Saturday, 16 March 2024

MACRON PHẢI CỐ "LÔI KÉO" CÁC ĐỒNG MINH BÀY TỎ LẬP TRƯỜNG CỨNG RẮN VỚI NGA (Phan Minh / RFI)

 



Macron phải cố "lôi kéo" các đồng minh bày tỏ lập trường cứng rắn với Nga

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 15/03/2024 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240315-diem-bao-phap-15-03-2024

 

Phát biểu trên truyền hình của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những hồ sơ liên quan đến bầu cử tổng thống Nga là các chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhất hôm nay 15/03/2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/86b1681a-e2cc-11ee-98dd-005056a90284/w:980/p:16x9/2024-03-15T112443Z_1013275492_RC2BM6AKG8N0_RTRMADP_3_GERMANY-FRANCE.webp

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đón tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước cuộc họp ba bên với thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Berlin, Đức, ngày 15/03/2024. REUTERS - Fabian Bimmer

 

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nói về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn kiên định với lập trường cứng rắn với Nga. Nguyên thủ quốc gia Pháp đã mất một thời gian dài để hiểu rằng tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ quan tâm đến việc củng cố quyền lực. Sau 2 năm chiến tranh, sự cởi mở về ngoại giao đã nhường chỗ cho “sự mơ hồ về chiến lược”, một phiên bản răn đe (phi hạt nhân) được cho là có thể khiến Vladimir Putin, đang thẳng tiến tới nhiệm kỳ thứ năm, phải suy nghĩ lại.

 

Tối qua, chủ nhân điện Elysée đã giải thích với quốc dân lý do phải chống lại Putin bằng mọi giá. An ninh của châu Âu đang bị đe dọa và bóng ma về hiệp ước Munich năm 1938 (Đức sáp nhập Tiệp Khắc) đang xuất hiện trở lại. Emmanuel Macron đã quyết định nhập vai một nhà lãnh đạo của châu Âu, lục địa bị cho là “chậm chạp và do dự” trong mắt ông. Macron cũng không ngừng kêu gọi châu Âu phải thức tỉnh và “hồi sinh”.

 

Trong một tương lai hết sức bất định, “mọi lựa chọn đều phải được cân nhắc”. Nhật báo thiên hữu nhận định mọi người đã quá ngây thơ nếu cho rằng nhân bài phát biểu tối qua, tổng thống sẽ đính chính và trấn an người dân. Ngược lại, Emmanuel Macron tái khẳng định lập trường của ông và chuẩn bị dư luận cho một cuộc chiến tiềm tàng : Người dân Pháp phải hiểu rằng, với mối nguy hiểm đang “hiện hữu” ở sát sườn, họ khó có thể “tiếp tục sống như chưa hề có chuyện gì xảy ra”.

 

Vào thời điểm mà Ukraina, được trang bị vũ khí một cách ít ỏi, có thể buộc phải lùi bước trước các đợt oanh kích của Nga, mọi ý tưởng hướng tới hòa bình đều có thể bị cho là “chấp nhận thất bại”. Bài xã luận mỉa mai rằng thật nực cười khi chính Paris cũng không thực sự làm nhiều hơn những quốc gia khác về hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến không cân sức chống lại gã khổng lồ Nga. Giờ đây, Vladimir Putin không có đối thủ kiên định nào ở châu Âu ngoài Emmanuel Macron. Nhưng tổng thống Pháp phải tìm cách trở thành đồng minh của Ukraina bằng cách lôi kéo nhóm 27 bước theo sau. Bài kiểm tra đầu tiên của ông Macron diễn ra hôm nay tại Berlin, Đức, trong cuộc hội kiến với một Olaf Scholz thận trọng. Mọi chuyện sẽ rất tai hại nếu Pháp rơi vào thế bị cô lập.

 

 

Nga : Đối lập sống trong sợ hãi, nhưng kiên định

 

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération quan tâm đến cùng chủ đề. Trên truyền hình tối qua, Emmanuel Macron đã khẳng định chế độ Nga là một “đối thủ” đang trên đà trở thành “kẻ thù”, và nhắc lại bài phát biểu của cựu thủ tướng Anh Winston Churchill trước thời điểm Chiến tranh Lạnh. Nhật báo thiên tả dường như đồng tình với nhận định của tổng thống Macron. Vladimir Bạo chúa, tên thật là Vladimir Vladimirovich Putin, đã cai trị nước Nga trong gần một phần tư thế kỷ. Cuối tuần này, chủ nhân điện Kremlin sẽ lần thứ năm đắc cử tổng thống, trong một cuộc bầu cử giả hiệu, sau khi thanh trừng tất cả các đối thủ và trù dập phe bất đồng chính kiến. Điển hình là cựu lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã bị loại bỏ một cách không thương tiếc giống như nhiều đối thủ khác của Putin. Như vậy ông sẽ tại chức ở điện Kremlin ít nhất đến năm 2030, bằng thời gian cầm quyền của nhà độc tài Joseph Stalin.

 

Kể từ khi ông Navalny qua đời, Ilia Iachine, 40 tuổi, trở thành nhà đối lập chính của Vladimir Putin. Iachine bị kết án 8 năm rưỡi tù vào tháng 12/2022 vì phát tán “thông tin sai lệch” về quân đội Nga. Đây là bản án nặng nhất được tuyên với tội danh này. Ông cũng từng là “chiến hữu” của Navalny và Boris Nemtsov, nhà đối lập bị ám sát năm 2015 ở sát điện Kremlin. Từ trong tù, Ilia Iachine đã đồng ý trả lời các câu hỏi của Libération trong một cuộc phỏng vấn dự đoán về tương lai nước Nga. Ông không thực sự ngạc nhiên khi nhận định điện Kremlin thao túng tư tưởng người dân, với việc “nguyên tử hóa xã hội”, và các nhà đối lập “phải cố gắng chống trả kiên cường”. Luận điệu đầy dũng khí của nhà đối lập có thể khiến ông trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Nga. Bài xã luận kết luận tất cả những nhà đối lập Nga đều không màng đến tính mạng và dốc sức tìm mọi cách để giải phóng đất nước khỏi sự đàn áp và bảo đảm quyền tự do ở khắp châu Âu.

 

 

Tổng thư ký NATO : Mỹ phải tích cực hỗ trợ Ukraina

 

Về tình hình Ukraina, tờ Les Echos có bài viết về việc tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, tiếp tục hối thúc các nước thành viên tích cực hơn trong việc hỗ trợ Ukraina. Nhưng lần này, ông nhấn mạnh đến những nỗ lực của châu Âu trong thời gian qua, với chi tiêu quốc phòng của lục địa già đã tăng 11% vào năm 2023, đồng thời chỉ trích Hoa Kỳ có phần chững lại trong việc giúp đỡ Kiev.

 

Trả lời báo giới ở Bruxelles, lãnh đạo NATO khẳng định “Ukraina không thiếu lòng can đảm, nhưng họ thiếu đạn dược. Cùng nhau, NATO có khả năng cung cấp cho Ukraina những gì nước này cần”.

 

Nhật báo kinh tế nhận định Jens Stoltenberg đã thay đổi giọng điệu, trước đây vẫn luôn kêu gọi châu Âu phải đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng, nay quay sang “chĩa mũi dùi” vào Hoa Kỳ, phàn nàn việc Quốc Hội Mỹ vẫn ngăn viện trợ cho Ukraina không phải là hành động sáng suốt, trong khi châu Âu cuối cùng đã chú ý tới quốc phòng.

 

Hai phần ba các nước thành viên NATO sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra trong năm nay là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, sau nỗ lực đáng kinh ngạc được thực hiện vào năm 2023. Ngân sách quốc phòng của châu Âu đã tăng 11% so với năm 2022. Ông Stoltenberg nhấn mạnh “các quốc gia châu Âu thuộc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ đầu tư tổng cộng 470 tỷ đô la vào quốc phòng”.

 

Na Uy vừa tuyên bố sẽ đạt chỉ tiêu 2% chi tiêu quân sự vào năm 2024, trong khi Đan Mạch tuyên bố chi tiêu quốc phòng của Copenhagen sẽ lên tới 2,4% GDP, bao gồm cả những khoản viện trợ cho Ukraina. Thụy Điển, thành viên thứ 32 của NATO, cũng cam kết sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Còn Phần Lan sẽ vượt chỉ tiêu vì Helsinki có kế hoạch dành 2,3% GDP cho lực lượng vũ trang trong năm nay.

 

Ngược lại, Jens Stoltenberg đang sốt ruột trước thái độ của Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa vẫn đang ngăn chặn các khoản viện trợ cho Ukraina. Nếu tái đắc cử tổng thống vào tháng 11, Donald Trump còn đe dọa sẽ không bảo vệ các thành viên NATO nào không chi đủ cho quốc phòng. Ông Stoltenberg phản bác rằng “việc NATO không cung cấp đủ đạn dược và vũ khí cho Ukraina gây hậu quả trực tiếp trên chiến trường và góp phần vào thắng lợi của quân đội Nga. Chúng ta cần thêm nguồn lực. Đây là thông điệp gửi tới Quốc hội Mỹ. Hoa Kỳ không đơn độc khi châu Âu và Canada cũng cung cấp những gì Ukraina muốn nhận được”.

 

Tổng thư ký Stoltenberg cũng nhấn mạnh đến một cuộc khảo sát mới được thực hiện liên quan đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Trong số những người dân Mỹ được thăm dò ý kiến, chỉ có 13% muốn Hoa Kỳ rút khỏi NATO, trong khi 58% muốn Mỹ ở lại khối liên minh quân sự.

 

 

Quốc tế không thể bỏ rơi Haiti

 

Nhìn sang Trung Mỹ, bài xã luận của nhật báo Le Monde chú ý đến tình trạng đáng báo động ở Haiti. Những sự kiện xảy ra ở quốc gia này kể từ cuối tháng 2 khiến cộng đồng quốc tế bị choáng ngợp. Sau khi chứng kiến hàng ngàn tù nhân vượt ngục từ các trại giam trong nước, Haiti đang bị kìm kẹp trong một bầu không khí “hoang dã” với các băng nhóm vũ trang ngự trị, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nước này phải hứng chịu.

Haiti phải đối mặt với tình trạng nghèo đói trong nhiều thập kỷ, kết hợp với sự tan rã của các định chế trong nước, với hệ lụy là sự sụp đổ của Nhà nước, làm nổi bật những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt. Haiti sẽ phải khôi phục an ninh và tái thiết nền dân chủ mà người dân muốn có, mặc dù họ không còn đi bỏ phiếu từ năm 2016.

Bài xã luận nhấn mạnh : Cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ trước những gì Haiti đang trải qua. Cần phải tìm ra cách để bảo đảm người dân Haiti cảm thấy có thể tự quyết định về tương lai.

 

 

Số phận của TikTok tại phương Tây

 

Về lĩnh vực công nghệ, tờ La Croix dành bài xã luận nói về số phận của TikTok ở phương Tây. Sự phát triển ngoạn mục của mạng xã hội này có thể sắp đến hồi kết. TikTok được giới trẻ ưa chuộng, với hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, đang nằm trong tầm ngắm của Washington. Hạ Viện Mỹ hôm 13/03 đã thông qua dự luật về khả năng cấm TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ, trừ khi mạng xã hội này đoạn tuyệt với công ty mẹ ByteDance, thân cận với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Dự luật sẽ cần phải được Thượng Viện xem xét, nhưng tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ ký thông qua nếu dự luật qua được ải Thương Viện. Washington nhấn mạnh đến các vấn đề an ninh quốc gia, trong khi Bắc Kinh tố cáo một hành động bảo hộ trá hình.

 

Các nước châu Âu thì ít gay gắt với TikTok hơn, nhưng không phải là không có hành động gì. Liên Hiệp châu Âu đã thông qua đạo luật buộc các mạng xã hội lớn phải kiểm soát nội dung họ đăng tải. 22 mạng xã hội đã được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Ủy Ban châu Âu kể từ tháng 08/2023. Hầu hết các mạng xã hội đó là của Hoa Kỳ, nhưng TikTok cũng nằm trong danh sách bị giám sát. Mạng xã hội này đang phải đối mặt với hai cuộc điều tra ở châu Âu. TikTok bị cáo buộc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ trẻ vị thành niên và cũng bị điều tra về cách quản lý các rủi ro liên quan đến việc phát tán nội dung bị thao túng (deepfakes).

 

Nhật báo Công Giáo kết luận : Liên Âu đang đóng vai trò nhà bảo vệ người tiêu dùng, nhưng cũng đối mặt với những mối đe dọa tương tự như ở Hoa Kỳ. TikTok và các mạng xã hội khác như X hay Facebook là những không gian mà các thế lực thù địch khai thác để chi phối tư tưởng, hành vi và lá phiếu của cử tri. Vì vậy, cần phải có sự cảnh giác cao độ, và các nền dân chủ phải tự bảo vệ mình.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats