Hồ Anh Thái
Thứ
Hai, 11 tháng 3, 2024
https://vandoanviet.blogspot.com/2024/03/cai-nhin-tu-phia-ben-kia.html
Mạc
Ngôn là nhà văn đương đại nổi bật ở Trung Quốc, đoạt giải Nobel văn học năm
2012. Trước đó, ở Việt Nam sách của ông được dịch nhiều và rất được quan tâm, đặc
biệt là những tiểu thuyết đặc sắc như Báu vật của đời, Đàn hương hình.
Lưu tâm đến những vấn đề đương đại của Trung
Quốc, Mạc Ngôn đã tiếp cận vấn đề chiến tranh biên giới Việt – Trung từ năm
1979. Sau khi quan hệ hai nước được bình thường hóa vào năm 1991, Mạc Ngôn trăn
trở trước tâm tư của cựu chiến binh và của người dân Trung Quốc. Năm 1992, ông
viết truyện dài Ma chiến hữu để phản ảnh quan điểm nổi cộm và
nhức nhối trong xã hội, cũng là cách nhìn và thái độ của chính tác giả về cuộc
chiến tranh này.
https://vanviet.info/wp-content/uploads/2024/03/image-14.png
Hình
bìa sách “Ma Chiến Hữu”
Câu
chuyện bắt đầu khi một cựu chiến binh Trung Quốc đi qua chiếc cầu bắc ngang
sông đúng lúc lũ lên ngập cầu. Anh ta nhìn thấy một người ngồi vắt vẻo trên một
ngọn cây. Trèo lên cây thì nhận ra đó là một đồng đội cũ thời chiến tranh biên
giới từ mười ba năm trước.
Người
sống và người chết kể chuyện cho nhau nghe. Người cõi dương sau chiến tranh trở
về chật vật mưu sinh, có người ở vùng quê đói kém, phải ăn khoai trừ bữa, vợ
con nheo nhóc. Người cha già ở vùng quê xa lặn lội xuống phía nam để đào trộm
hài cốt của con mang về quê… Người ở cõi âm thì tập hợp thành sư đoàn, có bầu
bán chỉ huy, họ tiếp tục theo dõi cuộc sống của người dương và tình hình thế sự.
Cuộc
chiến tranh biên giới với Việt Nam chỉ một vài lần nhắc tên Việt Nam với hàm ý
xa xôi, còn lại đều dùng khái niệm cuộc chiến “phía nam” của Trung Quốc. Mạc
Ngôn bày tỏ thái độ trước sự vô nghĩa của chiến tranh và hậu quả nặng nề trong
tinh thần người dân và trong xã hội, nhưng là nhà văn Trung Quốc, tất nhiên ông
không thể thẳng thắn như những trí thức ở xã hội dân chủ phương Tây. Mạc Ngôn vẫn
phải nhắc lại giọng của tuyên huấn quân đội và của chính quyền khi nói đến việc
binh lính đi chống quân “xâm lược” (một lần, trong bản dịch này), đúng như hệ
thống truyền thông Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền.
Các
chiến sĩ từ huyện nhà được đưa đến Côn Minh, rồi tiếp tục “vượt qua không biết
bao nhiêu là núi đèo và đường sá quanh co để đến một khe núi” (trang 15). Khe
núi này ám chỉ lãnh thổ của họ bị phía Việt Nam “chiếm đóng”. Khi vào trận thì
được miêu tả thoáng qua và chua chát thế này: “Một tiểu đoàn thiện chiến của địch
chiếm cứ cao điểm Không Tên với những vũ khí là súng tiểu liên xung kích, trung
liên và pháo cối. Tất cả đều là súng do Trung Quốc chế tạo. Vũ khí Trung Quốc đối
đầu với vũ khí Trung Quốc, thắng hay bại là do con người quyết định” (trang
31). Những người lính Trung Quốc phải phá mìn để tiếp cận một điểm cao (trang
192), úp mở vậy thôi, không nói rõ là điểm cao ở bên nào, nhưng chắc chắn người
đọc Trung Quốc hiểu rằng nó ở bên phía Trung Quốc và Việt Nam tràn sang (thật nực
cười!). Ngay cả nếu Mạc Ngôn biết đấy là đất Việt Nam bị Trung Quốc đánh sang
thì kiểm duyệt Trung Quốc cũng không cho ông viết rõ như vậy.
Chiến
tranh đã thế, còn thời hậu chiến thì sao? Các hồn ma trong truyện theo dõi rất
sát tình hình trên cõi dương và thông báo cho nhau: “Năm ngoái có một công văn
của người sống ghi rõ rằng, những đồng chí tham gia cuộc chiến vừa qua được thưởng
huy chương chiến công hạng ba trở lên sẽ được nhà nước bố trí công tác thích
đáng” (trang 93). Những người lính không có công trạng thì không được may mắn
như vậy, họ sống với thương tật, với thất nghiệp và đói kém. Một anh lính còn sống
thì: “Chuẩn bị báo cáo lên cấp trên để công nhận danh hiệu anh hùng cho nó, nó
lại bảo nó không hề có ý định dùng thân mình để kích nổ những quả bộc phá ấy
đâu… Nó trở về quê với một thân hình đầy thương tích, mặt cũng đã bị phá nát, nằm
chết gí trong làng, ngay cả cái chức chi ủy viên cũng không đến tay nó” (trang
132).
Một
chiến sĩ khác: “Cầu ông bà mãi, cán bộ thôn mới chiếu cố cho làm cái công việc
sai vặt này, mỗi ngày đến đây canh cổng, mỗi tháng lau súng một lần, cuối tháng
nhận chín mươi đồng. Khi thôn đội trưởng đi uống rượu, tớ cũng đi theo để tăng
thêm chút mỡ” (trang 133).
Khi
có tin quan hệ Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu bình thường hóa, một tử sĩ ở dưới
mồ đã khóc: “Tôi càng nghĩ càng cảm thấy mình chết thật oan uổng”. Sư đoàn ở
cõi âm tập hợp để nghe huấn thị: “Có người bình luận không mấy tốt về vấn đề
này, nào là “máu của chúng ta đổ một cách vô ích”, nào là “hy sinh của chúng ta
chẳng có chút giá trị gì”… Những suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Chúng ta là
quân nhân, thiên chức của chúng ta là phục tùng mệnh lệnh, cấp trên bảo chúng
ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó. Tình hình thế giới không ngừng
thay đổi, quan hệ giữa các nước với nhau cũng không ngừng thay đổi. Ngày ấy
chúng ta và họ dùng súng đạn để nói chuyện với nhau, qua đó mà mới có được hòa
bình hôm nay. Nhân dân không có oán thù gì với nhau, chiến tranh và hòa bình đều
là biểu hiện của tình hình chính trị…” (trang 171).
Mạc
Ngôn mượn lời của tuyên huấn, nhưng trong đó phản ảnh nỗi ưu tư của ông về việc
“cấp trên bảo chúng ta đánh tới đâu, chúng ta phải xông lên tới đó”. Sự phục
tùng đã biến con người thành cái máy, thành nạn nhân, dẫn đến đổ máu. Sự phản
biện không được nói ra nhưng đã hàm ý trong đó. Tác giả cũng nhắc lại cái ý
“nhân dân không có oán thù gì với nhau”, có thể rất chính trị mà cùng lúc có thể
là thực lòng.
Kết
cục của cuộc chiến tranh biên giới là sự hòa giải, là bình thường hóa quan hệ.
Không chỉ là nguyện vọng của người dân mà còn được sự đồng tình của các tử sĩ ở
cõi âm. Một tử sĩ mơ thấy khi ở dưới mồ: “Buổi tối tớ dẫn tiểu đội đi tuần tra,
không hiểu làm sao tớ lại vượt qua biên giới, bị bốn người bên đối phương chộp
lấy… Tớ chạy đằng trước, họ đuổi theo sau, vừa đuổi vừa gọi: Này, người anh em,
không đánh nhau nữa, đùa với nhau một tí thôi mà”. Rồi hồn ma thấy trong thành
phố vùng biên của Việt Nam, một hình ảnh ẩn dụ của việc lưu thông trao đổi hàng
hóa giữa hai nước: “Những cô gái bên đối phương và những chàng trai bên ta đang
đứng hai bên một đường phố trêu đùa nhau. Các cô gái thì cầm những buồng chuối
ném qua, các chàng trai thì cầm những đôi giày nhựa ném lại; các cô gái thì
mang giày nhựa, các chàng trai thì ăn chuối” (trang 176).
Hầu
hết người dân Trung Quốc không biết gì về cuộc chiến tranh biên giới chống Việt
Nam. Người nào “biết” thì chỉ biết theo quan điểm tuyên huấn rằng họ bị xâm lược
và chiếm đất. Mạc Ngôn đánh động người dân bằng truyện Ma chiến hữu.
Có nhà văn Việt Nam cho rằng với Ma chiến hữu, Mạc Ngôn nợ nhân dân
Việt Nam một lời xin lỗi.
Không
thể mong một nhà văn dưới sự kiểm duyệt của Trung Quốc viết về chiến tranh biên
giới Việt – Trung bằng một quan điểm đúng đắn và công bằng. Mạc Ngôn vẫn phải
mượn những khái niệm tuyên truyền chính thống để viết, nhưng người đọc Việt Nam
có thể ghi nhận sự phản kháng cuộc chiến, sự đau xót và thương cảm những người
dân bình thường bị đẩy vào chiến tranh, sự vô nghĩa và hậu quả của nó còn dai dẳng
trong đời sống của các cựu chiến binh và người dân Trung Quốc nói chung. Và người
Việt Nam cũng cần đọc Ma chiến hữu để hiểu phía Trung Quốc đã
tuyên truyền những gì về cuộc chiến tranh biên giới với người dân của họ.
_______________
Đọc
lại Ma chiến hữu, truyện dài của Mạc Ngôn, Trần Trung Hỷ dịch,
Phương Nam và NXB Văn Học. Sách xuất bản từ năm 2008 cho nên chỉ có thể tìm đọc
trong thư viện hoặc các hiệu sách cũ.
No comments:
Post a Comment