Saturday, 9 March 2024

THI HÀNH LUẬT NHƯ THẾ NÀO ĐÂY? (Ngô Huy Cương)

 



THI HÀNH LUẬT NHƯ THẾ NÀO ĐÂY?

Ngô Huy Cương  

7-3-2024  lúc 18:21  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2093840614318609&id=100010780718014

 

Phải thi hành các Bộ luật và Luật như thế nào khi chúng quá mâu thuẫn?

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật (trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV), và chỉ đạo bảo đảm các văn bản dưới luật phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết đã được thông qua (VOV.VN ngày 07/03/2024 đưa tin).

 

Vậy phải thi hành các Bộ luật và Luật như thế nào khi chúng quá mâu thuẫn?

 

Bộ luật Dân sự 2015 quá tệ khi quy định về cả pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại như sau:

 

“1. Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.

 

2. Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi”.

 

Quy định này bộc lộ rành rành một cái sai lớn và nghiêm trọng là xem chuyển đổi hình thức của pháp nhân là một trường hợp chấm dứt pháp nhân và thành lập pháp nhân mới. Cụ thể: pháp nhân có hình thức A (pháp nhân được chuyển đổi) bị chấm dứt khi chuyển đổi thành pháp nhân có hình thức B; và pháp nhân có hình thức B (pháp nhân chuyển đổi) được thành lập mới. 

 

Trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi năm 2022) quy định chuyên về pháp nhân thương mại ngược hẳn lại. 

 

Chưa cần xét về mặt lý luận pháp luật, có thể thấy ngay Luật Doanh nghiệp 2022 quy định: công ty (tức pháp nhân thương mại theo cách gọi của Bộ luật Dân sự 2015) chỉ “phải đăng ký chuyển đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi” (Điều 202, khoản 3). Đây không phải là đăng ký thành lập mới công ty (pháp nhân thương mại).

 

Điều 203, Luật Doanh nghiệp 2022 quy định tại khoản 1 như sau:

 

“Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

 

a) Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;

b) Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

c) Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông”.

 

Các quy định này và các quy định tại Điều 202 và Điều 204 của Luật Doanh nghiệp 2022 đều cho thấy cái gọi là “công ty được chuyển đổi” hay cái gọi là “công ty chuyển đổi” chỉ là một và không có sự chấm dứt hay thành lập mới nào cả. 

 

Cứ nghĩ mà xem: Không lẽ cậu Phình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam trốn nghĩa vụ quân sự (mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó), chạy sang Thái Lan chuyển giới thành cô Phệt thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nữa vì cậu Phình đã chấm dứt? Và cô Phệt phải làm thủ tục để thừa kế tài sản của cậu Phình? Đặc biệt khi viết lý lịch, Phệt khai nơi sinh là Thái Lan (nơi chuyển giới)?

 

Pháp nhân là một con người tinh thần mà chỉ có thể được nhận biết thông qua một hình thức kết cấu vật chất nhất định, ví dụ như hình thức công ty mà ở đó có mối liên hệ vật chất nhất định, bao gồm mối liên hệ về tài sản giữa thành viên công ty với công ty, giữa các thành viên công ty với nhau, giữa công ty với người thứ ba… Vậy tư cách pháp nhân là một “linh hồn” được cấp cho một tổ chức, một lợi ích nào đấy. Chuyển đổi hình thức công ty (hay pháp nhân) tức là thay đổi kết cấu vật chất mà “linh hồn” ấy bộc lộ ra chứ không phải là chấm dứt “linh hồn” ấy. Vì vậy ta mới cổ phần hóa thành công các doanh nghiệp nhà nác một cách ngon lành, phải không ạ?

 

Một pháp nhân chỉ bị chấm dứt khi không còn sản nghiệp. Vì vậy ngay Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 93, khoản 2; Điều 96, khoản 3) và Luật Doanh nghiệp 2022 (Điều 207, khoản 2) đều chép ở đâu đó quy định trước khi chấm dứt phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ? 

Ít ra ai đó phải hiểu quy định này gắn với các quy định nào đó ở bên trên như một thể thống nhất chứ có phải không ạ?

 

Các đạo luật, thậm chí các quy định trong cùng một đạo luật cứ đá nhau đôm đốp như vậy thì thi hành như thế nào đây (!?) 

 

Khổ hơn là mấy ông, bà viết giáo trình luật dân sự ở các cơ sở đào tạo luật thì cứ Bộ luật Dân sự mà chép ra và cộng thêm vài lời tán liên quan hoặc ai đó chú ý hơn thì tỏ ra có tí nghi ngờ nhưng không dám quả quyết; Trong khi đó mấy ông, bà viết giáo trình luật thương mại thì lại tán từ Luật Doanh nghiệp ra ngược lại hẳn. 

 

Cuối cùng là học trò bị xung đột mà chẳng biết đâu là đúng, chẳng biết đâu là sai, rồi đến khi lớn lên, to lên lại đi dạy người khác, lại phán xét người khác, lại đi tư vấn cho người khác, lại đi cãi cho người khác hoặc lại đi làm luật?

 

Vì vậy tôi dự định viết status sau để nói về những cái mâu thuẫn nội tại của Luật Doanh nghiệp 2022.

 

Hôm nay tôi xin dừng tại đây để:

 

Chúc mừng phụ nữ nhân ngày 8/3!

 

.

 7 BÌNH LUẬN   

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats