chị diễn vai Trưng Trắc trong Tiếng
Trống Mê Linh và đã từng bị ném lựu đạn khi đang diễn trên sân khấu Lux. Vụ án
Thanh Nga vì thế lúc đầu được coi như là một chuyên án chính trị. Quan tài hai
vợ chồng quàn tại 81 Trần Quốc Thảo thu hút hàng vạn người Sài Gòn280.
Sự
cự tuyệt của Trung Quốc và Mỹ cuối cùng đã đặt Việt Nam vào thế “nhất biên
đảo”. Từ tháng 7-1977, các phái đoàn quân sự của Liên Xô bắt đầu đến các căn cứ
quân sự cũ của Mỹ ở miền Nam. Tháng 10-1977, chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn
quân sự Liên Xô được công khai trên các phương tiện truyền thông. Cùng lúc,
Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự cho Pol Pot. Giữa tháng 10-1978, ở New
York, Nguyễn Cơ Thạch hối thúc các nhà đàm phán Hoa Kỳ ký thỏa thuận bình
thường hóa. Có lẽ ông Thạch cũng muốn có một nỗ lực cuối cùng. Nhưng Hoa Kỳ đã
từ chối vì ba “trở ngại” mới: sự thù địch của Việt Nam với Campuchia, mối quan
hệ với Liên Xô, và tình trạng gia tăng thuyền nhân Việt Nam. Sau một tháng trời
chờ đợi, Nguyễn Cơ Thạch phải rời New York tay không, ông chuyển tiếp ở Paris,
rồi từ đó qua thẳng Moscow. Trước đó, sáng 30-10-1978, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng
đã rời Hà Nội trên một chiếc Ilyyushin-62 bay tới Liên Xô. Ngày 3-11-1978, Hiệp
ước Hợp tác Toàn diện với Liên Xô trong vòng hai mươi lăm năm, bao gồm điều
khoản cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh như một căn cứ quân sự, đã được ký kết.
Hiệp ước đã như một “món quà” đối với Đặng Tiểu Bình. Hai ngày sau, ông ta đến
Thái Lan, bắt đầu chuyến công du ASEAN, thuyết phục các quốc gia ở đây coi Việt
Nam và Liên Xô, thay vì Trung Quốc, là mối đe dọa chính. Trong khi đó, vững tin
vào mối quan hệ với “siêu cường”, Việt Nam bắt đầu xử lý mối bận tâm ở phía Tây
Nam đất nước.
“Áo
lính lại khoác vào ngay”281
Từ
tháng 6 đến tháng 12-1978, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức bốn hội nghị Bộ Chính
trị, Quân ủy và Ban Chấp hành Trung ương để bàn về vấn đề Campuchia. Tính từ
tháng 12-1977 đến ngày 14-6-1978, có 6.902 bộ đội Việt Nam bị hy sinh,
23.742 bị thương; ngoài ra, có 4.100 thường dân bị thương và bị giết. Trung
ương xác định phải giải quyết cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam càng nhanh
càng tốt.
Ngày
13-12-1978, 10/19 sư đoàn của Pol Pot tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên
giới. Ba sư đoàn đã đánh vào Bến Sỏi hòng chiếm Tây Ninh. Hai sư đoàn đánh vào
Hồng Ngự, Đồng Tháp. Hai sư đoàn đánh vào Bảy Núi, An Giang. Hai sư đoàn đánh
vào Hà Tiên. Một sư đoàn đánh vào Trà Phô, Trà Tiến, Kiên Giang. Ngày
23-12-1978, Lực lượng quân Việt Nam với nòng cốt là ba quân đoàn chủ lực cùng
với lực lượng của các Quân khu V, VII, IX, dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Trọng
Tấn, bắt đầu tấn công trên toàn mặt trận, đẩy Khmer Đỏ lùi dần về phía Tây.
Khmer Đỏ không bất ngờ trước những phản ứng này. Nhưng thay vì tập hợp lực
lượng để đối phó với Việt Nam, Pol Pot đã tranh thủ thanh lọc quân đội, đảng và
cả nhân dân, để có những “người Khmer thuần khiết” nhằm “bảo vệ đất đai và nòi
giống”282. Những cuộc thanh trừng của Pol Pot đã đẩy hàng loạt sỹ quan của Khu
Đông phải chạy vào rừng như Ouk Bun Xươn, Heng Somrin, Chea Sim, Hun Sen. Những
người này về sau đã tới Việt Nam. Trong thời gian đó, ông Lê Đức Thọ bay vào
Nam để chuẩn bị cho một giải pháp chính trị. Một nhóm lãnh đạo gồm bảy người do
Lê Đức Thọ lựa chọn từ số những người Khmer tập kết còn sót lại và số vừa chạy
sang từ Khu 203. Lê Đức Thọ cũng dựng lên một “Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn
kết Cứu nước” gồm mười bốn người rồi đưa về Campuchia tổ chức lễ ra mắt tại
Mimot vào ngày 2-12-1978. Một lực lượng đặc công cũng được giao nhiệm vụ đột
nhập Hoàng cung để tìm Hoàng thân Sihanouk nhưng thất bại. Lá bài Sihanouk lần
nào cũng được Trung Quốc khai thác hữu hiệu hơn Việt Nam. Ngày 5-1-1979, Pol
Pot đã nghe lời khuyên của Bắc Kinh, đề nghị Sihanouk đến Liên Hiệp Quốc lên án
“hành động xâm lược của Việt Nam”. Ngày 6-1-1979, ông Hoàng đã lên chiếc Boeing
707 của Bắc Kinh bay sang BangKok. Ngày 7-1-1979, Quân đội Việt Nam vượt phà
Neak Lương tới Phnom Penh nhanh tới mức lực lượng Khmer Đỏ chỉ kịp rời thành
phố trước khi đại quân tới khoảng một giờ. Ngày 11-1-1979, Yeng Sary mới chạy
đến biên giới Thái Lan và được quân đội Thái đưa về BangKok để đi tiếp tới Bắc
Kinh. Ngày 13-1-1979, Yeng Sary bị Đặng Tiểu Bình trách mắng. Trong khi đó, ở
Liên Hiệp Quốc, Sihanouk đọc diễn văn lên án “hành động xâm lăng của Việt Nam”
đồng thời tố cáo chế độ bạo tàn của Pol Pot. Theo đề nghị của Sihanouk, Liên
Hiệp Quốc đã đưa ra thảo luận nghị quyết buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.
Tuy nhiên, nghị quyết này đã bị Liên Xô dùng quyền lực Thường trực Hội đồng Bảo
an phủ quyết. Từ phiên họp của Liên Hiệp Quốc, Sihanouk bí mật tìm gặp Đại sứ
Mỹ Andrew Young, nhưng nước Mỹ đã đẩy Sihanouk trở lại tay của Đặng Tiểu
Bình khi từ chối yêu cầu của ông xin tị nạn.
Chỉ
hai ngày sau khi Việt Nam đưa quân vào Phnom Penh, 9-1-1979, Ngoại trưởng Mỹ
Cyrus Vance tuyên bố với ông Trần Quang Cơ: “Các cuộc nói chuyện Mỹ- Việt về
bình thường hóa đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam”283. Ngày
15-12-78, Mỹ và Trung Quốc ra thông cáo chung, chính thức công nhận nhau và
tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1-1-79. Ngày 29-1-1979, Jimmy
Carter đón Đặng Tiểu Bình tại Washington bằng hai mươi phát đại bác. Đặng Tiểu
Bình biết ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam nên đã thông
báo với Tổng thống Carter mức độ “giới hạn” của cuộc tấn công. Tuy khuyên Đặng
“không nên có hành động xâm lược”, nhưng trong cuộc họp riêng giữa hai người,
Carter không cho Đặng thấy là cuộc tấn công sẽ ảnh hưởng đến bang giao của hai
nước. Vào lúc 5 giờ 25 sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến
biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ cực Tây Bắc (Phong Thổ, Lai Châu) đến cực
Đông Bắc (địa đầu Móng Cái). Tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc
Chóp Chài, Lạng Sơn đã dựng người dân dậy khi mờ sáng. Vào thời điểm ấy, Trung
Quốc tập trung sát biên giới khoảng 450 nghìn quân284 và sử dụng 200 nghìn quân
trong ngày đầu xâm lược285. Việt Nam bị bất ngờ hoàn toàn286. Các lực lượng tự
vệ ở khu vực Hữu Nghị Quan hầu hết bị quân Trung Quốc giết chết ngay từ những
phút đầu tiên. Phụ nữ, trẻ em chỉ kịp chạy về phía sau hốt hoảng. Ở hướng Trà
Lĩnh, Cao Bằng, hàng trăm người dân đã phải chạy vào hang núi tránh pháo và
sáng ra, họ nhìn thấy quân Trung Quốc í ới gọi nhau ngay sát dưới chân.
Tháng
2-1979, ở biên giới, Trung Quốc có tới sáu mươi sư đoàn tinh nhuệ, trong khi ở
phía Bắc, theo Tướng Lê Phi Long, cục phó Cục Tác chiến, lực lượng vũ trang
Việt Nam tổng cộng chỉ còn khoảng mười một sư đoàn. Đội quân chủ yếu làm kinh
tế ấy đã phải phản công trong điều kiện hết sức bất ngờ. Chỉ huy các đơn vị
đóng tại Lạng Sơn, ngày 15-2-1979, còn được triệu tập để nghe nhận định: “Địch
sẽ đánh ở cấp sư đoàn vào ngày 22-2”287. Ở Cao Bằng, sáng 16-2, tất cả các đồn
trưởng biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh. Sáng hôm
sau, khi họ cố tìm về đơn vị thì Trung Quốc đã tràn sang. Sáng 17-2, Đại đội 22
của thị xã Cao Bằng mới được trang bị thêm mười bảy khẩu súng chống tăng B41.
Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất” trên xe tăng Trung Quốc, người dân
mới hay đất nước lại chiến tranh. Chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung
Quốc đã sử dụng tới sáu sư đoàn, ở Lạng Sơn ba sư đoàn và Lào Cai ba sư đoàn.
Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng một sư đoàn và bốn mươi
tăng; Lạng Sơn, một sư đoàn và bốn mươi tăng; Lào Cai, hai trung đoàn và
bốn mươi tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát biên giới vào ngày 17-2 lên tới chín
quân đoàn chủ lực288. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát Xát, Lao Cai; chiều
23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày
27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã. Tại Lào Cai, khu mỏ Apatit bị đập
nát từ các nhà máy cho đến các thiết bị, máy móc; hai nhà ga gần nhất là Gốc Đa
và Làng Pèng bị phá tan hoang; chiếc cầu nối đường sắt qua con suối chảy ra từ
làng Cóc cũng bị lính Trung Quốc đánh sập. Sapa chỉ còn là một đống gạch vụn.
Đồng Đăng, Lạng Sơn cũng bị tàn phá. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc lần lượt đập
nát từng ngôi nhà, từng công trình và trước khi rút lui đã ốp mìn cho nổ tung
từng cột điện. Ở Bát Xát, Lào Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết
một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Tại thôn
Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút
quân, lính Trung Quốc đã giết bốn mươi ba người, gồm hai mươi mốt phụ nữ, hai
mươi trẻ em, trong đó có bảy phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao
như Pol Pot. Mười người bị ném xuống giếng, hơn ba mươi người khác, bị chặt ra
nhiều khúc, thây vứt hai bên bờ suối.
Bằng
một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị biên giới đã nhanh chóng tổ chức
chiến đấu. Con đường tiến vào thị xã Cao Bằng đã được quân Trung Quốc gọi là
những “khe núi đẫm máu”289. Đặc biệt, Tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau
ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi
qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Mãi tới ba
tuần sau quân Trung Quốc mới chiếm được thị xã Lạng Sơn, trong khi đây là nơi
mà Đặng muốn chiếm được ngay trong tuần đầu tiên hòng gửi một thông điệp đe dọa
tới Hà Nội. Khoảng 25.000 lính Trung Quốc bị chết, 37.000 quân khác bị thương.
Tổn phí chiến tranh hết khoảng 5.5 tỷ Nhân dân tệ trên tổng chi tiêu ngân sách
năm 1979 của Trung Quốc là 22,3 tỷ.
Cuộc
chiến mà Đặng Tiểu Bình nói là để “dạy cho Việt Nam một bài học”, theo các nhà
phân tích quân sự phương Tây, “chính Việt Nam mới là người đã dạy cho Trung
Quốc bài học” 290. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình
ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân Việt Nam cơ động liên tục,
đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338,
Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi, quân đội Trung Quốc đã bộc lộ là một
đội quân đã quá lâu không ở trong tình trạng sẵn sàng tác chiến. Ngày 2-3-1979,
như để giải thích cho việc “án binh bất động” khi đồng minh của mình bị tấn
công, tại Moscow, Tổng Bí thư Brezenev tuyên bố: “Đừng ai nghi ngờ việc
Liên Xô trung thành với Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác gắn bó Liên Xô với Việt
Nam”. Cùng ngày 2-3-1979, hãng thông tấn xã Tass của Liên Xô phát đi một tuyên
bố: “Quân đội Trung Quốc phải rút ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam… Những tên xâm
lược Trung Quốc cần biết rằng chúng càng gây nhiều tội ác bao nhiêu, thì sẽ
càng bị trừng phạt nghiêm khắc bấy nhiêu” 291.
Ngày
4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi “toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, anh dũng tiến lên”. Lời kêu gọi
cho rằng, “ngày nay, chúng ta có sức mạnh vĩ đại hơn bao giờ hết, sức mạnh tổng
hợp của cả dân tộc và của ba dòng thác cách mạng của thời đại”. Ngày 5-3-1979,
Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP, “quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn
dân” nhằm “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động theo chủ nghĩa
bành trướng Trung Quốc”. Cùng ngày, Chủ tịch nước ra lệnh “Tổng động viên”.
Trên báo Nhân Dân, Hoàng Tùng xã luận: “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”.
Cùng thời điểm đó, hai quân đoàn tinh nhuệ nhất của Việt Nam, sau khi đuổi Pol
Pot khỏi Phnom Penh, được vận chuyển bằng máy bay ra phía Bắc: Quân đoàn II lên
Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì, Bắc Kạn. Ngày 6-3-1979, Trung Quốc
tuyên bố “chiến thắng” rồi bắt đầu rút quân.
Chú Thích Chương V
219 Sài Gòn Giải Phóng,
26-1-1978.
220 Sài Gòn Giải Phóng,
26-1-1978.
221 Phạm Văn Trà, 2009,
trang 260.
222 Sài Gòn Giải Phóng,
26-1-1978.
223 Phạm Văn Trà, 2009,
trang 252-260.
224 Sài Gòn Giải Phóng,
26-1-1978.
225 Năm 1939, biên giới
Campuchia - Việt Nam đã được xác lập theo lằn ranh Brevié, theo đó: Một đường
thẳng vẽ từ biên giới đất liền, theo một góc 140 độ về hướng vịnh Thái Lan; khi
tới đảo Phú Quốc thì lệch ra ba cây số về hướng Bắc, đặt Phú Quốc trong phần
lãnh thổ Việt Nam. Sau năm 1954, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa định một “đường
ranh tuần tiễu” khác, xác lập lãnh thổ Việt nam bao gồm đảo Trọc. Cũng trong
thập niên 1960, miền Bắc Việt Nam công nhận đường Brevié với Chính quyền
Sihanouk, nghĩa là không bao gồm đảo Poulo Vai. Trong cuộc họp trù bị tại Phnom
Penh bắt đầu từ ngày 4-5-1976, Trưởng Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phan
Hiền, công nhận tất cả các đảo phía Bắc lằn ranh Brevié thuộc quyền Campuchia,
nhưng đề nghị đàm phán lại về “lằn ranh tuần tiễu”. Cuộc đàm phán kéo dài đến
ngày 18- 5-1976 thì phía Campuchia đề nghị tạm hoãn để có thời gian “xin chỉ
thị của các Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng đang đi công tác xa Phnom Penh”.
226 Trong năm 1976 mà
Nuôn Chea nhắc đến “tình anh em cách mạng” đó, Khmer Đỏ đã gây ra 250 vụ xâm
lấn lãnh thổ, pháo kích, tập kích, gài mìn, cắm chông, cướp trâu, cướp bò và
giết hại vô cùng dã man nhiều người dân vùng biên giới… Từ tháng 12-1975, Khmer
Đỏ đã tiến hành hàng loạt vụ gây hấn: lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam ở vùng Sa
Thầy hơn 10km; chiếm kho thóc X 114 rồi đóng luôn lại đó; bắt, mang đi toàn bộ
113 người dân làng Xộp, thuộc tỉnh Gia Lai- Kon Tum; tập kích đồn Biên phòng số
8, tỉnh Daklak… Thế nhưng, Phnom Penh vẫn nói, đó là những hành động gây ra “do
hiểu lầm ở các địa phương” (Sài Gòn Giải Phóng, 26-1-1978).
227 Ngô Điền, 1992,
trang (?).
228 Có khoảng 1.671.000
trên tổng số 7.890.000 dân Campuchia đã bị giết trong khoảng thời gian từ 1975
đến năm 1979, (21%). Trong đó, có 215.000 người Hoa trong tổng số 430.000 người
Hoa ở Campuchia (50%); 20.000 người Việt Nam trong tổng số 20.000 người kẹt lại
ở Campuchia; 4,000/10,000 người Lào; 2.000/5.000 người Khmer Krom;
90.000/250.000 người Chàm; 8.000/20.000 người Thái; 9.000/60.000 người thượng
(Ben Kiernan, The Pol Pot Regime, Nhà Xuất bản Đại học Yale 1996, trang 458).
229 Henry Kissingger,
2003, trang 67.
230 Sđd, trang 68.
231 Khi ở cảng
Sihanoukville, vũ khí được chở về gần tới nơi thì ở Hà Nội, Đại tá Lê Xuân Ba,
trưởng Phòng Kế hoạch của Tổng Cục hậu cần hẹn ông Nguyễn Nhật Hồng ra một vườn
hoa, khi thì Chí Linh, khi thì vườn hoa đối diện Cột Cờ Hà Nội.
Đại
tá Ba kẹp tờ vận đơn mà Liên Xô cung cấp, liệt kê chủng loại vũ khí được chở
trên những con tàu sắp về trong một tờ báo. Ông Hồng cũng cầm một tờ báo bên
trong kẹp bảng đơn giá vũ khí. Họ tính toán giá trị tổng số vũ khí rồi tính ra
khoản tiền 10% chi cho Lonnol, 10 % chi cho Sihanouk, báo cho hai người biết khối
lượng hàng hóa, khoản tiền mà họ sẽ được trả; B29 chuyển tiền vào tài khoản bí
mật của hai người. Sihanouk, Lonnol kiểm tra thấy có đủ tiền thì đồng ý cho tàu
vào cảng. An ninh được bảo đảm gần như tuyệt đối vì, theo ông Hồng, chính
Lonnol cử một tiểu đoàn bảo vệ trong quá trình bốc dỡ ở cảng và sau đó áp tải
vận chuyển từ cảng về các căn cứ của quân Giải phóng.
232 Sihanouk và Bernard
Krissher, 1999, trang 133-134.
233 Sđd, trang 137.
234 Trung Quốc đã dành
cho Sihanouk một khu gồm những dinh thự đẹp, chỉ cách Thiên An môn một quãng
ngắn, để làm trụ sở Chính phủ. Ở Bắc Kinh, các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa trong
khi đưa Cựu hoàng Phổ Nghi của họ đi làm vườn đã cung cấp cho Sihanouk nhiều
nhân viên phục vụ và cả một đội đầu bếp tài giỏi, một ban thư ký lớn và các
dịch vụ thông thường của một Hoàng cung, kể cả nhân viên văn phòng, một đội xe
con, một trung tâm thể thao và một phòng chiếu phim riêng. Theo Sihanouk: “Chu
không bao giờ cho phép tôi đi tàu hỏa thông thường hoặc máy bay chở khách đến
các tỉnh của Trung Quốc kể cả khi đi thăm nước ngoài. Ông luôn dành cho tôi
những chuyến tàu đặc biệt có một toa rất xa hoa dành cho tổng thống hoặc thuê
chuyên cơ cho tôi, kể cả một máy bay phụ để chở những thùng quà ngoại giao mà
tôi sẽ tặng trong các chuyến thăm hữu nghị” (Sihanouk và Bernard Krissher, Hồi
ký Sihanouk, Trần Chí Hùng dịch, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân 1999, trang
124). Trước và sau những chuyến đi, Chu Ân Lai - vị Thủ tướng của quốc gia hơn
800 triệu dân - bao giờ cũng đích thân đưa và đón một ông hoàng thất thế bằng
những nghi thức mà Bắc Kinh vẫn dành cho hàng nguyên thủ.
235 Theo Kissinger:
“Chính Hà Nội đã cự tuyệt đề nghị của Mỹ phục hồi tư cách trung lập của
Campuchia khi tôi trao đổi với Lê Đức Thọ trong một cuộc gặp bí mật ngày
4-4-1970. Chính Hà Nội từ chối đàm phán hòa bình với điều kiện tiên quyết phải
loại trừ tất cả những cơ cấu phi Cộng sản. Chính Hà Nội đã bác bỏ các đề nghị
đình chiến vào tháng 10-1970, 5- 1971, 10-1971, 10-1972 cho đến tháng 1-1973.
Chính Khmer Đỏ được Hà Nội tổ chức, trang bị và hậu thuẫn đã ngăn cản việc đưa
Campuchia vào Hiệp định Paris, điều mà Mỹ nhiều lần mong muốn” (Henry
Kissingger, 2003, trang 470).
236 Ben Kiernan, 1996,
trang 16.
237 Trong khoảng thời
gian từ tháng 2 cho đến tháng 8-1973, người Mỹ đã ném 257.465 tấn bom xuống các
khu vực nói là của Khmer Đỏ. Pol Pot cho rằng miền Bắc Việt Nam có phần trách
nhiệm khi ký Hiệp định Paris để Mỹ rảnh tay tiêu diệt Khmer Đỏ. Nhưng Kissinger
thừa nhận “việc ném bom là con bài mặc cả” giữa Bắc Kinh và Mỹ, vì “Chu Ân Lai
cần hoạt động quân sự của Mỹ ở Campuchia để chính sách của mình đạt hiệu quả”
(Kissinger, 2003, trang 484). Chu Ân Lai biết ngay cả Trung Quốc cũng khó khiến
cho Khmer Đỏ chấp thuận trừ khi chúng bị thuyết phục là “chúng không thể chiếm
ưu thế về mặt quân sự khi tiếp tục bị ném bom” (Kissinger, 2003, trang 484).
238 Henry Kissingger,
2003, trang 475.
239 Henry Kissinger,
2003, trang 475.
240 Sđd, trang 474.
241 Ngô Điền, 1992,
trang (?).
242 Để tổ chức chuyến
đi kéo dài từ 27-2 cho đến 17-4-1973, tháng 2-1973, Việt Nam thành lập “Đoàn
Thắng Lợi”, trong đó có hai cán bộ nữ phục vụ riêng bà hoàng Monique, tổng cộng
89 người. Một quan chức của Bộ Ngoại giao được cử làm Trưởng Đoàn; Cựu Đại sứ
Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Thương và Đại tá Lê Đình Xoàn, Phó Tư lệnh 559,
Phó Đoàn.
Ngày
27-2-1973, Đoàn đi xe vào Đồng Hới để ngày hôm sau đón Sihanouk cùng bà Hoàng
và “cố vấn” Yeng Sary, được đưa từ Hà Nội vào bằng máy bay AN 26. Từ Đồng Hới,
Đoàn đi qua Lao Bảo, theo Đường 9 Nam Lào qua Khe Sanh, Bản Đông, Sê Pôn… đi
hết phạm vi quản lý của 14 binh trạm 559. Đến Trạm F470, nơi được mô tả là một
khu rừng nằm cạnh sông Mekong, Đoàn Việt Nam “bàn giao” Sihanouk cho Khmer Đỏ
rồi ở đấy chờ đón ông quay về Hà Nội.
243 Theo lời Sihanouk
kể lại với nhà báo Nayan Chanda, trong suốt chuyến đi gần một tháng trên lãnh
thổ Campuchia, Son Sen, một lãnh tụ Khmer Đỏ, nói với ông: "Lính Việt Nam
vẫn thường trộm cắp trong các phum, hãm hiếp phụ nữ và đặt các căn cứ, tuyển
quân người Khmer trợ chiến cho họ". Còn Khiêu Samphan thì nói: “Việt Nam
đang chuẩn bị lập ra một chính phủ người Khmer nhưng phụ thuộc vào người Việt”.
244 Võ Nguyên Giáp,
2000, trang 320.
245 Ben Kiernan, 1996,
trang 48.
246 Philip Short, 2004,
trang 7.
247 Ben Kiernan, 1996,
trang 2.
248 Sđd, trang 55.
249 Sđd, trang 96.
250 Ben Kiernan, 1996,
trang 97.
251 Nayan Chanda, 1993,
trang 42.
252 Sđd, trang 43.
253 Ben Kiernan, 1996,
trang 94.
254 Ben Kiernan, 1996,
trang 10.
255 Trong loạt phóng sự
đăng trên báo Giải Phóng, ba số báo đầu tháng 8-1976, một thành viên của đoàn,
nhà báo Tô Quyên viết: “Nếu hơn một năm trước đây, Phnom-Pênh tấp nập ồn ào…
thì ngày nay thủ đô Chùa Tháp trở nên vắng vẻ, yên tĩnh lạ thường. Cảnh tượng
vắng lặng hầu như bất động này bắt gặp ngay từ đêm đầu tiên chúng tôi từ ngoại
ô qua cầu Mô-ni- vông cũ vào trung tâm thành phố. Những dãy đèn điện cao áp vẫn
soi ánh mặt đường nhưng trên đường không thấy bóng người đi lại. Thỉnh thoảng
mới thấy hắt ra ánh đèn nê-ông từ các cửa sổ của một vài ngôi nhà. Ban ngày,
luớt qua các khu phố, chúng tôi cũng thấy phần lớn các dãy nhà đều đóng cửa
hoặc bỏ trống không người ở. Ở một vài góc đường gặp các chiến sĩ cầm súng đứng
gác, lâu lâu nâng bổng cây tre sơn màu đỏ trắng chặn ngang đường cho xe chạy
qua. Buổi sớm và buổi chiều vào giờ làm việc, vài chiếc honda, năm ba chiếc ô
tô vận tải đủ loại chở đầy nguời mặc áo đen, trùm khăn rằn đỏ chạy qua đường
phố, bóp còi inh ỏi khi gần đến ngã tư... Để chúng tôi có thể hiểu được vì sao
Thủ đô và các thành thị sầm uất trở nên vắng vẻ, thưa thớt như hiện nay, các
bạn Campuchia đã giới thiệu đôi nét về tình hình vừa qua và chủ trương đưa dân
về các vùng nông thôn sản xuất... Các lãnh tụ Khmer Đỏ nói: “Các đồng chí đến
nước chúng tôi cứ coi như trong gia đình vì chúng ta từ lâu đã là bạn chiến
đấu”... Và suốt 15 ngày ở thăm đất nước Campuchia anh em, đến bất cứ nơi nào
chúng tôi cũng nhận được những tình cảm hết sức thân thiết, nồng nhiệt của bạn.
Các bạn Campuchia đã coi chúng tôi như những người anh em một nhà đi xa mới về.
Sự chăm sóc hết sức chu đáo, tỉ mỉ của bạn cho từng bữa ăn, giấc ngủ tại chỗ
cũng như trong suốt cuộc hành trình qua tám tỉnh của đoàn làm chúng tôi vô cùng
cảm động. Qua chuyến đi này, đúng như lời của Phó Thủ Tướng Yêng Sary trong
buổi chiêu đãi: “Đoàn càng hiểu hơn nữa những tình cảm cách mạng sâu sắc và
tinh thần đoàn kết chiến đấu và hữu nghị của nhân dân Campuchia chúng tôi đối
với nhân dân Việt Nam, không có trở ngại nào có thể làm lay chuyển nổi”.
256 Trên số báo Giải
Phóng ra ngày 10-8-1976, ông Tô Quyên viết: "... Đặc biệt, từ khi nước
Campuchia dân chủ thành lập, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Pol Pot chính thức
tiếp khách nước ngoài. Với giọng nói đầy tình cảm, Thủ Tướng nhắc lại:“Chúng
tôi dành ưu tiên cho đoàn báo chí Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đoàn
đi thăm nuớc Campuchia Dân chủ là một sự cổ vũ đối với nhân dân chúng tôi”. …
Chúng tôi rất cảm kích nhớ mãi lời phát biểu đầy tình nghĩa của đồng chí Thủ
tướng Polpot: “Tình đoàn kết hữu nghị giữa cách mạng Campuchia và cách mạng
Việt Nam, giữa hai nước Campuchia và Việt Nam là một vấn đề vừa là chiến lược,
vừa là tình cảm thiêng liêng. Tình đoàn kết hữu nghị đó có tốt thì cách mạng cả
hai nước chúng ta mới phát triển tốt được. Không có con đường nào khác”.
257 Nayan Chanda, 1993,
trang 82.
258 Sđd.
259 Hoa Quốc Phong, chủ
tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí còn không trả lời thư mời dự Đại hội
Đảng lần thứ IV của Việt Nam.
260 Theo ông Phạm Văn
Trà, khi ấy đang là tham mưu trưởng sư đoàn 330: “Cuối năm 1976… Sau một thời
gian chuẩn bị lực lượng, Pol Pot bắt đầu cho quân hoạt động vũ trang ở biên
giới. Lúc này, Sư đoàn 4 chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; Sư đoàn 8
thực hiện biểu biên chế rút gọn, cho bộ đội phục viên, xuất ngũ hàng loạt.
Trước yêu cầu tình hình mới, Quân khu IX được trên chấp thuận cho tổ chức Sư đoàn
330 cơ động sẵn sàng chiến đấu” (Đại tướng Phạm Văn Trà, Đời Chiến Sĩ, Nhà Xuất
bản Quân đội Nhân dân 2009, trang 272). Theo Tướng Trà, có một số nơi đã làm
tốt hơn Quân khu IX của Tướng Lê Đức Anh, ví dụ như ở Quân đoàn II, khi cho bộ
đội ra quân, Quân đoàn giữ lại một số cán bộ khung, nhân viên kỹ thuật và một
tỷ lệ cựu binh nhất định nên khi có chiến sự chỉ cần đưa tân binh vào, lính cũ
kèm cắp lính mới, trong một thời gian ngắn là chiến đấu tốt.
261 Phạm Văn Trà, 2009,
trang 269.
262 Phạm Văn Trà, 2009,
trang 286.
263 Theo ông Phạm Văn
Trà: “Khi bộ đội ta truy kích, địch bỏ chạy tán loạn. Nhân dân bạn bị giam cầm
trong các trại tập trung, tựa đại hạn gặp mưa rào; xem bộ đội Việt Nam như vị
cứu tinh xuất hiện, cứu sống họ. Nhân dân bạn tha thiết mong bộ đội Việt Nam ở
lại một thời gian để bà con được nhờ. Khi bộ đội ta buộc phải rút về, hàng
nghìn người dân Campuchia nằng nặc đòi đi theo. Nhiều người vừa khóc vừa nói:
Bộ đội Việt Nam là bộ đội nhà Phật, đã sang cứu sống chúng tôi. Nay bộ đội rút
về, hãy cho chúng tôi về theo, nếu ở lại sẽ bị ăngca giết mất… Cảm thương nhân
dân bạn vô cùng, nhưng chúng tôi không thể để bà con theo về được” (Phạm Văn
Trà, 2009, trang 292).
264 Theo Tướng Phạm Văn
Trà: “Khi quân Pôn Pốt tràn qua kênh Vĩnh Tế, đánh vào Ba Chúc, bà con vô cùng
khiếp sợ.
Hàng
nghìn người trong xã hoảng sợ kéo vào hai ngôi chùa lớn để nương nhờ cửa Phật,
hi vọng kẻ thù dù có dã man, tàn bạo mấy cũng nương tay trước Đức Phật từ bi.
Nhưng lính Pôn Pốt đã ném lựu đạn, xả súng giết hại hàng nghìn Phật tử - phần
lớn là người già, trẻ nhỏ. Một số người trốn chạy vào các hang đá trong núi
cũng bị quân Pôn Pốt sục sạo sát hại. Sau khi tổ chức cho Sư đoàn tiêu diệt gọn
gần một sư đoàn quân Pol Pot, chiếm lại núi Phú Cường và Ba Chúc, tôi cùng một
số cán bộ, chiến sĩ đã vào các hang đá tìm cứu bà con mình. Trong hang có rất
nhiều xác chết không đầu. Thấy chúng tôi tìm vào hang, có mấy người sống sót
tưởng chúng tôi là lính Pôn Pốt, bèn quỵ sụp lạy như tế sao. Sau khi được anh
em ân cần giải thích, bà con mới trấn tĩnh, kể lại nỗi kinh hoàng ngày
15-1-1978” (Phạm Văn Trà, 2009, trang 293).
265 Ngày 25-1-1978,
chiến sự trên Biên giới Tây Nam được công bố trong cuộc họp báo do ông Ngô Điền
- Vụ Trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại Giao - chủ trì được nói ở đầu Chương.
266 Người “chấp bút”
bài diễn văn nổi tiếng này, ông Đống Ngạc, nhớ lại: “Năm 1978, khi Pol Pot gây
hấn ở Tây Nam và năm 1979, khi Trung Quốc đánh ta ở biên giới phía Bắc, có
người nói với tôi: Khi đó cậu viết thế là mất cảnh giác”. Ngay sau ngày 30-4,
khi các đồng sự khác hăm hở theo ông Lê Duẩn vào Nam, ông Đống Ngạc được giao
ngồi lại thủ Đô để chuẩn bị, ông được dặn: “Cậu phải viết sao cho giống Bình
Ngô Đại Cáo”.
267 Bài thơ mà năm 1976
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm, về nội dung chỉ “văn vần hóa” tuyên bố nói
trên của ông Lê Duẩn: “Bốn nghìn năm ngoảnh lại thuở Văn Lang/ Ta đang tới đỉnh
cao nhân loại”.
268 Nếu như năm 1976,
khi nghe Lực lượng Công an Võ trang báo cáo nguy cơ chiến tranh xảy ra ở vùng
Biên giới ông Lê Duẩn có thể gạt đi thì năm 1977, trợ lý của Lê Duẩn, ông Trần
Phương kể: “Đi khảo sát Biên giới, chúng tôi nhận ra xung đột vũ trang không
phải do cấp dưới vô kỷ luật như Pol Pot giải thích nữa. Khmer Đỏ đã tác chiến
bằng sư đoàn, cấp mà địa phương không thể tự ý điều binh được”.
269 Cũng trong khoảng
thời gian này, Khmer Đỏ cho người sang gặp Ya Duck, “Phó Thủ tướng thứ nhất phụ
trách nội an và ngoại giao” của Fulro (Mặt trận thống nhất đấu tranh các dân
tộc bị áp bức - Front Unifié de Lutte des Races Opprimées - thành lập năm 1964
bởi một số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Chăm và người Khmer Krom,
chống chính quyền Sài Gòn và chính quyền Việt Nam sau năm 1975. Phong trào
Fulro tan rã năm 1992 khi 407 binh sỹ nộp vũ khí cho UNTAC tại Campuchia). Theo
ông Ya Duck: “Họ đi một đoàn hơn 10 người, nói thẳng là cần sự hợp tác để chống
Việt Nam”. Ya Duck sau đó đã sang Campuchia gặp Pol Pot và ông được cả cố vấn
Trung Quốc tiếp. Pol Pot cũng như “cố vấn Trung Quốc” hứa sẽ giúp Fulro mọi mặt
chứ không chỉ giúp đất đai làm căn cứ.
270 Theo ông Trần Quang
Cơ, nội dung của thông điệp là “Lãnh đạo Việt nam Dân chủ Cộng hòa tán thành có
quan hệ tốt với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trên tinh thần đó, phía Việt
Nam đã tự kiềm chế trong khi giải phóng, tạo cơ hội cho người Mỹ không bị cản
trở trong việc tiến hành di tản nhân viên của họ. Phía Việt Nam đã cố gắng làm
mọi sự cần thiết để không làm xấu đi quan hệ với Mỹ trong tương lai. Không có
sự thù địch với Mỹ ở Việt Nam và Việt Nam cũng không muốn thấy như vậy ở phía
Mỹ”.
271 Bài trả lời phỏng
vấn Brian Williams, công bố trong Hội thảo Vietnam and the Presidency,
10-3-2006.
272 Khi ấy là vụ trưởng
vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
273 Hiệp định Paris
ghi: “Thể theo truyền thống hào hiệp của mình, Hoa Kỳ sẽ tham gia giúp đỡ tái
thiết (Việt Nam) sau chiến tranh”. Nhưng, sau khi đôi bên hoàn thành việc ký
tắt, ngày 23-1-1973, Lê Đức Thọ đã thỏa thuận được với Kissinger con số viện
trợ 3,250 tỷ đô-la Mỹ, ngoài ra, Mỹ sẽ viện trợ biếu không mỗi năm 650 triệu
đô-la. Kissinger còn trao cho ông Lê Đức Thọ một bản dự thảo công hàm về việc
xây dựng lại Miền Bắc, bản chính thức đã được trao cho Việt Nam ngày 1-
2-1973.Theo Kissinger: “Cuộc họp bắt đầu vào lúc 9:35 sáng thứ Ba, ngày
23-1-1973, Lê Đức Thọ vẫn thành công ngay cả tại những dịp trang trọng trong
việc biến mình thành một người rất khó chịu bằng cách yêu cầu phía Mỹ đảm bảo
chắc chắn về việc viện trợ kinh tế cho Bắc Việt Nam. Tôi nói với ông ta rằng
điều đó chỉ được thảo luận thêm khi Hiệp định đã được ký kết; điều đó còn phụ
thuộc vào việc Quốc hội thông qua bản Hiệp định và việc tuân thủ Hiệp định” (H.
Kissinger, 2003, trang 429).
274 Bài trả lời phỏng
vấn Brian Williams, công bố trong Hội thảo Vietnam and the Presidency,
10-3-2006.
275 Vogel, 2011, trang
281.
276 Theo Thứ trưởng
Ngoại giao Trần Quang Cơ.
277 Council for Mutual
Economic Assistance, một tổ chức thương mại của các quốc gia cộng sản.
278 Theo Trần Quang Cơ.
279 Đại sứ Việt Nam tại
Trung Quốc, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể: “Trung Quốc đối xử với đoàn rất kém
trọng thị. Khi đến thăm tỉnh Cương Sơn cùng với đoàn tổng tham mưu trưởng quân
đội Triều Tiên. Người ta đã bố trí đoàn Triều Tiên (cấp thấp hơn đoàn ta) ăn ở
phòng sang trọng hơn, bố trí đoàn ta ăn ở phòng thường, thậm chí cho ngồi những
chiếc ghế không có lưng dựa. Vì vậy, khi về đến Vũ Hán họp đoàn, nhận xét
chuyến thăm, cả đoàn đều bất bình, đồng chí Giáp cũng bực lắm. Mọi người đều
muốn gặp Bộ Ngoại giao Trung Quốc để nói rõ những sự đối xử không tốt đó và
biểu thị thái độ bất bình. Nhưng tôi góp ý: Ta nên biết vậy thôi, bây giờ làm
thế chỉ thêm căng thẳng, không giải quyết được vấn đề gì.
Đoàn
đồng chí Giáp cuối cùng đã đồng ý với tôi và ra về. Trên xe lửa trở về, phía
Trung Quốc vẫn chưa thôi thái độ xấu, họ dọn cho đoàn cả một chiếc bát mẻ
miệng”.
280 Bốn tháng sau đó, khi
bắt được kẻ chủ mưu giết Thanh Nga - Nguyễn Thanh Tân, đồng thời cũng chính là
kẻ chủ mưu trong vụ bắt cóc con trai nghệ sỹ Kim Cương - Cảnh sát không tìm ra
bằng chứng nào liên quan tới các “âm mưu chính trị”.
Nhưng
trong phiên tòa đặc biệt xử “vụ án Thanh Nga” vào ngày 4-12-1979, Hội đồng xét
xử vẫn thêm vào phần luận tội: “Ai cũng thấy là Tân có một ý đồ sâu xa thâm độc
hơn là những điều y nhận tội... Nghệ sĩ Thanh Nga là người có tài, có lòng yêu
nước, là một chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận văn hóa. Trước khi vụ án này xảy
ra, chị đã bị bọn phản động khủng bố. Nhưng, bất chấp sự đe dọa, nghệ sĩ Thanh
Nga vẫn dũng cảm làm tròn trách nhiệm của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Trong lúc đang xảy ra cuộc chiến đấu gay gắt giữa nhân dân ta và bọn “Bành trướng
Bắc kinh”, trong lúc người nghệ sĩ yêu nước Thanh Nga đang thủ diễn những vai
cổ vũ tinh thần yêu nước của quân đội ta sẵn sàng chiến đấu chống bọn “Bành
trướng phương Bắc”, rõ ràng hành động của bọn Tân cố ý giết chết nghệ sĩ Thanh
Nga đã gây tổn thương rất lớn và sự phẫn nộ rất lớn trong lòng quần chúng” (Sài
Gòn Giải Phóng, 6-12-1979).
281 Lời “Bài ca tạm
biệt”, một bài hát thời chiến tranh biên giới.
282 Trong năm 1977,
Tướng Nhim Ros, tư lệnh Quân Khu Tây Bắc, kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Nhà nước
bị giết. Tiếp đó là Bộ trưởng Hu Nim. Trung Quốc quan sát và tỏ ra muốn Khmer
Đỏ bớt tàn bạo hơn. Tháng 4-1978, một người Trung Quốc ôn hòa là Đặng Dĩnh Châu
được cử tới Phnom Penh, khuyên Pol Pot nên sử dụng Sihanouk để tranh thủ ủng hộ
của dân chúng và quốc tế; gợi ý đàm phán với Việt Nam trên nguyên tắc “chung
sống hòa bình”. Nhưng, trong những ngày Đặng Dĩnh Châu đang ở Phnom Penh, Pol
Pot đưa ba sư đoàn quân Trung ương xuống Quân Khu Đông, bắt giữ gần năm trăm
cán bộ, chủ yếu từ cấp tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và các chi khu
trưởng, đưa tới trung tâm khủng bố Tuol Sleng. Tư lệnh Quân Khu Đông, còn gọi
là Khu 203, Đệ nhất Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước So Phim, thông gia với Nhim
Ros, cũng bị Pol Pot cho là không nên tồn tại. Giữa tháng 5-1978, Tướng Ke
Pauk, Tư lệnh Quân Khu Trung ương cho mời So Phim tới họp. So Phim thận trọng
chỉ cử đại diện đi và không ai trong số họ trở về. Ngày 24-5-1978, Ke Pauk đưa
một lữ đoàn thiết giáp tới bao vây Bộ tư lệnh Quân Khu Đông, bắt giam các sỹ
quan, So Phim trốn thoát. Viên tướng được Bắc Kinh đánh giá cao này vẫn còn hy
vọng giải tỏa những “hiểu lầm” nên đã chạy về Phnom Penh, cho người liên lạc
với Pol Pot. Ngày 2-6-1978, khi So Phim tới điểm hẹn, thay vì gặp Pol Pot những
tay súng đã đón ông. So Phim tự sát. Vợ con ông bị giết. Lực lượng từ Quân Khu
Trung ương và Tây Nam tràn tới, tàn sát gần như toàn bộ binh lính và thường dân
sống trong các công xã Khu Đông. Con số người Khmer bị giết bởi Pol Pot trong
dịp này lên tới hơn một trăm nghìn người.
283 Cho dù sau đó, ngày
30-11-1978, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Oakley vẫn nói với ông Trần Quang Cơ, khi ấy
đang được ông Thạch để ở lại New York để “giữ cầu” và ngày đêm thúc giục Mỹ
bình thường hóa, rằng: “Mỹ không thay đổi lập trường bình thường hóa quan hệ
với Việt Nam, nhưng phải chậm lại vì cần làm rõ ba vấn đề: Campuchia; Hiệp ước
Việt-Xô và người di tản”, nhưng theo ông Trần Quang Cơ: “Tôi nghĩ, thực ra Mỹ
đã quyết định dứt bỏ quá trình đàm phán bình thường hoá quan hệ với Việt Nam từ
khi Việt Nam tham gia khối Comecon, tháng 6-1978, và sau đó, ký hiệp ước với
Liên Xô”.
284 Việt Nam ước đoán
lực lượng Trung Quốc có khoảng 600 nghìn tham gia chiến dịch này.
285 Vogel, 2011, trang
529-531.
286 Cục trưởng Cục Tác
chiến lúc bấy giờ là ông Lê Hữu Đức thừa nhận: “Chúng ta hoàn toàn bất ngờ, ở
Quân khu I, trước đó, Đàm Quang Trung đã cho tập trung súng ống vào kho, làng
xã không hề chuẩn bị gì cho chiến đấu”. Tướng Đức nói tiếp: “Trong một hội nghị
quân sự, Đại tướng Văn Tiến Dũng thừa nhận chúng ta bị bất ngờ cả mặt trận Tây
Nam và phía Bắc. Khi bắt đầu rục rịch chiến tranh, anh Văn Tiến Dũng gọi tôi
tới nhà riêng, bảo tôi lên Quân Khu II nói với anh Vũ Lập: Phải tiêu diệt được
vài đại đội, trung đội quân Trung Quốc. Khi đó có ai nghĩ Trung Quốc sử dụng
tới sáu quân đoàn để đánh ta đâu”.
287 Theo Đại tá Hà Tám,
lúc đó là trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 Biên phòng, đóng ở Lạng Sơn.
288 Mân Lực, 1993.
289 Mân Lực, 1993,
trang (?).
290 Vogel, 2011, trang
533.
291 Nhân Dân, 3-3-1979.
Nguồn:
bodoilambao
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 4 tháng 1 năm 2013
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 4 tháng 1 năm 2013
No comments:
Post a Comment