Friday, 22 March 2024

THƯỢNG ĐỈNH LIÊN ÂU BÀN CÁCH GIÚP UKRAINE TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHỐNG NGA (Thu Hằng / RFI)

 



Thượng đỉnh Liên Âu bàn cách giúp Ukraina tăng cường năng lực chống Nga

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 21/03/2024 - 12:51

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240321-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-li%C3%AAn-%C3%A2u-b%C3%A0n-c%C3%A1ch-gi%C3%BAp-ukraina-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%C4%83ng-l%E1%BB%B1c-ch%E1%BB%91ng-nga  

 

Trong hai ngày 21 và 22/03/2024, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles, Bỉ, để bàn cách hỗ trợ Ukraina tốt hơn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, cũng như đối phó với mối đe dọa Nga ngày càng nguy hiểm. Trong khi viện trợ của phương Tây cho Kiev đang sụt giảm, nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại khả năng Ukraina thất trận và Nga sẽ không dừng ở đó.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9d4262d2-c0aa-11ec-95ef-005056a90284/w:980/p:16x9/AP460014458250.webp

Ảnh tư liệu: Quân đội Ukraina nhận các loại vũ khí mới tại căn cứ gần Zhitomyr, Ukraina, ngày 05/01/2015. AP - Efrem Lukatsky

 

Theo AFP, ngày họp thứ nhất bàn về kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị phong tỏa sau khi Matxcơva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina ngày 24/02/2022. Bruxelles không « động » đến khối tài sản hơn 210 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương Nga bị giữ tại châu Âu, nhưng dự định sử dụng khoản tiền lãi hàng năm từ 3-4 tỉ euro.

 

Theo đặc phái viên RFI tại Bruxelles, 3% khoản tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí hoạt động liên quan, 10% sẽ dành để đề phòng khả năng sau này Nga kiện. Trong trường hợp 27 nước nhất trí, gần 90% còn lại sẽ được dành mua vũ khí cho Ukraina. Chính quyền Kiev sẽ được nhận thành hai đợt, đợt thứ nhất được dự kiến ngay tháng 7 tới.

 

Chủ đề thứ hai liên quan đến việc Liên Hiệp Châu Âu chưa có ngành công nghiệp quốc phòng, sau hơn 60 năm thành lập. Các nhà lãnh đạo thảo luận về chiến lược mới mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, các nước vẫn bất đồng về cách huy động nguồn tài chính : Pháp và một số nước như Estonia ủng hộ việc châu Âu đứng ra vay chung, như đã từng làm vào thời đại dịch Covid-19, nhưng nhiều nước khác như Đức phản đối kế hoạch này. Cho nên, theo AFP, các nhà lãnh đạo sẽ chỉ xem xét « mọi phương án» về tài chính để lập báo cáo vào tháng 6.

 

Tình hình hiện trở nên cấp bách với Liên Hiệp Châu Âu, vì theo cảnh báo của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, khối 27 nước đang « phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất cho an ninh kể từ Thế Chiến II ». Trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo, ông Charles Michel nhấn mạnh « đã đến lúc chúng ta phải đưa ra những biện pháp triệt để và cụ thể để sẵn sàng về mặt quốc phòng ».

 

Để tự chủ về năng lượng, tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, các nhà lãnh đạo Liên Âu kêu gọi tái thúc đẩy ngành công nghiệp hạt nhân, cụ thể là xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân và triển khai các lò phản ứng tiên tiến, theo dự thảo bản thông cáo mà Reuters tham khảo được. Cuối cùng, thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận một số chủ đề khác, như quyết định mở đàm phán kết nạp Bosnia, hay tình hình tại Gaza.

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats