Một
thời bao cấp: Nhét đầy hải sản vào… quan tài, chở đi bán “chui”
Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.03.05
Thời
bao cấp, nhà tôi sống ở vùng biển. Ba tôi kể, hồi ấy do ngăn sông cấm chợ nhưng
nhu cầu ở Sài Gòn quá cao nên những người buôn bán “chợ đen” đã nghĩ ra cách
nhét đầy hải sản tươi vào… một chiếc quan tài, đưa lên xe tang, người buôn mặc
áo tang đi kèm như thật để chở vô thành phố nhằm qua mắt quản lý thị trường.
Còn nhét những vật nho nhỏ vào áo ngực, khâu vào quần lót, quần dài… thì đã là
kỹ năng quá thông thường của những người phụ nữ làm nghề buôn bán. Nhưng chiêu
nào dùng được ít lâu rồi cũng lộ. Quản lý thị trường không hề ngại vạch áo vạch
quần những chị em tiểu thương để tìm hàng “chợ đen”.
Bao cấp
không chỉ rút kiệt sự sống mà còn ném cả nhân phẩm của con người xuống hố rác.
Bao
cấp this bao cấp that
Nhưng,
tuy cùng trong thời bao cấp nhưng cũng có bao cấp this bao cấp that. Ở miền Bắc,
nghe bạn bè kể lại kinh khủng quá. Nhà tập thể vốn dành cho người độc thân, chỉ
khoảng 16 m2 với bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh chung thì giờ thành nơi ở cho
cả ông bà cha mẹ con cái. Giường của đôi vợ chồng bố mẹ kê cách giường của đôi
vợ chồng con trai đúng một… tấm rèm vải. Bên này nhúc nhích thì bên kia cố gắng
ngáy thật to rõ đều đặn để họ yên tâm là mình ngủ say rồi. Nhà vệ sinh tập thể,
sáng sáng người người ra cầm tờ báo xếp hàng chờ “giải quyết nỗi buồn”, chào
nhau rõ rôm rả. Sân tập thể thành chỗ nấu nướng giặt giũ, bên này chị vò áo,
bên kia em quạt than, chỗ kia một nhóm các anh cởi trần mặc quần đùi đứng tắm,
cạnh đấy bà cụ cặm cụi rửa bô cho cháu. Thật là một khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong
miền Nam sướng hơn rất nhiều.
Như
đã kể, ba má tôi trở về miền Nam theo dạng cán bộ điều về địa phương. Chỉ vài
tháng sau khi về Nam, ba má tôi đã mua nhà riêng. Số tiền mua nhà riêng này khá
lớn, là vốn của ba má tôi để dành suốt nhiều năm, cộng với ông ngoại cho thêm một
ít. Mua nhà xong, ba má tôi không nợ nhưng cũng hết vốn, nên có mỗi ít đồng mua
heo giống về nuôi để cải thiện thu nhập mà cũng phải vài năm sau mới làm được.
Nhưng càng lớn chúng tôi càng cảm ơn quyết định này của ba má tôi. Hồi đó có chế
độ phân phối nhà cho một số cán bộ. Tức là nhà của những người chạy ra nước
ngoài để lại, Nhà nước tịch thu rồi phân phối theo chế độ cho cán bộ ở không mất
xu nào. Rất nhiều nhà đến cái chén đôi đũa cũng còn nguyên trong tủ chén, chủ
nhà chỉ khóa cửa mang tiền vàng đi chứ toàn bộ đồ dùng, nội thất trong nhà
không hề suy suyển. Má tôi nói của đau con xót, người ta mất của cũng xót lắm,
mình đừng lấy của người ta. Thế là ba má tôi từ chối suất phân phối nhà này,
như ông ngoại tôi cũng từ chối nhận những tiêu chuẩn vật chất thuộc loại rất
cao, để về sống trong ngôi nhà cũ ở quê.
Đường
phố Hà Nội hôm 17/1/1980. AP
Nhà
chúng tôi nằm giữa vườn cây, ở trung tâm thành phố, đất gần 300 m2. Đắc địa nhất
là có giếng nước, nước hơi ngang ngang không uống được nhưng luôn đầy ắp và
trong veo, giặt quần áo bao sạch. Thời đó nước máy chập chờn, không đủ dùng, dơ
và thường xuyên bị cúp nước. Giếng nước nhà tôi thì dùng cho gia đình, tắm đàn
heo, tưới cây… thỏa thuê không bao giờ cạn, còn cho gia đình đồng nghiệp của ba
tôi vô tắm gội giặt đồ thoải mái những khi nhà họ không có nước xài.
Đắc
địa thứ hai là nhà tôi có nhà vệ sinh riêng + nhà tắm riêng.
Giờ
nghe mắc cười ha? Nhưng sau 1975 thì những tiện nghi này giúp cho cuộc sống gia
đình tôi dễ thở hơn nhiều lắm. Ít nhất là sạch sẽ và tiện nghi, không phải lo dậy
sớm xếp hàng và bịt mũi, cũng không phải chứng kiến cảnh hố xí hai ngăn: người ị
ở trên, bên dưới có người mở cửa cào phân ra; hay phải liên tục rèn luyện kỹ
năng được mô tả trong một bài ca dao mới của thời đó. Như sau:
Ỉ… cho đúng lỗ mới tài
Nếu ỉ… ra ngoài kỹ thuật còn non
Mấy điều nhắn nhủ cỏn con
Ỉ… cho đúng lỗ để còn vệ sinh!
Rất
may.
Chị
gái tôi kể khoảng những năm 199x, chị đi công tác và chứng kiến ngay tại nhà
khách của Chính phủ ổ tại Hà Nội thì nhà vệ sinh vẫn còn là hai cục gạch xếp
cheo chéo đặt thành một hàng dài, ở dưới là rãnh nước chảy. Xã hội chủ nghĩa
ơi, đến năm đó mà chẳng lẽ người ta vẫn cho rằng nhiều người phụ nữ cùng lúc tuột
quần xắn váy ngồi khép nép trên hai cái cục gạch thâm thấp đó để làm cái việc
bài tiết trước mặt nhau là hết sức bình thường ư?
Như
đã kể, có một nghịch lý may mắn cho gia đình tôi và chắc là cho nhiều người
khác ở cùng địa phương trong thời bao cấp. Đó là chúng tôi rất thiếu lương thực
và thịt, đường, bánh kẹo, xà bông… như tất cả mọi người trong cả nước, nhưng bù
lại, hải sản và rau trái thì dư dả thoải mái. Vùng biển, cá tôm sò mực ốc… rất
nhiều, ăn không hết. Biển còn rất dồi dào, đánh bắt chưa cạn kiệt nên cá rất
to. Trên đường phố, thường xuyên trông thấy cảnh những chị vợ ngư dân gánh cá
đi bán nhưng chỉ gánh được hai con vắt trĩu hai đầu thúng mà thôi. Cá cỡ một
hai ngón tay hoặc mỏng mình, nhạt thịt, nhiều xương, vảy… liệt hết vô cái tên
chung là cá heo, vì chỉ dùng để nấu với cám cho heo ăn.
Một nguyên
nhân khác là do chính sách ngăn sông cấm chợ và nhà nước độc quyền kinh doanh
nên hải sản ứ lại trong địa phương, còn những nơi không thuận lợi về biển thì vẫn
phải mua cá khô mục, nước mắm thúi mà ăn.
Những
con mực nhỏ cỡ lòng bàn tay người lớn, hồi đó chỉ để cho con nít tự phơi khô rồi
nướng ăn rí rách cả ngày như snack vậy, chứ không được vinh dự hầu miệng người
lớn. Những loại sau này được lên đời thành “danh cá” như cá sòng, cá xanh
xương… thì hồi đó level còn thấp lắm. Cá sòng thịt dày nhưng nấu canh thì chua
nước, chỉ khi kho thấm gia vị thì còn ăn tàm tạm. Cá xanh xương thịt lạt. Dân
biển chê. Có những mớ cá chỉ để nấu trong canh lấy nước ngọt, xác thì bỏ. Sò
lông, sò huyết nướng, xào, nấu cháo ăn đến ngán. Ốc hương cỡ ngón chân cái người
lớn, vỏ bóng mịn dày cui, các khoanh căng tròn, các vệt màu trên vỏ rõ ràng sắc
nét chứ không phải loại bé tí nhớt nhợt, vỏ còn đầy lông măng, màu lờ nhờ chưa
lên như giờ nhiều quán nhậu vẫn bán. Ốc giác bằng cái ấm nấu nước bốn lít hoặc
cái mũ bảo hiểm, có con to bằng cái nón lá. Luộc một con thì xắt mỏi tay. Cá đuối
bình thường to cỡ cái mâm. Chỉ cắt một bên vây lưng thì nấu hẳn nồi canh chua
cho cả nhà.
Ông
anh con đỡ đầu của má tôi là dân đi biển, vợ đẻ liên tiếp sáu thằng con trai trứng
gà trứng vịt. Ổng trữ hẳn một mớ đuôi cá đuối dài chừng mét mấy, phơi khô, giắt
lên vách bếp (vách tranh) để dành… đánh con!
Khi
anh chị tôi đi học đại học, nguồn cung cấp đạm chính là từ cá khô, mực khô và
chà bông cá mà má tôi tự làm gửi cho.
Có
những năm xuất khẩu được hải sản sang Nhật và Trung Quốc, họ mua bề bề (tôm
tích), điệp, cá ngừ đại dương. Tôm tích rất to, cỡ cổ tay người lớn. Họ chỉ lấy
phần thân, cái đầu để lại Việt Nam. Tối, ăn cơm xong, má tôi xếp vô cái rổ, hấp
một nồi. Gạch trong đầu tôm tích rất nhiều, còn dính cả ít thịt trắng ngọt lịm.
Rắc chút muối tiêu vào, lấy cái muỗng cà phê cán dài múc từng muỗng đầy gạch đỏ
au thơm phức, cứ thế hết cái này đến cái khác. Đó là bữa khuya của tôi khi thức
học bài.
Ông
kẹ quản lý thị trường
Đường
rất hiếm để nấu chè, bánh kẹo cực hiếm và dở ẹc. Chủ yếu chỉ có kẹo Hải Hà (của
Nhà nước) và các biến tấu của bánh quy (ngoài Bắc hay gọi tổng hợp là quy-gai-xốp,
tức bánh quy, bánh gai, bánh xốp). Nhưng bột bánh thường khô khốc, hôi và chua,
thậm chí còn nguyên xác con mọt bên trong. Chè đậu đen bán ở cửa hàng ăn uống
thì lõng bõng, chỉ có tí đậu dưới đáy ly, nhưng vì được “đi ăn hàng” và có nước
đá nên thấy rất ngon. Có điều không dùng muỗng để múc nước chè được: nhân viên
cửa hàng sợ bị khách thó mất nên tất cả các chiếc muỗng đều bị đục thủng ngay
giữa lòng muỗng!
Bù
lại, trong vườn nhà tôi có ít cây ăn trái. Mấy cây nhãn trái trĩu trịt, mấy cây
mãng cầu, mấy cây lựu bạch, mấy bụi mía đường. Nhà tôi chỉ thuộc loại thường
thường ở xóm, hầu như nhà nào cũng có đất trồng ít cây ăn trái, nuôi gà, heo.
Có những nhà đất rộng dữ lắm, trồng cả vườn dừa. Hàng xóm nhà tôi bán chè ngoài
chợ, vườn sau có một cây táo ta cổ thụ tán che rợp hết vườn, đến mùa trái rụng
quét không hết. Bốn đứa con nít nhà đó và tôi nhai táo mỏi răng.
Ngoài
chợ-thị trường tự do, mặc dù đội ngũ quản lý thị trường rất gay gắt nhưng vẫn
có các hàng hủ tiếu bò kho, bánh canh giò heo chả cá, cháo vịt và các món ăn
nhiều thịt thà khác. Tuy vậy, sự khắc nghiệt của quản lý thị trường có những
khi lên đến độ tàn nhẫn. Một lần, má tôi chứng kiến quản lý thị trường đi bắt
“chợ đen”. Họ đào một hố to ngay giữa chợ (lúc đó chưa có nhà lồng chợ). Các
dì, các chị vừa gánh gánh hủ tiếu bò kho, giò heo đầy ắp vừa mới nấu đang bốc
hơi nghi ngút ra tới, vẫn còn chưa kịp đặt gánh xuống thì họ xông đến. Không
nói không rằng, đám đàn ông to khỏe nhấc ngay những chiếc thùng đựng nước lèo
và hủ tiếu đổ ụp xuống hố. Nước lèo đỏ au màu hột điều lênh láng dưới hố, xen lẫn
những cục giò heo trắng ngà ngon đến nhức mũi.
Các
cô dì chỉ biết khóc ra máu mắt. Cơm áo của cả gia đình nằm trong thùng nước lèo
và rổ bún đó. Nhưng không ai dám phản kháng ra mặt, vì đám cán bộ ấy hung hăng
hách dịch lắm, và họ chỉ sợ cấp trên chứ không sợ lẽ phải, càng không sợ dân.
Oái
oăm. Nhưng không chỉ trong ăn uống mới có những cái éo le oái oăm như thế, mà cả
về may mặc, học hành và sinh hoạt tinh thần. Chờ nha, tôi sẽ kể tiếp cho quý vị
trong bài sau.
-----------------------------------------------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn
Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan
tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội
trong nước.
------------------
Tin,
bài liên quan
BLOG
Đã
“đổi mới” một lần, nhưng chưa đủ…
No comments:
Post a Comment