Wednesday, 27 March 2024

TRAO ĐỔI VỚI NHỮNG NGƯỜI BAO CHE CHO KARL MARX (Nguyễn Đình Cống / Báo Tiếng Dân)

 



Trao đổi với những người bao che cho Karl Marx

Nguyễn Đình Cống 

26/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/26/trao-doi-voi-nhung-nguoi-bao-che-cho-karl-marx/  

 

Trong kỳ nghỉ tết vừa qua, tôi về quê và được một người cháu gọi bằng bác tới thăm. Anh là TS Nguyễn Đình Cả, nguyên là cán bộ giảng dạy môn chủ nghĩa Mác – Lênin (CNML) ở một trường đại học tại thành phố HCM, hiện anh đã nghỉ hưu.

 

Anh biết tôi thường viết bài phản biện, vạch ra những sai lầm, độc hại của CNML nên đến gặp tôi, ngoài chuyện thăm hỏi, còn cung cấp thông tin mà chắc anh nghĩ rằng đối với tôi là quan trọng.

 

Sau khi nghe tôi nói vài lời thông cảm với các thầy dạy môn CNML, rằng họ quả đang gặp khó khăn lớn trong giảng dạy vì chưa tìm ra cách nào có hiệu quả để dạy môn đó khi thực tế và lý thuyết gần như trái ngược nhau. Họ rất dễ phạm vào một trong hai điều rất kiêng kỵ trong nghề dạy học.

 

Một là, nghĩ một đàng, nói một nẻo; phạm vào lỗi dối trá. Hai là, không nhiệt tình với công việc, giảng dạy như con vẹt, chỉ máy móc nhắc lại giáo trình do người khác soạn mà không làm được việc quan trọng của người thầy là tạo cảm hứng cho người học. Lại nữa, vừa dạy vừa lo sợ, lỡ ra có khi nào đó, không giữ được mồm mà nói ra cái gì đó không có trong bài mẫu.

 

Anh nghe mà không có ý kiến gì, chỉ hỏi, rằng trong lúc viết phản biện CNML, tôi có tìm hiểu xem vài học giả của tư bản có ý khen Mác hay không. Khen rằng, nhờ Mác vạch ra các bất cập của nền kinh tế tư bản mà nhiều nước Âu – Mỹ đã sửa chữa được những khuyết điểm nguy hiểm và có được những phát triển ngoạn mục. Anh kể ra tên vài người mà tôi biết chưa được rõ.

 

Tôi trả lời, tôi không lạ gì ý của anh vừa nói vì đã nghe nhiều lần từ vài người. Tôi cho rằng họ là những người bao che, bảo vệ cho Mác. Về các học giả tư bản mà anh kể tên, tôi cũng đã có lần nghe qua, nhưng không nghiên cứu về họ. Tôi có đọc kỹ sách của Zbigniew Brzezinski, cố vấn vài đời tổng thống Mỹ, viết về Mác và phong trào cộng sản. Tôi định nói cho anh biết những suy nghĩ của mình về điều anh định bao che cho Mác, nhưng anh nói, vội đí chúc tết vài nơi, hẹn tôi vào dịp khác. Sau đó vài hôm tôi gọi điện thoại định gặp anh chuyện trò, nhưng anh đã quay về TP HCM.

 

Tôi viết bài này, vạch ra sự ngụy biện trong việc bao che cho Mác khi dẫn ra việc, nhờ Mác mà các nước Âu – Mỹ có được sự phát triển. Tôi viết cho anh và những người quan tâm đến Mác tham khảo và đặc biệt, may ra những người bao che cho Mác có thức tĩnh được chút nào.

 

Những người được tuyên truyền một chiều về Mác ngộ nhận rằng, ông ta là thiên tài, là bậc thầy của cách mạng vô sản, nên khi nghe người khác vạch ra các sai lầm không thể chối cãi của Mác, thì họ xót xa cho một thần tượng ảo, họ thương ông và tìm cách bao che. Họ như đang chới với giữa dòng nước sâu và chảy xiết, bỗng vớ được một vật, tưởng là phao cứu sinh nên bám chặt lấy, không ngờ đó chỉ là một cọng rơm.

 

Thế không phải nhờ Mác thì nhờ ai đã vạch ra những bất cập, những xấu xa của chế độ tư bản để họ biết mà sửa chữa, mà cải cách, mà phát triển? Đúng là Mác đã vạch ra những xấu xa, độc ác của tư bản trong giai đoạn đầu của việc tích lũy của cải (tư bản hoang dã). Nhưng vạch ra để lên án, để đánh đổ, để đưa công nhân đào huyệt chôn vùi nó, rồi lập ra chính quyền chuyên chính vô sản và công hữu hóa mọi tư liệu sản xuất, chứ không phải để cho tư bản biết được mà sửa chữa, mà làm cải cách.

 

Người phản biện vạch ra cho anh thấy sai lầm, đó là một việc. Còn tiếp thu như thế nào, sửa chữa như thế nào lại là việc của anh và việc này phụ thuộc vào phẩm chất của anh. Nếu đánh giá đủ những điều giúp anh tiến bộ 100% thì sự đóng góp của người phản biện có thiện chí (muốn giúp cho anh tiến bộ) cũng chỉ chiếm một phần rất ít (khoảng vài phần trăm). Còn với sự thù địch như Mác, đấu tranh để tiêu diệt thì càng ít hơn.

 

Cứ xem chế độ phát xít và chế độ cộng sản thì rõ. Đã có biết bao người vạch ra những bất cập của vô sản chuyên chính ở Việt Nam mà chính quyền có chịu nghe, chịu sửa đâu, lại còn bắt bớ, tù đày, trục xuất những người bất đồng chính kiến, để rồi cộng sản càng ngày càng lún sâu vào vũng bùn chuyên chế.

 

Khi Mác phê phán tư bản, ông chỉ nhìn thấy mặt tối của nó mà vì một lý do nào đó đã bỏ qua mặt sáng. Ông đã phạm sai lầm. Chính cái mặt sáng của tư bản là động lực rất lớn, đã giúp họ tiếp thu sự chỉ trích của Mác, giúp họ tìm ra phương hướng phát triển.

 

Những người bao che cho Mác đã dùng lối ngụy biện đánh tráo, đưa phụ thành chính. Họ làm thế để tự lừa dối mình, để bao che cho Mác trước sự tấn công trực diện của những người phản biện.

 

Trong những bài viết trước đây (như bài “Chất đất sét của đá tảng Macxit”), tôi chứng minh rằng Mác đã phạm sai lầm về triết học, về sự hiểu biết con người, về phương pháp nghiên cứu, về việc sử dụng luận cứ trong chứng minh, về việc Mác không phải phát hiện ra quy luật mà bịa ra nó, đặc biệt là nhận đinh “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của lịch sử”. Mơ ước của Mác “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại để đào huyệt chôn tư bản” đã trở thành lố bịch, hy vong xây dựng một chế độ mà mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là quá hão huyền.

 

Viết bài này tôi còn phát hiện ra sai lầm của Mác khi đánh giá không đúng về “Giai cấp và chính quyền tư bản”. Báo chí Việt Nam cho rằng, Mác là một trong những bậc “vĩ nhân” kiệt xuất. Chúng ta nên tìm cách loại bỏ quan điểm sai trái này.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats