Ngô Nhân Dụng
13/03/2024
https://www.voatiengviet.com/a/tap-thuy-hoang-de/7526094.html
Lý
Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo
sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết
mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm
công việc gì.
https://gdb.voanews.com/7253bb00-940f-409d-8513-37b04245f3e8_w1023_r1_s.jpg
Hiện
nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan
trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông.
Tần
Thủy Hoàng đi thăm cung Lương Sơn, nhìn thấy xe ngựa, cờ quạt dưới chân núi; hỏi
tả hữu ai đi mà đông vậy. Chúng thưa đó là Thừa tướng Lý Tư. Ngày hôm sau, Lý
Tư vẫn đi qua núi nhưng không thấy ngựa xe tấp nập nữa. Thủy Hoàng nổi giận hỏi
ai đã kể chuyện với Lý Tư; chúng đều chối. Bèn giết hết những kẻ có mặt ngày
hôm trước; và từ đó cấm không cho ai biết hoàng đế đang ở chỗ nào; Tư Mã Thiên
kể trong Sử Ký. Hai ngàn năm sau, đời nhà Thanh, ông vua cùng tam
cung lục viện sống trong Cấm Thành.
Giới
lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc cũng sống riêng biệt trong khu Trung Nam Hải, một
thứ cấm thành mới. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình còn tạo nên một “Cấm Thành Ảo”
không cho ai biết bên trong cấm thành đó ông quyết định vận mạng hơn một tỷ người
Trung Hoa như thế nào.
Tập
Cận Bình trị dân Trung Quốc không khác các vị hoàng đế. Một mình ông quyết định,
không chấp nhận một lời phê bình, chỉ trích, và sẽ tiếp tục lãnh đạo đến hết đời.
Ông Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, kiêm Tổng bí thư còn mạnh hơn các vị hoàng đế
đời xưa, họ vẫn còn hội họp và tham khảo ý kiến với triều đình. Ông Tổng bí thư
đời nay chỉ cần hô các khẩu hiệu thật lớn lao và mơ hồ, không cần cho ai biết
các chuyện quốc gia đại sự đã được mình tính toán ra sao và có bàn với ai
không.
Ngoại
trưởng Tần Cương (Qin Gang) bị cất chức hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có ai thay; ủy
viên Trung ương Đảng Vương Nghị phải kiêm nhiệm. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng
Phúc (Li Shangfu) và nhiều tướng lãnh cầm đầu lực lượng hỏa tiễn và bom nguyên
tử bị cách chức. Lệnh ban ra chỉ nói mơ hồ những người này phạm tội tham nhũng
nhưng không đưa bằng cớ và cũng không biết bao giờ sẽ đem xử trước tòa. Bình
không thấy có trách nhiệm phải giải thích. Cương và Phúc chỉ mới bị công khai
tước mất vai trò đại biểu quốc hội, mấy tuần trước khi cơ quan lập pháp họp thường
niên.
Trước
đây, sau mỗi phiên họp quốc hội, ông thủ tướng đều mở một cuộc họp báo để công
bố các chính sách, trả lời các câu hỏi của nhà báo trong nước và quốc tế. Từ
năm 1993, các cuộc họp báo được truyền hình cho cả nước coi. Đó là một thông lệ,
tạo cơ hội cho dân chúng thấy có một “Nhà nước” làm công việc cai trị, bên cạnh
“Đảng” lãnh đạo. Vị thủ tướng đóng vai trò một chuyên gia, thường đưa ra các chỉ
tiêu kinh tế sẽ phải đạt được trong thời gian tới, các biện pháp nâng cao sản
xuất, lôi kéo giới đầu tư, vân vân.
Năm
nay, Thủ tướng Lý Cường bất ngờ cho biết sẽ không tổ chức họp báo; còn nói trước
rằng sang năm, sang năm nữa cũng sẽ không. Nhiều nhà báo đang muốn đặt câu hỏi
vì trong bản báo cáo ông thủ tướng không nêu ra những chính sách và biện pháp cụ
thể để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Giới truyền thông sẽ phải chờ đến năm
2027 mới hy vọng được hỏi.
Lý
Cường chắc chắn không thể tự mình quyết định bãi bỏ các cuộc họp báo đã có từ
30 năm. Đây phải là lệnh do Tập Cận Bình ban ra. Bãi bỏ cuộc họp báo thường lệ
trong ba năm liền chứng tỏ Tập Cận Bình cũng không cần cho dân nhìn thấy có một
nhà nước, do một ông thủ tướng đứng đầu.
Chính
Tập Cận Bình cũng không thấy cần phải giải thích cho dân chúng về các quyết định
của Đảng, của Nhà nước, tức là của chính mình. Công việc quan trọng nhất của
các nhà lãnh đạo cộng sản là hô khẩu hiệu. Mỗi lần Mao Trạch Đông tung ra một
khẩu hiệu mới là nước Trung Hoa sắp đảo lộn từ trên xuống dưới: Đánh Phái Hữu!
Bước nhảy vọt! Tấn công Bộ tư lệnh! Cách mạng Văn Hóa! Vân vân.
Một
khẩu hiệu vừa được Bắc Kinh đưa ra là “Lực lượng Sản xuất mới!” Đó là một từ ngữ
trong lý thuyết kinh tế của Karl Marx, được mở tủ lạnh lấy ra đem hâm lại. Thời
Karl Marx ông muốn nói đến các máy móc và giới lao động dùng máy móc. Bây giờ,
Tập Cận Bình ám chỉ sức mạnh kinh tế của các máy vi tính, hệ thống internet, và
đặc biệt mới nhất là Trí khôn Nhân tạo, gọi tắt là AI, tất cả đang thay đổi cuộc
sống kinh tế, thúc đẩy tiến bộ khắp thế giới.
Dân
chúng Trung Quốc đang cần được nghe hô khẩu hiệu mới để chữa trị bịnh ù lì, bởi
vì trong thực tế họ chỉ lo dành dụm, không chịu tiêu tiền, khiến đà phát triển
ngày càng chậm lại. Nhà báo kinh tế Gordon G. Chang mới viết trên báo Newsweek:
Tỷ lệ tăng trưởng không lên tới 5.2 phần trăm như nhà nước nói. Thực tế, chỉ
tăng 1.5%, theo nhóm Rhodium Group ước tính. Các triệu chứng cho thấy kinh tế
đang đi xuống là: giá nhà cửa sa sút, các công ty địa ốc phá sản, tiền vốn rút
ra nước ngoài, giảm phát, giá cả xuống vì dân bớt tiêu thụ. Và, từ năm 2021 dân
số đang giảm dần.
Trong
ba chục năm qua, Cộng sản Trung Quốc chú trọng đến đầu tư, không quan tâm đến sức
dân tiêu thụ - so với hơn hai phần ba kinh tế Mỹ dựa vào người tiêu thụ. Nhưng
các cuộc đầu tư ở Trung Quốc không đạt hiệu năng, bằng chứng rõ ràng nhất là
ngành địa ốc. Một nửa số tiền đầu tư đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, như nước
đổ xuống biển.
Căn
bịnh kinh tế khó chữa nhất là chính sách “cải cách nửa vời.” Đặng Tiểu Bình đã
mở cho tư doanh hoạt động, nhưng không dám mở hết các cửa. Tập Cận Bình còn đổi
chiều, đóng bớt nhiều cánh cửa. Tập không tin tư doanh, nhất là các ngành kỹ
thuật cao như tin học, nên tìm cách kiềm chế từ mấy năm qua. Cả những ngành hoạt
động “ngây thơ vô tội” như y tế, giáo dục cũng bị kiểm soát chặt trẽ hơn; muốn
loan tin bệnh dịch tái phát phải chờ lệnh trung ương, các lớp học tư trên mạng
bị ngăn cấm.
