Wednesday, 27 March 2024

GIẢI PHÁP CHO KHỦNG HOẢNG KINH TẾ VÀ DÂN SINH (Tùng Phong / Blog VOA)

 



Giải pháp cho khủng hoảng kinh tế và dân sinh

Tùng Phong  /  Blog VOA

26/03/2024

 https://www.voatiengviet.com/z/7707

 

Việt Nam không thể phát triển khi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia để nuôi những khối u mang tên Bất Động Sản, phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ các siêu đại gia BĐS và ngân hàng.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-9198-08dc3d181211_w1023_r1_s.jpg

Việc tiếp tục tập trung nguồn lực xã hội vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán chỉ để thỏa mãn lòng tham không đáy của các nhóm lợi ích sẽ chỉ dẫn đến thảm họa.

 

 

 

Khủng hoảng không thể giải quyết bằng nghị quyết và hội thảo

 

Truyền thông trong nước đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị “triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” vào ngày 14 tháng Ba, 2024.

 

Trước đó 2 ngày, văn phòng thủ tướng gửi công văn hỏa tốc tới 18 doanh nghiệp, tập đoàn và hầu hết lãnh đạo các ngân hàng được mời tới dự hội nghị này. Hầu hết đều là những “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh, Becamex, Hoàng Quân, Phát Đạt… Chỉ có hai công ty công nghệ, sản xuất là FPT, Masan trong tổng số 18 doanh nghiệp (DN) tham gia hội nghị.

 

Nội dung hội nghị xoay quanh vấn đề nhằm tháo gỡ nguồn vốn, khoanh nợ, giãn nợ, các thủ tục pháp lý cho những đại gia BĐS. Những vấn đề này thực ra không có gì mới. Hàng trăm hội nghị, hội thảo với nội dung tương tự đã được tổ chức ở 63 tỉnh thành, bộ ngành cho đến trung ương, cấp chính phủ trong suốt năm 2023.

 

Chỉ riêng trong năm 2023, khoảng 20 nghị quyết, nghị định, chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ còn thành lập các tổ công tác trực thuộc Thủ tướng, mỗi địa phương cũng thành lập tổ công tác do Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) đứng đầu. Đầu năm 2024, Luật Đất đai sửa đổi mới được thông qua. Theo đó, một số các chính sách mới được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy “Cầu” thị trường như việc cho Việt kiều mua nhà, đất ở Việt Nam, cho phép cấp quyền sử dụng đất rộng rãi cho nhiều đối tượng mà trước đây sẽ khó đáp ứng các điều kiện pháp lý… Thế nhưng, rõ ràng thực tế hoàn toàn không như chính phủ và các đại gia mong đợi. Số lượng các doanh nghiệp BĐS phá sản và rời thị trường ngày một tăng. Mức tiêu thụ của thị trường nhìn chung vẫn rất thấp, không cải thiện được gì đáng kể.

 

Thế nhưng, hết năm 2023, ghi nhận có khoảng gần 5000 doanh nghiệp BĐS rời thị trường. Trong đó, 1.286 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022; 3.705 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi số doanh nghiệp thành lập mới đạt 4.725, giảm 45% và chỉ còn khoảng 20% môi giới BĐS đang hoạt động. Tổng Cục Thống kê (GSO) cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, 2.280 doanh nghiệp bất động sản đã ngừng hoạt động. Trong số đó, 248 doanh nghiệp BĐS giải thể, so với 235 doanh nghiệp của cùng kỳ năm trước.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 3,58% trong cơ cấu GDP của Việt Nam trong năm 2021. Trong năm 2022, ngành này đóng góp 3,46%, tương đương hơn 328.000 tỷ đồng.. Thế nhưng, tín dụng cho BĐS lại chiếm tới 21,46% tổng dư nợ của nền kinh tế. (Trong thực tế, con số này lớn hơn nhiều vì phần lớn vay tiêu dùng và sản xuất, thương mại cũng đổ vào BĐS). Theo bà Giang Thu Hà, Vụ trưởng vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết “Đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế”.

 

Những nghị quyết, nghị định, hội thảo như vừa hôm 14 tháng Ba vừa qua thực sự là vô nghĩa nếu không nói là hoàn toàn lạc đề với những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều mà nền kinh tế Việt Nam phải đối diện.

 

 

Những con số không bao giờ có trong báo cáo chính phủ

 

Nhờ vào lượng xuất siêu lớn, đầu tư FDI gia tăng đáng kể và chỉ số GDP tăng trưởng 5,02%, ông Thủ tướng vẫn có thể khoe về “thành tích” kinh tế vĩ mô. Nhưng hãy nhìn rõ đằng sau những con số tăng trưởng đấy là gì.

 

Dù GDP tăng 5,02% và xuất siêu cao nhưng cần nhắc lại rằng con số GDP này đã được điều chỉnh tăng thêm 25,4% kể từ năm 2019. Chính vì điều chỉnh GDP tăng thêm nên tỷ lệ Nợ công/GDP đã giảm “shock” kể từ 2019. Cụ thể là, Nợ công/GDP năm 2017 là 62,6%, năm 2018 là 63,9%. Sau khi GSO “tính lại” GDP, con số Nợ công/GDP đã giảm xuống chỉ còn 56,1%. Thế nhưng con số Nợ chính xác thì vẫn còn nguyên và tiếp tục phình to.

 

Năm 2020, ghi nhận tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 8,79 triệu tỷ đồng, tương đương $382,17 tỷ qui đổi. Nếu so sánh với GDP năm 2020 là $346,6 tỷ, thì tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tương đương 110,2% GDP. Đến năm 2023, tổng dư nợ nền kinh tế là 13 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng $541,67 tỷ theo tỷ giá qui đổi. GDP của Việt Nam năm 2023 là $430 tỷ. Nghĩa là tổng dư Nợ tín dụng của nền kinh tế tương đương 125,97% GDP quốc gia. Trung bình mỗi năm, Nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm 1,05 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng $43,8 tỷ/năm. Từ 2020 đến 2023, trung bình mỗi năm GDP tăng thêm $20,85 tỷ. Trong khi đó, Nợ tín dụng mỗi năm tăng $43,8 tỷ. Như vậy là Nợ tín dụng tăng gấp hơn 2 lần tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2020 - 2023. Điều đó, lý giải một phần cho bong bóng BĐS và chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn này.

 

Giới chức Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc điều hành chính sách tiền tệ là “giật cục” và “Ngân hàng nhà nước như đang đi trên dây”. Việc các kênh tài chính như trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp đang khủng hoảng nghiêm trọng bởi những sai phạm, lừa đảo bị phanh phui sẽ khiến cho áp lực tín dụng đối với khối ngân hàng ngày càng càng căng thẳng trong thời gian tới. Trên thực tế là Tổng dư nợ tín dụng đã quá cao và Nợ xấu thực chất đã phình to hơn nhiều so với những con số bị che đậy bởi Thông tư 02.

 

Ngày 24 tháng 1, năm 2024, tờ thesaigontimes.vn đã đăng tải một bài phân tích rất đáng chú ý của chuyên gia thống kê và kinh tế vĩ mô Bùi Trinh, có tựa: Phân tích thay đổi cấu trúc GDP của Việt Nam từ 2010-2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhưng chưa mạnh”. Bài viết cho biết:

 

“…Từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất chung của nền kinh tế đều sụt giảm trong giai đoạn 2016-2023 so với giai đoạn 2007-2015. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ lệ này giảm từ 34,7% ở giai đoạn 2007-2015 xuống chỉ còn 21,7%. Hơn nữa nhóm ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đối với nền kinh tế thấp và ngày càng thấp.

 

Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà nền kinh tế Việt Nam nhận được ngày càng nhỏ đi, nó cũng cho thấy tình hình sản xuất của nhóm ngành này ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện hơn. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm, từ 68% giai đoạn 2007-2015 xuống 63% giai đoạn 2016-2023.

 

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể trong hai giai đoạn cho thấy, xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm (giảm 13,3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (tăng 52%). Với cấu trúc ngành như vậy, chứng tỏ hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít….Công nghiệp hóa theo hướng phát triển rộng, thay vì đi vào chiều sâu, có thể chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu.

 

Với những phân tích về tỷ lệ Nợ công/GDP; Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế/GDP và những vấn đề về cấu trúc GDP cho thấy tất cả những “cơ cấu lớn” hoàn toàn không được “đảm bảo” hay “đẹp” như những gì ông Phạm Minh Chính thường xuyên phát biểu trên truyền thông. Việc ông thủ tướng đang cố ép khối ngân hàng thương mại dốc hầu bao để cứu thị trường BĐS và các đại gia trong ngành sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng vốn đang như “trứng mỏng”, có thể sụp đổ và kéo theo cả nền kinh tế.

 

 

Những chính sách “giấu rác dưới thảm” và giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và dân sinh

 

Việc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục kéo dài thời hạn của Thông tư 02 cho phép giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ cho các “ông lớn” BĐS, kỳ thực là “giấu rác dưới thảm” và tô hồng cho báo cáo kết quả kinh doanh của khối ngân hàng thương mại. Điều này cho phép che đậy Nợ xấu thực sự và đẩy rủi ro cho tương lai. Như một chuyên gia nào đó đã so sánh giống như việc tháo đồng hồ đo nhiệt độ khi cỗ máy đang quá nóng. Tất cả những “giải pháp” như vậy chỉ tích tụ các rủi ro cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong tương lai.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Chính phủ của ông Phạm Minh Chính tiếp tục dồn sức vào việc “giải cứu” ngành BĐS và các đại gia trong ngành và tô hồng bức tranh kinh tế với những lời nhận xét như “nền kinh tế đang thực sự phục hồi”.

 

Thực tế khắc nghiệt mà giới chức Việt Nam dường như đang né tránh nhắc đến là có tới 172.000 doanh nghiệp đã phá sản, đóng cửa trong năm 2023. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2024, 63.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường. Con số này tương đương với ½ số doanh nghiệp đóng cửa năm 2021. Khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa đang đứng trước áp lực chưa từng có bởi làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, với sức cạnh tranh vượt trội về cả giá cả, chất lượng, lẫn dịch vụ bán hàng thông qua mạng lưới thương mại điện tử như SHEIN, Lazada, Tiki, Shopee, Chotot…

Nếu chính phủ ông Phạm Minh Chính không quan tâm vấn đề này thì sẽ có một cuộc khủng hoảng khác với hậu quả lớn hơn nhiều sự sụp đổ của thị trường BĐS, đó là khủng hoảng về dân sinh do tỷ lệ thất nghiệp không thể tưởng tượng được, sẽ nhanh chóng xảy ra. Thay vì “giải cứu” các siêu gia BĐS đang làm nghèo đất nước, những chính sách thực sự hướng đến 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 700 ngàn doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ - lực lượng tạo ra 80% việc làm- mới là gốc rễ cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Đó cũng là điều quyết định sống còn cho nền kinh tế Việt Nam đang rung lắc tới tận nền móng.

 

Việc tiếp tục tập trung nguồn lực xã hội vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán chỉ để thỏa mãn lòng tham không đáy của các nhóm lợi ích sẽ chỉ dẫn đến thảm họa. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tốt nhất là lời khuyên của tiến sĩ Alan Phan cách đây 11 năm: “Giới BĐS đã “tự đặt cho mình một vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế chung” nhưng thực tế là “không có Mợ thì chợ vẫn đông” ; “Hiện tại, họ không đóng góp chút gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực không nhỏ.”

 

Lời khuyên cuối cùng là, hãy để BĐS… chết đi. Có lẽ, các lãnh đạo Việt Nam nên đọc lại bài phỏng vấn này. Việt Nam không thể phát triển khi dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia để nuôi những khối u mang tên Vingroup, Novaland, Sungroup… phục vụ lợi ích một nhóm nhỏ các siêu gia BĐS và ngân hàng. Cách tốt nhất là hãy để chúng tự sinh, tự diệt theo qui luật thị trường. Điều quan trọng và cấp thiết giờ đây là sinh kế và dân sinh. Nền kinh tế cần được cơ cấu lại, nguồn lực cần được tập trung cho khối doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, nông nghiệp và công nghệ thông tin, cho đến những ngành có ưu thế tài nguyên tự nhiên như chất bán dẫn. Con đường phát triển không bao giờ có đường tắt. Nên trước khi nói đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, điều đầu tiên là …đừng để cúp điện.

·       

 

Tùng Phong






No comments:

Post a Comment

View My Stats