Friday, 22 March 2024

LIÊN HIỆP QUỐC : NGA GIEO RẮC "SỢ HÃI" VÀ XÓA "BẢN SẮC UKRAINA" Ở CÁC VÙNG CHIẾM ĐÓNG (Thu Hằng / RFI)

 



LHQ: Nga gieo rắc "sợ hãi" và xóa "bản sắc Ukraina" ở các vùng chiếm đóng

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 21/03/2024 - 13:16

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240321-lhq-l%C3%AAn-%C3%A1n-nga-gieo-r%E1%BA%AFc-s%E1%BB%A3-h%C3%A3i-v%C3%A0-x%C3%B3a-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-ukraina-%E1%BB%9F-c%C3%A1c-v%C3%B9ng-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%B3ng

 

Matxcơva tạo ra « bầu không khí sợ hãi » tại các vùng chiếm đóng ở Ukraina. Quân đội Nga « bắt giữ tùy tiện »« tra tấn » và cố tình xóa bỏ « bản sắc Ukraina », đặc biệt là ở trẻ em. Đó là những cáo buộc mà Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nêu lên trong báo cáo được công bố ngày 20/03/2024, sau hơn 2.300 cuộc trao đổi với các nạn nhân và nhân chứng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/219507fc-c95b-11ec-bbcc-005056a97e36/w:980/p:16x9/2022-05-01T121052Z_78633105_RC2AYT95ER43_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-MARIUPOL-AZOVSTAL-RUSSIA%20%281%29.webp

Ảnh minh họa : Quân Nga áp tải trẻ em Ukraina rời khỏi nhà máy Azovstal, thành phố miền nam Mariupol, Ukraina, ngày 01/05/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO

 

Nga bị lên án « áp đặt ngôn ngữ, quốc tịch, luật pháp, hệ thống tư pháp và xóa bỏ hoàn toàn những biểu hiện của văn hóa và bản sắc Ukraina ». Trẻ em Ukraina ở các vùng chiếm đóng là đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất, theo giải thích của bà Danielle Bell, lãnh đạo tổ quan sát nhân quyền tại Ukraina của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc :

 

« Liên bang Nga đã áp đặt chương trình giáo dục riêng của họ trong trường học, trái với nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, là không được can thiệp vào các trường tại địa phương. Giáo viên tại các vùng bị chiếm đóng kể lại là họ bị ép giảng dạy theo chương trình của Nga và sử dụng sách giáo khoa với nội dung ủng hộ Nga, biện minh cho cuộc tấn công vũ trang vào Ukraina. Chính quyền các vùng chiếm đóng còn tuyển trẻ em vào các tổ chức đoàn thể thanh niên để dạy các em lòng yêu nước Nga ».

 

Ban đầu các vụ trấn áp chỉ nhắm đến những cá nhân bị coi là mối đe dọa cho an ninh nhưng sau đó được áp dụng với « bất kể ai bị coi là phản đối Nga chiếm đóng ». Vẫn theo báo cáo được AFP trích dẫn, chính quyền chiếm đóng « cắt » truyền hình, phát thanh, internet và mạng điện thoại di động của Ukraina và chuyển sang các mạng của Nga để dễ « kiểm soát thông tin trên mạng ». Người dân ở những vùng này « được khuyến khích » tố giác nhau, khiến « họ sợ chính cả những người bạn và hàng xóm của mình ».

 

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng lo ngại chính quyền Kiev truy bức những người Ukraina từng hợp tác với quân Nga, kể cả những người làm trong lĩnh vực « dịch vụ trọng yếu » ở các vùng lãnh thổ miền đông và nam mà Kiev chiếm lại được.

 

Về tình hình chiến sự, Ukraina cho biết Nga đã bắn 31 tên lửa vào thủ đô Kiev sáng sớm 21/03, khiến ít nhất 17 người bị thương. Đây là vụ tấn công quy mô lớn đầu tiên kể từ tháng 2, sau khi Matxcơva thề trả đũa các vụ tấn công vào lãnh thổ Nga ở khu vực biên giới. Ngay lập tức, tổng thống Volodymyr Zelenky kêu gọi phương Tây tỏ « thiện chí chính trị », cung cấp hệ thống phòng không hiện đại cho Ukraina, như hệ thống Patriot của Mỹ.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGA - UKRAINA - TRA TẤN

Chuyên gia LHQ : Tra tấn là « chính sách có chủ ý » của Nga trong chiến tranh Ukraina

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Ukraina xây dựng tuyến phòng thủ 2000 km chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài

 

PHÁP - NGA - CHIẾN TRANH

Tổng thống Pháp Macron: Nga ‘‘sẽ không dừng ở đó’’ nếu chiến thắng tại Ukraina

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats