Sunday, 24 March 2024

NGHÈO MÀ BÌNH YÊN , HA HA (Nguyễn Nhơn / Blog RFA)

 



Nghèo mà yên bình, ha ha

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.03.23

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/poor-but-live-in-peace-03212024122510.html

 

Thoát khỏi thời bao cấp, sang thời bao… đồng, không ít người trìu mến ngó về dĩ vãng rồi thở dài: Ước gì được như hồi đó. Nghèo mà yên bình!

 

Ủa yên bình ở cõi nào vậy, chứ dạ thưa các bác, thời bao cấp là một thời rách tươm và rối tung!

 

 

Cướp

 

Tôi không nhớ rõ là năm nào, nhưng khoảng 1980-1985, xã hội đầy đe dọa mất an ninh. Có cướp ở các thành phố lớn, có cướp ở các vùng núi đồi hai bên quốc lộ hoang vắng ít người qua lại. Trộm vặt, móc túi thì khắp nơi. Chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Một trong những câu chuyện được kể đi kể lại nhiều nhất có bối cảnh ở Sài Gòn, trên xe bus. Nó như sau: Một hành khách bị chiếc bao bố đựng hàng đặt trên giá phía trên đầu mình nhỏ giọt xuống liên tục, nhìn kỹ thì hóa ra máu. Người ta la làng lên, tài xế dừng xe, mọi người làm chứng mở cái bao ra thì lạnh người: một cánh tay phụ nữ đeo vòng, vòng vàng hay cẩm thạch gì đó. Bị chặt đứt lìa ở gần cổ tay, tươi nguyên, máu từ vết chặt vẫn đang nhỏ giọt xuống.

 

Không gian của câu chuyện này và những câu chuyện tương tự là sự mất trị an bắt nguồn từ thiếu thốn, đói ăn cực độ trong xã hội lúc đó. Những tên cướp có thể tàn bạo đến mức sẵn sàng chặt đứt tay người đeo trang sức để cướp.

 

Ba tôi hay đi công tác ở các tỉnh miền Trung. Có ba cái đèo ngoằn ngoèo nổi tiếng ở miền Trung là đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và đèo Cả. Chúng dài, hai bên chỉ là núi đồi hoang vắng chứ không có dân cư như bây giờ. Đặc biệt là đèo Hải Vân. Các chú lái xe kể xe qua các con đèo này rất sợ, phải đi thật sớm và chạy một mạch, mục đích phải thoát khỏi đèo vào lúc trời còn sớm, còn rõ mặt trời. Vì chạng vạng, ở đó thường có cướp. Bọn cướp đốt đống lửa to ngay giữa đường, khiến các xe đò, xe hàng đều phải dừng lại. Chúng lên xe lột sạch tiền bạc, hàng hóa của hành khách và thương buôn.

 

Tôi nhớ có lần cùng đi với ba trong một chuyến công tác như vậy. Trước khi qua đèo, bác tài kiểm tra lại một lượt tất cả bánh xe, thắng, xăng, dầu nhớt… Ông im lặng giữ chặt vô lăng, mắt dán vào con đường phía trước, không nói một lời. Cửa xe khóa chặt ở bên trong. Chú lơ xe và ba tôi ngồi thẳng người nhìn ra xa, sẵn sàng nắm lấy một dấu hiệu bất thường nhỏ nhất. Ở địa phương trước đó, mọi người đã làm việc kéo quá giờ dự kiến, tính ra qua hết đèo Cả thì đã muộn. Tôi còn nhớ ba tôi hỏi bác lái xe có kịp qua đèo hay không, hay là nghỉ lại bên này chờ sáng mai đi cho an toàn. Bác tài cân nhắc rồi quyết: đi, còn kịp.

 

Con đường đèo quanh co uốn khúc, chiếc xe tải cỡ lớn phải chạy rất chậm những lúc lên đèo. Những bóng cây hai bên đường cứ thẫm dần. Đường vắng dần, rồi vắng tanh. Thảng hoặc lắm mới có một chiếc xe cùng chiều hoặc ngược chiều. Những chiếc xe con đều phóng nhanh.

 

Xuống đến chân đèo Cả về phía Bắc thì trời đã tối, những bóng cây đen sẫm lào xào chạy ngược chiều, vẫn vắng vẻ nhưng không còn căng thẳng nữa. Đến khi chạm vào rìa thành phố, người xe đã nhộn nhịp lên hẳn thì bác lái xe thở phào ra một hơi hết sức dài.

 

Sự mất an ninh giảm đi về mức độ khốc liệt nhưng vẫn kéo dài đến tận thập niên 90. Lần này tôi thật sự trải nghiệm cảm giác bị rạch giỏ và mất cắp trong xe là thế nào. Cũng là một dịp tôi đi theo ba trong chuyến công tác, lần này vào Sài Gòn. Tôi ghé hiệu sách mua ít sách tham khảo, bỏ vô cái cặp mang theo. Trưa, chúng tôi vào quán ăn cơm. Chiếc xe, lần này là xe con, đậu bên lề đường. Cửa kính kéo lên hết. Những người lớn đã nghe người ta nói nhiều về vụ bọn trộm cạy cửa xe, kéo cửa kính xe đậu bên lề đường để ăn trộm mọi thứ trong xe nên chúng tôi mang theo hết tư trang theo người. Cũng chẳng có gì, vài bộ quần áo và giấy tờ, chứ tiền bạc thì có mấy đồng. Của nả của tôi là chiếc cặp mỏng đựng mấy cuốn sách, tôi nhét sâu vào giữa hai lớp đệm ngồi của ghế sau.

 

Chú tài xế là dân bộ đội xuất ngũ, tướng tá rất ngầu. Thế nhưng chẳng dọa được ai. Ăn bữa trưa gọn lẹ quay ra xe, mấy dì, mấy cô bán giải khát gần đó đã méc chúng tôi ngay: hồi nãy xe bị cạy cửa.

 

Ôi trời ơi tim tôi nhảy lên tận cổ.

 

May sao chiếc cặp còn nguyên, có lẽ do vị trí đó khó phát hiện.

 

Ấy vậy mà vẫn chẳng thoát lời chào của móc túi Sài Gòn. Khi lên xe bus để đi đâu đó tôi không còn nhớ, có mấy người chen sống chen chết vào chỗ tôi-đang ôm cái cặp sát vào người. Hồi đó lên xe bus hay xe đò đều có cảnh chen lấn như vậy nên tôi không để ý lắm. Đến khi về khách sạn, nhìn lại chiếc cặp mới rởn da gà: hai đường rạch thành hình chéo đã rạch đứt bên ngoài cặp từ bao giờ.

 

Vết rạch sắc ngọt đến nỗi hai mép cắt vẫn dính sát không rời nhau ra. Chắc chắn cái bọn giả vờ ồn ào chen lấn lúc lên xe bus ra tay đây mà. Còn may là tôi để mấy cuốn sách tận trong ngăn trong cùng, ôm sát vào người, còn bọn nó rạch ngăn bên ngoài (chắc nghĩ người ta thường để tiền ở đó) nên không bị mất gì.

 

 

Nghịch lý sách

 

Nói về sách, đấy lại là một nghịch lý nữa của thời bao cấp. Có các hiệu sách quốc doanh mở ra ở khắp nơi, chiếm vị trí đẹp nhất. Sách không quá nhiều nhưng tuần nào cũng có sách mới, dịch thì cực hay, giá thì cực rẻ. Mỗi tội chất lượng giấy in quá tồi: giấy đen sì, nhám xàm, chữ bé tí tẹo, thậm chí còn nguyên những xác mía nho nhỏ. Bù lại, chất lượng văn học dịch tuyệt vời. Đội ngũ dịch giả văn học toàn những người có hiểu biết, có kiến thức, dịch rất bay bổng. Có rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển thế giới được dịch ra tiếng Việt. Hiệu sách rất đông vào buổi tối, người giả vờ hỏi mua (để tranh thủ đọc lướt) nhiều gấp mấy lần người mua thật. Tôi chuyên môn xin đọc ké kiểu này, mà cô bán sách có lẽ thừa hiểu mánh khóe của mấy đứa nhóc tì nhưng ngầm tiếp tay nên cứ để mặc chúng tôi đọc, miễn là không gập cuốn sách lại, không thấm nước miếng để giở sách khiến bìa sách hư và quăn queo. Tuy nhiên, tất cả sách được xuất bản đều là sản phẩm của khối Xã hội chủ nghĩa, đều một tinh thần phấn chấn hừng hực ca ngợi chủ nghĩa xã hội và con người mới. Sách dịch từ các tác phẩm đương đại của khối Tư bản chủ nghĩa hầu như không có. Nhồi sọ đúng nghĩa!

 

Thư viện của thánh phố hay của tỉnh cũng khá lớn, rất nhiều sách. Họ mở cửa theo giờ hành chính: sáng mở, trưa đóng cửa nghỉ, 1h 30 mở cửa lại, 4h 30 đóng cửa. Phòng đọc rất lớn, hàng chục người ngồi đọc mê mải. Nhưng chỉ đến 4h là độc giả dù say mê đến mấy cũng phải mắt trước mắt sau trông chừng cô thủ thư, khi cô ấy bắt đầu đứng lên đi đóng nhiều cánh cửa rất lớn của phòng đọc thì mình cũng phải nhanh chóng đứng dậy trả sách và đi về.

 

Tư duy quản lý thư viện theo giờ hành chính là sản phẩm của thói quan liêu bao trùm xã hội lúc đó, khi 4h 30 ngoài trời vẫn còn rất sáng nhưng vì hết giờ hành chính nên cứ phải đóng cửa. Buổi tối, hầu như tất cả mọi người đều rảnh và cũng chẳng có gì giải trí thì thư viện không mở cửa. Giờ trưa cũng vậy. Chúng tôi phải về nhà, rồi khoảng hơn hai tiếng sau lại quay trở lại. Những độc giả nhà xa chỉ còn cách vạ vật ngoài hành lang chờ, rất mệt mỏi và mất thời gian.

 

Một nghịch lý nữa của thời bao cấp là tuy sách trong các thư viện rất nhờ ơn Đảng nhưng sách xuất bản dưới chế độ Cộng hòa cũng vẫn còn nhiều trong các tủ sách gia đình của người dân. Khoảng năm 1977-1978, trường của anh tôi phát động mỗi lớp lập một tủ sách. Mỗi học sinh góp ít nhất một cuốn sách, cả lớp sẽ có ít nhất 50 cuốn, mọi người cùng đọc. Ý tưởng là vậy!

 

Vậy là trong tủ sách (đặt ở nhà tôi), “Vòng tay học trò” nằm cạnh Tủ sách Tuổi Hoa. (Tuyển văn dành cho tuổi mới lớn) “Hoa tím” nằm cạnh những cuốn kiểu “Vạch mặt cáo già McNamara”, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”… 

 

Phim ảnh và những bộ môn nghệ thuật khác thì hiếm hoi kinh khủng. Mỗi năm một lần, đoàn kịch, đoàn cải lương… đến diễn ở nhà hát tại thành phố vài đêm (ít nhất ba ngày, trung bình một tuần). Phim cũng toàn chiếu các bộ phim do khối xã hội chủ nghĩa sản xuất, còn phim của khối tư bản thì được chiếu riêng tại một điểm cho cán bộ-gọi là phim nghiên cứu. Phim chiếu rạp chủ yếu là phim trắng đen, hôm nào chiếu phim màu thì áp phích trước rạp sẽ viết rõ ràng: Phim màu. Tùy theo nước sản xuất mà có phim màu Liên Xô, phim màu Hung-ga-ry, phim màu Bun-ga-ry, phim màu Ru-ma-ni…. Bọn thanh niên nghịch tinh, gọi tắt: Phim màu Hung, màu Ru, màu Cu (Cuba).

 

 

Đi rạch ống quần loe

 

Một hoạt động khác mà bọn học sinh cấp hai hay bị phát động đi làm, đó là … đi ra đường bắt thanh niên mặc quần ống loe, để tóc dài hoặc không cài nút áo sơ mi trên cùng. Chẳng hiểu xuất phát từ quan niệm của ông bà tay to nào, thanh niên để tóc dài, mặc quần ống loe, phanh ngực áo-dù chỉ là không cài nút áo trên cùng-bị xem là không đứng đắn. Những thanh niên mặc quần ống loe bị công an và tự vệ đưa vào một chỗ tập trung, rạch toạc ống quần hoặc cắt cụt ngang luôn. Tóc dài thì bị cắt nham nhở. Nút áo phải cài lại. Thanh niên thành phố không sợ những buổi truy quét đó. Họ có cách đối phó: mặc áo thun có cổ, hoặc tự cắt đứt nút áo trên cùng để đối phương không cài lại được.

 

Nghĩ lại, những buổi truy quét như thế thật xúc phạm nhân phẩm con người, nhưng một lũ trẻ con ngây ngô bị lùa ra đường làm việc đó chỉ biết tuân theo lời thầy cô và các anh chị phụ trách. 

 

Một thời bao cấp “nghèo mà bình yên” của quý vị đấy!

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

---------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Quyết liệt! Quyết liệt! Quyết liệt!

Sọc mực, sọc sò

Một thời bao cấp: Nhét đầy hải sản vào… quan tài, chở đi bán “chui”

Ơ thịt kho thời bao cấp

Đã “đổi mới” một lần, nhưng chưa đủ…





No comments:

Post a Comment

View My Stats