Hiếu Chân/Người Việt
March
8, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-so-gi/
Hội
Nghị Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức Quốc Hội Trung Quốc, đã khai mạc kỳ họp
thường niên mỗi năm một lần tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, hôm Thứ Ba vừa
qua. Như thông lệ, mở đầu kỳ họp, Quốc Hội sẽ nghe đại diện chính phủ, thường
là thủ tướng, đọc báo cáo thành tích điều hành kinh tế xã hội trong năm qua và
trình bày các mục tiêu dự tính cho năm tới, sau đó thảo luận, thêm bớt chút
chút trong khuôn khổ cho phép để có vẻ dân chủ. Cuối kỳ họp, Quốc Hội sẽ bầu một
số quan chức vào các ghế trong chính phủ, theo một danh sách đã được Bộ Chính
Trị của đảng CSTQ phê chuẩn. Cũng như ở các nước cộng sản khác, Quốc Hội Trung
Quốc chỉ là cơ quan thừa hành, pháp chế hóa các quyết định của đảng, hoàn toàn
không có thực quyền. Nhưng quan sát hoạt động của Quốc Hội bù nhìn đôi khi người
ta cũng thấy được đôi điều thú vị.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/BL-Trung-Quoc-So-Gi-1536x1004.jpg
Chủ
Tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ Tướng Lý Cường tại cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc
hôm 4 Tháng Ba. (Hình minh họa: Kevin Frayer/Getty Images)
Không
họp báo nữa
Một
thắc mắc rõ rệt khi theo dõi hội nghị của Quốc Hội Trung Quốc trong tuần này là
một thắc mắc: Không rõ giới lãnh đạo Bắc Kinh sợ hãi chuyện gì mà hành xử ngày
càng giống Bắc Hàn. Không kể các vòng kiểm soát an ninh dày đặc bên ngoài nơi họp
của các đại biểu, lần đầu tiên Quốc Hội không tổ chức họp báo giữa thủ tướng với
báo giới trong nước và quốc tế, ở đó giới truyền thông được trực tiếp đặt câu hỏi
cho người đứng đầu chính phủ và các ông này đôi khi trả lời bên ngoài văn bản
soạn sẵn, đôi khi tiết lộ những tin “độc,” gần sự thật hơn, về thực trạng của nền
kinh tế, thậm chí về những cuộc đấu đá chốn cung đình.
Mặc
dù được dàn dựng và kiểm soát từng chi tiết nhỏ, các cuộc họp báo thường niên của
thủ tướng Trung Quốc – được ví như lễ trao giải Oscar hoặc trận chung kết Super
Bowl bên Mỹ – vẫn được giới truyền thông mong đợi, coi đó là khe cửa nhìn vào
cách đất nước Trung Quốc được điều hành, nơi các nhà lãnh đạo xứ sở 1.4 tỷ dân
này tự giải trình trước nhân dân Trung Quốc và thế giới nên ngoài.
Từ
khi bắt đầu đổi mới kinh tế tới nay, Trung Quốc đã tổ chức 24 cuộc họp báo của
thủ tướng như vậy, mỗi lần thu hút khoảng 700 nhà báo, và hoạt động này được
“thể chế hoá” trong chương trình làm việc chính thức của Quốc Hội từ năm 1993
cho đến khi bãi bỏ vào đầu tuần này. Một trong những cuộc họp báo được dư luận
đánh giá cao là của cố Thủ Tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) năm 2020, trong đó,
ông Lý nói Trung Quốc còn khoảng 600 triệu người, tương đương 43% dân số, sống
nghèo khó với thu nhập không quá $140 một tháng, “thậm chí không đủ để thuê một
căn phòng trong một thành phố hạng trung.” Thông tin của ông Lý đã bóc mẽ sự thật
trong lời tuyên bố huênh hoang mà Chủ Tịch Tập Cận Bình đưa ra trước đó rằng
Trung Quốc đã vượt qua nghèo khó nhờ sự lãnh đạo tài tình của đảng. Khi ông Lý
đột ngột qua đời Tháng Mười năm ngoái, nhiều người Trung Quốc lên mạng xã hội tỏ
lòng biết ơn ông đã nói thật.
Một
số nhà quan sát cho rằng, lý do khiến ông Lý Cường (Li Qiang), thủ tướng đương
nhiệm, không họp báo có lẽ vì ông không có nhiều thành tích để khoe khoang và nền
kinh tế do ông điều hành đang trải qua nhiều khó khăn thách thức. Nhưng trong
quá khứ, Trung Quốc đã không ít lần trải qua khó khăn như cuộc khủng hoảng tài
chính Châu Á 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mà Bắc Kinh vẫn họp
báo để công bố chính sách của họ với người dân và thế giới.
Có
người nói ông Lý không họp báo để giảm thiểu vai trò và ảnh hưởng của ông và
không “che khuất” hình ảnh của ông Tập Cận Bình – lãnh tụ tối cao kiêm người bảo
trợ cho chính ông Lý. Ngay trong buổi sáng Thứ Ba, 5 Tháng Ba, báo chí và mạng
Internet Trung Quốc không đăng lên vị trí trang trọng nhất ảnh và bài diễn văn
của ông Lý như thông lệ mà thay vào đó là ảnh và phát biểu của ông Tập. Dư luận
bên trong Trung Quốc nhận định chính ông Tập mới là người quyết định không tổ
chức họp báo để cho công chúng biết rằng Trung Quốc chỉ có một chủ, một người
duy nhất là ông được phát biểu trước bàn dân thiên hạ về những chuyện trọng đại
của đất nước. Ông Tập sợ các nhà lãnh đạo khác sẽ truyền đạt thông điệp khác với
ông như trong cuộc họp báo năm 2020 của ông Lý Khắc Cường. Vả lại, so với những
người tiền nhiệm, ông Tập là “khắc tinh” của báo chí. Theo lệnh của ông, truyền
thông bị kiểm duyệt ngặt nghèo, nhiều báo đài nước ngoài bị cấm lưu hành trên mạng
Internet Trung Quốc, còn nhà báo ngoại quốc thường xuyên bị quấy nhiễu và không
còn được cấp thị thực (visa) dài hạn để hoạt động nghề nghiệp ở Trung Quốc như
họ từng được hưởng trước kia.
An
ninh trên hết
Dù
thế nào thì việc đóng cửa với truyền thông cũng sẽ làm cho Trung Quốc bị cô lập
hơn, bí mật hơn với thế giới bên ngoài và đó không phải là điềm lành cho nền
kinh tế.
Quan
sát hội nghị đang diễn ra của Quốc Hội Trung Quốc, các nhà phân tích còn lưu ý
tới một sự thay đổi trong lề lối quản trị quốc gia. Thay vì tập trung thảo luận
các vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách nêu ra trong báo cáo của Thủ Tướng Lý Cường,
các đại biểu lại được hướng tới các vấn đề an ninh quốc gia. Hội nghị nhanh
chóng thông qua mà không thảo luận đề nghị của chính phủ, tăng tổng sản lượng
quốc gia (GDP) năm 2024 lên 5% so với năm trước, tăng tỉ lệ chi tiêu cho quốc
phòng lên 7.2% GDP, lên mức $230 tỷ, nhiều gấp 2.5 lần so với lúc ông Tập mới cầm
quyền năm 2013. Không đại biểu nào thắc mắc làm thế nào đạt được mục tiêu tăng
GDP 5% trong khi kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, và
tăng chi tiêu quân sự mạnh như vậy để làm gì.
Các
đại biểu tham dự hội nghị được hướng dẫn chú ý vào kế hoạch lập pháp hằng năm,
trong đó tập trung nhiều hơn vào an ninh quốc gia, ngăn chặn các mối đe dọa bên
trong và bên ngoài Trung Quốc giữa bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị trên
thế giới ngày càng căng thẳng. Dường như bị mối lo sợ bị mất quyền lực ám ảnh,
đảng CSTQ gần đây ban hành nhiều đạo luật về an ninh quốc gia, kiểm soát mọi hoạt
động của người dân, từ luật an ninh mạng quy định cách thức mà người dân Trung
Quốc tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet, cho đến các công ty lưu trữ dữ liệu
người dùng. Ngoài ra, luật chống gián điệp yêu cầu mỗi người dân Trung Quốc là
một chiến sĩ điệp báo, có nhiệm vụ dò xét và báo cáo cho chính quyền những dấu
hiệu khả nghi ở người thân, hàng xóm láng giềng. Các luật về an ninh mạng, luật
chống gián điệp, luật bảo vệ bí mật nhà nước,… trong ba năm qua làm cho bầu
không khí xã hội Trung Quốc thêm ngột ngạt. Các công ty nước ngoài bị kiểm tra,
lục soát, bắt giữ nhân viên một cách tùy tiện, và đây là yếu tố thôi thúc các
nhà kinh doanh nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước này.
Bên
lề hội nghị của Quốc Hội, hôm Thứ Năm, 7 Tháng Ba, ông Vương Nghị (Wang Yi),
trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương đảng CSTQ kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, có một
cuộc họp báo hiếm hoi để lên án Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Vương gọi Hoa Kỳ là “một
siêu cường hoang tưởng” đang bám vào những nhận thức sai lầm về Trung Quốc và
khiến quan hệ giữa hai nước xuống tới mức thấp nhất. “Lòng tự tin của một siêu
cường nằm ở đâu nếu Hoa Kỳ lo sợ mỗi khi nghe hai từ ‘Trung Quốc?’ Thách thức
mà Hoa Kỳ đang đối mặt nằm ngay trong lòng nước Mỹ chứ không phải ở Trung Quốc.
Nếu các vị tập trung đàn áp Trung Quốc thì tất yếu các vị sẽ tự gây thương tổn
cho mình,” ông Vương tuyên bố, theo nhật báo The Wall Street Journal.
Có điều,
qua những ngôn từ của “chiến binh sói” Vương Nghị, lẫn cách hành xử khép kín và
bí mật của các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, người quan sát càng cảm nhận
rõ rằng Trung Quốc đang lo sợ. Bắc Kinh không sợ một ai đó đe dọa đất nước đông dân nhất hành tinh, có
nền kinh tế lớn thứ hai và quân đội mạnh thứ hai thế giới. Trung Quốc sợ mất độc
quyền cai trị của đảng CSTQ, sợ người dân phẫn uất khi kinh tế suy sụp, các
mánh lới và thủ đoạn của họ bị vạch trần. Nỗi sợ đó không xuất phát từ Mỹ hay
Châu Âu mà nằm ngay trong lòng Trung Quốc. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh
triền miên, thôi thúc ông Tập kết thân ngày càng mật thiết với Tổng Thống
Vladimir Putin của Nga theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” Nếu có một siêu cường
hoang tưởng như chữ ông Vương Nghị sử dụng thì đó chính là Trung Quốc chứ không
phải Mỹ hay Châu Âu. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment