Tuesday, 12 March 2024

BẦU CỬ TỔNG THỐNG NGA : NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG CÁC PHIM TUYÊN TRUYỀN CHO PUTIN (Chi Phương / RFI)

 



Bầu cử tổng thống Nga : Nhà nước đặt hàng các phim tuyên truyền cho Putin

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 11/03/2024 - 11:49

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240311-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%B7t-h%C3%A0ng-c%C3%A1c-phim-tuy%C3%AAn-truy%E1%BB%81n-cho-putin  

 

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga cuối tuần này, (15-17/03/2024), Vladimir Putin đã tài trợ một chiến dịch truyền thông khổng lồ nhằm định hướng dư luận, thúc đẩy cử tri đi bỏ phiếu cho ông, thông qua những bộ phim do nhà nước đặt hàng với nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của điện Kremlin ở Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/14bf7fb6-0d66-11ea-ac33-005056a9aa4d/w:980/p:16x9/matilda_film_2017.webp

Ảnh minh họa: Buổi giới thiệu phim Mathilda tại Matxcơva, Nga, 11/10/2017. REUTERS/Sergei Karpukhin

 

Tuần báo Pháp L’Express liệt kê ra các bộ phim do nhà nước Nga đặt hàng, như phim “Hành khách”, kể về một nhà văn nổi tiếng ở Matxcơva, Nikolai Ryabinin, lang thang qua các chiến hào để tìm kiếm người anh trai đi lính và mất tích ở Donbass vào mùa hè năm 2015. Tại những vùng chiếm đóng, bộ phim miêu tả cảnh những người lính Nga sống hòa thuận với những người Ukraina nói tiếng Nga, nhưng lại bị quấy rối bởi quân đội Ukraina “tàn nhẫn” và “khát máu”. Nhà văn được hình tượng hóa thành vị anh hùng, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng chiến đấu. Phim dự kiến sẽ được phát hành tại tất cả các rạp ở Nga vào ngày 15/03/2024, đúng ngày bắt đầu bầu cử tổng thống.

 

Đây chỉ là một trong những bộ phim về những câu chuyện thời chiến, đã tràn ngập khắp các rạp tại Nga suốt sáu tháng qua. Nhiều bộ phim tập trung vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” của điện Kremlin ở Ukraina, trong đó có phim "Nhân chứng", được quay tại Donbass, theo chân một nhạc sĩ người Bỉ đi lưu diễn ở Ukraina và sau đó bị bắt làm tù binh. Đứng sau song sắt nhà tù, ông trở thành nhân chứng, chứng kiến tội ác của “bọn phát xít Ukraina”. Trong phim, quân đội Ukraina được mô tả với những hành động dã man, như hiếp dâm hay giết những người già ngay giữa đường phố. Sau khi trốn thoát, nhạc sĩ này đã ra làm chứng trên một kênh truyền hình Mỹ, “để đưa sự thật ra trước ánh sáng”.

 

 

"Chiến dịch văn hóa đặc biệt"

 

Theo L’Expess, các bộ phim trên là do nhà nước Nga đặt hàng và tài trợ, bảo đảm “100 % là phù hợp với tư tưởng của điện Kremlin, thể hiện sự dũng cảm của những người lính Nga trước một phương Tây hủ hóa”.

 

Những tài liệu nội bộ của điện Kremlin bị rò rỉ vào cuối tháng Hai nhờ công của các nhà báo Estonia, được nhật báo Anh The Guardian trích dẫn, chỉ ra rằng việc thực hiện các bộ phim tuyên truyền là một phần trong “chiến dịch văn hóa đặc biệt” nhằm thúc đẩy lòng yêu nước trước kỳ bầu cử tổng thống Nga (15-17/03/2024). Tài liệu chỉ ra rằng chính quyền Nga đã bơm hàng trăm tỷ rúp vào các mạng lưới tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, nhằm tạo ra các nội dung tuyên truyền, qua các bộ phim hay các kênh Telegram, các lễ hội cho giới trẻ và thành lập các phương tiện truyền thông tại những vùng chiếm đóng ở Ukraina.

 

Hồ sơ bị rò rỉ, được The Guardian trích dẫn, mô tả : “Thông qua số phận các anh hùng, các tác giả cho thấy việc đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất nền độc lập đã dẫn đến một bi kịch lớn lao như thế nào đối với con người”.

 

Đọc thêm : “Kremlin Leaks" vén lộ cỗ máy tuyên truyền ‘‘chưa từng có’’ của Nga trước bầu cử

 

Ngoài ra, còn có các bộ phim tuyên truyền thể loại viễn tưởng ít bạo lực hơn, nhưng lại đạt được thành công hơn. Những phim này tôn vinh các giá trị truyền thống của nước Nga và sự vĩ đại của Nga. Ví dụ như phim hài với tựa dịch sang tiếng Pháp là Au gré de l’humeur du brochet, thu về 8,5 triệu lượt khán giả vào năm ngoái, nói về một câu chuyện mà nhiều người Nga biết : Cá hồ Baikal có sức mạnh siêu nhiên đã cứu người đồng hành, cứu vương quốc của một sa hoàng Nga bị người Anh đe dọa. Bộ phim nhiều tập Slova Patsana thì nói về những cuộc sống bấp bênh, về các cuộc chiến băng đảng ở Kazan ( thủ đô Cộng Hòa Tatarstan ) trong những năm 1980. Bộ phim có thể được coi là phương tiện giúp nhân cao nhận thức về sự phát triển rõ rệt của Nga từ khi Liên Xô tan rã.

 

Hay một bộ phim khác được Nhà nước Nga tài trợ, kể về Danila, một người lính Nga gia nhập một công ty quân sự tư nhân, mà ai cũng nghĩ ngay đến tập đoàn Wagner. Danila đã tham gia cuộc chiến ở Mariupol. Bạn gái của anh là Alisa, có tư tưởng phản chiến, đã đến vùng chiến sự để tìm bạn trai. Phim được quay tại ở Mariupol vào năm ngoái, giữa những tòa nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công của Nga, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các tập phim đầu tiên đã được phát trên kênh Channel One của Nga vào ngày 23/02, một ngày trước kỷ niệm hai năm cuộc xâm lược Ukraina.

 

Theo The Guardian, bộ phim trên được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Phát triển Internet (IRI) và là một trong loạt phim được lên kế hoạch cho năm nay để đưa nội dung yêu nước lên truyền hình trước cuộc bầu cử. IRI được điều hành bởi Alexey Goreslavsky, một giám đốc truyền thông có liên hệ với điện Kremlin. Việc bổ nhiệm ông Goreslavsky đã khiến nhiều nhà báo theo xu hướng tự do rời khỏi Nga. Cơ quan này đã được cấp 22 tỷ rúp từ ngân sách nhà nước vào năm 2023, bao gồm 18 tỷ rúp cho các dự án liên quan đến bầu cử. Tính đến năm 2023, IRI đã sản xuất hơn 40% tổng số nội dung phim ảnh tại thị trường Nga. Vào tháng trước, ông cho biết : “Chúng tôi sở hữu một thị phần nhất định trong thị trường này, để truyền đạt một cách khá đơn giản và rõ ràng những gì nhà nước cần”.

 

Nhật báo Anh cho rằng “nước Nga dưới thời Putin đã thúc đẩy việc thực hiện các phim tuyên truyền.” Ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, bị quốc tế phản đối, bộ Văn Hóa đã tài trợ thực hiện bộ phim “Crimée” nhằm biện minh cho việc chiếm giữ hòn đảo. Những người thực hiện phim cho biết chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu là người đặt hàng.

 

 

Những phim tuyên truyền thất bại

 

Tuy nhiên, vấn đề là các bộ phim như vậy lại không đạt được thành công tại các phòng vé. Phim Nhân chứng ra mắt vào năm ngoái và thất bại tràn trề, chỉ được 50.000 lượt xem. Các bộ phim khác về chiến tranh có chút tiếng tăm hơn, nhưng cũng khó khăn lắm mới đạt được 500.000 lượt xem, vì “kịch bản kém, dàn dựng cũng kém”, theo nhận định của nhà phê bình điện ảnh Anton Dolin, hiện tị nạn ở Latvia, được L’Express trích dẫn.

 

Tại sao các bộ phim đó lại không ăn khách ? Nhà phê bình văn học Mikhail Kozyrev, trả lời The Guardian, cho rằng “những người theo văn hóa Z , quy tụ những người ủng hộ chiến tranh Nga, thiếu những người có tài năng. Trình độ và tính chuyên nghiệp của các nghệ sĩ ở lại và làm việc tại Nga là rất thấp”. Người xem có thể cảm nhận được đó là một bộ phim “làm theo yêu cầu của nhà nước và không chân thực”.

 

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, hàng trăm nhà làm phim, nhà văn, ca sĩ nổi tiếng đã rời khỏi nước. The Guardian so sánh cuộc di cư này với những con tàu chở những nhà trí thức lớn của Nga đi lưu vong vào năm 1922.

 

Tuy nhiên, phải kể đến một trường hợp ngoại lệ. Đạo diễn Mikhail Lokshin, người Mỹ gốc Nga, với lập trường phản chiến, đã chuyển thể xuất sắc cuốn tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov. Truyện được coi là một trong những thành tựu của văn học thế kỷ 20, mô tả một cách châm biếm thời Liên Xô, với những bình luận gay gắt và phê phán thẳng thắn chế độ độc tài Stalin.

 

Vì sao phim lại được cấp phép phát hành hồi tháng 1 năm nay, đó vẫn là điều bí ẩn, vì nội dung của phim mâu thuẫn với đường lối chính thức của điện Kremlin. Không giống như những câu chuyện chiến tranh, bộ phim này đã nhanh chóng lôi cuốn khán giả, thu về hơn 600 triệu rúp. Trước thành công đó, chỉ trong vài ngày, các blogger ủng hộ chính phủ, các nhân vật thân điện Kremlin trong giới truyền thông bắt đầu đả kích dữ dội đạo diễn Mikhail Lockshin, (hiện đang sống tại Los Angeles), cố làm mất uy tín của bộ phim.

 

Không chỉ qua phim ảnh, các chiến dịch tuyên truyền của Nga còn tràn ngập các kênh truyền hình của nhà nước, khắp các mạng xã hội, với các nội dung đề cao chủ nghĩa dân tộc và hô hào đi bỏ phiếu là “yêu nước” và không bầu cho ai khác ngoài Vladimir Putin.

 

--------------------------------

 

Các nội dung liên quan

NGA-UKRAINA

Bộ máy tuyên truyền Nga mô tả Ukraina như một đất nước "hỗn loạn"

 

HOA KỲ - NGA

Bầu cử Mỹ 2016 : Tuyên truyền Nga trên Facebook tác động đến cả trăm triệu người

 

NGA - BỘ MÁY TUYÊN TRUYỀN

“Kremlin Leaks" vén lộ cỗ máy tuyên truyền ‘‘chưa từng có’’ của Nga trước bầu cử

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats