Ukraina
: Cuộc chiến trên không với Nga bắt đầu ngang sức
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 13/03/2024 - 08:01
Le
Monde ngày
12/03/2024 nhận định « Tại Ukraina, cuộc chiến trên không bắt đầu ngang
ngửa ». Tuy chỉ bằng 1/10 so với Nga, nhưng lực lượng không quân
Ukraina đã giáng được vào Matxcơva những đòn nặng nề dù chưa có được chiến đấu
cơ F-16. Phi cơ Nga bị bắn rơi như sung trong những tuần lễ gần đây, tổng cộng
từ đầu cuộc chiến không quân Nga đã mất đến 105 chiếc.
https://s.rfi.fr/media/display/753688a2-e0bc-11ee-98ac-005056bf30b7/w:980/p:16x9/phico_07.webp
Ảnh
cắt từ một video của kênh Telegram Ivanovo Novosti ngày 12/03/2024 cho thấy lửa
bốc ra từ một phi cơ vận tải quân sự Il-76 của Nga ở ngoại ô Ivanovo. Bộ Quốc
phòng Nga nói chiếc máy bay chở 15 người đã bị rơi khi cất cánh tại một căn cứ
quân sự miền tây nước Nga. AP
Phá
vỡ sự thống trị của Nga trên không phận
Trong
khi bộ binh đang gặp khó khăn ở Donbass, hải quân Ukraina hầu như không có gì
nhưng đã gây ngạc nhiên khi tiêu diệt được 20 % hạm đội Nga ở Hắc Hải. Còn
không quân Ukraina vốn ít được chuẩn bị và lực lượng vô cùng chênh lệch vào đầu
cuộc xâm lăng, nay lại làm cho không quân Nga thiệt hại nặng, ngay cả trước khi
các chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được chuyển đến.
Từ
đầu năm nay, hai phi cơ giám sát A-50, tai mắt của không quân Nga, và một phi
cơ chỉ huy Il-22 đã bị phòng không Ukraina bắn hạ. Các hệ thống này được
âm thầm đưa đến gần tiền tuyến, gây bất ngờ cho Nga. Tiếp đến, khoảng mười mấy
phi cơ tiêm kích Su-34 và ít nhất một chiếc Su-35 cũng bị diệt gọn. Tổng cộng
không quân Nga đã mất đến 105 phi cơ, theo trang web chuyên ngành Oryx lấy từ
các nguồn mở, và chỉ tính đến các thiệt hại được chứng minh bằng video, hình ảnh.
Phía
Ukraina bị mất khoảng 75 chiếc. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã diệt 575 máy
bay Ukraina, trong khi Kiev chỉ có 98 chiến đấu cơ, và năm 2023 nhận được
27 chiếc MiG-31 của Ba Lan và Slovakia. Phi cơ Nga bị bắn rơi như sung trong những
tuần lễ gần đây, còn ba phần tư thiệt hại của Ukraina là phi cơ bị oanh tạc lúc
đang đậu trên mặt đất, trong những tháng đầu cuộc chiến.
Kiev
nhất thiết phải phá vỡ sự thống trị trên không của Matxcơva để ngăn chặn bước
tiến của quân Nga ở Donbass, hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Phi cơ Nga tấn công vào sâu, đe dọa các phi trường và nhà máy vũ khí của
Ukraine, mở đường tiến cho bộ binh bằng cách thả hàng loạt bom lượn (GPG) xuống
các công sự của Ukraine dọc theo toàn bộ chiều dài mặt trận.
« Chúng
tôi sẽ ngoạm gấu Nga từng mảnh một »
Nói
chuyện với Le Monde, « Phantom », một phi công ở độ tuổi
bốn mươi, che mặt và bảng tên cũng được che theo lệnh bộ tham mưu, nhận định
khuyết điểm lớn của đối thủ là cách chỉ huy tập trung như thời xô-viết. Đang được
tập huấn ở nước ngoài để chuẩn bị nhận chiến đấu cơ F-16, anh cho rằng phi công
Nga được huấn luyện ít hơn NATO, có lẽ trẻ và ít kinh nghiệm hơn so với số tham
gia từ đầu cuộc chiến.
Kiev
ước tính phân nửa số phi công Nga lái máy bay chiến đấu đã tử nạn, và phân nửa
trong số sống sót nhảy dù khỏi phi cơ đã bị thương không thể tiếp tục tham chiến.
Đại tá Yuri Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraina, tin rằng nếu cứ mất phi
cơ theo nhịp độ này, trước sau gì Nga cũng phải ngưng chiến đấu. Chỉ huy trưởng
Mykola Olechchuk nói : « Chúng tôi sẽ ngoạm gấu Nga từng mảnh
một ».
« Phantom »
nhớ lại những trận oanh tạc vào các hàng dài bất tận xe tăng Nga trong thời kỳ
đầu, đó là những mục tiêu rất dễ tấn công vì quân Nga không hề chuẩn bị cho việc
bị không kích, nhưng rất tiếc là Ukraina không có nhiều đạn. Kể từ tháng
4/2022, không quân đôi bên đều thận trọng tránh xa tiền tuyến, nhiệm vụ chỉ là
bắn hỏa tiễn và thả những vật liệu đánh lừa hỏa lực địch. Nhưng từ tháng
10/2023, vào đầu trận đánh Avdiivka ở Donbass, không quân Nga đã thả đến 250 quả
bom lượn chỉ trong 48 giờ.
Từ
khi các radar và một số chiếc A-50 bị hủy diệt, phi cơ Nga khó nhận ra mục tiêu
hơn trong khi Ukraina được tình báo phương Tây hỗ trợ. Không quân Ukraina nay tập
trung vào việc huấn luyện phi công, nhân viên mặt đất và cơ sở hạ tầng cho F-16
: Hà Lan, Na Uy và Bỉ sẽ tặng 60 chiếc cho Kiev. Theo phát ngôn viên Yuri
Ihnat, vấn đề chỉ còn tính bằng tháng, và nhiệm vụ của F-16 không phải để hạ xe
tăng mà để tấn công chính xác vào hậu cần địch : căn cứ, kho xăng, kho đạn...Thụy
Điển có thể chi viện vài chục chiếc JAS-39 Gripen, chiến đấu cơ đa năng thế hệ
thứ tư như F-16, phù hợp hơn Mirage 2000 của Pháp.
Giương
cờ trắng để có hòa bình ?
Ngay
cả nhật báo Công giáo La Croix cũng phải đặt câu hỏi trong bài
xã luận trang nhất : Chuyện gì đã xảy ra với giáo hoàng Phanxicô ?
Khi khuyên Ukraina giơ lên lá cờ trắng, ít nhất người đứng đầu Giáo hội đã phát
ngôn không đúng lúc. Đã đành ngài không phải là người phương Tây, « các nước
phương Nam » bất đồng về việc ủng hộ Ukraina, và ngay từ khi nhậm chức
giáo hoàng vẫn không ngừng kêu gọi hòa bình cho thế giới. Nhưng tờ báo cho rằng
điều đó không có nghĩa là ngài thân Nga ! Chỉ đơn giản là giáo hoàng lo ngại
hậu quả của một cuộc chiến lâu dài : những thành phố hoang tàn, các thế hệ
bị hy sinh, vũ khí hạng nặng rải rác trong thiên nhiên, chưa nói đến những cái
chết.
Cân
nhắc làm thế nào để ngưng xung đột là điều nên làm. Nhưng nếu để cho phần thắng
ở về phía kẻ nào mạnh nhất, phản lại các công ước quốc tế và từ chối lắng nghe
các dân tộc, sẽ không mang lại hòa bình. Một trong những người tiền nhiệm, giáo
hoàng Gioan XXIII trong thông điệp năm 1963 đã viết « Pacem in
terris » : Không có hòa bình nếu không có công lý. Với Ukraina, hòa
bình chỉ có được khi Matxcơva chấp nhận một giải pháp đúng đắn, và chính với
Nga mà giáo hoàng Phanxicô cần bắt đầu.
Les
Echos dẫn
lời ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba : « Quốc kỳ của chúng
tôi là màu vàng và màu xanh. Chúng tôi sống, chết và ca khúc khải hoàn dưới lá
cờ này. Chúng tôi không bao giờ giương lên những lá cờ khác ! ».
Pháp :
Đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái
Bầu
cử Nghị Viện Châu Âu và vấn đề viện trợ cho Ukraina, người Công Giáo và giới y
tế phản ứng trước dự luật về trợ tử là những chủ đề được đưa lên trang nhất báo
Pháp hôm nay. Trong bài xã luận tạm dịch « Ý thức quốc gia », Les Echos giải
thích tại sao phải nghe các nghị sĩ tranh luận trong khi lãnh vực quốc phòng là
của tổng thống ? Là để xem các dân biểu có ý thức và đặt lợi ích của nước Pháp
lên trên lợi ích phe mình hay không.
Hôm
nay Hạ Viện bỏ phiếu về việc viện trợ bổ sung 3 tỉ euro cho Ukraina và gia tăng
hợp tác về pháo binh và phòng không. Tất cả những dân biểu gắn bó với dân chủ
và an ninh cần phải thông qua, theo Les Echos. Cuộc tranh luận
giúp làm rõ chủ trương của từng đảng, nhấn mạnh đến nghịch lý của các phe cực
đoan, vừa khẳng định ủng hộ Kiev nhưng lại vừa chủ hòa. Cả đảng Nước Pháp Bất
Khuất (LFI) lẫn Tập hợp Quốc gia (RN) đều đồng ý hỗ trợ Ukraina, nhưng không muốn
cho nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Họ ủng hộ những người lính nơi tiền
tuyến, nhưng lại kích thích sự giận dữ nơi các giới phải trả giá, trước tiên là
nông dân.
Ukraina
không thể là một chủ đề chính trị nội bộ thông thường. Còn ba tháng nữa đến bầu
cử châu Âu, tất nhiên là có tính toán nơi Emmanuel Macron khi ông đặt mỗi người
trước trách nhiệm, hy vọng làm mất uy tín tất cả những đảng bị xem đồng lõa với
Vladimir Putin. Phía sau là một cuộc chiến khác, giành quyền lãnh đạo châu Âu
giữa Paris và Berlin. Khi nêu ra giả thiết gởi quân sang Donbass, tổng thống
Pháp đã gây chấn động nơi các đồng minh, nhưng được Ba Lan và các nước Baltic
hoan nghênh. Chính tại khu vực này mà tương lai châu Âu được đánh cược, bên cạnh
đó là ảnh hưởng của Pháp.
Chỉ
trích sự táo bạo của Macron, bênh vực Nga là chống lại lợi ích quốc gia. Các đảng
phái cần có trách nhiệm lịch sử trong tình hình trầm trọng này, thay vì những
tính toán nhỏ nhen. Chọn phe và bảo vệ những giá trị của mình : dân chủ chống lại
độc tài, chủ quyền thay vì chịu khuất phục, tôn trọng biên giới trước ngoại
xâm. Khi các nguyên tắc căn bản bị đụng đến, vắng mặt là đầu hàng. Còn vài ngày
nữa là sẽ tái « đắc cử », Vladimir Putin đang quan sát nước Pháp, và người
Ukraina cũng vậy.
Macron :
Một mũi tên bắn hai con chim
Libération nhận thấy điện Élysée
đã « dùng một mũi tên bắn hai con chim : Putin và phe cực hữu ».Tờ
báo nhắc lại bối cảnh khó khăn của Ukraina cách đây vài tuần : Quốc Hội Mỹ
chặn viện trợ, thiếu đạn pháo trầm trọng trước những cuộc tấn công ồ ạt của
Nga, các chiến binh mệt mỏi vì không được thay quân, và viễn cảnh Donald Trump
tái đắc cử. Trước tình hình đó, tổng thống Emmanuel Macron đã tổ chức hội nghị
khẩn cấp ở Paris ngày 26/02 để đối phó – Nga được coi là kẻ thù kể từ đây. Hơn
lúc nào hết Paris cần khẳng định vị thế thống lĩnh về quân sự, nhất là Pháp có
vũ khí nguyên tử. Trong khi Matxcơva không ngừng khiêu khích Paris : gây
ra những vụ va chạm trên không, cho tin tặc tấn công, bóp méo thông tin…Trên mạng
xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh thủ đô nước Pháp bị hủy diệt vì bom
nguyên tử.
Đây
là lần đầu tiên Macron coi Vladimir Putin là đối thủ chính của Pháp và châu Âu,
khác hẳn với chủ trương « không sỉ nhục Nga » hồi đầu.
Tổng thống Pháp tố cáo « mọi thái độ hèn nhát », không
loại trừ bất cứ kịch bản nào. Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sẽ diễn ra
vào ngày 09/06, Macron muốn thu được đa số ủng hộ ở Hạ Viện, đồng thời vạch rõ
sự nhập nhằng của phe cực hữu. Đáng ngạc nhiên là có đến 31 % dân Pháp ủng hộ
khả năng đưa quân sang Ukraina, chứng tỏ họ cảm thấy cuộc chiến đấu của quân
dân Ukraina là chính nghĩa, và phải chận đứng đế quốc Nga để tránh một thảm họa
châu Âu mới.
Nhà
nước Trung Quốc trở thành diễn viên phụ của Tập Cận Bình
Tại
Trung Quốc, Le Monde nhận thấy « chính quyền luôn bị đặt
dưới sự thống trị của đảng cộng sản ». Kỳ họp Quốc Hội vừa kết thúc
hôm qua mà không có họp báo như lệ thường kể từ 30 năm, và một tu chính án vừa
được thông qua, đặt vai trò của đảng lên hàng đầu. Theo đó Hội đồng Nhà nước,
có vai trò « kiên quyết thực hiện các quyết định của Trung ương Đảng
». Văn bản nêu ra các nguyên tắc ý thức hệ chỉ đạo, là « Mác-Lênin » và «
tư tưởng Tập Cận Bình cho kỷ nguyên mới ».
Alice
Ekman, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu đánh giá, với
văn bản này sự thống trị của đảng càng mạnh mẽ hơn, các cơ quan nhà nước chỉ có
nhiệm vụ thi hành. Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) của Fondation Jamestown ở
Washington nói : « Tất nhiên ai cũng biết là đảng có quyền hành tối thượng,
nhưng Tập Cận Bình muốn điều đó được ghi trên giấy trắng mực đen. Nhà nước trở
thành diễn viên phụ ».
Lý
Cường (Li Qiang) tỏ ra lép vế hơn những người tiền nhiệm. Ông Ôn Gia Bảo (Wen
Jia Bao) trước đây từng tạo ấn tượng khi cùng ăn mì với nông dân Quảng Tây,
dùng loa nói chuyện với những người sống sót còn mắc kẹt sau trận động đất ở Tứ
Xuyên...trước khi dính vào một xì-căng-đan lớn. Đương kim thủ tướng nay còn
không được quyền họp báo, cơ hội hiếm hoi để người dân bình thường được nghe
quan chức cấp cao trả lời. Các « ủy ban » của đảng về đối ngoại, kinh tế, tài
chánh, an ninh quốc gia đều do Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Nếu
các cơ quan chính quyền và công ty lớn đều có chi bộ đảng, thì nay đến lượt các
doanh nghiệp vừa và nhỏ được yêu cầu lập cơ sở đảng, thậm chí chỉ có ba nhân
viên là đảng viên cũng phải lập tổ đảng. Cuối tháng Hai, toàn bộ 98 triệu đảng
viên thuộc 5 triệu chi bộ được lệnh, tối thiểu mỗi năm một lần phải ngồi lại với
nhau để đọc và suy ngẫm chủ thuyết Tập Cận Bình rồi áp dụng vào thực tiễn.
Việc nhuộm đỏ này khiến Lý Cường đã hoài công thuyết phục là Trung Quốc « mở rộng
cửa », nhà đầu tư vẫn bỏ chạy. Nhất là khi chính quyền Hồng Kông vừa công bố dự
luật an ninh mới theo lệnh Bắc Kinh, với năm tội danh bổ sung có khung hình phạt
lên đến chung thân.
No comments:
Post a Comment