Friday, 1 March 2024

CHIẾN TRANH UKRAINE : TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI HỢP TÁC QUÂN SỰ PHÁP - ĐỨC (Phan Minh / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : Tác động đối với hợp tác quân sự Pháp-Đức

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 29/02/2024 - 09:14

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240229-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-ph%C3%A1p-%C4%91%E1%BB%A9c

 

Theo thông lệ trong truyền thống hữu nghị lâu đời giữa Pháp và Đức, sau khi nhậm chức, thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã mở chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Berlin ngày 05/02/2024. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Đức Olaf Scholz, ông Attal thừa nhận hai nước có những bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm cả việc đàm phán hiệp định thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

 

https://s.rfi.fr/media/display/0683ea3c-b77b-11ed-9060-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23048657786874.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 08/02/2023. © AP / Sarah Meyssonnier

 

Hai nước cũng có những bất đồng trong lĩnh vực hợp tác quân sự song phương. Những bất đồng này không phải mới xuất hiện, nhưng đã nổi lên trở lại trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, kéo theo việc tổ chức lại cấu trúc an ninh châu Âu.

 

Trong 2 năm qua, Liên Hiệp châu Âu (EU) đã đưa ra một số sáng kiến ​​để các nước cùng sản xuất đạn dược (thỏa thuận ASAP được ký kết vào tháng 07/2023) và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu (kế hoạch EDIRPA được công bố vào tháng 09/2023). Nhưng những sáng kiến vẫn chưa giải quyết được mối liên hệ quốc phòng châu Âu với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraina đã làm lộ rõ sự phụ thuộc của châu Âu vào Washington, cả về mặt chiến lược, hậu cần cũng như năng lực.

 

Trong bối cảnh đó, cuộc chiến ở Ukraina có tác động như thế nào đến hợp tác quân sự Pháp-Đức trên bình diện chính trị-chiến lược ?

 

 

Một cuộc khủng hoảng bộc lộ những bất đồng chiến lược trước đây

 

Sự thật là chiến lược quân sự của Pháp và Đức rất khác nhau. Quân đội và chính sách quốc phòng được định hình bởi lịch sử của mỗi nước và hoạt động của hệ thống chính trị nội bộ không đóng cùng một vai trò và không thực hiện các chức năng giống nhau, ngoài chức năng cơ bản là bảo vệ lãnh thổ và bảo đảm an ninh cho người dân.

 

Quân đội viễn chinh Pháp, thừa kế một truyền thống lịch sử lâu đời, có rất ít điểm tương đồng với quân đội Đức (Bundeswehr) được thành lập vào năm 1955 trong khuôn khổ của NATO để đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô trong thời gian Chiến Tranh Lạnh.

 

Mặc dù những năm cuối của nhiệm kỳ Merkel không xóa bỏ được những bất đồng chiến lược giữa Paris và Berlin, song dường như hai bên đã hướng tới ý tưởng về một hệ thống phòng thủ châu Âu vững chắc hơn bên cạnh NATO.

 

Tuy đã đạt được đồng thuận Munich vào năm 2014, với việc Berlin chấp nhận đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn về an ninh và quốc phòng quốc tế, Pháp vẫn xem Đức là đối tác quá thận trọng trong các vấn đề này. Nhiều chuyên gia Pháp từ lâu đã coi Đức là “cường quốc không đáng tin cậy”.

 

Việc Nga xua quân xâm lược Ukraina ngày 24/02/2022 dường như đã làm thay đổi cục diện : Ba ngày sau, thủ tướng Đức tuyên bố thời thế đã thay đổi (Zeitenwende). Đức nhận thức được rằng một cuộc chiến tranh quy ước có thể nổ ra ở châu Âu, nhưng từ quá lâu, Berlin đã không chú tâm đến ngân sách cũng như năng lực quốc phòng, bất chấp những lời chỉ trích thường xuyên của các ủy viên Quốc Phòng của Quốc Hội Đức, nhấn mạnh đến tình trạng đáng báo động của quân đội Đức.

 

Pháp coi đây là cơ hội để cuối cùng có thể hợp tác hiệu quả hơn với Đức về mặt quốc phòng và thậm chí thúc đẩy chính sách quốc phòng của châu Âu thông qua sáng kiến La bàn chiến lược châu Âu được công bố vào tháng 03/2022, vốn được triển khai vào thời điểm Đức làm chủ tịch luân phiên của Hội Đồng châu Âu vào năm 2020.

 

Nhưng rất nhanh chóng, những bất đồng chiến lược giữa Pháp và Đức lại bộc lộ : Paris nhận định cuộc chiến ở Ukraina càng cho thấy Liên Hiệp châu Âu cần phải thiết lập một hệ thống phòng thủ vững chắc dựa vào lực lượng của chính mình, trong khi Đức, giống như đa số các quốc gia châu Âu khác, lại chủ trương là khối NATO phải được củng cố.

 

Sự bất đồng này được phản ánh cụ thể qua việc thủ tướng Đức đưa ra sáng kiến ​​phòng không châu Âu (Sáng kiến ​​lá chắn bầu trời châu Âu) mà không tham vấn với Paris. Berlin quay lưng lại với hệ thống phòng thủ của Pháp và Ý (SAMP/T) và chọn hệ thống của Israel được Washington hậu thuẫn (Arrow 3).

 

Đức cũng mua sẵn các thiết bị quân sự của Mỹ (đặc biệt là chiến đấu cơ F-35), thể hiện rõ lập trường không lay chuyển của Berlin là một trụ cột trong khối NATO. Ngoài ra, Đức cùng với một số quốc gia châu Âu khác như Ba Lan hay các nước vùng Baltic cũng tỏ ra ngờ vực với lập trường của Pháp mong muốn một châu Âu tự chủ về chiến lược phòng thủ.

 

Tuy nhiên, Pháp cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc củng cố trụ cột châu Âu trong khuôn khổ NATO nhằm đối thoại tốt hơn với các đối tác cùng châu lục. Nhưng hy vọng về một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của Đức đã nhanh chóng bị dập tắt do thái độ chần chừ của thủ tướng Scholz trong việc chuyển giao xe tăng chiến đấu cho Ukraina vào tháng 01/2023, thể hiện sự mơ hồ của Berlin về các vấn đề quân sự, tuy đã giải ngân số tiền 100 tỷ đô la để tái vũ trang quân đội Đức.

 

 

Sự phối hợp song phương suy giảm

 

Một số yếu tố có thể giải thích cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Pháp và Đức. Trước hết là quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, vốn đóng vai trò then chốt trong bang giao song phương, không được hữu hảo cho lắm. Mặc dù mối quan hệ giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng hoặc giữa cựu ngoại trưởng Pháp và người đồng cấp Đức dường như tốt đẹp, nhiều nhà quan sát chú ý đến sự thiếu thân thiết giữa tổng thống Macron và thủ tướng Scholz.

 

Do đó, việc thủ tướng Đức không đề cập đến Pháp trong bài phát biểu tại Praha vào tháng 08/2022 về tương lai của châu Âu cũng như không tham vấn đồng minh truyền thống trong việc soạn thảo chiến lược an ninh đầu tiên của Đức, được công bố vào tháng 06/2023, đã xác nhận những căng thẳng nhất định giữa Pháp và Đức, dẫn đến việc trì hoãn và giảm tần suất của những cuộc họp hội đồng bộ trưởng giữa hai nước vào năm 2022 và 2023.

 

Tương tự như vậy, về viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraina, hai nước không phối hợp cùng nhau, mà hành động thông qua mối quan hệ song phương trực tiếp với Kiev. Đức đã đóng góp 20 tỷ euro cho khoản viện trợ này (bao gồm 17 tỷ euro viện trợ quân sự) kể từ năm 2022, trong khi Pháp cho đến nay mới chi ra khoảng 1,7 tỷ euro (bao gồm 544 triệu euro viện trợ quân sự), theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới ở Kiel. Nhân chuyến công du Paris của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngày 15/02, Pháp đã cam kết viện trợ quân sự bổ sung 3 tỷ euro cho Kiev, còn Berlin đã hứa viện trợ thêm cho Kiev 1 tỷ euro.

 

 

Tương lai của đối tác Pháp-Đức về mặt quốc phòng ?

 

Các đối tác của Paris và Berlin trước đây thường xuyên chỉ trích sức nặng của cặp Pháp-Đức trong cấu trúc châu Âu, nhưng bây giờ chính sức nặng này là điều kiện thiết yếu để xây dựng sự đồng thuận ở Bruxelles, kể cả trong lĩnh vực quân sự.

 

Một trong những bài học của cuộc chiến Ukraina là tầm quan trọng của việc chú ý hơn tới lợi ích an ninh của các nước vùng Baltic và các nước Trung và Đông Âu, vốn chỉ trích gay gắt thái độ bị cho là quá nhu nhược của Paris và Berlin đối với Matxcơva kể từ khi nổ ra chiến tranh. Mối quan hệ Pháp-Đức-Ba Lan đã trở nên bớt căng thẳng hơn nhờ sự xuất hiện của chính phủ Ba Lan thân châu Âu sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào mùa thu năm 2023.

 

Yếu tố thứ hai giúp cho Pháp và Đức có thể xích lại gần nhau là Hoa Kỳ : Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể thúc đẩy châu Âu tăng cường khả năng phòng thủ nếu Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, đặc biệt sau những tuyên bố mà ông đưa ra vào tháng 2 về sự đóng góp yếu kém của một số nước châu Âu cho ngân sách quân sự của NATO. Giai đoạn Trump tại chức ở Nhà Trắng từ 2016 đến 2020 đã giúp châu Âu đạt được những tiến bộ đáng kể về chính sách quốc phòng.

 

Ngay cả trong trường hợp đảng Dân Chủ của tổng thống Joe Biden giành chiến thắng, Paris và Berlin vẫn có thể xích lại gần nhau thông qua việc hợp tác dựa trên khái niệm về một trụ cột châu Âu trong NATO. Pháp cũng đã chứng minh thiện chí của mình với việc đầu tư rất tích cực để đóng góp cho sự hiện diện của NATO ở sườn phía đông châu Âu nhằm chống lại mối đe dọa từ Nga.

 

Hai nước chắc chắn vẫn sẽ có những bất đồng, đặc biệt là những bất đồng về công nghiệp, nhưng hợp tác quân sự giữa Pháp và Đức có thể linh hoạt trở lại thông qua con đường chính trị. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không chắc chắn : Trong bối cảnh sắp đến kỳ bầu cử Nghị Viện châu Âu và bầu cử cấp quốc gia, phe dân túy lại càng khai thác những khủng hoảng kinh tế và xã hội để lôi kéo cử tri.

 

Nguồn : The Conversation

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - ĐỨC

Thủ tướng Pháp công du Đức nhằm tái thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của châu Âu

 

PHÁP - ĐỨC

Kỷ niệm 60 năm hòa giải, lãnh đạo Pháp-Đức phô trương tình đoàn kết song phương

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Paris – Berlin rạn nứt : Do chiến tranh Ukraina hay vì Pháp suy yếu ?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats