Friday, 1 March 2024

QUỐC TẾ ÍT CHÚ Ý ĐẾN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM, DÙ LIÊN TỤC BỊ XẾP HẠNG "KHÔNG CÓ TỰ DO" (RFA)

 



Quốc tế ít chú ý đến nhân quyền Việt Nam, dù liên tục bị xếp hạng “không có tự do”

RFA

2024.02.29

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-human-rights-situation-was-unnoticed-by-international-in-2023-02292024200838.html

 

Tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam ít được quốc tế chú ý đến trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động như bầu cử, chiến tranh… Điều đó có thể dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-human-rights-situation-was-unnoticed-by-international-in-2023-02292024200838.html/@@images/2ed4da8e-a66a-4ad7-8823-771cee73a6bd.png

Việt Nam bị xếp vào nhóm "không có tự do" với 19/100 điểm.    Freedom House

 

Liên tục vào nhóm “Không có tự do”

 

Freedom House tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm “không có tự do”, cả về quyền chính trị lẫn các quyền tự do dân sự. Tổng điểm số về tự do của đất nước hình chữ S này chỉ khiêm tốn ở mức 19/100, bằng điểm số từ năm 2021 cho đến năm 2023.

 

Báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu thường niên của Freedom House vừa được công bố vào sáng ngày 29/2/2024 (giờ miền Đông Hoa Kỳ). Năm nay, báo cáo này xem xét và chấm điểm tình trạng tự do và dân chủ của 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, đồng thời xếp các quốc gia này vào ba nhóm, gồm “tự do, bán tự do hoặc không có tự do.”

 

Chỉ số tự do chính trị của Việt Nam năm 2024 là 4/40, trong khi chỉ số tự do dân sự là 15/60. Với 19/100 điểm, Việt Nam cùng với 74 quốc gia khác bị xếp vào nhóm “không có tự do”.

 

Đánh giá về điểm số của Việt Nam trong năm nay, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam nhận định: 

 

“Tình hình không có gì thay đổi cả. Có đôi chỗ có thay đổi một tí. Ví dụ như là minh bạch hơn trong lĩnh vực chống tham nhũng, nhưng đổi lại nó lại đi giật lùi trong chuyện một số nhà đấu tranh cho quyền công lý về môi sinh bị bắt bớ về tội trốn thuế… Thành ra Việt Nam bây giờ vẫn đứng như cũ, chỉ số tổng hợp vẫn là 19/100.”

 

Chỉ số về Tự do Internet của Việt Nam cũng chỉ đạt 22/100, xếp loại “không có tự do” vì chính quyền có những hành vi ngăn chặn quyền truy cập Internet và hạn chế về nội dung của người dùng.

 

Nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng chính quyền bóp nghẹt mọi tiếng nói bảy tỏ quan điểm trên không gian mạng:

 

“Trong những năm vừa qua thì họ bắt hết những người sử dụng các trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, chính kiến. Kể cả những người bức xúc do những chính sách sai lầm của chế độ, họ chỉ muốn bày tỏ bức xúc thôi nhưng cũng đã bị xử theo điều 331 rồi, thì đó là việc họ (chính quyền - PV) bóp nghẹt dư luận.”

 

Báo cáo chi tiết về tình hình tự do của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ được Freedom House công bố vào tuần tới.

 

.

Không được quốc tế chú ý?

 

Dù liên tục bị đứng vào nhóm chót bảng xếp hạng về chỉ số tự do trong nhiều năm liền, Việt Nam vẫn không phải là cái tên được chú ý trong báo cáo chung do Freedom House công bố mới đây. 

 

Điều này, theo ông Thắng, là vì tình hình tự do, nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn tệ hại, không có bất kỳ thay đổi nào để Freedom House có thể chú ý, làm nổi bật trong báo cáo chung:

 

“Thường thường khi mà họ cập nhật thì họ chỉ ra những diễn tiến quan trọng trong năm trước. Bản báo cáo năm nay, do là tình hình nhân quyền trong năm 2023 không có gì thay đổi hết và nó bị xấu đến gần như là tột cùng rồi, không thể xấu hơn được nữa cho nên không có gì nhiều để làm nổi bật lên trong bảng báo cáo chung.”

 

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, các tổ chức quốc tế thường sẽ ưu tiên chú ý đến những vấn đề nóng trên thế giới trong năm qua như cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, rồi sau đó đến cuộc chiến của Israel với Hamas ở Trung Đông… Tuy nhiên, theo ông Đài, không được nhắc tới không có nghĩa là nhân quyền Việt Nam không đáng quan ngại:

 

“Có quá nhiều sự kiện mà các tổ chức quốc tế họ cần phải quan tâm, trong khi đó thì Việt Nam trong suốt nhiều năm đều như vậy, cho nên trong giai đoạn gần đây thì họ cũng bớt đi sự quan tâm phần nào đối với tình trạng nhân quyền Việt Nam. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.”

 

Báo cáo của Freedom House cũng cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, có năm quốc gia nằm trong nhóm không có tự do, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei. Chỉ số tự do của Việt Nam chỉ xếp trên quốc gia do quân đội lãnh đạo Myanmar với tám điểm. 

 

Năm quốc gia bán tự do ở khu vực này bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Chỉ có một nước được xếp vào nhóm có tự do là Đông Timo với 72 điểm.

 

Ngoài ra, chỉ số tự do toàn cầu đã suy giảm năm thứ 18 liên tiếp vào năm 2023, khi các quyền chính trị và tự do dân sự bị suy giảm ở 52 quốc gia, chiếm 1/5 dân số thế giới. Sự sụt giảm vừa lan rộng vừa nghiêm trọng, làm lu mờ những cải thiện được quan sát thấy ở 21 quốc gia khác. 

 

Theo Freedom House, thao túng bầu cử, chiến tranh và tấn công vào chủ nghĩa đa nguyên - sự chung sống hòa bình của những người có tư tưởng chính trị, tôn giáo hoặc bản sắc dân tộc khác nhau - là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái toàn cầu. 

 

Hiện nay, gần 38% người dân thế giới đang sống ở các quốc gia bị xếp hạng “không có tự do”, 42% sống ở các quốc gia “bán tự do” và chỉ 20% dân số sống ở các quốc gia tự do.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

·        Nhân quyền Việt Nam 2023 tệ hại hơn - hậu quả của kiểu “ngoại giao đổi chác”

·        Nếu Việt Nam cho dân tự do hơn, quốc gia chỉ có thể mạnh hơn: cựu Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Cao Quang Ánh

·        GS Tương Lai: Bắt bớ trí thức là ‘tín hiệu xấu, buồn’, đáng ‘hổ thẹn’ và phải được chấm dứt

·        Mất tích cưỡng bức diễn ra ‘gần như thường xuyên’ và ‘ngày càng nghiêm trọng’ ở Việt Nam

·        Hà Nội xích lại gần Washington và việc hoà giải với đồng bào gốc Việt

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats