Wednesday, 4 October 2023

TẠI SAO TẬP CẬN BÌNH KHÔNG TIN TƯỞNG QUÂN ĐỘI? (Joel Wuthnow | Foreign Affairs)

 



Tại sao Tập Cận Bình không tin tưởng quân đội?

Joel Wuthnow  -  Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

04/10/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/10/04/tai-sao-tap-can-binh-khong-tin-tuong-quan-doi/

 

Ý nghĩa thực sự của việc các tướng lĩnh Trung Quốc biến mất là gì?

 

Trong hai tháng qua, hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và ban lãnh đạo lực lượng phụ trách tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBMs) của Trung Quốc. Những vụ việc này gây ngạc nhiên nếu xét đến quan điểm cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và việc ông cam kết loại bỏ tận gốc những hành vi sai trái trong nhiệm kỳ của mình. Trên thực tế, những hành vi sai trái không chỉ tiếp diễn mà còn ảnh hưởng đến một số bộ phận nhạy cảm nhất của PLA, cho thấy giới hạn quyền lực của Tập Cận Bình.

 

Tập, và nói rộng hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từ lâu đã trao cho PLA quyền tự chủ đáng kể để điều hành công việc riêng của tổ chức. Cho phép PLA có mức độ độc lập cao giúp đảm bảo sự tuân thủ chính trị của họ với Tập và đảng. Tuy nhiên, vì không có kiềm chế đối trọng về phía dân sự, nên quyết định này cũng tạo điều kiện cho các hành vi sai trái và trách nhiệm giải trình kém. Dù chưa có thông tin chi tiết về các cuộc thanh trừng gần đây, nhưng chúng phản ánh sự thiếu tin tưởng của Tập đối với một số quan chức cấp cao nhất của mình.

 

Những nghi ngờ về năng lực của cấp dưới và về những đơn vị mà họ đã không quản lý tốt có thể gây áp lực lên tính toán của Tập về những rủi ro khi khơi mào một cuộc xung đột – khiến ông không thể đảm bảo rằng quyết định sử dụng vũ lực sẽ đạt kết quả như mong đợi. Chừng nào Tập còn nghi ngờ những câu chuyện mà các tướng lĩnh kể cho ông nghe về khả năng của họ, thì sự ngờ vực của ông đối với quân đội có thể sẽ đóng vai trò ngăn chặn chiến tranh.

 

BIẾN MẤT

 

Các vụ biến mất đã bắt đầu kể từ tháng 8, khi tư lệnh và chính ủy của Quân chủng Tên lửa được thay thế bằng những cái tên đến từ lực lượng hải quân và không quân, một động thái hết sức bất thường và đã bỏ qua việc đề bạt các sĩ quan cấp thấp hơn của Quân chủng Tên lửa. Điều này trùng hợp với những tin đồn đang lan truyền về nạn tham nhũng và việc bán các bí mật quân sự ở các cấp cao hơn của đơn vị này, dù không có cáo buộc nào được công khai. Vụ việc tiếp theo xảy ra khi người đứng đầu tòa án quân đội bị Quốc hội Trung Quốc cách chức. Sau đó, sang tháng 9, các nhà quan sát nhận thấy Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã nhiều lần không xuất hiện theo lịch trình, xác thực tin đồn rằng ông cũng đang bị điều tra về tội nhận hối lộ về vấn đề mua sắm thiết bị. Lý từng là Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị từ năm 2017 đến năm 2022.

 

Những vụ biến mất này gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát. Tập thường được miêu tả là người đứng đầu quân đội Trung Quốc quyền lực nhất kể từ khi Đặng Tiểu Bình làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) vào những năm 1980. Tập đã hoạt động tích cực trong các vấn đề quân sự ngay từ trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch CMC vào năm 2012. Ông là con trai của một chỉ huy Hồng Quân và đồng minh của Mao Trạch Đông, từng là Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng vào đầu những năm 1980, thường xuyên phối hợp với quân đội trong vấn đề huy động nghĩa vụ khi còn là quan chức cấp tỉnh vào những năm 1990 và 2000, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch CMC dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2010 đến năm 2012. Tập đã đánh bóng uy tín của mình thông qua cái gọi là hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch CMC, vốn cho rằng chủ tịch là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong các quyết định quân sự quan trọng. Tập cũng đã dành nhiều thời gian hơn những người tiền nhiệm trong việc thanh tra các đơn vị quân đội và đã xuất bản một số chuyên luận quân sự mà các quân nhân bắt buộc phải đọc.

 

Loại bỏ các quan chức cấp cao tham nhũng hoặc có lòng trung thành chính trị đáng ngờ (hoặc cả hai) là nhiệm vụ chính của Tập kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch CMC vào năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã nhắm vào ít nhất 45 quan chức quân sự cấp cao từ năm 2013 đến năm 2016, cũng như các quan chức quân đội đã nghỉ hưu như các cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Kể từ đó, các cuộc điều tra chống tham nhũng đã trở nên thưa dần, thúc đẩy quan điểm rằng những nỗ lực thanh lọc nội bộ ban đầu của Tập phần lớn đã thành công. Tập vẫn can dự vào các cuộc bổ nhiệm trong quân đội, được cho là người nắm quyền thăng cấp tính từ cấp cao xuống đến cấp thiếu tướng. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm ngoái, Tập đã chọn một nhóm quan chức mới cho CMC, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lý. Những người được chọn được cho là đáng tin cậy, có năng lực, và trung thành.

 

Những vụ biến mất này càng gây bất ngờ vì chức vụ mà các sĩ quan này đảm nhiệm. Quân chủng Tên lửa chịu trách nhiệm về lực lượng ICBM của Trung Quốc và do đó là lực lượng nhạy cảm nhất của PLA. Tòa án quân đội là một bộ phận của bộ máy kiểm soát nội bộ trong quân đội, và giống như bất kỳ hệ thống tư pháp quân sự nào, nó đòi hỏi ban lãnh đạo phải là người trong sạch để thực hiện nhiệm vụ của mình. Bộ trưởng Quốc phòng là một trong sáu sĩ quan quân đội là thành viên của CMC và là nhà ngoại giao quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc, quản lý các mối quan hệ với quân đội Nga và các lực lượng khác. Vì lẽ đó, các ứng viên cho từng vị trí này đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt nhất có thể và phải được đích thân Tập chấp thuận. Việc ông không đảm bảo tuân thủ quy trình tuyển dụng cho các vị trí quan trọng này đã đặt ra câu hỏi về sự thành công của ông trong việc quản lý quân đội.

 

THOẢ THUẬN NGẦM

 

Những vụ biến mất này cũng cho thấy Tập Cận Bình không thực sự nắm toàn quyền kiểm soát PLA như chúng ta nghĩ. Chúng cũng phản ánh cấu trúc cơ bản của quan hệ dân sự-quân sự ở Trung Quốc, giúp giải thích tại sao các trường hợp tham nhũng và quản lý kém vẫn có thể tiếp diễn ngay cả ở những bộ phận rất nhạy cảm của PLA. Dù Tập tự khẳng định mình là một Chủ tịch CMC đầy quyền lực, nhưng về cơ bản, PLA vẫn là một tổ chức tự quản. Khác với quân đội phương Tây, quân đội Trung Quốc không chịu cơ chế kiềm chế đối trọng nào từ bên ngoài, chẳng hạn như sự giám sát của Quốc hội, cơ quan tư pháp độc lập, hoặc phóng viên điều tra. Hơn nữa, chỉ trừ vài ngoại lệ, Tập đã không đưa các trợ lý thân cận từng làm việc cùng ông trong suốt sự nghiệp vào hàng ngũ quân đội – điểm này khác với hệ thống của Mỹ, nơi các tổng thống đã xây dựng bộ máy quân đội từ những người trung thành về chính trị.

 

PLA vốn đã luôn tách biệt, nhưng họ đã đạt được mức độ tự chủ đặc biệt cao trong giai đoạn 1980. Một thập niên trước đó, dưới thời Mao, PLA đã tham gia sâu vào việc điều hành đất nước và các sĩ quan cấp cao trong quân đội đã nắm giữ các vị trí hàng đầu trong đảng. Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình ưa thích các nhà kỹ trị dân sự hơn và đã ra lệnh cho PLA quay trở lại doanh trại, nơi họ chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội. Ông cũng yêu cầu họ thực hiện điều này với nguồn ngân sách eo hẹp (quân đội là bước cuối cùng trong “bốn hiện đại hóa” của ông). Thoả thuận ngầm ở đây là PLA sẽ được tự do hoạt động theo ý mình nếu họ chấp nhận sự cai trị của đảng và không trở thành một mối đe dọa; các nhà lãnh đạo dân sự đã đồng ý trao cho quân đội quyền tự quyết rộng rãi trong hệ thống. Đặng cũng cho phép PLA vận hành nhiều đế chế kinh doanh, dẫn đến những vụ án khét tiếng hồi thập niên 1990, khi các nhân viên thu mua của quân đội đã nhập khẩu và bán xe hơi hạng sang. Những người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã gặp khó khăn lớn trong việc thuyết phục PLA rút khỏi những hoạt động kinh doanh như vậy.

 

Tập đã khuyến khích PLA trở nên trong sạch và chuyên nghiệp hơn, tiếp tục đường lối của những người tiền nhiệm. Trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt năm 2014 tại Cổ Điền, địa điểm diễn ra hội nghị nổi tiếng năm 1929, trong đó thiết lập nguyên tắc “đảng chỉ huy quân đội,” Tập đã khuyến khích tính kỷ luật trong các sĩ quan PLA, những người mà ông cáo buộc đã “quá lơ là” trong nhiệm vụ của họ và quá tập trung vào việc đề cao cá nhân hơn là trách nhiệm nghề nghiệp “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến.” Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, Tập đã tổ chức lại bộ máy quân đội để thúc đẩy quản lý tốt hơn, bao gồm việc trao thêm quyền cho các kiểm toán viên tài chính và thanh tra chống hối lộ. Tuy nhiên, Tập đã không thay đổi thỏa thuận giữa Đặng và quân đội. Ông vẫn cho phép PLA tiếp tục tự quản mà không có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng bên ngoài. Vương Kỳ Sơn, người giám sát các cuộc thanh trừng chống tham nhũng trong bộ máy dân sự, không có thẩm quyền làm điều tương tự trong quân đội (trớ trêu thay, các thành viên quân đội lại góp mặt trong cơ quan giám sát các cuộc điều tra dân sự).

 

Lý do chính cho quyền tự chủ này là Tập Cận Bình cần giành được và duy trì sự ủng hộ từ PLA. Dù quyết tâm loại bỏ tận gốc mạng lưới các sĩ quan tham nhũng và có khả năng không trung thành, ông vẫn cần sự hỗ trợ từ giới lãnh đạo quân đội để củng cố quyền lực của mình và để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu quân đội ở quy mô lớn nhất kể từ những năm 1950. Sự thay đổi đó bao gồm việc cắt giảm 300.000 nhân sự và giảm tỷ lệ lực lượng mặt đất có ảnh hưởng chính trị từ hơn 2/3 xuống còn chưa đến 1/2 lực lượng. Sự phản kháng từ bộ máy đã ngăn cản Giang và Hồ thực hiện các kế hoạch cải cách quân sự đầy tham vọng tương tự, nhưng Tập có thể làm được những cải cách như vậy vì ông đã nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo quân đội và cho phép PLA gần như không chịu sự giám sát từ bên ngoài. Ngoài ra, còn một “củ cà rốt” khác. Tập đã tuân theo các quy định về thăng chức và nghỉ hưu đã tồn tại từ lâu, tìm kiếm vị trí mới cho các quan chức cấp cao bị thay thế trong quá trình tái tổ chức quân đội, và cho phép họ thực hiện nhiệm kỳ của mình với đầy đủ phúc lợi.

 

Việc giám sát lỏng lẻo PLA đi đôi với việc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng. Từ năm 2012 đến năm 2022, chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 670 tỷ lên 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 106 tỷ lên 230 tỷ USD). Khoảng 40% trong số này được phân bổ cho ngân sách mua sắm, theo đó được dùng vào các hạng mục tốn kém như tàu sân bay, hiện đại hóa máy bay chiến đấu, và mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Những cá nhân như lãnh đạo Quân chủng Tên lửa, Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị, và những người chịu trách nhiệm giám sát đều có khả năng thu lợi. Họ có phương tiện, động cơ và cơ hội để thu lợi cá nhân, bất chấp những lời lẽ của Tập về chống tham nhũng và chuyên nghiệp hóa.

 

KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

 

Việc hiểu những cuộc thanh trừng gần đây qua lăng kính quan hệ quân sự-dân sự độc đáo của Trung Quốc sẽ cho thấy khả năng quản lý bộ máy quân đội đang suy yếu của Tập Cận Bình. Nó cũng giúp giải thích tại sao những trường hợp tham nhũng vẫn tồn tại suốt một thập niên kể từ khi Tập lên nắm quyền và ở những vị trí nhạy cảm. Lợi ích chính trị của Tập khi trao cho PLA quyền tự chủ cũng có thể giúp giải thích các trường hợp đáng ngạc nhiên khác, trong đó quân đội dường như hoạt động ngoài giới hạn kiểm soát dân sự. Ví dụ là các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng gây tranh cãi ở khu vực Doklam của Bhutan, vốn gây ra khủng hoảng ngoại giao với Ấn Độ năm 2017 và có lẽ cũng gây bất ngờ cho giới lãnh đạo Trung Quốc; hoặc sự cố khinh khí cầu do thám hồi tháng 2 cũng có thể cho thấy PLA đã tiến hành các chương trình bí mật mà không có sự giám sát hoặc phối hợp. Ở một số khía cạnh, PLA vẫn duy trì cái mà nhà khoa học chính trị Andrew Scobell gọi là bề ngoài “nổi loạn” (roguish outfit) – ít có khả năng tiến hành đảo chính nhưng cũng không được giám sát đầy đủ.

 

Sự mất niềm tin rõ ràng vào một số lãnh đạo hàng đầu của PLA đã đặt ra những câu hỏi mới – đối với các nhà quan sát bên ngoài, về bản thân Tập và cả những quan chức dân sự khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ – về mức độ tham nhũng của hệ thống mua sắm thiết bị, và liệu quân đội còn đang che giấu điều gì về chi tiêu và hoạt động của mình. Bên cạnh nền kinh tế đang suy thoái, các vấn đề về quản lý yếu kém trong PLA có thể sẽ đòi hỏi Tập phải dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn.

 

Sự thiếu tin tưởng vào quân đội nhiều khả năng cũng tác động đến những cân nhắc của đảng về việc sử dụng vũ lực trong thời gian tới. Xét đến kinh nghiệm của ông, Tập Cận Bình có lẽ nhận thức được rằng PLA là một tổ chức dễ xảy ra bê bối và khó kiểm soát, bất chấp những nỗ lực tuyên truyền và các chiến dịch chống tham nhũng định kỳ. Những vụ việc gần đây chỉ làm tăng thêm nghi ngờ rằng PLA có thể đang che giấu những khiếm khuyết khác, bao gồm cả thông tin về những thiết bị quan trọng được mua trong 10 năm qua. Điều này cuối cùng có thể tác động đến sự sẵn sàng của quân đội, hoặc chí ít là nhận thức của giới tinh hoa dân sự về khả năng và độ tin cậy của các lực lượng này trong một cuộc xung đột. Họ sẽ phải đặt câu hỏi điều gì có thể xảy ra nếu PLA được yêu cầu hành động vượt khỏi những màn phô trương sức mạnh mang tính biểu tượng, chẳng hạn như gửi máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan và tham gia vào một cuộc xung đột thực sự chống lại một kẻ thù có năng lực. Những lo ngại như vậy sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mà Tập và Thường vụ Bộ Chính trị đưa ra về việc có nên tham gia xung đột với Mỹ và Đài Loan ngay từ đầu hay không.

 

Tập có thể nhận công lao vì đã xây dựng một quân đội hùng mạnh trong thời bình, đặt ra những thách thức không thể phủ nhận đối với Đài Loan và các đối thủ khác trong khu vực. Nhưng chính vì ông cần sự ủng hộ về thể chế từ PLA, nên ông đã do dự trong việc làm đảo lộn guồng máy của quân đội. Hiểu biết của Tập về tính bí mật và sự quản lý yếu kém đã ăn sâu trong bộ máy của PLA có thể khiến ông nghi ngờ khả năng hoạt động của lực lượng này trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột. Trong khi người Mỹ lo lắng tìm kiếm cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc, thì biện pháp kiềm chế tối quan trọng có thể nằm ở ngay bên trong nước này.

 

-----------------

Joel Wuthnow là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ. Các quan điểm trong bài viết là quan điểm cá nhân của ông.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats