Friday, 8 March 2024

KHI MẸ MẤT TÔI MỚI HIỂU : BÀ BIẾT RÕ CỘNG SẢN HƠN NGÀN LẦN TÔI (Phạm Thanh Nghiên)

 



Khi mẹ mất tôi mới hiểu: Bà biết rõ cộng sản hơn ngàn lần tôi

Phạm Thanh Nghiên

7 tháng 3, 2024

 https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tan-man/khi-me-mat-toi-moi-hieu-ba-biet-cong-san-hon-ngan-lan-toi/

 

Tôi không bao giờ  quên hình ảnh mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế sofa, lặng lẽ nhìn con mình, tay bị còng, bước ra khỏi căn nhà quen thuộc. Sau khi ra tù, tôi đã ghi lại giây phút ngắn ngủi trong biến cố lớn lao của cuộc đời mình, thế này:

 

“Tay bị còng, tôi cúi xuống hôn mẹ. Một cái hôn vội vã. Bà vẫn ngồi yên trên chiếc ghế hàng ngày bà vẫn ngồi, hời hợt đáp lại nụ hôn của tôi. Bà quan tâm đến những kẻ bắt con bà hơn:
-Như vậy là các anh đã bắt con tôi về tội yêu nước.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/429922470_1792923861213178_8217935163668945919_n.jpg

Tôi và mẹ trong một lần cùng lên tiếng (Ảnh: FB Phạm Thanh Nghiên)

 

Câu nói ấy đã khích lệ tôi suốt bốn năm tù. Phải nhiều ngày sau tôi mới lý giải được vì sao lúc đó bà không đứng dậy tiễn tôi. Không phải không muốn, mà khi đó mẹ tôi đã không còn đủ sức để đứng lên. Sức lực còn lại bà đã dồn cả vào câu nói cuối cùng để không chỉ kết tội những kẻ đã bắt con bà, mà là sức mạnh truyền sang cho tôi.

 

Nhưng sau này ra tù, nghe kể lại tôi mới biết. Các chị tôi kể, sáng hôm ấy, khi nhìn thấy chiếc xe thùng đậu bên ngoài, mẹ tôi biết ngay điều gì sẽ xảy ra. Nhân lúc điện thoại còn chưa bị cúp, bà gọi các chị tôi, dặn không được ghé nhà. Bà sợ các chị thương em, không nhịn được, lại nói dăm ba câu đôi co với công an, không khéo bị họ thù, rắc rối to. Ở Việt Nam, nếu “một người làm quan cả họ được nhờ” thì một người mang danh chống chế độ cũng khiến cả nhà, thậm chí họ hàng, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm bị liên lụy. Mẹ tôi lo là vậy.

 

Buổi chiều, sau khi tôi đã bị đưa đi, mẹ tôi vẫn không cho các chị về. Sáng hôm sau, không còn bóng dáng viên công an nào lảng vảng quanh nhà, mẹ tôi mới gọi các chị tới. Các chị kể: “Vừa bước vào nhà, nhìn thấy mẹ hốc hác, chân tay run rẩy mới thấy mình ngu. Không hiểu sao hồi ấy mẹ dặn thế mà cứ nghe theo răm rắp, chả thắc mắc gì. Lẽ ra lúc đó càng phải chạy về với mẹ. Khổ thân mẹ, một mình phải chống chọi với lũ đầu trâu mặt ngựa. Nghĩ đến, ân hận mãi”.

 

Không biết phải mất bao lâu mẹ tôi mới đứng lên được, sau lúc tôi bị đưa đi. Bà đã một mình trải qua những giờ phút khủng khiếp nhất, cô đơn nhất, buồn thảm nhất trong cuộc đời. Nhưng không chỉ có lần ấy, trải qua hai thời cộng sản, mẹ tôi đã gần như một mình chống chọi với mọi sóng gió, mọi biến cố trong suốt cuộc đời, từ thời thơ ấu đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

 

Mẹ tôi sinh ở làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, cùng quê với cụ Mạc Đăng Dung- vị Hoàng đế sáng lập ra triều nhà Mạc. Mẹ tôi là út trong một gia đình nông dân nghèo có bốn người con, quanh năm thiếu thốn. Năm mẹ tôi lên hai tuổi, bà ngoại tôi qua đời. Hai năm sau, ông ngoại tôi cũng ra đi sau một thời gian bạo bệnh. Mẹ tôi thành trẻ mồ côi.

 

Suốt tuổi thơ đến lúc trưởng thành, mẹ tôi phải ở đợ, hoặc làm con nuôi cho hết nhà này đến nhà khác. Giống như mọi làng quê khác ở Miền Bắc đầu thập niên 50 thế kỷ trước, cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất xồng xộc kéo đến, biến ngôi làng Cổ Trai hiền hòa thành nơi giết chóc, thù hận, hoảng loạn với những cuộc đấu tố man rợ.

 

Mẹ tôi được lùa ra sân đình để đấu tố cha mẹ nuôi, một gia đình nông dân có vài mẫu ruộng, một con trâu, đủ để bị liệt vào thành phần địa chủ ác ôn cần bị “tòa án nhân dân” xử tử. Bà kể, cán bộ hỏi đi hỏi lại mấy câu đại ý như, có bị chủ bỏ đói, bị đánh đập, ngược đãi không.

 

Khi mẹ tôi trả lời không, họ lại mớm lời, kiểu như là phải tố, dù chẳng có tội gì. Mẹ tôi quả quyết: “Bố mẹ nuôi đối xử tốt với tôi. Ông bà thương con đẻ thế nào thì thương tôi như thế. Tôi không bị bỏ đói, không bị mắng chửi hay đánh đập”. Thuyết phục không được, đến tối họ đành cho mẹ tôi về. Bà kể, lần đó ai cũng nghĩ mẹ tôi bị bắt đi luôn. Trong làng, có người không chịu tố điêu nên bị đánh đập, bị nhốt qua đêm. Thấy mẹ tôi về, ai cũng mừng. Ông bà chủ, người nhận mẹ tôi làm con nuôi, khóc như mưa như gió. Họ biết rằng, chỉ một lời tố điêu của mẹ tôi, họ sẽ bị lôi ra trước bàn dân thiên hạ, bị đấu tố, bị tra tấn, đọa đày bằng những cách thức man rợ vượt xa sự chịu đựng của con người, trước khi bị hành quyết.

 

Tôi tò mò hỏi: “Thế hồi đấy mẹ không sợ à?”. Mẹ tôi đáp: “Họ đối xử tốt thì mình nói tốt. Họ không ngược đãi, không đánh đập chả lẽ lại bảo họ đánh. Có sao nói vậy. Sự thật thế nào nói thế ấy thì việc gì phải sợ”.

 

Và mẹ tôi không sợ thật. Mấy chục năm sau, bà cũng không sợ.

 

Khi tôi đã yên vị trong tù thì ở nhà, từ mẹ, các anh chị (dâu, rể, trai, gái) đến các cháu của tôi, đều bị công an triệu tập, thẩm vấn. Suốt mấy tháng trời, các anh chị tôi không làm ăn gì được. Đang đi làm cũng bị công an gọi, đang ngủ cũng bị dựng dậy, lôi đi bất cứ lúc nào. Công an thậm chí còn rình mò, đứng đợi sẵn ở cổng trường, chờ mấy đứa cháu tôi tan học rồi chở chúng đến trụ sở công an tra hỏi.

 

Không chỉ thẩm vấn, hoạnh họe những điều vô lý, họ còn đe bắt thêm người này, nhốt thêm người kia nếu không chịu khai báo hay tố thêm tội cho tôi. Nghe người nhà kể lại các cuộc làm việc với công an, tôi vừa thương, vừa cảm động. Nhưng thương nhất, cảm phục nhất vẫn là mẹ tôi. Bà bị đưa vào căn phòng thẩm vấn của Cơ quan An ninh Điều tra, xung quanh là những viên công an mặt mũi bặm trợn, nắm quyền sinh sát đối với không biết bao nhiêu người dân vô tội, mẹ tôi vẫn giữ thái độ bình thản, không chút sợ sệt.

 

Bà tuyên bố: “Tôi có bảy đứa con. Tôi sẵn sàng hy sinh một đứa cho đất nước. Các anh bắt nó vào tù rồi, thích đánh thích giết thì cứ việc. Nếu nó chết, tự tay tôi sẽ chôn con mình. Hy sinh một đứa, tôi vẫn còn sáu đứa con khác. Tôi nói rõ ràng như thế cho các anh hiểu. Từ nay đừng làm phiền các con tôi nữa, để chúng làm ăn. Muốn gì, các anh cứ gặp tôi. Muốn bắt già này, cứ bắt. Đằng nào tôi cũng sống đủ rồi. Ngoài 70 tuổi chết được rồi”.

 

Sau lần ấy, không ai trong gia đình tôi bị lôi lên thẩm vấn nữa. Thi thoảng, công an gọi điện thoại cho anh trai tôi, nhưng lần nào cũng dặn kỹ “đừng cho bà biết là tụi em gọi điện nhé”.

 

Mẹ tôi đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió với những biến cố không dễ gì vượt qua. Bà đã chiến thắng, bằng chính sức lực của mình với sự khiêm nhường, đơn sơ nhưng cũng đầy cương cường, quyết liệt. Gia tài mà bà để lại cho con cháu, không phải tiền bạc hay tài sản gì đáng giá, mà là tình yêu thương và lòng tự hào là một người sống thật với lẽ phải. Tôi tự hào là con của mẹ. Tự hào mình là người Việt Nam.





No comments:

Post a Comment

View My Stats