Tư
doanh chính là “Lực lượng Sản xuất mới” trong kinh tế Trung Quốc. Muốn các lực
lượng sản xuất mới này được triển khai, cần phải cải tổ từ cơ cấu. Nói vậy nghe
có vẻ trừu tượng. Nhưng trong thực tế đó là các điều cần thể hiện: Tư doanh hay
quốc doanh được đối sử công bằng, tất cả tuân theo cùng một hệ thống luật pháp.
Các chính sách của nhà nước, phương pháp điều hành các xí nghiệp, hệ thống kế
toán và kiểm tra tài chánh, phải rõ ràng và minh bạch, công khai. Đó là những định
chế giúp kinh tế các nước tư bản phát triển. Thiếu một trong những cột trụ này
thì kinh tế khó đi lên.
Những
người hoạt động kinh tế trong nước Trung Hoa, trong chính quyền cũng như ngoài
dân chúng, đều biết những điều kiện trên có thể giúp tháo gỡ cho tình trạng trì
trệ. Nhưng tại sao họ không thay đổi? Bởi vì thay đổi thì đảng Cộng sản sẽ mất
độc quyền thống trị; không còn “chuyên chính vô sản” nữa. Tập Cận Bình chuyên
chế hơn tất cả các đời Tổng bí thư trước.
Hiện
nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan
trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân
và Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ được suy tôn, sùng bái như vậy. Đời xưa, Tần Thủy
Hoàng mang tiếng “đốt sách, chôn học trò” nhưng trong thực tế chỉ có một vụ đốt
sách theo lệnh của Thương Ưởng. Tập Cận Bình còn mạnh tay hơn. Bức tường lửa kiểm
duyệt tất cả các nguồn thông tin, coi như mỗi giờ đốt sạch hàng triệu chữ viết
trên mạng.
Lý
Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo
sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết
mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm
công việc gì. Lý Cường chắc chắn không bao giờ phạm sai lầm như Lý Tư, người tiền
nhiệm hai ngàn năm trước.
-----------------------------------------
06/03/2024
https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-tu-troi-tay/7515937.html
Ông
Tập Cận Bình đang hối thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để kích thích kinh tế
và tránh nạn giảm phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả ngược lại. Đúng
là tự mình trói tay mình!
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-4af5-08dc2f46801a_w1023_r1_s.jpg
Một
công trình lớn đang được xây dựng ở ngoại ô Bắc Kinh. Hình minh hoạ.
Trung
Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng địa ốc: Xây cất nhiều quá, bán không được;
hàng triệu ngôi nhà hay cao ốc bỏ trống. Nhiều người mua các căn hộ đang xây đã
ngừng không trả góp nữa. Nhà xây cất hết tiền, các món nợ tồn đọng từ nhiều năm
trước không trả được. Từ năm 2021, hàng trăm công ty xây dựng đã giảm bớt công
việc; cuối năm 2023 công ty xây dựng lớn nhất, Hằng Đại, đã phá sản; công ty
Bích Nhai đang theo gót.
Hậu
quả là cả nền kinh tế gặp khó khăn vì giá nhà cửa xuống khiến nhiều người cảm
thấy mình nghèo hơn; họ giảm bớt tiêu thụ, các nhà sản xuất cắt giảm giá hàng
hóa. Gần 80% dân Trung Hoa lục địa làm chủ căn hộ hay nhà mình ở; Mỹ chỉ có
66%. Trung Quốc hiện là nước duy nhất bị “giảm phát” trong số các nền kinh tế lớn.
Vì
vậy, không ai ngạc nhiên khi biết ông Tập Cận Bình đang lo cứu ngành địa ốc. Tạp
chí Forbes ngày 1 tháng Ba, 2024 cho biết kế hoạch của đảng Cộng
sản Trung Quốc mới bị tiết lộ, với các phương thuốc rất mạnh mang tên gọi màu
mè là “mô hình mới.”
Mô
hình “cũ” của Trung Cộng là khuyến khích tư nhân xây dựng nhà cửa bằng cách trợ
cấp nhưng không thả cho thị trường quyết định như ở các nước tư bản. Bắt đầu từ
việc cung cấp đất xây nhà. Đất đai thuộc quyền “nhà nước quản lý” cho nên từ 30
năm trước chính quyền các địa phương gây quỹ, thu các món tiền lớn bằng cách
nhường “quyền sử dụng” cho các công ty xây dựng. Các ngân hàng của nhà nước cho
các công ty đó vay tiền theo chế độ dễ dãi; sau đó lại cho người mua nhà vay với
lãi suất thấp để các công ty dễ bán nhà. Tóm lại, nhà nước nhúng tay vào từ việc
xây nhà đến việc dân tiêu thụ mua nhà. Chính quyền các địa phương hồ hởi thực
hiện chính sách này để đạt chỉ tiêu số nhà được xây thêm, số công nhân có việc
làm, và thừa dịp tăng ngân sách để tiêu pha – và bòn rút. Không những vay tiền
của các ngân hàng trong nước, các công ty xây dựng vay đô la trong thị trường
quốc tế. Số trái phiếu vay và trả bằng mỹ kim tăng từ $675 triệu năm 2009 lên
$64.7 tỷ năm 2020.
Hậu
quả của chính sách trên là hoạt động đầu cơ bùng nổ: Các công ty chạy đua xây cất
kiếm lời vì vay tiền dễ dàng và bán dễ dàng. Nhiều người có tiền đặt mua nhà
trước để hy vọng bán lại vì thấy giá nhà lên cao trong mấy chục năm liền khi
280 triệu dân miền quê kéo lên thành phố kiếm việc. Năm 1988 chỉ có một phần ba
dân Trung Hoa sống ở các đô thị; hiện nay đã lên tới hai phần ba; mua nhà ở Thẩm
Quyến khó hơn ở London hay New York, theo báo Forbes. Công việc xây
cất nhà ở chiếm 30% Tổng Sản Lượng Nội Địa cả nước.
Năm
2020, Tập Cận Bình thay đổi; không dễ dãi với các công ty xây cất cũng như người
mua nhà nữa. Chính sách đưa ra gấp quá và mạnh quá, người xây nhà lúng túng vì
cạn tiền; giới mua nhà để đầu tư không kịp bán lại trước khi giá nhà xuống thấp
mà vẫn phải đóng tiền trả góp. Cuộc khủng hoảng bắt đầu và càng ngày càng nặng
khiến nhà nước phải nhúng tay lần nữa, đưa ra một “mô hình mới.”
Theo
“mô hình can thiệp mới” này, các chi tiết chưa được thảo luận đầy đủ, chính phủ
sẽ dành một ngân khoản, tương đương với $280 tỷ mỹ kim để đứng ra mua, rồi đem
cho thuê, những ngôi nhà đang xây nửa chừng thì bị ngưng vì các công ty thiếu
tiền. Khi thực hiện xong mô hình mới trong vòng 5 năm, chính phủ sẽ làm chủ 30
phần trăm số đơn vị gia cư dân chúng đang ở. Hiện nay nhà nước chỉ làm chủ 5 phần
trăm.
Tuy
gọi là “mô hình mới” nhưng hậu quả là sẽ đưa thị trường địa ốc Trung Quốc trở lại
rất giống thời Mao Trạch Đông, khi Đảng và Nhà nước làm chủ hầu hết các công
trình xây dựng mới. Chỉ có một điều khác là thời Mao các căn hộ được cung cấp
cho công nhân viên các xí nghiệp, còn bây giờ họ sẽ đóng vai “ABC không có nhà
đi ở thuê” và phải trả tiền.
Trong
thời gian 5 năm thực hiện kế hoạch, nhà nước sẽ tự đóng vai một công ty xây cất,
dự trù sẽ xây 6 triệu căn hộ mới trong 35 thành phố. Sẽ có kế hoạch “trợ cấp”
cho người thuê nhà nếu không đủ tiền. Để bảo đảm công bằng, sẽ ấn định các điều
kiện lợi tức cho những người được phép thuê nhà. Sau đó, những ai muốn được trợ
cấp phải hội đủ các điều kiện khác.
Theo
ông Hà Lập Phong (He Lifeng, 何立峰), phó tổng lý quốc vụ viện (phó thủ
tướng), thì kế hoạch mới sẽ có hai hệ quả tốt. Thứ nhất, chính phủ sẽ kiểm soát
được số lượng nhà cửa cung ứng cho thị trường, tránh cảnh xây nhiều quá bán
không kịp như hiện nay. Thứ hai, nhà nước sẽ quyết định giá nhà tối thiểu phải
là bao nhiêu, không lo khi bán hay cho thuê sẽ bị lỗ lã.
Nhưng
hiện nay Trung Quốc đang có ít nhất 7 triệu đơn vị gia cư không ai ở, xây thêm
6 triệu căn hộ mới thì làm cách nào đẻ ra thêm người mua hoặc thuê nhà, trong
khi dân số Trung Quốc đã bắt đầu đi xuống từ hai năm qua và sẽ còn giảm nữa?
Làm cách nào chính phủ có thể ấn định giá tối thiểu khi bán hoặc cho thuê trong
lúc số cung vẫn cao hơn số cầu?
Kế
hoạch trên đây cho thấy Trung Cộng sẽ quay ngược chiều hướng phát triển; nhà nước
phải gánh vác một hoạt động kinh doanh quan trọng mà trước đó vẫn giao cho thị
trường tư nhân.
Để
thực hiện kế hoạch 5 năm này, sẽ phải lập các công ty mới chuyên lo xây dựng
nhà ở, tăng số doanh nghiệp nhà nước. Các viên chức chính phủ sẽ đóng vai chủ
nhà quyết định ai được thuê căn hộ hay ngôi nhà nào, với giá bao nhiêu và các
điều kiện gì. Tất nhiên, công việc sửa chữa, bảo trì các ngôi nhà, việc cung cấp
điện, nước cho cư dân đều đặn, cũng sẽ do các cán bộ, công chức phụ trách. Có
thể coi là một hình thức “quốc hữu hóa” một phần ngành địa ốc.
Mọi
người đã có kinh nghiệm đều biết guồng máy nhà nước cộng sản làm việc quản lý
kinh tế như thế nào. Tất cả sẽ tạo thêm cơ hội tham nhũng. Nhà cửa được các
công ty quốc doanh xây lên sẽ không đủ tiện nghi cho người đến ở. Muốn thay cái
ống nước, muốn bắt thêm đường dây điện cũng phải quà cáp cho cán bộ. Ai muốn được
hưởng trợ cấp tiền thuê sẽ phải “trợ cấp” trước cho các đồng chí phụ trách.
Kế
hoạch mới cũng dự trù sẽ cấm những người mua các căn hộ không được đem bán lại
kiếm lời. Chính sách này khiến người mua ngôi nhà hay căn hộ mất luôn quyền làm
chủ, trong đó quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng quan trọng như nhau. Dù trả
tiền mua nhà, họ sẽ chỉ đóng vai một “người ở thuê dài hạn.” Trước đây, khi giá
nhà lên cao, người chủ có thể cảm thấy mình giàu có hơn, vì nhà cửa chiếm 70%
tài sản của một gia đình trung bình. Cảm thấy mình “khá giả hơn,” họ có thể sẽ
tiêu tiền dễ dàng. Bây giờ, vì không được bán lại, họ thấy mình chẳng giàu thêm
đồng nào, sẽ tiếp tục lo tiết kiệm, bớt tiêu xài! Ông Tập Cận Bình đang hối
thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để kích thích kinh tế và tránh nạn giảm
phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả ngược lại. Đúng là tự mình trói tay
mình!
No comments:
Post a Comment