Tại sao NATO không nên chấp
nhận Ukraine?
Stephen M. Walt - Foreign
Policy
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/03/17/tai-sao-nato-khong-nen-chap-nhan-ukraine/
Dưới
đây là năm lý do tại sao việc mở rộng NATO sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn
cho Kyiv.
Trong
lúc cục diện chiến trường xoay chuyển theo hướng bất lợi cho Ukraine, và giữa bối
cảnh có những nghi ngờ về việc liệu Quốc hội Mỹ có thông qua một đợt viện trợ mới
hay không, các chuyên gia có ảnh hưởng như cựu lãnh đạo NATO Anders Fogh
Rasmussen và cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder đang lặp lại lời kêu gọi trước
đó của họ về việc đưa Ukraine vào NATO sớm hơn. Bước đi này vừa được cho là một
cách để thuyết phục Nga rằng chiến dịch quân sự của họ không thể giữ Ukraine nằm
ngoài liên minh, vừa là động thái cần thiết để cung cấp an ninh đầy đủ cho
Ukraine khi chiến tranh cuối cùng cũng kết thúc.
Những
cá nhân lý trí có thể và sẽ không đồng ý về tính khôn ngoan của đề xuất này, bởi
vì các lập trường tranh luận đều dựa trên những dự đoán về một tương lai bất định.
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều đang đặt cược xem tác động của việc đưa
Ukraine vào sẽ là gì. Để làm rõ quan điểm của mình: Nếu tôi là thành viên Quốc
hội Mỹ, tôi sẽ bỏ phiếu cho gói viện trợ bổ sung mà không do dự, bởi vì tôi muốn
Ukraine có thể bám trụ trên phần lãnh thổ mà họ vẫn kiểm soát, và tôi muốn
Moscow nhận ra rằng việc cố gắng chiếm thêm lãnh thổ sẽ tốn kém và khó khăn. Một
khoản viện trợ lớn hơn cũng sẽ cải thiện vị thế thương lượng của Kyiv khi các
cuộc đàm phán nghiêm túc được bắt đầu, rất có thể là sau cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ vào tháng 11. Tuy nhiên, việc đưa Ukraine vào NATO ngay lúc này là một ý tưởng
tồi, bởi nó sẽ kéo dài chiến tranh và khiến Kyiv rơi vào tình thế ngày càng tồi
tệ.
Điều
đầu tiên cần nhớ là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không trao cho bất kỳ quốc gia
nào quyền gia nhập nếu họ đáp ứng các tiêu chí nhất định. Điều 10 chỉ nói rằng
“Các Bên có thể, bằng thỏa thuận nhất trí, mời bất kỳ Quốc gia Châu Âu nào khác
có khả năng thúc đẩy các nguyên tắc của Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của
khu vực Bắc Đại Tây Dương tham gia Hiệp ước này.” Chính sách “mở cửa” mà NATO
đang áp dụng thực chất là một sự phát triển gần đây hơn. Người ta đôi khi hiểu
rằng cam kết chính thức là bất kỳ quốc gia nào có tham vọng đều có thể tham gia
khi đáp ứng được các tiêu chí thành viên của NATO. Trên thực tế, chính sách mở
cửa đã khéo léo chuyển quyền tự quyết từ NATO sang các ứng viên tham vọng, nói
với các ứng viên này rằng “cánh cửa đang mở và anh có thể tự do bước vào sau
khi đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi.” Tuy nhiên, ngụ ý ban đầu của hiệp ước
lại rất khác: nó nói rằng cánh cửa sẽ đóng cho đến khi các thành viên hiện tại
nhất trí rằng việc đưa một thành viên mới vào sẽ “thúc đẩy các nguyên tắc của
hiệp ước và… đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.” Chỉ lúc đó,
các thành viên mới quyết định mở cửa và đưa ra lời mời. Điểm khác biệt này rất
quan trọng, bởi nó có nghĩa là hiệp ước ban đầu không đặt ra giả định rằng liên
minh đang tích cực cam kết mở rộng. Chiến dịch gần đây của Hungary nhằm trì
hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO thêm vài năm đã nhắc nhở chúng ta rằng quá
trình này sẽ diễn ra như thế nào trên thực tế: Thụy Điển không có “quyền” tham
gia cho đến khi tất cả các thành viên khác đồng ý.
Quay
trở lại với Ukraine, tôi tin rằng việc đưa nước này vào NATO bây giờ (hoặc
trong tương lai gần) là không khôn ngoan dựa trên một số giả định. Thứ
nhất, Ukraine không thể đảo ngược tình hình trên chiến trường và giành lại
lãnh thổ đã mất trừ phi có thêm thật nhiều vũ khí và có thời gian để tái thiết
lực lượng sau những thất bại trong năm qua. Nước này đang phải đối mặt với tình
trạng thiếu nhân lực trầm trọng (và nhiều khả năng không thể khắc phục được
tình trạng đó), và sự kết hợp giữa giám sát bằng máy bay không người lái, pháo
binh, và các công sự kiên cố của Nga sẽ khiến Kyiv khó có thể đạt được những bước
tiến lớn về lãnh thổ. Những người cổ vũ Ukraine ở phương Tây đã sai vào mùa
xuân năm ngoái, khi họ đưa ra những dự báo lạc quan về cuộc phản công sắp diễn
ra, và họ đang lặp lại sai lầm này khi cho rằng vẫn còn nhiều cách để Ukraine đảo
ngược tình thế. Tôi ước gì mọi chuyện diễn ra khác đi, nhưng chúng ta nên đưa
ra các lựa chọn chính sách dựa trên cơ sở thực tế, chứ không phải dựa trên mong
ước của mình.
Giả
định thứ hai của tôi là các nhà lãnh đạo Nga quan tâm nhiều đến
số phận của Ukraine hơn phương Tây. Tất nhiên, họ không quan tâm nhiều hơn người
Ukraine, nhưng đối với các lãnh đạo Nga, nó là mối quan tâm sống còn, hơn là đối
với các nhà lãnh đạo và người dân ở hầu hết các nước NATO. Tổng thống Nga
Vladimir Putin và các phụ tá của ông ta sẵn sàng gửi hàng nghìn binh sĩ đến chiến
đấu và hy sinh ở Ukraine, nhưng không quốc gia NATO nào sẵn sàng làm bất cứ điều
gì tương tự. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ nêu ra khả năng NATO gửi
quân vào tuần trước, ông đã ngay lập tức bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người
đứng đầu NATO Jens Stoltenberg chỉ trích. Điều này không có nghĩa là NATO không
quan tâm đến số phận của Ukraine, chỉ là Nga quan tâm nhiều hơn họ.
Thứ
ba,
tôi cho rằng một trong những lý do chính khiến Putin tiến hành cuộc xâm lược bất
hợp pháp vào tháng 2/2022 là để ngăn Ukraine xích lại gần phương Tây và cuối
cùng gia nhập liên minh. Những tiết lộ gần đây về sự hợp tác ngày càng tăng giữa
CIA và các cơ quan tình báo Ukraine, những nỗ lực sau năm 2014 của phương Tây
nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, và việc NATO hết lần này đến lần
khác cam kết đưa Ukraine vào liên minh chắc chắn đã kích động những nỗi lo của
Moscow – một trường hợp kinh điển của cái mà các học giả quan hệ quốc tế gọi là
“thế lưỡng nan về an ninh.” Hành động của Putin cũng có thể phản ánh niềm tin
vào sự thống nhất văn hóa giữa người Ukraine và người Nga, nhưng không thể phủ
nhận bằng chứng cho thấy triển vọng Ukraine gia nhập NATO đã thúc đẩy ông hành
động. Chính Stoltenberg đã nhiều lần công khai thừa nhận điều này. Putin có thể
đã hiểu sai ý định của NATO và phóng đại mối đe dọa mà họ đặt ra, nhưng ông
không phải nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới phóng đại mối nguy hiểm từ bên
ngoài.
Dựa
trên ba giả định đó: Dưới đây là năm lý do hàng đầu khiến Ukraine không nên gia
nhập NATO.
1.
Ukraine hiện không đáp ứng các tiêu chí về thành viên. Trong trường hợp
tốt nhất, nước này vẫn chỉ là một nền dân chủ yếu. Tham nhũng vẫn còn hoành
hành, bầu cử đã bị đình chỉ kể từ khi bắt đầu chiến tranh, và vẫn tồn tại những
thế lực trong xã hội Ukraine có cam kết đáng ngờ với các chuẩn mực dân chủ. Vì
những lý do này và nhiều lý do khác, Chỉ số Dân chủ của tạp chí The
Economist đã đánh giá nước này là một “chế độ lai” vào năm ngoái. Hơn
nữa, Ukraine vẫn chưa đáp ứng các điều kiện trong Kế hoạch Hành động Thành viên
NATO tiêu chuẩn. Nhận thức được thực tế đó, NATO đã đồng ý từ bỏ tiêu chí này tại
hội nghị thượng đỉnh thường niên hồi mùa hè năm ngoái, trên thực tế là thay đổi
quy trình gia nhập của Ukraine từ “quy trình hai bước sang quy trình một bước.”
Bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn để gia nhập liên minh, quyết định này đặt ra một
tiền lệ xấu cho tương lai.
2.
Không rõ liệu NATO có tôn trọng các cam kết trong Điều 5 hay
không. Như
tôi từng chỉ ra, Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không có tính chất ràng
buộc các thành viên phải chiến đấu trong trường hợp một thành viên khác bị tấn
công. Như người Mỹ đã khăng khăng, Điều 5 chỉ cam kết rằng một thành viên xem
cuộc tấn công vào một thành viên khác là tấn công vào toàn bộ khối, và sau đó sẽ
thực hiện “những hành động mà nước đó cho là cần thiết.” Tuy nhiên, điều này lại
được diễn giải thành một cam kết bảo vệ bất kỳ thành viên nào đang bị tấn công,
và việc không hỗ trợ thành viên bị xâm lược nghiêm trọng sẽ khiến toàn bộ liên
minh bị nghi ngờ. Do đó, trước khi đưa bất kỳ thành viên mới nào vào tổ chức,
phần còn lại của liên minh nên suy nghĩ kỹ lưỡng về việc sẵn sàng đặt lực lượng
của mình vào tình thế nguy hiểm nếu bị tấn công.
Xin
nhắc lại quan điểm trước đó của tôi: Cho đến nay, cả Mỹ lẫn các quốc gia NATO đều
không thể hiện sự sẵn sàng gửi quân đến chiến đấu cho Ukraine. Vũ khí và tiền
thì có, nhưng con người thì không. Nếu chúng ta sẵn lòng chiến đấu vì Ukraine,
thì chúng ta đã đưa quân đội đến đó rồi. Liệu có hợp lý không nếu ngầm hứa sẽ
chiến đấu vì Ukraine trong 5, 10, hoặc 20 năm nữa nếu anh không sẵn lòng làm điều
đó ngay hôm nay?
Hơn
nữa, không có gì chắc chắn rằng Thượng viện Mỹ sẽ phê chuẩn tư cách thành viên
của Ukraine. Cần phải có đa số 2/3 để phê chuẩn một hiệp ước và việc thu thập đủ
số phiếu bầu là nhiệm vụ khó khăn. Đã có 70 Thượng nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu ủng hộ
gói viện trợ mới nhất, nhưng gói viện trợ đó cũng bao gồm viện trợ bổ sung cho
Israel và điều đó có thể đã ảnh hưởng đến một vài phiếu. Quan trọng hơn, trên
thực tế, nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều khả năng sẽ phản đối việc
đưa Ukraine vào NATO và sự phản đối của ông có thể thuyết phục đủ số thượng nghị
sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống và khiến việc phê chuẩn trở thành ngoài tầm với.
3.
Tư cách thành viên NATO không phải là lá chắn thần kỳ. Lý do chính để
đưa Ukraine vào liên minh sớm hơn là bởi vì làm việc ngăn cản Nga tiếp tục chiến
tranh sau này. Người ta có thể dễ dàng hiểu tại sao Kyiv muốn được bảo vệ,
nhưng lập luận này giả định rằng việc gia nhập NATO là một lá chắn thần kỳ, chắc
chắn sẽ ngăn chặn hành động quân sự của Nga trong hầu hết mọi trường hợp. Cũng
chính giả định này đã thúc đẩy các quyết định trước đó nhằm mở rộng NATO sang
các khu vực dễ bị tổn thương như vùng Baltic; những người ủng hộ chỉ đơn giản
cho rằng các đảm bảo an ninh được mở rộng này sẽ là những tấm séc không bao giờ
được đổi thành tiền mặt.
Tư
cách thành viên NATO có thể ngăn chặn cuộc tấn công trong nhiều trường hợp,
nhưng nó không phải là lá chắn thần kỳ. Quả thực, ngày càng có nhiều tiếng nói
đưa ra những cảnh báo rằng Nga có thể sẽ thách thức NATO trong vài năm tới. Nếu
bạn thực sự tin rằng Putin sẽ kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, sau đó tạm dừng một
thời gian ngắn để xây dựng lại lực lượng vũ trang đã bị tàn phá của mình, rồi
tiến hành một cuộc tấn công mới vào Phần Lan, Estonia, hoặc một số thành viên
NATO khác, thì có nghĩa là bạn không thực sự tin vào lá chắn thần kỳ của NATO.
Và điều đó cũng có nghĩa là các thành viên hiện tại của liên minh phải suy nghĩ
kỹ càng về lợi ích sống còn của họ và những quốc gia mà họ thực sự sẵn sàng chiến
đấu để bảo vệ. Điều này đưa chúng ta trở lại lý do thứ hai.
4.
Việc cấp tư cách thành viên ngay bây giờ sẽ chỉ kéo dài chiến tranh. Nếu giả định của
tôi đúng, rằng Moscow tấn công phần lớn là để ngăn cản Kyiv gia nhập NATO, thì
việc đưa Ukraine vào liên minh sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến mà nước này hiện đang
thua. Nếu đó là lý do Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình,
thì ông ấy sẽ không kết thúc nó khi lực lượng Nga đang hoạt động hiệu quả và việc
Ukraine gia nhập NATO vẫn được cân nhắc. Kết quả là Ukraine sẽ phải gánh chịu
nhiều thiệt hại hơn nữa, thậm chí sự tồn vong nước này có thể gặp nguy hiểm.
Ukraine đã là một trong những quốc gia có dân số suy giảm nhanh nhất ở châu Âu
trước khi chiến tranh bắt đầu, và những ảnh hưởng của cuộc chiến (người tị nạn
chạy trốn, khả năng sinh sản giảm sút, tử vong trên chiến trường, …) sẽ khiến vấn
đề trở nên tồi tệ hơn.
5.
Sự trung lập có lẽ không tệ đến thế. Xét về lịch sử quan hệ Nga-Ukraine
(bao gồm cả những sự kiện trong 10 năm qua), có thể hiểu tại sao nhiều người
Ukraine không muốn chấp nhận kịch bản trung lập. Nhưng trung lập không phải lúc
nào cũng là điều xấu, ngay cả đối với các quốc gia nằm gần Nga. Phần Lan đã tiến
hành một cuộc chiến phải trả giá đắt nhưng không thành công chống lại Liên Xô từ
năm 1939 đến năm 1940, và cuối cùng phải nhượng lại khoảng 9% lãnh thổ trước
chiến tranh. Nhưng giống như người Ukraine ngày nay, người Phần Lan đã chiến đấu
anh dũng và khiến Liên Xô lớn hơn nhiều phải trả giá đắt cho chiến thắng của
mình. Kết quả là nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Joseph Stalin đã không sáp
nhập Phần Lan vào Liên Xô hoặc buộc nước này tham gia Hiệp ước Warsaw sau Thế
chiến II. Thay vào đó, Phần Lan vẫn là một quốc gia trung lập và dân chủ, có nền
kinh tế thị trường giao dịch với cả Liên Xô và phương Tây.
Kết
quả này đôi khi bị chế giễu một cách sai lầm là “Phần Lan hóa”
(Finlandization), nhưng nó đã được chứng minh là một công thức khá thành công.
Nếu Phần Lan cố gắng gia nhập NATO trong thời kỳ đó, thì gần như chắc chắn sẽ xảy
ra một cuộc khủng hoảng lớn, thậm chí là chiến tranh phòng ngừa. Hai tình huống
này không hoàn toàn giống nhau – đặc biệt là khi xét tới quan điểm của Putin về
sự thống nhất văn hóa giữa người Nga và người Ukraine – nhưng nó cho thấy rằng
tính trung lập về mặt hình thức không nhất thiết sẽ ngăn cản Ukraine thiết lập
một nền dân chủ vững mạnh và có quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước phương
Tây.
Vì
tất cả những lý do này, việc nhanh chóng đưa Ukraine gia nhập NATO không phải
là một ý tưởng hay. Thay vào đó, những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây cần
suy nghĩ sáng tạo hơn về các thỏa thuận an ninh thay thế có thể giúp trấn an
Ukraine trong bối cảnh đình chiến hoặc thỏa thuận hòa bình thời hậu chiến. Kyiv
cần được đảm bảo an toàn trước việc Moscow tái khởi động chiến tranh; họ không
thể đồng ý với việc giải giáp vũ khí hoặc bị buộc phải chấp nhận sự thống trị của
Nga trên thực tế. Tìm ra cách để cung cấp sự bảo vệ nhưng không kích động
Moscow phát động chiến tranh không phải chuyện dễ dàng. Nhưng vội vàng gia nhập
NATO không phải là con đường tốt nhất để Ukraine an toàn hơn, mà ngược lại, còn
có thể kéo dài chiến tranh và khiến nước này chịu thống khổ hơn bao giờ hết.
-------------------------
Stephen
M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc
tế tại Đại học Harvard.
Tại sao NATO cần phải kết nạp Ukraine?
Nguồn:
Dmytro Kuleba, “Why NATO Must Admit Ukraine,” Foreign Affairs, 25/04/2023
Biên dịch:
Nguyễn Thị Kim Phụng
Ukraine cần
NATO, và NATO cần Ukraine.
Ngày
04/04, tôi ngồi tại chiếc bàn tròn lớn bên trong trụ sở NATO ở Brussels và vỗ
tay khi Phần Lan chính thức được kết nạp vào liên minh. Tôi … Continue reading Tại sao NATO cần phải kết nạp Ukraine?
No comments:
Post a Comment