Saturday, 23 March 2024

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024 : PARIS MUỐN "THANH LỌC XÃ HỘI", "CHE GIẤU NHỮNG KHỐN KHỔ" (Chi Phương / RFI)

 



Thế Vận Hội Paris 2024 : Paris muốn "thanh lọc xã hội", "che giấu những khốn khổ"

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 22/03/2024 - 14:48

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240322-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-paris-2024-paris-mu%E1%BB%91n-thanh-l%E1%BB%8Dc-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-che-gi%E1%BA%A5u-nh%E1%BB%AFng-kh%E1%BB%91n-kh%E1%BB%95

 

Những vấn đề xoay quanh kỳ Thế Vận Hội 2024, do Pháp đăng cai, diễn ra vào mùa hè này được nhiều báo Pháp số ra hôm nay, 22/03/2024 quan tâm, từ những cuộc đấu khẩu giữa Nga và Ủy ban Olympic Quốc tế, cho đến cách mà Paris "dọn sạch" thành phố để đón khách, bị lên án là "thanh lọc xã hôi".

 

https://s.rfi.fr/media/display/52c7c072-12c8-11ea-9fa2-005056a99247/w:980/p:16x9/sans_abri_don_quichotte_432.webp

Những người vô gia cư dựng lều gần Nhà thờ Đức Bà ở Paris. AFP/Joel Saget

 

Le Monde chạy tựa « Chiến tranh lạnh giữa Matxcơva và Uỷ ban Olympic Quốc tế - CIO ». Trong tuần vừa qua, 19/03, CIO đã thông báo không cho phép các vận động viên Nga và Belarus có mặt trong buổi diễu hành khai mạc sự kiện. 

 

Nếu CIO coi sự tham gia của các vận động viên Nga là « tuyên truyền chính trị », « phá hủy hình tượng của Olympic », thì Nga, ngay lập tức đã đáp trả, coi quyết định của CIO này là « chính trị hóa thể thao », « phân biệt đối xử », « chuyển từ phân biệt chủng tộc sang chủ nghĩa tân phát xít ». Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, mà hai bên đã có nhiều màn đấu khẩu gay gắt từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra.

 

Le Figaro cho biết vào kỳ Thế Vận Hội Paris 2024, cho đến nay chỉ có 12 vận động viên Nga và 7 vận động viên Belarus đủ điều kiện tham gia thi đấu, trong số gần 6000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, họ không được phép mang cờ Nga hay Belarus, và phải thông qua một bài kiểm tra lập trường, liệu phản đối hay ủng hộ Nga xâm lược Ukraina. Nhật báo cánh hữu cũng cho biết, để theo đuổi sự nghiệp thể thao, nhiều vận động viên Nga hay Belarus đã lựa chọn lưu vong, hoặc đổi quốc tịch sang nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, hay Serbia để được tham gia vào các sàn đấu quốc tế.  

 

 

Cuộc thanh lọc xã hội

 

Libération thì dành hồ sơ lớn nói về Thế Vận Hội Paris 2024, nhưng quan tâm đến cách mà Paris “che giấu những sự khốn khổ” của thành phố để tiếp đón hàng triệu du khách nhân dịp này. Từ năm ngoái, Paris đã thực hiện nhiều cuộc di dời những người vô gia cư, không giấy tờ, hoặc các nơi lưu trú của những di dân, các ổ mại dâm, hay những người sống ngoài lề xã hội, ra xa khỏi thủ đô. Nhiều người bị đưa đến các nơi cư trú tạm thời cách xa Paris, nhưng không rõ sau đó sẽ ra sao. Các tổ chức phi chính phủ lên án hành động này chẳng khác nào cuộc « dọn dẹp xã hội », để thành phố có vẻ « tiệt trùng » trước Thế Vận Hội.

 

Xã luận nhật báo cánh tả cho rằng đây chính là những mặt tối của những tấm huy chương lấp lánh. Các thành phố đồng tổ chức sự kiện đều có xu hướng xây dựng các tòa nhà mới, phủ xanh, làm sạch các khu phố đường xá,…, và xua đuổi, xóa bỏ những hình ảnh bẩn thỉu, che giấu sự khổ đau, để không làm hỏng bữa tiệc thể thao. Thế nhưng, theo cây bút xã luận, nghịch lý là Paris đã đưa ra lời hứa về một Thế Vận Hội mở cửa cho tất cả mọi người nhưng lại đóng cửa với một số thành phần không may mắn.  

 

Các giải pháp di dời những người tị nạn, kém may mắn đó chỉ là tạm thời đến mức mà các hiệp hội phi chính phủ không ngần ngại lên án một cuộc « thanh lọc xã hội », coi đó như là một vết nhơ của Thế Vận Hội, vốn là sự kiện thể thao muốn thể hiện những giá trị đạo đức, sự tôn trọng và tình hữu nghị, và những giới hạn bị phá bỏ.

 

 

Nga : Putin thắng nhờ gian lận bầu cử

 

Về thời sự nước Nga, cuộc bầu cử tổng thống Nga kết thúc vào cuối tuần vừa qua, với chiến thắng không có gì bất ngờ thuộc về Vladimir Putin. Báo Le Monde số ra hôm nay có tựa « Tại Nga : Hé lộ quy mô gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống ». Các báo độc lập của Nga ước tính « khoảng 22 đến 36 triệu lá phiếu đã bị đánh cắp, trong tổng số 76 triệu cử tri ». Tại những phòng bỏ phiếu có các giám sát viên độc lập, tỷ lệ bầu cho Putin rơi vào khoảng 60 %, nhưng vắng bóng họ, tỷ lệ này là 99, 100 %. Có những khu vực như Saratov, Kemerovo, Tatarstan, Mordovie… được coi là những kho phiếu của điện Kremlin vì có thể dễ dàng gian lận mà không hề hấn gì.

 

Thông tín viên của Le Monde nêu ra những chiêu trò gian lận trong cuộc bầu cử này, chẳng hạn như sửa tên ứng viên được bầu : lấy 100 lá phiếu bầu cho Vladislav Davankov, tính thành lá phiếu cho Putin; hoặc nếu không bầu cho Putin thì lá phiếu đó có thể không hợp lệ … Tại một phòng bỏ phiếu ở Matxcơva tỷ lệ phiếu bầu cho Putin là khoảng 57 % lúc mở phiếu nhưng đã lên đến 87 % lúc công bố kết quả. Ngay cả tỷ lệ tham gia bầu cử cũng có thể bị khai man. Chưa kể đến các lá phiếu gửi bằng đường bưu điện hoặc trực tuyến, mà nội dung bầu cho ai « là một ẩn số ». Mục đích cuối cùng của những hành vi gian lận này là làm sao để các lá phiếu bầu cho Putin hoàn toàn áp đảo các ứng viên khác. Tại Nijni Taguil, một ngày sau cuộc bỏ phiếu, thị trưởng của thành phố 350 000 ngàn dân, đã công khai bày tỏ ý định sa thải tất cả các nhân viên đã không đi bỏ phiếu nhưng không nêu rõ làm sao xác định được những người này.

 

Theo Le Monde, để ngăn chặn, hoặc giảm thiểu các hành vi gian lận thì cần phải có nhiều giám sát viên, vốn làm tình nguyện, đủ can đảm để cầm điện thoại ghi hình tại gian lận, dù luật Nga cho phép. Từ sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 17/03, nhiều chuyên gia muốn ước tích mức độ gian lậu, qua việc sử dụng phương pháp « Chpilkine », tức là xác định các phòng bỏ phiếu có kết quả bất thường, không giải thích được, và hầu hết các lá phiếu đều bầu cho Putin.  

 

 

Mỹ quay lưng với Israel về vấn đề ở Gaza ?

 

Về chiến sự ở Gaza, La Croix và Le Figaro đều quan tâm đến lập trường của Hoa Kỳ trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas từ ngày 07/10 năm ngoái. Hôm 20/03, Hoa Kỳ đã đệ trình một dự thảo về nghị quyết ngừng bắn « ngay lập tức và lâu dài » ở Gaza, « quay lưng lại với đồng minh Israel », như nhận định của La Croix. Trong khi trước đó, chính Hoa Kỳ đã 3 lần phủ quyết các nghị quyết tương tự ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. 

 

Nhật báo Công Giáo La Croix chỉ ra rằng  Washington đã không che giấu những bất bình với Nhà nước Do Thái sau các vụ « tắm máu » trong các buổi phân phát thực phẩm cứu trợ, về nạn đói đang hoành hành tại dải đất này cũng như các cáo buộc từ các tổ chức phi chính phủ lên án chính quyền Biden tạo « vỏ bọc ngoại giao cho những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Gaza ». Không chỉ riêng Hoa Kỳ gây sức ép mà Pháp cũng đang xem xét các dự thảo nghị quyết ngừng bắn tại Gaza. Canada cũng thông báo ngừng gửi vũ khí cho Israel. Phiên họp của Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles vào ngày 21-22/03 cũng thảo luận về một văn bản kêu gọi lệnh ngừng bắn lâu dài.

 

Theo Libération, Hoa Kỳ có thể đề xuất bỏ phiếu cho nghị quyết vào cuối tuần này. Về mặt lý thuyết, các nghị quyết của Hội đồng Bảo An mang tính chất bắt buộc, áp dụng đối với tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng nhật báo cánh tả cho rằng không ai ở New York, Tel Aviv hay Gaza quá trông mong vào những nghị quyết này, liệu có thể tạo ra tác động nhanh chóng trên chiến trường hay không. Libération nhận định rằng chỉ có thể hy vọng vào các cuộc đàm phán ngoại giao được thực hiện tại khu vực trong nhiều tuần qua để có được lệnh ngừng bắn ở Gaza, trao trả các con tin hay việc vận chuyển hàng viện trợ cứu giúp những người dân Gaza cận kề nạn đói.

 

 

Pháp giảm phát thải carbon nhờ điện hạt nhân

 

Về thời sự nước Pháp, trang nhất Le Figaro chạy tựa lớn « Phát thải khí CO2 : Pháp đạt chỉ số xanh nhờ năng lượng hạt nhân ». Một báo cáo được công bố trong tuần vừa qua chỉ ra rằng vào năm 2023, lượng khí thải CO2 của Pháp giảm 4,8 %, tương đương với 19 tấn CO2, so với năm 2022.Theo nhật báo cánh hữu, Pháp có thể đạt được điều này là nhờ vào việc sử dụng lại nguồn điện ít phát thải carbon, do nhiều nhà máy hạt nhân đã hoạt động trở lại. Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng, mà lượng carbon thải ra môi trường cũng đã giảm thiểu trong một số hoạt động công nghiệp, giao thông…

 

Xã luận Le Figaro coi đây là một lý do để lạc quan. Kết quả này có thể đạt được không phải chỉ vì các hoạt động kinh tế bị chậm lại trong năm qua, mà còn là nhờ vào các cải cách có lợi cho môi trường từ nhiều năm qua. Không chỉ riêng Pháp mà các nước châu Âu như Đức và Anh cũng đã ghi nhận giảm phát thải carbon. Tờ báo kết luận : « điều này chỉ ra rằng hoàn toàn có thể kết hợp giữa phát triển kinh tế và chống lại biến đổi khí hậu. Hy vọng rằng đây sẽ là một tấm gương mà Trung Quốc, nhà phát khải khí CO2 lớn nhất thế giới, có thể noi theo ». 

 

 

Thắt chặt kiểm soát Hồng Kông, chiến thắng của Tập Cận Bình 

 

Nhìn sang châu Á, xã luận Le Monde đề cập đến tình hình ở Hồng Kông, với luật an ninh quốc gia mới vừa được thông qua hôm 19/03 vừa qua. Tờ báo cho rằng đây là một « chiến thắng » của Tập Cận Bình khi đã thành công kiểm soát hòn đảo từng là thuộc địa của Anh. Bộ luật mới này bổ sung cho luật an ninh được đưa ra vào năm 2020 với những quy định về hình sự nặng nhất kể từ năm 1997. Cụ thể, án chung thân được đưa ra đối với các tội như phản quốc, nổi loạn, hành động phá hoại gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, ăn cắp bí mật quốc gia, gián điệp, can thiệp từ nước ngoài. 

 

Theo Le Monde, hiện Hồng Kông có cả một kho vũ khí đầy ắp những cách thức đàn áp, tương tự như ở Trung Quốc. Các nhà đối lập không có nhiều lựa chọn, một là lưu vong, hai là bị bỏ tù. Văn bản được thông qua một cách nhanh chóng cho thấy mức độ ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh. Giờ đây, Hồng Kông đúng là đã trở thành « một thành phố của Trung Quốc » và điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các quyền tự do và nhân quyền. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải dè chừng và phải có những chính sách đề phòng rủi ro, như là đã áp dụng với Trung Quốc.

 

Vẫn về châu Á, về phần mình, Les Echos quan tâm đến một báo cáo của World Inequality Lab, chỉ ra rằng tại Ấn Độ 1 % những người giàu nhất nắm giữ 40 % tài sản của đất nước. Đây là một tỷ lệ kỷ lục, cao nhất từ năm 1964. Một nhà phân tích so sánh các chính sách điều hành nền kinh tế của Ấn Độ với « chủ nghĩa tư bản thân hữu ». Trong hai nhiệm kỳ của thủ tướng Narendra Modi, nhiều tập đoàn lớn đã nhanh chóng phát triển. Các tập đoàn này đã kinh doanh độc quyền trong nhiều lĩnh vực, bằng cách tận dụng những ưu đãi của chính phủ. Chẳng hạn như trường hợp của tập đoàn Gautam Adani, do tỷ phú Mukesh Ambani là chủ sở hữu, ông cũng được coi là người giàu nhất châu Á.






No comments:

Post a Comment

View My Stats