Monday, 4 March 2024

TỶ PHÚ và QUYỀN LỰC ĐƯỢC BẢO KÊ NƠI CUNG ĐÌNH (Trần Kỳ Khôi)

 



Tỷ phú và quyền lực được bảo kê nơi cung đình (Kỳ 1)  

Trần Kỳ Khôi

02/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/02/ty-phu-va-quyen-luc-duoc-bao-ke-noi-cung-dinh-ky-1/

 

Lâu nay, báo chí quốc doanh thường đề cập đến nạn quan chức bảo kê cho doanh nghiệp, công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân, hoạt động trên các địa phương, tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên, việc chỉ đích danh các chóp bu trong thượng tầng chính trị của đảng, đang bảo kê, hậu thuẫn nọ kia, thì không ai dám nhắc đến. Nhân việc Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều về vấn nạn bảo kê nhức nhối này.

 

 

Rũ bùn đứng dậy, làm ông chủ Phúc Sơn 

 

Nguyễn Văn Hậu, còn gọi là Hậu “pháo”, Hậu “nổ”, Hậu “vịt”, sinh năm 1981, quê Vĩnh Phúc. Hậu sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ phải đi chăn vịt, làm ruộng. Học hết cấp hai, Hậu bỏ ngang, đi làm thợ xây dựng. Tuổi ngoài hai mươi, Hậu được người bà con bên mẹ là bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận làm con nuôi.

Từ đó, cuộc đời Nguyễn Văn Hậu chính thức bước sang trang mới. Năm 2004, Hậu “vịt” lập Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, sau nâng lên Tập đoàn Phúc Sơn. Phúc Sơn trúng thầu hầu hết các dự án công ích, các công trình lớn của tỉnh Vĩnh Phúc như chợ búa, trường học, bệnh viện, công sở.

 

“Bố nuôi” vào Trung ương đảng, lên thứ trưởng, bộ trưởng, Phó thủ tướng, thì Hậu “vịt” cũng bám theo những nấc thang quyền lực đó mà làm giàu. Phúc Sơn được thầu các dự án khủng, được đầu tư ngàn tỷ từ ngân sách nhà nước, như: Xây dựng hạ tầng đô thị, khu dân cư, xây chợ, xây kênh đê, nạo vét sông Hồng, xây các toà nhà trung tâm hành chính, mở đường…

 

Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu và thắng lớn tại nhiều dự án ngàn tỷ ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội… và vươn đến tận… tỉnh Khánh Hòa! Tại Khánh Hoà, được Trịnh Đình Dũng và Phùng Quang Thanh bảo kê, Hậu “vịt” được tham gia “xẻ thịt” Sân bay Nha Trang với dự án có số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng.

 

Kinh doanh với người sống chưa đủ, Hậu “vịt” còn chi ra 1500 tỷ để xây dựng nghĩa trang Thiên An Viên (Vĩnh Phúc) để “phân lô, bán nền” cho người chết!

 

Trâu buộc ghét trâu ăn. Các phe nhóm ở thượng tầng vốn không ưa Trịnh Đình Dũng, bắt đầu nhắm vào Hậu “vịt” để ra đòn.

 

Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng nhảy vào. Tỉnh Khánh Hòa căn cứ vào số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại “Thông báo số 680” năm 2019, để truy thu 12.000 tỉ đồng của Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy vậy, Hậu “vịt” đưa ra những lập luận khác để bác bỏ, chỉ nộp cho Khánh Hòa 370 tỷ đồng.

 

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận, có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật trong việc giao đất sân bay Nha Trang cho Tập đoàn Phúc Sơn và các nhà đầu tư khác. Bộ Công an, Công an tỉnh Khánh Hoà bắt đầu vào cuộc, nhưng mọi cuộc điều tra vẫn giậm chân tại chỗ.

 

Ngày 27-1-2024, Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị Bộ Chính trị khiển trách về mặt đảng. Khi “bố nuôi” đã rời chính trường, lại còn phải nhận kỷ luật, nên số phận Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn đã được định đoạt.

 

Ngày 27-2-2024, Bộ Công an khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. “Ông lão đánh cá” đã trở về với cái máng lợn. Tỷ phú Hậu “vịt” từ giờ quay lại nơi xuất phát, có điều không đi chăn vịt nữa, mà “chăn kiến” trong trại giam.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-1.webp

Ảnh: Nguyễn Văn Hậu khi bị bắt. Nguồn: Bộ Công an 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-2.webp

Cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bố nuôi của Hậu. Nguồn: VGP

 

 

Hoàn Cầu Group làm mưa làm gió ở miền Nam 

 

Ngược thời gian, sẽ thấy rõ hơn những câu chuyện bảo kê còn rúng động hơn nhiều so với Hậu — Dũng. Ở các vụ kia, nhân vật chính giấu mặt phía sau, không lộ diện; dù chỉ nghe tên, người nghe đã kinh hồn bạc vía.

 

Trần Thị Hường, còn gọi là bà Tư Hường (1936-2017), quê Bình Định. Bà Tư Hường kể, bà sinh ra trong gia đình nghèo, đông con. Học chưa hết lớp 5, phải đi ở đợ, buôn dầu dừa, đậu phộng, bỏ mối rượu… Sau năm 1975, gia đình bà Tư Hường dắt díu nhau vào Sài Gòn sinh sống. Rồi bà móc nối với các công ty quốc doanh, thuê đất, góp vốn, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng, rồi chuyển nhượng, bán cổ phần cho các đối tác.

 

Tiền sinh ra tiền, bà Tư Hường đứng đầu “đế chế” bất động sản Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á (NamABank), sở hữu Trường Đại Học Quang Trung, Quy Nhơn và rất nhiều dự án, bất động sản, cùng chuỗi các công ty con của Hoàn Cầu khắp cả nước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-5.jpg

Bà Trần Thị Hường, còn gọi là Tư Hường (1936-2017), từng là một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt, xây dựng đế chế hàng chục ngàn tỷ với hai bàn tay trắng và học chưa hết lớp 5! Nguồn: Nam Á Bank

 

Cả ông Sáu Khải và bà Tư Hường đều ra người thiên cổ, cho nên chúng tôi không đi sâu chi tiết cơ duyên mối quan hệ giữa hai người. Chỉ muốn khẳng định rằng, Thủ tướng Phan Văn Khải chính là nhân vật đứng sau lưng, giúp đỡ và bảo kê cho bà Tư Hường kinh doanh. Ông Sáu Khải giúp bà Tư Hường từ khi ông còn làm Phó bí thư, chủ tịch UBND thành Hồ.

 

Năm 2017, khi bà Tư Hường qua đời, gia đình bà đã nổ ra cuộc chiến tranh chấp khối tài sản khoảng 30.000 tỉ đồng mà bà để lại. Đỉnh điểm giành giật, dẫn đến cha tố con trai, rồi ba cô con gái phát đơn tố cáo cha ruột tuổi ngoài 90. Đơn tố cáo rúng động cả nước, gởi đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao… tốn khá nhiều bút mực của các phóng viên báo đảng và các cuộc tranh luận trên các diễn đàn.

 

 

Thiên đường Bảo Sơn 

 

Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1945, quê Nghệ An. Sơn là ông chủ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Bảo Sơn Group).

 

Trong hệ sinh thái Bảo Sơn Group, hàng chục công ty như Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn, Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn, Hotel Bảo Sơn… là những cỗ máy kiếm tiền từ các dịch vụ giải trí, y tế, lưu trú, đem lại ngàn tỷ cho Nguyễn Trường Sơn. Chưa đủ, cha con Nguyễn Trường Sơn còn xin đất, thuê đất, lấn sân sang đầu tư xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp để bán.

 

Năm 2011, con gái của Nguyễn Trường Sơn là Nguyễn Thanh Thủy, sinh năm 1976, Tổng giám đốc Công ty TNHH giải trí Thiên Đường Bảo Sơn, bị chồng tố cáo ngoại tình. Thuỷ ly hôn với chồng là Bùi Đức Minh, sinh năm 1976.

 

Vụ ly hôn chấn động cả nước, bởi Bùi Đức Minh tranh chấp với Nguyễn Thanh Thuỷ, đòi chia khối tài sản lên đến 500 triệu đô la. Kết quả, không những chẳng chia được gì, Bùi Đức Minh còn bị Công an Hà Nội khởi tố tội “vu khống”, bị bắt nhốt, sau đó còn bị ném vào tù, với mức án 15 tháng tù giam.

 

Từ những năm đầu của thập niên 1990, Bảo Sơn đã có khách sạn 4 sao đầu tiên ở Hà Nội, có 35 hecta đất thủ đô để xây “thiên đường”, thì quả là có một không hai.

 

Thời ấy dư luận xì xầm, rằng Nguyễn Trường Sơn là con nuôi của ông Đỗ Mười. Con nuôi hay con rơi của lãnh tụ tối cao, thì chỉ có cha mẹ của anh ta và ông Trời mới biết. Nhưng chắc chắn, nếu không có chóp bu của đảng chống lưng, có lẽ chỉ có cách in tiền, Nguyễn Trường Sơn mới có được hàng chục ngàn tỷ. Nếu không có nhân vật này chống lưng, cho dù có hàng chục ngàn tỷ đồng, Sơn cũng không thể đứng vững cho đến hôm nay.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-3.jpg

Ảnh: Nguyễn Trường Sơn, ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn. Nguồn: Infonet

 

 

Đế chế BRG 

 

Nguyễn Thị Nga, tức Nga BRG, còn gọi là Nga “lật”, sinh năm 1955, quê Hà Nội. Dù không có tên trong danh sách mới nhất về 10 phụ nữ giàu nhất Việt Nam, nhưng Nga được cho là quý bà giàu có nhất nước. Hiện bà Nga là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

 

Cũng giống như Phạm Nhật Vượng (VinGroup), Lê Viết Lam (SunGroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air) … đi lao động xứ người và trở về từ Đông Âu, Nga BRG theo hướng kinh doanh chính là buôn chính sách và buôn đất. Nhưng họ lợi dụng chủ trương, móc ngoặc quan chức từ trung ương đến địa phương để cướp đất, thì đúng hơn. Khi lắm tiền rồi thì kinh doanh đa ngành, thao túng chính trường. Thế nhưng, bản chất của giới này là chuyên nói chuyện đạo lý làm giàu và thiện nguyện trên truyền thông.

 

Mua lại vốn các công ty quốc doanh thua lỗ, phá sản, hay tham gia cổ phần hoá, thành lập “hệ sinh thái” với hàng chục công ty con… là cách làm của Nga BRG để sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương, giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Qua mặt hàng loạt ông trùm bất động sản máu mặt, Nga BRG đang là nữ đại gia sở hữu nhiều đất vàng nhất ở Hà Nội.

 

Nga BRG đang sở hữu cả chục sân golf tiêu chuẩn thế giới, chuỗi các khách sạn sang trọng bậc nhất Việt Nam, như khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội. Ở tận Đà Nẵng, năm 2010, Nguyễn Bá Thanh đã dâng cho Nga BRG 150 hecta đất để làm sân golf. Hiện nay, Nga BRG liên danh với các đối tác Nhật, vận động để trúng thầu xây dựng Dự án cảng biển Liên Chiểu – Đà Nẵng, có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ Mỹ kim.

 

Chồng của Nga là Lê Hữu Báu. Có thông tin cho rằng, ông Báu là con rơi của ông Lê Duẩn. Vì vậy, Nga luôn nói với người quen rằng bà ta là con dâu cố tổng bí thư Lê Duẩn.

 

Có một thời gian dài Nga cùng Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn, sáng lập và điều hành Techcombank, ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/4-1024x659.jpg

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Nga bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh trên) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ảnh dưới). Nguồn: Ảnh độc quyền của tác giả dành cho Tiếng Dân

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-2-1068x861.jpg

 

 

Thông tin nội bộ rò rỉ, Nga được các Uỷ viên Bộ Chính trị của nhiều khoá bảo kê, thậm chí nhiều vị có cổ phần trong BRG. Có thông tin cho rằng, ông “chủ lò” hiện nay, cũng đỡ đầu cho nhóm của Nga BRG, nhờ đó Nga cũng sở hữu chéo, huy động vốn, rút tiền ngân hàng đầu tư bất động sản, thao túng chứng khoán tương tự như Trương Mỹ Lan, FLC, Tân Hoàng Minh… nhưng vẫn là nhân vật “bất khả xâm phạm”.

 

Một ngày nào đó, “quả bom” BRG phát nổ, tương tư như Vạn Thịnh Phát, lúc ấy xem nhân vật nào sẽ ra tay cứu Nguyễn Thị Nga.

 

(Còn nữa) 

 

                                                              ***

 

Tỷ phú và quyền lực được bảo kê nơi cung đình (Kỳ 2)

Trần Kỳ Khôi

04/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/04/ty-phu-va-quyen-luc-duoc-bao-ke-noi-cung-dinh-ky-2/

 

Trong kỳ 1, chúng tôi giới thiệu bốn “doanh nhân thành đạt” đã được các nhân vật chóp bu nơi cung đình bảo kê, giúp họ làm giàu như thế thế nào. Kỳ này, chúng tôi xin được giới thiệu thêm ba “doanh nhân” khác, để mọi người hiểu thêm cách làm giàu của họ, cũng như hiểu thêm rằng các “doanh nhân” này càng giàu thì đất nước càng mạt, người dân càng bị bần cùng hóa.

 

TH True Milk và “người đàn bà sữa tươi” 

 

Thái Thị Hương, tức Thái Hương, hay Hương Bắc Á sinh năm 1958, quê Nghệ An. Thái Hương đang nắm giữ hai chức vụ quan trọng là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK).

Xuất phát điểm của Thái Hương chỉ là một viên chức kế toán tại Công ty Vật liệu xây dựng chất đốt Nghệ An, sau buôn bán vựa xi măng, sắt thép. Nhờ sự bảo kê của “ông anh” đồng hương là bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nên Thái Hương có tất cả. Thái Hương có được ngân hàng, có TH Group, có trang trại hàng ngàn hecta. Bằng khen, huân chương, danh hiệu, Thái Hương đếm không xuể, thậm chí còn có cả danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

 

TH Group đầu tư ở Tuyên Quang, Sơn La, sắp đến sẽ vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng số tiền đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD. Thái Hương cũng đã lấn sân sang xây dựng và vận hành hệ thống trường TH School; xây dựng hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế 5 sao và trung tâm y tế điện tử tại Hà Nội.

 

Năm 2011, lợi dụng mình là chủ Ngân hàng Bắc Á, Thái Hương đã rút tiền tài trợ cho các dự án của bà ta, cũng như cho “con cháu các cụ cả” vay tiền mà không cần thế chấp. Các dự án này làm ăn không hiệu quả, kết quả là Bắc Á Bank ngập ngụa trong đống nợ, với 9.000 tỷ đồng không có khả năng chi trả. May mắn cho Hương, lúc đó “ông anh” đồng hương vừa ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội. Nhờ sự giúp đỡ của “ông anh” mà Ngân hàng Nhà nước VN, Agribank cùng với BIDV đã chuyển cho Bắc Á Bank 10.000 tỷ đồng để cứu “cô em”.

 

Tháng 6 năm 2012, Thái Hương bỏ ra 150 tỷ đồng để xây “nhà thờ tổ” vô cùng hoành tráng cho dòng họ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại núi Chung, Nam Đàn, Nghệ An, gây xôn xao dư luận. Thì ra, “bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”, được 10.000 tỷ mà chỉ mất 150 tỷ, Thái Hương vừa thoát khỏi tù tội, phá sản, lại còn được tiếng là doanh nhân tốt bụng, bỏ tiền ra xây nhà thờ tổ cho dòng họ … ông Hồ!

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-7.jpg

Thái Hương với Nguyễn Sinh Hùng, thời ông Hùng còn làm Chủ tịch Quốc hội. Nguồn: Chân Dung Quyền Lực 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/2-2.jpg

Thái Hương và ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông Phúc còn là Chủ tịch nước. Ảnh độc quyền của tác giả dành cho Tiếng Dân 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/3-1-768x559.jpg

Thái Hương và Thủ tướng Phạm Minh Chính

 

 

Được sự bảo kê của “ông anh”, người phụ nữ nghèo xứ Nghệ ngày nào, nay đã thành “người đàn bà sữa tươi” đại gia ngàn tỷ, tên tuổi vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đại quan Nghệ Tĩnh và đàn em của Nguyễn Sinh Hùng hiện nay đang chiếm thế thượng phong ở triều đình. Nhờ đó, Thái Hương vươn “vòi bạch tuột” đi hái tiền khắp mọi miền đất nước mà không sợ bị ném “vào lò”.

 

 

Đại Nam và ông chủ Dũng “lò vôi”

 

Huỳnh Phi Dũng, tức Huỳnh Uy Dũng, còn gọi là Dũng “lò vôi”, sinh năm 1961, quê Bình Định. Dũng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam.

Mới học lớp 10, Dũng “trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự. Vài năm sau xuất ngũ, Dũng vác ba lô lang thang vào miền Nam kiếm việc. Tình cờ Dũng quen biết với Trần Thị Tuyết, sinh năm 1954, con gái ông Trần Văn Thu, tức Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

 

Năm 1981, Dũng kết hôn với Tuyết. Được bố vợ xin vào Phòng Tổ chức công an Sông Bé, sau chuyển sang hậu cần, cuộc sống của Dũng bắt đầu đỡ hơn. Có chút tiền, Dũng mở nhiều lò nung vôi để bán. Và biệt danh Dũng “lò vôi” có từ đó. Nhờ vào thế lực nhà vợ, bạn bè của bố vợ bảo kê, Dũng “lò vôi” bỏ ngành công an, được lãnh đạo tỉnh Sông Bé giao cho chức giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thành Lễ, tức Sơn mài Thành Lễ, một công ty nổi tiếng trước năm 1975.

 

Thời kỳ này, đàn em ông Ba Thu là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1942, trúng cử Tỉnh uỷ viên, nắm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé. Ông Triết chính là nhân vật bảo kê cho hành trình cướp đất làm giàu của Dũng “lò vôi” từ đó.

 

Tháng 6-1991, Nguyễn Minh Triết trúng cử Uỷ viên Trung ương khoá 7, làm bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé, giai đoạn 1991-1996. Thầy lên thì trò cũng lên, Huỳnh Phi Dũng, được đưa vào làm đại biểu Quốc hội khóa X (1997 – 2002) để ngồi ngang hàng với các chính trị gia khác.

Huỳnh Phi Dũng phất lên như diều gặp gió. Tài sản của nhà nước cứ thế chảy sang túi gia đình ông ta. Dũng thâu tóm đất đai, xây dựng ba khu công nghiệp, cho các đối tác thuê nhà máy, xí nghiệp, kho vận và bến bãi:

 

– Sóng Thần 1, có diện tích 178 hecta. Khởi công năm 1992, hoạt động 1995, đầu tư 245 tỷ, thuộc tài sản quốc doanh Công ty XNK Thành Lễ, sau này Dũng “lò vôi” nuốt luôn.

 

– Sóng Thần 2, có diện tích 279 hecta, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng

 

– Sóng Thần 3, có diện tích 534 hecta, tổng vốn đầu tư 936 tỷ đồng

 

Ngoài ra, Dũng còn sở hữu nhiều quỹ đất lớn, phát triển các dự án như triển Khu đô thị, Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần… Riêng Khu du lịch Đại Nam rộng 700 hecta, Dũng bỏ ra đến 6000 tỷ, xây dựng từ năm 1999 đến năm 2008 mới kinh doanh đón khách.

 

Cũng trong năm 2008, Dũng “lò vôi” đổi tên từ Huỳnh Phi Dũng thành Huỳnh Uy Dũng. Năm 2010, Dũng ly hôn người vợ thuở hàn vi, để cưới bà Nguyễn Phương Hằng. Hằng tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1971.  Trước khi lấy Dũng lò vôi, bà Hằng đã từng có hai người đàn ông đi “chăn kiến”, đó là Đỗ Đạt Giang, đàn em của Năm Cam và người kia là doanh nhân Trần Văn Thìn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-8.jpg

Chân dung ông Dũng “lò vôi” và bà Nguyễn Phương Hằng, người vợ sau của ông ta. Ảnh trên mạng

 

Dũng “lò vôi” là một trọc phú chơi ngông. Trong lễ mừng thọ mẹ, Dũng tổ chức tại Đại Nam. Dũng “lò vôi” đã mời cả chục ngàn quan khách, trong đó có người khách đặt biệt đã được ông ta trang trí lọng vàng để che là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.

 

Từ một kẻ vô danh, được lãnh đạo đảng cấp cao ưu ái, giúp Huỳnh Uy Dũng cướp hết đất đai của người dân Bình Dương khai khẩn, trong những miếng đất đó có mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của dân Bình Dương. Ông Chín Cung, tức Lê Thanh Cung, Phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2010-2014, đã từng thốt lên: “Dũng ‘lò vôi’ bất tài, lừa đảo”; “Dũng sống được cũng nhờ ‘xương’, ‘máu’ của tỉnh Bình Dương chứ. Nhờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương, ông Dũng mới có tài sản như hiện nay chứ ông Dũng tài ba gì, cũng từ đất đai Bình Dương thôi”.

 

 

“Muội” Vạn Thịnh Phát và hung thần Hai Nhựt

 

Trương Mỹ Lan, tức Trương Muội, sinh năm 1956, người Việt gốc Hoa, sinh tại Sài Gòn. Muội là tiểu thương bán vải chợ Soái Kình Lâm, tức Thương xá Đồng Khánh, thuộc quận 5, Sài thành. Tình cờ Trương Muội quen biết với Trương Thị Hiền, vợ của Lê Thanh Hải và là em gái của hai nhân vật nổi tiếng là Trương Mỹ Lệ và Trương Mỹ Hoa. Từ đó, Muội kết nghĩa với vợ chồng Lê Thanh Hải, bí thư quận uỷ quận 5. Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan.

 

Nếu không có sự bảo kê tuyệt đối của Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt), Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ, cùng với chị vợ của Hai Nhựt là Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước, trong suốt thời gian từ năm 1990 đến năm 2016, thì sẽ không có nhân vật Trương Mỹ Lan.

 

Trương Mỹ Lan thâu tóm hết bất động sản trên các tuyến đường đắt đỏ nhất Sài Gòn, mua đứt luôn ngân hàng SCB. Đất vàng, đất “kim cương” ở trung tâm thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông”, công sản, dinh thự của các cơ quan chính phủ, của tư sản thời VNCH, bị chính quyền cộng sản tịch thu sau năm 1975, đều được quan chức thành Hồ dâng cho Trương Mỹ Lan. Chưa hết, Vạn Thịnh Phát còn gom hàng trăm hecta đất mà chính quyền cướp được từ dân Thủ Thiêm.

 

Vạn Thịnh Phát huy động vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu, thao túng thị trường nhà đất khu vực phía Nam ngót mấy chục năm. Ngoài sự bảo kê của gia tộc Lê Thanh Hải, những kẻ nhận tiền hối lộ của Trương Mỹ Lan còn có cả bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, cũng như các “trùm” ở Ngân hàng Nhà nước. Vụ này, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, đến Trưởng ban Nội chính Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và cả bộ máy ở trung ương đều biết cả, nhưng làm ngơ.

 

Chỉ là một quan chức quèn như Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhưng đã nhận hối lộ từ Trương Mỹ Lan số tiền khủng, lên tới 5,2 triệu USD. Vậy tầm các Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã cầm của Trương Mỹ Lan số tiền lên tới bao nhiêu?

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/10/7.jpg

Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan trong một sự kiện. Ảnh trên mạng 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-9.jpg

Vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ nhận Huân chương lao động dịp 30-4-2011. Photo Courtesy

 

Tiền đã chảy hết ra nước ngoài, Trương Mỹ Lan mới bị bắt giam. Bà ta bị đề nghị truy tố các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ. Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan điều tra xác định, bà Lan đã chiếm đoạt hơn 300 ngàn tỉ đồng (khoảng 12,5 tỉ đô la) và gây thiệt hại gần 130 ngàn tỉ đồng (khoảng 5,4 tỉ đô la).

Hàng triệu người dân đã gởi tiền vào ngân hàng SCB, mua cổ phiếu “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, ai sẽ trả lại số tiền đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu cho họ?

Hết





No comments:

Post a Comment

View My Stats